Dạy Con Làm Giàu – Tập 12
CHƯƠNG 11
Kiểm soát con thuyền của bạn
Nếu có ý định xây dựng một con thuyền giàu có, bạn cần phải kiểm soát được tất cả các bộ phận, loại hàng hóa nào được chuyển lên thuyền, và ai là người cầm lái, người cha giàu từng nói. “Sau cuộc khủng hoảng thị trường vào tháng 3-2000, hàng triệu ngừời bắt đầu cảm thấy tương lai tài chính của mình trở nên bất an. Tại sao như vậy? Bởi vì họ không kiểm soát được con thuyền hay hàng hóa trên thuyền của mình và rất nhiều người còn không biết thuyền trưởng chiếc thuyền của họ là ai.
Người cha giàu cho rằng an toàn và tự do không đồng nghĩa với nhau, thực tế hai từ này hầu như trái ngược nhau. Người cha giàu nói, “Con càng được an toàn bao nhiêu thì càng mất tự do bây nhiêu. ” Ông cũng nói, “Một người tìm kiếm sự an toàn thường không thể kiểm soát hết tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống. Càng bị mất kiểm soát, con càng ít dược tự do.” Nhiều người cảm thấy cuộc sống tài chính không an toàn vào thời điểm hiện tại và sau khi nghỉ hưu bởi vì họ đã từ bỏ hầu hết tất cả những kiểm soát tương lai tài chính của họ.
Trong cuốn Dạy con làm giàu – Tập 1, người cha giàu đã nói từ quan trọng nhất trong kinh doanh là “dòng lưu kim.” Trong cuốn Dạy con làm giàu – Tập 5, từ quan trọng thứ hai là “sức bẩy”, hay khả năng đạt được nhiều hơn với ít tốn kém hơn. Dù người cha giàu chưa bao giờ trực tiếp nói về điều này nhưng nếu có một từ quan trọng thứ ba trong từ điển của ông, tôi tin chắc rằng đó là “kiểm soát.” Dưới đây là một số quan sát của tôi về sự kiểm soát liên quan đến dòng lưu kim.
1. Một trong những kỹ năng cuộc sống quan trọng nhất để phát triển là học cách kiểm soát dòng lưu kim.
2. Khi nhìn hình người nhân viên Enron 58 tuổi trên trang bìa tạp chí USA Today, người đã mất một số tiền hưu đáng kể do sự sụp đổ của tập đoàn Enron, tôi nhìn thấy bức chân dung của một người gần cuối cuộc đời mới khám phá ra một cách muộn màng rằng ông có rất ít khả năng kiểm soát vấn đề tài chính của mình.
3. Hầu hết những vấn đề tài chính đều xảy ra do sự thiếu quan tâm của cá nhân với việc kiểm soát dòng lưu kim.
4. Tôi và Kim đã có thể nghỉ ngơi sớm bởi vì chúng tôi kiểm soát được những dòng lưu kim của mình.
Một trong những lý do khiến hàng triệu người cảm thấy bất an về tương lai tài chính của họ là vì họ thiếu kiểm soát nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Đơn giản đối với kế hoạch 401 (k) – lựa chọn chính của giai cấp trung lưu Mỹ – hầu hết mọi người đều không để ý nhiều đến việc kiểm soát nó. Riêng người cha giàu đã kiểm soát được con thuyền của mình. Ông nắm được thiết kế của nó, hàng hóa trên đó và biết rõ ai là người cầm lái chính cho con thuyền của mình. Ông có nhiều thuyền trưởng vì ông có nhiều con thuyền. Dĩ nhiên, nếu bạn quyết định xây dựng một con thuyền giàu có, một trong những điều quan trọng nhất là liệu bạn có sẵn sàng luôn luôn kiểm soát con thuyền hoặc đội thuyền của bạn hay không. Nếu không thì bạn nên giữ nguyên kế hoạch đóng góp, đầu tư dài hạn, đa dạng hóa, cầu nguyện thường xuyên và hy vọng thuyền trưởng sẽ biết cần phải làm gì.
Khi kiểm soát thường xuyên hơn con thuyền của mình, bạn có thể dần dần kiểm soát được cuộc sống và sau đó là sự tự do của bạn. Warrert Buffett nói, “Tôi là người may mắn nhất thế giới này xét về những gì tôi đã làm được cho cuộc sống của mình. Không ai có thể sai khiến tôi làm gì, tôi không phải dựa vào ai và cũng không phải làm theo những gì tôi nghĩ là vớ vẩn.” Nói cách khác, ông nắm được con thuyền của mình và ông đã xây dựng được cả một đội thuyền.
Trước khi tiến hành các bước kiểm soát con thuyền của mình, bạn hãy nghe Warren Buffett nói về cách ông kiểm soát con thuyền của mình. Buffett kiểm soát nhưng không khống chế tất cả. Ông thuê các nhà quản lý xuất sắc và đối xử với họ như thể họ đang làm chủ doanh nghiệp… Thực tế có rất nhiều người được bổ nhiệm các vị trí của một chủ sở hữu doanh nghiệp, về điểm này, ông nói, “Chúng tôi muốn các nhà quản lý doanh nghiệp trở nên giàu có thông qua quyền sở hữu doanh nghiệp, chứ không phải tự do muôn làm gì thì làm với quyền sở hữu doanh nghiệp của người khác. Trên thực tế, tôi cho rằng quyền sở hữu doanh nghiệp có thể đem lại cho các nhà quản lý giỏi nhất của chúng ta một sự giàu có đáng kể, thậm chí vượt xa những gì mà họ nghĩ là có thể.”
Ý kiến “không phải tự do muốn làm gì thì làm với quyền sở hữu doanh nghiệp của người khác” là nói về một công ty đầu tư giấu tên được nhiều người biết đến. Ông cho rằng công ty đầu tư lớn này không hề quan tâm đến các cổ đông và vốn đầu tư của họ. Phần sau lời bình luận này nói về cách ông đối xử với các nhà quản lý của ông… ông cho phép họ cùng chia sẻ lợi nhuận của công ty.
Ông cũng tìm thuê những người giỏi nhất có thể trở thành thuyền trưởng cho con thuyền của mình. Ông làm như vậy vì ông muôn họ là người điều khiển doanh nghiệp chứ không phải ông. Ông nói, “Nếu họ cần tôi giúp đỡ trong việc quản lý doanh nghiệp thì có thể tất cả chúng tôi đều sẽ gặp rắc rối.”
Người cha giàu có cùng một cách suy luận và quản lý. Đó là lý do tại sao cả hai người đều có thể quản lý nhiều con thuyền một lúc. Đây là cách quản lý theo quan điểm của nhóm C và Đ, chứ không phải là phương pháp của nhóm L và T như mọi người thường nghĩ. Nhiều người thường bảo, “Tôi không có đủ thời gian để làm những gì mình thích bởi vì tôi quá bận rộn.” Nhiều người thuộc nhóm L và T nghĩ rằng họ phải tự tay làm mọi việc, thay vì nghiên cứu tìm kiếm những người thông minh hơn giúp họ xây dựng và lèo lái con thuyền của họ.
Mỗi người thuộc những nhóm khác nhau sẽ kiểm soát con thuyền của họ theo những cách khác nhau. Nếu bạn điều khiển theo nhóm C và Đ, bạn có thể điều khiển nhiều con thuyền cùng một lúc. Nếu bạn theo nhóm L và T, có khả năng bạn chỉ điều khiển được một con thuyền, và vì chỉ điều khiển được một con thuyền nên bạn sẽ là người thiết kế, người xây dựng, người khuân vác hàng hóa, thủy thủ và kiêm luôn thuyền trưởng. Như tôi đã từng đề cập trong các cuốn sách khác, những người nhóm L và T thường có hai câu nói “cửa miệng.” Một là, “Không ai có thể làm tốt hơn mình được”, và hai là, “Tôi muốn làm theo cách của tôi.” Rõ ràng, đó là câu nói của những người muốn kiểm soát tất cả.
KIỂM SOÁT CON THUYỀN CỦA BẠN
Nhắc lại một lần nữa câu hỏi đặt ra từ đầu chương này là, “Bạn có sẵn sàng điều khiển con thuyền của mình không?” Nếu câu trả lời là không thì phần còn lại của cuốn sách này sẽ rất vô nghĩa… Đố với nhiều người, có lẽ dễ dàng hơn nhiều khi chỉ cần làm việc chăm chỉ rồi giao tiền cho một người mà họ hy vọng sẽ quản lý con thuyền tốt hơn họ.
Nhưng nếu câu trả lời là có thì bạn hãy đọc tiếp cuốn sách này. Hãy nhớ rằng, quản lý con thuyền của mình không có nghĩa là bạn phải làm thật nhiều việc. Tất cả những gì bạn cần làm là sẵn sàng kiểm soát. Warren Buffett đang kiểm soát và để việc điều hành đội thuyền cho các thuyền trưởng của ông. Bạn CÓ thể làm tương tự như vậy… nếu bạn muốn.
HỌC VỀ THƯƠNG MẠI HÀNG HẢI
Từ năm 1965 đến 1969, tôi học tại Học viện Thương mại Hàng hải Mỹ ở New York. Trong bốn năm, ngôi trường liên bang này dã đào tạo chúng tôi thành các sĩ quan hàng hải. Khóa học của chúng tôi bắt đầu bằng bốn tuần với những bài huấn luyện về thể chất và quân sự như các học viện quân sự khác. Chúng tôi phải dậy sớm và học tập cho đến tận khuya. Sau khi được “tẩy não”, chúng tôi được học mọi thứ kỷ luật nhà binh, cách mặc đồng phục, cách bắn súng, diễn tập quân sự và ngay cả cách thức ngồi ở bàn ăn.
Sau một tháng “giáo lý”, lớp học bắt đầu. Chúng tôi phải đáp ứng các yêu cầu học tập của một đại học truyền thống, nghĩa là chúng tôi phải học các môn như tiếng Anh, Toán, Hình học, Lượng giác, Đại số, Vật lý, Văn học, Điện tử, và các môn xã hội khác. Ngoài các môn học truyền thống này, chúng tôi còn phải học về cuộc sống trên biển… như học đánh mã Morse, học xem hải lý, thắt dây thừng, cờ semaphore, chèo thuyền cứu hộ trên biển, định hướng bằng sao trời, dự báo thời tiết, cách chèo thuyền nhỏ, lái thuyền lớn, hoạt động buồng máy, đưa thuyền cập bến và ra khơi, luật thương mại, luật hàng hải, vận chuyển hàng hóa, cấu trúc hải quân, hải dương học và các bộ môn thuyền biển khác.
Trên hết, chúng tôi có một năm thực tập trên một con tàu chở hàng trên biển, để áp dụng những diều đã học trong lớp vào thực tế. Tôi và các bạn học được đến nhiều cảng biển nổi tiếng trên thế giới. Với tôi, đây là phần tuyệt vời nhất của chương trình học. Để có một năm thực hành trên biển, chúng tôi phải hoàn thành ba năm với toàn bộ chương trình đại học bốn năm. Đó quả là một nền giáo dục bao quát tuyệt vời. Chúng tôi tốt nghiệp vào năm 1969, với trên 50% số sinh viên trong lớp không thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, nhưng số còn lại thì đã sẵn sàng trở thành các sĩ quan hàng hải, sẵn sàng chịu sự giám sát của các thuyền trưởng cũng như các sĩ quan cao cấp khác trên thuyền. Ngày ra trường, một trong các giảng viên của chúng tôi đã nói, “Chương trình đào tạo của trường rất nghiêm ngặt vì chúng tôi không chỉ đào tạo các bạn thành những thuyền trưởng của một con tàu, chúng tôi đào tạo các bạn trở thành những thuyền trưởng của một ngành công nghiệp.” Rất nhiều người trong các bạn học cùng lớp với tôi đã trở thành những nhà lãnh đạo trong ngành hàng hải.
Người cha giàu đã đặt tôi và con trai ông vào một chương trình tương tự, bắt đầu khi chúng tôi chín tuổi. Đó là lý do tại sao ông muốn chúng tôi phải làm đủ thứ ở mọi lĩnh vực. Chúng tôi phải dọn phòng, xếp bàn, quét nhà, đổ rác, dán tường, làm thợ phụ xây nhà, làm kế toán, kinh doanh, quản lý, ngân hàng, quan hệ nhân sự và đầu tư.
Tôi từng gặp nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân, họ được đào tạo một chương trình chính quy lớn nhưng lại có rất ít kiến thức về cuộc sống thực tế của thế giới bên ngoài. Đối với nhiều người, công việc duy nhất mà họ kiếm được là làm phục vụ cho các quán ăn nhanh hay làm nhân viên cho những cửa hàng bán lẻ. Còn với cấp đại học, nhiều người trong số các bạn trẻ này được làm ở các vị trí quản lý nhưng lại thiếu những kỹ năng con người của thế giới thực.
Vì họ thông minh nên một số được thăng chức nhanh chóng trước khi có được các kỹ năng con người của cuộc sống thực. Họ không quan tâm đến cảm giác của những nhân viên quèn, của những người phục vụ, những người tiếp tân… Họ chỉ để ý đến những người bạn đang cùng tiến lên trên nấc thang danh vọng. Rất nhiều người trong số này là những sinh viên giỏi đang trở thành thuyền trưởng lại nhưng mất liên lạc với những người công nhân, bộ máy thực sự của công việc. Khi một nhà lãnh đạo để mất liên hệ với người lao động thì tai họa sẽ xảy ra giống như trường hợp của công ty Enron. Liệu những người được gọi là các nhà lãnh đạo cấp cao có nhận ra các công nhân đang cố gắng mua cổ phần của công ty trong khi chính họ lại đang tìm cách bán ra không? Có thể điều này không bất hợp pháp nhưng với tôi, nó hoàn toàn trái nguyên tắc. Vấn đề là: việc khuyến khích người khác mua trong khi bạn đang bán là điều bình thường, không chỉ với Enron mà là một điều bình thường trong kinh doanh, nhất là trong thị trường chứng khoán.
Một điều mà cả hai người cha yêu cầu tôi là tôi không bao giờ được để mất liên lạc với mọi người ở các cấp độ khác nhau trong xã hội. Người cha giàu nói, “Đừng bao giờ đánh mất mối quan hệ với mọi người. Hãy luôn luôn nhớ rằng mỗi người trong công ty con là một thành viên trong gia đình, và vai trò lãnh đạo của con là phải làm thật tốt để bảo vệ phúc lợi và sức khỏe của họ.” Người cha giàu thường xuyên nhắc nhở tôi và Mike về điều đó. Đó là lý do tại sao ông muốn chúng tôi phải làm việc ở tất cả các khía cạnh công việc của một doanh nghiệp chứ không chỉ học công việc quản lý.
Vài năm trước khi qua đời, người cha giàu đã bảo tôi, “Cha không nghi ngờ một ngày nào đó con sẽ trở nên giàu có. Nhưng con đừng bao giờ quên mái nhà nơi con đã sinh ra và các tài sản mà con từng có. Hãy luôn luôn nhớ đến những người từng có mặt trên con đường con đi trong suốt cuộc đời. Con có thể không bao giờ gặp lại họ nữa nhưng hãy luôn nhớ đến họ và biết ơn những món quà họ đã tặng cho con. Và khi con dự định đi đến đâu, hãy đi với một tấm lòng nhân đạo và hãy nhớ rằng dù giàu hay nghèo, dù bạn hay thù thì tất cả chúng ta đều là con người. Tiền không giúp chúng ta trở thành cấp trên của bất cứ ai. Hãy nhớ rằng con cũng là một con người.” Theo tôi, có quá nhiều thuyền trưởng trên các con tàu quên rằng họ dang chịu trách nhiệm trước những người khác cũng như chịu trách nhiệm trước con tàu và hàng hóa trên tàu của họ.
BÀI HỌC CỦA NGƯỜI CHA GIÀU
Đầu cuốn sách này, tôi đã kể về người cha giàu bắt đầu một cuộc họp với một bản báo cáo tài chính của tôi. Đó là cách chúng tôi thường làm để mở đầu hầu hết các cuộc họp. Khi tôi còn là một đứa trẻ, ông cho tôi làm các bản báo cáo đơn giản. Khi tôi lớn lên, các nguồn tài chính của tôi cũng lớn hơn. Khi tôi trở nên giàu có, các nguồn tài chính của tôi ngày càng phức tạp. Khi tôi được tự do về mặt tài chính thì tình hình tài chính của tôi lại càng phức tạp hơn nữa. Khi tôi càng lớn, tôi mong rằng các nguồn tài chính của tôi sẽ càng phát triển… và chính tôi cũng cần phải phát triển. Xây dựng thói quen liên tục cập nhật các thông tin tài chính cá nhân là một quy trình phải học, một thói quen mà người cha giàu luôn nhấn mạnh rằng tôi cần phải phát huy.
Không cần phải nói, cha ruột tôi không bao giờ có một bản báo cáo tài chính nào. Ông biết cách phát triển nguồn tín dụng cho những khoản như vay mua nhà hay mua xe hơi. Song ông chưa bao giờ tạo thói quen sắm một cuốn sổ để theo dõi các thông kê tài chính cá nhân hàng tháng.
Trong cuốn sách này, tôi có nhắc đến một số nhà tài chính vĩ đại như Warren Buffett, nhà đầu tư giàu nhất nước Mỹ, Alan Greenspan, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, và Paul 0’Neill, Bộ trưởng Tài chính. Tất cả những nhà tài chính vĩ đại này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết tài chính và sự hiểu biết tài chính cần phải bắt đầu bằng một bản báo cáo tài chính. Không ai bảo hãy bắt đầu bằng tài sản cố định, tiền tiết kiệm, kinh doanh, thế chấp, cổ phần, buôn bán, quỹ hỗ tương…, những thứ mà người ta thường sử dụng khi bắt đầu xây dựng con thuyền của họ… và đó là lý do tại sao có rất nhiều con thuyền không thể đứng vững trên mặt biển dậy sóng.
Nhắc lại câu hỏi ở đầu chương này, “Bạn đã sẵn sàng điều khiển con thuyền của mình chưa?” Nếu câu trả lời vẫn là “rồi” thì câu hỏi tiếp theo sẽ là, “Bạn có sẵn sàng làm các báo cáo tài chính cho chính mình và không ngừng cập nhật cho chúng hay không?” Nếu câu trả lời là “không” thì bạn nên lập một kế hoạch hưu trí, tiết kiệm cá nhân, hay kế hoạch 401 (k)…
Nếu có ý định sẽ xây dựng một con thuyền giàu có và kiểm soát nó thì bạn cần tạo thói quen có các báo cáo thu chi hàng tháng và các bảng cân đối tài chính… Đó là hai tài liệu tài chính cơ bản. Nếu bạn muốn ngày càng trở nên giàu có, bất kể những cơn bão phía trước, thì bạn cần phải làm việc liên tục để nâng cao sự hiểu biết tài chính của mình, và nơi tốt nhất để khởi đầu sự đào tạo thực tế này là các báo cáo tài chính cá nhân được cập nhật của chính bạn, ngay cả khi chưa có gì trong dó. Tôi nhấn mạnh điểm này vì tôi đã gặp rất nhiều người có khả năng đọc các báo cáo tài chính ở cấp công ty nhưng lại không có báo cáo tài chính của riêng bản thân họ. Nếu bạn có ý định kiểm soát con thuyền của mình, bảng báo cáo tài chính quan trọng nhất chính là báo cáo tài chính cá nhân của bạn.
Ở đầu các cuộc họp với người cha giàu, ông luôn cho tôi xem báo cáo tài chính cá nhân của ông cũng như của doanh nghiệp. Không có các báo cáo tài chính đó, chắc hẳn ông đã không giúp gì được cho tôi. Năm 1977, nguồn tài chính của tôi khá tốt vì công việc kinh doanh cũng chỉ vừa bắt đầu và chúng tôi được một số nhà đầu tư cho tiền. Người cha giàu giúp tôi bằng cách đưa ra một số gợi ý cơ bản về những việc tôi cần làm trong báo cáo tài chính cá nhân cũng như báo cáo tài chính của công ty. Nhưng vào khoảng năm 1978, báo cáo tài chính của công ty tôi gặp một số trục trặc, có một chút gì không rõ ràng. Và vào khoảng năm 1979, người cha giàu nói, “Công ty của con bị một khối u tài chính.” Ồng cũng chứng minh rằng khôi u này sắp đi vào giai đoạn cuối… và cuối cùng thì nó cũng xảy ra. Không lâu sau, công ty tôi đóng cửa. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của ông cùng các báo cáo liên tực của tôi, nguồn tài chính cá nhân của tôi dần hồi phục và các tài sản của tôi dần được phát triển trở lại… dù sau đó tôi lại mất tất cả thêm một lần nữa. Một lần nữa, bằng cách liên tục kiểm tra và xem các báo cáo tài chính của tôi, người cha giàu đã có thể giúp tôi phục hồi và phát triển trở lại. Ngày nay, quy trình từ lúc sai phạm, nghiên cứu, sửa sai, cho đến báo cáo với người cha giàu các vấn đề tài chính, đã trở thành một quy trình giúp tôi phát triển thành một sĩ quan ngày càng giỏi hơn. Giờ dây, thay vì cảm thấy sợ hãi cơn bão phía trước, tôi lại mong đợi nó, vì tôi biết rằng đó là cách đối đầu với thử thách của cuộc dời, chính những thử thách đó giúp chúng ta trở nên mạnh hơn, mặc dù thỉnh thoảng tôi cảm thấy sợ thay cho một người nào đó.
Trước khi kết thúc chương này, tôi muốn nhấn mạnh là sức khỏe và tiền bạc cũng tương tự như nhau. Khi chúng ta đến khám bác sĩ, việc đầu tiên bác sĩ làm là xét nghiêm máu và chụp X quang. Đó là cách bác sĩ xác định được chính xác chỗ nào không khỏe, chỗ nào cần điều trị. Một ngày kia, tôi đi khám bác sĩ, và dựa trên kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ cho tôi biết những tin không tốt. Càng không thích nhận những tin xấu như vậy, tôi càng mừng khi được biết sớm, bởi vì nhận được tin xấu sớm sẽ giúp tôi điều trị sớm… trước khi những điều tồi tệ hơn xảy ra.
Một báo cáo tài chính với những con số sạch sẽ, rõ ràng, cũng có cùng mục đích với việc xét nghiệm máu và chụp X quang. Các báo cáo tài chính được cập nhật đều đặn sẽ giúp bạn có cơ hội phát hiện những tin xấu sớm hơn và có kế hoạch điều chỉnh sớm. Không may là do hệ thông trường học của chúng ta không đào tạo tài chính cho mọi người nên hàng triệu người khi phát hiện ra mình bị một khối u tài chính thì đã quá trễ. Đó là điều đã xảy với người nhân viên 58 tuổi của công ty Enron trên bìa báo USA Today. Người ta phát hiện ra con thuyền bị mục, hàng hóa cũng vậy, thế là các thuyền trưởng lặng lẽ rời bỏ con thuyền mà không cho đoàn thủy thủ biết. Vấn đề là ở chỗ người nhân viên này phát hiện ra điều đó khá trễ… nhưng không quá trễ. Nếu sẵn sàng điều khiển con thuyền của chính mình thì người đàn ông làm thuê 58 tuổi này sẽ bước vào một thế giới mới. Tất cả những gì ông phải làm là tìm kiếm một chuyên viên kế toán, phỏng vấn nhiều người, thuê một người và bắt đầu nhận báo cáo tài chính hằng tháng của mình từ người đó. Một tháng một lần, hãy cùng xem xét các báo cáo tài chính của mình với một chuyên gia tài chính như một giám đốc ngân hàng hay một kế toán, và bắt đầu tiến hành chỉnh sửa. Bằng cách đối chiểu tài chính thực tế với các chứng từ kế toán, ông có thể bước vào một thế giới khả năng tài chính mới.
Trong các chương sau, tôi sẽ phân tích những công việc kiểm soát mà một người cần làm để bắt đầu kiểm soát được con thuyền hay tương lai tài chính của mình. Tất cả những việc kiểm soát này đều là những điều cơ bản để trở thành một người thuyền trưởng tốt hơn cho chính con thuyền của mình.
Xây dựng con thuyền
1. Bạn có sẵn sàng kiểm soát con thuyền của mình chưa?
2. Hãy phát triển một bản báo cáo tài chính cá nhân.
3. Hãy tìm một chuyên viên kế toán hay một chuyên viên tài chính – hãy hỏi ỷ kiến những người thành công mà bạn biết – phỏng vấn nhiều người, chọn một người.
4. Họp hàng tháng với chuyên viên kế toán của mình để xem xét các báo cáo tài chính đó nhằm đảm bảo mình đang đi đúng hướng.
5. Ngay bây giờ, hãy sẵn sàng phân tích xem hiện tại bạn đang ở đâu và bạn cần thay đổi những gì để tạo thói quen đầu tư.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.