Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

5



Nói cho công bằng thì hồi ở trong nhà của bà nhà văn, tôi cũng từng phải chịu đựng một “thảm họa”. Vâng, vâng, bao giờ cũng thế – tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bạn có thể nằm ườn trên giường, nghỉ ngơi khoan khoái mà không hề biết rằng chỉ sau 5 – 10 phút nữa thôi, tai họa sẽ ập đến. Chẳng trách gì người ta thường nói, trước khi bão tố nổi lên, bao giờ cũng có một khoảng thời gian trời quang gió lặng.
 
Tai họa cũng vậy, rất ít khi được báo trước. Giờ đây, nếu trong tư cách chó dẫn đường, tôi bị sa thải hay cho nghỉ hưu, chắc chắn tôi sẽ đến gõ cửa Bộ Các tình huống khẩn cấp xin làm việc trong các đội cứu hộ. Có thể tôi sẽ không làm chó cứu hộ mà sẽ chỉ làm huấn luyện viên – tôi sẽ tham gia huấn luyện, kèm cặp đám chó con. Hẳn các bạn không thể hình dung nổi là vào ngày hôm ấy, chuyện gì đã xảy ra với tôi. Toàn chuyện dở cười dở khóc!
 
Tôi nằm và ngẫm nghĩ sự đời. Bỗng nghe tiếng cô nàng Kisulia kêu gào ở đâu đó. Vâng, kêu gào thực sự chứ không phải “meo meo” như những lúc bình thường. Con người có thể không phân biệt được tiếng “meo meo” bình thường với tiếng khóc của loài mèo, nhưng tôi thì lại có thể xác định rành rọt hai âm sắc ấy. Chẳng hạn, nếu nghe tiếng chó tru, các bạn có thể biết được ngay đó là tiếng kêu ai oán chứ không phải tiếng sủa bình thường. Quan trọng nhất là phải biết lắng nghe. Thế đấy. Tôi lắng nghe và cảm nhận được rằng đang có chuyện gì đó nghiêm trọng xảy ra với Miu con.
 
– Cứu tôi với, – nàng Kisulia của chúng ta kêu lên, – cứu tôi với, mọi người ơi! Đưa tôi xuống với. Ôi, ôi, ôi!
 
Có chuyện rồi! Tôi vùng dậy, nhìn ra cửa sổ, thấy cô nàng ngốc nghếch này đã trèo lên tuốt ngọn cây, chân bám chặt vào một cành cây nhỏ xíu, đong đưa, đong đưa theo gió. Tôi xém té xỉu – cô nàng mà rớt xuống thì xương xẩu nát nhừ chứ chẳng chơi. Mặc dù người ta thường nói, loài mèo biết cách rơi không đau, bốn chân luôn chạm đất trước, nhưng rơi từ độ cao này thì nguy hiểm quá, mà cô nàng Kisulia của chúng ta lại là tiểu thư thứ thiệt chứ có được bao nhiêu năng khiếu của nghệ sĩ nhào lộn? Ôi, ôi ôi! Phải cứu cô mèo điên này thôi.
 
“Sao bạn lại leo tuốt lên đó? Bạn để quên cái gì trên đó à”, – tôi kêu thầm trong bụng.
 
Hai người phụ nữ đang ngồi chơi trong nhà vẫn bình thản như thường. Tôi hiểu rằng họ chẳng nghe thấy tiếng nàng Miu con đang kêu lên sợ hãi. Phải làm gì trong những trường hợp như thế này? Tôi đặt hai chân trước lên bậu cửa sổ và sủa to hết cỡ. Bà khách hoảng sợ đến mức suýt té khỏi ghế ngồi.
 
– Trison! – Bà Anna kêu lên. – Làm sao vậy? Muốn ra ngoài phải không?
 
– Gâu, gâu! – Tôi trả lời, giọng có hạ xuống đôi chút, nhưng mắt vẫn nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ.
 
– Bình tĩnh nào, anh bạn, – bà Anna dịu giọng, – chờ chút xíu, mẹ với cô Vika nói chuyện xong rồi mình đi dạo. Ráng chịu đựng một chút nhé.
 
“Trời, dạo với chẳng diếc cái nỗi gì mẹ Anna ơi, hãy lắng tai mà nghe con Kisulia của mẹ đang la làng trên ngọn cây kia kìa. Đứng lên đi, đứng lên đi! Gâu, gâu! Mau mau đi ra ngoài sân mà trông kìa!”.
 
Thấy hai người phụ nữ chẳng có phản ứng gì, tôi tru lên như chó sói:
 
– Gu gu gu gu gu gu gu!
 
– Ôi, lạy Chúa tôi, – mẹ Anna của tôi than.
 
– Nó nhìn thấy điều gì đó bất thường đấy, – bà Vika tỏ ra bồn chồn và tiến lại gần bên cửa sổ.
 
“Mở đi, mở cửa sổ ra đi, – tôi thầm van xin bà khách.
 
– Mở ra đi rồi bà sẽ hiểu ra ngay tại sao tôi lại sủa ầm lên như thế”.
 
Và các bạn nghĩ thế nào? Không, đừng nghĩ rằng tôi ghét bỏ gì loài mèo. Đừng gọi tôi là kẻ căm thù mèo. Nhưng thật lòng mà nói, lũ mèo nhiều khi ngu ngốc đến tệ hại! Xin lỗi, nhưng cái con… con mèo ngốc Kisulia ấy bỗng dưng câm bặt. Các bạn thử nghĩ xem loài mèo liệu có tí óc nào trong đầu hay không? Bà Vika mở cửa sổ ra, tôi như một thằng ngốc leo hẳn lên bậu cửa sổ, còn cô nàng ưa leo trèo của chúng ta thì vẫn câm như hến. Có tức không cơ chứ!
 
“Trời ơi, làm sao thế này! Nào, Kisulia yêu quý, hãy cất tiếng kêu lên đi chứ, kêu lên đi, trong khi cửa sổ vẫn còn đang mở! Tại sao đúng vào thời điểm cần thiết mà mày lại ngậm miệng, im thin thít như thế? Đúng là đồ mèo ngu xuẩn!”
 
Đương nhiên là Kisulia không nghe thấy lời trách móc, van xin thầm lặng của tôi. Hay là do sợ quá, cô nàng bị cấm khẩu mất rồi? Bà Vika nhìn ra ngoài một lúc rồi khép cửa sổ lại, cài then móc. Đúng lúc đó, nàng diễn viên xiếc của chúng ta lại kêu lên thảm thiết. Như người ta thường nói, sự đời không bao giờ diễn ra theo ý ta. Tôi không còn biết làm gì khác hơn là rên lên ư ử và chạy như cuồng trong cái khoảng trống giữa cửa sổ và cửa ra vào. Cuối cùng thì hai người phụ nữ cũng hiểu ra đã xảy ra chuyện gì đó không bình thường.
 
– Đi nào, đi ra ngoài sân, – bà Anna đề nghị và nói thêm: – Vika, làm ơn gọi anh Konstantin đi theo luôn.
 
Vừa thoát được ra ngoài, tôi phóng vội đến gốc cây trong sân và sủa toáng lên.
 
– Ối mẹ ơi! – Ông Konstantin Alexandrovich thốt kêu sau khi ngước mắt nhìn lên ngọn cây và trông thấy Kisulia trên đó. – Màn ảo thuật kiểu gì thế này!
 
– Có chuyện gì thế? – Bà Anna hoảng sợ. – Chuyện gì đã xảy ra vậy?
 
– Bình tĩnh, Anna, hãy bình tĩnh, – giọng bà Vika cũng trở nên run run, – con mèo trèo lên tuốt ngọn cây và không biết cách leo xuống.
 
– Con mèo Kisulia của chúng ta ư?
 
– Chứ còn ai vào đó nữa? – Ông Konstantin Alexandrovich bực tức nhổ nước bọt. – Nó leo lên trên ấy để làm gì không biết nữa…
 
– À, ra thế, – bà Anna Ygorevna thở ra. – Có nguy hiểm lắm không? Có thể đưa nó xuống được không?
 
– Để thử xem sao, – người đàn ông duy nhất trong nhà trả lời rồi ra lệnh: – Bây giờ thế này, các bà cứ ở đây trông chừng, tôi đi kiếm cái thang. Còn Trison thì im đi, đừng sủa váng lên thế, coi chừng kẻo làm Kisulia rối trí quá rồi rơi xuống đất mất đấy.
 
“Ô hay, bây giờ thì tôi còn phải sủa để làm gì nữa cơ chứ? – Tôi ấm ức nghĩ thầm. – Mọi người đều thấy đấy. Bây giờ tôi còn thiết gì sủa nữa”.
 
Ông Konstantin Alexandrovich trở lại với một chiếc thang, đặt nó tựa vào thân cây và bắt đầu thử leo lên. Nhưng nào có được. Thân cây mảnh mai quá, cứ oặt ẹo khiến cái thang chỉ chực đổ kềnh.
 
– Ây zà, – ông chủ gãi gáy, – phải làm sao bây giờ? Á à…. Thế này, thế này…
 
Ông ấy lại chạy đi đâu đó, nhoáng sau mang đến một tấm drap trải giường và yêu cầu hai người phụ nữ căng bốn góc ra, khiến tấm vải trông như mành lưới đỡ, chuyên dành cho diễn viên nhào lộn trên không ở trong rạp xiếc.
 
– Đứng cho yên, không được xê dịch vị trí, – “chuyên gia cứu hộ” ra lệnh. – Bây giờ tôi sẽ rung lắc thân cây.
 
– Ối, – bà Anna kêu lên, – em sợ lắm.
 
– Đừng sợ, em yêu dấu, – ông Konstantin Alexandrovich khua khua bàn tay, cứ như bà Anna có thể nhìn thấy cử chỉ ấy của ông. – Đứng thật yên, đừng nhúc nhích. Giữ tấm vải cho thật chặt.
 
Ông Konstantin Alexandrovich bắt đầu rung nhẹ thân cây. Bà Vika hai tay bấu chặt vào tấm vải, nhắm nghiền mắt lại, cứ như thể bà ấy sắp bị tùng xẻo đến nơi.
 
– Lạy Chúa tôi, – bà Anna Ygorevna thì thào rồi hỏi bà bạn: – Chuyện tới đâu rồi, hở Vika?
 
Bà Vika mở mắt ra, nhìn lên cô nàng “diễn viên xiếc”
 
rồi trả lời cũng bằng giọng thì thào:
 
– Chưa tới đâu cả. Hiện con mèo đang sợ hãi lắm. Trong 10 phút tiếp theo, kết quả thu được chỉ là số không. Ông Konstantin Alexandrovich rung lắc thân cây đến vã mồ hôi, vậy mà Kisulia vẫn không chịu rớt xuống. Thật đến khổ với cô nàng đỏng đảnh này. Tôi không mở miệng sủa tiếng nào nữa, chỉ đứng yên một bên theo dõi mọi chuyện.
 
“Lạ thật đấy, nó leo lên trên ấy để làm gì nhỉ? – Tôi nghĩ bụng. – Có lẽ là để vồ con chim nào đó. Tôi đã khối lần trông thấy nó tìm cách chứng tỏ mình là một tay thợ săn thiện nghệ. Để có thể vồ mấy con chim sẻ, nó bò trườn, rồi nằm im trên bãi cỏ, giấu mình trong những búi cỏ rậm, cụp hai tai lại, làm như thể muốn tỏ ra ta đây không phải mèo thường đâu nhé, mà là sơn miêu thứ thiệt đó. Thật nhố nhăng hết biết! Còn lũ chim sẻ thì luôn luôn chứng minh được rằng Kisulia chỉ là đồ ngốc. Chắc do cáu quá nên mới leo lên cây để bắt chim trên đó chứ gì. Ngu ngốc đến thế là cùng! Rõ ràng là do nàng thợ săn này vụng về quá nên lũ chim sẻ đã ‘vẫy cánh chào’ ráo trọi, để lại ‘ông kẹ sơn miêu’ này trơ khấc trên ngọn cây. Bây giờ thì mặc sức mà la làng nhé”.
 
Bỗng xuất hiện thêm một “phụ tá”. Đó chính là cô bé Masha. Vừa nhìn thấy Kisulia trên ngọn cây, Masha lập tức òa khóc.
 
– Lại còn chuyện gì nữa đây? – Ông bố đổ quạu. – Khóc cái gì mà khóc?
 
– Bố ơi, ai đưa nó lên trên ấy thế? – Masha mếu máo hỏi rồi đưa tay quệt mắt.
 
– Gió đưa nó lên trên ấy đấy, – ông bố bật cười.
 
– Gió lốc hả? – Cô bé trợn tròn đôi mắt hãy còn ướt đẫm.
 
– Ừ, một cơn cuồng phong, được chưa, – ông bố gật đầu rồi bổ sung: – kèm cả sóng thần nữa.
 
– Bố! Con hỏi nghiêm túc mà. – Masha giậm chân đành đạch. – Vậy mà bố cứ đùa cợt hoài à.
 
– Masha, – bố lại gần, cầm lấy tay con gái, – bố yêu cầu con rời khỏi “khán đài” này ngay. Đi vào nhà đi con.
 
– Tại sao con lại phải đi vào nhà, khi mà cả nhà đang tụ tập ở đây? – Cô bé phụng phịu.
 
– Thôi được rồi, – ông bố đấu dịu, – vậy thì không được nhõng nhẽo, gào khóc nữa. Chịu không nào?
 
– Nhưng con có gào khóc đâu hở bố! Chẳng lẽ bố không biết sao, nước mắt thỉnh thoảng nó cứ tự trào ra đấy chứ.
 
– Vậy thì ổn rồi, cứ đứng yên đó. Ờ, hình như tôi đã nghĩ ra được một kế…
 
– Con sẽ im lặng, im lặng mà, – Masha vội trả lời rồi hỏi khẽ: – Mọi người sẽ cứu được Kisulia chứ?
 
– Cứu được, chắc chắn sẽ cứu được! – Ông bố tươi tỉnh trả lời rồi nhíu mày nói: – Có điều bố chỉ yêu cầu con một điều, Masha à, là hãy đứng cho thật yên.
 
– Con sẽ câm như hến! – Masha thốt lên, hệt như giọng của mẹ. Tôi đã không ít lần nghe bà Anna Ygorevna hứa với chồng là sẽ “câm như hến”.
 
Sự im lặng khó chịu kéo dài khá lâu. Và rồi linh tính đã không đánh lừa tôi.
 
– Làm sao bây giờ đây, Trison? – Ông Konstantin Alexandrovich bỗng quay sang hỏi tôi. – Chắc chú mày phải leo lên cây thôi…
 
“Ây zà! Vụ này mới à nha! Xin người đồng chí hiểu cho, tôi chỉ là chó dẫn đường. Tôi chưa từng làm việc trong rạp xiếc, chưa từng trèo thang, chưa từng được dạy các kỹ năng cứu hộ. Bây giờ mọi người muốn gì ở tôi đây?”.
 
– Thực hiện được nhiệm vụ này chứ? – Ông chủ hỏi.
 
“Tôi không biết phải trả lời sao nữa. Nếu tôi cũng bị mắc kẹt ở trên ấy thì sao? Mọi người sẽ phải làm sao? Không, tôi không từ chối bất cứ nhiệm vụ nào. Chỉ có điều là tôi cần phải suy tính cách thực hiện. Đối với người mà tôi bảo bọc, tôi sẵn sàng đánh đổi mạng sống để cứu người ấy. Tôi sẽ bảo vệ người ấy cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng tôi làm sao có thể hi sinh thân mình chỉ vì một con mèo ngu ngốc. Có thể, các bạn cũng sẽ thương hại cho tôi chứ?”
 
– Nào, bạn thân mến, – ông Konstantin Alexandrovich khuyến khích tôi và dẫn tôi đến bên chiếc thang, – hãy leo lên thật cẩn thận nhé, và hãy cố gắng đưa cho được con mèo ngốc ấy xuống.
 
Biết làm sao được nữa? Tôi đã được dạy là phải tuân theo mệnh lệnh của con người. Không được phép trái lệnh. Mà tôi cũng không muốn bị mang tiếng là đồ hèn nhát. Tiếng nhục để đời chứ đâu phải đùa! Người ta sẽ nói thẳng vào mũi: trông kìa, thế mà cũng gọi là hậu duệ của nòi chó Labrador dũng cảm cơ đấy – có mỗi cái thang cũng chẳng dám leo. Không! Việc gì cần làm, nhất thiết tôi sẽ thực hiện. Nếu có mệnh hệ gì thì xin vĩnh biệt mọi người. Nguy hiểm cực kỳ, nhưng tôi không thể làm hổ danh nòi giống anh dũng của mình. Tôi hít vào một hơi thật sâu rồi bắt đầu leo lên cái thang đang kẽo kẹt thấy ớn đó. Tôi tự trấn tĩnh mình. Phải nói là đáng sợ đến mức kinh hoàng. Tôi leo từng bậc một, trong khi thân cây đong đưa, Kisulia thì kêu réo. Tôi xin tiết lộ: lúc đó, chân tôi run lẩy bẩy, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, lưỡi thụt đi đâu mất, còn cổ họng thì khô đắng.
 
“Thế là hết! – Tôi nghĩ bụng – Ngày tận số của mình đã đến. Người ta đã đưa mình vào cõi chết”.
 
Leo được vài bậc thang, tôi đưa mắt nhìn thoáng xuống bên dưới. Nghẹt thở. Tôi chưa bao giờ leo cao đến như thế, kể cả trong thời gian được huấn luyện ở trường dạy chó. Dĩ nhiên rồi, ai mà có thể ngờ được rằng trong khi thực hiện nhiệm vụ chó dẫn đường, tôi lại phải trèo lên thang.
 
Tôi lại nghĩ bụng: “Này, Kisulia, nếu trời cho tao cứu được mày một cách êm thấm thì rồi mày sẽ biết tay tao; những lúc không có ai ở nhà, tao sẽ cho mày nhừ đòn. Tao sẽ cho mày làm diễn viên xiếc nhào lộn, cho mày đi tàu lượn, rồi mày sẽ được bay khắp nhà như đứa dở dại”.
 
Tôi không để ý thấy rằng mình đã leo lên được khoảng nửa thân chiếc thang. Chỉ vài bậc nữa thôi là có thể tóm lấy gáy con mèo đần ấy. Nhưng điều quan trọng nhất là làm sao tóm được nó mà bản thân mình không bị té lộn cổ. Bên dưới có tấm vải đang được căng ra thật đấy, nhưng mà xa quá và dường như nhỏ quá, đến mức tưởng rằng mình có thể rớt ra ngoài mất thôi.
 
– Nào, cố lên, cố lên, Trison yêu quý, – ông chủ động viên tôi, – cố lên anh bạn nhỏ, chỉ còn chút xíu nữa thôi.
 
“Được rồi mà, tôi đang cố đây. – Bụng tôi nghĩ thế, nhưng miệng chỉ phát ra được những âm thanh ư ử rất tội nghiệp. – Hừ, các người tìm ra được một nhân viên cứu hộ kỳ tài…”
 
Khi lên được ngang với tầm của con mèo ngu ngốc, tôi ghé sát mõm vào mặt nó, hỏi khẽ:
 
– Cậu có óc trong đầu hay không đấy? Cậu leo lên đây làm gì?
 
– Meo, meo, – Kisulia rên rỉ, toàn thân run như cầy sấy. Tôi vươn mình về phía con mèo để chộp lấy nó. Vậy mà cái “kỳ quái quan thế giới” ấy lại quay sang bảo tôi:
 
– Tsh, tsh, tsh, tsh! Chớ có động vào tớ!
 
– Nếu không động vào thì làm sao tớ có thể đưa cậu xuống đất? – Tôi hỏi và bắt đầu nổi cáu. – Cậu có óc trong đầu không đấy?
 
– Tsh, tsh, tsh, tsh! – Kisulia lặp lại.
 
Còn ở bên dưới thì mọi người kêu lên:
 
– Tóm lấy nó, Trison, tóm lấy!
 
– Cứ thử động vào mình tớ mà xem, – Kisulia dọa, – rồi tớ sẽ cào cho mà nát mặt đấy.
 
“Trời ơi, biết làm gì với con mèo điên này đây hở trời,
 
– tôi suýt bật khóc. – Sao trời cứ hành tội tôi phải khổ với con mèo chết tiệt này thế này…”.
 
Lúc này quả thực tôi điên tiết lắm rồi.
 
– Này, biết không, cô bạn “thân mếu”, – tôi gào lên. – Nếu cậu không muốn rời cái cành cây khốn kiếp ấy, tớ sẽ bẻ gãy nó và chúng ta sẽ cùng rơi xuống đất. Kết cục thế nào cũng mặc đấy nhé.
 
– Ôi, Trison thân mến, meo, meo. – Kilusia rên rỉ. – Tớ sợ lắm, tớ sợ lắm!
 
– Bộ cậu tưởng tớ không sợ à? – Tôi cáu. – Nhưng rốt cuộc phải làm cái gì đó chứ. Hay là cậu định sống suốt đời trên cái cây này. Nào, buông cành cây ra, nhảy lên vai tớ và giữ thật chặt.
 
– Tớ không thể làm thế được đâu. Tớ không thể. Dễ sợ lắm!
 
Đúng lúc đó, chiếc thang bỗng “rùng mình” rồi đầu thang “lượn” nửa vòng quanh thân cây đang đong đưa kẽo kẹt. Tôi không nhớ mọi chuyện đã xảy ra như thế nào, chỉ biết rằng như một phản xạ tự nhiên, tôi ngoạm răng và đu hai chân trước vào cành cây mà Kisulia đang bám chặt trên đó. Rắc, rắc, rắc… Cành cây gãy lìa khỏi
 
thân và tôi có cảm tưởng như mình là một nhà du hành vũ trụ đang ở vào trạng thái không trọng lực – chúng tôi đang rơi tự do. Thế rồi bỗng tôi cảm thấy đau nhói. Tôi cứ nghĩ là thôi rồi, thế là đi đời nhà ma – đau đến mức mắt tôi bỗng tối sầm. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang ở trong nhà. Thì ra, trước khi “tiếp đất”, nghĩa là rơi xuống tấm vải nâng, chân tôi bị vướng vào một nhánh cây khô đã gãy nhưng phần còn lại vẫn còn chìa ra từ thân cây. Vết thương rất nặng.
 
Bác sĩ thú y đến, đắp lên cái chân bị thương của tôi một mớ bông gạc lằng nhằng gì đó rồi dùng băng bó chặt lại, tiêm cho một mũi thuốc đau buốt đến tận óc và lệnh cho tôi phải nằm thật yên. Ông ấy buồn cười thật. Tôi còn cử động gì được mà chẳng nằm yên? Tôi nhanh chóng ngủ thiếp đi.
 
Tôi tỉnh dậy bởi cảm thấy cái gì đó âm ấm bên mình. Mở mắt ra và không tin được: “kỳ quái quan thế giới” đang ngủ bên cạnh tôi và mỗi lần duỗi chân là cứ như đạp vào mặt tôi. Cô nàng vừa ngủ vừa rên rỉ một cách khoan khoái, tiếng rên vang khắp cả phòng, cứ như người ta hát vào dịp lễ. Tôi chẳng thèm lên tiếng, nhắm mắt lại, ngủ tiếp. Ngủ lim dim, nhưng tôi vẫn nghe cô nàng vừa ngáy vừa lẩm bẩm:
 
– Mrrrrrrr. Ch… ch… cho tttttớ xin lỗi nhé. Caaaa… ảm ơn nhiều, aaaaanh bạn ạ. Caaaa… ảm ơn nhaaa, Trrrrrison.
 
– Ôi dào, chỉ được cái giỏi nịnh, – tôi làu bàu rồi ngủ tiếp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.