Dick tỉnh dậy vào lúc năm giờ sáng sau một giấc mơ dài về chiến trận. Y ra cửa sổ ngắm hồ Zug. Giấc mơ khởi đầu bằng một không khí oai nghiêm u tối; những bộ đồng phục màu xanh hải quân đi ngang một Công trường sau ban nhạc chơi đoạn hai của bài Tình yêu của Ba Trái Cam, của Prokofieff. Rồi tới những máy bơm chữa lửa, biểu tượng của tai họa, và một cuộc nổi loạn ghê rợn của thương phế binh bên trong chiếc xe cứu thương. Dick thắp ngọn đèn đầu giường và ghi hết giấc mơ, kết thúc bằng một câu nửa chế diễu: Shell-Shock của người không chiến đấu.
Ngồi bên thành giường, Dick có cảm tưởng gian phòng, căn nhà, đêm tối, cùng trống rỗng. Ở phòng bên, Nicole lẩm bẩm nói gì bằng một giọng ảo não, Dick cảm thấy trong giấc ngủ Nicole vẫn đau khổ vì cảm tưởng bị bỏ rơi. Đối với Dick thời gian như ngừng lai, rồi từng khoảng mấy năm một dồn dập như nước lũ, như cuốn phim ảnh quay nhanh đã cuốn ngược lại… Nhưng, đối với Nicole, năm tháng trốn chạy theo nhịp của đồng hồ và những tờ lịch, của những ngày sinh nhật, nhan sắc dễ tàn phai cộng thêm một đức tính bi thiết vào sự trốn chạy của thời gian.
Đối với Nicole, ngay mười tám tháng sống bên bờ hồ Zug cũng là thời gian mất đi, những mùa chỉ nhận thấy trên da mặt những công nhân làm việc trên đường, đỏ vào tháng Năm, nâu vào tháng Bảy, gần đen vào tháng Chín, và trở lại trắng khi đầu mùa xuân. Nicole thoát khỏi cơn bịnh đầu tiên với những ước vọng mới, chờ đợi thật nhiều nhưng chẳng có gì ngoại trừ Dick, nuôi con gái mà Nicole làm bộ thương yêu nhưng Nicole nhìn thấy đó là những đứa trẻ mồ côi được dẫn dắt tốt. Những người mà Nicole thấy có cảm tình – phần đông là những người phản kháng – khiến cho Nicole bối rối và gây ảnh hương xấu cho sức khỏe của thiếu phụ. Y cố tìm nơi những người đó năng lực đã giúp họ tự lập và sáng tạo. Nhưng Nicole kiếm mãi uổng công, vì những bí mật của họ giấu sâu thẳm trong những đấu tranh tuổi nhỏ mà chính họ cũng đã quên. Trái lại họ bị thu hút bởi sự hòa dịu bên ngoài và duyên sắc của Nicole, một mặt khác của căn bịnh. Tóm lại thiếu phụ kéo dài một đời sống cô đơn, nắm giữ được Dick, nhưng Dick lại không muốn bị “nắm giữ”. Đã nhiều lần Dick tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của mình đối với Nicole. Hai người có những giờ khắc tuyệt đẹp ở bên nhau, những cuộc nói chuyện thú vị giữa những đêm trắng của tình yêu. Nhưng luôn luôn khi Dick quay đi nơi khác để rút trở vào nội tâm, Nicole ngồi đó với sự trống không trên hai bàn tay, một sự trống không mà Nicole chằm chằm ngắm mãi và đặt cho đủ thứ tên, trong khi chỉ biết đó là hy vọng Dick mau mau trở lại.
Dick bóp nát cái gối nằm ngủ lại, đè nặng lên gáy như kiểu người Nhật để giảm bót nhịp tuần hoàn. Y ngủ thiếp đi được một lát. Sau đó Dick cạo râu, Nicole tỉnh dậy chạy khắp nhà, ra lệnh ngắn cho con cái, cho người làm. Lanier tới ngó cha cạo râu. Sống bên một bịnh viện thần kinh, thằng bé tự gây được một niềm tin và một sự ngưỡng mộ lạ lùng nơi cha nó, – đồng thời một sự thờ ơ quá đáng đối với hầu hết những người lớn khác; những bịnh nhân nó thấy hoặc kỳ quái hoặc sống quá ít, những con người hết sức đàng hoàng, như không có cá tính. Lanier là một cậu trai rất bảnh, tương lai chắc chắn phải tươi sáng, Dick cũng dành cho nó một phần lớn thì giờ, tạo nên giữa hai cha con những tương quan giữa một sĩ quan đầy thiện cảm nhưng đòi hỏi gắt và một người chí nguyện biết tôn kính.
Lanier hỏi:
– Tại sao cha cứ để lại một chút bọt trên tóc khi cạo râu?
Dick thận trọng hé cặp môi đầy bọt xà bông.
– Cha cũng chẳng bao giờ tìm ra được tại sao. Cha cũng hay tự hỏi như vậy. Có lẽ tại ngón tay trỏ của cha dính bọt khi cha cạo bên cạnh vết thẹo trên má. Nhưng tại sao lại dính lên tới đầu thì cha đành chịu không hiểu được.
– Để mai con sẽ ngó coi.
– Đó là vấn đề duy nhất con đặt ra cho con trước khi ăn sáng phải không?
– Thật tình con không cho đó là một vấn đề.
Nửa giờ sau, Dick đi tới khu nhà nhà chánh. Bây giờ Dick đã ba mươi tám. Vẫn từ chối không để cho râu mọc, nhưng bây giờ Dick có vẻ một bác sĩ hơn hồi ở vùng Riviera. Từ mười tám tháng nay, Dick sống tại bịnh viện, và bịnh viện này là một trong những bịnh viện có tổ chức nhất Âu châu. Cũng như bịnh viện để Dohmler, bịnh viện này tối tân, tức là không phải một dãy chừng căn nhà dài ảm đạm, tối tăm, đó là một xóm nhà rải rác trên một khu vườn rộng. Dick và Nicole đã tăng thêm rất nhiều vào đó, về phương diện trang nhã, thành ra toàn thể ngắm rất đẹp mắt, chuyên viên về bịnh thần kinh nào qua Zurich cũng phải tới thăm. Bên ngoài người ta có thể lầm với một thứ hội quán ở vùng nông thôn. Tường Vi, Lùm Giẻ Gai, hai căn nhà dành cho những người bị chìm trong đêm tối vô hy vọng, được che giấu dưới những lùm cây ngăn cách ngôi nhà chính; đó đúng là những thành lũy được nguy trang. Xa hơn, có một thứ trang trại tại đó công việc một phần do các bịnh nhân làm. Những xưởng áp dụng phương pháp chữa trị bằng vận dụng bắp thịt có cả thảy ba lớp nhưng quy chung dưới một gian nhà. Dick khởi sự quan sát nơi đó trước hết. Xưởng thợ mộc đầy ánh sáng sực nức mùi gỗ mới xẻ thơm phức. Tại đó về cũng có chừng nửa lố đàn ông đang mải miết đóng đinh, bào, vân vân, những người đàn ông ít nói, khi thấy Dick đi ngang đều ngẩng mặt lên ngó theo bằng con mắt quan trọng. Dick rất rành về nghề mộc, biết thảo luận với họ về những tiện nghi của một vài món dụng cụ, Dick nói chuyện với một giọng bình thản, chú ý và cách biệt.
Kế bên là xưởng đóng sách, thích nghi với nhu cầu của những bịnh nhân ưa hoạt động, những người này không mấy khi chắc chắn có thể trị khỏi hẳn được bịnh. Gian cuối cùng là xưởng làm hột, dệt vải, gò đồng. Tại đây gương mặt bịnh nhân có vẻ như người vừa thở dài não nuột, đành bỏ qua một vấn đề không thể giải quyết. Những tiếng thở dài của họ tuy vậy chỉ biểu tỏ một giai đoạn luyện tập suy luận không ngừng – không phải theo đường thẳng như những người bình thường, mà theo đường vòng. Vòng tròn, vòng tròn, bao giờ cũng vòng tròn! Riêng có những màu sắc rực rỡ của những vật liệu họ dùng là cho người bên ngoài ảo tưởng nhất thời đâu có êm đẹp, nhưng thể trong một vườn trẻ. Những bịnh nhân đó trở nên hoạt động khi bác sĩ Diver tới gần họ. Phần đông thích bác sĩ Diver hơn bác si Grogorovious. Nhất là những người trước kia đã từng sống nhiều ngoài xã hội quyền quý hết thảy đều thích Diver, không sai một người nào. Cũng có người tự cho rằng bác sĩ Diver không đếm xỉa tới họ, cho rằng ông ta không bình dị, ông ta làm điệu. Những lời đáp của họ không khác bao nhiêu những lời đáp mà Dick nhận được ở ngoài đời không chuyên nghiệp, nhưng ở đây lời nào cũng bị bóp méo đi. Một phụ nữ người Anh luôn luôn nói với Dick về một vấn đề mà người đó cho rằng của Dick.
– Tối nay có hòa nhạc không ạ?
Dick đáp:
– Tôi không biết nữa. Tôi chưa gặp bác sĩ Lladislau. Các bạn có thích buổi nhạc mà bà Sachs và ông Longstreet cho chúng ta nghe tối hôm qua không?
– Nghe cũng được.
– Tôi lại thấy rất được, nhất là bản Chopin.
– Tôi thấy rất tồi.
– Chừng nào bà sẽ cho chúng tôi nghe nhạc của bà?
Người phụ nữ nhún vai, từ bao năm nay cứ nghe hỏi thế bà ta lại hết sức sung sướng và nhún vai như vậy.
Người đó đáp:
– Để một hôm nào. Nhưng tôi chơi dở lắm.
Ai cũng biết bà ta không chơi nhạc bao giờ. Bà ta có hai người chị em nổi tiếng về âm nhạc, nhưng hồi nhỏ không cách nào học được lấy một nốt nhạc.
Từ khu xưởng thợ Dick đi sang hai căn nhà Tường Vi và Lùm Giẻ Gai. Bên ngoài hai ngôi nhà trông dễ thương như hết thảy những ngôi nhà khác. Nicole đã vẽ những mẫu trang trí và đồ gỗ với chủ đích những chấn song, thanh ngang cần thiết và những vật dụng không thể tháo gỡ ra được phải được che giấu một cách đẹp mắt. Thiếu phụ đã biểu dương rất nhiều tưởng tượng (những năng khiếu sáng chế mà thiếu phụ không có đã được ngay vấn đề cần giải quyết cung cấp sẵn) khiến cho không một quan khách nào có thể tin rằng những đường kẻ nhẹ nhàng trên các cửa sổ thật ra lại là một hệ thông ngăn cách rất vững chắc, cũng như những đồ gỗ biểu tỏ xu hướng hiện đại với những kiểu ống thép lại nặng nề vững chắc hơn những sáng chế theo kiểu thức Edward.
Ngay đến hoa cũng dược cắm trong những bình bằng sắt, và mỗi đồ vật trang hoàng hay trưng bày thật ra đều cần thiết tương tợ như hàng lan can trên sân thượng một tòa nhà chọc trời. Mỗi gian đều được sắp xếp để khi sử dụng được hữu hiệu nhất. Khi có người tỏ lời khen Nicole, thiếu phụ đã trả lời sống sượng như thể chính mình là một người cai thầu đồ uống nước.
Đối với những người mà kim chỉ nam không quên mất phương bắc có rất nhiều điều lạ lùng trong những ngôi nhà ở đây. Dick đôi khi cũng thấy thích thú khi viếng thăm khu Tường Vi, nơi dành riêng cho đàn ông; tại đó có một người ưa biểu diễn rất kỳ quặc, người đó tin chắc rằng nếu có thể trần truồng không bị ngăn cản đi bộ từ quảng trường Etoile đến quảng trường Concorde y có thể tìm ra giải pháp cho rất nhiều khó khăn – Dick nghĩ rất rất có thể người đó có lý.
Trường hợp mà Dick cho rằng đáng chú ý nhất ở trong ngôi nhà lớn. Đó là một thiếu phụ chừng ba mươi tuổi tới bịnh viện được sáu tháng. Đó là một nữ họa sĩ người Mỹ sống lâu năm ở Paris. Những thành thích của bịnh nhân này các bác sĩ không lấy làm vừa lòng. Một người bà con của thiếu phụ bắt gặp bà ta trong một tình trạng mất trí hoàn toàn, sau một thời gian chữa trị tại những dưỡng đường kiểu “đập vào mắt” mọc lên đầy rẫy tại các vùng ngoại vi, phần lớn dùng cho những du khách nạn nhân của rượu và ma túy, người bà con tìm cách đưa được thiếu phụ qua Thụy Sĩ. Khi nhập viện, thiếu phụ hết sức xinh đẹp. Bây giờ thật là một thứ bù nhìn sống. Không một lần thử máu nào cho kết quả phản ứng tích cực, căn bịnh của thiếu phu được liệt vào loại lác thần kinh, có nghĩa là đáng ngại lắm. Trong vòng hai tháng thiếu phụ người đầy những vẩy, bị nhốt bên trong một thứ “mặt nạ sắt” phụ nữ. Đôi khi thiếu phụ xử sự có đầu có đuôi, đôi khi tỏ ra sáng láng bên trong ranh giới của những ảo tưởng riêng.
Đó là một nạn nhân của Dick, đặc biệt dành riêng. Trong những thời kỳ kích thích quá độ Dick là bác sĩ duy nhất có thể làm được một cái gì. Mấy tuần trước, trong một đêm, trong số nhiều đêm khác, thiếu phụ bị ray rứt vì mất ngủ. Franz đã thành công trong việc thôi miên và đem lại cho thiếu phụ được ít giờ nghỉ ngơi. Nhưng từ sau lần đó không lần nào Franz thành công nữa. Thôi miên là một điều mà Dick nghi ngại lắm, rất ít khi Dick dùng tới, vì Dick biết khó lòng có thể tập trung được. Có một lần Dick thử với Nicole, nhưng Nicole đã cười diễu Dick.
Bịnh nhân này nằm ở căn số 20, không thể ngó thấy Dick khi y sĩ bước vô. Hai mi mắt thiếu phụ sưng phồng. Thiếu phụ nói, giọnq nói trầm, súc tích, cảm động:
– Như vậy kéo dài chừng bao lâu?
– Bây giờ thì chẳng còn bao lâu nữa. Bác sĩ Lladislau cho tôi hay chẳng bao lâu bà sẽ bình phục.
– Nếu tôi biết vì đâu tôi phải chịu chứng bịnh này có lẽ tôi có thể chấp nhận một cách nhẫn nại hơn.
– Đừng nên trộn lẫn mê tín trong đó không nên. Chúng tôi chỉ nhận thấy đó là một hiện tượng thần kinh, in hệt như dữ kiện đỏ mặt lên vậy. Có phải hồi còn thiếu nữ bà thường hay đỏ mặt không?
Thiếu phụ nằm dài, gương mặt quay lên trần.
– Từ ngày tôi đến tuổi biết nghĩ tôi chẳng có lý do gì để đỏ mặt hết.
– Thế bà không hề phạm những lầm lẫn hay tội lỗi nhỏ như hết thảy mọi người sao?
– Tôi không hề có gì phải trách cứ tôi hết.
– Như vậy bà là người có may mắn lắm.
Thiếu phụ suy nghĩ trong giây lát, rồi giọng nói có những âm điệu Địa Trung Hải lọt qua mớ băng bọc kín trên mặt:
– Tôi chia sẽ số phận những phụ nữ đương thời của tôi, chúng tôi muốn thách thức đàn ông ngay trên đất của họ.
Dick cũng bắt chước giọng nói của thiếu phụ, đáp:
– Điều làm cho bà ngạc nhiên hết sức là cuộc đua tranh cũng giống hết thảy những cuộc đua tranh khác, phải không?
– Giống hệt như mọi cuộc đua tranh khác. Ta thắng một trận – hoặc một trận theo kiểu Pyrrhus – hay ta bị thảm bại, tiêu diệt. Ta chỉ còn là tiếng vọng do bức tường đổ vang lại.
Dick cãi:
– Bà không hề bị thảm bại, bị tiêu diệt. Bà có chắc đã ở trong một cuộc đua tranh thật sự không?
Thiếu phụ hăng hái nói:
– Thì ông cứ trông tôi đây cũng đủ rõ.
– Bà đã đau khổ, nhưng thiếu gì những phụ nữ đau khổ nhưng không muốn tự coi mình như đàn ông.
Cuộc nói chuyện trở thành một cuộc tranh luận. Dick vội rút lui:
– Dù sao bà không nên lẫn một thất bại với một vụ thất trận.
Thiếu phụ cười gằn:
– Nói cho vui đó thôi!
Điều ám chỉ bên dưới nỗi đau đớn khiến cho Dick trở nên khiêm tốn. Dick nói:
– Chúng tôi chỉ muốn biết những lý do thật sư nào đã đưa bà tới đây mà thôi.
Nhưng thiếu phụ vội ngắt lời:
– Tôi tới đây như một biểu tượng cho một cái gì. Tôi tưởng rằng ông cũng hiểu là cho cái gì rồi.
– Bà đang bịnh.
– Như vậy cái mà tôi gần tìm thấy là cái gì?
– Một chứng bịnh nặng hơn.
– Thế thôi?
– Thế thôi.
Dick ghê tởm thấy mình nói dối, nhưng ở đây, và trong lúc này, sự mênh mỏng của đề tài không thể nào làm khác hơn là thu nén lại còn một lời nói dối.
– Ngoài đó ra, chỉ còn lộn xộn và hỗn loạn. Tôi sẽ không thuyết pháp với bà. Chúng tôi quá hiểu những đau đớn của bà. Nhưng chỉ có một cách đề cập tới những vấn đề nho nhỏ hàng ngày, dù có thấy buồn chán đến đâu, bà mới có thể sắp xếp mọi thứ đâu vào đó. Sau đó, có thể bà sẽ tới tình trạng nhận xét được…
Dick nói chậm lại để không tới chỗ kết thúc không thể tránh được của ý tưởng: ranh giới của ý thức và vô thức.
Những ranh giới mà người nghệ sĩ có thể khám phá thiếu phụ không được phép tới, không bao giờ nữa. Thiếu phụ có một bản chất tế nhị, mỏng mảnh. Rất có thể thiếu phụ có cơ may tìm được yên nghỉ trong một thứ thần bí chủ nghĩa bình dị nào. Khám phá phải dành cho những người có một phần nào máu nông dân, những người có cặp đùi lớn, những mắt cá chân to, có thể chịu đựng được những thất bại như họ ăn bánh mì và muối, trong thể xác cũng như trong tinh thần.
Dick toan nói với thiếu phụ:
“Với bà thì không… với bà thì không thể có trò chơi đó, vì hung bạo quá”.
Tuy nhiên, thứ oai nghiêm ghê gớm trong nỗi đau khổ của thiếu phụ khiến cho Dick thấy bị thu hút không chút e ngại, gần như do cái giống. Dick chỉ muốn ôm lấy thiếu phụ trong vòng tay như thường ôm Nicole và thương yêu thiếu phụ ngay cả trong những lầm lỗi vì đó cũng là một phần của con người thiếu phụ.
Ánh sáng màu vàng cam chiếu qua tấm rèm, thứ linh sàng là chiếc giường thiếu phụ nằm. Vết màu nhỏ là khuôn mặt thiếu phụ và giọng nói hướng vào quãng không và chỉ gặp những ý niệm trừu tượng xa xăm… bấy nhiẽu thứ thật đáng cảm động.
Khi Dick đứng lên, những giọt nước mắt chợt ra từ những lớp băng, tràn lan như thủy thạch từ hỏa diệm sơn. Thiếu phụ thầm thì:
– Để cho một cái gì đó, một cái gì đó mà ra.
Dick cúi xuống hôn trên trán thiếu phụ, và nói:
– Hết thảy chúng ta đều phải cố gắng đạt tới đạo lý.
Ra khỏi phòng Dick bảo cô điều dưỡng tới với thiếu phụ. Dick còn phải thăm nhiều bịnh nhân khác: một thiếu nữ người Mỹ mười lăm tuổi được nuôi dưỡng theo nguyên tắc tuổi nhỏ chỉ là chuỗi dài những vui sướng. Cuộc đến thăm của Dick hôm đó nguyên do bởi cô gái đã thấy cần lấy kềm cắt móng tay cắt đứt hết mái tóc. Không có cách gì giúp cho cô gái đó. Nhược thần kinh từ gia đình. Không có gì vững chắc ở trong quá khứ cô gái để lấy đó làm căn bản. Người cha, bình thường và cẩn thận, đã cố gắng che chở cho gia đình nhỏ bé những người nhược thần kinh của mình chống với những va chạm của đời sống nhưng chỉ thành công trong việc ngăn cản các con phát triển những khả năng cá nhân để tự vệ và thích nghi.
Dick không biết nói gì về trường hợp này.
– Hélène, khi nào em thấy nghi ngờ điều gì em hãy hỏi cô điều dưỡng. Em cần phải tập nghe lời khuyên. Em có hứa với tôi là sẽ làm như vậy không?
Một lời hứa có nghĩa gì khi cái đầu đang bịnh?
Sau đó Dick thăm qua một người yếu ớt từ vùng núi Caucase bị lưu đày tới đây, cuốn tròn trong một cái võng, tràn ngập trong thùng nước thuốc, rồi Dick vào thăm ba cô gái, một ông tướng đang từ từ trôi vào tình trạng suy nhược, những thớ thịt không còn co dãn nữa. Tại phòng kế bên, Dick đoan chắc với một nhà tâm bệnh học bị suy nhược rằng ông ta ngày một khá hơn, và người đàn ông cố gắng đọc trên gương mặt y sĩ để tìm thấy sự tin tưởng, vì ông ta chỉ còn liên hệ với thế giới bên ngoài bởi sự vững tâm mà ông ta có tìm thấy hay không trong giọng nói của Dick.
Sau bấy nhiêu công việc để đuổi một nhân viên bất tài. Và đúng giờ dùng bữa trưa.