Dạy Con Làm Giàu – Tập 12
CHƯƠNG 8
Nguyên nhân vấn đề
Luật ERISA không phải là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ thị trường chứng khoán. Enron và những công ty khổng lồ khác đang sụp đổ thật sự chỉ là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Trong chương này chúng ta sẽ đề cập đến những vấn đề đằng sau sự sụp đổ đó, bằng cách nào có thể giải quyết mọi vấn đề và tìm ra được lý do thật sự đằng sau lời tiên tri của người cha giàu.
An sinh xã hội và chăm sóc y tế đang hoạt động rất tốt. Chính sách tài chính của chính quyền Clinton năm 2000 đã công bố báo cáo ngân sách, “Quỹ ủy thác của Chính phủ không bao gồm tài sản kinh tế chỉ sử dụng trong tương lai theo hướng có lợi cho ngân quỹ.” Nói cách khác, chính phủ dứt khoát thừa nhận rằng thật sự quỹ an sinh xã hội không phải là một tài sản được ủy thác. Đó chỉ là sự tưởng tượng của chúng ta. Vậy có phải quỹ an sinh xã hội đơn thuần là một thay đổi của kế hoạch Ponzi không?
Ngày nay ở Mỹ, mỗi nhân viên đều có thể thấy mình bị trừ 7,65% trên lương, cộng với 7,65% của người chủ doanh nghiệp, tổng cộng là 15,3%, đóng cho quỹ an sinh xã hội và chăm sóc y tế. Mỗi nhân viên đều hy vọng rằng sau khi nghỉ hưu họ sẽ được nhận khoản còn lại. Họ có thể được nhận nếu có nhiều người qua đời trước khi nhận lương hưu. Vấn đề là, vì người ta ngày càng sống lâu hơn trước nên ngày càng có nhiều người được nhận lương hưu hơn. Vậy có phải kế hoạch này chỉ có tác dụng chừng nào có nhiều người qua đời trước khi nghỉ hưu chăng?
Trong nhiều thập niên, chính quyền liên bang đã vay mượn và chi tiêu số thặng dư của quỹ an sinh xã hội – số chênh lệch giữa thu nhập từ thuế và chi phí của quỹ an sinh xã hội. Chính phủ Mỹ thay thế tiền cho vay bằng những tờ giấy nợ theo mẫu, gọi là trái phiếu chính phủ. Trong những năm gần đây, nhiều nhà phê bình bắt đầu cho rằng hệ thống quỹ an sinh xã hội là một trò cờ bạc, không có gì trong tài sản được ủy thác. Đáp lại, các quan chức chính phủ chỉ trích các nhà phê bình và phủ nhận họ đang gặp khó khăn. Vào năm 2000, khi chính quyền Clinton bắt đầu công bố báo cáo cơ bản sự thật về tài sản ủy thác, điều này đánh dấu cột mốc sự kiện cuối cùng chính phủ thừa nhận đang gặp khó khăn. Có phải vấn đề đó tương tự như vấn đề của Enron?
Hệ thống an sinh xã hội hoạt động tốt khi nó được thành lập từ giữa những năm 1930, khi đó mỗi người nhận an sinh xã hội sẽ được 42 người lao động đóng góp. Vào năm 2000, con số này là 3,4 người lao động cho mỗi người nhận an sinh xã hội. Năm 2016, theo báo cáo dự tính, quỹ an sinh xã hội sẽ thu được ít tiền hơn con số phải chi ra. Nói cách khác, sẽ có nhiều người hưởng lương hưu hơn số người đóng góp.
Nếu bạn nhớ từ những chương trước, 2016 là năm mà thế hệ đầu tiên của những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số bắt đầu đạt 70 tuổi, sự gia tăng đột ngột của 700.000 con người bắt đầu bước vào tuổi 70 chỉ riêng trong năm đó, và theo số liệu thống kê, không tính số người ước tính sẽ qua đời trước 70 tuổi, điều đó có nghĩa là 700.000 người sống và số người hơn 70 tuổi sẽ tiếp tục tăng lên với mỗi năm tiếp theo. Đó là những gì tôi gọi là một cơn bão hoàn hảo đang tích tụ. Vào năm 2002, các chính trị gia đề nghị những công nhân trẻ được phép đầu tư tiền trong tài khoản để dành cá nhân hoặc trong thị trường chứng khoán. Nếu luật này được thông qua, điều đó có nghĩa là sẽ có ít tiền mặt tham gia vào hệ thống dành cho những người già nghỉ hưu và đồng nghĩa với việc quỹ an sinh xã hội sẽ hoạt động ở số âm trước khi kịp đến năm 2016.
Vào năm 1979, tôi không hoàn toàn hiểu được, tại sao người cha giàu lại đề cập nhiều đến tương lai. Tôi không hiểu tại sao một người đàn ông giàu có lại muốn sự diệt vong và có lời tiên tri u ám như vậy. Tôi tự hỏi tại sao ông lại quan tâm đến điều đó. Mặc dù tôi không hoàn toàn hiểu rõ những lý luận của ông, nhưng tôi đủ lòng tin với ông để tiếp tục xây dựng con thuyền của mình. Đó là lý do tôi không nhận công việc quản lý kinh, doanh hay bất kỳ một công việc nào khác, ngay cả khi có lương thưởng hậu hĩnh. Thay vì nhận việc làm, tôi quyết định đứng lên đối mặt với thế giới thực sớm hơn. Năm 1994, Kim và tôi đã được tự do tài chính. Chúng tôi xây dựng con thuyền thịnh vượng của mình, nó hoạt động tốt cả khi thị trường chứng khoán đi lên vào cuối thập niên 90 lẫn khi thị trường sụp để vào tháng 3 năm 2000, và sự thật là chúng tôi có nhiều tiền hơn khi thị trường sụp đổ. Ngày nay, bằng kinh nghiệm cá nhân, tôi hiểu rõ hơn tại sao người cha giàu đề cập nhiều đến tương lai mà ông biết tôi và con trai ông sẽ gặp.
ĐẨY CHO TƯƠNG LAI
Người cha giàu nhìn thấy nguyên nhân thật sự của nỗi lo ngại này là vấn đề tài chính cá nhân sau khi nghỉ hưu đang bị đẩy cho tương lai. Đó là lý do tại sao ông luôn nói, “Luật ERISA là vấn đề mà thế hệ cha để lại cho thế hệ của con.”
Một trong những bài học quan trọng người cha giàu đã dạy tôi và con trai ông là sự khác biệt giữa một nhà doanh nghiệp và một quan chức nhà nước. Người cha giàu nói, “Nhà doanh nghiệp là người giải quyết vấn đề tài chính, nếu không họ sẽ bị loại khỏi thương trường. Còn một quan chức nhà nước nếu không thể giải quyết vấn đề thì sẽ dùng địa vị của mình để đẩy vấn đề đó cho tương lai.”
Người cha giàu không chỉ trích chính phủ, ông chỉ quan sát. Ông nói, “Chính phủ giải quyết nhiều vấn đề tốt cho xã hội. Họ dùng tiền thuế của chúng ta để phát triển quân sự, chiến tranh, cảnh sát, xây dựng đường sá, trường học và trợ cấp khi cần thiết. Nhưng có những vấn đề chính phủ không giải quyết được, họ sẽ đẩy nó cho tương lai, và khi đó thì vấn đề thường trở nên nghiêm trọng hơn. vấn đề tài chính của một người nghỉ hưu sau này hiện đang lớn dần bởi vì có quá nhiều người trông mong chính phủ giải quyết những vấn đề tài chính cá nhân cho họ.”
Người cha giàu lo rằng mọi người không bao giờ học được cách xây dựng con thuyền của chính mình. Suốt nhiều năm, họ được dạy để tin tưởng vào một công ty hoặc chính phủ phát triển con thuyền cho họ. Khi vấn đề trở nên quá phức tạp và khó giải quyết, luật pháp được thông qua để đẩy vấn đề đó lại cho những thế hệ sau. Nói cách khác, quỹ an sinh xã hội và luật ERISA đã đẩy những chi phí chăm sóc một thế hệ cho thế hệ tương lai.
Sau năm 1996, một kế hoạch đầu tư DC mới gia nhập vào thị trường. Đó là kế hoạch Roth IRA, được đặt tên theo tên một thượng nghị sĩ đã ủng hộ cho nó. Roth IRA là một kế hoạch DC mới được thiết kế chỉ dành cho tầng lớp trung lưu. Nếu bạn giàu có, bạn không được phép tham gia.
Không lâu sau khi kế hoạch Roth IRA ra đời, Diane Kermedy, nhà tư vấn thuế vụ của tôi và là tác giả quyển sách Loopholes of the Rich, gọi điện cho tôi. Cô rất quan tâm đến kế hoạch DC mới – nó cho phép người nhân viên được trả tiền miễn thuế sau khi nghỉ hưu với những nguồn quỹ mà đã đánh thuế trước khi tham gia kế hoạch. Kế hoạch Roth IRA một lần nữa lại đẩy vấn đề lại cho tương lai.
Theo Diane, Roth IRA được thiết lập chủ yếu để thu thuế nhiều hơn. Cô nói, “Nếu chú ý, bạn sẽ thấy có một số” thặng dư trong ngân sách không lâu sau khi Roth IRA được thông qua. Tôi nghĩ chính phủ Clinton thông qua luật này vì họ cần nhiều tiền thuế hơn và muốn tạo cảm giác là họ đang làm việc tốt. Vấn đề là, khi những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số bắt đầu nghỉ hưu thì con cái họ sẽ phải trả thuế để bù đắp những khoản thâm hụt trong tương lai cho ngân sách.” Nói cách khác, vấn đề lại được đẩy cho tương lai.
Hầu như ngay lập tức, Roth IRA trở thành một kế hoạch được tầng lớp trung lưu yêu thích. Họ thích ý tưởng trả thuế bây giờ để được miễn thuế trong tương lai. Vì thị trường đang lên vào năm 1996 nên nhiều người xem Roth IRA như một món quà đến từ thiên đường. Tiền bạc, lòng tham, thị trường tăng trưởng, và Roth IRA là tất cả những gì họ cần. Tiền bắt đầu được đổ vào những kế hoạch IRA mới và rót trực tiếp vào thị trường chứng khoán đang quá nóng. Thị trường cất cánh như một chiếc pháo thăng thiên.
Một trong những cách chính phủ kiếm tiền là làm cho nhiiều người ngừng đóng góp vào kế hoạch 401(k) DC và chuyển tiền sang kế hoạch Roth IRA mới. Điều đó có nghĩa là sở thuế thu được nhiều tiền hơn từ tầng lớp trung lưu, bởi vì chỉ có tiền đóng thuế rồi mới được đóng vào Roth IRA. Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ về sự khác biệt này, tôi xin giải thích thêm một chút. Kế hoạch 401(k) DC cổ điển cho phép nhân viên và chủ lao động không phải nộp thuế cho số tiền đóng góp vào kế hoạch. Điều đó có nghĩa là sở thuế không được thu thuế từ số tiền đó. Muốn thu thuế được, sở thuế phải chờ đến khi người nhân viên nghỉ hưu. Khi Roth IRA ra đời, nhiều người ngừng đóng góp vào kế hoạch 401(k) của công ty họ, thay vào đó họ đặt tiền vào kế hoạch Roth IRA. Khi điều đó xảy ra, chính phủ thu được một khoản thuế trước mắt mà không phải chờ đến tương lai. Nhưng vấn đề là trong tương lai, thuế thu được sẽ ít hơn. Một lần nữa, đó là một vấn đề nghiêm trọng.
Nhưng Roth IRA còn làm được hơn thế nữa. Nó khuyến khích nhiều người không có kế hoạch hưu trí mở ra một kế hoạch mới cho mình. Không chỉ có nhiều người mới gia nhập vào thị trường bằng cách tham gia những kế hoạch Roth IRA mới, mà nhiều người cũng không muốn dành dụm tiền nữa, thậm chí nhiều người còn mượn tiền để đầu tư. Với nhiều tiền được đổ vào thị trường, thị trường tiếp tục đi lên. Người ta nói, “Đây là một thời điểm khác, thời kinh tế mới.” Năm 1998, hàng triệu người không-phải-nhà-đầu-tư, những người từng may mắn vào năm trước, những người tưởng rằng mình là một nhà đầu tư, đột nhiên lao vào một cuộc đầu tư điên cuồng chỉ vì sợ hãi và tham lam.
Thậm chí người ta từ bỏ công việc đang làm để trở thành nhà tư vấn đầu tư. Một số ít phụ nữ lớn tuổi đã nghỉ hưu thành lập câu lạc bộ đầu tư, viết sách, và họ bắt đầu không kiểm soát được những lời khuyên đầu tư của mình nữa. Không may, sau đó người ta thấy rằng những người phụ nữ lớn tuổi này thật sự không làm tốt như họ tưởng với những khoản đầu tư của chính họ. Tuy nhiên, họ đã kích thích những người khác thành lập các câu lạc bộ khác ở khắp nơi trong nước – tôi cho rằng đó là một ý tưởng hay. Những cuộc triển lãm đầu tư nổ ra v hàng ngàn người lũ lượt đến tham dự. Năm 1999, những em bé đánh giấy và tài xế taxi cũng được phát những tờ giấy “bí quyết chứng khoán” và thị trường chứng khoán tăng vọt đến một tầm cao mới. Từ giữa năm 1996 đến năm 2000, nhiều người chưa hề biết đầu tư là gì bắt đầu để tiền vào thị trờng chứng khoán như một cơn nghiện. Sự tham lam và sợ hãi đã trở lại… 25 năm sau khi luật ERISA được thông qua. Cáo bắt đầu cười toe toét khi nhìn thấy những con gà kêu lên nhộn nhịp. Cáo biết đã đến lúc nó được nhận chiến lợi phẩm… nhưng không phải tất cả… chỉ một ít thôi. Cáo biết vẫn có nhiều con gà muốn tham gia nữa.
Vào tháng 3-2000, bữa tiệc kết thúc… nhưng dĩ nhiên, nhiều người không muốn tin điều dó. Song chậm mà chắc, sự thật của thế giới thực từ từ thấm nhuần. Trong một bài báo ngày 25-2-2002, tờ Business Week viết:
Lúc đó là 2 giờ sáng và Jim Tucci đang mở to mắt nhìn chằm chằm lên trần nhà – lại một buổi tối mất ngủ. Thay vì đếm cừu, ông lo lắng tính xem mình đã mất bao nhiêu tiền trong thị trường chứng khoán. Một nửa trong số 400.000$ tiền dành dụm, theo ông tính, đã biến mất chỉ trong hai năm. Cố quên đi những tài sản nghỉ hưu đã lao thẳng xuống vực sâu. Cố quên đi những kế hoạch du lịch lâu dài đến Ý với gia đình. Tucci, một nhà quản lý kinh doanh 60 tuổi của một công ty thu âm ở Boston, thừa nhận ông có một lượng tiền lớn đầu cơ chứng khoán trên trong thời kỳ bong bóng Internet. Cách đây một năm, ông còn tìm kiếm an toàn trong những cổ phiếu blue-chip của IBM, Merrill Lynch, General Motors và Delta Airlines. Giờ thì 40% chúng đã biến mất. Tucci cảm thấy bị lừa. “Tôi bị tê liệt, không bán được vì có thể bị lỗ to. Tôi thề sẽ không mua những thứ như vậy nữa. Mà nếu cố, tôi biết hỏi ý kiến ai bây giờ? Dường như không ai có một chút thành thật nào trong những lời khuyên của họ cả. Những ngày này, tôi chỉ biết cầu nguyện mà thôi.”
Bài báo tiếp tục:
Khoảng 100 triệu nhà đầu tư – khoảng phân nửa số người trưởng thành của nước Mỹ – có thể liên quan tới việc này. Họ là “Giai cấp Đầu tư Mới” nổi lên trong thập niên qua. Phần lớn thuộc tầng lớp trung lưu, những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số, họ nghĩ rằng chứng khoán có thể giúp họ giàu có hơn. Họ đắc chí khi thị trường tăng trưởng suốt một thời gian dài trong những năm 1990. Nhưng họ đã thua lỗ đến 5 nghìn tỷ dollar, hay 30% tài sản chứng khoán của họ, kể từ mùa xuân năm 2000, khi vụ sụp đổ dot-com đánh dấu mốc suy sụp thị trường tệ hại thứ nhì kể từ sau Thế chiến thứ II. Đó không phải là trò chơi cờ tỷ phú: đó là tiền hưu trí, học phí cho con cái họ, tiền khám chữa bệnh cho họ.
VẤN ĐỀ NGÀY CÀNG NGHIÊM TRỌNG
Mối lo ngại khi chính phủ đẩ vấn đề cho tương lai thay vì giải quyết chúng, là vấn đề sẽ ngày càng tệ hơn. Khi Enron sụp đổ, hàng triệu người lờ mờ hiểu ra vấn đề có thể nghiêm trọng đến mức nào… nhất là với những nhân viên lớn tuổi, những nhân viên mà kế hoạch 401 (k) của họ đã bốc hơ, quỹ an sinh xã hội và chăm sóc y tế của họ đang phá sản, và con cháu họ sẽ không khá hơn họ bao nhiêu. Nghỉ hưu không còn là một giấc mơ đẹp, nó đang trở thành một cơn ác mộng.
Người cha giàu giải thích cho tôi, “Khi nước Mỹ trở thành nước mạnh nhất thế giới từ những năm đầu 1900, hàng triệu nông dân bắt đầu bỏ trang trại vào thành phố kiếm những công việc có nhiều tiền hơn ở những khu công nghiệp mới. Không lâu sau đó, các nhà máy ngày càng phát đạt, nhưng một vấn đề khác nổi lên. Vấn đề là nên làm gì với những công nhân lớn tuổi.”
“Đó là lý do tại sao trong giai đoạn Đại Suy thoái, Luật An sinh xã hội được thông qua,” tôi nói, nhớ là quỹ an sinh xã hội bắt đầu từ những năm 1930. “Con dám cá nó được tạo nên để nhiều công nhân lớn tuổi cảm thấy an tâm.”
“Đúng vậy” người cha giàu đồng ý. “Và ngày nay vẫn vậy. Nhưng khi Thế chiến thứ II bùng nổ, các nhà máy được hồi phục và tiếp tục khởi phát, thậm chí cho đến sau khi chiến tranh kết thúc. Vì các nhà máy giúp nền kinh tế phồn thịnh nên nhiều bang ở Mỹ bắt đầu đòi hỏi công nhân của họ phải được nhận một khoản tiền sau khi nghỉ hưu. Để các nhà lãnh đạo công đoàn hài lòng, các quản lý nhà máy đồng ý và kế hoạch lương hưu DB ra đời.”
“Nhưng vấn đề vẫn tồn tại,” tôi nói. “Vẫn dề là làm thế nào một người có thể sinh sống khi không cồn khả năng làm việc nữa.”
“Đúng vậy,” người cha giàu nói. “Đó là vấn đề đằng sau một vấn đề. Một người có thể sinh sống bằng cách nào khi họ không còn khả năng làm việc? Đó là vấn đề hàng đầu với quỹ an sinh xã hội, kế hoạch lương hưu DB và luật ERISA.”
“Đó là một vấn đề cần được giải quyết,” tôi nói.
Người cha giàu chỉ gật đầu nói, “Thế hệ Thế chiến thứ I đã giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng luật pháp để đẩy lùi những chi phí này cho thế hệ Thế chiến thứ II. Thế hệ Thế chiến thứ II đẩy những chi phí này đến thế hệ của con thông qua cải cách lương hưu.”
“Vậy chính phủ đã bỏ qua vấn đề chứ không giải quyết nó,” tôi nói. “Và đó là nền tảng cho những tiên đoán của cha.”
Người cha giàu im lặng và nghiêm nghị nhìn tôi. Tôi đã có thể hiểu được tại sao vấn đề ngày một xấu đi.
Tôi ngồi im lặng một lúc, bắt đầu hồi tưởng những bài diễn thuyết của các chính trị gia nổi tiếng từng khiến người nghe cảm thấy hài lòng với những lời hứa đầy triển vọng. Phá vỡ sự yên lặng, tôi nói, “Vậy đó là lý do tại sao cha nói sẽ có một cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán khổng lồ. Rắc rối không phải là thị trường chứng khoán mà rắc rối là vấn đề bị bỏ qua chứ không được giải quyết… và một ngày gần đây, vấn đề đó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Tất cả rồi sẽ sụp đổ như một trò chơi xếp nhà.”
“Đúng vậy” người cha giàu nói. “Hiện nay có quá nhiều người trông chờ vào sự giải quyết vấn đề của chính phủ. Và các chính trị gia, mong muốn giành được phiếu bầu, sẽ hứa giải quyết vấn đề. Nhưng dĩ nhiên, chúng ta đều biết các chính trị gia sẽ nói và làm bất cứ điều gì có thể giúp họ được nổi tiếng, được yêu thích, và thế là họ tái đắc cử. Cha không đổ lỗi cho họ. Nếu họ nói sự thật, họ sẽ bị đá khỏi văn phòng. Do đó vấn đề ngày một lớn lên, chính phủ ngày một lớn lên, và tiền thuế phải đóng ngày càng cao hơn.”
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ SỤP ĐỔ CỦA ĐẾ CHẾ LA MÃ
Trải qua nhiều năm lớn lên với người cha giàu, ông luôn khuyên khích tôi học lịch sử về sự phát triển và sụp đổ của những đế quốc nổi tiếng. Một trong những đế quốc ông khuyên tôi học là Đế chế La Mã. Trong một buổi học, người cha giàu bảo tôi, “Đế chế La Mã có kỹ thuật chinh phục tiên tiến và những con người cần cù, vì vậy nên họ có thể thiết lập một đế quốc rộng lớn. Những trở ngại của họ bắt đầu khi người ta rời những vùng đất xâm chiếm được vào những thành phố như Thành La Mã. Khi những thành phố như Thành La Mã lớn mạnh, những người đứng đầu bắt đầu lo lắng khi dân thành thị muốn nổi dậy vì họ không có việc làm, nhà cửa hay lương thực. Do đó, chính quyền La Mã phải nuôi họ và lập nên những trò tiêu khiển nổi tiếng như Đại hí trường để đám dông tập trung vui chơi. Sau đó Thành La Mã trở thành một thành phố lớn với nhiều người trông mong được nuôi ăn và được vui chơi.”
– “Vậy La Mã có trở thành một nhà nước thịnh vượng không?” tôi hỏi.
“Hơn cả một nhà nước thịnh vượng…” người cha giàu nói. “Nó trở thành một chính phủ quan liêu lớn. Thay vì giải quyết vấn đề, họ gây ra nhiều vấn đề hơn. Đó cũng là một nhà nước có nhiều kiện tụng. Ở đó có nhiều việc tố tụng tính theo đầu người hơn cả nước Mỹ ngày nay, bởi vì có quá nhiều người muốn đổ lỗi cho ai đó về vấn đề của mình hơn là tự mình giải quyết. Nhưng kết quả là mọi vấn đề chỉ ngày càng nghiêm trọng. Và ngày càng nhiều vấn đề thì họ càng dựng nên nhiều quan chức để giải quyết vấn đề. Thế là vấn đề ngày càng lớn và chính phủ của họ cũng ngày càng lớn.”
“Vậy họ kiểm soát nó bằng cách nào?” tôi hỏi.
“Thứ nhất, họ có một quân đội vững mạnh. Như cha đã nói, họ biết cách xâm lược. Chế ngự con người là kỹ năng của họ. Để kiểm soát dân chúng, Đế chế La Mã tăng thuế trong tầng lớp lao động thông qua sự kiểm soát triệt để. Nhưng ngay khi thuế tăng cao, những người nông dân bắt đầu rời nông trại chuyển tới thành phố sống bởi vì cuộc sống nông trại không có ý nghĩa gì cả. Tất cả những việc họ làm đều bị đánh thuế, vậy tại sao lại không chuyển đến một nơi có thức ăn và giải trí thậm chí miễn phí?”
“Vì vậy mà vấn đề ngày càng tồi tệ hơn?” tôi hỏi.
“Đúng vậy, đó là một trong nhiều nguyên nhân khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn” người cha giàu nói. “Như cha đã nói, các nông dân rời nông trại. Có nghĩa là việc sản xuất lương thực cũng như việc thu thuế bắt đầu sụt giảm nhiều như lượng nông dân bỏ nông trại lên thành phố.”
“Vậy họ giải quyết vấn đề này như thế nào?” tôi hỏi.
“Bằng những cách mà một nhà nước cổ quân đội là nền tảng thường giải quyết. Đế chế La Mã thông qua đạo luật quy định những nông dân rời trang trại là bất hợp pháp. Hay nói cách khác, nông dân bị giới hạn trong nông trại. Nếu họ rời nông trại, luật pháp cho phép chính phủ trừng phạt người thân của họ.”
“Đó không phải là một cách giải quyết tốt,” tôi nói.
“Không… và bởi vì Đế chế La Mã không thể giải quyết vấn đề nên nó bắt đầu lụi tàn,” người cha giàu nói. “Nếu chúng ta không thể giải quyết vấn đề, những điều tương tự sẽ xảy ra cho nước Mỹ.”
Năm 2001, một tổng thống mới đắc cử tại Mỹ. Ngay trước khi ông nhậm chức, thị trường chứng khoán sụp đổ dẫn đến tinh trạng suy thoái kinh tế. Vào thời điểm đó, chúng ta còn một số thặng dư trong ngân quỹ, do đó, để giải quyết vấn đề, chính phủ Bush lập tức cắt giảm thuế và Cục Dự trữ Liên bang nhiều lần giảm lãi suất với hy vọng thúc đẩy nền kinh tế.
NƯỚC ARGENTINA THỨ HAI?
Người Mỹ rất ghét bị so sánh với Nhật. Nhiều nhà kinh tế Mỹ nói rằng những gì đang xảy ra với Nhật sẽ không bao giờ xảy ra tại Mỹ. Tôi đồng ý với quan điểm này. Nếu cụ thể, Argentina là một ví dụ tốt hơn cho những gì có thể xảy ra cho nước Mỹ trong tương lai. Cách đây vài năm, Argentina là một đất nước có nền công nghiệp phát triển với mức sống xã hội cao. Là một mảnh đất giàu có, Argentina là một nơi thú vị với nhiều người dân châu Âu. Nhưng chỉ trong vài năm, đất nước giàu có này đã trở nên nghèo đói, nợ nần chồng chất, một quốc gia phá sản với sự suy yếu của đồng tiền. Tiền tệ bị mất giá trị và lạm phát. Thuế cao và đồng tiền bị phá giá. Tham nhũng khắp nơi. Nếu vấn đề không được giải quyết, một tình trạng vô chính phủ sẽ thật sự xảy ra.
Liệu điều đó có xảy ra với nước Mỹ trong 20 hay 30 năm nữa? Hầu hết dân Mỹ đều không nghĩ vậy. Thật không may khi có quá nhiều người Mỹ trông đợi chính phủ giải quyết vấn dề cho họ, và tôi e rằng thay vì giải quyết vấn đề, một chính phủ Mỹ lâu đời sẽ muốn có nhiều người hơn và thuế cao hơn. Với quỹ an sinh xã hội, đạo luật phổ biến nhất được thông qua, tôi e rằng những người tin vào quỹ an sinh xã hội sẽ một lần nữa đề nghị những người lao động trẻ phải chăm sóc cho họ. Nếu điều đó xảy ra, thuế sẽ tăng nhanh. Trong khi mất hàng trăm năm, Đế chế La Mã cuối cùng cũng sụp đổ, thì với tốc độ chuyển tiền như hiện nay, chính quyền Mỹ hùng mạnh có thể bị sụp đổ nhanh hơn nhiều.
Người cha giàu lưu ý một trong những lý do khiến Đế chế La Mã sụp đổ là vì chính quyền La Mã không bao giờ tiến hóa thêm gì khác ngoài kỹ thuật xâm chiếm và đánh thuế. Nếu họ tiến hóa những khía cạnh khác, đế chế của họ hẳn đã có thể tồn tại nhiều thế kỷ nữa.
Không may, những đế chế hùng mạnh dường như quên rằng mình cũng cần tiến hóa. Tây Ban Nha cũng là một quốc gia hùng mạnh lớn lên bằng cách xâm chiếm chứ không sáng tạo. Do đó, họ dễ sụp đổ sau khi đạt đến một sức mạnh, lớn và một sự thịnh vượng lớn. Họ dễ sụp đổ vì họ không chịu tiến hóa.
Hy vọng những điều này sẽ không xảy ra cho nước Mỹ nếu người Mỹ sẵn lòng trung thực đối diện với vấn đề và cho phép mọi người dân và các doanh nghiệp cùng giải quyết vấn đề cho rốt ráo. Trong bài diễn thuyết tháng 2- 2002, Alan Greenspan, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang đã kêu gọi đào tạo kỹ năng tài chính. Ông cũng nói đến nhu cầu tiến hóa. Ông cho rằng con em chúng ta cần được học các kỹ năng tài chính trong trường học nếu chúng ta muôn tiếp tục tiến hóa như một đất nước văn minh giàu mạnh nhất thế giới.
Người cha giàu hoàn toàn đồng ý với Alan Greenspan. Trên thực tế, chúng ta cũng nghe những điều tương tự theo nhiều cách khác nhau. Người cha giàu thường nói, “Chính phủ cố gắng giải quyết vấn đề của người nghèo bằng cách cho tiền họ, nhưng như vậy chỉ làm họ nghèo hơn mà thôi.” Ông cũng nói, “Nếu chúng ta không phát triển kỹ năng tài chính cho con em chúng ta, bọn trẻ sẽ không thể giải quyết những vấn đề tài chính mà chúng ta đẩy lại cho chúng trong tương lai và nước Mỹ sẽ đi đến kết thúc. Điều đó tùy theo thế hệ trẻ có thể giải quyết những vấn đề này trước khi nó xảy ra hay không.”
Chúng ta còn nhiều năm để giải quyết vấn đề, do đó, tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu giải quyết nó hơn là đẩy lại cho tương lai. Vấn đề trong tương lai sẽ quá lớn và không thể giải quyết nổi. Quyển sách này có ý nghĩa kêu gọi hành động. Những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số vẫn còn thời gian để giải quyết vấn đề này nếu chúng ta đề cập đến vấn đề một cách nhiệt tình và trung thực.
Người cha giàu rất lạc quan về nước Mỹ. Ông nói, “Dù nước Mỹ có một nền quân sự hùng mạnh nhưng chúng ta không sử dụng quân sự để giải quyết vấn đề. Nước Mỹ chi sử dụng quân sự để bảo vệ các tuyến thương mại của chúng ta cũng như giữ gìn trật tự thế giới. Nước Mỹ cũng hùng mạnh về kinh tế và một nền kinh tế hùng mạnh chỉ có thể được xây dựng chứ không phải xâm chiếm” Ông muốn nói, “Đã đến lúc sử dụng nền kinh tế hùng mạnh để giải quyết một vấn đề rất lớn: người ta sinh sống như thế nào sau khi nghỉ hưu. Nếu chúng ta là một quốc gia biết giải quyết vấn đề, nước Mỹ có thể tiến hóa thành một cường quốc thế giới hùng mạnh hơn nữa.”
Nếu không giải quyết vấn đề này, chúng ta đang góp phần tiến lại gần một cơn bão hoàn hảo của cuộc sống tài chính của chính chúng ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.