Cuộc Tình Bỏ Đi

CHƯƠNG 23



Một giờ sáng, Baby Warren vẫn còn nằm trên giường tiếp tục đọc một cuốn tiểu thuyết của Marion Crawford. Một truyện xảy ra tại La Mã. Rồi thiếu phụ đi ra cửa sổ đứng ngó xuống đường. Trước mặt khách sạn, hai chú lính carabinieri, ngây ngô trong bộ đồ với áo khoác và chiếc mũ kiểu Arlequin lắc lư qua lại ra vẻ quan trọng lắm, như thể cánh buồm lớn lất phất trước gió. Trông họ, Baby chợt nhớ tới người sĩ quan vệ binh trong bữa ăn trưa đã chằm chằm ngó mình. Viên sĩ quan ra vẻ ngạo nghễ vì cao lớn, nhưng gã vẫn thuộc một giống người lùn thấp. Người đó coi bộ không có nhiệm vụ nào khác hơn là “cao lớn”. Nếu y tiến tới và nói với Baby; “Mời bà, chúng ta cùng đi với nhau…”, thiếu phụ sẽ đáp liền: “Tại sao không?”. Tới lúc này thiếu phụ vẫn còn cho rằng có lẽ mình làm như vậy. Baby bị lệch lạc hoang mang vì ở giữa một khung cảnh xa lạ.
Những ý nghĩ của người thiếu phụ đi từ viên sĩ quan tới hai người, lính carabinieri, rồi tới Dick. Bà ta trở vào giường, tắt đèn.
Vào khoảng gần bốn giờ, thiếu phụ bị đánh thức dậy bởi tiếng gõ cửa.
– Ai đó?
– Thưa bà, đây là người gác cửa.
Baby vội khoác chiếc áo kimono ra tiếp người gọi cửa trong khi đang ngái ngủ.
– Bạn của bà, tên là Diver, gặp chuyện lôi thôi với cảnh sát, ông ta đang bị tống giam. Có chiếc taxi được gởi tới đây báo tin bà hay. Người tài xế bảo ông kia có hứa trả hai trăm lia.
Người gác cửa ngưng lại, chờ cho những điều vừa nói lọt vô tai thiếu phụ.
– Người tài xế bảo ông Diver đau lắm. Ông ta đánh cảnh sát cho nên bị đập nặng.
– Tôi xuống ngay đây.
Baby bận áo, tim đập mạnh! Mười phút sau bà từ trong thang máy bước ra mặt tiền khách sạn tối om. Người tài xế đem tin đã đi sau khi nhận được tiền. Người gác cửa kêu một taxi khác và chỉ cho thiếu phụ biết nơi giam Dick. Trong khi Baby ngồi trên xe đang chạy, đêm bắt đầu tan dần, thiếu phụ chưa tỉnh hẳn, như bị giằng xé giữa ngày và đêm. Thiếu phụ có cảm tưởng chạy đua với ngày. Đôi khi, trên những đại lộ rộng lớn, thiếu phụ có vẻ thắng, nhưng những lúc khác, từng đợt gió thổi mạnh, sự len lỏi chậm chậm của ánh sáng lại tiếp tục. Taxi đi ngang một vòi nước đang phun trong bóng đêm rộng lớn, rồi chiếc xe quẹo vô ngõ hẻm ngoằn nghèo, đến nỗi những ngôi nhà phải khó khăn mới bám vô được con hẻm. Xe nhảy nhổm trên những cục đá lớn lót đường rồi ngừng lại sau khi lắc mạnh ở trước hai vọng gác có sơn màu tươi chói lọi bên màu trường lục nhạt ẩm ướt. Bỗng nhiên từ bóng tối màu tím của một lối đi có vòm thiếu phụ nghe tiếng Dick la thét:
– Có người Anh nào ở đây không? Có người Mỹ nào không? Có những người Anh không? Có… Trời! Tụi Dago bẩn thỉu!
Tiếng la im bặt, rồi Baby nghe thấy tiếng đập cửa thình thịch. Sau tiếng nói lại tiếp:
– Có người Mỹ nào ở đây không? Có người Anh nào không?
Dò theo tiếng la, thiếu phụ đi dưới một khung cửa tò vò, bước vô một lớp sân, loay hoay tìm kiếm một lát và thấy chỗ có tiếng la. Hai người caibinieri vụt đứng lên, nhưng Baby không thèm để ý tới họ, tiến tới bên cánh cửa phòng giam Baby gọi:
– Dick. Chuyện gì vậy?
Dick la lên:
– Chúng móc mất mắt của tôi rồi. Chúng còng tay tôi, chúng đánh tôi, quân heo chó…
Baby quay lại, tiến tới gần hai người carabinieri. Tiếng nói của thiếu phụ nóng nảy đến độ hai người kia phải nhụt:
– Các người đã làm gì ông đó?
– Non capisco inghlese, không biết tiếng Anh.
Thiếu phụ quay qua dùng tiếng Pháp nguyền rủa họ. Vẻ tự tin, cơn giận của bà ta tràn ngập căn phòng, đến độ mọi người có cảm tưởng như co quắp trong tấm mền nguyền rủa mà thiếu phụ trùm lên người họ.
– Kìa, các người phải làm cái gì, phải làm cái gì chớ!
– Chúng tôi không thể làm gì nếu không có lệnh.
– Bene. Bay-nay! Bene! Được, được lắm!
Một lần nữa, sự phẫn nộ của Baby đã đốt cháy họ, khiến họ phải xin lỗi toát mồ hôi; họ nhìn nhau, nhận thấy mọi chuyện có vẻ sẽ gây lắm phiền phức. Baby lại tới tựa bên cánh cửa phòng giam, gần như vuốt ve cánh cửa, tưởng như làm vậy có thể khiến cho Dick cảm thấy sự có mặt và uy quyền của mình, rồi thiếu phụ la lên:
– Tôi tới Tòa đại sứ rồi quay lại liền.
Ném một cái nhìn đầy đe dọa vào đám lính carabinieri, thiếu phụ chạy đi. Tại Tòa đại sứ thiếu phụ trả tiền taxi và cho người tài xế chạy xe đi, khỏi chờ. Trời còn tối khi thiếu phụ bước lên bực thang đá và nhận chuông. Thiếu phụ nhận chuông ba lượt; mới thấy người Anh gác cửa ngái ngủ ra mở cửa. Thiếu phụ nói:
– Tôi muốn gặp ngay lập tức bất kỳ ai trong Tòa đại sứ!
– Thưa bà, lúc này chưa ai ngủ dậy hết. Chúng tôi mở cửa làm việc từ chín giờ sáng.
– Có chuyện quan trọng. Một người đàn ông, một người Mỹ, gần chết. Ông ta đang bị giam trong một nhà lao của người Ý.
– Không có ai ngủ dậy hết. Đến chín giờ mới có người phụ trách.
– Tôi không thể đợi được! Họ móc một mắt của ông ta. Đó là em rể của tôi… họ không chịu thả ra. Tôi phải gặp một ai. Chú hiểu không? Chú có điên hay không mà cứ đứng ỳ ra đó?
– Thưa bà, tôi không có cách nào hết.
– Chú phải vô đánh thức một người nào đó dậy.
Thiếu phụ nắm lấy vai người gác cửa lắc thật mạnh.
– Đây là một chuyện sinh tử… Nếu chú không vô đánh thức ai dậy, sẽ có chuyện ghê gớm xảy ra cho chú.
– Tôi xin bà, hãy thả tôi ra.
Từ trên lầu, sau lưng người gác cửa, có tiếng chán ngán cất lên:
– Có chuyện gì thế?
Người gác cửa khoan khoái, đáp:
– Thưa có một bà, bà ấy làm dữ quá.
Vừa nói người gác cửa vừa lui vô bên trong, Baby nhân dịp cũng bước vô. Trên tầng gác một người thanh niên đang cúi xuống, người này đang ngủ bị dựng dậy và bận chiếc áo Ba Tư màu trắng chằng chịt những hình thêu. Gương mặt có một màu hồng quái dị, tươi rói mà lại chết… và miệng như bị khóa.
Trông thấy Baby, người đó vội hất đầu ra phía sau, trong bóng tối.
Người đó lại hỏi:
– Có chuyện gì thế?
Baby nói cho người đó nghe; trong cơn kích thích tiến gần lại cầu thang. Trong lúc kể chuyện Baby mới nhận thấy cái khóa miệng thật ra chỉ là sợi băng dán, giữ cho bộ râu mép nằm nguyên nếp còn da mặt của người đó thì được thoa một thứ kem màu hồng.
Thiếu phụ tha thiết la lên y mau mau cùng với thiếu phụ tới nhà giam lấy Dick ra.
Người kia nói:
– Vụ này lôi thôi quá!
Baby muốn cho êm chuyện phải đồng ý:
– Vâng, đúng thế.
– Mọt vụ chống đối nhân viên cảnh sát…
Trong giọng nói của người đó có vẻ như chính y bị xúc phạm.
– Tôi e rằng không có cách gì lo được trước chín giờ sáng.
Baby kinh hoảng tột độ, nhắc lại:
– Cho tới chín giờ sáng! Không, chắc chắn ông có thể làm được một cách nào. Ông có thể cùng với tôi tới nhà giam và được đoan chắc họ không hành hạ người đó nữa!
– Chúng tôi không có quyền can thiệp như vậy. Đó là nhiệm vụ của Tòa lãnh sự. Tòa lãnh sự mở cửa lúc chín giờ.
Gương mặt bị băng dán cứng nhắc kia càng khiến Baby nổi xung.
– Tôi không thể nào đợi tới chín giờ sáng được! Người em rể tôi bảo rằng y bị chúng móc một mắt. Y bị thương nặng lắm. Tôi cần phải gặp y… tôi phải tìm được một y sĩ…
Thiếu phụ không còn tự chủ được nữa, vừa nói vừa khóc. Thiếu phụ biết rằng người kia sẽ đáp ứng sự xúc động của mình hơn là những lời nói, nên tiếp tục:
– Ông có bổn phận phải làm một cái gì. Nhiệm vụ của các ông là bảo vệ những công dân Mỹ gặp nguy hiểm.
Nhưng người đó quê ở miền Đông, và rất cứng rắn đối với thiếu phụ. Kiên nhẫn lắc đầu cho ra Baby không thể hiểu được hoàn cảnh của y, người đó khép vạt chiếc áo Ba Tư lại rồi bước xuống mấy bực thang. Y nói với người gác cửa:
– Ghi địa chỉ Tòa lãnh sự cho bà. Rồi kiếm địa chỉ và số điện thoại của bác sĩ Colazzo.
Quay lại với Baby trong một nét mặt Chúa Kitô bị cực mình:
– Thưa bà, những nhà ngoại giao chỉ có nhiệm vụ đại diện chính phủ Hoa Kỳ ở bên chính phủ Ý. Tòa đại sứ không có nhiệm vụ gì về việc bảo vệ các công dân, ngoại trừ thu nhập có huấn lệnh đặc biệt của Bộ Ngoại giao. Người anh em rể của bà đã vi phạm luật lệ nước này và bị tống giam, in hệt như một người Ý có thể bị tống giam ở New York. Nếu người anh em rể của bà có điều gì cần khiếu nại, người đó có thể nhờ Tòa lãnh sự chỉ bảo và giúp đỡ, vì đó là thẩm quyền lo bảo vệ quyền lợi công dân Mỹ. Tòa lãnh sự không mở cửa trước chín giờ sáng. Ngay đến trường hợp xảy ra cho em trai tôi, tôi cũng đành chịu.
– Thế ông có thể điện thoại tại Tòa lãnh sự được không?
– Chúng tôi không có quyền dẫm chân lên những nhiệm vụ của Tòa lãnh sự. Ông lãnh sự sẽ tới văn phòng, vào chín…
– Ông có thể cho tôi địa chỉ nhà riêng của ông ta được không?
Sau một giây lưỡng lự, người đó lắc đầu. Y cầm lấy cuốn sổ ghi địa chỉ trong tay người gác cửa, đưa cho thiếu phụ.
– Và bây giờ tôi xin phép bà.
Người đó nhẹ nhàng đưa thiếu phụ ra cửa. Trong khoảnh khắc, ánh sang màu tím lúc rạng đông chiếu trên chiếc mặt nạ màu hồng với miếng băng nhỏ dùng giữ cho bộ râu nằm nguyên nếp. Rồi Baby còn lại một mình trên những bực thềm trước cổng Tòa đại sứ. Thiếu phụ mất mười phút ở đó.
Quảng trường không bóng người, ngoại trừ một lão già bé nhỏ đang lượm những mẩu thuốc lá bằng chiếc que ở đầu có cắm cây đinh. Baby kiếm được một chiếc taxi đi tới Tòa lãnh sự. Nhưng tại đó chỉ có ba chị đàn bà đang lau sàn nhà và cầu thang. Thiếu phụ không sao nói cho họ hiểu rằng mình muốn có địa chỉ nhà riêng của ông lãnh sự.
Lo ngại, thiếu phụ vội chạy ra ngoài và bảo người tài xế đưa tới nhà giam. Tài xế không biết ở đâu, nhưng bằng mớ chữ rời rạc sempre drítto, destra, sintstra, thiếu phụ điều khiển chiếc xe tới gần khu phố muốn tới, rồi bỏ xe lại đi mò mẫm kiếm trong những con hẻm. Nhưng nhà nào và hẻm nào cũng giống nhau. Đi ra tới quảng trường Tây Ban Nha, thiếu phụ trông thấy mặt tiền của trụ sở American Express Company, tim cô ta bỗng cảm thấy nhẹ nhõm khi trông thấy một chữ American. Có ánh sáng đèn trên một khung cửa sổ, thiếu phụ vội vã đi ngang quảng trường, tìm cách mở cửa có khóa kỹ. Bên trong có tiếng chuông đồng hồ bảy giờ. Thiếu phụ chợt nhớ tới Collis Clay. Nhớ lại tên khách sạn nơi y trọ, một tòa biệt thự đầy những tấm thảm nhung đỏ, ở ngay phía trước khách sạn Excelsior. Người đàn bà tại văn phòng coi bộ không muốn giúp thiếu phụ. Người đó không có quyền phá giấc ngủ của ông Clay… và cũng từ chối không để cho Miss Warren một mình lên phòng. Mãi sau tin chắc không phải một vụ ái tình lôi thôi, người đó mới chịu cùng với Baby đi kiếm Collis.
Collis ngủ mình trần trong giường. Đêm qua về say mèm, khi tỉnh lại, phải mất một khoảnh khắc y mới nhận ra sự trần truồng của mình. Ccllis hết lời xin lỗi về vụ đó. Đem quần áo vô phòng tắm, y vội vàng mặc áo, miệng lẩm bẩm:
“Dữ thần! Cô ta chắc đã tha hồ mà ngắm mình!”
Sau vài cú điện thoại, Baby và Collis tìm được nhà giam và cùng đi tới đó. Cánh cửa phòng giam mở rộng, còn Dick thì ngồi bệt trên chiếc ghế trong phòng trực. Bọn carabinieri đã lau bớt máu trên mặt y, chải quần áo đầu tóc và đội cho y cái nón trên đầu, làm vậy che giấu bớt được những vết tích trên mặt. Baby đứng ở trước cửa, run rẩy. Baby nói với Dick:
– Mr Clay sẽ ở đây với anh. Tôi đi kiếm ông lãnh sự và một bác sĩ.
– All right.
– Nhưng anh cần bình tĩnh.
– All right.
– Tôi sẽ quay lại liền.
Thiếu phụ bảo xe đưa tới Tòa lãnh sự. Khi đó đã quá tám giờ, thiếu phụ phải ngồi chờ tại tiền phòng. Gần chín giờ ông lãnh sự tới, Baby bị kích thích tới tột độ vì mỏi mệt và bất lực, kể lại một lần nữa câu chuyện. Ông lãnh sự rất lấy làm phiền. Ông ta nói cho thiếu phụ nghe tại một thành phố ở nước ngoài phải biết tránh hết sức những vụ cãi cọ và đánh lộn, nhưng ông ta cũng mong muốn thiếu phụ hãy ra ngoài đường mà đợi. Thiếu phụ đọc thấy trong mắt của người đàn ông đã có tuổi vẻ khó chịu không muốn dính líu tới một chuyện như vậy. Trong khi chờ ông lãnh sự hành động, Baby dùng thì giờ để điện thoại cho một ông bác sĩ, gởi ông ta tới với Dick. Trước Tòa lãnh sự có nhiều người khác nữa, hầu hết đều được mời vào phòng ông lãnh sự. Chừng nửa giờ sau, thiếu phụ nhân dịp có người đi ra liền lẻn vô văn phòng ông lãnh sự, xô người thư ký ra một bên.
– Quả tình là hết sức quái dị! Một người Mỹ bị đánh gần chết, bị tống giam… vậy mà ông chẳng làm chi hết để giúp đỡ cho người ta!
– Thư thả cho tôi một phút, thưa bà…
– Tôi đã đợi lâu quá rồi! Bây giờ ông phải tới ngay nhà giam lo cho người đó được ra.
– Bà…
– Chúng tôi là một gia đình có thế lực tại Mỹ…
Cái miệng thiếu phụ trở nên dữ dằn.
– Nếu không có vụ sì-căng-đan chúng tôi có thể… Tôi báo trước để ông biết vụ thờ ơ của ông đối với vụ này sẽ được báo cáo với người có thẩm quyền. Nếu người anh em rể tôi mà là công dân Anh, y đã được tự do từ nhiều giờ trước. Nhưng các ông, các ông lo quan tâm tới sự đối đãi với cảnh sát Ý hơn là lo nhiệm vụ của ông ở đây!
– Bà…
– Ông hãy đội mũ và đi theo tôi ngay tức khắc.
Nghe nói tới mũ ông lãnh sự bối rối, vội lo lau kính và lục tìm giấy tờ. Người đàn bà Mỹ trong cơn nóng giận đã chế ngự được ông ta.
Ông lãnh sự bấm chuông cho mời ông phó lãnh sự. Baby đã thắng.
Dick ngồi dưới tia nắng chiếu qua cửa sổ phòng trực. Collis và hai người carabinieri đang ở bên, chờ một chuyện gì sẽ xảy ra. Trong khu vực chật hệp bằng một con mắt, Dick có thể trông thấy bọn carabinieri; đó là những nông dân bình dị vùng Toscane, Dick khó mà dính liền họ với những hung bạo lúc ban đêm. Dick bảo một người đi lấy cho y một ly bia.
Bia làm Dick nóng lên và câu chuyện tươi vui lên trong chốc lát bằng một thứ ánh sáng u mặc cay chua. Collis nghĩ rằng cô gái người Anh kia ở khách sạn Bonbonieri có phần nào trách nhiệm trong vụ này. Nhưng Dick biết chắc cô gái đã biến mất từ lâu trước khi xảy ra vụ đó. Collis còn quan tâm hơn nữa về dữ kiện Miss Warren trông thấy y hoàn toàn trần truồng ở trên giường.
Cơn nóng giận của Dick nguôi dần và y cảm thấy mình có lỗi biết chừng nào. Chuyện xảy ra tồi tệ quá không cách nào thay đổi được, chỉ trừ ra chính y bóp nghẹt được con người bên trong y. Nhưng bởi Dick biết rằng không thể làm như vậy được, y cảm thấy thất vọng quá chừng. Từ nay y sẽ là một con người khác, và trong tình trạng hiện tại Dick có những ý nghĩ kỳ lạ về tương lai con người khác đó.
Thật là phi nhân cách như một hành vi của Thượng đế vậy. Không một người Aryan đã trưởng thành lại có thể trở nên khá hơn vì sỉ nhục. Khi ta tha thứ, sỉ nhục trở nên gắn liền với đời sống. Dick tự đồng hóa với vật đã làm nhục y.
Khi Collis bảo rằng sẽ trả tiền, Dick lắc đầu, nín lặng. Một ông trung úy carabinieri, quần áo chỉnh tề như ở trong hộp mới lấy ra, nhanh nhẹn, cùng ba người nữa bước vô phòng. Bọn lính gác đều đứng nghiêm. Y cầm lấy chai bia rỗng và mắng như tưới nước bọn lính canh. Việc thứ nhất là mau mau liệng chai bia hỗn láo đó đi. Dick ngó Collis và cười.
Ông phó lãnh sự, một thanh niên tên Swanson tới và mọi người cùng tới tòa án, Collis và Swanson đi hai bên Dick và hai người carabinieri theo sát sau lưng. Buổi sáng mù sương vàng vọt. Những công viên, những hàng hiên vòm cung đầy những người, Dick kéo mũ sụp xuống mắt, bước vội, bước đi nhanh quá đến độ một trong hai người carabinieri, vốn người lùn, thấp, chân ngắn, phải chạy theo phản đối. Swanson thu xếp dàn hòa.
Dick vui vẻ hỏi:
– Có phải tôi đã xúc phạm đến danh dự các ông không?
Swanson sợ sệt cãi:
– Đánh nhau với người Ý ông có thể bị giết chết. Chắc là lần này ông được tha, nhưng nếu ông là người Ý ít nhất ông sẽ bị hai tháng tù… mà thứ tù ghê gớm lắm!
– Có bao giờ ông bị tù chưa?
Swanson cười.
Dick nói với Clay:
– Tôi thương ông ta lắm. Đó là một thanh niên dễ thương, cho ta những lời khuyên đúng, nhưng tôi đoán chắc thế nào y cũng đã có ở tù; ở tù trong nhiều tuần…
Swanson lại cười.
– Tôi muốn nói là ông nên thận trọng. Ông không thể biết những người đó như thế nào.
Dick bực mình ngắt lời:
– Ồ! Tôi biết những người đó lắm. Đó là những tên du côn hạng bét!
Dick quay lại phía người carabinieri.
– Này mấy chú có hiểu gì không đấy?
Swanson vội nói:
– Tôi chia tay với các ông ở đây. Tôi có nói với bà chị của ông rằng tôi… rằng luật sư của chúng tôi sẽ đón các ông ở trên kia, tại phòng xử án. Ông nên thận trọng.
Dick nói:
– Từ biệt, cám ơn nhiều lắm; tôi nhận thấy ông có tương lai lắm…
Dick lễ phép bắt tay ông phó lãnh sự.
Với một nụ cười nữa, Swanson vội vã chạy đi, và trở lại vẻ mặt bất đồng ý của nhà chức trách.
Mấy người tới sân tòa án. Bốn bề có những cầu thang ngoài trời đưa lên các phòng xử. Khi mấy người đi ngang sân có lót đá, họ phát ra những tiếng khinh miệt, chửi rủa, tiếng còi quanh đó, Dick sững sờ hỏi:
– Cái gì thế?
Một người carabinieri nói với đám đông, những tiếng la ngưng bặt.
Mọi người bước vô phòng xử án. Một luật sư tồi tàn, làm việc cho Tòa lãnh sự, nói rất lâu với ông thẩm phán trong khi Dick và Collis đứng đợi ở bên. Có người biết tiếng Anh và ngó qua khung cửa sổ ra ngoài sân bỗng quay lại giải thích về những tiếng ồn ào đe dọa khi Dick tới. Có một người ở Frascati đã hiếp chết một bé gái năm tuổi sắp được giải tới tòa. Đám đông tưởng là Dick.
Mấy phút sau, ông luật sư tới cho Dick biết đã được trả tự do. Tòa án xét ra y đã đền tội đủ rồi.
Dick la lên:
– Đền tội đủ rồi! Đền tội gì mới được chú?
Collis bảo Dick:
– Thôi chúng ta về đi. Bây giờ ông không còn làm gì được nữa.
– Nhưng tôi có làm gì đâu, ngoài vụ đánh nhau với bọn tài xế?
– Họ bảo anh tới gần một cảnh sát viên làm bộ sắp bắt tay y nhưng để đập người đó.
– Láo. Tôi có báo trước là sắp đánh y. Tôi đâu biết y là cảnh sát.
Luật sư nhắc lại:
– Tốt hơn hết là ông nên ra về.
– Thôi, về đi…
Collin nắm cánh tay Dick, hai người cùng bước xuống những bậc thềm. Dick la lên:
– Tôi muốn đọc một bài diễn văn. Tôi muốn giải thích cho những người kia tôi đã hãm hiếp con bé lên năm ra sao. May ra thì…
– Thôi, đi về…
Baby đợi trên một chiếc taxi, cùng với ông bác sĩ, Dick không muốn thấy mặt thiếu phụ, còn ông bác sĩ Dick cũng thấy khó thương: một người có cung cách nghiêm nghị tố cáo người thuộc loại người Âu châu khó chịu nhất: thứ người Latinh ưa nói đạo đức. Dick tóm tắt quan điểm của mình về tai nạn. Nhưng chẳng ai có điều gì để nói. Trong phòng của Dick ở khách sạn Quirinal, ông bác sĩ chùi những vết máu và mồ hôi còn lại trên người Dick, nắn lại xương sống mũi, những xương sườn và mấy ngón tay gẫy, tẩy độc những vết thương nhỏ và con mắt đã được đặt trở lại chỗ cũ. Dick yêu cầu một liều thuốc an thần vì cảm thấy tinh thần căng thẳng. Nhờ thuốc an thần, Dick ngủ được, ông bác sĩ và Collis ra về, còn Baby ở lại với Dick chờ cô y tá được triệu ở English Nursing Home tới. Thật là một đêm rất nặng nề, nhưng thiếu phụ vui lòng nhận thấy mặc dù quá khứ của Dick ra sao, Baby và gia đình bây giờ đã chế ngự được y, ít ra trong thời gian Dick xem ra còn hữu ích phần nào đối với họ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.