Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

7



Tôi thật vô cùng sung sướng khi được kể về những phẩm chất tốt đẹp khó bì của giống chó Labrador. Nhưng thôi, bay mãi trên mây xanh rồi cũng có lúc phải đáp xuống mặt đất. Khối người chẳng thiết gì biết đến những đặc tính quý báu ấy của chó Labrador. Dù có là vua của loài bò đi nữa thì cũng chỉ đáng giá vài tạ thịt mà thôi. Bây giờ xin mời các bạn nghe tiếp câu chuyện của đời tôi.
 
Một lần, tôi và bà Polina lọt vào tầng hầm bỏ hoang của một tòa nhà 5 tầng cũ kỹ. Không phải là tôi tự ý dắt bà ấy xuống đó mà chính bà ấy yêu cầu tôi dẫn đường xuống cái tầng hầm chết tiệt ấy. Tôi đoán ra ngay: bạn bè của bà ấy đang tổ chức nhậu “hợp tác xã” ở dưới đó. Quả nhiên, khi vừa xuống đến nơi, tôi nhìn thấy trên trần có một bóng đèn tròn vàng vọt, ngay chính giữa căn hầm có một cái thùng rỗng lật úp, trên đó có mấy chai rượu với các loại mồi nhậu bình dân: cá ướp muối, đồ hộp, cà chua, dưa chuột và mấy thứ linh tinh khác. Chỉ có một cái ly cho tất cả mọi người. Cuộc nhậu vừa mới bắt đầu. Tôi nhìn bà Polina Foteevna và nghĩ: “Bà già ơi, nốc vừa vừa thôi, chứ nếu xảy chuyện, tôi không kéo nổi bà lên khỏi cái boong-ke này đâu”. Nhưng bà ấy tỏ ra chẳng kém cạnh gì cánh mày râu. Bà ấy đẩy vào hết ly này đến ly khác, cứ gọi là tì tì. Sau vài tua rượu, bắt đầu đến màn ca hát của những con người chuếnh choáng hơi men. Dĩ nhiên chẳng bè chẳng phách gì cả. Mạnh ai nấy rống. Lắm khi có đến ba bài hát khác nhau được “diễn ca” trong cùng một lúc. Đầu tôi nhức điên vì cái dàn đồng ca hỗn tạp ấy. Nhưng biết làm sao được? Đành nằm xuống bên cạnh bà Polina, cố gắng chợp mắt chút vậy.
 
Bây giờ mới bắt đầu tấn tuồng hay ho nhất. Hốt nhiên một gã bợm râu ria xồm xoàm đứng phắt dậy nói với bà Polina Foteevna:
 
– Này bà Polina, hãy nói tôi nghe, việc đếch gì mà bà phải tha cái con chó chết tiệt này theo bên mình mọi lúc mọi nơi thế hử? Bà là…
 
– Sao lại “việc đếch gì”? – Một người đàn ông ngắt lời. – Đó là chó dẫn đường…
 
– Này, tôi không hỏi ông đâu nhé! – Gã râu xồm nổi cáu. – Đừng có ngắt lời. Bà Polina, thế nào? Trước đây bà vẫn đi lại được với cây gậy mà chẳng sao cả. Sao bây giờ lại cần đến chó? Để làm đếch gì?
 
Bà Polina Foteevna húng hắng ho, lẩm bẩm điều gì đó rồi nói to:
 
– Việc gì đến ông? Nó làm phiền gì ông à? Hay là nó xơi mất mồi nhậu của ông? Bây giờ ông cần gì?
 
– Ồ không, nó chẳng làm gì phiền đến tôi cả, – gã râu xồm sượng sùng. – Hỏi cho biết vậy thôi. Bà cần nó để làm gì? Tự gánh lấy phiền toái vào mình, nào phải cho ăn, cho uống, tắm táp, chăm sóc, đủ thứ chuyện.
 
– Ông khỏi lo đi, – bà Polina phẩy tay, – mọi chuyện bình thường. Tôi gánh được.
 
Tôi nghĩ bụng: “Ái chà, bà Polina Foteevna, bà xạo vừa vừa chứ. Bà ‘gánh’ rất tồi. Nhưng việc gì đến lão kia nhỉ? Hắn khơi mào câu chuyện kỳ quặc này ra để làm gì? Thật chẳng ra làm sao cả…”.
 
Và tôi đã không lầm. Nạp thêm một tua chất cồn vào người, gã râu xồm đứng dậy nói to:
 
– Bà Polina, bán cho tôi con chó đực của bà đi!
 
– Ông làm sao thế, ông Grigory? Ông vừa bị té giếng à? – Bà Polina cười mỉa.
 
“Bà già khá thật!”, – tôi thoáng nghĩ, nhưng rồi lại phải thất vọng ngay lập tức.
 
– Đó không phải là chó của tôi! – Bà Polina nói gọn lỏn.
 
– Sao lại không phải chó của bà? – Lão Grigory suýt nghẹn vì bị bất ngờ. – Vậy nó là của ai? Bà suốt ngày đi chơi rông với nó mà.
 
“Đồ vô lại! Ăn với chả nói! Hừ, ‘chơi rông’! Gớm thật, hắn thấy người khác suốt ngày chỉ chơi rông. Tôi mà đeo cái băng đai của tôi vào cho ông để rồi xem ông ‘chơi rông’ như thế nào.”
 
– Nó hiện đang phục vụ tôi, híc… nghĩa là… híc, nó dẫn đường cho tôi, tránh vũng nước, tránh cột đèn, tránh tường, tránh đủ thứ, – bà già ngà ngà say rượu vừa nấc cụt vừa giải thích. – Ông hiểu chứ?
 
– Đếch hiểu được, – ông Grigory lắc lắc cái đầu. – Tôi chỉ hiểu là nó phục dịch…
 
“Thật bực khi nghe người ta bàn luận về mình như thế. Tôi ‘phục dịch’! Cứ làm như tôi là bồi bàn không bằng.”
 
– Bây giờ tôi hỏi đây, – gã râu xồm tiếp tục, – con chó này là của ai? Ai là chủ của nó? Không phải bà, vậy thì ai?
 
– Tôi đấy, – bà Polina khẳng định. – Chẳng phải tôi thì còn ai nữa?
 
– Bà ngoắt ngoéo vừa vừa thôi nhé! – Lão Grigory bực mình. – Khi thì nói “nó không phải của tôi”, lúc lại bảo “nó là của tôi”. Bà làm sao thế? Con chó này của ai? Nói mau!
 
– Làm gì mà ông dám quát tôi đấy, hử, – bà Polina vặc lại. – Mắc mớ gì ông phải làm ầm lên thế? Liệu hồn đấy, tôi mà ra lệnh một tiếng là Trison sẽ xé ông ra làm trăm mảnh. Ông có biết nó hung dữ đến cỡ nào không? Đừng thấy nó nằm im im vậy mà tưởng nó hèn. Nó có thể xả thịt ông chỉ trong nháy mắt thôi đấy.
 
“Ối, thôi đi bà Polina Foteevna ơi! Ai lại nói như thế về một con chó dẫn đường bao giờ.”
 
– Thôi đừng có mà bốc phét, – lão Grigory trề môi. – Tôi còn lạ gì giống chó Labrador. Chúng hiền chứ không hung dữ đến thế đâu.
 
– Hiền cũng tùy lúc tùy nơi, tùy thời tùy thế, – bà Polina vênh mặt lên. – Mới đây Trison đã cho gã quét sân ở khu vực nhà tôi phải đi nhà thương cấp cứu đấy.
 
“Má ơi! Sao bà ấy dám bịa đặt trắng trợn đến thế hở trời?!”
 
– Vì chuyện gì mà thằng cha ấy bị nó cho no đòn đến thế? – Một bạn nhậu của bà Polina nãy giờ ngồi im, bây giờ lên tiếng hỏi.
 
– Vì cái tội thô lỗ! – Bà Polina đáp tỉnh bơ.
 
– Tức là như thế nào?
 
– Tức là như thế này, – bà Polina búng lưỡi một tiếng thật giòn. – Tôi đã cảnh cáo rồi nhưng hắn không chịu nghe, không chịu hiểu, cứ vô tư chửi mắng tôi, tôi bèn ra lệnh: “Trison, ra đòn!”. Thế là xong. Bây giờ thì nằm trong bệnh viện, tha hồ mà chửi, mà mắng. Ông không tin à? Cứ hỏi ông Nikolai đi. Ông ấy là hàng xóm của gã quét sân đấy.
 
Ông Nikolai nãy giờ nằm dài ngủ gục bên cạnh cái thùng, nghe đến tên mình bỗng giật mình nhổm dậy, ngơ ngác hỏi:
 
– Gì thế? Có chuyện gì thế?
 
Mọi người cười lăn. Ông Grigory hỏi.
 
– Ê, Nikolai, có đúng là gã quét sân hàng xóm nhà ông phải đi bệnh viện cấp cứu không?
 
– Đúng thế, – ông Nikolai dụi mắt, gật đầu. – Mà sao cơ? Các anh định gọi lão ấy đến đây à? Nhưng mà lão ta không biết uống. Hình như lão ấy bị…
 
– Có điên mà gọi lão ấy đến đây à! – ông Grigory cắt ngang. – Kể nghe nào, nó “quất” lão ấy dữ lắm hả?
 
– Đúng thế, “quất” đến nơi đến chốn.
 
“Tôi chẳng hiểu gì cả. Bà Polina Foteevna đã bàn tính trước với ông Nikolai rồi hay sao vậy? Nói dối trơn tru cứ gọi là như bôi mỡ. Làm vậy để làm gì? Chỉ tổ người ta sẽ coi tôi là đồ khát máu. Thật lạ lùng ghê!”
 
– Thế mới gọi là chó! – Ông Grigory huýt gió một tiếng dài vừa như thán phục, vừa như kinh ngạc. – Hóa ra nó cũng nguy hiểm ghê đấy chứ nhỉ.
 
– Ồ, không phải thế, – ông Nikolai phẩy tay. – Nó mà nguy hiểm mẹ gì đâu. Chẳng qua lão Ignatych quen thói hồ đồ của dân quét rác, cứ sấn tới làm càn, bởi vậy mới phải lãnh đòn ngay vào mõm.
 
– Ô!!!! – Ông Grigory há hốc mồm kinh ngạc. – Nó còn biết “chơi” ngay vào mõm người ta!!!
 
– Tất nhiên rồi! – Ông Nikolai khẳng định. – Máu me cứ gọi là đầy mặt.
 
“Trời ơi! Họ nói về ai thế? Tôi chẳng hiểu gì cả. Mặt mõm với lại máu me gì vậy?”
 
– Sao không xích cổ nó lại, – ông Grigory giận dữ nói,
 
– cứ để nó đi lại tự do ngoài đường như vậy mà được à?
 
– Nó cũng hiền thôi, chẳng qua… – ông Nikolai cười cười.
 
– Hiền cái con khỉ khô! – Ông Grigory ngắt lời. – Đồ thú dữ như vậy mà bảo là hiền!
 
– Ôi dào, ai mà chẳng có lúc thế này thế khác, – ông Nikolai phẩy tay. – Một khi đã có chén vào… Nó là thế đấy, chớ có rót cho nó đến ly thứ ba…
 
– Sao cơ? Nó còn biết uống rượu nữa cơ à? – Ông
 
Grigory trợn tròn mắt.
 
– Thì cũng có uống, – ông Nikolai gật gù – chút đỉnh thôi, không nhiều. Nó biết tửu lượng của mình kém, thường là không quá ba ly. Nhưng thi thoảng cũng bốc lên, rồi “vượt định mức”…
 
Ông Grigory nhìn tôi với một tinh thần cảnh giác cao độ và hỏi:
 
– Thế hôm nay nó đã có ly nào chưa?
 
“Có lẽ họ đang ‘ông nói gà, bà nói vịt’, mỗi người nói về một chuyện khác nhau mà cứ tưởng là chung một đề tài.”
 
– Làm gì có! – Ông Nikolai nói. – Hôm nay nó trong sáng như gương.
 
– Hừm, các vị lạ thật đấy, – ông Grigory lắc lư cái đầu.
 
– Phải tôi, tôi đã đeo cho nó cái rọ mõm. Phòng xa vẫn hơn.
 
– Này, ăn nói kiểu gì thế hở Grigory? – Ông Nikolai hất mặt hỏi. – Ông có điên không đấy? Tốt hơn hết ông hãy đeo cho mình cái rọ mõm.
 
– Tại sao tôi phải đeo rọ mõm? Tôi đây không bao giờ cắn người ta đâu nhé.
 
– Khiếp, sao mà chán ông đến thế! Tôi đã giải thích rồi, mọi chuyện chẳng qua do cái sự say nó hành người ta mà thôi.
 
– Vậy tại sao các ông lại chuốc rượu cho con chó ấy làm gì? – Ông Grigory càu nhàu.
 
– Này, này, ông làm sao thế? – Ông Nikolai chỉ tay vào mặt ông Grigory. – Liệu mà ăn nói cho đàng hoàng nhé. Dù sao nó cũng là bạn tôi.
 
– Á à… Có nghĩa ông là chủ nó? Như vậy hóa ra ông cho bà Polina thuê nó?
 
– Ông làm sao vậy, ông Grigory? Hôm nay tôi không làm sao hiểu nổi ông đấy. Ở đâu ra cái lề thói chủ nô như vậy hả. Hừ, “ông chủ” với lại “cho thuê”. Điên rồi à?
 
– Thì tôi chỉ đơn giản muốn biết, ai là chủ của nó thôi. Lề thói chủ nô gì ở đây?
 
– Vậy ai là chủ của ông? – Ông Nikolai cau mày giận dữ, vùng đứng dậy, hai tay siết chặt nắm đấm.
 
– Thôi đi, thôi đi các ông ơi! – Một người đàn ông trẻ tuổi hơn đứng ra can. – Xuống tay với nhau thì được ích lợi gì. Hay ho gì chuyện đánh nhau.
 
– Im đi! – Ông Nikolai gầm lên rồi nghiến răng ken két.
 
– Thôi đủ rồi ông bạn, – ông Grigory phẩy tay, – bình tĩnh đi. Bây giờ chúng ta “thay đĩa” được rồi đấy. Quỷ tha ma bắt cái con chó ấy đi.
 
– Này, Grigory, tao cảnh cáo mày đấy, – ông Nikolai sừng sộ – mày mà gọi nó là chó một lần nữa thì tao cho mày vào nhà thương nằm với lão quét rác Ignatych luôn đấy, hiểu chưa?
 
– Các ông hôm nay điên hết cả rồi hay sao ấy, – ông Grigory làu bàu. – Bây giờ lại muốn tôi gọi nó bằng cả tên họ đầy đủ chắc.
 
– Không nhất thiết phải gọi tên họ đầy đủ. – Ông Nikolai nấc cụt một tiếng rồi nói tiếp: – Đến tôi đây cũng đếch biết phụ danh của nó. Cứ gọi tên là được rồi.
 
– Bà Polina, nó tên gì vậy? Hồi nãy bà có nhắc đến tên nó mà tôi quên mất rồi.
 
– Cái gì? Cái gì cơ? – Bà Polina Foteevna choàng tỉnh dậy.
 
– Tôi hỏi: nó tên gì? – Ông Grigory gằn giọng.
 
– Trison! – Bà lão trả lời.
 
– Ai cơ? – Ông Nikolai ngạc nhiên hỏi.
 
– Con chó của tôi chứ còn ai, – bà Polina Foteevna trả lời.
 
– Con chó của bà thì liên quan quái gì ở đây? – Ông
 
Nikolai sửng sốt.
 
– Sao không liên quan? – Ông Grigory nhổm dậy. – Vậy nãy giờ ông nói đến ai vậy?
 
– Tôi nói về thằng cha Vasili Vurdalak, bạn tôi.
 
– Vurdalak là thằng cha quái quỷ nào vậy? Nãy giờ tôi hỏi ông về con chó Labrador dẫn đường của bà Polina, hiểu chưa?
 
Không gian tầng hầm rơi vào im lặng mất một phút rồi vỡ òa ra vì những tiếng cười vang dội. Mọi người ngả nghiêng ra mà cười, cười lăn cười lóc, cười long trời lở đất, đến nỗi cái thùng rung lên bần bật, mồi nhậu rơi cả xuống đất. Trong khi mọi người đang cười rũ rượi, tôi tranh thủ nhặt lấy một con cá muối vừa lăn đến bên chân, xơi lót dạ – kiểu gì thì cái đám người say khướt này cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc cho tôi ăn một miếng nào.
 
Cười chán, đám người ấy lại bắt tay vào tua rượu tiếp theo, nhưng chợt nhận ra rằng rượu đã cạn gần tận đáy. Ai đó đề nghị giải tán, đại ý là hết tiền mua rượu tăng cường rồi, mà ngồi suông dưới cái tầng hầm ẩm thấp này thì chán chết. Nhưng đúng lúc đó, ông Grigory lập tức trở lại đề tài mua bán chó. Ông ấy quả là một dạng đặc trưng của dân buôn nô lệ, đúng như ông Nikolai nhận xét.
 
– Các vị nghe đây, – ông Grigory la to. – Tôi có một đề xuất tuyệt vời. Các vị muốn uống nữa hay không?
 
– Muốn!!! Chúng tôi không từ chối!!! – Cả hội đồng thanh gào lên.
 
– Vậy thì hãy thuyết phục bà Polina, – ông Grigory nói.
 
– Nếu mua được con chó của bà ấy, tôi sẽ chịu tiền rượu cho các vị uống tiếp hôm nay.
 
Tôi thực lòng tin rằng bà Polina Foteevna sẽ nổi đóa mà thét lên rằng bà ấy không bao giờ làm cái trò hèn mạt là bán đi người bạn đường trung thành, chung thủy của mình, hay bà ấy sẽ thuyết giảng một điều gì đó đại loại như vậy. Thế nhưng tôi lại bị một phen thất vọng.
 
– Vậy ông định trả bao nhiêu? – Bà già hỏi tỉnh bơ.
 
– Hàng của bà, bà ra giá đi chứ! – Ông Grigory nói.
 
– Ba chục ngàn đấy, – bà già nói, mặt lạnh như băng.
 
– Cái giiiì? – Ông Grigory như không tin vào tai mình.
 
– Một con chó ghẻ mà đòi đến ba chục nghìn rúp, tương đương cả nghìn đôla? Bà có bị hâm không đấy?
 
“Tôi không biết bà Polina Foteevna có bị hâm bị hấp gì không (có thể bà ấy chỉ nói đùa chăng?), nhưng chỉ vì cái từ ‘chó ghẻ’ thôi, tôi sẵn sàng đớp ông hai nhát đấy, ông Grigory ạ, – tôi nghĩ bụng. – Thằng cha Grigory này quả là thứ người không ưa nổi.”
 
– Chính ông mới là chó ghẻ! – Bà già ngoan cường đáp trả. – Còn Trison của tôi nhá, là một con chó có học. Nó là chó dẫn đường hẳn hoi. Nó được giao cho tôi hoàn toàn miễn phí, nhưng giá trị của nó cao hơn cả một chiếc xe hơi đời mới đấy, tôi nói cho mà biết. Ông có hiểu không?
 
– Ôi dào, ở ngoài chợ chim, với ba chục ngàn, tôi mua được đến dăm bảy con chó dẫn đường như thế.
 
– Vậy thì cứ ra chợ chim mà mua, – bà Polina Foteevna cười mỉa, – việc gì phải bám lấy tôi.
 
– Thôi, hai chục ngàn đi! – Ông Grigory gạ, rồi nói: – Tôi bù thêm một lít.
 
Cả gian hầm lại chìm vào im lặng. Mọi người nín thở theo dõi diễn tiến của cuộc mặc cả.
 
– Không được! – Lát sau, bà Polina lên tiếng. – Hai mươi lăm ngàn đấy!
 
“Ôi trời! Bà ấy muốn bán tôi cho ông Grigory thật sao? Quái! Thế rồi nhà trường thì sao? Bà ấy sẽ ăn nói làm sao với nhà trường? Nào, giải thích đi, Trison đã biến đi đâu mất rồi? Mẹ già kính quý ơi, hãy nghĩ cho kỹ đi chứ!”
 
– Nào, nào, đừng keo kiệt nữa, – mọi người nhao nhao nhắm vào ông Grigory. – Nó là một con chó quý. Như vậy là đáng đồng tiền lắm rồi.
 
– Hai chục ngàn thôi! – Ông Grigory vẫn cố giữ lập trường của mình. – Tôi không trả hơn đâu. Tôi hết tiền rồi, chẳng có đâu nữa để mà trả cao hơn.
 
– Thì làm thủ tục vay tín dụng, – ông Nikolai khuyên.
 
– Vay tín dụng có mà chết à? – Ông Grigory lắc đầu.
 
– Tôi đang nợ tín dụng đầm đìa đây này. Vợ tôi mới mua cái tivi màn hình tinh thể lỏng, phải trả góp cả năm nữa mới hết đấy.
 
– Gì chứ hai chục ngàn thì tôi không bán, – bà Polina nói dứt khoát.
 
– Polina à, – ông Nikolai xen vào phân xử, – giá đó được rồi, bán đi. Ông ấy còn bù thêm một lít nữa cơ mà.
 
– Không! Tôi nói không là không! – Bà Polina
 
Foteevna dứt điểm.
 
“Ồ, chắc là bà ấy chỉ định đùa cho vui thôi, – tôi nghĩ bụng. – Chắc chắn bà ấy không bao giờ thực sự muốn bán. Ở đây đâu phải cửa hàng thú cảnh hay chợ chim chợ chó gì chứ.”
 
– Bây giờ thế này nhé, – ông Grigory xuống nước, – hai chục ngàn cộng với hai lít rượu vodka. Chịu chưa?
 
Cả hội nhao nhao đồng tình với “sáng kiến hòa bình” nọ, kiểu như là “có thế chứ!”. Ai đó còn thì thào:
 
– Hai lít chứ đâu phải chuyện đùa!
 
– Hai lít rưỡi! – Bà Polina phán. – Hai lít uống ở đây, tôi mang về một chai nửa lít. Ngày mai em gái ruột của tôi đến thăm, có cái mà đãi.
 
– Thôi được, đồng ý! – Ông Grigory phẩy tay. – Thế là xong rồi đấy nhé?
 
– Xong béng! – Bà Polina Foteevna gật đầu.
 
“Thế đấy! Bà già này trả ơn tôi như thế đấy! Bán tôi dễ dàng như bán con gấu nhồi bông đồ chơi của Trung Quốc. Than ôi, quả là cuộc đời chó má! Quãng đời sắp tới rồi sẽ ra sao đây?”
 
Những chuyện xảy ra tiếp theo ở dưới tầng hầm, tôi sẽ không kể chi tiết. Dễ sợ lắm. Nhưng tôi xin nói ngay: tôi vẫn được ở lại cùng bà Polina Foteevna. Số rượu vodka mà ông Grigory mang tới bị cả hội hủy diệt toàn bộ. Xin đừng nghĩ rằng bằng hành động ấy, họ tuyên chiến với nạn nghiện rượu. Tất nhiên không phải thế. Tôi nói “hủy diệt” ở đây có nghĩa là uống ráo. Sau đó, mọi người lăn ra sàn bê tông ngủ ráo. Thức dậy, họ cãi nhau, chửi nhau, nện nhau một hồi rồi giải tán, ai về nhà nấy. Tôi cứ chắc mẩm rằng bà Polina Foteevna đã quên béng vụ thỏa thuận giữa bà ấy với ông Grigory. Nhưng tôi nhầm. Bà ấy ranh ma ra phết. Trên đường về, bà ấy luôn miệng lẩm bẩm: “Hừ, động chút là giở trò mua mua bán bán, làm như dễ lừa gạt mụ già mù lòa này lắm! Đồ vô lại! Đúng là quân nghiện ngập chết giẫm…”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.