Fraukathe Gregorovious đuổi theo kịp ông chồng trên đường về biệt thực của họ. Bà Gregorovious nhẹ nhàng hỏi chồng:
– Tình trạng của Nicole ra sao?
Bà ta thở hổn hển, chứng tỏ câu hỏi đã mấp mé trên môi trong khi bà ta chạy theo chồng.
Franz ngó vợ ngạc nhiên:
– Nicole đâu có bịnh tật gì. Tại sao mình lại hỏi như vậy?
– Mình tới thăm bà ấy hoài; em cứ tưởng bà ấy bị trở lại.
– Về nhà chúng ta sẽ nói chuyện.
Kathe chấp nhận ngoan ngoãn. Phòng làm việc của Franz ở trong ngôi nhà hành chánh. Lũ con của Franz khi đó đang ở trong phòng khách với cô giáo. Hai vợ chồng cùng lên phòng ngủ.
Trước khi Franz nói, Kathe đã chận lại:
– Franz ạ, mình tha lỗi cho em. Em không có quyền nói chuyện đó. Em biết rõ những nhiệm vụ
của em và em lấy làm vinh hạnh vì những nhiệm vụ đó. Nhưng có sự thù nghịch giữa Nicole và em.
Franz oang oang phán:
– Chim non hãy thu xếp với nhau ở trong tổ.
Rồi nhận thấy giọng nói không hợp với tình cảm lúc đó, Franz nhắc lại lệnh truyền bằng lời nói chậm và nhịp nhàng mà ông thầy già của y là Dohmler vẫn dùng để nhét một ý nghĩa đích xác vào trong câu nói tầm thường nhất.
– Mình cũng thừa hiểu; có bao giờ mình thấy tôi đối đãi không được chu đáo đối với Nicole đâu?
– Em chỉ thấy mình thiếu suy xét. Nicole gần như một bịnh nhân. Có lẽ suốt đời bà ta ít nhiều gì cũng vẫn còn là một bệnh nhân. Khi Dick vắng mặt, em có trách nhiệm đối với bà ta.
Franz lưỡng lự. Đôi khi, với một vẻ bình thản tinh quái, y giấu vợ một vài tin tức.
– Tôi mới nhận được điện tín từ La Mã sáng hôm nay Dick bị cảm cúm, mai sẽ lên đường trở về nhà.
Kathe thấy nhẹ bớt trong tâm, tiếp tục nói bằng một giọng thản nhiên hơn trước:
– Em tin rằng Nicole không đến nỗi bịnh như người ta tưởng. Bà ta o bế chứng bịnh vì nhận thấy đó là uy lực của mình. Bà ấy nên đóng phim, như Norma Talmadge của mình. Điều đó sẽ khiến cho hết thảy mọi phụ nữ Mỹ thấy sung sướng….
– Thế mình cũng ghen với Norma Talmadge sao?
– Em không ưa các bà người Mỹ. Họ ích kỷ, ích kỷ quá!
– Nhưng mình cũng ưa Dick đó chứ?
– Có, em ưa anh ấy. Dick khác những người kia, Dick biết lo cho mọi người khác.
Franz tự nhủ: Đó cũng là điều mà Norma Talmadge vẫn làm. Norma phải là một bản chất tốt đẹp, cao cả, ngoại trừ sắc đẹp của nàng. Người ta cứ buộc nàng đóng những vai trò ngu ngốc. Norma Talmadge, được quen biết cô ta đúng là một đặc lợi.
Kathe đã quên cơn ghen – nỗi ghen lắm khi chua chát những đêm hai người đi coi chiếu bóng ở Zurich về.
Kathe tuyên bố:
– Dick đã cưới Nicole vì tiền. Đó là một nhược điểm của Dick. Chính mình đã có một lần đề cập tới chuyện đó.
– Mình trở nên ác miệng rồi đó.
Người vợ cãi:
– Mình không nên nói thế thì hơn. Chúng ta cần sống chung đụng với nhau, như đàn chim trong lồng, theo kiểu mình vẫn nói. Nhưng thật khó mỗi khi Nicole xử sự như… khi Nicole lui ra… như thể bà ta nhận thấy em hôi hám lắm.
Kathe đụng tới một sự thật cụ thể. Kathe một mình lo lấy hầu hết mọi công việc nội trợ về, rất hà tiện, rất ít chịu may mặc. Một cô gái tầm thường người Mỹ đứng bán hàng trong tiệm buôn, mỗi chiều giặt hai bộ quần áo lót, sẽ rất khó chịu ngửi thấy thấp thoáng mùi mồ hôi từ hôm qua ở quanh người Kathe – không hẳn là một mùi hôi mà là một nhắc nhở hương vị a-mô-nhắc của đủ thứ công việc và của mọi vật hư thối. Đối với Franz, mùi đó cũng tự nhiên quen thuộc như mùi tóc rậm trên đầu Kathe, và nếu thiếu, Franz cũng sẽ cảm thấy như khi phải nhận chịu. Còn đối với Nicole thì khác, sinh ra trong sự ghẻ tởm mùi những ngón tay của chị vú, sự trạng đó là một xúc phạm phải dùng nghị lực mới chịu đựng nổi.
Kathe nói tiếp:
– Lại con lũ trẻ nữa! Bà ta không muốn cho chúng chơi với trẻ con nhà mình…
Nhưng Franz thấy chán nghe mãi những chuyện đó.
– Em hãy nín đi. Trên bình diện nghề nghiệp, loại chuyện như vậy sẽ có hại cho anh ghê lắm, vì nhờ có tiền của Nicole chúng ta mới có bịnh viện này. Thôi xuống dùng bữa đi mình.
Kathe hiểu rằng mình đã vụng về trong khi buộc tội như vậy. Nhưng nhận định sau cùng của Franz nhắc cho Kathe nhớ rằng nhiều phụ nữ Mỹ khác cũng có nhiều tiền. Rồi một tuần lễ sau Kathe trở lại tấn công Nicole dưới một hình thức khác. Đó là bữa tối mời vợ chồng Dick Diver nhân dịp Diver trở về. Vừa sau khi tiếng bước chân của hai người khách đã tắt trên lối mòn Kathe liền khóa cửa và nói với Franz:
– Mình có lưu ý tới quầng mắt của anh ta không? Chắc đã ăn chơi quá lắm…
– Hãy khoan, mình ơi. Dick có kể chuyện hết cho tôi nghe, ngay sau khi về tới. Trên tàu từ Mỹ trở lại đây y đánh nhau với người ta. Trên tàu các hành khách người Mỹ thường hay có những vụ như vậy.
Kathe cười gằn:
– Mình còn muốn cho em tin những chuyện như vậy nữa? Mỗi khi Dick đụng cựa một cánh tay em thấy có vẻ đau đớn, lại có một vết thẹo còn mới trên thái dương, trông thấy rõ quá, chỗ tóc được hớt ngắn.
Franz không lưu ý tới những chi tiết đó.
Kathe lại hỏi nữa:
– Rồi sao nữa? Mình cho rằng những chuyện như vậy có lợi cho bịnh viện hay sao? Tối nay em ngửi thấy rõ mùi rượu trên người Dick, và nhiều lần khác nữa, từ ngày anh ấy trở về.
Kathe hạ thấp giọng cho câu nói thêm nghiêm trọng:
– Dick bây giờ không còn là một người đứng đắn nữa.
Franz nhún vai, bước lên thang. Trong phòng, Franz nói với Kathe:
– Đó là một người rất đứng đắn, và một y sĩ có nhiều tương lai. Y được coi như y sĩ xuất sắc nhất trong đám những người gần đây mới chiếm được tấm bằng bệnh lý thần kinh ở Zurich – giỏi hơn và xuất sắc hơn chính tôi không bao giờ có thể đạt tới.
– Nói vậy xấu hổ quá!
– Đó là sự thật, thật đáng xấu hổ khi không dám nhìn nhận sự thật đó. Đối với những trường hợp khó, tôi đều phải kêu gọi tới Dick. Những sách của Dick đã xuất bản đều là những kiểu mẫu về bộ môn đó. Mình đã có thể tới hỏi tại bất kỳ một thư viện y khoa nào. Phần lớn các sinh viên đều tin rằng Dick là người Anh. Họ không thể nghĩ rằng một kiến thức được đào sâu lương thiện và đến nơi như vậy có thể từ Mỹ tới.
Franz càu nhàu kéo bộ áo ngủ từ dưới gối ra.
– Kathe ạ, tôi không thể hiểu tại sao mình đã nói như vậy. Tôi cứ tưởng là mình có cảm tình với Dick lắm.
Kathe nói tiếp:
– Thật đáng hổ thẹn! Chính mình mới là cột trụ của bệnh viện, chính mình lo hết mọi chuyện. Đúng là câu chuyện muôn đời con thỏ và con rùa… Theo ý em, cuộc chạy đua của con thỏ đâu đã chấm dứt…
Franz tặc lưỡi.
– Mình muốn nghĩ sao thì nghĩ – nhưng đó là sự thật.
Franz đưa tay ra gạt đi:
– Thôi mà, mình!
Nhưng rốt cuộc hai vợ chồng cũng nằm bàn soạn như vẫn thường xảy ra mỗi khi có chuyện cãi cọ.
Kathe tự nhận rằng mình có hơi cứng rắn đối với Dick mà Kathe ngưỡng mộ và có đôi chút hãi sợ, vì Dick bao giờ cũng tỏ ra hết sức hiểu biết đối với bà vợ của Franz. Còn về phần Franz, khi những ý tưởng của Kathe đã có thì giờ ngấm trong đầu y, không bao giờ y còn tin rằng Dick là một người đứng đắn. Và, với thời gian, Franz đã tự thuyết phục mình rằng thuở nay y đã vẫn nghĩ như vậy.