Khi hai người đàn bà bước vô phòng ăn vừa đúng hai giờ. Trên những bàn bỏ trống, bóng tối và tia sáng lung linh theo gió đang lay động những ngọn tùng ở bên ngoài. Hai người hầu bàn đang lo xếp những chồng đĩa vừa làm việc vừa nói tiếng Ý ầm ĩ, bỗng nín bặt khi thấy hai mẹ con bà Speers và đưa cho khách một “ấn bản” có rút ngắn đôi chút của cái gọi là bữa trưa tại bàn đặc biệt của chủ quán.
Rosemary tuyên bố:
– Dưới bãi, con mới bị tiếng sét…
– Với ai vậy?
– Ồ, ban đầu có một lô người coi bộ cũng dễ chịu. Rồi một người đàn ông…
– Con có nói chuyện với người đó không?
– Có đôi chút. Người đó đẹp trai lắm. Tóc hơi hung đỏ.
Hai mẹ con ăn uống rất ngon miệng.
– Nhưng người đó đã có vợ… Bao giờ cũng vậy hết!
Bà mẹ của Rosemary thật tình là người bạn tâm phúc nhất của cô gái, hoàn toàn đặt mình vào việc dẫn dắt con trong những bước đầu vào đời. Đó là điều không lạ trong giới những người hoạt động sân khấu, nhưng đối với bà Elsie Speers, đó không phải một cách để bù lại những thất bại riêng. Bà mẹ không cay đắng và cũng không thù hận đối với cuộc đời. Lấy chồng hai lần trong hoàn cảnh bình thường, hai lần góa chồng, bà mẹ nhìn nhận và thấu triệt được tinh thần cắn răng chịu đựng một cách vui vẻ vốn là bản chất của con người bà. Một trong hai ông chồng là sĩ quan kỵ binh, còn người là thiếu tá quân y. Cả hai ông chồng đều để lại cho bà một món tài sản mà bà muốn giữ y nguyên cho Rosemary.
Bà mẹ đã rèn đúc cái tính của con gái bằng một nền giáo dục cứng cỏi. Tự thân bà mẹ không nề hà cực nhọc cũng như âu yếm chăm sóc cho nên đã gây được nơi Rosemary một căn bản lý tưởng trong lúc này hoàn toàn hướng về mẹ và nhìn đời bằng con mắt của mẹ.
Kết quả là Rosemary, tuy vẫn là một đứa trẻ bình dị, đã có tới hai lớp giáp sắt: một của bà mẹ và một của chính cô gái. Cô gái bản chất thậm ghét những gì thô tục, dễ dãi, tầm thường, một bản chất thường chỉ gặp nơi những con người già dặn hơn nữa.
Dù sao, từ ngày Rosemary được nổi tiếng về điện ảnh, bà Speers cho rằng đã đến lúc cô gái được “cai sữa” về phương diện tinh thần. Bà mẹ sẽ lấy làm mãn ý hơn là buồn lòng nếu căn bản lý tưởng kỹ lưỡng, háo hức và nhiệt thành của cô gái được tập trung vào một đối tượng khác ngoài bà mẹ.
– Nếu vậy con sẽ thấy thích ở lại đây?
– Có lẽ cũng thích thú nếu mẹ con ta quen biết những người đó. Ở bãi biển còn một nhóm người khác nữa, nhưng khá khó chịu… những người nhận biết con. Có thể nói rằng hết thảy mọi người đã coi cuốn phim Con gái của ba vậy!
Bà Speers ngồi nín lặng một lát, không muốn trả lời, rồi bà nói bằng một giọng ôn hòa:
– À, má mới nghĩ đến… Chừng nào con sẽ gặp Earl Brady?
– Con nghĩ chiều nay mẹ con ta có thể tới đó, nếu trong người má thấy khỏe khoắn.
– Một mình con đi thôi. Má không đi đâu.
– Vậy để đến sáng mai hãy đi có được không, má?
– Má muốn con đi một mình thì hơn. Cũng gần đây. Con không cần ai nói gium bằng tiếng Pháp.
– Má ơi… Ở đời có việc gì phải làm mà không thấy như là làm xấu không nhỉ?
– Thôi được. Hãy thư chuyến đó lại. Nhưng bề gì cũng phải đi trước khi dời khỏi đây.
– Thưa má, vâng.
Sau bữa ăn trưa, cả hai cùng cảm thấy bị đè bẹp bởi cảm giác trống rỗng và chán nản mà hết thảy những du khách Mỹ ở ngoại quốc đều trải qua những khi tới ở lại một vùng nào êm tịnh, vắng vẻ. Không có gì giúp họ thấy hăng hái. Bên ngoài không có tiếng ai gọi. Những ý tưởng của họ không dội trở lại, phản ánh trong một tâm hồn khác. Xa cách những ồn ào của đất nước Mỹ hai mẹ con có cảm tưởng như đời sống đã ngừng lại.
Khi về tới phòng riêng, Rosemary nói với mẹ:
– Má ơi, chúng ta chỉ ở đây ba bữa thôi nhé.
Bên ngoài một luồng gió nhẹ như phân tán bớt cái nóng, lọc qua cành lá và phóng từng đợt qua khe cửa.
– Thế còn cái ông mà con cảm thấy mê ở dưới bãi?
– Má ơi, con chỉ thương có má thôi…
Khi đi ngang tiền đình khách sạn, Rosemary có ghé lại hỏi thăm ông già Gausse về giờ xe lửa chạy. Người gác cửa, bận bộ áo màu kaki lợt đang đứng chơi tại quầy, chăm chú ngó cô gái, rồi chợt nhớ lại những cung cách lễ độ nghề nghiệp.
Muốn đi tới ga xe lửa, Rosemary đáp xe buýt trên đó đã có hai chú bồi của khách sạn. Bối rối vì thái độ câm nín quy lụy của hai người đó, cô gái muốn nói với họ: “Kìa, cứ tiếp tục nói chuyện đi chứ… Vui đùa đi! Tôi có thấy phiền hà gì đâu”.
Toa xe hạng nhất kín bưng; bích chương quảng cáo của các hãng xe lửa – cầu trên sông Garc., thành phố Arles, sân khấu lộ thiên ở Orange, chơi tuyết tại Chamonix – với những màu sắc rực rỡ, xem ra còn tươi mát hơn mặt biển lặng dọc theo đường xe lửa. Đoàn tàu nhỏ này như gắn liền với phong cảnh, khác hắn với đoàn xe lửa Mỹ, hoàn toàn chăm chú tới nơi đến, ở xa và cách biệt với thế giới, chậm chạp hơn, ít hụt hơi hơn bên ngoài. Hơi của đầu máy làm lay động; lá những cây kè. Tàn tro than tới trộn lẫn với phân bón đã khô trong các vườn bông. Rosemary tự nhủ cứ thò tay ra ngoài cửa xe có lẽ cũng hái được những bông hoa khi đi ngang.
Hơn một chục xà ích xe ngựa ngồi ngủ gà ngủ gật trên xe đậu trước nhà ga Cannes. Trên đại lộ gần sòng bạc, những tiệm buôn loại sang và những khách sạn mắc tiền quay ra phía bãi biển mùa hè những bộ mặt ngân hàng bằng sắt đánh bóng. Không thể tưởng tượng tại đây cũng có thể có một “mùa”. Rosemary, thứ người đã từng quen với đời sống xã giao, cảm thấy hơi khó chịu rằng mình đang ở đây và thấy thích thú, nhưng bỗng thấy thích thú một cách bịnh hoạn những con người dở chết kia; tưởng chừng như mọi người phải tự hỏi cô gái tới đây làm gì, giữa những hội hè của mùa đông mới qua và những hội hè của mùa đông sắp tới, trong khi ở miền Bắc đời sống xã giao đang hối hả và ồn ào.
Khi cô gái từ một tiệm thuốc đi ra tay cầm chai dầu kè, có một thiếu phụ đi ngang mặt, cô gái nhận ra là bà Diver, thiếu phụ tay ôm nhiều nệm ngồi đi tới bên chiếc xe hơi đậu sát lề. Trông thấy thiếu phụ, con chó basset dài ngoẳng lông đen cất tiếng sủa. Người tài xế đang ngủ chợt thức dậy hốt hoảng. Thiếu phụ ngồi lên xe. Gương mặt dễ thương của bà ta rất thản nhiên, hai mắt thâm trầm và tinh anh ngó thẳng trước mặt. Chiếc áo của thiếu phụ màu đỏ tươi, hai chân nâu để trần. Thiếu phụ có mái tóc rậm màu vàng óng, rậm như bộ lông con chó chow.
Còn nửa giờ đợi chuyến xe lửa, Rosemary tới ngồi ở ngoại hiên quán Café des Allies ở La Croisette, nơi mà những tán lá phủ trên các bàn một thứ chiều tà màu lục. Ban nhạc cố gắng quyến rũ đám đông tưởng tượng những khách bốn phương với bài ca Carnaval nicois và những điệu nhạc Mỹ năm ngoái. Rosemary mua hai tờ Le Temps và Saturday Evening Post về cho bà mẹ. Vừa uống một ly nước chanh vắt, cô gái mở tờ tuần báo Mỹ đọc đoạn hồi ký của một công chúa người Nga, tìm thấy trong những mô tả gợi lại thời cuối thế kỷ trước một giọng điệu gần và thật hơn những tít và măng-xét của tờ nhật báo Pháp. Cô gái tìm lại cảm giác đè nặng ở khách sạn. Quen tìm thấy trên các báo bên nước nhà những biến cố tức cười được nhấn mạnh bằng những tít nhỏ và được liệt hạng là hài hay bi kịch, cô gái không thể tự mình lựa ra được những gì đáng lưu ý, một lần nữa cô gái có cảm tưởng tại Pháp đời sống vừa rỗng tuếch vừa mờ nhạt.
Cảm tưởng đó còn được ban nhạc tăng thêm với những bài ca buồn và lỗi thời, nhắc lại thứ âm nhạc thường dùng trong các gánh xiếc.
Hôm sau, vì hai vai còn đau và bị nắng cháy không thể bơi lội được, Rosemary cùng với mẹ mướn một chiếc xe hơi – sau một cuộc trả giá rất lâu, vì cô gái đã học được giá trị của đồng tiền tại Pháp – để cùng du ngoạn dọc theo vùng Riviera. Người tài xế, một thứ Nga hoàng kiểu Ivan le Terrible, nghiễm nhiên đóng vai dẫn đạo. Những địa danh rực rỡ Cannes, Nice, Monte-Carlo bắt đầu chói sáng mặc dù trời hầm nóng làm cho uể oải, nhờ những chuyện vua chúa tới đây đó ăn và chết… những nhà quy tộc Ấn Độ liệng cho những cô vũ nữ người Anh những con mắt tượng Phật bằng ngọc quý, những thái tử người Nga kéo dài hằng tuần những đêm trên biển Bantich, vào thời còn thứ caviar ngày xưa. Nhất là suốt vùng duyên hải có một hơi hướng đặc biệt Nga, tuy những quán sách đều đóng cửa và những tiệm buôn cũng không mở. Mười năm về trước, khi mùa du khách chấm dứt vào tháng Tư, giáo đường chính thống cũng đóng cửa, và loại xâm banh dịu, mà người Nga thích uống, cũng được cất để dành tới khi họ trở lại. Họ nói: “Mùa sang năm chúng tôi lại tới”. Nhưng không thể tin được. Vì họ không trở lại nữa.
Chặng quay về dễ chịu hơn, trên đường ngó xuống mặt biển bên dưới với những màu sắc kỳ lạ như màu mã não hồng thời tuổi nhỏ, màu biển lục tựa như sứa nhuộm lục, xanh như màu xanh dương của thợ giặt, hay đỏ màu rượu nho. Đi ngang thấy dân chúng dùng bữa chiều ở ngoài trời hay nghe những bài nhạc do những chiếc dương cầm máy dạo lên ở ngoài hiên những quán rượu hạng tồi, cũng thấy thú vị. Khi chiếc xe rời con đường ven biển, khúc mang tên La Corniche, để quay về khách sạn Gausse, xe chạy giữa hai vách đá u tôi, mặt trăng vừa ló ra bên sau những điêu tàn của chiếc cầu dẫn thủy.
Trên đồi, sau lưng khách san, có tiếng rì rào của một vũ hội bình dân, Rosemary nằm trong mùng lưới lắng nghe tiếng nhạc bay tới trong ánh trăng. Cô gái tưởng tượng thấy cái vui trong không khí, và bắt đầu nghĩ tới những con người dễ thương cô gái mới gặp trên bãi biển. Sáng mai cô gái có thể gặp lại họ, nhưng rõ ràng là họ hợp thành một nhóm riêng không cần tới ai. Một khi lọng, chiếu, họ và lũ trẻ của họ ở trên bãi, một khúc bãi của họ trở thành một khu vực có rào kín. Dù sao Rcsemary cũng nhất quyết tránh không gần những nhóm khác trong hai buổi sáng cuối cùng ở đây.