Hiểu Nghèo Thoát Nghèo

2. MỘT TỈ NGƯỜI ĐÓI ĂN



Với nhiều người dân phương Tây, đói nghèo gần như đồng nghĩa với đói ăn. Ngoài những thảm họa thiên nhiên tàn khốc, chẳng hạn như sóng thần ngay ngày lễ Từ thiện năm 2004 hay động đất ở Haiti năm 2010, thì không có sự kiện nào tác động đến người nghèo trên thế giới lại có thể thu hút nhiều sự chú ý và khơi dậy lòng trắc ẩn của công chúng như nạn đói ở Ethiopia đầu những năm 1980, đưa đến buổi hòa nhạc quyên góp “We Are The World” vào tháng 3 năm 1985. Gần đây, theo Tổ chức Lương Nông Thế giới (UN Food and Agriculture Organization – FAO), tính đến tháng 6 năm 2009, có hơn một tỉ người đang chống chọi với nạn đói[29]. Công bố này đã trở thành tâm điểm chú ý, thậm chí được quan tâm nhiều hơn hẳn con số ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về số người sống dưới 1 đô la Mỹ mỗi ngày.

Mối quan hệ giữa đói nghèo và đói ăn được thể hiện trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của LHQ, cụ thể là “xóa bỏ tình trạng bần cùng và thiếu ăn”. Thực sự thì chuẩn nghèo ở nhiều quốc gia ban đầu được đặt ra để xác định khái niệm đói nghèo dựa trên tình trạng thiếu ăn – khoản chi cần thiết để mua một lượng lương thực thực phẩm nhất định, cộng với một số mua sắm thiết yếu khác (chẳng hạn như chi tiêu nhà ở). Một người “nghèo” về cơ bản được định nghĩa là người không đủ ăn.

Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi nỗ lực của chính phủ các nước nhằm giúp đỡ người nghèo phần lớn dựa trên quan điểm được thừa nhận rộng rãi, đó là người nghèo cần thức ăn đến mức tuyệt vọng, và số lượng quan trọng hơn chất lượng. Trợ cấp lương thực thực phẩm rất phổ biến ở Trung Đông: Ai Cập chi 3,8 triệu đô la cho trợ cấp lương thực thực phẩm trong giai đoạn 2008-2009 (2% GDP).[30] Indonesia có chương trình Rakshin phân phối gạo trợ giá. Nhiều bang ở Ấn Độ cũng có chương trình tương tự. Ví dụ Orissa, người nghèo được hưởng 55 pound gạo mỗi tháng với giá khoảng 1 rupi mỗi pound, thấp hơn 20% so với giá thị trường. Hiện tại, Nghị viện Ấn Độ đang thảo luận để xây dựng Đạo luật về Quyền đối với Lương thực (Right to Food Act), theo đó người dân có quyền kiện chính phủ nếu họ bị thiếu ăn.

Phân phát viện trợ lương thực trên quy mô lớn là cả một cơn hãi hùng về kho vận. Ở Ấn Độ, ước tính có hơn 1/2 lượng lúa mì và 1/3 lượng gạo bị “thất thoát” trong quá trình vận chuyển, trong đó một phần không nhỏ bị chuột ăn.[31] Chính phủ các nước vẫn khăng khăng áp dụng chính sách này bất chấp lãng phí và thất thoát không chỉ vì đói và nghèo hay song hành với nhau, mà vì việc người nghèo mất khả năng nuôi sống bản thân cũng là một nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bẫy nghèo mà người ta thường hay nói tới. Ta có khuynh hướng nghĩ rằng: Người nghèo không đủ khả năng ăn uống đầy đủ; điều này sẽ khiến họ làm việc kém năng suất và mắc kẹt trong tình trạng nghèo khổ.

Pak Solhin, sống ở một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Tây Java, Indonesia, từng giải thích với chúng tôi cụ thể bẫy nghèo do thiếu ăn hoạt động ra sao.

Cha mẹ ông ta từng có đất đai, nhưng họ có tới mười ba đứa con, và phải chia đất cất nhà cho gia đình con cái đến mức chẳng còn lại đất đai để trồng trọt. Pak Solhin là nông dân thời vụ, được trả tối đa khoảng 10,000 rupi mỗi ngày (tương đương 2 đô la Mỹ) cho công việc đồng áng. Tuy nhiên, giá phân bón và nhiên liệu tăng đột biến trong thời gian gần đây đã buộc nông dân phải chi tiêu tiết kiệm. Theo Pak Solhin, nông dân địa phương quyết định không cắt giảm lương, mà thay vào đó ngừng hẳn thuê nhân công. Pak Solhin gần như luôn ở trong tình trạng thất nghiệp. Năm 2008, suốt hai tháng trước khi gặp chúng tôi, ông ta hoàn toàn không được ai thuê làm đồng. Những thanh niên trẻ gặp tình huống tương tự vẫn có thể tìm việc khác, chẳng hạn công nhân xây dựng. Nhưng như ông giải thích, ông không đủ sức để làm những công việc thuần chân tay, không đủ kinh nghiệm cho những công việc đòi hỏi lao động lành nghề, và ở tuổi bốn mươi, ông quá già để bắt đầu học việc: Chẳng ai muốn thuê ông.

Kết quả là gia đình Pak Solhin – vợ chồng ông và ba đứa con – lâm vào tình cảnh rất bi đát. Vợ ông đến Jakarta, cách nhà gần 130km, để làm người giúp việc qua lời giới thiệu của một người bạn. Nhưng bà vẫn chẳng kiếm đủ tiền nuôi con. Đứa con trai đầu, học giỏi nhưng phải thôi học khi lên 12 và bắt đầu phụ hồ ở một công trường xây dựng. Hai đứa nhỏ hơn được gửi cho ông bà. Còn Pak Solhin thì sống chật vật với khoảng 5kg gạo trợ cấp mỗi tuần từ chính phủ và cá bắt được ở ven hồ (ông không biết bơi). Anh trai ông thỉnh thoảng cho ông ăn nhờ. Trong tuần cuối chúng tôi nói chuyện với ông, ông chỉ đủ ăn hai bữa/ngày trong vòng bốn ngày đầu, và chỉ một bữa/ngày cho ba ngày tiếp theo.

Dường như Pak Solhin không còn lựa chọn nào khác, và ông cho rằng vấn đề của mình là do lương thực (hay chính xác hơn là do thiếu lương thực). Theo ông, chủ ruộng quyết định sa thải người làm công thay vì cắt giảm lương vì họ nghĩ với giá cả lương thực tăng nhanh trong thời gian tới, việc cắt giảm lương sẽ đẩy những người làm công vào tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng, kết quả là những người này sẽ chẳng giúp ích gì cho công việc đồng áng. Đây là cách mà Pak Solhin tự giải thích với bản thân lý do vì sao ông bị thất nghiệp. Mặc dù rõ ràng là ông sẵn sàng làm việc, nhưng do thiếu thức ăn nên ông yếu ớt, không có sức lực, và tâm lý chán nản tuyệt vọng cứ gặm nhấm quyết tâm phải hành động để giải quyết vấn đề của ông.

Lối suy nghĩ bẫy nghèo do thiếu lương thực như ông Pak Solhin giải thích có từ lâu. Quan điểm này lần đầu chính thức công bố trong giới kinh tế học là vào năm 1958.[32] Đơn giản là cơ thể con người cần một lượng calo nhất định để tồn tại. Vì thế khi một người rơi vào tình trạng nghèo khổ cùng cực, anh ta gần như không có khả năng chi tiêu cho thực phẩm để duy trì hoạt động cơ thể thông thường, và có thể không kiếm đủ số tiền ít ỏi để mua lượng thực phẩm tối thiểu đó. Đây chính là tình huống Pak Solhin thấy mình rơi vào: Thức ăn ông kiếm được thường không đủ để ông có sức bắt cá ở bờ sông.

Khi có thêm tiền, người ta có thể mua thêm nhiều thức ăn. Một khi những nhu cầu trao đổi chất cơ bản của cơ thể được đáp ứng, lượng thực phẩm phụ trội sẽ chuyển hóa thành sức lực, giúp người ta sản xuất ra nhiều hơn lượng thức ăn một người cần ăn chỉ để sống sót. Cơ chế sinh học đơn giản này hình thành mối quan hệ hình chữ S giữ thu nhập ngày hôm nay và thu nhập ngày mai, giống như Hình 1 trong chương trước đó: Những người nghèo đói cùng cực kiếm được ít hơn mức cần thiết để làm được việc quan trọng, còn những người đủ ăn thì có thể làm được những công việc đồng áng nặng nhọc. Mối quan hệ này tạo ra bẫy nghèo: Người nghèo ngày càng nghèo, còn người giàu lại càng thêm giàu, và thậm chí sống tốt hơn, mạnh khỏe hơn và có thể giàu hơn nữa, và khoảng cách cứ thế rộng ra.

Mặc dù ông Pak Solhin giải thích hợp lý không chê vào đâu được về cách một người có thể rơi vào tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng, nhưng dường như có điều gì đó chưa ổn trong lời kể của ông. Nơi chúng tôi gặp ông không phải là Sudan bị nội chiến hoành hành, hay một khu vực ngập lụt ở Bangladesh, mà là một ngôi làng thuộc khu vực Java giàu có. Ở đây rõ ràng vẫn còn nhiều thực phẩm ngay cả khi giá thực phẩm tăng vào năm 2007-2008, và một bữa ăn căn bản chẳng tốn kém là bao. Rõ ràng ông trong tình trạng thiếu ăn nhưng vẫn đủ để tiếp tục tồn tại; vì sao không ai ngỏ lời giúp ông có thêm thức ăn để đổi lấy một ngày công lao động? Nhìn chung, theo lô gic, cũng có thể tồn tại bẫy nghèo do thiếu ăn, nhưng trong thực tế nó liên quan như thế nào đến phần lớn người nghèo hiện nay?

THỰC SỰ CÓ HAY KHÔNG MỘT TỈ NGƯỜI ĐÓI ĂN?

Giả định ngầm trong mô tả về bẫy nghèo là người nghèo nên ăn thỏa thích đúng theo nhu cầu của mình. Đây hiển nhiên là một ẩn ý của đường cong chữ S dựa trên cơ chế sinh lý học cơ bản: Nếu được ăn uống đầy đủ hơn, người nghèo bắt đầu làm những điều ý nghĩa hơn và thoát khỏi vùng bẫy nghèo, như vậy rõ ràng họ ăn càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên đây không phải là điều chúng tôi quan sát thấy. Đa phần những người sống dưới 99 xu một ngày không có vẻ gì bị thiếu ăn nghiêm trọng. Nếu bị đói, chắc chắn họ đã phải tiêu đến đồng xu cuối cùng để mua thêm thức ăn. Nhưng họ không làm như vậy. Trong bộ dữ liệu về cuộc sống người nghèo từ 18 quốc gia, thực phẩm chiếm từ 36% đến 79% tiêu dùng của người nghèo cùng cực ở khu vực nông thôn, và 53% đến 74% ở khu vực thành thị.[33]

Mà cũng không phải vì số tiền còn lại phải dành cho những nhu cầu thiết yếu khác: Chẳng hạn như ở Udaipur, chúng tôi quan sát thấy nếu cắt giảm hoàn toàn rượu bia, thuốc lá và các khoản lễ lạt, mỗi hộ gia đình nghèo điển hình có thể chi thêm 30% cho thực phẩm. Dường như người nghèo vẫn có nhiều lựa chọn, nhưng họ chọn không chi tiêu hết mức có thể cho thức ăn.

Ta có thể thấy rõ điều này qua cách người nghèo sử dụng khoản tiền tăng thêm vô tình nhận được. Đúng là có những chi phí không tránh được (quần áo, thuốc men, v.v…) buộc họ phải quan tâm trước tiên, nhưng nếu kế sinh nhai của người nghèo phụ thuộc vào việc bổ sung calo thì hiển nhiên khoản tiền sẵn có nào cũng sẽ được chi dùng cho thực phẩm. Ngân sách cho thực phẩm tăng cùng chiều nhưng với tốc độ nhanh hơn so với tổng chi tiêu (vì cả hai khoản chi này đều tăng cùng một lượng, mà thực phẩm lại là một phần của tổng ngân sách, cho nên chi dùng cho thực phẩm tăng với tỉ lệ lớn hơn). Tuy nhiên, đây có lẽ không phải là vấn đề chúng ta đang nói tới. Ở bang Maharashtra Ấn Độ, vào năm 1983 (rất lâu trước khi Ấn Độ đạt được những thành tựu gần đây – đa số các hộ gia đình khi đó sống ở mức bằng hoặc dưới 99 xu mỗi người mỗi ngày), ngay cả với nhóm người nghèo đói cùng cực, tăng 1% tổng chi tiêu có thể kéo theo tăng 0,67% tổng chi tiêu dành cho thực phẩm.[34] Điều đáng nói là mối tương quan này không khác mấy với những người bần cùng nhất (kiếm được khoảng 50 xu mỗi ngày) và những người có tiền nhất trong mẫu nghiên cứu (kiếm được khoảng ba đô la Mỹ mỗi ngày). Trường hợp của bang Maharashtra khá điển hình cho tương quan giữa thu nhập và chi tiêu thực phẩm trên thế giới: Kể cả với những người rất nghèo khổ, tăng chi tiêu thực phẩm vẫn thấp hơn nhiều so với tăng tổng ngân sách.

Đáng nói không kém là chi dùng cho thực phẩm không phải nhằm mục đích tăng tối đa hàm lượng calo hay các chất dinh dưỡng vi lượng. Khi nhưng người nghèo khổ cùng cực có thể chi tiêu nhiều hơn dù chỉ một chút cho thực phẩm, họ vẫn không tập trung hoàn toàn vào mục tiêu tăng hàm lượng calo. Thay vào đó, họ mua những thứ ngon lành hơn, tức là những calo đắt tiền hơn. Đối với nhóm người nghèo nhất ở Maharashtra vào năm 1983, cứ mỗi đồng rupi tăng thêm cho thực phẩm có được khi thu nhập tăng, thì khoảng một nửa để mua thêm thực phẩm cơ bản, và một nửa đổ vào những thực phẩm cung cấp calo đắt tiền hơn. Xét theo tỉ lệ calo trên rupi, thì đáng mua nhất là hạt kê (jowar và bajra). Tuy vậy nó chỉ chiếm khoảng 2/3 tổng chi tiêu dành cho ngũ cốc, 30% còn lại dành cho gạo và lúa mì, loại lương thực trung bình đắt khoảng gấp đôi trên mỗi đơn vị calo. Thêm vào đó, người nghèo cũng chi gần 5% tổng chi tiêu cho đường, loại thực phẩm vừa đắt hơn ngũ cốc trên mỗi đơn vị calo, vừa làm giảm giá trị dinh dưỡng của những thực phẩm khác.

Robert Jensen và Nolan Miller tìm thấy một ví dụ đặc biệt nổi bật minh họa cho hiện tượng “nghiêng về chất lượng” trong tiêu dùng thực phẩm.[35] Tại hai địa phương ở Trung Quốc, người ta lựa chọn ngẫu nhiên một số hộ nghèo và trợ cấp giá các mặt hàng lương thực chủ yếu (mì lúa mạch ở khu vực này, và gạo ở khu vực kia) với mức hỗ trợ cao. Phỏng đoán thông thường là người ta sẽ mua nhiều hơn khi giá cả của mặt hàng nào đó giảm xuống. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Mặc dù giá các mặt hàng lương thực chủ yếu rẻ hơn, nhưng các hộ gia đình được trợ cấp tiêu thụ những mặt hàng này ít hơn và ăn nhiều tôm thịt hơn.

Điều đáng nói là tuy trong thực tế sức mua có tăng nhưng nhìn chung lượng calo tiêu thụ của những người được trợ cấp không hề gia tăng (thậm chí còn giảm xuống). Hàm lượng dinh dưỡng cũng không được cải thiện. Ta có thể lý giải hiện tượng này như sau: Lương thực chính chiếm phần lớn ngân sách chi tiêu của hộ gia đình, nên trợ cấp lương thực đã khiến họ trở nên dư dả tiền bạc hơn. Người nghèo ăn nhiều ngũ cốc vì họ chỉ có khả năng chi trả cho thức ăn rẻ, chứ không hẳn do thứ họ ăn ngon miệng, do đó khi cảm thấy mình có tiền hơn, những người này chi tiêu cho lương thực chính ít hơn. Một lần nữa, thử nghiệm này cho thấy những hộ nghèo cùng cực ở khu vực thành thị không ưu tiên thu nạp nhiều calo hơn, mà là ăn được nhiều thức ăn ngon hơn.[36]

Câu chuyện dinh dưỡng ở Ấn Độ hiện nay cũng khó hiểu không kém. Giới truyền thông ở quốc gia này không ngừng đăng tải thông tin về sự gia tăng đột biến của bệnh béo phì và bệnh tiểu đường, với lý do là tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở khu vực thành thị Ấn Độ đang giàu lên. Tuy nhiên, Angus Dealton và Jean Dreze chỉ ra hiện trạng dinh dưỡng thực sự ở Ấn Độ trong hơn một phần tư thế kỷ qua: Người Ấn Độ không hề mập lên, ngược lại Họ đang ăn ngày càng ít đi.[37] Mặc dù nền kinh tế quốc gia tăng trưởng nhanh, nhưng mức tiêu thụ calo tính trên đầu người vẫn đang liên tục giảm; ngoài ra, mức tiêu thụ tất cả các chất dinh dưỡng ngoại trừ chất béo cũng có vẻ giảm sút ở tất cả các nhóm dân cư, kể cả nhóm người nghèo nhất. Hiện nay, hơn 3/4 dân số quốc gia này sống trong các hộ gia đình có mức tiêu thụ calo tính trên đầu người dưới 2,100 calo ở khu vực thành thị và 2,400 calo ở khu vực nông thôn – những con số thường được coi là “mức năng lượng tối thiểu” ở Ấn Độ cho người lao động chân tay. Người nhiều tiền hơn vẫn luôn ăn nhiều hơn. Nhưng phần ngân sách dành cho thức ăn đều sụt giảm ở tất cả các mức thu nhập. Hơn nữa, thành phần giỏ hàng thực phẩm cũng thay đổi, với cùng một số tiền, nay người ta chi dùng cho những mặt hàng đắt tiền hơn.

Thay đổi này không phải do thu nhập giảm; theo những nguồn thông tin thu thập được, thu nhập thực tế đang gia tăng. Mặc dù người Ấn Độ đã giàu có hơn, nhưng họ lại ăn ít đi ở mọi mức thu nhập, đến mức hiện nay người dân nước này trung bình ăn ít hơn so với trước đây. Thay đổi này cũng không phải vì giá thực phẩm tăng cao – từ đầu những năm 1980 đến năm 2005, giá thực phẩm giảm tương đối so với giá của những mặt hàng khác, cả nông thôn và thành thị. Mặc dù giá thực phẩm đã tăng trở lại kể từ năm 2005, nhưng sự sụt giảm về mức tiêu thụ calo trên đầu người chính xác bắt đầu khi giá thực phẩm giảm. Vậy thì người nghèo, ngay cả những đối tượng được Tổ chức Lương nông Thế giới phân loại là đói ăn dựa trên lượng thực phẩm tiêu thụ, dường như không muốn ăn nhiều hơn ngay cả khi họ có khả năng. Thực tế là họ đang ăn ít đi. Chuyện gì đang diễn ra vậy?

Để làm sáng tỏ bí ẩn này, rõ ràng phải giả định người nghèo biết rõ họ đang làm gì. Suy cho cùng, họ mới chính là người ăn uống và làm việc. Nếu họ có thể thực sự làm việc với năng suất cao hơn nhiều và kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách ăn uống đầy đủ hơn, thì chắc chắn họ sẽ ăn nhiều hơn khi có cơ hội. Vậy phải chăng ăn nhiều hơn không thực sự giúp người ta làm việc hiệu quả hơn, và thực ra chẳng tồn tại cái bẫy nghèo do thiếu ăn nào?

Quan điểm bẫy nghèo có thể không tồn tại vì: đa phần mọi người đều đủ ăn.

Ít ra nếu xét tình trạng sẵn có của thực phẩm, ngày nay chúng ta sống đang trong một thế giới có khả năng cung cấp thực phẩm cho tất cả mọi người trên hành tinh này. Tại Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Thực phẩm năm 1996, FAO đã ước tính sản lượng lương thực thế giới trong năm đó đủ để cung cấp tối thiểu 2,700 calo cho mỗi người mỗi ngày.[38] Đây là kết quả của công cuộc đổi mới hàng thế kỷ trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm, mà chắc chắn là nhờ vào những cải tiến vĩ đại của ngành khoa học nông nghiệp, nhưng cũng có thể là do nhiều yếu tố bình thường hơn, chẳng hạn như đưa khoai tây vào khẩu phần ăn hàng ngày khi người Tây Ban Nha phát hiện ra loại thực phẩm này ở Peru vào thế kỷ mười sáu và nhập khẩu vào châu Âu. Theo một nghiên cứu, khoai tây đã chịu trách nhiệm giải quyết thực phẩm cho 12% lượng dân số tăng thêm trên toàn cầu từ năm 1700 đến năm 1900.[39]

Tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng vẫn tồn tại trong thế giới hôm nay, nhưng nó chỉ là hậu quả từ cách chúng ta chia sẻ thực phẩm với nhau. Không có khan hiếm tuyệt đối. Đúng là nếu tôi ăn nhiều hơn mức cần thiết, hay chẳng hạn sử dụng nhiều ngô hơn để tạo nhiên liệu sinh học làm nóng bể bơi chẳng hạn, thì sẽ có ít ngô hơn cho những người còn lại.[40] Tuy nhiên, dù chuyện này xảy ra đi nữa thì hầu hết mọi người, ngay cả những người nghèo khổ cùng cực, dường như vẫn kiếm đủ tiền mua khẩu phần ăn của mình, ngoại trừ trong những tình huống ngặt nghèo, đơn giản vì calo tương đối rẻ. Với dữ liệu giá cả từ Phillipines, chúng tôi tính toán được chi tiêu cho một bữa ăn rẻ nhất có thể đủ cung cấp 2,400 calo, bao gồm 10% calo protein, 15% calo chất béo chỉ tốn 21 xu (quy đổi ra đô la Mỹ), vừa vặn với túi tiền kể cả của những người sống dưới 99 xu mỗi ngày. Tuy nhiên nếu dùng đúng số tiền đó thì những người này sẽ chỉ có thể ăn chuối và trứng… Nhưng miễn là người ta sẵn sàng ăn chuối và trứng khi cần thiết, thì hẳn sẽ rất ít người bị mắc kẹt ở phía trái đường cong chữ S, khu vực mà người ta không thể kiếm đủ tiền ăn uống để duy trì hoạt động bình thường.

Điều này phù hợp với bằng chứng có được từ những khảo sát ở Ấn Độ, trong đó người ta hỏi những người được khảo sát liệu họ có đủ ăn hay không (nói cách khác là liệu “mỗi người trong hộ gia đình có ăn hai bữa đầy đủ mỗi ngày” không, hay liệu mọi người có ăn “đủ thức ăn mỗi ngày” không). Tỉ lệ phần trăm số người cho rằng mình không có đủ thực phẩm giảm đáng kể: từ 17% vào năm 1983 xuống còn 2% vào năm 2004. Vậy thì có lẽ người ta ăn ít hơn vì họ ít đói hơn.

Và có lẽ họ thực sự ít đói hơn thật, dù ăn ít calo hơn. Đây có thể là kết quả của công tác cải thiện vệ sinh và nguồn nước, vì calo thất thoát nhiều qua bệnh tiêu chảy và những bệnh tật khác. Hoặc có thể người ta ít đói ăn hơn do những công việc lao động chân tay nặng nhọc giảm đi – khi nước uống sẵn có trong làng, phụ nữ không cần phải đi rất xa để gánh nước nữa; những cải thiện trong ngành vận tải cũng đã giảm bớt yêu cầu di chuyển bằng chân; thậm chí ở những ngôi làng nghèo nhất, hiện nay bột mì đã được xay bằng cối xay máy có sẵn trong làng, thay vì trước đây phụ nữ phải xay bằng tay. Từ những mức calo yêu cầu trung bình cho người hoạt động mạnh, vừa phải và nhẹ do Hội đồng nghiên cứu y học Ấn Độ[41] tính toán, Dealton và Dreze nhận thấy sự sụt giảm calo tiêu thụ trong một phần tư thế kỷ qua là do số người phải lao động chân tay nặng nhọc phần lớn thời gian trong ngày đã giảm sút.

Nếu hầu hết mọi người không bị thiếu đói cùng cực, thì mức năng suất lao động tăng thêm nhờ vào calo tăng thêm sẽ tương đối khiêm tốn. Chẳng có gì khó hiểu nếu người ta mong muốn làm điều gì khác với tiền của mình, chẳng hạn tránh xa trứng và chuối để chọn những món ăn hấp dẫn hơn. Cách đây nhiều năm, John Strauss đã tìm ra một trường hợp chứng minh vai trò của calo đối với năng suất. Đối tượng là những nông dân tự canh tác

Sierra Leone, vì những người này thực sự làm việc rất nặng nhọc.[42] Ông nhận thấy năng suất của một người nông dân làm việc đồng áng tăng nhiều nhất là 4% nếu lượng calo nạp vào cơ thể tăng thêm 10%. Vì lẽ đó, ngay cả khi người ta ăn gấp đôi lượng tiêu thụ thực phẩm đi nữa thì thu nhập của họ cũng chỉ tăng thêm 40%. Hơn nữa, mối tương quan giữa calo và năng suất không có hình dạng đường cong chữ S, mà là chữ L ngược, như trong Hình 2 ở chương trước. Hiệu quả rõ nhất thể hiện ở nhóm có mức tiêu thụ thực phẩm thấp. Thu nhập không hề tăng vọt khi người ta ăn uống đầy đủ hơn. Điều này đưa đến giả thuyết rằng người nghèo cùng cực được lợi nhờ vào calo ăn thêm nhiều hơn so với nhóm người đỡ nghèo hơn. Đây chính là kiểu tình huống không tìm thấy bẫy nghèo. Do đó, không phải vì không đủ ăn mà đa phần người nghèo rơi vào tình trạng bần cùng.

Đó là chưa kể có nhiều lỗ hổng trong lô gic rằng thiếu ăn sẽ dẫn tới bẫy nghèo. Quan điểm cho rằng ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ đưa người ta đến con đường thịnh vượng chắc chắn từng có ý nghĩa quan trọng trong quá khứ, và có lẽ hiện nay vẫn còn quan trọng trong một vài tình huống. Robert Fogel nhà lịch sử kinh tế học từng đoạt giải Nobel đã tính toán được ở châu Âu trong suốt thời kỳ Phục Hưng và Trung cổ, hoạt động sản xuất lương thực thực phẩm không cung cấp đủ calo để duy trì dân số lao động ở mức tốt nhất. Đó là lý do vì sao thời kỳ này có rất nhiều người ăn xin – đơn giản họ chỉ là những người không có khả năng làm bất kỳ công việc gì.[43] Áp lực phải tìm đủ thức ăn để tồn tại có lẽ đã buộc người ta phải viện tới những biện pháp cực đoan: Nạn giết “phù thủy” ở châu Âu trong suốt “thời kỳ băng hà nhỏ” (từ giữa thế kỷ 16 đến năm 1800), khi mùa vụ thường xuyên thất bát và lượng cá không đủ. Phù thủy hầu hết là những phụ nữ đơn thân, đặc biệt là góa phụ. Lô gic của đường cong chữ S chỉ ra rằng khi nguồn tài nguyên hạn hẹp, thì hy sinh một vài cá nhân để những người còn lại có đủ thức ăn để lao động và kiếm đủ để tồn tại là một việc có “ý nghĩa về mặt kinh tế”.[44]

Ngay cả trong thời gian gần đây cũng thi thoảng có những gia đình nghèo khổ đến nỗi buộc phải đi đến những lựa chọn khủng khiếp. Suốt thời kỳ hạn hán ở Ấn Độ vào những năm 1960, những bé gái sinh ra trong những hộ gia đình không có đất đai có nguy cơ tử vong cao hơn những bé trai, tuy nhiên tỉ lệ tử vong của các bé gái và bé trai chẳng khác biệt là mấy khi lượng mưa ở mức bình thường.[45] Tương tự với nạn săn lùng phù thủy trong kỷ băng hà nhỏ, ở Tanzania cũng rộ lên hàng loạt vụ giết “phù thủy” mỗi khi hạn hán xảy ra – một cách tiện lợi để tống khứ những miệng ăn không đem lại lợi ích gì khi nguồn tài nguyên hạn hẹp.[46] Chừng như các gia đình đột ngột nhận ra người phụ nữ già cả sống cùng với mình (thường là bà nội, bà ngoại) là phù thủy, và sau đó người phụ nữ này thường bị đuổi đi và bị dân làng giết chết.

Vì vậy, mặc dù thiếu thốn lương thực cũng có thể là một phần nguyên nhân, nhưng thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay không đến nỗi để thiếu đói trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo dai dẳng. Dĩ nhiên điều này không đúng trong trường hợp có nhân tai hoặc thiên tai, hay khi có nạn đói làm yếu và cướp đi sinh mạng hàng triệu người. Tuy nhiên, như Amartya Sen đã chỉ ra, nguyên nhân của hầu hết nạn đói gần đây không phải vì thực phẩm không sẵn có, mà là do những thất bại về mặt thể chế, đưa đến sự yếu kém trong công tác phân phối nguồn lương thực sẵn có, hay thậm chí do nạn đầu cơ tích trữ trong khi tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng đang diễn ra ở đâu đó.[47]

Vậy chúng ta có nên dừng lại ở đây không? Liệu chúng ta có thể tin rằng mặc dù người nghèo có thể ăn ít thật, nhưng vẫn ăn đủ so với nhu cầu của họ?

LIỆU NGƯỜI NGHÈO CÓ THỰC SỰ ĂN ĐỦ VÀ ĂN NGON?

Rõ ràng suy luận trên vẫn chưa thực sự hợp lý. Có đúng những người bần cùng nhất ở Ấn Độ đang cắt giảm khẩu phần ăn bởi vì họ không cần thêm calo, dù thực tế là họ đang sống trong những gia đình tiêu thụ khoảng 1,400 calo trên đầu người mỗi ngày? 1,200 calo là chế độ ăn kiêng kiểu chết đói nổi tiếng, được khuyên dùng cho những ai muốn giảm cân cấp tốc; và chẳng có gì khác biệt với mức 1,400 calo. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, một người đàn ông Mỹ trung bình tiêu thụ 2,475 calo mỗi ngày vào năm 2000.[48]

Đúng là những người bần cùng nhất ở Ấn Độ có vóc dáng thấp bé hơn, và nếu nhỏ thó như vậy thì anh ta không cần nhiều calo. Vậy thì ta phải lùi thêm một nấc mà đặt câu hỏi: Vì sao những người nghèo khổ nhất ở Ấn Độ lại thấp bé như vậy? Quả thực, vì sao đa phần dân Nam Á đều gầy khẳng khiu? Phương pháp tiêu chuẩn đo lường tình trạng sức khỏe dinh dưỡng là sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI), phân loại cân nặng theo chiều cao (có tính đến thực tế là những người cao hơn thì sẽ nặng hơn). Mức giới hạn để đánh giá cấp độ suy dinh dưỡng được chấp nhận trên toàn thế giới là BMI bằng 18,5, với 18,5 đến 25 là phạm vi bình thường, còn từ 25 trở lên được coi là béo phì. Với cách tính này, 33% đàn ông và 36% phụ nữ ở Ấn Độ bị thiếu ăn vào năm 2004-2005, thấp hơn con số 49% cho cả hai giới vào năm 1989. Trong 83 quốc gia có dữ liệu điều tra nhân khẩu và y tế, chỉ riêng Eritrea là quốc gia có nhiều phụ nữ trưởng thành bị thiếu ăn hơn.[49] Phụ nữ Ấn Độ, Nepal và Bangladesh nằm trong số có chiều cao thấp nhất thế giới.[50]

Điều này có đáng quan tâm không? Liệu nó chỉ đơn giản là do gien của người Nam Á, như mắt màu sẫm hay tóc đen, và không liên quan gì đến thành công họ đạt được trên thế giới? Suy cho cùng, ngay cả những đứa trẻ nhập cư người Nam Á ở Vương quốc Anh hay Mỹ đều nhỏ bé hơn so với trẻ con da trắng hay da đen. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra rằng người Nam Á sống ở phương Tây dù không kết hôn khác chủng tộc thì sau hai thế hệ vẫn sinh ra những đứa trẻ có chiều cao ngang bằng với các chủng tộc khác. Do đó, mặc dù cấu tạo gien quan trọng ở cấp độ cá thể, nhưng người ta tin rằng sự khác nhau về chiều cao giữa các nền dân số do gien là rất nhỏ. Nếu đứa con của người mẹ thế hệ đầu tiên vẫn có vóc dáng nhỏ bé, thì có thể nguyên nhân là do bản thân người mẹ thiếu dinh dưỡng khi còn nhỏ.

Vì thế người Nam Á bé nhỏ có thể là vì họ và cha mẹ họ không được nuôi dưỡng tốt như dân các nước khác. Và thực ra, tất cả những điều này đều chỉ ra rằng trẻ em ở Ấn Độ không được chăm sóc đúng mức. Thước đo thường được dùng để xác định trẻ em có được cho ăn đầy đủ khi còn nhỏ hay không chính là chiều cao, so với chiều cao trung bình quốc tế của độ tuổi đó. Con số thu được từ Khảo sát toàn quốc về sức khỏe gia đình (NFHS 3) ở Ấn Độ thực sự gây choáng váng. Xấp xỉ một nửa số trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nghĩa là rất thấp dưới mức bình thường. Một phần tư số trẻ em này bị suy dinh dưỡng thấp còi trầm trọng, nghĩa là bị thiếu hụt dinh dưỡng cực kỳ nghiêm trọng. Những đứa trẻ này cũng đặc biệt nhẹ cân so với chiều cao: Cứ ba trẻ em dưới ba tuổi thì có khoảng một em bị suy dinh dưỡng thể gầy còm, nghĩa là còn thấp hơn mức tiêu chuẩn quốc tế về suy dinh dưỡng cấp. Những số liệu thực tế này còn khiến người ta kinh ngạc hơn vì tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể gầy còm ở châu Phi vùng cận Sahara, khu vực không nghi ngờ gì nữa là nơi nghèo nhất trên thế giới, chỉ bằng khoảng một nửa so với Ấn Độ.

Nhưng liệu chúng ta có nên để tâm đến chuyện này? Bản thân vóc dáng nhỏ bé có phải là vấn đề? À, còn có Thế Vận hội Olympics. Ấn Độ, với 1 tỉ dân cư, giành được trung bình 0,92 huy chương ở mỗi kỳ Olympics, suốt trong 22 kỳ thế vận hội, xếp dưới Trinidad và Tobago với số huy chương trung bình là 0,93. Đặt con số này trong tương quan so sánh, Trung Quốc giành được 386 huy chương trong 8 kỳ thế vận hội, với trung bình 48,3 huy chương mỗi kỳ Olympics. Có đến 79 quốc gia có con số trung bình này cao hơn Ấn Độ, trong khi dân số của Ấn Độ nhiều gấp 10 lần dân số của 73 trong số 79 quốc gia đó.

Dĩ nhiên Ấn Độ nghèo, nhưng không nghèo như trước đây, và cũng không nghèo như Cameroon, Ethiopia, Ghana, Haiti, Kenya, Mozambique, Nigeria, Tanzania và Uganda, những quốc gia có số huy chương nhiều gấp 10 lần so với Ấn Độ. Thực tế là không có quốc gia nào có số huy chương mỗi kỳ Thế vận hội thấp hơn Ấn Độ mà diện tích chỉ bằng 1/10 kích thước của quốc gia này, ngoại trừ hai trường hợp đáng chú ý là Pakistan và Bangladesh. Đặc biệt Bangladesh là quốc gia duy nhất có hơn 100 triệu người mà chưa từng giành được huy chương Olympics. Nepal cũng là quốc gia có dân số lớn nhưng chưa từng đoạt huy chương.

Rõ ràng là có một mô tuýp chung. Người Nam Á bị cho là mê môn crikê đến phát cuồng – môn thể thao anh em của bóng chày thường làm người Mỹ nhầm lẫn – nhưng nếu crikê thu hút tất cả tài năng thể thao của 1/4 dân số thế giới, thì kết quả chẳng mấy ấn tượng. Người Nam Á chưa từng vượt trội về crikê như Australia, Anh, hay thậm chí là Liên bang Tây Ấn bé nhỏ trong những ngày hoàng kim của mình, mặc dù họ rất trung thành với môn thể thao này và có nhiều lợi thế vượt trội – ví dụ, Bangladesh có diện tích lớn hơn Anh, Nam Phi, Australia, New Zealand, và Tây Ấn cộng lại. Xét đến tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em đặc biệt nổi bật ở khu vực Nam Á, dường như hai sự kiện này – suy dinh dưỡng thể gầy còm ở trẻ em và thất bại ở Olympics – có liên quan với nhau.

Thế vận hội Olympics không phải là chỗ duy nhất chiều cao thể hiện vai trò. Ở nước giàu cũng như nước nghèo, những người cao hơn kiếm được nhiều tiền hơn. Đã có nhiều cuộc tranh luận liệu chiều cao có thực sự ảnh hưởng đến năng suất lao động – chẳng hạn, sự phân biệt đối xử với những người thấp hơn. Một báo cáo khoa học gần đây của Anne Case và Chris Paxson đã bước đầu lý giải được mối tương quan này. Họ chỉ ra ở Anh và Mỹ, ảnh hưởng của chiều cao hoàn toàn có thể giải thích được qua sự khác nhau về chỉ số IQ: Khi chúng ta so sánh những người có cùng chỉ số IQ, không tìm thấy quan hệ nào giữa chiều cao và thu nhập kiếm được.[51] Phát hiện này đã chững minh rằng chế độ dinh dưỡng tốt ngay từ thời thơ ấu mới là yếu tố quyết định: Trung bình thì những người trưởng thành được nuôi nấng đầy đủ chất dinh dưỡng khi còn nhỏ sẽ cao hơn và thông minh hơn. Và vì thông minh hơn, nên họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Dĩ nhiên vẫn có nhiều người không cao mà vẫn sáng dạ (bởi vì họ đã đạt đến chiều cao mà họ đáng ra phải đạt tới), nhưng nhìn chung, những người cao ráo đạt được nhiều thành công trong cuộc sống hơn, vì qua vẻ bề ngoài thì nhiều khả năng họ đã đạt tới đỉnh cao tiềm năng di truyền (cả về chiều cao lẫn trí tuệ).

Nghiên cứu này khi được Reuters đăng tải với tiêu đề không mấy tế nhị: “Nghiên cứu – Những người cao hơn thông minh hơn”, đã gây nên một cuộc tranh cãi nảy lửa. Case và Paxson liên tục nhận được email chỉ trích. Một người đàn ông (cao 1m45) đã lên tiếng trách móc: “Sao các người có thể nói như thế!”. “Giả thuyết của các người đầy giọng điệu xúc phạm, thành kiến, khích động và mù quáng”, là một ý kiến phản đối khác (người này cao 1m67). “Các người đã nạp đạn vào nòng và chĩa vào đầu những người có chiều cao khiêm tốn” (người gửi ý kiến không nói mình cao bao nhiêu).[52] Nhưng trong thực tế, có nhiều bằng chứng chứng minh quan điểm chung về việc chế độ dinh dưỡng thời thơ ấu ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đạt thành công trong cuộc sống của người trưởng thành. Ở Kenya, trẻ em được uống thuốc tẩy giun ở trường trong vòng 2 năm sẽ đi học đều hơn và khi trưởng thành kiếm được nhiều hơn 20% so với những trẻ chỉ được uống thuốc tẩy giun trong 1 năm: Giun sán gây ra bệnh thiếu máu và suy dinh dưỡng nói chung, vì giun sán giành hết dưỡng chất của trẻ.[53] Một nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu đã củng cố tầm quan trọng vốn được công nhận rộng rãi của chế độ dinh dưỡng hợp lý trong những năm tháng đầu đời. Những chuyên gia này kết luận: “Trẻ em suy dinh dưỡng có nhiều khả năng bị thấp bé nhẹ cân khi trưởng thành, có thành tích học tập kém hơn, và sinh con nhẹ cân hơn. Suy dinh dưỡng cũng có liên quan đến địa vị kinh tế thấp hơn ở người trưởng thành.”[54]

Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đến cơ hội trong cuộc sống tương lai bắt đầu từ trước khi một người được sinh ra. Vào năm 1995, Tạp chí British Medical Journal lần đầu sử dụng thuật ngữ “Giả thuyết Parker” để nói tới giả thuyết tình trạng trong giai đoạn trứng nước có ảnh hưởng lâu dài đến cơ hội sống của trẻ.

Giả thuyết này có bằng chứng rõ ràng: Ví dụ ở Tanzania, những trẻ sơ sinh có mẹ hấp thu đầy đủ i-ốt trong thời gian mang thai (nhờ vào các chương trình của chính phủ cung cấp i-ốt thường xuyên cho các bà mẹ tương lai) đi học được thêm 1/2 đến 1/3 năm so với anh chị em cùng mẹ nhưng người mẹ không được uống viên i-ốt trong kỳ mang thai.[56] Có lẽ nửa năm học chẳng là bao, nhưng đây thực sự là mức tăng đáng kể nếu xét rằng trẻ em ở đây thường chỉ đi học được bốn, năm năm. Theo số liệu ước tính, cuộc nghiên cứu đã đi đến kết luận là nếu mỗi bà mẹ uống viên i-ốt, thì trình độ học vấn của trẻ em Trung và Nam Phi sẽ tăng 7,5%. Điều này đến lượt nó lại ảnh hưởng đến năng suất làm việc của đứa trẻ trong suốt phần đời sau này.

Mặc dù chúng ta nhận thấy rằng tác động của việc tăng calo đối với năng suất lao động thực ra không đáng kể về mặt lý thuyết, tuy nhiên có một số cách cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em lẫn người lớn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn hẳn chi phí bỏ ra. Một trong số đó cách bổ sung sắt để trị bệnh thiếu máu. Ở nhiều nước châu Á, bao gồm Ấn Độ và Indonesia, chứng thiếu máu là một vấn đề y tế nghiêm trọng. 6% đàn ông và 28% phụ nữ Indonesia bị thiếu máu. Con số này ở Ấn Độ lần lượt là 24% và 56%. Bệnh thiếu máu dẫn tới mức tiêu thụ ôxy tối đa khi vận động thấp, tình trạng yếu ớt phờ phạc, và trong một số trường hợp (đặc biệt ở phụ nữ mang thai) có thể dẫn đến tử vong.

Trong nghiên cứu đánh giá hàm lượng sắt và công việc (WISE) ở Indonesia, đàn ông và phụ nữ khu vực nông thôn được lựa chọn ngẫu nhiên và bổ sung sắt thường xuyên trong nhiều tháng, nhóm đối chứng được cấp giả dược.[57] Kết quả là thuốc bổ sung chất sắt giúp đàn ông làm việc hiệu quả hơn, và thu nhập của họ tăng nhiều lần so với chi phí cho nước mắm bổ sung chất sắt hàng năm. Chi phí cho nước mắm khoảng 7 đô la Mỹ, và đối với một người đàn ông lao động tự do, thu nhập tăng thêm hàng năm là 46 đô la Mỹ, một sự đầu tư tuyệt vời.

Điều khó lý giải là dường như người ta không muốn ăn thêm, mặc dù thực phẩm bổ sung có suy xét cẩn thận sẽ giúp những người này và con cái họ đạt được nhiều thành công đáng kể hơn trong cuộc sống. Không cần đầu tư tốn kém mới thu được kết quả này. Chắc chắn phần lớn các bà mẹ đều có thể mua muối i-ốt, loại thực phẩm tiêu chuẩn ở nhiều nơi trên thế giới, hoặc một liều i-ốt hai năm một lần (với giá 51 xu 1 liều). Ở Kenya, khi tổ chức phi chính phủ Bảo trợ trẻ em Thế giới thực hiện chương trình tẩy giun và yêu cầu các bậc cha mẹ trả vài xu để tẩy giun cho con thì hầu hết đều từ chối. Việc làm này đã tước đi hàng trăm đô la thu nhập tăng thêm mà đáng lẽ ra những đứa trẻ này có thể kiếm được trong tương lai.[58] Cũng như với thức ăn, các hộ gia đình hoàn toàn có thể mua thêm nhiều calo và chất dinh dưỡng bằng cách giảm chi tiêu cho những loại hạt đắt tiền (như gạo và lúa mì), đường và thực phẩm chế biến sẵn, đồng thời tăng chi tiêu cho rau lá xanh và các loại ngũ cốc thô.

VÌ SAO NGƯỜI NGHÈO ĂN QUÁ ÍT NHƯ VẬY?

Ai biết câu trả lời?

Vì sao người lao động bị thiếu máu ở Indonesia không tự mình mua nước mắm có bổ sung chất sắt? Có thể là do năng suất lao động tăng thêm đó chưa chắc được quy đổi thành thu nhập tăng thêm nếu người chủ lao động không hiểu được rằng người lao động có chế độ dinh dưỡng tốt hơn sẽ lao động hiệu quả hơn. Chủ lao động không nhận ra người lao động của mình lao động hiệu quả hơn vì họ ăn nhiều hơn, hoặc đầy đủ dưỡng chất hơn. Một nghiên cứu ở Indonesia phát hiện thu nhập chỉ gia tăng đáng kể đối với người lao động tự do. Nếu chủ lao động trả tiền công như nhau cho mọi người, thì chẳng có lý do gì để ăn nhiều hơn và khỏe mạnh hơn. Ở Philippines, một nghiên cứu đã quan sát thấy những người lao động lao động làm việc theo cả lương cứng và lương theo sản phẩm ăn thêm 25% thức ăn vào ngày người ta được trả lương theo sản phẩm (ngày mà sự nỗ lực có ý nghĩa quan trọng, vì làm càng nhiều thì lương càng cao).

Điều này không lý giải được tại sao những phụ nữ mang thai ở Ấn Độ không sử dụng muối i-ốt nay có bán tận mỗi ngôi làng. Có thể họ không nhận ra giá trị của việc ăn uống tử tế hơn cho bản thân và con cái mình. Mãi cho đến gần đây tầm quan trọng của chất dinh dưỡng mới được biết đến nhưng chưa đủ, ngay cả với những nhà khoa học. Mặc dù các chất dinh dưỡng vi lượng rẻ và có thể giúp gia tăng thu nhập tương lai đáng kể, nhưng vẫn cần biết chính xác phải ăn gì (hay uống loại thuốc nào). Không phải ai cũng biết loại thông tin này, ngay cả dân Mỹ.

Hơn nữa, người ta thường có khuynh hướng nghi ngờ khi người ngoài góp ý về chế độ ăn uống. Có thể vì người ta ưa thích những thực phẩm họ đang ăn. Khi giá gạo tăng vọt vào năm 1966-1967, Thủ hiến bang Tây Bengal đã đề xuất ăn ít gạo và thêm nhiều rau, vừa tốt cho sức khỏe vừa phù hợp với túi tiền của người dân. Lời đề xuất này đã vấp phải vô số chỉ trích, và Thủ hiến bang này được những người phản đối chào đón bằng vòng hoa làm bằng rau ở bất cứ nơi nào ông đến. Tuy nhiên có thể ông đã đúng. Hiểu được sự ủng hộ của đại đa số quan trọng ra sao, Antoine Parmentier, dược sĩ người Pháp thế kỷ 18 và là một người sớm ủng hộ khẩu phần ăn có khoai tây đã nghĩ ra một loạt công thức nấu ăn sử dụng nguyên liệu khoai tây. Ông giới thiệu đến công chúng những công thức này, bao gồm món ăn kinh điển Hachis Parmentier (thực ra người Anh gọi là món bánh Shepherd, món thịt hầm nhiều tầng gồm thịt nghiền và khoai tây nghiền phủ lên trên). Bằng cách đó ông đã mở ra một hướng đi mới, với nhiều biến tấu, và kết quả là sự ra đời của món “freedom fries” (khoai tây chiên tự do).

Vả lại không dễ gì học được giá trị của các dưỡng chất nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân. I-ốt giúp trẻ thông minh hơn, nhưng sự khác biệt không lớn lắm (mặc dù tích tiểu sẽ thành đại), và trong hầu hết các trường hợp sau một thời gian dài vẫn không thể nhận ra sự khác biệt. Sắt, dù có thể làm cho bạn khỏe mạnh hơn, nhưng vẫn không thể biến bạn thành siêu nhân được: Người lao động tự do khó nhận rõ 40 đô la tăng thêm mỗi năm vì thu nhập lãnh theo tuần và thường dao động lên xuống.

Kết quả là chẳng có gì ngạc nhiên nếu người nghèo chọn thực phẩm không phải vì giá rẻ và giá trị dinh dưỡng, mà vì cảm giác ngon miệng. George Orwell, trong tác phẩm tuyệt diệu The Road to Wigan Pier[59] về đời sống công nhân nghèo, quan sát thấy: Vì lẽ muốn ăn ngon mà khẩu phần ăn cơ bản của họ là bánh mì trắng, macgarin, thịt bò xông khói, trà đường, và khoai tây – một chế độ ăn rất đáng lo ngại. Nếu họ chi tiêu nhiều hơn cho những thực phẩm lành mạnh như cam và bánh mì nguyên cám, hay thậm chí, như một độc giả của tờ New Statesman, tiết kiệm tiền nhiên liệu và ăn cà rốt sống thì liệu có tốt hơn không? Hẳn là tốt hơn rồi, nhưng vấn đề là con người sẽ không bao giờ hành động như vậy. Một người bình thường thà chết đói còn hơn chỉ sống bằng bánh mì đen và cà rốt sống. Điều thực sự tồi tệ ở đây đó là khi càng có ít tiền người ta càng không muốn chi tiêu cho những thực phẩm lành mạnh. Một nhà tỉ phú có thể thích thú tận hưởng bữa sáng với nước cam và bánh quy Ryvita; nhưng một người thất nghiệp không thể… Khi thất nghiệp, người ta không muốn ăn những thực phẩm lành mạnh buồn tẻ. Ta muốn ăn cái gì đó ngon lành một chút, mà bao giờ cũng có món gì đó rẻ nhưng ngon lành cám dỗ ta.[60]

Quan trọng hơn cả thức ăn

Người nghèo thường không hào hứng với những kế hoạch tuyệt vời chúng ta vạch ra, vì theo họ những kế hoạch đó chẳng có tác dụng gì, hoặc nếu có thì cũng không hiệu quả như chúng ta nói. Đây là một trong những vấn đề chúng tôi sẽ đề cập xuyên suốt cuốn sách này. Người nghèo có thói quen ăn uống như trên còn bởi trong cuộc sống của họ còn có nhiều thứ khác quan trọng hơn thức ăn.

Nhiều tư liệu đã chứng minh người nghèo ở các nước đang phát triển chi tiêu rất nhiều cho đám cưới, của hồi môn, và lễ rửa tội. Có lẽ vì họ phải cố gắng để không bị mất mặt. Ấn Độ nổi tiếng với những đám cưới tốn kém, nhưng cũng có những dịp lễ lạt không vui vẻ gì nhưng gia đình vẫn phải khoản đãi xa phí. Ở Nam Phi, chi tiêu cho đám tang của người già và trẻ sơ sinh được ấn định sẵn.[61] Theo phong tục, trẻ sơ sinh được chôn cất rất đơn giản, nhưng người già phải được tổ chức tang lễ cầu kỳ đúng bằng số tiền tích cóp cả đời. Vì đại dịch HIV/AIDS, hiện ngày càng nhiều người trưởng thành chết trẻ và chưa tích lũy đủ tiền ma chay, tuy nhiên gia đình họ vẫn cảm thấy phải tuân theo luật bất thành văn đó. Một gia đình dù mới mất đi lao động chính nhưng vẫn phải chi cho lễ ma chay khoảng 3,400 rand (tương đương 825 đô la Mỹ), hay 40% thu nhập hàng năm của hộ gia đình trên đầu người. Sau đám tang, rõ ràng gia đình đó phải cắt xén chi tiêu, và nhiều thành viên trong gia đình sẽ than phiền về chuyện “thiếu thức ăn”, dù người chết không hề có thu nhập nào khi còn sống. Và hoàn toàn có thể suy ra nguyên nhân chính là chi phí ma chay. Đám tang càng tốn kém thì những người lớn trong gia đình càng buồn bực suốt một năm sau đó, và con cái họ càng dễ có nguy cơ bỏ học.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi cả nhà vua Swaziland và Hội đồng các giáo hội Nam Phi (SACC) đều cố gắng điều chỉnh chi phí ma chay. Vào năm 2002, nhà vua ra quy định tuyệt đối cấm tổ chức đám tang xa xỉ[62] và thông báo nếu gia đình nào bị phát hiện mổ bò tổ chức tang lễ sẽ phải nộp một con bò cho tộc trưởng. Về phía SACC, Hội đồng này giơ cao đánh khẽ hơn khi yêu cầu phải có quy định cho ngành công nghiệp tang lễ vốn đang gây áp lực buộc các gia đình phải chi tiêu quá khả năng chi trả.

Quyết định tiêu tiền cho những vấn đề khác ngoài lương thực không hoàn toàn do áp lực xã hội. Khi chúng tôi hỏi Oucha Mbark hiện sống tại một ngôi làng hẻo lánh ở Ma rốc rằng ông ta sẽ làm gì khi có nhiều tiền, người này trả lời sẽ mua nhiều thức ăn hơn. Chúng tôi lại hỏi ông sẽ làm gì khi có nhiều tiền hơn nữa. Ông trả lời sẽ mua thức ăn ngon hơn. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy tội nghiệp cho ông và gia đình, thế rồi chúng tôi thấy có tivi, ăng-ten chảo parabol và đầu đĩa DVD trong căn phòng đang ngồi. Khi được hỏi vì sao ông mua tất cả những thứ này khi cảm thấy gia đình mình không đủ ăn, ông cười mà rằng: “Ồ, nhưng tivi quan trọng hơn thức ăn chứ!”

Sau một thời gian khảo sát ngôi làng Ma rốc này, chúng tôi dễ dàng hiểu được sao ông ta nghĩ vậy. Cuộc sống thôn quê có khi rất nhàm chán. Không rạp chiếu phim, không phòng hòa nhạc, không có nơi ngồi xuống nghỉ ngơi mà ngắm người qua kẻ lại. Mà cũng chẳng có nhiều công việc để làm. Oucha và hai người hàng xóm cùng tham gia buổi phỏng vấn cho biết họ làm đồng khoảng 70 ngày và phụ hồ xây dựng khoảng 30 ngày. Suốt thời gian còn lại trong năm, họ chăm sóc gia súc và chờ việc, và vì thế họ có vô số thời gian rảnh xem tivi. Ba người đàn ông này đều sống trong những căn nhà nhỏ không có nước hay công trình vệ sinh. Họ chật vật tìm việc và nuôi con cái ăn học. Nhưng cả ba đều có tivi, ăng-ten chảo parabol, đầu đĩa DVD, và điện thoại di động.

Nhìn chung, những thứ giúp cuộc sống đỡ nhàm chán là ưu tiên đối với người nghèo. Đó có thể là một cái tivi, vài món ăn đặc biệt, hay đôi khi chỉ là một tách trà đường. Ngay cả Pak Solhin cũng có tivi, mặc dù lúc chúng tôi ghé nhà anh, nó chẳng hoạt động được. Tương tự với chuyện lễ lạt. Ở những nơi không có tivi hay radio, chẳng có gì khó hiểu khi người nghèo tìm kiếm trò vui từ những dịp ăn mừng đặc biệt trong gia đình, theo đuổi tín ngưỡng, hay việc cưới xin của con gái. Bộ dữ liệu 18 quốc gia của chúng tôi đã chỉ rõ rằng người nghèo chi tiêu cho các dịp lễ lạt nhiều hơn nếu không có radio hay tivi. Ở Udaipur Ấn Độ, nơi hầu như không có tivi, những người bần cùng chi dùng 14% ngân sách cho lễ hội (gồm sự kiện thường ngày và sự kiện tôn giáo). Ngược lại, ở Nicaragua, nơi 58% hộ gia đình nghèo nông thôn có radio và 11% có tivi, rất ít hộ gia đình chi tiêu cho lễ hội.[63]

Con người luôn mưu cầu cuộc sống thoải mái, và nhu cầu cơ bản này có thể lý giải cho khuynh hướng chi dùng thực phẩm giảm dần ở Ấn Độ. Ngày nay, tín hiệu tivi phủ sóng đến tận vùng sâu vùng xa, và có nhiều thứ để mua ngay cả tại những ngôi làng hẻo lánh. Điện thoại di động gần như hoạt động ở khắp mọi nơi, cước phí cực kỳ rẻ so với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này lý giải vì sao những quốc gia có kinh tế trong nước phát triển mạnh với nhiều mặt hàng tiêu dùng rẻ và sẵn có như Ấn Độ và Mê xi cô, thường có mức chi tiêu thực phẩm thấp nhất. Mỗi ngôi làng ở Ấn Độ có ít nhất một cửa hàng nhỏ bán dầu gội gói lẻ, thuốc lá điếu, lược chải tóc rẻ tiền, bút viết, đồ chơi, bánh kẹo, trong khi ở quốc gia như Papua New Guinea, nơi có tỉ lệ thực phẩm trong tổng ngân sách hộ gia đình chiếm hơn 70% (so với 50% ở Ấn Độ), thì những thứ sẵn bán cho người nghèo lại không phong phú bằng. Orwell đã phản ánh sinh động hiện tượng này trong cuốn The Road to Wigan Pier khi mô tả những gia đình nghèo khổ xoay xở ra sao để thoát khỏi tình trạng bế tắc chán chường.

Thay vì oán trách số phận, họ hạ thấp tiêu chuẩn của mình để dễ chấp nhận mọi thứ hơn. Nhưng không phải lúc nào họ cũng chọn cách cắt giảm xa xỉ phẩm để đầu tư vào nhu yếu phẩm, mà thường theo chiều ngược lại, chiều hướng thuận tự nhiên hơn. Và thực tế là mức tiêu dùng xa xỉ phẩm rẻ tiền ngày càng tăng sau một thập kỷ bế tắc chán chường trong nghèo đói.[64]

Kiểu “nuông chiều bản thân” này không phải là do bốc đồng. Đây đều là những quyết định được suy nghĩ cẩn thận, xuất phát từ nhu cầu bức thiết, hoặc do dồn nén bên trong, hoặc do tác động từ bên ngoài. Oucha Mbarbk không mua nợ tivi mà dành dụm tích cóp trong nhiều tháng trời, giống như một bà mẹ Ấn Độ sắm sửa từng món đồ trang sức nho nhỏ đến xô thép không gỉ để chuẩn bị trước cả chục năm hay hơn cho đám cưới tương lai của đứa con gái mới 8 tuổi.

Trong mắt chúng ta, thế giới của người nghèo chẳng khác gì một vùng đất đầy những cơ hội bị đánh mất. Chúng ta cứ tự hỏi tại sao họ không ngừng mua những món đồ kia để đầu tư vào những gì thực sự khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Trái lại, người nghèo cũng hoài nghi về những cơ hội tưởng tượng và khả năng đổi đời. Họ thường hành xử như thể bất kỳ thay đổi nào đáng để hy sinh cũng quá xa vời. Điều này giải thích vì sao họ tập trung vào hiện tại, vào việc làm sao để sống thoải mái nhất có thể, và ăn nhậu mỗi khi có dịp.

VẬY THÌ CÓ HAY KHÔNG BẪY NGHÈO DO THIẾU DINH DƯỠNG?

Mở đầu chương là câu chuyện của Pak Solhin với suy nghĩ rằng mình bị mắc kẹt trong bẫy nghèo do thiếu ăn. Người ta dễ dàng nhận thấy có thể vấn đề của ông không phải là do thiếu calo. Chương trình Rakshin cung cấp gạo miễn phí, thỉnh thoảng ông cũng nhận được sự giúp đỡ từ người anh, vậy đúng ra ông đủ sức khỏe để làm việc đồng áng hay lao động chân tay ở công trường xây dựng. Từ bằng chứng thu được, chúng tôi đi đến kết luận rằng hầu hết người trưởng thành, kể cả những người rất nghèo khổ, đều nằm ngoài vùng bẫy nghèo do thiếu dinh dưỡng: Họ dễ dàng ăn đủ mức họ cần để lao động chân tay hiệu quả.

Có thể Pak Solhin rơi vào trường hợp này. Nói vậy không có nghĩa là ông không mắc vào cái bẫy khác. Có khả năng vấn đề ở chỗ ông bị mất việc và đã quá già để học việc tại công trường xây dựng. Chuyện trở nên tồi tệ hơn do ông chán nản, và chính vì chán nản ông cảm khó khăn khi bắt tay làm việc gì đó để thay đổi tình trạng của mình.

Cơ chế căn bản của bẫy nghèo do thiếu dinh dưỡng dường như không áp dụng được cho người lớn, nhưng điều này không có nghĩa là người nghèo không gặp vấn đề về dinh dưỡng. Có thể vấn đề nằm ở tầm quan trọng của chất lượng so với số lượng thực phẩm, đặc biệt là sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng vi lượng. Chế độ ăn uống được đảm bảo sẽ đặc biệt hữu ích với đối tượng không quyết định được loại thực phẩm bản thân thu nạp: trẻ sơ sinh trong bụng mẹ và trẻ nhỏ. Thực ra có thể tồn tại một mối tương quan hình chữ S giữa thu nhập của cha mẹ và thu nhập của đứa trẻ sau này, ảnh hưởng bởi nguồn dinh dưỡng đầu đời của trẻ. Một đứa trẻ nếu được cung cấp dinh dưỡng một cách phù hợp từ khi còn trong bụng mẹ hay trong suốt thời kỳ ấu thơ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trong mỗi năm tháng cuộc đời. Lợi ích này kéo dài trong suốt thời gian sống của một con người. Ví dụ, nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài tới những đứa trẻ được tẩy giun

Kenya đã chỉ ra rằng việc được tẩy giun trong hai năm liền thay vì một năm (do đó được đảm bảo dinh dưỡng trong hai năm thay vì một năm) sẽ giúp thu nhập cả đời tăng thêm khoảng 3,269 đô la Mỹ. Đầu tư thêm một khoản tiền nhỏ cho chế độ dinh dưỡng của trẻ (ở Kenya, thuốc tẩy giun có giá tương đương 1,36 đô la Mỹ hàng năm; ở Ấn Độ, mỗi gói muối i-ốt bán với giá tương đương 0,52 đô la Mỹ; ở Indonesia, nước mắm bổ sung chất sắt dùng hàng năm có giá tương đương 7 đô la Mỹ) sẽ mang lại khác biệt to lớn trong tương lai. Do đó, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế cần xem xét lại toàn bộ hệ thống chính sách về lương thực thực phẩm của mình. Đây có thể là tin xấu đối với nông dân Mỹ, nhưng giải pháp không phải chỉ đơn thuần cung cấp nhiều lương thực có hạt hơn, mặc dù đây là điều mà hầu hết các chương trình an ninh lương thực đang có kế hoạch thực hiện. Người nghèo thích được trợ cấp các loại lương thực có hạt, nhưng như đã nói trên, cung cấp thêm thực phẩm cũng chẳng thuyết phục họ ăn uống tử tế hơn, đặc biệt khi vấn đề chủ yếu không phải là calo, mà là chất dinh dưỡng. Cho họ thêm tiền, thậm chí giúp họ có thu nhập tăng thêm cũng không mang lại chế độ dinh dưỡng tốt hơn trong ngắn hạn. Như đã thấy ở Ấn Độ, người nghèo không ăn no hơn hay ngon hơn khi thu nhập của họ tăng lên; có quá nhiều mong ước và áp lực khác bên cạnh chuyện ăn uống.

Ngược lại, lợi tức xã hội của đầu tư trực tiếp vào dinh dưỡng cho trẻ em và bà mẹ đang mang thai lại cực kỳ to lớn. Có thể thực hiện điều này bằng cách cung cấp miễn phí thực phẩm bổ sung cho bà mẹ khi mang thai và cha mẹ của trẻ nhỏ, bằng cách điều trị trẻ em bị bệnh giun trước tuổi đi học hoặc tại trường học, cung cấp cho trẻ những bữa ăn giàu dưỡng chất vi lượng, hoặc thậm chí là khuyến khích cha mẹ các em sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng. Một số quốc gia đã làm được tất cả những điều này. Hiện nay chính phủ Kenya đang thực hiện một chương trình tẩy giun cho trẻ em ở trường học. Ở Columbia, người ta bổ sung dưỡng chất vi lượng vào thức ăn của trẻ trước tuổi đi học. Ở Mê xi cô, chi trả phúc lợi xã hội được kèm theo thực phẩm bổ sung dinh dưỡng miễn phí cho mỗi gia đình. Bên cạnh yêu cầu nâng cao năng suất, việc đóng gói những thực phẩm mà người ta thích ăn với chất dinh dưỡng bổ sung, tìm kiếm những giống cây trồng mới giàu dưỡng chất và ngon lành hơn, trồng trọt ở nhiều môi trường hơn cần phải trở thành ưu tiên của ngành công nghệ thực phẩm. Một số hoạt động thí điểm đã được triển khai ở khắp thế giới, thúc đẩy bởi các tổ chức chẳng hạn như Micronutrient Initiative và HarvestPlus: Một giống khoai lang màu cam (giàu beta carotene hơn khoai lang tự nhiên) phù hợp cho châu Phi gần đây đã được giới thiệu đến Uganda và Mozambique.[65] Loại muối mới có bổ sung cả sắt và i-ốt hiện đã được cho phép sử dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ. Nhưng vẫn còn quá nhiều trường hợp chính sách thực phẩm giậm chân tại chỗ vì cho rằng người nghèo chỉ cần ngũ cốc no bụng rẻ tiền.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.