Cuộc Tình Bỏ Đi

PHẦN II – CHƯƠNG 1



Mùa xuân 1917, khi bác sĩ Richard Diver lần đầu tiên tới Zurich, y hai mươi sáu tuổi: đương độ đối với một người đàn ông, đương độ nhất đối với một người chưa lập gia đình. Ngay trong thời chiến, đó cũng là lứa tuổi tuyệt hảo đối với Dick, đã trở thành một người đáng quý lắm, một thứ “đầu tư” quá quan trọng để không dùng làm thịt cung cấp cho đại bác được. Những năm sau đó, Dick có cảm tưởng không phải vì vô tâm mà y đã thoát được, nhưng chẳng bao giờ Dick đào sâu hơn vấn đề để tìm hiểu. Bề gì thì năm 1917 y cũng bất cần vụ đó và chống chế bằng cách nói rằng chiến tranh không liên quan đến mình. Chỉ thị mà cấp trên ban cho là tiếp tục học tại Zurich và thi lấy bằng cấp, đúng như ý định của Dick.
Thụy Sĩ khác nào một hải đảo bị những làn sóng chiến tranh vỗ bờ, một mặt là những trận sấm sét ở Gorizia, những con mưa lũ dọc theo sông Somme và sông Aisne ở mặt khác. Thêm một lần người ta gặp tại các tổng Thụy Sĩ nhiều người ngoại quốc tới lo manh mối những mưu toan hơn là để chữa bịnh. Nhưng thật ra cũng chỉ là đoán chừng thấy như thế. Những người đàn ông thầm thì trong các quán cà-phê ở Berne và Genève rất có thể chỉ là những nhà buôn hột soàn hay những chuyên viên đi chào hàng. Tuy nhiên, người ta cũng phải trông thấy những đoàn xe lửa chở đầy những thương binh, những người mù, những người lính chỉ còn một chân, những thân mình sắp chết, gặp nhau giữa những mặt hồ chói ngời ánh sáng ở Neuchatel và Constance.
Trong các quán lave, trên những tủ kính có dán những tấm bích chương màu sắc rất đẹp mô tả những người Thụy Sĩ chiến đấu bảo vệ biên giới hồi 1914. Những người đàn ông già và trẻ, với nét hăng say dũng mãnh từ trên những ngọn núi đang canh chừng những người Pháp và Đức tưởng tượng. Mục đích là trấn an con tim Thụy Sĩ bằng cách cho thấy đã chia sẻ sự vinh quang của thời đại. Nhưng cuộc giết hại càng kéo dài những bích chương đó biến dạng, thế rồi không quốc gia nào ngạc nhiên cho bằng được nước Cộng hòa anh em này, khi Hoa Kỳ loay hoay mãi rồi cũng nhảy vào vòng chiến…
Vào lúc đó bác sĩ Diver đã được ngó thấy tận nơi những thứ chung quanh cuộc chiến. Y xin được một học bổng Rhodes để học tại Oxford năm 1914. Sau đó y trở về Hoa Kỳ để theo học năm chót tại Đại học John Hopkins và đoạt được bằng cấp. Năm 1916 y kiếm được cách đi Vienne, bị thúc đẩy bởi ý nghĩ nếu y không mau mau nhà đại danh Freue sẽ bị chết do một trái bom nào. Thành phố Vienne buồn chán đến chết được, nhưng Dick cũng kiếm cách có được đủ than và dầu lửa để có thể trong căn phòng của y tại đường Damenstiff, ngồi viết những bài tiểu luận sau đó y hủy đi hết, rồi viết lại, và đó là căn bản cho cuốn sách xuất bản tại Zurich năm 1920.
Hầu hết chúng ta trong đời đều có một thời kỳ tích thú, hăng hái, đó là thời kỳ này của Dick. Trước hết, Dick biết rằng mình có duyên, rằng những tình cảm mà y cho đi hay gây nên được nếu so với những con người bình thường cũng là điều khá đặc biệt. Trong năm cuối cùng ở New Haven, có người đã gán cho hỗn danh “Dick nhiều may mắn”. Hỗn danh đó Dick giữ mãi trong đầu. “Thằng Dick nhiều may mắn! Đồ láo!” Dick cứ tự nhủ thầm như vậy trong khi bước quanh căn phòng đang có những cục than hồng cháy dở. “Mới khá lắm, con ạ!”
Đầu năm 1917, khi bắt đầu khó khăn lắm mới kiếm được than đốt Dick đã đốt để sưởi ấm gần một trăm cuốn tập và sách học y đã thu thập được. Nhưng, khi liệng từng cuốn sách vô đống lửa, trong thâm tâm Dick vui vẻ tin tưởng rằng ở trong óc của mình đã chứa đựng những gì là căn bản của cuốn sách và có thể, năm năm sau, tóm tắt lại được nếu sách đáng làm như vậy. Vụ đó xảy ra vào những giờ thật đặc biệt: Dick làm vậy, trên vai khoác một tấm mền, với cái vẻ bình thản ngang nhiên của người trí thức, so với mọi thứ khác ở đời, giống hệt như sự bình an thiên giới, nhưng cũng vẫn phải có lúc chấm dứt, nhưng sẽ được kể lại dưới đây.
Sở dĩ còn kéo dài được thêm trong một thời gian là do thân thể lực sĩ có tập luyện của y. Dick ở chung với Elkins, đệ nhị tham vụ tại Tòa đại sứ. Hai chàng thường có hai người bạn rất dễ thương tới thăm, đó là điều rất tốt, nhưng không quá đáng; về phương diện Tòa đại sứ cũng không thấy quá đáng. Va chạm hằng ngày với Elkins đã khiến cho Dick có hoài nghi đôi chút về giá trị của những quá trình tâm trí cá nhân của mình. Dù sao cũng không quá khác biệt đối với Elkins, thứ Elkins có thể đọc một lượt tên những tay đã giữ chân tiếp ứng trong những đội football của đại học New Haven suốt từ ba chục năm qua.
Còn Lucky Dick không thể nhớ như vậy được; như vậy tức là y đã kém nguyên vẹn hơn người bạn chung nhà tức là đã già đi chút ít. Nếu đời sống không đem lại cho y một sự bù đắp nào, muốn kéo lại chỉ còn trông chờ nơi một căn bịnh, hay một trái tim tan nát, hay một mặc cảm tự ti, dù sao chăng nữa, y tự nhủ như vậy, tốt nhất là tái thiết lại cái phần kém của mình đến độ đạt kết quả tốt hơn những gì đã có sẵn khi mới sinh ra.
Rồi lối suy luận như vậy Dick thấy có vẻ “Mỹ và chỉ đúng bề ngoài”. Tiêu chuẩn của Dick về lối nói nhiều mà chẳng có ý tưởng gì là bảo rằng như vậy Mỹ quá… Tuy nhiên Dick biết mình không còn nguyên vẹn, cũng như không được đầy đủ. Bà tiên Blackstick đã chẳng nói trong “Bông Hồng và cuộc Vòng” của Thackeray: “Con ơi, điều tốt đẹp nhất mà ta có thể ban cho con, đó là đôi chút khổ”.
Sau những giờ theo học tại Đại học, Dick thường tranh luận với một nhà trí thức trẻ tuổi người Rumany, người này vẫn trấn an Dick: “Không có bằng chứng nào cho rằng Goethe đã từng có những ‘tương khắc’ hiểu theo ý nghĩa hiện đại của từ đó, hoặc một người như Young chẳng hạn. Anh không phải là một triết gia lãng mạn, anh là một nhà bác học. Trí nhớ, sức lực, cá tính, nhất là hiểu biết đó là căn bản. Chính sự xét đoán về bản thân ta khiến cho ta gặp nhiều khó khăn hơn hết. Tôi biết có một người làm việc trong vòng hai năm chuyên nghiên cứu bộ óc của con trút, với ý nghĩ sớm muộn y sẽ hiểu biết hơn mọi người khác về hoạt động của bộ óc con vật. Tôi thảo luận với y và cho rằng y không thật sự mở rộng phạm vi kiến thức con người; việc y làm có vẻ độc đoán quá. Quả như vậy, khi đệ trình kết quả nghiên cưu cho tờ báo lớn về y học, y bị từ chối. Ở đó người ta mới chấp nhận bản luận án của một người nào khác về cùng một đề tài”.
Dick tới Zurich với rất nhiều nhiệt tình nhưng cũng rất nhiều huyễn tượng về năng lực và sức khỏe của mình, về lòng tốt của mọi người, những huyễn tượng của cả một dân tộc, những huyễn tượng gây nên bởi những dối trá của các bà mẹ vào thời kỳ anh hùng khai phá, trấn an con nít với lòng tin sai lầm không hề có chó sói ở phía bên kia căn lều của người tiên phong khẩn hoang.
Sau khi lãnh bằng cấp, Dick được cử tới Bar-surAube với tư cách chuyên viên về bịnh óc.
Công việc tại Pháp, nặng về hành chánh hơn về y học, khiến cho Dick chán ngán, nhưng ngược lại y có dư thì giờ để viết xong một cuốn biên khảo ngắn và thu thập tài liệu cho một cuốn sách khác. Mùa xuân 1919, Dick được giải ngũ và trở về Zurich.
Những đoạn trên đây có mùi tự truyện, nhưng người đọc không thỏa mãn trong sự muốn biết nhân vật chính, như Grant trong ngôi hàng ở Gaiena, sắp được đưa đẩy vào một định mạng lớn. Với lại, không gì thất vọng bằng ngó một tấm hình thanh niên mảnh khảnh, kiêu căng, với con mắt cú vọ, khi đang có chuyện với một người đã ở vào tuổi trưởng thành. Nhưng chúng ta cứ yên tâm. Thời gian đã đến với Dick Diver.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.