Cô Gái Chọc Tổ Ong Bầu

CHƯƠNG 7



Thứ Hai, 11 tháng Tư
Thứ Ba, 12 tháng Tư
5 giờ 45 chiều thứ Hai, Blomkvist đậy nắp máy tính iBook lại, đứng lên khỏi bàn bếp trong căn hộ của anh ở Bellmansgatan. Anh mặc jacket, đi bộ đến trụ sở An ninh Milton ở Slussen. Ði thang máy lên chỗ tiếp tân ở tầng bốn, anh được chỉ ngay vào phòng họp.
6 giờ đúng phắp nhưng anh là người đến cuối cùng.
– Chào Dragan, – anh nói và bắt tay. – Cảm ơn ông đã có lòng chủ trì cuộc họp không chính thức này.
Anh nhìn quanh phòng. Có bốn người nữa ở đây: em gái anh, Holger Palmgren, người giám hộ của Salander trước kia, Malin Eriksson và cựu thanh tra hình sự Sonny Bohman nay làm việc cho An ninh Milton. Bohman theo chỉ thị của Armansky đã theo dõi từ đầu cuộc điều tra Salander.
Palmgren đi ra ngoài lần đầu tiên sau hơn hai năm. Bác sĩ Sivarnandan của Viện phục hồi Ersta không muốn để cho ông đi lắm nhưng Palmgren vật nài. Ông đã đến bằng phương tiện đặc biệt cho người khuyết tật, với cô y tá riêng Karolina Oskarsson kèm bên. Cô lĩnh lương của một quỹ bí mật lập ra để lo toan cho Palmgren được săn sóc tốt nhất. Cô y tá ngồi ở phòng bên cạnh phòng họp và đã mang theo một quyển sách. Blomkvist đóng cửa lại.
– Với các bạn trước chưa từng gặp nhau thì đây là Malin Eriksson, Tổng biên tập của Millennium. Tôi mời cô đến vì việc chúng ta bàn cũng sẽ liên quan đến công việc của cô ấy.
– OK, – Armansky nói. – Mọi người có mặt cả rồi, tôi dỏng tai lên đây.
Blomkvist đứng trước bảng trắng của Armansky, cầm lấy cây bút viết bảng. Anh nhìn mọi người.
– Ðây chắc là việc điên rồ nhất mà tôi dính vào, – anh nói. – Khi nào xong xuôi mọi việc tôi sẽ lập ra một hội gọi tên là “Các Hiệp sĩ của Dòng Ngu ngốc”, mục đích của nó là thu xếp một bữa ăn thường niên để chúng ta đến đó nói đủ các thứ chuyện về Lisbeth Salander. Tất cả các bạn đây đều là thành viên.
Anh dừng lại.
– Vậy câu chuyện thực sự là thế này, – anh nói và bắt đầu viết một loạt các đầu đề lên bảng. Anh nói trong ba mươi phút đẫy. Sau đó họ bàn mất gần hết ba giờ đồng hồ.
 
o O o
 
Họp xong, Gullberg đến ngồi cạnh Clinton. Hai người nói nho nhỏ với nhau một lát rồi Gullberg đứng lên. Các đồng chí già bắt tay nhau.
Gullberg đi taxi đến khách sạn Frey, sắp xếp va li và làm thủ tục trả phòng. Ông bắt chuyến tàu chiều đi Goteborg. Ông chọn ngồi hạng nhất và có toa riêng. Khi tàu qua Arstabron, ông lấy bút bi và một tập giấy trắng ra. Ông nghĩ một lúc lâu và bắt đầu viết. Viết được nửa trang ông dừng lại, xé tờ giấy ra khỏi tập.
Làm mạo tài liệu không phải là việc ông từng phụ trách ở Sapo hay chuyên môn của ông, nhưng việc ông làm đây cũng đơn giản thôi vì các thư ông đang viết đều do ông tự tay ký. Vấn đề có bị rắc rối thì không phải vì một câu chữ nào trong những điều ông viết ra là sai sự thật.
Lúc tàu chạy xuyên qua Nykoping, ông đã bỏ đi một số bản thảo nhưng ông đã bắt đầu tìm ra được cái giọng phù hợp để diễn đạt các bức thư. Khi tàu đến Goteborg ông hài lòng với lá thư vừa viết được. Ông cố tình cho các dấu vân tay của mình hiện rõ trên từng tờ giấy.
Ở Ga Trung tâm Goteborg, ông mò ra một máy sao chụp rồi cho sao các bức thư. Ðoạn ông mua phong bì tem, bỏ chúng vào một thùng thư mở lấy thư lúc 9 giờ tối.
Gullberg đi taxi đến khách sạn Thành phố ở Lorensbergsgatan, Clinton đã đặt một buồng cho ông ở đây. Nó chính là cái khách sạn ông đã qua đêm mấy hôm trước. Ông đi thẳng vào buồng, ngồi xuống giường. Ông mệt nhoài, nhận ra cả ngày chỉ ăn có hai lát bánh mì. Nhưng ông không đói. Ông cởi quần áo, nằm thẳng cẳng ra giường và gần như ngủ ngay lập tức.
 
o O o
 
Salander giật mình thức giấc khi nghe thấy cửa mở ra. Cô biết ngay thông phải là một cô y tá trực đêm nào. Cô he hé mắt, thấy một hình người chống nạng ở lối ra vào. Zalachenko đang nhìn cô trong ánh đèn hành lang.
Không động đậy đầu cô liếc xem đồng hồ: 3 giờ 10 sáng.
Lại liếc vào bàn đầu giường, cô thấy một cốc nước. Cô tính khoảng cách. Cô có thể với tới được cái cốc mà không nhúc nhích người.
Cô có thể rất nhanh vươn tay ra đập mạnh miệng cốc vào gờ bàn cứng. Chỉ cần nửa giây để xỉa cạnh cốc vỡ vào cổ họng Zalachenko nếu hắn cúi xuống cô. Cô tìm các cách khác nhưng cái cốc là vũ khí duy nhất cô có thể với lấy được.
Cô thả lỏng người chờ.
Zalachenko đứng bất động ở lối ra vào một lúc. Rồi rón rén đóng cửa lại.
Cô nghe thấy tiếng nạng cọ khe khẽ lên sàn khi hắn lặng lẽ lui xuống cuối hành lang.
Năm phút sau cô chống khuỷu tay phải ngóc dậy, với lấy cái cốc uống một hơi dài. Cô quăng hai chân sang bên giường, dứt các điện cực ra khỏi tay và ngực. Cố đứng1ên, cô lảo đảo không vững. Mất một phút cô mới kiểm soát được thân thể. Cô tập tễnh ra cửa, dựa vào tường để thở. Mồ hôi lạnh toát ra. Rồi người cô cứng nhắc lại vì điên giận.
Mẹ mày, Zalachenko. Tao với mày sẽ chấm hết tất cả ngay bây giờ.
Cô cần một vũ khí.
Sau đó cô nghe thấy gót giầy lách cách trong hành lang.
Mẹ nó. Các điện cực.
– Lạy Chúa, làm gì ở đây thế này? – Cô y tá trực đêm nói.
– Tôi cần… đi… đến nhà vệ sinh. – Salander chả còn hơi để nói.
– Về giường ngay.
Cô cầm tay Salander giúp lên giường. Rồi đưa cho một cái bô.
– Cần nhà vệ sinh thì cứ bấm chuông gọi bọn tôi. Cái nút bấm này là để cho việc ấy mà.
 
o O o
 
10 giờ 30 sáng thử Ba, Blomkvist dậy, tắm, pha cà phê rồi ngồi xuống với chiếc iBook. Sau cuộc họp tối qua ở An ninh Milton, anh về nhà làm việc tới 5 giờ sáng. Ít ra bài báo đã bắt đầu định hình. Tiểu sử Zalachenko còn lờ mờ – tất cả những gì anh có đều là do dọa Bjorck để cho hắn khai ra cũng như một nắm chi tiết mà Palmgren cung cấp. Chuyện của Salander đã viết được khá nhiều. Anh từng bước từng bước giải thích rõ cô đã bị một băng nhóm của bọn muốn gây chiến tranh lạnh ở SIS nhắm làm mục tiêu như thế nào, rồi đem giam cô lại trong một bệnh viện tâm thần ra sao, để ngăn cô làm lộ bí mật của Zalachenko.
Anh thấy thích những cái đã viết. Vẫn còn vài lỗ hổng phải lấp nhưng anh biết mình đang có một bài báo quỷ khốc thần sầu. Nó sẽ là món nổi đình nổi đám trên các bảng dán báo và ở tít trên chóp cỗ máy quan liêu Chính phủ sẽ có một ngọn núi lửa bùng phun ra.
Anh châm thuốc lá suy nghĩ.
Anh nhìn thấy được hai khe hở phải chú ý. Một cái thì xử lý được. Anh cần giải quyết với Teleborian và anh đang tính tới việc đó. Khi xong việc với hắn, nhà tâm lý học thiếu nhi nổi tiếng sẽ là một trong những người bị ghét bỏ nhất ở Thụy Ðiển. Ðó là một việc.
Việc thứ hai phức tạp hơn.
Những người muu mô chống lại Salander – anh gọi họ là Câu lạc bộ Zalachenko – thì nằm trong Cảnh sát An ninh. Anh biết một tên, Gunnar Bjorck nhưng có thể tên này không phải là kẻ duy nhất chịu trách nhiệm. Phải có một nhóm… một cơ sở hay một đơn vị gì đó. Phải có những kẻ cầm đầu, những kẻ trông coi tác chiến. Phải có một cái quỹ. Nhưng anh không biết làm sao tìm ra được những người này, thậm chí bắt đầu cần tìm ở đâu. Anh biết lơ mơ nhất về cung cách tổ chức của Sapo.
Thứ Hai bắt đầu việc nghiên cứu, anh cử Cortez đến các cửa hàng Sách Cũ ở Sodermalm mua mọi sách có chút nào nói đến Cảnh sát An ninh. Buổi chiều Cortez đến nhà anh với sáu quyển.
Tình báo ở Thụy Điển của Mikael Rosquist (Nhà Xuất bản Tempus, 1988); Sếp Sapo 1962 – 1970 của P.G. Vinge (Wahlstom & Widstrand, 1988), Những lực lượng bí mật của Jan Ottosson và Lars Magnusson (Tiden, 1991); Đấu tranh quyền lực cho Sapo (Corona, 1989); Nhiệm vụ được trao của Carl Lidbom (Wahlstom & Widstrand, 1999) và – có phần đáng ngạc nhiên – Ðiệp viên tại chỗ của Thomas Whiteside (Ballantine, 1966) viết về vụ Wennerstrom, vụ Wennerstrom những năm 60 chứ không phải vụ Wennerstrom mới đây của chính Blomkvist.
Anh đã bỏ gần hết đêm và sáng sớm thứ Ba ra đọc hay ít nhất xem lướt qua. Anh có vài nhận xét khi đọc xong. Thứ nhất, phần lớn các sách xuất bản về Cảnh sát An ninh đều từ cuối những năm 80. Tìm trên mạng Internet không có một thứ nào viết về đề tài này.
Thứ hai, xem ra không có một tổng quát nào dựa trên cơ sở rõ ràng về các hoạt động xưa nay của cảnh sát bí mật Thụy Ðiển. Có thể là vì nhiều tài liệu được đóng dấu Tối Mật, do đó không thể đụng tới nhưng hình như cũng không có bất cứ cơ quan duy nhất nào, nhà nghiên cứu hay thông tin đại chúng nào từng tiến hành một khảo nghiệm phê phán về Sapo.
Anh cũng để ý tới một điều lạ lùng nữa: không có tiểu sử trong bất cứ quyển sách nào Cortez tìm thấy. Mặt khác, các chú thích chân trang thường nhắc tới những bài đăng ở các báo buổi chiều, hay tới các cuộc phỏng vấn một vài người già đã về hưu của Sapo.
Quyển Những lực lượng bí mật hấp dẫn nhưng viết nhiều về thời gian trước và sau Ðại chiến Thế giới thứ hai. Blomkvist coi hồi ký của P.G. Vinge như là thứ tuyên truyền, do một thủ lĩnh Sapo bị phê hình nặng nề và cuối cùng bị cách chức viết ra cốt để tự vệ. Điệp viên tại chỗ ở ngay chương đầu đã có rất nhiều thông tin không đúng về Thụy Ðiển nên anh quẳng luôn nó vào sọt giấy. Chỉ hai quyển có chút tham vọng thực sự muốn miêu tả công việc của Cảnh sát An ninh làĐấu tranh quyền lực cho Sapo và Tình báo ở Thụy Điển. Chúng có dữ liệu, tên tuổi và sơ đồ tổ chức. Anh thấy quyển của Magnusson đặc biệt đáng đọc. Dù không trả lời được các câu hỏi của anh nhưng nó cho ra một bản tường thuật hay về Sapo với tư cách một cấu trúc cũng như về những bận tâm ban đầu của tổ chức này trong suốt vài thập niên.
Ngạc nhiên lớn nhất là Nhiệm vụ được trao của Lidbom, quyển này mô tả các vấn đề mà vị cựu Ðại sứ Thụy Ðiển tại Pháp đã gặp phải khi ông được giao việc xem xét Sapo sau vụ ám sát Palme và vụ Ebbe Carlsson 1. Trước đó chưa đọc cái gì của Lidbom, Blomkvist đã sửng sốt với giọng văn chua cay pha lẫn những nhận xét sắc sảo. Nhưng ngay cả sách của Lidbom cũng không mang Blomkvist đến gần hơn với câu trả lời cho những điều anh muốn biết dù anh đã bắt đầu có ý niệm về cái mà anh đang bận bịu chống lại.
Anh mở di động gọi Cortez.
– Chào Henry. Cảm ơn hôm qua đã phải bỏ công ra chạy.
– Nay anh cần gì đây?
– Lại mất công chạy tí ti nữa.
– Blomkvist, tôi ghét phải nói cái này ra, nhưng hôm nay tôi có việc rồi.
– Tiến bộ nghề nghiệp gớm đấy.
– Anh muốn cái gì?
– Nhiều năm nay đã có một số báo cáo công khai về Sapo. Carl Lidbom đã làm một cái. Chắc còn có vài ba cái tương tự.
– Tôi hiểu.
– Anh đặt mua mọi cái anh tìm thấy được về nghị viện: ngân sách, báo cáo công khai, chất vấn Chính phủ, đại loại thế. Và cố tìm lấy các báo cáo hàng năm của Sapo càng xa về trước càng tốt.
– Vâng, thưa thầy.
– Anh bạn là con người tốt đấy. À còn, Henry…
– Vâng?
– Mai tôi mới cần đến đấy nhá.
 
o O o
 
Salander cả ngày nghiền ngẫm về Zalachenko. Cô biết hắn chỉ ở cách cô hai cửa phòng, cô biết ban đêm hắn chống nạng lang thang trong hành lang và lúc 3 giờ 10 sáng nay hắn đã đến phòng cô.
Cô đã lần theo hắn tới Gosseberga với ý định trọn vẹn là giết hắn. Cô đã thất bại, kết quả là Zalachenko vẫn sống và đang rúc trên giường chỉ cách cô có mười mét. Mà cô thì đang khốn khó. Cô không thể nói rõ tình hình xấu thế nào nhưng cô cho rằng mình cần phải trốn đi và bí mật biến ra nước ngoài nếu không muốn có cơ lại bị giam vào một cái nhà thương điên nào đó với tên giám hộ là Teleborian. Vấn đề bây giờ là cô khó lòng ngồi thẳng được ở trên giường. Cô nhận thấy sức khỏe không khá lên. Vẫn đau đầu, có khác là đau từng đợt chứ không liên miên. Vai trái cô đỡ đau một ít nhưng hễ cô cố cử động thì nó lại đau.
Cô nghe tiếng chân đi ngoài cửa, thấy cô y tá mở cửa cho một người phụ nữ mặc quần đen, áo sơ mi trắng và jacket thẫm màu đi vào. Chị ta xinh xắn, thanh mảnh, tóc đen để kiểu con trai. Ở chị toát ra một sự tin cậy trong sáng. Chị mang một cặp đen. Salander nhận thấy ngay mắt chị giống mắt Blomkvist.
– Chào, Lisbeth, tôi là Annika Giannini, – chị nói. – Tôi vào được chứ?
Salander thản nhiên quan sát chị. Rất thình lình không muốn gặp em gái Blomkvist chút nào, cô tiếc là đã nhận chị ta làm luật sư.
Annika đi vào, đóng cửa lại, kéo một chiếc ghế. Chị ngồi đó đôi lát, nhìn thân chủ của mình.
Cô gái nom vẻ đáng sợ. Đầu quấn kín băng. Có những vết tím bầm ở quanh đôi mắt đỏ ngầu.
– Trước khi chúng ta bắt đầu bàn chuyện, tôi cần biết cô có thực sự muốn tôi làm luật sư của cô hay không. Thông thường tôi liên quan đến các vụ án dân sự, thay mặt cho các nạn nhân bị cưỡng hiếp hay bạo hành gia đình. Tôi không phải là luật sư hình sự. Nhưng tôi có nghiên cứu các chi tiết về vụ của cô và tôi rất muốn thay mặt cô nếu được. Tôi cũng nên nói với cô rằng Mikael Blomkvist là anh trai tôi – tôi nghĩ là cô biết như thế – và anh ấy cùng Dragan Armansky trả tiền thuê tôi cho cô.
Chị ngừng lại nhưng khi không được trả lời thì nói tiếp.
– Nếu cô muốn tôi làm luật sư cho cô thì tôi sẽ làm việc vì cô. Không phải vì anh tôi hay vì Armansky. Tôi cũng cần nói với cô rằng ở bất cứ phiên tòa nào tôi cũng sẽ nhận được lời khuyên và sự giúp đỡ của Holger Palmgren, người giám hộ cô trước kia. Ông ấy là một ông lão rắn đấy, ông ấy đã lê ra khỏi giường bệnh để đến giúp cô.
– Palmgren?
– Vâng.
– Chị đã gặp ông ấy rồi?
– Rồi.
– Ông ấy sao?
– Ông ấy giận điên lên nhưng lạ là ông ấy không có vẻ lo lắng cho cô chút nào cả.
Salander cười lệch miệng. Ðây là lần đầu tiên cô cười ở bệnh viện Sahlgrenska.
– Cô cảm thấy thế nào?
– Như một cái bọc cứt ấy.
– Vậy cô có muốn tôi làm luật sư cho không? Armansky và Mikael đã trả tiền cho tôi và…
– Không.
– Cô nói không là nghĩa sao?
– Tôi tự trả. Tôi không lấy một đồng nào của Armansky hay Blomkvist. Nhưng chưa vào Internet được thì tôi chưa trả ngay được.
– Tôi hiểu. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này khi nào nó đến. Muốn gì thì nhà nước cũng trả cho tôi phần lớn lương rồi. Nhưng cô có muốn tôi đại diện cho cô không?
Salander gật đầu cụt lủn.
– Tốt. Vậy tôi bắt đầu bằng việc đưa cho cô một bức thư của Mikael. Nó có vẻ bí ẩn nhưng anh ấy bảo cô hiểu được những điều viết trong thư.
– Hả?
– Anh ấy muốn cô biết là anh ấy đã nói với tôi phần lớn câu chuyện trừ một ít chi tiết, trong đó cái đầu tiên có liên quan đến các tài năng của cô mà anh ấy phát hiện ra ở Hedestad.
Anh ấy biết mình có trí nhớ máy ảnh và mình là kẻ đột nhập máy tính. Anh ấy giữ im lặng chỗ này.
– OK.
– Một cái nữa là một đĩa DVD. Tôi không biết anh ấy gợi đến điều gì nhưng anh ấy khăng khăng là cô tự quyết định lấy việc cô có nói với tôi hay không. Cô biết anh ấy gợi đến điều gì không?
Cảnh Bjurman hiếp mình.
– Vâng.
– Thế thì tốt. – Thình lình Giannini ngập ngừng. – Tôi có một chút phật ý với ông anh. Anh ấy thuê tôi nhưng anh ấy chỉ nói với tôi những gì anh ấy thích nói. Cô cũng có ý định giấu tôi phải không?
– Tôi không biết. Chúng ta có thể để chuyện này lại sau không? – Salander nói.
– Chắc chắn rồi. Chúng ta sẽ còn nói với nhau khá nhiều đấy. Bây giờ chúng ta không có thì giờ để trò chuyện lâu – bốn mươi lăm phút nữa, tôi còn phải gặp công tố viên Jervas. Tôi chỉ muốn xác nhận rằng cô thực sự muốn tôi làm luật sư cho cô. Nhưng có một việc nữa tôi cần nói với cô.
– Vâng?
– Là thế này: nếu không có mặt tôi thì cô không được nói một câu nào hết với cảnh sát, bất chấp họ hỏi gì cô. Thậm chí cả khi họ khiêu khích hay kết tội cô cái này cái nọ… Cô hứa được chứ?
– Tôi có thể làm được.
 
o O o
 
Sau mọi gắng sức hôm thứ Hai, Gullberg hoàn toàn kiệt lực. 9 giờ sáng thứ Ba ông mới dậy, muộn hơn thường lệ bốn tiếng. Ông vào buồng tắm đánh răng và tắm. Ông đứng một lúc lâu nhìn vào mặt mình ở trong gương rồi tắt đèn, đi ra mặc quần áo. Ông lấy chiếc sơ mi duy nhất sạch ông để trong cái va li nâu, thắt cà vạt nâu có hoa văn.
Ông xuống phòng điểm tâm của khách sạn gọi một tách cà phê đen và ăn một lát bánh mì nướng với phomát và một ít mứt phết lên trên. Ông uống một cốc nước khoáng.
Rồi ông ra gian sảnh khách sạn gọi vào di động của Clinton bằng điện thoại công cộng.
– Báo cáo tình hình.
– Còn chưa xong.
– Fredrik, ông làm được không?
– Được, cũng như ngày xưa ấy mà. Nhưng von Rottinger vẫn không đi với chúng ta thì thật đáng xấu hổ. Ông ấy giỏi lên kế hoạch tác chiến hơn tôi.
– Giỏi như nhau thôi. Ông có thể thay đổi chỗ bất cứ lúc nào. Như đúng ra ông thường vẫn làm luôn đấy.
– Ðây là một thứ linh cảm. Ông ấy luôn sắc bén hơn một ít.
– Bảo tôi đi, các ông tất cả đang làm gì rồi?
– Sandberg xuất sắc hơn chúng ta tưởng. Chúng ta có Martensson ở ngoài đến giúp rồi. Ông ta nói nhiều nhưng có ích. Chứng ta đã nghe trộm được điện thoại bàn và di động của Blomkvist. Hôm nay chúng ta sẽ lo đến điện thoại của Giannini và điện thoại ở tòa soạn Millennium. Chúng ta đang xem đến các bản thiết kế của mọi trụ sở và nhà ở liên quan. Hễ làm được xong là chúng ta sẽ lọt vào ngay.
– Việc đầu tiên là tìm xem các bản sao ở đâu…
– Cái này tôi làm rồi. Chúng ta gặp may không thể ngờ. Giannini gọi Blomkvist sáng nay. Mụ hỏi thực sự có bao nhiêu bản sao đang lưu hành thì quay ra thế nào chỉ một mình Blomkvist có một bản sao bản báo cáo nhưng lại đã gửi đến chỗ Bublanski.
– Tốt. Phải tranh thủ thời gian.
– Tôi biết. Nhưng cần cất gọn một mẻ vó. Nếu không nẫng cùng lúc tất cả các bản sao thì không ăn thua.
– Ðúng.
– Hơi phức tạp một chút vì Giannini rời Goteborg sáng nay. Tôi đã cho một nhóm bên ngoài bám đuôi mụ. Họ hiện đang làm ra trò đây.
– Tốt. – Gullberg không thể nghĩ ra gì để nói nữa. – Cảm ơn, Fredrik, – Cuối cùng ông nói.
– Tôi được vui mà. So với cứ ngồi quanh chờ một quả thận thì thú vị hơn nhiều.
Họ chào từ biệt. Gullberg trả tiền khách sạn, ra phố. Quả bóng đang lăn. Nay chính là việc vẽ nên các chuyển động.
Ông bắt đầu đi bộ đến khách sạn Ðại lộ công viên và xin dùng máy fax tại đó. Ông không muốn dùng máy fax ở khách sạn ông đang ở. Ông fax các bản sao của những bức thư ông viết hôm qua. Rồi ông ra đường Avenyn kiếm taxi. Ông dừng lại ở một thùng rác, xé bản sao của các bức thư.
 
o O o
 
Giannini gặp công tố viên Jervas mười lăm phút. Chị muốn biết bà có ý định khép Salander vào những tội gì nhưng chị sớm nhận thấy Jervas cũng chưa chắc chắn với kế hoạch của mình.
– Ngay hiện nay thì tôi khép vào tội xâm phạm nghiêm trọng thân thể hay mưu toan ám sát. Ý tôi muốn nói đến việc Salander đánh ông bố bằng cái rìu. Tôi hiểu là bà sẽ bào chữa cho bên bị?
– Có thể.
– Nói thật với bà, lúc này Niedermann là hạng mục ưu tiên của tôi.
– Tôi hiểu.
– Tôi đã liên hệ với Tổng công tố viên. Đang thảo luận tiếp xem có nên gộp mọi sự luận tội đối với thân chủ của bà vào quyền hạn phán xử của một công tố viên ở Stockholm rồi gói chúng vào với những chuyện đã xảy ra ở đây hay không.
– Tôi cho là vụ án sẽ do Stockholm nắm, – Giannini nói.
– Tốt. Nhưng tôi cần một dịp hỏi han cô gái. Lúc nào được?
– Tôi có báo cáo của bác sĩ chăm sóc cô ấy, Anders Jonasson. Ông ấy nói Salander chưa đủ điều kiện tham gia một cuộc thẩm vấn trong vài ngày tới. Ngoài các vết thương, cô ấy còn đang uống thuốc giảm đau mạnh.
– Tôi cũng nhận được báo cáo tương tự và chắc bà cũng nhận ra, việc này thật đáng nản. Tôi nhắc lại, ưu tiên của tôi là Niedermann. Thân chủ của bà nói không biết hắn ẩn náu ở đâu.
– Cô ấy không biết gì hết về Niedermann cả. Tình cờ cô ấy nhận ra hắn rồi dò theo hắn xuống tới Gosseberga, trang trại của Zalachenko.
– Khi nào thân chủ của bà đủ khỏe mạnh để cho chúng tôi thẩm vấn, chúng ta sẽ lại gặp nhau, – Jervas nói.
 
o O o
 
Gullberg cầm một bó hoa bước vào thang máy bệnh viện Sahlgrenska cùng lúc với một người phụ nữ tóc ngắn mặc jacket đen. Ông giữ cửa thang máy cho chị đi ra trước tới bàn tiếp tân của phòng bệnh.
– Tôi là Annika Giannini. Tôi là luật sư và tôi muốn gặp lại thân chủ của tôi, Lisbeth Salander.
Rất thong thả Gullberg quay đầu lại ngạc nhiên nhìn người phụ nữ ông vừa theo ra khỏi thang máy. Ông liếc xuống chiếc cặp của chị trong khi cô y tá kiểm tra thẻ căn cước của Giannini và xem một danh sách.
– Buồng mười hai, – Cô y tá nói.
– Cảm ơn. Tôi biết đường. – Chị ta đi xuôi xuống hành lang.
– Tôi có thể giúp ông gì không?
– Cảm ơn, có ạ. Tôi muốn để ít hoa này cho Karl Axel Bodin.
– Ông ấy không được phép tiếp khách.
– Tôi biết. Tôi chỉ đưa ít hoa thôi.
– Chúng tôi sẽ đưa hộ ông.
Gullberg mang hoa chính là để có cớ. Hắn muốn có một ý niệm về phòng bệnh bố trí ra sao. Ông cảm ơn cô y tá rồi theo biển chỉ dẫn đến cầu thang. Trên đường, ông đi qua buồng Zalachenko, buồng mười bốn theo lời Jonas Sandberg.
Ông chờ ở lòng giếng cầu thang. Qua một khung kính cửa, ông trông thấy cô y tá cầm bó hoa đi vào buồng Zalachenko. Khi cô quay về chỗ các y tá, Gullberg đẩy mở cửa buồng mười bốn ra, nhào vội vào trong.
– Chào, Alexander, – ông nói.
Zalachenko ngạc nhiên nhìn người khách không được báo trước.
– Tôi tưởng nay thì ông chết rồi chứ lại? – Hắn nói.
– Chưa hẳn.
– Ông muốn gì?
– Ông nghĩ sao?
Gullberg kéo ghế đến ngồi xuống.
– Chắc để xem tôi chết.
– À, là để nhớ ơn ông. Sao ông lại có thể ngu ghê đến như vậy? Chúng tôi cho ông cả một cuộc sống mới toanh, thế mà ông lại kết thúc ở đây.
Nếu cười phá lên được Zalachenko đã cười. Zalachenko vẫn nghĩ Cảnh sát An ninh Thụy Ðiển là những gã nghiệp dư. Nói thế cho cả Gullberg lẫn Bjorck. Không thèm kể cha Bjurman hoàn toàn ngu xuẩn kia.
– Một lần nữa chúng tôi lại phải kéo ông từ trong hỏa ngục ra.
Câu này không trúng lắm với Zalachenko, đã có lần là nạn nhân của một vụ đánh bom xăng – của đứa con gái chết rấp ở cách hắn hai buồng bên dưới hành lang.
– Miễn lên lớp cho tôi đi. Hãy đưa tôi ra khỏi nỗi bát nháo này.
– Đó là điều tôi muốn nói với ông đây.
Gullberg đặt cặp lên lòng, lấy ra một quyển sổ tay, giở đến một trang trắng. Rồi ông nhìn lâu, dò xét Zalachenko.
– Có một điều tôi tò mò… có thật là sau mọi việc chúng tôi làm cho ông thì ông lại đi phản lại chúng tôi không?
– Ông nghĩ gì thể?
– Cái này tùy vào mức độ ông điên rồ đến đâu.
– Đừng bảo tôi điên. Tôi là một kẻ sống sót. Tôi phải làm cái gì nó khiến tôi sống sót.
Gullberg lắc đầu.
– Không, Alexander, ông làm cái mà ông làm vì ông là kẻ xấu xa, thối nát. Ông muốn một thông điệp của Bộ phận. Tôi đến để đưa nó cho ông đây. Lần này chúng tôi sẽ không giơ một ngón tay nào lên giúp ông đâu.
Thình lình nom Zalachenko có vẻ dao động. Hắn quan sát Gullberg, cố hình dung xem đây có phải là một trò bịp trộ gì không.
– Ông không có lựa chọn, – hắn nói.
– Luôn có cái để chọn, – Gullberg nói.
– Tôi sắp…
– Ông sắp chẳng phải làm cái gì nữa rồi.
Gullberg thở sâu một hơi, kéo mở khóa túi bên ngoài chiếc va li, lấy ra một khẩu Smith &Wesson 9 ly nòng mạ vàng. Khẩu này ông nhận của Sở Tình báo Anh hai mươi lăm năm trước như là quà tặng vì một mẩu tin vô giá: tên tuổi của viên sĩ quan văn thư ở MI 5, một Philby 2 thứ hai làm việc cho Nga.
Zalachenko nom vẻ sửng sốt. Rồi hắn bật cười.
– Thế rồi ông làm gì tôi bằng cái của này? Bắn ư? Ông sẽ ngồi tù cho hết cái đời thảm hại của ông.
– Tôi không nghĩ thế.
Thình lình Zalachenko thấy không chắc là Gullberg đang trộ.
– Sẽ là một vụ xì căng đan quy mô đồ sộ đấy.
– Tôi cũng lại không nghĩ như thế. Sẽ có vài tít báo rồi một tuần sau là chả còn ai nhớ đến tên Zalachenko.
Zalachenko nheo mắt lại.
– Mày là đồ con lợn bẩn thỉu, – Gullberg nói, giọng lạnh ngắt khiến Zalachenko cứng người lại.
Gullberg bóp cò, đặt viên đạn vào giữa trán Zalachenko đúng lúc hắn bắt đầu quăng chiếc chân giả sang bên kia giường. Zalachenko vật ngửa ra trên gối. Cái chân lành của hắn đá năm, sáu cú rồi hắn bất động. Gullberg nhìn thấy hình một bông hoa đỏ ướt in lên trên tường sau đầu giường. Ông nhận thấy tai mình nghe o o sau tiếng súng, ông lấy tay không cầm súng xoa xoa tai bên trái. Rồi ông đứng lên, đặt mũi súng vào thái dương Zalachenko, bóp cò hai lần. Ông muốn cầm chắc thằng chó đẻ lần này chết thực sự.
 
o O o
 
Salander ngồi bật dậy lúc nghe thấy tiếng súng đầu tiên. Vai cô nhói lên đau. Khi súng nổ thêm hai tiếng, cô cố đưa hai chân qua bên kia giường.
Giannini vừa ở đây được ít phút. Chị ngồi cứng người lại, cố nhận ra tiếng súng nổ ở hướng nào. Qua phản ứng của Salander, chị có thể nói một cái gì nguy hiểm chết người sắp sửa xảy ra.
– Nằm im, – chị hét. Để tay lên ngực Salander, chị đè cô gái xuống giường.
Rồi Giannini đi qua gian buồng, kéo cửa mở ra. Chị trông thấy hai cô y tá chạy đến một gian buồng ở cách đây hai cửa. Cô thứ nhất đứng sững ở ngưỡng cửa. “Ô, đừng!”, cô kêu thất thanh, lùi lại sau một bước, xô vào cô thứ hai.
– Hắn có súng. Chạy đi!
Giannini thấy hai cô y tá chạy ẩn vào trong gian buồng cạnh buồng Salander.
Sau đó chị trông thấy một người gầy, tóc hoa râm, mặc jacket kẻ carô, đi vào hành lang. Hắn cầm một khẩu súng. Anika nhận ra đó là người đàn ông đi thang máy lên cùng với chị.
Rồi họ nhìn thấy nhau. Hắn có vẻ bối rối. Nhằm súng vào chị, hắn sấn lên một bước. Chị rụt đầu lại, đóng cửa, thất vọng nhìn quanh. Ngay cạnh chị là cái bàn của y tá. Chị đẩy nó lăn nhanh đến cửa rồi chẹn mặt bàn vào bên dưới tay nắm cửa.
Nghe thấy tiếng động đậy, chị quay lại thấy Salander đang lại bắt đầu trèo ra khỏi giường. Rất nhanh chị nhào qua buồng, ôm lấy cô gái nhấc lên. Chị làm tuột các điện cực và các ống truyền khi mang cô gái vào trong buồng tắm, cho ngồi lên nắp bồn cầu. Rồi chị quay lại khóa cửa buồng tắm. Chị moi di động trong túi áo jacket ra, bấm số 112.
 
o O o
 
Gullberg đến buồng Salander, vặn tay nắm cửa. Nó bị chẹn. Ông không thể xoay nổi một li.
Ông đứng một lúc phân vân ngoài cửa. Biết luật sư Giannini ở bên trong, ông đoán không chừng bản báo cáo của Bjorck lại ở trong cặp của chị ta cũng nên. Nhưng ông không thể nào vào được trong buồng, và ông cũng không có sức phá cửa.
Dù sao thì chuyện này cũng không nằm trong kế hoạch. Clinton sẽ quản Giannini. Việc duy nhất của Gullberg là Zalachenko.
Nhìn quanh trong hành lang ông thấy các y tá, bệnh nhân và khách thăm đang chăm chăm theo dõi ông. Ông giơ súng bắn vào bức tranh treo trên tường ở cuối hành lang. Các khán giả của ông vụt biến mất như có phép thần.
Ông liếc lần cuối cùng vào cửa buồng Salander. Rồi ông dứt khoát quay về buồng Zalachenko, đóng cửa lại. Ông ngồi lên ghế dành cho khách đến thăm, nhìn kẻ đào ngũ người Nga trong rất nhiều tháng năm đã từng là một phần khăng khít với đời sống của ông.
Gullberg ngồi im lặng trong vòng mười phút rồi nghe thấy tiếng đi lại trong hành lang và ông biết rằng cảnh sát đã đến. Lúc này ông chẳng còn nghĩ đến một cái gì cụ thể nữa.
Rồi ông giơ súng lên lần cuối cùng, đặt nó vào thái dương, bóp cò.
 
o O o
 
Diễn biến tiếp theo cho thấy rõ ràng rằng một muu toan tự sát ngay giữa bệnh viện là chuyện vớ vẩn. Người ta đã hết sức nhanh chóng đưa Gullberg đến bộ phận xử lý chấn thương của bệnh viện, ở đây bác sĩ Anders Jonasson đã đón nhận ông và lập tức cho mở ra một giàn biện pháp để gìn giữ các chức năng sinh tồn của ông.
Lần thứ hai trong một tuần, Jonasson tiến hành phẫu thuật cấp cứu moi lấy một viên đạn bọc bằng toàn kim loại ra khỏi mô não người. Sau năm tiếng đồng hồ mổ xẻ, tình hình Gullberg là nghiêm trọng nhưng ông vẫn sống.
Song các vết thương của Gullberg nặng hơn nhiều so với Salander. Trong nhiều ngày, ông chờn vờn lơ lửng giữa cái sống và cái chết.
 
o O o
 
Blomkvist đang ở quan Kaffebar trên đường Hornsgatan thì nghe qua truyền thanh thấy một người đàn ông sáu mươi sáu tuổi, không biết tên, bị nghi là có âm muu giết kẻ trốn chạy Lisbeth Salander, đã bị bắn chết tại bệnh viện ở Goteborg. Anh bỏ tách cà phê chưa hề nhấp ngụm nào, nhặt máy tính, vội chạy tới tòa soạn trên đường Gotgatan. Đã qua đường Mariatorget, vừa rẽ lên St Paulsgatan thì anh nghe di động reo.
Anh vừa chạy vừa trả lời.
– Blomkvist.
– Chào, Malin đây.
– Tôi nghe thấy tin rồi. Cô có biết đứa giết người là ai không?
– Chưa. Henry đang săn tin.
– Tôi trên đường về báo đây. Năm phút nữa sẽ ở đấy.
Blomkvist đâm nhào vào Cortez ở cửa tòa báo Millennium.
– Ekstrom sẽ họp báo lúc 3 giờ chiều, – Cortez nói. – Tôi đến Kungsholmen đây.
– Chúng ta biết đến đâu rồi?
– Hỏi Malin ấy, – Cortez nói rồi đi.
Blomkvist đi thẳng đến buồng Berger, nhầm rồi…, buồng của Eriksson. Cô đang nghe điện thoại và viết hung hãn lên một tập giấy màu vàng quảng cáo của Buu điện. Cô phẩy tay bảo anh đi ra. Blomkvist vào căn bếp nhỏ rót cà phê sữa vào hai cốc vại có in logo của đảng Dân chủ Thiên Chúa và đảng Xã hội. Anh quay lại thì cô vừa xong bữa chuyện điện thoại. Anh cho cô cốc của đảng Xã hội.
– Ðúng, – cô nói. – Zalachenko bị bắn chết lúc 1 giờ 15. – Cô nhìn Blomkvist. – Em vừa nói chuyện với một cô y tá ở Sahlgrenska. Cô ấy nói hung thủ là một người đàn ông trạc bảy chục tuổi, mang hoa đến cho Zalachenko mấy phút trước khi gây án. Hắn bắn mấy phát vào đầu Zalachenko rồi tự bắn mình. Zalachenko chết. Hung thủ còn sống và đang được phẫu thuật.
Blomkvist thở dễ dàng hơn. Từ lúc nghe tin ở Kaffebar, tim gan anh đã thắt lại, hoảng loạn cảm thấy Salander có thể là hung thủ. Chuyện đó thật sự sẽ làm cho công việc vô cùng khó khăn.
– Chúng ta có tên của người tấn công chưa?
Eriksson lắc đầu khi điện thoại lại réo. Cô cầm máy, qua câu chuyện Blomkvist biết được rằng đó là một phóng viên ở Goteborg mà Eriksson cử đến Sahlgrenska. Anh về văn phòng mình ngồi xuống.
Cảm thấy tựa hồ đã hàng tuần rồi anh chưa đến văn phòng của mình. Có một chồng thư bưu điện mà anh dứt khoát quăng ra một bên không mở. Anh gọi em gái.
– Giannini đây.
– Anh đây. Em có nghe thấy xảy ra chuyện gì ở Sahlgrenska không?
– Anh có thể nói được là có đấy.
– Em ở đâu?
– Ở bệnh viện. Thằng khốn nạn cũng nhằm vào em.
Blomkvist ngồi ớ ra không nói một lúc, rồi anh nắm được đầy đủ ý em gái anh.
– Sao mà kỳ cục… thế em ở đấy à?
– Vâng. Lần đầu tiên em gặp chuyện kinh hoàng đến thế.
– Em có bị thương không?
– Không. Nhưng hắn định vào buồng Salander. Em chặn cửa lại rồi cả hai vào buồng tắm khóa lại.
Toàn bộ thế giới của Blomkvist thình lình như nghiêng ngả tròng trành. Em gái anh gần như…
– Cô ấy sao? – Anh nói.
– Không sao. Hay em muốn nói ít nhất cô ấy không bị thương trong tấn thảm kịch hôm nay.
Anh để cho câu nói thấm vào mình.
– Annika, về toàn bộ vụ giết người này em có biết một tí gì đó không?
– Không tí teo nào. Hắn là người có tuổi, ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, em nghĩ hắn nom khá là lúng túng. Em chưa thấy hắn trước đó bao giờ nhưng em cùng đi thang máy lên gác với hắn một ít phút trước khi xảy ra mọi chuyện.
– Và Zalachenko thì chết, chắc chắn?
– Vâng. Em nghe thấy ba phát súng và theo như lời em nghe lỏm được thì cả ba phát đều vào đầu. Nhưng với một nghìn cảnh sát và họ lại sơ tán một phòng bệnh cho những bệnh nhân nặng và bị thương thực sự cần phải chuyển đi nên chỗ ấy cử rối tung hết cả lên. Cảnh sát đến, một người đã toan hỏi Lisbeth, chả bận tâm gì xem cô ấy có bị làm sao không. Em phải đọc cho họ Luật cấm tụ họp gây náo loạn.
 
o O o
 
Erlander trông thấy Giannini ở cửa buồng Salander. Cô luật sư có di động áp ở tai cho nên ông chờ cô nói xong.
Hai giờ sau vụ án mạng, trong hành lang vẫn nháo nhác. Đã niêm phong buồng Zalachenko. Các bác sĩ đã cố cấp cứu cho hắn ngay sau vụ bắn nhưng sớm đành bỏ cuộc. Xác Zalachenko được đưa đến cho bác sĩ bệnh học và cuộc điều tra hiện trường vụ án liền được tiến hành tốt nhất như hoàn cảnh cho phép.
Di động của Erlander kêu. Là Fredrik Malmberg ở nhóm điều tra.
– Chúng tôi đã có một thẻ căn cước xác thực ở trên người hung thủ, – Malmberg nói. – Tên ông ta là Evert Gullberg, bảy mươi tám tuổi.
Bảy mươi tám. Một kẻ giết người thế là khá đây.
– Thế Evert Gullberg là cái quỷ gì cơ chứ?
– Về hưu. Sống ở Laholm. Có vẻ là một luật sư về thuế. Tôi được SIS gọi nói họ vừa mở một cuộc điều tra sơ bộ chống lại ông ta.
– Khi nào và tại sao?
– Tôi không biết khi nào. Nhưng có vẻ ông ta hay gửi thư điên rồ và đe dọa đến những người trong Chính phủ.
– Như ai?
– Bộ trưởng Tư pháp là một.
Erlander thở dài. Vậy là một cha điên. Một cha cuồng tín.
– Sáng nay các báo gọi đến Sapo nói họ nhận được thư của Gullberg. Bộ trưởng Tư pháp cũng gọi vì Gullberg đã đặc biệt có lời đe giết Karl Axel Bodin.
– Tôi muốn có các thư ấy.
– Của Sapo?
– Ừ, mẹ kiếp. Ði xe lên Stockholm và nhót đích thân chúng đến đây nếu cần. Tôi muốn chúng ở bàn giấy của tôi khi tôi ở Ban chỉ huy cao cấp về. Sẽ là vào khoảng một tiếng nữa.
Ông nghĩ một lúc rồi hỏi câu thứ hai.
– Sapo gọi ông đấy phải không?
– Tôi đã nói với ông thế còn gì.
– Ý tôi là… họ gọi ông và ông không gọi lại họ.
– Đúng.
Erlander tắt di động.
Ông nghĩ cái quái gì đã ám nhập vào Sapo khiến họ thình lình lại cảm thấy cần phải liên hệ với cảnh sát – và tự nguyện. Thông thường đừng có mà hòng lấy được một mẩu lời nào của họ.
 
o O o
 
Wadensjoo hất tung cánh cửa đi vào trong buồng mà Clinton đang nghỉ ở Bộ phận. Clinton thận trọng ngồi thẳng lên.
– Ðang xảy ra cái quái cái quỷ gì thế này đây? – Wadensjoo la rít lên. – Gullberg giết Zalachenko rồi tự bắn vào đầu.
– Tôi biết, – Clinton nói.
– Ông biết? – Wadensjoo hét. – Mặt ông đỏ gắt, nom tựa như ông sắp lên cơn đột quỵ. – Ông ta tự bắn mình, lạy Chúa. Ông ta toan tự sát. Ông ta điên mất rồi à?
– Ý ông nói là ông ấy còn sống?
– Lúc này, vâng, nhưng não tổn thương nặng.
Clinton thở dài.
– Xấu hổ quá, – ông nói, giọng thực sự đau buồn.
– Xấu hổ ư? Wadensjoo nổi đóa lên. – Gullberg là điên rồi. Ông không hiểu cái…
Clinton cắt lời ông.
– Gullberg bị ung thư dạ dày, ruột kết với bàng quang. Ông ấy ngắc ngoải mấy tháng nay rồi, tốt nhất cũng chỉ còn được có ít tháng.
– Ung thư?
– Sáu tháng qua ông ấy mang súng theo, quyết tâm dùng khi nào đau không thể chịu nổi nữa, trước khi vì bệnh hoạn mà ông ấy quay ra sống cái đời thực vật. Nhưng ông ấy có khả năng thực hiện một đặc ân cho Bộ phận. Ông ấy ra đi hết sức đàng hoàng.
Wadensjoo gần như quýnh qua quýnh quáng.
– Ông đã biết thế? Ông đã biết là ông ta sẽ giết Zalachenko?
– Dĩ nhiên. Nhiệm vụ của ông ấy là cầm chắc Zalachenko không còn có cơ hội nào nói ra được. Ông biết đấy, con người này là không thể lý sự hay đe dọa nổi hắn đâu mà.
– Nhưng ông không biết chuyện này rồi sẽ hóa thành một vụ tai tiếng như thế nào ư? Hay ông cũng chập cheng như Gullberg nốt rồi.
Clinton lò dò đứng lên. Ông nhìn vào mắt Wadensjoo rồi chìa ra một tập các bản fax.
– Ðây là một quyết định có tính tác chiến. Tôi để tang bạn tôi nhưng chắc tôi cũng theo ông ấy khá sớm sủa thôi. Chừng nào nổ ra tai tiếng thì đây… Một luật sư thuế về hưu viết những bức thư loạn trí cho báo chí, cảnh sát và Bộ Tư pháp. Ðây là một bản. Gullberg trách móc Zalachenko đủ mọi chuyện, từ ám sát Palme đến định đầu độc dân Thụy Điển bằng clo. Những thư này là do một anh dở người viết, có những chỗ đọc không hiểu, viết bằng chữ hoa, gạch dưới và những dấu chấm than. Tôi đặc biệt thích các chỗ ông ấy viết ở ngoài lề.
Wadensjoo càng đọc các bức thư càng ngạc nhiên. Ông đưa một tay lên trán.
Clinton nói:
– Có xảy ra bất cứ việc gì thì cái chết của Zalachenko cũng chả dính dáng tí nào đến Bộ phận. Chỉ là một cha ăn trợ cấp nào đó khùng điên lên nổ súng bắn mà thôi.
Ông ngừng lại.
– Ðiều quan trọng là từ nay đã xuống thuyền cả rồi thì ông phải có một chương trình. Và đừng làm con thuyền bị tròng trành.
Ông chăm chú nhìn Wadensjoo. Trong con mắt người ốm yếu có chất gang chất thép.
– Ðiều ông cần hiểu là Bộ phận có chức năng giống như mũi dao nhọn của toàn bộ nền quốc phòng. Chúng ta là phòng tuyến cuối cùng của Thụy Điển. Nhiệm vụ của chúng ta là trông nom đến an ninh của đất nước này. Mọi cái khác đều chả quan trọng gì cả.
Wadensjoo ngờ vực nhìn Clinton.
– Chúng ta là những người không tồn tại, – Clinton nói tiếp. – Chúng ta là những người không một ai sẽ cảm ơn. Chúng ta là những người phải đưa ra những quyết định mà không ai khác muốn ra. Ít nhất là các nhà chính trị.
Giọng ông run lên bất bình khi nói tới những câu sau cùng này.
– Hãy làm như tôi nói và Bộ phận sẽ sống sót. Với những chuyện xảy ra, chúng ta phải dứt khoát và trông vào những biện pháp cứng rắn.
Wadensjoo cảm thấy càng hoảng loạn hơn.
 
o O o
 
Cortez mải mê ghi, cố lấy hết từng lời đã được nói ở diễn đàn tại Văn phòng báo chí cảnh sát Kungsholmen. Công tố viên Ekstrom đã bắt đầu. Ông nói rõ rằng ông đã quyết định cuộc điều tra vụ giết người cảnh sát – do đó mà truy nã Ronald Niedermann – sẽ được đặt dưới quyền phán xử của công tố viên ở Goteborg. Còn lại việc điều tra liên quan Niedermann thì sẽ được trao cho bản thân Ekstrom. Niedermann là nghi can giết Dag Svensson và Mia Johansson. Không thấy nhắc tới luật sư Bjurman. Ekstrom cũng phải điều tra và luận tội Lisbeth Salander, cô gái bị nghi về một danh sách dài các vụ án.
Ông nói rõ là dưới ánh sáng các sự việc đã xảy ra ở Goteborg hôm ấy, kể cả việc bố của Salander, Karl Axel Bodin bị bắn chết, ông quyết định cho công khai thông tin ra. Lý do trước mắt triệu tập họp báo là ông muốn bác bỏ các tin đồn đang lưu hành trong giới truyền thông đại chúng. Bản thân ông đã nhận được nhiều cú điện thoại liên quan đến các tin đồn này.
– Căn cứ vào thông tin hiện có, tôi có thể nói với các bạn rằng con gái của Karl Axel Bodin, người đang bị giữ vì mưu toan giết bố, không có dính líu gì đến các sự việc sáng nay.
– Vậy hung thủ là ai? – Phóng viên của Dagens Eko hét lên.
– Người mà hồi 1 giờ 15 hôm nay bắn chết Karl Axel Bodin trước khi mưu toan tự sát hiện chưa được nhận diện ra. Ông ta là một ông già bảy mươi tám tuổi đang chữa chạy một căn bệnh ở vào giai đoạn cuối và các vấn đề tâm thần là có liên đới tới việc bắn kia.
– Ông ta có quan hệ gì với Lisbeth Salander không?
– Không. Ông này là một nhân vật bi kịch hành động rõ ràng chỉ có một mình, liên quan đến các ảo giác tâm thần phân lập. Cảnh sát An ninh vừa mới mở một cuộc điều tra về người này vì ông ta đã viết một số thư rõ ràng là không ổn đến các nhà chính trị và một số tên tuổi trong giới truyền thông đại chúng. Ngay mới sáng nay đây, báo chí và các cơ quan Chính phủ đã nhận được những bức thư trong đó ông ta đe giết Karl Axel Bodin.
– Tại sao cảnh sát không bảo vệ cho Bodin?
– Các thư nói đến tên Bodin chỉ mới được gửi đi đêm qua và đến tay người nhận đúng vào lúc xảy ra vu giết người. Không có thời gian để hành động.
– Tên hung thủ là gì?
– Khi nào biết được họ hàng gần nhất của hắn chúng tôi mới công bố.
– Bối cảnh tung tích hắn ta như thế nào?
– Như tôi biết thì trước kia hắn làm kế toán và luật sư thuế. Ðã về hưu mười lăm năm. Đang tiến hành điều tra nhưng như các bạn có thể đánh giá thấy từ các bức thư hắn gửi thì đây là một thảm kịch có thể ngăn ngừa được nếu trong xã hội có nhiều sự ủng hộ đỡ đần hơn.
– Hắn có đe dọa ai khác nữa không?
– Tôi được bảo là có, đúng, nhưng tôi không có chi tiết nào để nói ra với các ông.
– Vụ này có liên quan gì tới vụ kết tội Salander không?
– Hiện thì không. Chúng tôi có lời khai của chính Karl Axel Bodin do cảnh sát đã thẩm vấn hắn đưa cho và chúng tôi có nhiều bằng chứng pháp y chống lại cô ta.
– Có gì ở các bản báo cáo mà Bodin cố phải giết con gái?
– Việc này đang được điều tra nhưng có những chỉ dấu rõ rệt cho thấy hắn đúng là mưu tính giết con gái thật. Như lúc này chúng tôi có thể xác định thì đây là một vụ đối kháng sâu sắc trong một gia đình bị tan vỡ bi thảm.
Cortez gãi tai. Anh để ý thấy các phóng viên khác cũng mải miết ghi như anh.
 
o O o
 
Gunnar Bjorck cảm thấy hoảng sợ gần như không nguôi được khi nghe tin về vụ bắn người ở bệnh viện Sahlgrenska. Hắn thấy đau dữ dội ở lưng. Phải mất một giờ hắn mới định thần lại được. Rồi hắn nhấc điện thoại thử gọi cho người bảo vệ hắn xưa kia ở Laholm. Không có trả lời.
Hắn nghe bản tin và nghe một tóm tắt những điều đã nói ở cuộc họp báo. Zalachenko đã bị một luật sư thuế bảy mươi tám tuổi bắn chết.
Chúa ơi, bảy mươi tám tuổi.
Hắn thử gọi lại Gullberg nhưng vẫn không trả lời.
Cuối cùng tâm trạng bất an thắng thế. Bjorck không thể ở lại căn nhà nghỉ mùa hè mà hắn mượn ở Smadalaro được nữa. Hắn cảm thấy bị phơi bày ra và mong manh. Hắn cần thời gian và nơi chốn để nghĩ. Hắn xếp dọn quần áo, thuốc giảm đau và túi quần áo giặt. Không muốn dùng điện thoại của mình, hắn cà nhắc vào buồng điện thoại ở một cửa hàng tạp hóa để gọi đến Landsort và đặt thuê một buồng trong trạm hoa tiêu của những con tàu cũ. Landsort là chốn tận cùng của thế giới, ít người sẽ đến tìm hắn. Hắn đặt thuê buồng trong hai tuần.
Hắn liếc đồng hồ. Cần phải gấp để cho kịp chuyến phà cuối cùng. Hắn quay về căn nhà nhanh theo chừng cái lưng đau của hắn cho phép. Hắn vào thẳng bếp xem máy pha cà phê đã rút điện chưa. Rồi hắn ra gian sảnh lấy ba lô. Hắn tình cờ nhìn vào phòng khách và liền đứng sửng, ngạc nhiên.
Thoạt tiên hắn không nhận ra mình đang nhìn thấy gì.
Bằng một cách bí ẩn nào đó, cái đèn trần đã bị hạ xuống và đặt trên bàn cà phê. Thay vào chỗ cây đèn, một sợi dây thừng treo vào cái móc, ngay dưới đó là chiếc ghế đẩu thường vẫn để trong bếp.
Bjorck nhìn nút thòng lọng, ngẩn ra không hiểu.
Rồi hắn nghe thấy tiếng động ở sau lưng, đầu gối hắn liền khuỵu xuống.
Hắn từ từ quay lại.
Hai người đứng ở đó. Qua dáng dấp thì họ là người từ phía nam châu Âu. Hắn chẳng thiết phản ứng gì khi họ bình thản túm chặt lấy hai cánh tay hắn, nâng hắn lên khỏi đất rồi rinh hắn lên trên chiếc ghế đẩu. Hắn toan cưỡng lại thì thấy lưng đau như bị dao đâm. Hắn gần như tê liệt khi cảm thấy bị nhấc lên trên ghế đẩu.
 
 
o O o
 
Một người có biệt đanh Falun và lúc trẻ từng là kẻ trộm đi cùng với Sandberg. Hắn cuối cùng có luyện lại tay nghề thợ khóa. Thoạt tiên hồi 1986 Hans Von Rottinger mướn hắn cho Bộ phận khi đang có một vụ đánh dính đến việc bẻ khóa để lọt vào nhà một nhóm vô chính phủ. Sau đó cho tới giữa những năm 90, khi không còn cần đến loại việc bẻ khóa vào nhà này nhiều nữa, thỉnh thoảng người ta có mướn Falun. Sáng nay Clinton đã nối lại hợp đồng và giao cho Falun một nhiệm vụ. Falun sẽ làm một việc chỉ cần mất chừng mười phút mà được những 10.000 krona và miễn thuế. Ðổi lại hắn thề sẽ không ăn cắp bất cứ thứ gì ở trong căn hộ là mục tiêu của vụ đột nhập. Dẫu sao Bộ phận cũng không phải là một Xí nghiệp tội ác.
Falun không biết rõ Clinton đại diện cho lợi ích của ai, nhưng hắn cho là ở đấy có liên quan gì đó đến quân sự lính tráng. Hắn có đọc sách của Jan Guillou và không hỏi han gì. Nhưng sau rất nhiều năm nằm im xa cách ông chủ thuê hắn trước đây, nay được lên lại yên ngựa, hắn cảm thấy hay hay.
Việc của hắn là mở cửa nhà người khác. Hắn là chuyên gia phá khóa đột nhập. Dù thế đi nữa, hắn vẫn phải mất năm phút thì khóa căn hộ của Blomkvist mới bật ra. Rồi Falun chờ ở chiếu giữa trong khi Sandberg đến.
– Tôi vào rồi, – Sandberg nói vào bộ đàm.
– Tốt, – Clinton nói. – cứ tà tà không vội. Thấy gì thì bảo tôi.
– Tôi đang ở gian sảnh với một cái tủ đứng và giá treo mũ ở bên phải. Buồng tắm bên trái. Ngoài ra chỉ có một buồng rộng, cỡ khoảng năm chục mét vuông. Có một căn bếp nhỏ thụt vào ở đằng đầu bên phải.
– Có bàn làm việc hay…
– Cha này hình như làm việc ở bàn bếp hay ngồi ở đi văng phòng khách… Khoan.
Clinton chờ.
– Ðược, đây rồi, một tập hồ sơ trên bàn bếp. Báo cáo của Bjorck ở trong đó. Xem vẻ là bản gốc vậy.
– Rất tốt. Còn gì hay hay ở trên bàn không?
– Sách. Hồi ký Ðấu tranh quyền lực cho Sapo của P.G. Vinge. Bốn, năm quyển như thế nữa.
– Có máy tính không?
– Không.
– Két sắt?
– Không… không phải cái mà tôi trông thấy.
– Cứ tà tà. Xem kỹ từng phân trong căn hộ. Martensson báo cáo là Blomkvist vẫn ở tòa báo. Có mang găng tay chứ?
– Dĩ nhiên mà.
 
o O o
 
Erlander có nói chuyện với Giannini trong một quãng ngừng ngắn ngủi giữa lúc bên này hoặc bên kia, hoặc cả hai bên, phải trả lời di động của mình. Ông vào trong buồng Salander, giơ tay ra tự giới thiệu. Rồi ông chào Salander, hỏi cô cảm thấy trong người thế nào. Salander nhìn ông, thản nhiên không biểu cảm. Ông quay sang Giannini.
– Tôi cần hỏi vài câu.
– Ðược.
– Cô có thể nói với tôi chuyện gì đã xảy ra sáng nay không?
Giannini kể lại những điều chị đã nghe và nhìn thấy, cũng như chị đã phản ứng ra sao cho tới khi tự chặn nhốt mình và Salander lại trong buồng tắm. Erlander liếc Salander rồi quay lại với người luật sư của cô.
– Vậy là bà chắc chắn hắn đã tới tận cửa buồng này.
– Tôi nghe thấy hắn cố vặn tay nắm cửa.
– Và bà hoàn toàn chắc chắn là như thế? Khi sợ hay bị kích động thì người ta cũng dễ tưởng tượng ra các thứ đấy.
– Tôi rành rành nghe thấy hắn ở ngoài cửa. Hắn đã trông thấy tôi và còn chĩa súng vào tôi, hắn biết tôi đang ở trong buồng.
– Bà có lý do nào để tin rằng trước khi xảy ra chuyện này hắn đã lên kế hoạch bắn cả bà nữa không?
– Tôi sao mà biết được. Khi hắn nhằm vào tôi, tôi thụt ngay đầu vào và chẹn cửa lại.
– Như vậy là rất nhanh trí. Và bà còn khôn ngoan hơn, mang thân chủ vào trong buồng tắm. Các cái cửa này quá mỏng, đạn có thể ngon lành xuyên qua nếu như hắn bắn. Tôi đang cố hình dung liệu hắn có muốn bắn cá nhân bà không hay chỉ là phản ứng lại việc bà đang nhìn vào hắn. Bà là người ở gần hắn nhất trong hành lang mà.
– Không kể hai cô y tá nữa.
– Bà có cảm thấy là hắn biết bà hay có thể đã nhận ra bà không?
– Không, thực sự không.
– Có thể hắn đã nhận ra bà từ báo chí chăng? Bà được nói đến nhiều qua mấy vụ có tường thuật rộng rãi.
– Có lẽ, tôi không thể nói chắc được.
– Và trước đây bà chưa thấy hắn bao giờ?
– Tôi thấy hắn ở trong thang máy, đó là lần đầu tiên tôi thấy hắn.
– Tôi không biết việc đó. Bà đã nói chưa nhỉ?
– Chưa. Tôi vào thang máy cùng lúc với hắn. Tôi loáng thoáng thấy hắn chỉ trong chừng vài ba giây thôi. Một tay hắn cầm bó hoa, tay kia chiếc cặp.
– Bà có nhìn vào mắt hắn không?
– Không, hắn nhìn thẳng về đằng trước.
– Ai vào trước?
– Gần như cùng một lúc.
– Nom hắn có bối rối hay…
– Khó mà nói được là có hay không. Hắn vào thang máy và đứng hoàn toàn im lặng, cầm bó hoa.
– Tiếp theo là gì?
– Chúng tôi ra khỏi thang máy ở cùng tầng gác và tôi đến thăm thân chủ.
– Bà đến thẳng đây chứ?
– Vâng… không. Nghĩa là tôi đến quầy tiếp tân đưa thẻ căn cước. Công tố viên cấm thân chủ tôi tiếp khách.
– Người đàn ông kia lúc ấy ở đâu?
Giannini ngập ngừng.
– Tôi không chắc lắm. Hắn đi sau tôi, tôi nghĩ là thế. Không, khoan… hắn ra thang máy trước nhưng dừng lại giữ cửa cho tôi. Tôi không thể cam đoan nhưng tôi nghĩ hắn cũng ra quầy tiếp tân. Tôi chỉ là mau chân hơn hắn mà thôi. Nhưng các cô y tá chắc có biết.
Già, lịch sự và là hung thủ, Erlander nghĩ.
– Ðúng, hắn có ra quầy tiếp tân, – ông xác nhận. – Hắn nói với cô y tá rồi để hoa lại ở quầy, theo lời chỉ dẫn của cô ấy. Nhưng bà không thấy điều đó.
– Tôi không nhớ được gì cả.
Erlander không hỏi nữa. Ông đang bị nỗi ngán ngẩm gậm nhấm. Trước kia từng có cảm giác này, ông đã luyện quen để hiểu rằng nó là một kiểu báo động do bản năng khơi dậy. Một cái gì đó đang vượt quá sức ông, một cái gì đó không đúng, không phải.
Hung thủ đã được nhận dạng là Evert Gullberg, nguyên kế toán và đôi khi làm cố vấn kinh doanh cũng như luật sư thuế. Một người đã vào tuổi thượng thọ. Một người mà Sapo vừa mở cuộc điều tra sơ bộ về ông ta vì ông ta là một lão hấp lìm đã viết những thư đe dọa đến các nhân vật nhà nước.
Bằng kinh nghiệm lâu ngày, Erlander biết là có nhiều dân hấp lìm quanh quẩn ở ngoài kia, một số người bị ám ảnh vì bệnh hoạn, lén bám theo những người nổi tiếng và tìm kiếm tình yêu bằng cách ẩn nấp trong những khu rừng gần các biệt thự của họ. Khi tình yêu không được đáp ứng – mà sao lại đòi thế được cơ chứ? – thì nhanh chóng biến ngay ra thành thù hận dữ dội. Có những người đeo bám lẵng nhẵng suốt từ Ðức hay Ý, hết buổi diễn này đến buổi diễn khác, để đi theo một ca sĩ 21 tuổi trong một nhóm nhạc pop. Thế rồi đâm ra tuyệt vọng vì cô ta không làm gì để mở ra một quan hệ nào đó với họ. Có những cá nhân tính tình hung hãn cứ ôm lấy những bất công có thật hay tưởng tượng rồi đâm ra hành xử theo kiểu đe dọa. Có những người bị bệnh tâm thần, những nhà theo lý thuyết về âm mưu, những dân hấp lìm có năng khiếu đọc được các thông điệp mà thế giới người bình thường không thể thấy.
Có vô thiên lủng thí dụ về các cha khùng rồ thình lình từ huyễn tưởng nhảy sang hành động rồ dại kiểu này. Vụ ám sát Anna Lindh 3 chẳng phải chính là kết quả của một cơn xung động điên loạn đó sao?
Nhưng Erlander không thích cái ý nghĩ rằng một viên kế toán ốm đau, hoặc làm nghề gì bất cần biết, lại có thể la cà vào bệnh viện với một bó hoa trong tay này và khẩu súng ở tay kia. Hoặc, lạy Chúa, hắn lại có thể thủ tiêu một người đang là đối tượng điều tra của cảnh sát – cuộc điều tra của chính Erlander. Một người mà tên trong sổ đăng bạ của nhà nước là Karl Axel Bodin nhưng tên thật lại là Zalachenko, theo lời Blomkvist. Một thằng điệp viên Nga chó chết đào tẩu và một tên cướp nhà nghề.
Ít nhất Zalachenko cũng là một nhân chứng; nhưng trong trường hợp xấu nhất thì hắn đã dính ngập cổ vào một loạt vụ giết người. Erlander đã được cho phép làm hai cuộc thẩm vấn ngắn Zalachenko và chả có lần nào ông lại ngả nghiêng dao động trước những lời thanh minh vô tội của con người này.
Hung thủ cũng tỏ ra quan tâm đến Salander, hay ít nhất đến luật sư của cô ta. Hắn đã cố vào phòng cô gái.
Và rồi hắn đã toan tự sát. Theo các bác sĩ, hắn chắc đã thành công, dù cho cơ thể hắn vẫn chưa thu nạp được cái thông điệp báo rằng đã đến lúc nó cần phải đóng máy lại nghỉ. Xem vẻ nhiều phần Evert Gullberg sẽ bị đưa ra tòa.
Erlander không thích tình hình này, không thích trong một lát. Nhưng ông không có bằng chứng để nói rằng những phát súng của Evert Gullberg là nhằm một cái gì khác chứ không phải là những phát súng của một người điên. Cho nên ông quyết định chơi ăn chắc. Ông nhìn Giannini.
– Tôi đã quyết định chuyển Salander sang một phòng khác. Có một buồng ở trong hành lang nối với bên phải khu vực tiếp bệnh nhân, ở đấy tốt hơn về mặt an ninh. Nó trông thẳng vào quầy tiếp tân và phòng của các y tá. Không khách nào được phép vào như bà nữa. Trừ bác sĩ và y tá, không ai được vào buồng cô ấy mà không có giấy phép. Và tôi sẽ lo liệu để có một người gác suốt ngày đêm bên ngoài buồng cô ấy.
– Ông nghĩ là cô ấy đang gặp nguy hiểm ư?
– Tôi không biết cái gì cho thấy cô ấy đang gặp nguy hiểm. Nhưng tôi muốn chọn giải pháp an toàn.
Salander chăm chú nghe câu chuyện giữa luật sư của mình và kẻ thù của mình, một thành viên của lực lượng cảnh sát. Giannini trả lời rất chính xác và sáng suốt đã gây được ấn tượng với cô. Việc chị luật sư giữ được bình tĩnh mặc dù bị căng thẳng lại càng gây ấn tượng với cô hơn.
Ngoài ra, cô bị đau đầu dữ dội từ lúc Giannini lôi cô ra khỏi giường và mang cô vào buồng tắm. Về bản năng cô mong càng có ít quan hệ với nhân viên bệnh viện càng hay. Cô không muốn xin giúp đỡ hay tỏ ra một dấu hiệu yếu đuối nào. Nhưng cơn đau đầu đã vượt quá sức chịu đựng đến nỗi cô không thể nghĩ gì cho ngay ngắn. Cô thò tay bấm gọi y tá.
 
o O o
 
Giannini dự định đến Goteborg như một khởi đầu ngắn gọn, cần thiết cho một công việc lâu dài. Chị muốn hiểu về Salander, hỏi cô về thực trạng của cô và giới thiệu khái quát về chiến lược mà chị và Blomkvist đã cùng đặt ra để giải quyết các thủ tục pháp lý. Ban đầu chị có ý quay lại Stockholm ngay tối ấy, nhưng các sự kiện bi thảm ở Sahlgrenska đã có nghĩa là chị vẫn chưa có được cuộc chuyện trò thực chất với Salander. Thân chủ của chị ở trong một tình thế xấu hơn nhiều so với điều mà chị đã được dẫn đến chỗ tin vào nó. Cô gái bị đau đầu dữ dội, sốt cao, bác sĩ Endrin đã phải vội cho cô thuốc giảm đau mạnh, kháng sinh và đủ thứ khác. Do đó, ngay sau khi thân chủ của chị được chuyển đến phòng mới và người gác đã đứng ở bên ngoài, người ta liền yêu cầu, khá kiên quyết, chị phải rời đi.
Ðã 4 rưỡi chiều. Chị do dự. Chị có thể về Stockholm, biết rằng ngày mai sẽ lại phải bắt chuyến tàu đi Goteborg càng sớm càng tốt. Hoặc không thì có thể ở lại qua đêm. Nhưng thân chủ của chị có thể không đủ sức tiếp nếu chị đến thăm vào ngày mai. Chị đã không đặt phòng khách sạn. Là một luật sư chủ yếu đại diện cho các phụ nữ bị lạm dụng và ít tiền nong, chị cố tránh cho hóa đơn của mình nặng thêm vì các khoản chi phí đắt đỏ ở khách sạn. Trước tiên chị gọi về nhà rồi bíp máy Lillian Josefsson, một luật sư đồng sự, thành viên của Mạng lưới phụ nữ và là bạn cũ từ thời ở Trường Luật.
– Tớ đang ở Goteborg, – Giannini nói. – Tớ định về nhà tối nay nhưng xảy ra một số việc nên tớ phải qua đêm ở đây. Tớ ngủ ở nhà cậu có OK không?
– Xin mời, như thế sẽ vui đấy. Hằng năm rồi chúng mình chưa gặp nhau.
– Tớ có làm cậu phải ngừng công việc gì không?
– Không, dĩ nhiên không. Nhưng tớ đã dọn nhà. Nay tớ ở một phố nhỏ, gần Linnegatan. Nhưng tớ có một buồng trống. Sau đó chúng ta có thể ra quán bar nếu thích.
– Nếu tớ còn hơi sức, – Giannini nói. – Lúc nào thì được?
Họ đồng ý là Giannini sẽ đến vào quãng 6 giờ.
Giannini đi xe khách đến Linnegatan, sau đó ngồi vài giờ ở một nhà hàng Hy Lạp. Đói bụng, chị gọi thịt nướng với xa lát. Chị ngồi hồi lâu nghĩ về các sự kiện trong ngày. Bây giờ khi adrenalin đã bị xài hết, chị hơi run run nhưng vui với mình. Trong lúc rất nguy hiểm chị đã lì, bình tĩnh và tập trung tư tưởng. Theo bản năng chị đã ra các quyết định đúng đắn. Biết rằng mình thích ứng được với một trường hợp khẩn cấp là một cảm giác thú vị.
Một lúc sau, chị lấy cuốn sổ ở trong cặp ra, mở phần ghi chép. Chị đọc kỹ hết tất cả. Chị đầy nghi ngờ về cái kế hoạch mà anh chị đã phác ra. Lúc ấy nó nghe thì logic, nhưng bây giờ xem ra lại không hay lắm. Dù như thế, chị cũng không có ý bỏ cuộc.
6 giờ, chị thanh toán hóa đơn, đi bộ đến nhà Lillian trên phố Olivedalsgatan. Chị bấm mã số của nhà bạn mà bạn chị đã cho. Chị bước vào lòng giếng cầu thang tìm chỗ bật đèn thì thình lình bị đánh ở đằng sau. Chị đổ sấp vào bức tường gạch men gần cửa. Ðầu bị đập mạnh, chị cảm thấy đau dội lên và ngã ra đất.
Lát sau chị nghe thấy tiếng bước chân đi vội ra xa rồi cửa chính mở ra và đóng lại. Chị cố đứng lên, đưa tay lên trán. Có máu ở gan bàn tay. Quái quỷ gì thế này? Chị ra đường, vừa kịp liếc thấy một người rẽ ở góc phố đến Sveaplan. Choáng váng, chị đứng sững một lúc. Rồi chị quay về cửa và lại bấm mã số.
Thình linh chị nhận thấy không còn cái cặp. Chị đã bị trấn lột. Phải mất một vài giây chị mới ngấm nỗi kinh hoàng về chuyện này. Ô không. Tập hồ sơ Zalachenko. Chị cảm thấy một hồi chuông báo động réo lên từ buồng phổi.
Chị từ từ ngồi bệt xuống cầu thang.
Rồi chị đứng bật dậy và thục tay vào túi áo khoác. Cuốn sổ tay. Lạy Chúa. Rời hàng ăn, chị đã nhét nó vào túi áo thay vì để nó trở lại vào cặp. Nó chứa phác thảo về chiến lược của chị trong vụ án Salander, từng điểm chi tiết một.
Rồi chị lập cập lên tầng năm, đấm cửa nhà bạn.
 
o O o
 
Nửa giờ trôi đi chị mới đủ bình tâm lại để gọi cho anh ruột. Mắt chị tím bầm, một chỗ rách ở trên lông mày vẫn chảy máu. Lillian đã rửa sạch vết thương bằng cồn và đắp băng lên đó. Không, Giannini không muốn đi bệnh viện. Có, chị muốn một tách trà. Chỉ đến lúc ấy chị mới lại nghĩ được đâu ra đấy. Việc đầu tiên là gọi Blomkvist.
Anh vẫn còn ở tòa báo, đang cùng Cortez và Eriksson tìm thông tin về kẻ giết Zalachenko. Càng lúc càng mất tinh thần, anh nghe Giannini kể về những gì vừa xảy ra.
– Có bị gẫy xương không? – anh nói.
– Mắt tím bầm. Em sẽ OK sau khi bình tĩnh lại thôi.
– Em bị trấn lột hả?
– Mikael, cái cặp của em bị lấy cắp mất rồi, có hồ sơ Zalachenko mà anh cho em ấy.
– Không sao, anh có thể sao bản khác…
Anh ngừng lại khi cảm thấy tóc gáy dựng lên. Trước là Zalachenko. Nay Annika.
Anh đóng máy tính lại, nhét vào túi khoác vai, rời tòa báo không một lời, đi vội. Anh đi như chạy về nhà ở Bellmansgatan, lên cầu thang.
Cửa khóa.
Vừa vào nhà, anh thấy ngay tập hồ sơ để trên bàn bếp đã không cánh mà bay. Anh chả thiết tìm nó. Anh biết đích xác nó vốn dĩ ở đấy. Anh buông người xuống chiếc ghế bành ở bếp trong khi ý nghĩ cứ quay cuồng trong đầu.
Có người đã ở trong căn nhà này. Một người đang cố xóa dấu vết của Zalachenko.
Bản sao của anh và bản sao của em gái anh đã mất.
Bublanski vẫn còn bản báo cáo này.
Hay anh hãy còn nhỉ?
Blomkvist đứng lên đi ra điện thoại, nhưng ngừng lại khi tay đã đặt lên ống nghe. Ai đó đã ở trong nhà của anh. Anh hết sức nghi ngờ nhìn điện thoại rồi lấy di động ra.
Nhưng nghe lỏm chuyện trên di động thì dễ như thế nào chứ nhỉ?
Anh chầm chậm để di động xuống cạnh điện thoại bàn, nhìn quanh.
Rõ ràng là mình đang chơi với bọn nhà nghề rồi đây. Dân này có thể dễ dàng gắn bọ vào trong nhà cũng như lọt vào mà không phá khóa.
Anh lại ngồi xuống.
Anh nhìn vào máy tính xách tay của mình.
Xâm nhập thư điện của mình thì khó đến đâu? Salander chỉ cần năm phút.
 
o O o
 
Anh nghĩ một lúc lâu rồi quay về điện thoại cố định, gọi cho em gái. Anh thận trọng chọn chữ nghĩa.
– Em sao?
– Em tốt.
– Nói lại anh nghe chuyện gì xảy ra từ lúc em tới Sahlgrenska đến lúc em bị tấn công?
Annika mất mười phút để kể lại đầu đuôi. Blomkvist không suy luận mổ xẻ gì từ những điều Annika nói mà chỉ hỏi cho đến khi biết toàn bộ sự việc. Nghe như một người anh trai lo lắng cho em, nhưng đầu óc anh thật ra lại đang hoạt động ở một bình diện hoàn toàn khác, trong khi anh dựng lại những điểm then chốt.
4 giờ chiều hôm ấy, Annika đã quyết định ở lại Goteborg. Em gọi cho bạn bằng di động, nhận được địa chỉ và mã số cửa. Đến đúng giờ tên trấn lột đã chờ sẵn ở cửa.
Di động của Annika đã bị kiểm soát. Chỉ có thể giải thích như thế.
Nghĩa là di động anh cũng bị kiểm soát tương tự.
Chỉ có điên thì mới nghĩ khác mà thôi.
– Và bản báo cáo về Zalachenko đã bị mất, – Giannini nhắc lại.
Blomkvist ngập ngừng. Ai đã lấy cắp bản báo cáo ấy ắt biết là bản của anh cũng đã bị khoắng. Thì cứ nói đến chuyện đó tự nhiên thôi.
– Bản của anh cũng bị mất, – anh nói.
– Gì cơ?
– Anh nói anh về nhà thì thấy tập hồ sơ xanh để trên bàn bếp đã bị mất.
– Tai hại, – anh nói giọng ủ rũ. – Nó là phần cốt lõi của bằng chứng,
– Mikael, em rất tiếc.
– Anh cũng thế, – Blomkvist nói. – Khỉ thật! Nhưng không phải lỗi em. Lẽ ra hôm có nó, anh phải đăng ngay lên báo mới đúng.
– Anh làm sao bây giờ?
– Chưa biết. Ðây là chuyện xấu nhất, không ngờ lại xảy ra. Tất cả kế hoạch của chúng ta thế là đi tong. Chả còn tí bằng chứng nào chống lại Bjorck và Teleborian.
Hai anh em nói mấy câu nữa trước khi Blomkvist ngừng.
– Anh muốn mai em về Stockholm, – anh nói.
– Em phải gặp Salander.
– Ði gặp cô ấy buổi sáng. Chúng ta cần ngồi lại và nghĩ xem đường đi nước bước tiếp theo thế nào.
 
o O o
 
Đặt điện thoại xuống, Blomkvist ngồi lên đi văng nhìn đăm đăm vào khoảng không. Bất cứ ai nghe chuyện của họ đều biết nay Millennium đã bị mất bản báo cáo của Bjorck cùng với thư từ giữa Bjorck với bác sĩ Teleborian. Họ sẽ hài lòng thấy Blomkvist và Giannini đều đang trong cảnh quẩn bí.
Nếu không nhận được cái gì khác, chí ít từ lần nghiên cứu lịch sử của Cảnh sát An ninh đêm hôm trước, Blomkvist cũng đã học được rằng phao tin thất thiệt là cơ sở của mọi hoạt động tình báo. Và chính anh đã gieo tin thất thiệt mà về lâu về dài có thể nó sẽ lợi hại không ngờ.
Anh mở túi đựng máy tính xách tay, lấy ra bản sao làm cho Armansky mà anh chưa kịp gửi. Bản sao duy nhất còn lại và anh không muốn uổng phí nó. Trái lại, anh sẽ sao làm năm bản và cất chúng vào những nơi an toàn.
Rồi anh gọi Eriksson. Cô sắp khóa cửa tòa báo để về.
– Ðang lúc cập rập như thế mà anh biến đi đâu vậy? – Cô nói.
– Cô có thể nán lại đấy một lát không? Có một việc tôi phải nói với cô trước khi cô về.
Mấy tuần nay anh không có thì giờ giặt giũ quần áo. Tất cả sơ mi của anh đều ném trong giỏ giặt đồ. Anh cho vào túi một dao cạo, cuốn Đấu tranh quyền lực cho Sapo cùng với bản sao còn lại báo cáo của Bjorck. Anh đến Dressman mua bốn cái sơ mi, hai quần, một ít đồ lót rồi đem quần áo đến tòa báo. Eriksson chờ trong khi anh tắm vội, nghĩ không hiểu đã xảy ra chuyện gì.
– Một người đã đột nhập nhà tôi, ăn cắp mất bản báo cáo Zalachenko. Một người đánh Annika ở Goteborg, lấy cắp mất bản sao của cô ấy. Tôi có bằng chứng rằng điện thoại của cô ấy đã bị nghe trộm, nghĩa là máy của tôi cũng vậy. Có lẽ máy ở nhà cô và tất cả điện thoại ở Millennium đều đã bị gắn bọ cả. Một đứa đã mất công đột nhập nhà tôi mà không cài bọ thì có họa nó là thằng ngố.
– Em rõ, – Eriksson nói, bình thản. Cô liếc về chiếc di động ở trên bàn làm việc trước mặt.
– Cứ làm việc như thường. Cứ dùng di động nhưng không sơ hở ra thông tin nào. Ngày mai bảo Henry.
– Anh ấy vừa về một giờ trước đây. Anh ấy để một chồng báo cáo ở trên bàn của anh. Nhưng anh làm gì ở đây?
– Tôi định ngủ ở đây đêm nay. Nếu chúng bắn Zalachenko, ăn cắp các báo cáo, cài bọ ở nhà tôi hôm nay thì có nhiều cơ may là chúng vừa mới khởi sự và chưa kịp mò đến tòa báo.
– Anh nghĩ việc giết Zalachenko… nhưng hung thủ là một ông già bị bệnh tâm thần.
– Malin, tôi không tin có trùng hợp. Một ai đó đang che giấu tung tích Zalachenko. Tôi bất cần người ta nghĩ lão già điên ấy là ai hay lão đã viết bao nhiêu thư gửi cho các Bộ trưởng trong Chính phủ. Hắn là một kiểu giết thuê nào đó thôi. Hắn đến đó để giết Zalachenko… Và có lẽ cả Salander.
– Nhưng hắn đã tự sát, hoặc cố làm như vậy. Giết thuê mà lại thế sao?
Blomkvist nghĩ một lúc. Anh bắt gặp ánh mắt Tổng biên tập nhìn anh.
– Có thể khi một người đã bảy mươi tám và không có gì nhiều để mất. Hắn có chung các cái đó, khi nào chúng ta đào bới xong thì sẽ chứng minh chuyện đó.
Eriksson quan sát nét mặt Blomkvist. Trước đây cô chưa thấy anh bình tĩnh và kiên định như thế này bao giờ. Cô rùng mình. Anh để ý thấy phản ứng này.
– Một điểm nữa. Chúng ta không còn trong trận chiến với một băng tội phạm nữa, lần này là với một bộ phận của Chính phủ. Sẽ gay go đấy.
Eriksson gật.
– Tôi không ngờ chuyện lại đi xa đến thế này. Malin… Chuyện xảy ra hôm nay cho thấy rõ ràng là nó sẽ nguy hiểm đến đâu. Nếu cô không muốn dính dáng, cứ nói một lời.
Cô thầm nghĩ nếu là Berger thì Berger sẽ nói gì đây. Rồi bướng bỉnh cô lắc đầu.
Chú thích
1 Kim Philby (1912 – 1988): điệp viên người Anh, đã cung cấp nhiều thông tin bí mật của Anh cho Liên Xô. Ông ta là thành viên của một nhóm có tên là “Gián điệp Cambridge”, và là người thứ ba trong nhóm bị phát hiện, sau Guy Burgess và Donald Maclean. Sau khi bị phát hiện, ba người này đều trốn sang Liên Xô và trở thành công dân Xô viết.
2 Anna Lindh là một nhà chính trị Xã hội Dân chủ Thụy Ðiển từng làm Bộ trưởng Ngoại giao từ 1998 cho đến lúc bị ám sát năm 2003. Bà được nhiều người coi như một trong những ứng viên kế tục Goran Persson làm lãnh tụ của Xã hội Dân chủ và Thủ tướng Thụy Điển. Những tuần cuối đời, bà dính líu sâu rộng vào chiến dịch ủng hộ đồng euro đi trước cuộc trưng cầu dân ý về đồng euro.
3 Mùa thu năm 1987, do vụ ám sát Olof Palme thúc ép, Thủ tướng Ingvar Carlsson đã mở một cuộc điều tra vào các thể thức hoạt động của Cảnh sát An ninh Thụy Điển (Sapo). Carl Lidbom, lúc ấy là Đại sứ Thụy Điển ở Pháp, đã được trao nhiệm vụ chỉ đạo cuộc điều tra. Một trong những chỗ quen biết của ông, Nhà Xuất bản Ebbe Carlsson, tin chắc rằng tổ chức PKK của người Kuốc có dính líu đến vụ ám sát nên đã cung cấp tài lực để mở một cuộc điều tra tư nhân. Vụ Ebbe Carlsson nổ ra thành một tai tiếng chính trị lớn năm 1988, khi người ta tiết lộ rằng Nhà xuất bản này đã được Anna-Greta Leijon, lúc ấy là Bộ trưởng Tư pháp bí mật ủng hộ. Sau đó bà đã bị buộc phải từ chức.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.