Hiểu Nghèo Thoát Nghèo

5. GIA ĐÌNH ĐÔNG CON CỦA PAK SUDARNO



Sanjay Gandhi là con trai thứ của Thủ tướng Indira Gandhi và được cho sẽ là người kế nhiệm bà lãnh đạo Ấn Độ. Cho đến lúc qua đời trong một tai nạn máy bay năm 1981, ông vẫn tin rằng kiểm soát dân số là nội dung không thể thiếu trong chính sách phát triển quốc gia. Ông nhiều lần khẳng định quan điểm này mỗi khi phát biểu trước công chúng trong giai đoạn Tình trạng Khẩn Trương (giữa năm 1975 đến đầu năm 1977). Đây là giai đoạn các quyền dân chủ bị vi phạm và Sanjay Gandhi, tuy không giữ chức vụ chính thức nào, vẫn gần như công khai tham gia điều hành chính sự. Được biết đến như là người chưa bao giờ dè dặt trong phát ngôn, ông từng tuyên bố chính sách kế hoạch hóa gia đình cần được “đặc biệt quan tâm và coi trọng vì tất cả tiến bộ đạt được trong lĩnh vực công nghiệp, kinh tế và nông nghiệp sẽ chẳng có tác dụng gì nếu dân số vẫn tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại.”[155]

Ấn Độ có một lịch sử lâu dài về phát triển chính sách kế hoạch hóa gia đình, bắt đầu từ giữa những năm 60. Năm 1971, bang Kerala thử nghiệm dịch vụ triệt sản di động, tổ chức theo hình thức các “trại triệt sản”, đặt nền tảng cho chính sách của Sanjay Gandhi trong suốt Tình trạng Khẩn Trương. Mặc dù hầu hết các chính trị gia tiền nhiệm đều nhận định kiểm soát dân số là vấn đề trọng yếu, nhưng phải đến Sanjay Gandhi vấn đề này mới thực sự được giải quyết nhờ sự quyết tâm hết mực cũng như khả năng (sẵn sàng) quét sạch mọi vật cản trên đường đi nếu cần. Vào tháng 4 năm 1976, Quốc hội Ấn Độ thông qua văn bản chính thức về chính sách dân số quốc gia. Theo đó nảy sinh nhu cầu phải có biện pháp khuyến khích người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đáng nói là các hình thức khuyến khích bằng vật chất dành cho đối tượng đồng ý triệt sản (chẳng hạn một tháng tiền lương hay quyền ưu tiên mua nhà). Và đáng sợ hơn cả là việc chính phủ cho phép mỗi bang tự xây dựng luật triệt sản bắt buộc (ví dụ cưỡng chế thực hiện đối với những người có từ hai con trở lên). Tuy chỉ duy nhất một bang đề xuất dự luật kiểu này (và không bao giờ được thông qua) nhưng rõ ràng có một áp lực không nhỏ buộc các bang phải tự đặt ra chỉ tiêu triệt sản và hoàn thành. Ngoại trừ 3 bang, tất cả các bang trên khắp cả nước đều “tự nguyện” đặt mục tiêu cao hơn con số đề xuất của chính phủ trung ương, kết quả là tổng mục tiêu đề ra lên tới 8,6 triệu ca triệt sản trong giai đoạn 1976-1977.

Người ta không hề đặt chỉ tiêu suông. Người đứng đầu chính quyền bang Uttar Pradesh đã đánh một bức điện như sau cho thuộc cấp phụ trách hiện trường: “Thông báo đến tất cả mọi người rằng nếu ai không hoàn thành chỉ tiêu hàng tháng thì sẽ không những bị cắt lương mà còn bị đình chỉ công tác và nộp phạt rất nặng. Ngay lập tức phải khởi động bộ máy quản lý hành chính công, liên tục báo cáo tiến độ hàng ngày nhanh nhất có thể qua hệ thống mạng không dây cho tôi và thư ký Thủ tướng Chính phủ”. Mỗi công chức nhà nước thậm chí ở cấp làng xã, gồm cả đối tượng nhân viên kiểm tra đường sắt và giáo viên, đều phải nắm rõ chỉ tiêu tại địa phương mình. Giáo viên đến thăm nhà phụ huynh học sinh để yêu cầu thực hiện triệt sản, nếu không con em họ sẽ bị từ chối nhập học. Hành khách đi tàu trốn vé bị phạt nặng nếu không đồng ý triệt sản, dù từ trước đến nay chuyện người nghèo đi lậu vé vẫn được nhắm mắt cho qua. Và không có gì ngạc nhiên nếu có lúc áp lực chỉ tiêu đẩy người ta đi quá giới hạn. Tại ngôi làng Hồi giáo Uttawar gần thủ đô Dehli, có lần đàn ông thanh niên trong làng bị vây ráp giữa đêm và giải tới đồn cảnh sát vì những tội trạng không hề có thật, sau đó tất cả bị đưa đi triệt sản.

Có thể nói chính sách kiểm soát dân số đạt được mục tiêu ngay lập tức, mặc dù trong thực tế hẳn đã diễn ra nạn báo cáo quá sự thực để trục lợi từ chính sách khen thưởng khuyến khích của chính phủ. Trong giai đoạn 1976-1977, người ta ghi nhận có 8,25 triệu ca triệt sản, trong đó 6,25 triệu ca được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1976. Đến cuối năm 1976, tổng cộng 21% cặp vợ chồng người Ấn đã triệt sản. Nhưng những vi phạm về quyền tự do dân sự nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách đã làm dấy lên sự căm phẫn trong đông đảo người dân. Đến năm 1977 khi Ấn Độ tổ chức bầu cử trở lại, chính sách triệt sản trở nội dung chủ yếu gây tranh cãi, đúc kết cô đọng qua câu khẩu hiệu rất đáng nhớ là “Indira hatao, indiri bachao (Đả đảo Indira, cứu “của quý” ta)”. Dư luận tin rằng thất bại của Indira Gandhi trong kỳ bầu cử năm 1977 có một phần không nhỏ là do phản ứng chống đối của người dân đối với chính sách dân số. Chính phủ đắc cử ngay lập tức đã cho thay đổi triệt để chính sách dân số.

Một trong những tác động trớ trêu không ngờ của chính sách mà Sanjay Gandhi theo đuổi, đó là về lâu về dài nó lại góp phần thúc đẩy dân số Ấn Độ tăng nhanh hơn. Sau vết nhơ của giai đoạn Tình trạng Khẩn Trương, chính sách kế hoạch hóa gia đình bị trôi vào quên lãng. Trong bóng tối quên lãng đó triệt sản tự nguyện vẫn tiếp tục được tuyên truyền dù chẳng ai quan tâm ngoại trừ các cơ sở y tế nhà nước. Tuy nhiên vẫn còn đó một trong những tàn dư không dễ xóa nhòa của thời kỳ Tình trạng Khẩn Trương. Dân chúng quay ra nghi ngờ động cơ của Chính phủ, ví dụ như không thiếu chuyện người dân tại các khu ổ chuột hay các ngôi làng từ chối tham gia tiêm phòng bại liệt vì lo ngại Chính phủ âm thầm triệt sản con em mình.

Câu chuyện đặc biệt trên đây và chính sách một con khắc nghiệt

Trung Quốc là hai ví dụ nổi bật nhất trong những biện pháp cưỡng ép kiểm soát dân số; hầu hết các nước đang phát triển đều có chính sách dân số quốc gia. Trong bài viết cho tạp chí Science xuất bản năm 1994, John Bongaarts, thành viên từ Hội đồng Dân số đã dự đoán đến năm 1990, Chính phủ hầu hết các quốc gia, nơi tập trung 85% dân số các nước đang phát triển, sẽ nhận thức rõ ràng về vấn đề quá tải dân số cũng như sự cần thiết phải kiểm soát bằng kế hoạch hóa gia đình.[156]

Có nhiều lý do để thế giới ngày nay phải lo ngại về vấn đề tăng dân số. Jeffrey Sachs bàn về những lý do này trong tác phẩm Common Wealth.[157] Dễ nhận thấy nhất là tác động tiềm tàng đến môi trường. Dân số tăng góp phần làm tăng lượng khí thải carbon dioxide, từ đó gây ra hiện tượng Trái đất nóng dần lên. Nước uống ngày càng khan hiếm một phần là vì ngày càng có nhiều người sử dụng nguồn nước, một phần nữa là do nhiều người hơn đồng nghĩa với việc phải trồng trọt lương thực nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu cho nước tưới tiêu cao hơn (70% nước sạch sử dụng cho mục đích tưới tiêu). Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, 1/5 dân số thế giới sống ở những nơi khan hiếm nước sạch.[158] Đây là những chuyện hệ trọng, có ý nghĩa sống còn nhưng không hề được tính đến khi các gia đình quyết định sinh con. Và chính vì lẽ đó, cần phải có chính sách dân số. Nhưng không thể phát triển một chính sách dân số hợp lý nếu không hiểu được vì sao người ta muốn sinh quá nhiều con như vậy: Phải chăng họ không thể kiểm soát khả năng sinh đẻ của mình (chẳng hạn vì không được tiếp cận với các biện pháp ngừa thai), hay là do họ chủ động muốn vậy? Và điều gì khiến họ đi đến quyết định đó?

GIA ĐÌNH ĐÔNG CON THÌ CÓ GÌ KHÔNG ỔN?

Nước giàu có tỉ lệ tăng dân số thấp hơn. Ví dụ, một nước tổng tỉ suất sinh là 6,12 con/phụ nữ như Ethiopia nghèo hơn 50 lần so với Mỹ, quốc gia có tổng tỉ suất sinh là 2,05.

Mối quan hệ qua lại khăng khít này đã thuyết phục nhiều người, bao gồm giới học giả nghiên cứu và những nhà hoạch định chính sách, về tính hợp lý của một học thuyết cũ do Reverend Thomas Malthus, giáo sư lịch sử và kinh tế chính trị trường Cao đẳng Đông Ấn gần London, đề xướng vào đầu thế kỷ 18. Malthus tin rằng nguồn tài nguyên của mỗi quốc gia là hữu hạn (ví dụ ưa thích của ông là đất đai), từ đó đi đến kết luận rằng tăng dân số chắc chắn làm quốc gia nghèo đi.[159] Theo lô gic này, hẳn người ta phải cảm ơn Cái chết đen vốn được cho là đã cướp đi sinh mạng một nửa dân số Anh trong giai đoạn 1348-1377 vì những năm sau đó người lao động quốc gia này được trả lương cao. Alwyn Young, nhà kinh tế học thuộc Trường Kinh tế London (London School of Economics), gần đây đã ủng hộ quan điểm nói trên xét trong bối cảnh đại dịch HIV/AIDS đang hoành hành ở châu Phi. Trong bài viết có nhan đề “The Gift of Dying” (Món quà từ những người hấp hối), ông cho rằng đại dịch này đảm bảo cho các thế hệ người châu Phi trong tương lai được sống sung túc hơn nhờ tỉ lệ sinh giảm.[160] Tỉ lệ sinh giảm vì hai nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp là người ta sẽ tránh xa các hành vi tình dục không an toàn, còn nguyên nhân gián tiếp là tình trạng khan hiếm lao động khiến phụ nữ châu Phi hứng thú với chuyện đi làm hơn là sinh con đẻ cái. Theo tính toán của Young, “ân huệ” có được nhờ giảm dân số trong những thập niên tới đây ở Nam Phi sẽ đủ lớn để bù đắp tình trạng thất học của nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ vì AIDS. Châu Phi có thể vĩnh viễn giàu có hơn 5,6% so với hiện tại nhờ căn bệnh HIV. Quan điểm này làm không ít độc giả bất bình, nhưng đáp lại những người hay câu nệ chuyện luân lý đúng sai ông đưa ra bình luận “Không thể cứ than vãn không dứt về chuyện quá tải dân số ở các nước đang phát triển, rồi đồng thời khẳng định suy giảm dân số cũng là thảm họa”.

Bài viết của Young gây nhiều tranh cãi gay gắt xoay quanh vấn đề liệu đại dịch HIV/AIDS có thực sự làm suy giảm tỉ lệ sinh đẻ không. Những nghiên cứu kỹ lưỡng tiếp theo[161] đã bác bỏ quan điểm này. Tuy nhiên người ta vẫn phải thừa nhận một giả thuyết khác của ông là việc giảm tỉ lệ sinh đẻ sẽ mang lại cuộc sống sung túc hơn cho tất cả mọi người.

Nhưng không dễ nhận ra những cải thiện cuộc sống đó. Suy cho cùng, so với thời điểm Malthus xây dựng học thuyết, ngày nay đã có thêm rất nhiều người trên hành tinh này, mà phần lớn chúng ta đều giàu có hơn những người cùng thời với Malthus. Tiến bộ công nghệ cũng không hề được nhắc tới trong học thuyết của Malthus, nhưng chính nhờ những tiến bộ này mà con người có thể tạo ra các nguồn tài nguyên từ chỗ không có gì. Nhiều người hơn cũng có nghĩa sẽ có nhiều người tìm kiếm ý tưởng mới hơn, và vì thế có thể sẽ có nhiều đột phá khoa học hơn. Thực tế là trong gần trọn chiều dài lịch sử loài người (từ 1 triệu năm trước công nguyên), khu vực hay quốc gia nào đông dân hơn cũng đều phát triển nhanh hơn.[162]

Do đó không thể giải quyết rốt ráo vấn đề nếu chỉ dựa trên lý thuyết thuần túy. Thường nước nào có tỉ suất sinh cao hơn thì nghèo hơn, nhưng thực tế đó không hề chứng tỏ nước đó nghèo hơn vì tỉ suất sinh cao. Cũng có khả năng người ta sinh đẻ nhiều vì nghèo, hoặc một tác nhân thứ ba nào đó đã dẫn đến tỉ suất sinh cao và tình trạng nghèo đói. Thậm chí “cứ liệu” rằng thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh thường trùng hợp với thời điểm tỉ lệ sinh con giảm mạnh, như ở Hàn Quốc và Brazil những năm 1960, cũng không nói lên được điều gì. Phải chăng các cặp vợ chồng bắt đầu sinh ít con hơn khi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, vì họ có ít thời gian chăm sóc con cái hơn? Hay phải chăng sinh con ít đi đã làm dôi dư nguồn lực để đầu tư cho những lĩnh vực khác?

Cũng như mọi lần, chúng ta cần thay đổi góc nhìn, phải gạt những câu hỏi to tát qua một bên để tập trung vào đời sống và lựa chọn mà người nghèo đang từng ngày đối mặt thì mới mong có đôi chút tiến triển trong việc giải quyết vấn đề này. Một cách để bắt đầu là quan sát điều gì đang diễn ra ở cấp độ gia đình: Có phải những gia đình lớn nghèo hơn vì đông con? Phải chăng họ có ít khả năng đầu tư cho sức khỏe và học vấn của con cái mình hơn?

Một trong những khẩu hiệu ưa thích của Sanjay Gandhi là “Gia đình nhỏ là gia đình hạnh phúc”. Khẩu hiệu đó được minh họa bằng hình vẽ một cặp vợ chồng tràn ngập hạnh phúc bên cạnh hai đứa con mũm mĩm, một trong những hình ảnh phổ biến ở Ấn Độ cuối những năm 1970. Bức hình cổ động này là minh họa hoàn hảo cho luận điểm có sức ảnh hưởng lớn của Gary Becker, người từng đoạt giải Nobel về kinh tế. Theo Becker, gia đình luôn phải đối mặt với cái gọi là “đánh đổi giữa chất lượng và số lượng”. Cụ thể là khi đông con hơn, mỗi đứa trẻ sẽ có “chất lượng” thấp hơn vì khi đó cha mẹ dành ít nguồn lực hơn để chăm lo chuyện ăn uống và học hành của con cái.[163] Điều này đặc biệt đúng nếu cha mẹ, chưa bàn đến chuyện đúng sai, tin rằng nên đầu tư nhiều hơn cho đứa con “có tài” nhất. Hiện tượng này xảy ra trong thế giới vận hành theo đường cong chữ S như chúng ta đã từng bàn qua. Rốt cuộc sẽ có những đứa trẻ bị đóng sập mọi cánh cửa cơ hội. Nếu trẻ sinh ra trong gia đình đông con ít có cơ hội được học hành tử tế, ít ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ít được chăm sóc sức khỏe hơn (theo ngôn ngữ kinh tế học gọi là đầu tư vào vốn con người), và gia đình nghèo thường đông con hơn (chẳng hạn vì không được tiếp cận các biện pháp ngừa thai) thì điều này sẽ tạo ra một cơ chế đói nghèo truyền kiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Như con sãi ở chùa thì phải quét lá đa, cha mẹ nghèo sinh ra (nhiều) con nghèo. Bẫy nghèo nói trên chính là căn cứ cho chính sách dân số như luận điểm của Jeffrey Sachs trong cuốn Common Wealth.[164] Có thật như thế? Có phải trẻ em sinh ra trong gia đình đông con hơn đương nhiên bị thiệt thòi? Theo bộ dữ liệu 18 quốc gia, trẻ em thuộc gia đình đông con có khuynh hướng ít được học hành hơn, nhưng vẫn có những nơi hiện tượng này không xảy ra. Khu vực nông thôn Indonesia,[165] Côte d’Ivoire và Ghana[166] là một số trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên ngay cả ở những nơi điều này đúng thì vẫn không có cơ sở khẳng định chính vì đông anh em nên trẻ phải sống trong đói nghèo và không được học hành tử tế. Cũng có thể lý do đơn giản là những gia đình nghèo đông con thường không coi trọng chuyện học vấn.

Nhằm kiểm tra mô hình của Becker và xác nhận xem liệu kích thước gia đình tăng lên có làm giảm đầu tư vào vốn con người cho con cái hay không, các nhà nghiên cứu cố gắng nghiên cứu sâu những trường hợp gia đình sinh con ngoài ý muốn. Kết quả rất đáng ngạc nhiên: Không có bằng chứng nào chứng tỏ trẻ em sinh ra trong gia đình ít con hơn được học hành tử tế hơn.

Vì hầu hết người nghèo trên thế giới không sử dụng các liệu pháp tăng khả năng sinh con, nên có thể lấy ví dụ sinh đôi để minh họa cho chuyện có thêm con ngoài ý muốn. Nếu cặp vợ chồng dự định có hai con, nhưng lại sinh con đôi ở lần sinh thứ hai thì đứa con đầu lòng hiển nhiên có nhiều em hơn. Cơ cấu giới tính của trẻ cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng đông con. Thường thì gia đình nào cũng muốn có nếp có tẻ. Vì vậy nếu đứa con thứ hai cùng giới tính với đứa con đầu lòng thì gia đình đó sẽ có nhiều khả năng lên kế hoạch sinh con thứ ba hơn những gia đình đã có trai lẫn gái.[167] Ở nhiều nước đang phát triển, những gia đình chưa có con trai cũng thường sinh thêm con. Hãy so sánh một bé gái là con đầu lòng và có em gái với một bé gái là con đầu lòng và có em trai. Hoàn toàn do ngẫu nhiên (ít ra là cho đến khi công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi ra đời), bé gái có em gái có nhiều khả năng lớn lên trong gia đình đông anh em hơn bé gái có em trai. Một nghiên cứu được tiến hành tại Israel tập trung vào những nguyên nhân làm thay đổi kích thước gia đình như nói trên. Kết quả rất đáng ngạc nhiên: gia đình có kích thước lớn dường như không có ảnh hưởng bất lợi nào đến chuyện học hành của trẻ, ngay cả với cộng đồng người Ả Rập ở Israel vốn phần lớn sống trong hoàn cảnh nghèo khó.[168]

Nancy Quian thậm chí còn tìm thấy một kết quả thú vị hơn khi xem xét tác động của chính sách một con ở Trung Quốc. Tại một số địa phương, chính sách được nới lỏng và cho phép những gia đình có con gái đầu lòng sinh thêm con thứ hai. Những trẻ em gái có thêm em dựa theo chính sách này ngược lại còn được cho học hành tử tế hơn, chứ không học ít hơn,[169] hoàn toàn trái ngược với giả thuyết của Becker.

Một bằng chứng khác đến từ vùng Matlab, Bangladesh. Đây là nơi thực hiện một trong những thử nghiệm ấn tượng nhất của chương trình kế hoạch hóa tự nguyện trên thế giới. Năm 1977, người ta chọn một mẫu gồm một nửa số hộ gia đình trong 141 ngôi làng để tiến hành chương trình tăng cường tiếp cận kế hoạch hóa gia đình có tên là Chương trình Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em[170]. Cứ hai tuần 1 lần, một y tá đã qua đào tạo sẽ phổ biến dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến tận nhà cho bất kỳ phụ nữ nào có gia đình trong độ tuổi sinh con và sẵn sàng tiếp thu. Y tá cũng sẽ đề xuất hỗ trợ tiêm phòng và chăm sóc tiền sản. Có lẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng trẻ sơ sinh giảm đi đáng kể sau khi chương trình được áp dụng. Đến năm 1996, phụ nữ trong độ tuổi 30 – 35 tại khu vực áp dụng của chương trình có ít hơn 1,2 con so với những người tại khu vực không áp dụng chương trình. Một kết quả tích cực khác thu được đó là tỉ lệ tử vong ở trẻ em giảm xuống 1/4. Nhưng vì các biện pháp can thiệp trực tiếp nhằm cải thiện sức khỏe trẻ em cũng được thực hiện trong khuôn khổ chương trình, cho nên không có lý do gì để khẳng định khả năng sống sót của trẻ tăng lên là nhờ chuyển biến tích cực ở tỉ lệ sinh. Tuy nhiên bất chấp nỗ lực đầu tư nhiều tiền của, cải thiện sức khỏe trẻ em và trong thực tế tỉ lệ sinh giảm mạnh, nhưng đến năm 1996 vẫn không có khác biệt nào đáng kể về chiều cao, cân nặng, tỉ lệ nhập học hay thời gian đến trường ở trẻ em trai hay gái. Một lần nữa, quan hệ đánh đổi giữa số lượng – chất lượng khá mơ hồ.[171]

Đương nhiên chỉ từ ba nghiên cứu trên đây không thể rút ra kết luận cuối cùng và chắc chắn, vẫn cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa. Nhưng tại thời điểm này, theo đánh giá quan sát của chúng tôi, chẳng có dấu hiệu rõ ràng nào chứng tỏ gia đình đông con hơn không tốt cho sự phát triển của trẻ như những gì Sachs chỉ ra trong tác phẩm Common Wealth. Theo đó, khó mà viện lý do bảo vệ trẻ em, đảm bảo các em không phải lớn lên trong những gia đình đông con để biện minh cho việc áp đặt chính sách kế hoạch hóa gia đình từ trên xuống.

Nhưng nói kích cỡ gia đình không ảnh hưởng bất lợi đến trẻ em thì có vẻ trái ngược với suy nghĩ thường tình. Tài nguyên chia sẻ với nhiều người thì có người phải nhận phần thiệt. Nếu không phải trẻ em chịu thiệt thòi thì là ai? Có thể là người mẹ.

Từ kết quả của chương trình Profamilia ở Colombia, người ta thấy rõ đây là vấn đề đáng lo ngại. Chương trình do một bác sĩ khoa sản trẻ tuổi tên là Fernando Tamayo khởi xướng vào năm 1965. Trong vài thập kỷ tiếp theo, Profamilia trở thành nhà cung cấp các sản phẩm ngừa thai chính ở Colombia và là một trong những chương trình kế hoạch hóa gia đình dài hạn nhất trên thế giới. Đến năm 1986, 53% phụ nữ Colombia trong độ tuổi sinh sản sử dụng các biện pháp tránh thai, chủ yếu thông qua chương trình Profamilia. Còn những phụ nữ từ lứa tuổi thiếu niên đã tiếp cận với chương trình đều được học hành đầy đủ hơn và có thêm 7% cơ hội tìm được việc làm trong các ngành nghề chính hơn những người còn lại.[172]

Tương tự như vậy, phụ nữ Bangladesh hưởng lợi từ chương trình tại Matlab cũng to cao khỏe mạnh hơn so với nhóm đối chứng và có thu nhập cao hơn. Với sự ra đời và phổ biến của các phương pháp ngừa thai, phụ nữ có quyền kiểm soát đời sống sinh sản của mình tốt hơn. Họ không chỉ quyết định sẽ sinh bao nhiêu con mà còn có thể chọn lựa thời điểm sinh con. Có nhiều bằng chứng đã chỉ ra mang thai sớm ngoài ý muốn hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của người mẹ.[173] Ngoài ra, việc mang thai hay thậm chí kết hôn sớm ở tuổi vị thành niên thường dẫn đến bỏ học giữa chừng.[174] Nhưng để chắc chắn sức khỏe bà mẹ là nội dung chính đáng trong công tác kế hoạch hóa gia đình và phù hợp với mong muốn của xã hội, ta cần phải trả lời câu hỏi: Tại sao vẫn xảy ra chuyện mang thai không đúng thời điểm dù nó không hề có lợi cho người mẹ? Nói rộng ra, các cặp vợ chồng ra quyết định sinh con như thế nào, và tiếng nói của người vợ có trọng lượng bao nhiêu trong những quyết định này?

NGƯỜI NGHÈO CÓ KIỂM SOÁT ĐƯỢC CHUYỆN SINH CON ĐẺ CÁI?

Một lý do khiến người nghèo không kiểm soát được chuyện sinh con đẻ cái có thể là không được tiếp cận với các biện pháp ngừa thai hiện đại. Theo báo cáo chính thức của LHQ về tình hình thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, nếu đáp ứng được “nhu cầu” về các biện pháp ngừa thai hiện đại thì “hẳn đã giảm được số ca mang thai ngoài ý muốn từ 75 triệu xuống còn 22 triệu mỗi năm, theo đó giảm 27% tỉ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai”.[175] Phụ nữ nghèo không được ăn học đến nơi đến chốn ít sử dụng các phương pháp ngừa thai so với phụ nữ có điều kiện sống và điều kiện học hành tốt hơn.

Tuy nhiên, ít sử dụng không nhất thiết phải là do không được tiếp cận đầy đủ. Cuộc chiến cung – cầu trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình cũng sôi động không kém so với lĩnh vực giáo dục. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi wallah cung và cầu vẫn là những khuôn mặt thân quen như đã đề cập ở trên. Phía wallah cung (chẳng hạn Jeffrey Sachs) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận các biện pháp tránh thai với luận điểm rằng những ai sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại sẽ có tỉ lệ sinh thấp hơn nhiều. Phía wallah cầu lại bắt bẻ rằng mối tương quan đó chỉ phản ánh rằng những ai muốn giảm tỉ lệ sinh con đa phần đều tự mình tìm được phương pháp ngừa thai phù hợp mà không cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài, theo đó việc đảm bảo sẵn có các sản phẩm ngừa thai sẽ không có tác dụng gì nhiều.

Để xác định được đâu mới là quan điểm đúng đắn, Donna Gibbons, Mark Pitt và Mark Rosenzweig đã tỉ mẩn khớp dữ liệu về sức khỏe sinh sản từ các trung tâm kế hoạch hóa gia đình tại ba thời điểm (1976, 1980 và 1986) của hàng ngàn tiểu quận và làng mạc ở Indonesia.[176] Không có gì bất ngờ khi kết quả chỉ ra địa phương nào có nhiều trung tâm hơn có tỉ lệ sinh sản thấp hơn. Tuy nhiên người ta cũng quan sát thấy tỉ lệ sinh sản giảm không hề liên quan đến sự tăng lên của số lượng các trung tâm kế hoạch hóa gia đình. Kết luận rút ra là các cơ sở kế hoạch hóa gia đình có ở bất kỳ nơi nào người dân cần, nhưng điều đó không có tác động trực tiếp nào đến vấn đề sinh sản. Wallah cầu thắng 1:0.

Chương trình ở Matlab từ trước đến nay là ví dụ điển hình ưa thích của giới wallah cung. Vì ít ra ở đây rõ ràng sự sẵn có của dụng cụ và thuốc tránh thai đã tạo nên sự khác biệt. Như đã đề cập, năm 1996, phụ nữ trong độ tuổi 30-35 ở khu vực can thiệp có ít hơn 1,2 con so với những người ở khu vực đối chứng. Nhưng Matlab, người ta không chỉ dừng lại ở việc cung ứng các biện pháp ngừa thai. Một trong những hoạt động phối hợp có tính then chốt của chương trình là cứ 2 tuần/lần nữ nhân viên y tế sẽ đến thăm từng hộ gia đình, do ở đây phụ nữ phải đeo mạng che mặt và không thể tự do đi lại. Qua những chuyến thăm đó, nhân viên y tế sẽ trao đổi về vấn đề ngừa thai, vấn đề mà bấy lâu nay bị coi là cấm kỵ. (Chính hoạt động nay đã khiến chương trình tốn kém – Theo ước tính của Lant Pritchett lúc bấy giờ là nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Thế giới, so với một chương trình kế hoạch hóa gia đình thông thường ở châu Á, chương trình Matlab đắt hơn 35 lần trên mỗi phụ nữ trong độ tuổi mang thai/năm).[177] Nên cũng hợp lý khi chương trình đã trực tiếp thay đổi được số con mong muốn của các hộ gia đình, thay vì chỉ đơn thuần cung cấp các phương tiện kiểm soát khả năng sinh sản. Ngoài ra, khoảng từ năm 1991, tỉ lệ sinh sản bắt đầu ngừng giảm tại những khu vực can thiệp, và sự khác nhau giữa khu vực can thiệp và khu vực đối chứng cũng dần thu hẹp lại. Đến năm 1998, năm cuối cùng chúng tôi thu thập dữ liệu, tổng tỉ suất sinh là 3,0 khu vực can thiệp, 3,6 ở khu vực chứng và 3,3 ở các địa phương còn lại của Bangladesh.[178] Có thể điều mà chương trình Matlab thực hiện được chỉ là đẩy nhanh xu hướng giảm tỉ lệ sinh vốn đã diễn ra ở các địa phương còn lại. Vì thế cho nên, ở trường hợp này tỉ số là hòa giữa wallah cung và wallah cầu.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của chương trình Profamilia ở Colombia, chương trình này tác động rất ít đến tỉ lệ sinh sản nói chung. Tham gia chương trình Profamilia chỉ giúp giảm 5% số con có thể sinh trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Con số này rõ ràng thấp hơn tổng mức giảm 10% kể từ những năm 1960. Tỉ số là 2:0 nghiêng về phía các wallah cầu.

Từ dữ liệu thu thập được, dường như phần thắng hoàn toàn nghiêng về phía các wallah cầu. Nhờ vào những phương tiện tránh thai sẵn có, người ta có thể sống vui vẻ và dễ dàng kiểm soát vấn đề con cái hơn so với việc sử dụng các biện pháp thay thế khác. Nhưng điều này tự thân lại chẳng hề có tác dụng giảm tỉ lệ sinh con.

Tình dục, đồng phục đi học và những ông già ham chơi trống bỏi

Phổ biến các biện pháp ngừa thai rộng rãi hơn sẽ giúp giảm số ca mang thai ở tuổi vị thành niên. Chương trình Profamiliar ở Colombia đã làm được điều này và giúp phụ nữ có cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai. Rất tiếc là ở nhiều nước, trẻ vị thành niên bị ngăn không cho tiếp xúc với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Trẻ vị thành niên là đối tượng ít được đáp ứng nhu cầu về các phương tiện ngừa thai nhất, chủ yếu vì ở nhiều nơi nhu cầu tình dục không được công nhận là một nhu cầu chính đáng, hoặc người ta vẫn cho rằng trẻ vị thành niên chưa đủ khả năng sử dụng phương tiện tránh thai một cách đúng đắn. Kết quả là tỉ lệ mang thai ở trẻ vị thành niên cao ở mức báo động ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực châu Phi cận Sahara và châu Mỹ La tinh. Theo WHO, ở Côte d’Ivoire, Congo và Zambia, tỉ lệ mang thai ở trẻ vị thành niên trên 10%; ở Mexico, Panama, Bolivia và Guatelama, tỉ lệ này vào khoảng 8,2-9,2 lần sinh trên 100 phụ nữ trẻ (so với tỉ lệ 4,5 lần sinh trên 100 phụ nữ ở Mỹ, nơi có tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai cao nhất trong số các quốc gia phát triển).[179] Dường như những nỗ lực ít ỏi nhằm giải quyết vấn đề mang thai ở trẻ vị thành niên cũng như bệnh lây lan qua đường tình dục (bao gồm HIV/AIDS) đều vô nghĩa.

Esther tìm được một ví dụ từ Kenya minh họa rõ ràng cho những hệ quả có thể xảy đến khi người ta mải miết thực hiện giải pháp không phù hợp. Cùng với Pascaline Dupas và Michael Kremer, bà theo dõi nữ sinh trong độ tuổi 12 – 14 chưa từng mang thai.[180] Sau 1 năm, 3 năm rồi 5 năm, tỉ lệ mang thai trung bình lần lượt là 5%, 14% và 30%. Bản thân việc mang thai sớm không chỉ là chuyện ngoài ý muốn mà còn là dấu hiệu của tình dục không an toàn, điều mà ở Kenya đồng nghĩa với nguy cơ nhiễm HIV/AIDS. Để giải quyết vấn đề này, trên cơ sở thảo luận đi đến thống nhất giữa các tổ chức dân sự, giới chức nhà thờ, các tổ chức quốc tế và chính phủ Kenya, hầu hết tập trung vào giải pháp vô cùng đơn giản là kiêng khem tình dục. Thông điệp chung của giải pháp chỉ ra thứ tự các biện pháp được áp dụng: Abstain, Be faithful, use a Condom… or you Die, (Kiêng khem, Chung thủy, sử dụng Bao cao su… hay là Chết), còn gọi là giải pháp ABCD. Tại trường học, trẻ em được dạy phải tránh quan hệ trước hôn nhân, còn bao cao su thì chẳng ai nói tới. Trong nhiều năm, chính phủ Mỹ khuyến khích cách làm này, cụ thể là đổ tiền vào các chương trình kiêng khem tình dục thuần túy để ngăn chặn đại dịch AIDS.[181]

Với cách làm như trên, người ta mặc nhiên cho rằng thanh thiếu niên chưa đủ thông minh hay trách nhiệm để cân nhắc những cái được mất của sinh hoạt tình dục và sử dụng bao cao su. Nếu đúng là như vậy thì có lẽ “dọa dẫm” để trẻ hoàn toàn tránh xa tình dục (hay ít ra là tình dục trước hôn nhân) là cách duy nhất để bảo vệ các em. Tuy nhiên Esther, Pascaline Dupas và Michael đã tiến hành nhiều thử nghiệm cùng lúc ở Kenya và kết quả trái ngược với những gì ta hay nghĩ. Khi chưa biết rõ thông tin, thanh thiếu niên suy tính rất cẩn thận về đối tượng mình sẽ quan hệ tình dục cũng như hoàn cảnh diễn ra chuyện đó.

Trong thử nghiệm đầu tiên, người ta đánh giá giải pháp ABCD bằng cách đào tạo giáo viên đến từ 170 trường chọn ngẫu nhiên để đưa giải pháp vào chương trình giảng dạy. Không có gì bất ngờ khi thông qua thử nghiệm này, người ta dành nhiều thời gian hơn cho công tác giáo dục về AIDS tại trường học. Tuy nhiên người ta không ghi nhận được bất kỳ thay đổi nào trong hành vi tình dục hay thậm chí là kiến thức về AIDS. Ngoài ra, tỉ lệ mang thai ở thanh thiếu niên sau 1 năm, 3 năm và 5 năm kể từ khi thực hiện chương trình can thiệp không có gì khác giữa trường áp dụng và trường không áp dụng giảng dạy giải pháp ABCD. Và không có chuyển biến cũng đồng nghĩa không có gì thay đổi về thực trạng tình dục không an toàn.

Hai thử nghiệm còn lại cũng được tiến hành tại những ngôi trường nói trên, tuy nhiên hiệu quả đem lại hoàn toàn khác biệt. Thử nghiệm thứ hai chỉ đơn giản là nói cho các em gái biết sự thật mà có thể các em chưa biết: đàn ông lớn tuổi có khả năng mắc bệnh HIV cao hơn đàn ông trẻ tuổi. Nét đặc trưng nổi bật của căn bệnh HIV là nữ giới ở độ tuổi 15 – 19 có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 lần so với nam giới cùng độ tuổi. Có thể vì phụ nữ trẻ thường quan hệ tình dục với đàn ông lớn tuổi hơn, những người có nguy cơ mắc bệnh tương đối cao. Chương trình có tên “Ông già ham chơi trống bỏi” này chỉ đơn giản cung cấp thông tin về kiểu người có nhiều nguy cơ mắc bệnh. Tác động của chương trình không chỉ làm giảm tỉ lệ quan hệ tình dục với đàn ông lớn tuổi (những “ông già ham chơi trống bỏi”) mà còn khuyến khích tình dục an toàn với nam giới cùng lứa tuổi, một kết quả khá bất ngờ. Sau một năm, tỉ lệ mang thai ở các trường có áp dụng chương trình là 3,7% so với 5,5% ở những ngôi trường không áp dụng chương trình. Mức giảm này chủ yếu là nhờ số ca mang thai do quan hệ với đàn ông lớn tuổi giảm đi 2/3.[182]

Chương trình thứ ba giúp các em gái tiếp tục đến trường bằng cách tài trợ đồng phục. Tại những trường có chương trình tặng đồng phục, sau 1 năm tỉ lệ mang thai ở trẻ vị thành niên giảm từ 14% xuống 11%. Nói cách khác, cứ 3 nữ sinh tiếp tục đến trường nhờ được tài trợ đồng phục thì có 2 em tránh được việc mang thai sớm. Điều đáng nói là kết quả đáng mừng này thu được từ những ngôi trường mà giáo viên không hề được đào tạo về giáo dục giới tính. Tuy nhiên nguy cơ mang thai ở học sinh nữ tại những trường vừa áp dụng chương trình HIV/AIDS vừa tài trợ đồng phục lại không giảm bao nhiêu so với những nơi không áp dụng chương trình nào. Chương trình giảng dạy có lồng ghép giáo dục về HIV/AIDS thay vì giúp giảm hoạt động tình dục ở thanh thiếu niên lại làm mất đi tác dụng tích cực của việc phân phát đồng phục.

Từ những kết quả khác biệt trên đây, hình hài câu chuyện bắt đầu rõ nét. Các em gái Kenya biết rõ nguy cơ mang thai khi quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ. Nhưng trong suy nghĩ của các em, có thai chưa hẳn là chuyện không tốt nếu người cha tương lai có trách nhiệm và chăm lo cho các em sau khi sinh con. Trong thực tế, đối với những nữ sinh không đủ tiền mua đồng phục và do đó không thể đến trường, có con và bắt đầu gia đình nhỏ của riêng mình là một lựa chọn hấp dẫn so với việc ở nhà và trở thành chân sai vặt lặng lẽ cho cả gia đình, viễn cảnh thường thấy đối với những em gái nghỉ học và chưa kết hôn. Suy nghĩ này khiến đàn ông lớn tuổi trở thành đối tượng hấp dẫn hơn so với những nam sinh cùng lứa chưa đủ khả năng lập gia đình (ít ra trong trường hợp các em gái không biết đàn ông lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh HIV cao hơn). Đồng phục đi học giảm tỉ lệ sinh sản bằng cách cho các em gái cơ hội được tiếp tục đến trường, và vì thế các em không có lý do để mang thai. Còn chương trình giáo dục giới tính lại phản đối tình dục trước hôn nhân và khuyến khích lập gia đình, nên sẽ hướng các em gái vào chuyện kiếm lấy một tấm chồng (thường là một ông già ham chơi trống bỏi), do đó làm mất đi tác dụng của chương trình đồng phục.

Có một điều khá rõ ràng ở các thử nghiệm trên: Trong hầu hết các trường hợp, người nghèo, thậm chí những thiếu nữ trẻ tuổi, vẫn tỉnh táo với lựa chọn về chuyện sinh con đẻ cái và tình dục của mình. Họ xoay xở tìm cách, thường là những cách không mấy dễ chịu, để kiểm soát tình hình. Nếu phụ nữ trẻ vẫn mang thai dù biết phải trả giá đắt thì hẳn có người đã chủ động ra quyết định.

Lựa chọn của ai?

Nói tới chuyện sinh đẻ thì ngay lập tức trong đầu chúng ta nảy ra câu hỏi: ai là người lựa chọn? Cả vợ lẫn chồng cùng quyết định chuyện sinh con đẻ cái, nhưng phụ nữ luôn phải trả giá đắt hơn bằng chính sức khỏe của mình. Nên chẳng có gì lạ khi phụ nữ có những mong muốn về chuyện sinh đẻ khá khác với đàn ông. Trong những khảo sát về kích cỡ gia đình mong muốn, khi vợ chồng được phỏng vấn riêng rẽ, đàn ông thường thể hiện mong muốn có gia đình lớn hơn và ít có nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai hơn so với vợ. Bất đồng này không phải hiếm và tiếng nói của người vợ trong gia đình có trọng lượng đến đâu sẽ là yếu tố quyết định. Chẳng hạn khi người vợ trẻ tuổi hơn hay ít học so với chồng (hai hệ quả của việc lập gia đình sớm) thì không có gì khó hiểu nếu người vợ không dám phản kháng. Tiếng nói của người vợ có trọng lượng đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng tìm việc làm, quyền tự do ly hôn hay khả năng độc lập sau ly hôn. Những điều này lại bị chi phối bởi điều kiện pháp lý, xã hội, chính trị và kinh tế của địa phương nơi hai vợ chồng cư trú, mà hầu hết đều chịu tác động của chính sách công. Chẳng hạn ở Peru, khi thực hiện trao quyền sở hữu đất cho đối tượng cư trú bất hợp pháp, trong đó người vợ được đứng tên cùng chồng, tỉ lệ sinh ở hộ gia đình được nhận giấy xác nhận quyền sở hữu đất giảm hẳn (so với hộ không nhận được gì)[183]. Khi được cùng đứng tên trên giấy xác nhận quyền sở hữu đất, người vợ tự tin hơn khi tranh luận, và tiếng nói cũng có trọng lượng hơn khi tham gia ý kiến về chuyện sinh con đẻ cái.

Bất đồng quan điểm trên đây của các cặp vợ chồng cũng chỉ ra mặc dù trên lý thuyết, cung ứng đầy đủ các phương tiện tránh thai không có tác dụng giảm tỉ lệ sinh sản, nhưng chỉ cần thay đổi nho nhỏ trong cách cung ứng có thể mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Nava Ashaf và Erica Field phát cho 836 phụ nữ đã kết hôn ở Lusaka, Zamia phiếu miễn phí để họ tiếp cận được ngay nhiều phương tiện ngừa thai hiện đại và được nhân viên y tế phụ trách chương trình kế hoạch hóa gia đình tư vấn riêng. Có phụ nữ nhận phiếu riêng, cũng có người nhận phiếu khi có chồng bên cạnh. Ashaf và Field đã phát hiện thấy sự hiện diện của người chồng có tác động khá đáng kể: Nếu người chồng không có mặt, khả năng những người phụ nữ này tìm đến nhân viên kế hoạch hóa gia đình để được tư vấn sẽ tăng thêm 23%, khả năng tìm đến phương pháp tránh thai không dễ phát hiện (chẳng hạn thuốc tiêm tránh thai hoặc đặt vòng tránh thai) tăng thêm 38%, đồng thời nguy cơ mang thai ngoài ý muốn cũng giảm 57% sau 9 -14 tháng tiếp theo.[184] Một trong những lý do dẫn đến sự thành công của chương trình Matlab so với những chương trình kế hoạch hóa gia đình khác có thể là vì nhân viên của chương trình đến tận nhà thuyết phục người vợ thực hiện kế hoạch hóa gia đình khi người chồng vắng nhà, do đó không nhất thiết phải có sự đồng ý hay tham khảo ý kiến từ phía người chồng. Ngược lại, những phụ nữ không được tự do đi lại vì tục che mạng (cấm phụ nữ bước ra khỏi nhà nếu không có chồng đi cùng) sẽ phải nhờ đến sự hộ tống của người chồng mới có thể đến các trung tâm kế hoạch hóa gia đình, và điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định của họ.

Một lý do khác lý giải cho tầm ảnh hưởng sâu rộng của chương trình Matlab từ rất sớm là nó thúc đẩy quá trình biến đổi xã hội diễn ra nhanh hơn. Chuyển đổi mức sinh nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào quyết định của người vợ hoặc người chồng mà còn chịu tác động không nhỏ từ phía dư luận. Chuyện sinh con đẻ cái phần nào đó là một chuẩn mực tôn giáo – xã hội nên nếu đi ngược lại với chuẩn mực đó người ta bị tẩy chay, chế nhạo hay phải chịu các hình phạt về mặt tôn giáo. Do đó quan điểm của dư luận về chuyện đúng sai cũng có ý nghĩa quan trọng. Tại những khu vực can thiệp của chương trình Matlab, thay đổi về mặt xã hội diễn ra nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác. Những nhân viên y tế cộng đồng đầy quyết đoán và được trang bị đầy đủ kiến thức vừa là hiện thân cho chuẩn mực mới, vừa là người đưa tin về những thay đổi chuẩn mực đến với những người chưa biết.

Kaivan Munshi đã tiến hành nghiên cứu về vai trò của chuẩn mực xã hội với quyết định phòng tránh thai trong chương trình Matlab. Ông trích dẫn lời chia sẻ của một phụ nữ trẻ về những điều hay thảo luận với nhóm bạn cùng lứa: “định sinh mấy đứa con, sinh bằng phương pháp nào cho phù hợp… liệu có nên thực hiện kế hoạch hóa gia đình hay không… Chúng tôi nghe kể lại từ những người từng sử dụng (các biện pháp ngừa thai). Nếu một cặp vợ chồng thử áp dụng phương tiện tránh thai nào đó, kiểu gì tin đó cũng lan ra”[185].

Theo quan sát của Munshi, tại những ngôi làng ở Matlab có nhân viên y tế cộng đồng, phụ nữ sẽ cởi mở hơn với các phương tiện ngừa thai nếu đa phần những người cùng tín ngưỡng tôn giáo sử dụng các phương tiện ngừa thai thường xuyên hơn trong vòng 6 tháng qua. Mặc dù những người theo đạo Hindu và đạo Hồi cùng được một nhân viên y tế tư vấn và cùng được tiếp cận với phương tiện tránh thai giống nhau, nhưng người theo đạo Hindu chỉ thực hiện kế hoạch hóa gia đình khi những phụ nữ Hindu khác thực hiện; người theo đạo Hồi chỉ chấp nhận sử dụng các phương tiện tránh thai khi những phụ nữ Hồi giáo khác sử dụng. Cho dù có ở sát cạnh nhà nhau thì quyết định áp dụng biện pháp tránh thai của phụ nữ Hindu cũng không hề tác động gì đến phụ nữ Hồi giáo và ngược lại. Qua hình mẫu hành vi này, Munshi kết luận phụ nữ không ngừng tiếp thu những gì được chấp nhận trong cộng đồng của mình.

Dung hòa những thay đổi về chuẩn mực trong các xã hội truyền thống là chuyện vô cùng phức tạp. Chẳng hạn, tâm lý ngại ngần khi hỏi một số chuyện (Phòng tránh thai có đi ngược lại với tín ngưỡng tôn giáo không? Nó có gây vô sinh vĩnh viễn không? Tìm các phương tiện tránh thai ở đâu?) vì bản thân việc đặt câu hỏi đã phần nào bộc lộ ý định của bản thân. Kết quả là người ta thường cóp nhặt thông tin từ những nguồn chẳng ai nghĩ tới. Ở Brazil, đất nước đông tín đồ Thiên chúa giáo, chính quyền thận trọng không dám cổ xúy người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, người dân nước này rất ưa chuộng chương trình tivi, nhất là thể loại Telenova (phim truyền hình dài tập sướt mướt) chiếu trong khung giờ vàng của Rede Globo, một trong những kênh truyền hình lớn của Brazil. Trong khoảng từ thập niên 70 đến thập niên 90, độ phủ sóng của kênh truyền hình Rede Globo mở rộng đột ngột, kéo theo sự tăng vọt tỉ suất người xem Telenova. Vào thời hoàng kim của Telenova, những năm 1980, nhân vật trên phim thường có đẳng cấp và thái độ xã hội rất khác so với người dân Brazil thông thường. Năm 1970 một phụ nữ Brazil điển hình sinh khoảng sáu đứa con, trong khi trên truyền hình hầu hết các nhân vật nữ dưới 50 tuổi chẳng hề có con cái hoặc chỉ có 1 đứa con. Ngay sau khi phim truyền hình dài tập phủ sóng tới một địa phương, tỉ lệ sinh đẻ tại địa phương đó sẽ giảm mạnh; ngoài ra phụ nữ tại những nơi này cũng thích đặt tên con theo nhân vật chính trong phim.[186] Phim ảnh rốt cuộc đã đưa đến cho công chúng một cái nhìn rất khác về cuộc sống trong mơ. Cuộc sống trên phim tươi đẹp hơn nhiều so với cuộc sống quen thuộc thường nhật của người dân Brazil, và kết quả là dẫn đến những đổi thay sâu sắc trong lòng xã hội. Điều này không hoàn toàn ngẫu nhiên, vì trong một xã hội vẫn còn nhiều câu nệ và khuôn phép như Brazil, phim truyền hình chính là nơi gửi gắm tâm tư và sáng tạo nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ cấp tiến.

Đối với câu hỏi “Người nghèo có kiểm soát được chuyện sinh con đẻ cái không?”, nếu vội vàng đưa ra câu trả lời thì sẽ dễ nói sao cũng được. Vì thế phải tiếp cận vấn đề ở hai cấp độ. Ở cấp độ trực tiếp, đúng là người nghèo có kiểm soát chuyện sinh đẻ: Sinh con hay không là một quyết định mang tính chọn lựa, và quyết định này không bị ảnh hưởng nhiều ngay cả khi không được tiếp cận đầy đủ với các phương tiện tránh thai. Tuy nhiên đồng thời những yếu tố tác động đến lựa chọn này phần nào lại vượt khỏi vòng kiểm soát trực tiếp của người nghèo. Đặc biệt, phụ nữ thường phải sinh nhiều con hơn mong muốn của bản thân do áp lực từ chồng, mẹ chồng hay các chuẩn mực xã hội. Điều này gợi mở một hệ thống chính sách rất khác so với những gì Sanjay Gandhi từng đeo đuổi, hay các tổ chức quốc tế đầy thiện chí hiện nay đang áp dụng: Chỉ dừng lại ở việc cung ứng các phương tiện tránh thai sẽ không giải quyết được vấn đề. Tác động đến chuẩn mực xã hội thậm chí còn khó khăn hơn, mặc dù ví dụ về truyền hình ở Brazil chứng tỏ việc này vẫn khả thi. Tuy nhiên chuẩn mực xã hội thông thường lại phản ánh lợi ích kinh tế. Vậy người nghèo thiết tha chuyện con cái đến đâu nếu đó là một khoản đầu tư bền vững?

KHI CON TRẺ LÀ CÔNG CỤ TÀI CHÍNH

Đối với nhiều bậc cha mẹ, con cái chính là vật đảm bảo cho một tương lai sung túc. Là chính sách bảo hiểm, sổ tiết kiệm lẫn vé xổ số quay thưởng. Cha mẹ mong đợi tất cả những điều này ở con mình như mong đợi một món hàng nhỏ bé tiện lợi mà đầy đủ mọi công năng sử dụng.

Quay lại với Pak Sudarno, người thu nhặt rác đến từ khu ổ chuột Cica Das, Indonesia, cũng là người cho đứa con út học tiếp cấp 2 chỉ vì theo ông đó là một ván bài đáng đặt cược. Ông ta có chín đứa con và rất đông cháu nội ngoại. Khi được hỏi liệu ông có hạnh phúc với con đàn cháu đống như vậy, người đàn ông này quả quyết “chắc chắn rồi.” Ông giải thích rằng với 9 đứa con, ông có thể đảm bảo ít ra sẽ có vài đứa lớn khôn tử tế và chăm sóc ông khi đến tuổi về già. Nhưng rõ ràng đông con hơn cũng đồng nghĩa với rủi ro sẽ có ít nhất một đứa gặp vấn đề gì đó. Thực tế là một trong 9 đứa con của Pak Sudarno bị trầm cảm nghiêm trọng và đã mất tích cách đây 3 năm. Ông phiền não về chuyện đó nhưng vẫn cảm thấy được an ủi nhờ 8 đứa con còn lại.

Các bậc cha mẹ từ những nước giàu không cần suy nghĩ về những điều này vì họ có nhiều cách khác để đối phó với tuổi già xế bóng. Đã có chương trình An sinh Xã hội, quỹ tương hỗ và chính sách hưu trí. Còn có bảo hiểm y tế, công hoặc tư. Chúng tôi sẽ bàn sâu hơn trong những chương tiếp theo về lý do tại sao những người như ông Pak Sudarno không thể tiếp cận với những giải pháp nêu trên. Ở thời điểm này, từ những gì chúng tôi quan sát được, chuyện con cái (và các thành viên gia đình khác gồm anh chị em ruột, anh chị em họ hàng, v.v…) phụng dưỡng cha mẹ khi về già hoặc khi hoạn nạn ốm đau là chuyện vô cùng tự nhiên đối với hầu hết người nghèo trên thế giới. Chẳng hạn ở Trung Quốc, năm 2008 hơn một nửa người già sống với con cái, con số này tăng lên 70% đối với những người có 7 – 8 đứa con (trước khi áp dụng chương trình kế hoạch hóa gia đình, khi chính phủ vẫn cho phép sinh nhiều con).[187] Cha mẹ già cũng thường xuyên nhận hỗ trợ tiền bạc từ con cái, đặc biệt là con trai. chừng mực nào đó, nếu con cái được xem là một dạng của để dành cho tương lai xa, thì khi sinh ít con hơn người ta sẽ phải tiết kiệm tiền nhiều hơn. Trung Quốc với chính sách giảm sinh do chính phủ thực thi là ví dụ trần trụi nhất cho hiện tượng này. Sau khi thực hiện khuyến khích tăng dân số ngay sau cách mạng thành công, Trung Quốc bắt đầu khuyến khích kế hoạch hóa gia đình vào năm 1972, tiếp theo đó đưa vào áp dụng chính sách một con vào năm 1978. Abhijit cùng với hai đồng nghiệp gốc Trung Quốc là Nancy Qian (là con một và được sinh ra trong thời kỳ chính sách một con) và Xin Meng (lớn lên trong gia đình có 4 anh chị em và ra đời trước khi chính sách này bắt đầu) đã kiểm tra tỉ lệ tiết kiệm thay đổi ra sao sau khi áp dụng kế hoạch hóa gia đình.[188] Những hộ gia đình sinh con đầu lòng sau năm 1972 trung bình có ít hơn 1 con so với những người có con trước năm 1972, và tỉ lệ tiết kiệm của họ cao hơn khoảng 10%. Kết quả này chỉ ra 1/3 mức tăng đột biến của tỉ lệ tiết kiệm ở Trung Quốc trong ba thập niên vừa qua (tỉ lệ tiết kiệm của hộ gia đình tăng từ 5% năm 1978 lên tới 34% năm 1994) là do tỉ lệ sinh giảm sút dưới tác động của các chính sách kế hoạch hóa gia đình. Tác động này đặc biệt mạnh mẽ đối với những hộ gia đình có con đầu lòng là con gái chứ không phải con trai, tương ứng với quan niệm con trai mới là người có thể chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ.

Tác động rất to lớn này không có gì khó hiểu vì chương trình “thử nghiệm” ở Trung Quốc khá là khắc nghiệt: Kích cỡ gia đình giảm mạnh, đột ngột và không hề mang tính tự nguyện. Tuy nhiên điều tương tự cũng xảy ra tại khu vực can thiệp của chương trình Matlab ở Bangladesh. Đến năm 1996, những gia đình tại địa phương được cung cấp đầy đủ các biện pháp ngừa thai có nhiều tài sản của cải (trang sức, đất đai, gia súc, nhà ở khang trang) hơn hẳn những gia đình tại địa phương không sẵn có các biện pháp ngừa thai. Hộ gia đình trong khu vực can thiệp giàu có hơn hộ gia đình trong khu vực chứng bình quân khoảng 55,000 taka (tương đương 3,600 đô la Mỹ, gấp đôi GDP tính trên đầu người của Bangladesh). Người ta cũng tìm thấy mối liên hệ giữa tỉ lệ sinh và số tiền con cái biếu cha mẹ: Bình quân những người trong khu vực can thiệp nhận được ít hơn 2,416 taka từ con cái mỗi năm.[189]

Quan hệ thay thế qua lại giữa kích cỡ gia đình và tiền tiết kiệm phần nào lý giải được phát hiện thú vị mà chúng tôi tìm thấy: có ít con hơn không có nghĩa là con cái sẽ khỏe mạnh và học hành tử tế hơn. Khi cha mẹ sinh ít con hơn và không hề trông chờ sau này sẽ được nhờ từ con cái, đương nhiên họ sẽ dành dụm nhiều hơn cho tương lai và rút bớt từ khoản tiền đáng ra dành để chăm lo cho con. Trong thực tế cho dù đầu tư vào con trẻ có suất sinh lời cao hơn đầu tư vào tài sản tài chính (suy cho cùng nuôi ăn một đứa trẻ cũng không quá tốn kém) thì xét trong suốt quãng đời còn lại, vẫn có khả năng các gia đình sinh ít con sẽ nghèo đi.

Lô gic này cũng chỉ ra rằng nếu phụ huynh quan niệm con gái không phụng dưỡng cha mẹ chu đáo như con trai thì họ sẽ ít quan tâm chăm sóc con gái hơn. Tâm lý không trông mong này có thể xuất phát từ thực tế cha mẹ phải tốn kém của hồi môn để gả chồng cho con gái, cũng có thể vì quan niệm con gái lấy chồng như bát nước đổ đi, một khi đã lập gia đình sẽ bị phụ thuộc kinh tế vào người chồng. Các gia đình không chỉ quyết định sinh bao nhiêu con cho hợp lý mà còn lựa chọn giới tính của con. Chúng ta vẫn nghĩ giới tính thai nhi là chuyện không thể can thiệp nhưng thực tế không phải vậy. Nạo phá thai là biện pháp lựa chọn giới tính khá phổ biến và cực kỳ rẻ tiền. Ngày nay cha mẹ có quyền quyết định giữ lại hay phá bỏ thai nhi khi biết giới tính là nữ. Dọc dải phân cách của các tuyến đường chính tại Dehli, dễ dàng bắt gặp những tờ rơi quảng cáo dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi (bất hợp pháp) với nội dung như sau: “Bỏ ra 500 rupi ngay bây giờ để tiết kiệm 50,000 rupi về sau” (cho của hồi môn). Thậm chí trước khi có công nghệ phá thai lựa chọn giới tính, ở những nơi trẻ em dễ tử vong nếu không được điều trị bệnh đúng cách, người ta vẫn luôn có cách loại bỏ đứa con không mong muốn bằng cách vô tình hay cố ý không quan tâm đến nó.

Ngay cả khi trẻ không chết trước hay sau khi sinh, nếu cha mẹ mong có con trai hơn thì họ sẽ tiếp tục đẻ cho đến khi có con trai mới thôi. Điều này có nghĩa các em gái thường lớn lên trong gia đình đông anh em hơn và không thực sự được chào đón trong chính gia đình mình. Ở Ấn Độ, bé gái sơ sinh bị cai sữa sớm hơn bé trai, đồng nghĩa với việc phải uống nước sớm hơn và nhiều nguy cơ tiếp xúc với bệnh tật nguy hiểm chết người do nguồn nước không đảm bảo, chẳng hạn bệnh tiêu chảy.[190] Thật không ngờ được tác dụng ngừa thai của việc cho con bú lại bị tận dụng theo cách này. Sau khi sinh con gái (đặc biệt là con gái đầu lòng), cha mẹ thường muốn cai sữa cho đứa trẻ sớm để người vợ nhanh chóng mang thai trở lại.

Dù nguyên nhân chính xác của vấn nạn trọng nam khinh nữ (hay thai nhi nữ) là gì đi nữa thì vẫn tồn tại thực tế rằng, hiện nay thế giới có ít phụ nữ hơn so với dự đoán của ngành sinh học con người. Vào những năm 1980, trong một bài báo trên tờ New York Review Of Books mà ngày nay đã trở nên kinh điển, Amartya Sen tính toán rằng thế giới “thiếu” 100 triệu phụ nữ.

Kết luận này được đưa ra từ khi chưa xuất hiện công nghệ phá thai để chọn giới tính. Và ngày nay tình trạng thiếu nữ giới đang ngày càng trầm trọng hơn. Tại một số địa phương ở Trung Quốc, tỉ lệ nam nữ ngày nay là 124 nam trên 100 nữ. Trong giai đoạn 1992-2001 (năm điều tra dân số gần đây nhất ở Ấn Độ), tỉ lệ nam nữ dưới 7 tuổi tăng từ 105,8 lên 107,8 trên 100 nữ. Năm 2001, tại Punjab, Haryana và Gujarat, ba bang giàu nhất Ấn Độ đồng thời cũng là những nơi nạn trọng nam khinh nữ trầm trọng hơn cả, tỉ lệ nam nữ lần lượt là 126,1, 122,0 và 113,8 nam trên 100 nữ.[192] Thậm chí nếu chỉ dựa vào số liệu tự báo cáo vốn không phản ánh được thực trạng phá thai, thì số ca phá thai vẫn đặc biệt cao ở những bang nói trên. Tại những gia đình đã có hai con gái, 6,6% số ca mang thai kết thúc do sảy thai và 7,2% do phá thai “tự nguyện”.

Hiện tượng này ít trầm trọng hơn ở những nơi con gái “có giá” hơn trên thị trường hôn nhân hay thị trường lao động. Ở Ấn Độ, con gái không được kết hôn với người cùng làng. Thông thường các cô gái sẽ được gả chồng và chuyển đến sống tại một số vùng nhất định, không quá gần cũng không quá xa ngôi làng đang ở. Kết quả là có thể quan sát được tình hình khi kinh tế tăng trưởng tại khu vực “tích tụ” hôn nhân này, từ đó dễ dàng lựa chọn gia đình giàu có để gả con gái. Andrew Foster và Mark Rosenzweig nghiên cứu vấn đề này và phát hiện thấy tỉ lệ tử vong ở nam nữ bớt chênh lệch khi triển vọng hôn nhân tươi sáng hơn cho con gái; ngược lại, nếu tăng trưởng kinh tế làm tăng giá trị đầu tư cho con trai (vì con trai sẽ ở lại nhà sống cùng cha mẹ) thì tỉ lệ tử vong ở trẻ em trai và gái sẽ ngày càng chênh lệch.[193]

Ví dụ sinh động nhất minh họa cho cách gia đình cư xử với con gái tùy theo giá trị tương đối của con gái và con trai có lẽ là ở Trung Quốc, một trong những quốc gia có tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng nhất. Suốt thời kỳ Mao Trạch Đông cầm quyền, mục tiêu sản xuất nông nghiệp kế hoạch hóa tập trung chủ yếu hướng vào các mặt hàng lương thực chủ lực. Đến những năm đầu của thời kỳ đổi mới (1978-1980), các hộ gia đình được cho phép sản xuất hoa màu, bao gồm trà và cây ăn quả. Trong lĩnh vực sản xuất trà, phụ nữ thường có ích hơn nam giới vì trà phải được hái nhẹ nhàng bằng tay. Ngược lại, đàn ông có ích hơn phụ nữ trong lĩnh vực trồng trọt cây ăn quả vì công việc này đòi hỏi mang vác nặng nhọc. Nancy Qian đã chỉ ra rằng khi so sánh trẻ em được sinh ra trước và sau thời kỳ đổi mới, số em gái ở các khu vực trồng trà (đồi núi và mưa nhiều) tăng lên, nhưng giảm ở những địa phương thích hợp cho việc trồng cây ăn quả.[194] Tại những nơi không đặc biệt thích hợp cho trà hay cây ăn quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp tăng đều bất kể giới tính nam nữ thì cơ cấu giới tính của trẻ em không có gì thay đổi.

Tất cả những điều này nêu bật lên vấn đề bạo hành, cả chủ động lẫn thụ động, vốn tiềm tàng trong gia đình truyền thống. Mãi đến gần đây người ta mới thực sự quan tâm còn trước đó hầu hết (không phải tất cả) các nhà kinh tế đều thờ ơ với vấn đề này. Tuy nhiên phần đông chúng ta đều trông chờ vào tấm lòng của người làm cha làm mẹ. Chúng ta hy vọng con trẻ sẽ được cha mẹ nuôi nấng, cho đến trường, cho tiếp xúc với môi trường xung quanh cũng như được chăm sóc chu đáo. Nhưng vẫn còn đó những người cha người mẹ cố tình để mặc con mình chết. Vậy có thể tin tưởng cha mẹ sẽ hết lòng nuôi dưỡng con cái đến đâu?

GIA ĐÌNH

Gia đình không phải là một cá nhân, nhưng để tiện lợi khi mô hình hóa, các nhà kinh tế học thường làm ngơ với thực tế khá phiền phức đó. Dân nghiên cứu chúng tôi nhìn nhận gia đình như một “đơn vị” và giả định mỗi khi đi đến một quyết định nào đó gia đình cũng không khác cá nhân. Người đứng đầu gia đình với quyền huynh thế phụ trong tay sẽ thay mặt vợ con quyết định chuyện mua gì, đứa con nào được đi học và học đến lớp mấy, di chúc gì cho ai v.v… Có thể người cha cũng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những thành viên khác trong gia đình, nhưng rõ ràng quyền hành trong tay ông là tuyệt đối. Tuy nhiên hẳn ai trong chúng ta cũng có gia đình và cũng biết gia đình không vận hành theo cách đó. Kiểu đơn giản hóa gia đình như một cá thể dễ khiến người ta có cái nhìn sai lệch về động lực nội tại phức tạp của kết cấu gia đình, dẫn đến nhiều hệ lụy trầm trọng về mặt chính sách. Chẳng hạn việc đưa tên người vợ vào giấy xác nhận quyền sở hữu tài sản có tác động không nhỏ đến quyết định sinh sản, không phải vì nó tác động đến mong muốn sinh con của người vợ mà vì nhờ đó, tiếng nói của người vợ được quan tâm lắng nghe hơn.

Nhận ra những mô hình đơn giản đều không tính đến các khía cạnh quan trọng trong cách vận hành của một gia đình, những năm 1980 và 1990 người ta tiến hành đánh giá lại kết quả nghiên cứu.[195] Việc ra quyết định của gia đình là kết quả của quá trình thỏa thuận giữa các thành viên trong nhà (hay ít nhất là giữa cha mẹ với nhau). Hai bên thương lượng về chuyện mua sắm những gì, đi nghỉ lễ ở đâu, ai phải làm việc trong bao lâu và sinh bao nhiêu con là đủ, miễn sao lợi ích của cả hai được đáp ứng càng nhiều càng tốt. Nói cách khác, ngay cả khi vợ chồng bất đồng quan điểm trong chuyện chi tiêu, hai người vẫn có thể đi đến quyết định cuối cùng nếu quyết định đó làm hài lòng một bên và không phương hại đến lợi ích của bên còn lại. Người ta thường gọi đây là mô hình “hộ gia đình hiệu quả”. Nó chỉ ra một đặc trưng của kết cấu gia đình, đó là suy cho cùng các thành viên không phải là những người xa lạ mới gặp nhau hôm qua, mà được gắn kết với nhau lâu dài. Vì thế cho nên các thành viên trong gia đình (vì lợi ích của chính mình) có thể ngồi xuống cùng thảo luận mọi chuyện nhằm đảm bảo đưa ra quyết định tốt nhất cho cả gia đình. Ví dụ như nếu gia đình có một công việc kinh doanh nào đó (có thể là một nông trại hay một doanh nghiệp nhỏ) thì trước hết người ta sẽ cố gắng kiếm càng nhiều tiền càng tốt, sau đó mới tính đến chuyện chia tiền lời.

Christopher Udry kiểm chứng giả thuyết này tại khu vực nông thôn Burkina Faso, nơi mà mỗi thành viên trong gia đình (vợ chồng, hoặc những người vợ) làm đồng trên những thửa ruộng riêng rẽ.[196] Trong phạm vi một hộ gia đình hiệu quả, tất cả đầu vào (nhân công lao động, phân bón, v.v…) nên được phân bổ đồng đều để tối đa hóa tổng thu nhập của gia đình. Dữ liệu thu được hoàn toàn bác bỏ giả thuyết này: Trong thực tế những mảnh ruộng do phụ nữ cày cấy đồng loạt bị phân bổ ít phân bón hơn, ít nhân công lao động hơn so với ruộng của cánh đàn ông. Kết quả là sản lượng trồng trọt đồng loạt thấp hơn so với mức có thể đạt được. Bón thêm một ít phân có thể làm tăng sản lượng lên đáng kể, nhưng bón quá nhiều vượt mức ban đầu lại không mấy tác dụng. Tốt nhất là bón thêm một ít phân cho mọi thửa ruộng thay vì quá nhiều phân cho một thửa duy nhất. Nhưng người dân Burkina Faso hầu hết lại sử dụng phân bón cho thửa ruộng của người chồng. Nếu phân bổ thêm một ít phân bón cộng với một ít nhân công lao động cho thửa ruộng của người vợ thì sản lượng của hộ gia đình có thể đã tăng thêm 6% mà không cần tốn thêm tiền. Những hộ gia đình trong nghiên cứu trên đây đều đã quăng tiền qua cửa sổ chỉ vì họ không thống nhất được cách sử dụng nguồn lực của gia đình một cách hợp lý nhất.

Nguyên nhân khá rõ ràng: Mặc dù là người nhà với nhau nhưng chi dùng của vợ chồng lại khác nhau tùy vào loại hoa màu do người chồng hay người vợ trồng trọt được.[197] Theo tập quán trước nay ở Côtre d’Ivoire, phụ nữ và đàn ông gieo trồng các loại cây trồng khác nhau. Đàn ông trồng cà phê và ca cao trong khi phụ nữ trồng chuối, rau và các cây lương thực chủ lực khác. Thời tiết cũng tác động khác nhau đến mùa vụ: Lượng mưa có khi đem đến mùa màng bội thu cho người chồng và thất bát cho người vợ. Trong một nghiên cứu hợp tác với Udry, Esther phát hiện thấy khi cánh đồng của người chồng được mùa màng bội thu, chi dùng cho rượu bia, thuốc lá và các mặt hàng xa xỉ phẩm dành cho đàn ông (chẳng hạn áo quần truyền thống) tăng lên. Khi người vợ được mùa, cô ta không chỉ chi tiêu cho nhu cầu cá nhân mà còn mua sắm thêm nhiều thực phẩm cho gia đình. Điều kỳ lạ từ kết quả nghiên cứu này là: dường như vợ chồng không “bảo hiểm” cho nhau. Xác định sẽ sống với nhau lâu dài, đáng ra khi vụ mùa bội thu người chồng nên tặng vợ một vài món đồ để bù lại những khoản chi dùng tăng thêm cho cá nhân anh ta mỗi khi thời tiết thuận lợi hơn trên cánh đồng của người vợ. Kiểu dàn xếp bảo hiểm không chính thức này không hiếm gặp giữa các hộ gia đình thuộc cùng nhóm dân tộc ở Côtre d’Ivoire,[198] vậy thì vì cớ gì cơ chế này không hoạt động trong nội bộ một hộ gia đình?

Một phát hiện ở Côtre d’Ivoire đã phần nào lý giải được hiện tượng nói trên. Người ta tìm thấy “thành viên” thứ ba có vai trò quyết định trong gia đình. Đó chính là khoai mỡ, một loại cây lương thực địa phương giàu chất dinh dưỡng và dễ cất trữ. Khoai mỡ thường do cánh đàn ông gieo trồng. Nhưng như nhà nhân chủng học người Pháp Claude Meillassoux từng giải thích, người chồng không tùy tiện bán loại cây lương thực này để lấy tiền tiêu xài.[199] Khoai mỡ là kế sinh nhai cơ bản của mỗi hộ gia đình.

Người ta bán khoai mỡ chỉ để chi trả học phí hay chi phí thuốc men cho con cái, chứ không dùng để mua sắm áo quần hay thuốc lá. Và thực tế là khi khoai mỡ được mùa, không có gì ngạc nhiên nếu gia đình không chỉ ăn nhiều khoai hơn mà còn mua sắm thêm nhiều thực phẩm và chăm lo cho chuyện học hành của con cái hơn. Khoai mỡ đảm bảo mỗi thành viên trong gia đình được ăn uống đầy đủ và học hành tử tế hơn.

Do đó, đặc trưng của gia đình không phải là ở khả năng thương lượng hiệu quả giữa các thành viên, mà ngược lại chính là cách các thành viên cư xử dựa theo những luật bất thành văn được xã hội công nhận, chẳng hạn “Cha mẹ không có quyền bán khoai mỡ dành cho con cái để mua giày Nike”. Những luật đơn giản này đảm bảo quyền lợi của từng thành viên mà không cần tranh cãi gì thêm. Cách nhìn nhận này có thể áp dụng cho nhiều kết quả nghiên cứu khác. Khi phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn từ cánh đồng của mình, cả gia đình sẽ được ăn uống đầy đủ hơn. Hiện tượng này là kết quả của một luật khác mà Meillassoux đã mô tả: Phụ nữ là người phải lo chuyện ăn uống trong gia đình; người chồng đưa cho người vợ một khoản tiền cố định, nhưng làm thế nào để nuôi sống gia đình với số tiền hạn hẹp đó lại là trách nhiệm của người vợ.

Vậy thì gia đình gắn bó với nhau không phải vì các thành viên hòa hợp, cũng không phải nhờ vào khả năng chia đều nguồn lực và trách nhiệm một cách hiệu quả, mà là bởi một “thỏa thuận” đơn sơ không hoàn chỉnh và thường quy định trách nhiệm của các thành viên một cách “lỏng lẻo”. Thỏa thuận này được củng cố hiệu lực bằng áp lực xã hội vì khi thương lượng thỏa thuận, vị thế giữa con cái với cha mẹ, vợ với chồng không ngang hàng, nhưng lợi ích xã hội thu được của tất cả các thành viên lại dựa trên việc phân bổ nguồn lực đồng đều. Bản chất thiếu hoàn chỉnh của thỏa thuận gia đình này đưa đến không ít khó khăn khi thực hiện những vấn đề quá phức tạp. Chẳng có cách nào đảm bảo cha mẹ cho con cái ăn khoai đủ no, nhưng xã hội có thể trừng phạt hay lên án các bậc cha mẹ bán khoai mỡ để mua giày thể thao.

Vấn đề đặt ra với những luật lệ có hiệu lực thi hành phụ thuộc vào chuẩn mực xã hội là: chuẩn mực thường biến đổi chậm chạp, do đó luôn có nguy cơ những luật lệ này hoàn toàn không phù hợp với thực tế, và đôi khi đưa đến những hệ lụy đau lòng. Năm 2008 chúng tôi gặp một cặp vợ chồng trung niên ở Indonesia. Họ sống trong một ngôi nhà nhỏ xây bằng tre nứa. Ngay sát bên là một ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát hơn và được xây bằng bê-tông. Đó là ngôi nhà của đứa con gái đang làm người giúp việc ở Trung Đông. Cặp vợ chồng rõ ràng sống trong hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ: Người chồng bị ho liên tục và những cơn đau đầu triền miên không dứt khiến ông chẳng thể làm lụng gì được. Ông cũng không đủ tiền để đi khám bác sĩ. Đứa con nhỏ của cặp vợ chồng phải nghỉ học giữa chừng sau khi tốt nghiệp cấp 2 vì ông bà chẳng thể lo đủ tiền cho con đi xe buýt. Đứa cháu gái 4 tuổi đột ngột xuất hiện khi chúng tôi đang trò chuyện. Đứa trẻ rõ ràng trông rất khỏe mạnh, được ăn uống no đủ và ăn mặc tinh tươm trong một chiếc váy rất xinh và đôi giày phát sáng mỗi lúc đứa bé chạy nhảy. Hóa ra ông bà phải chăm sóc đứa cháu gái khi con gái đi làm xa. Mẹ đứa bé vẫn gửi tiền về nhà, nhưng chỉ đủ dùng cho đứa bé chứ không dư một đồng nào cho ông bà. Dường như những người này đều là nạn nhân của một chuẩn mực xã hội cổ hủ và không công bằng. Con gái đã về nhà chồng sẽ không có nghĩa vụ phải chăm sóc cha mẹ già yếu, còn ông bà vẫn cảm thấy có nghĩa vụ phải chăm sóc cháu mình.

Mặc dù kết cấu gia đình vẫn còn nhiều hạn chế như thế nhưng xã hội vẫn chưa có mô hình nào khả dĩ hơn. Và trong tương lai có thể những chương trình hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế sẽ giúp giải phóng người già ở các nước đang phát triển khỏi tâm lý phụ thuộc con cái lúc về già, nhưng rõ ràng điều này chưa hẳn khiến người già (hay con cháu) cảm thấy hạnh phúc hơn. Chính sách đặt ra không phải để thay thế gia đình, mà để hoàn chỉnh chức năng của gia đình và bảo vệ từng thành viên không bị lạm dụng. Và chỉ trên cơ sở những hiểu biết đúng đắn về cách gia đình vận hành ta mới có thể hoạch định chính sách hiệu quả.

Chẳng hạn, hiện nay nhiều nơi đã công nhận những chương trình hỗ trợ công cung cấp tiền cho người mẹ, như chương trình PROGRESA ở Mexico, hiệu quả hơn nhiều so với những chương trình đầu tư trực tiếp cho trẻ em. Ở Nam Phi, sau khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chấm dứt, đàn ông trên 65 tuổi và phụ nữ trên 60 tuổi không có chương trình hưu trí tư nhân sẽ được nhận một khoản lương hưu hậu hĩnh từ chính phủ. Nhiều người già là đối tượng của chương trình và đang sống cùng với con cháu, nên tiền được chia cho các thành viên trong nhà. Nhưng chỉ khi người bà sống cùng với cháu gái thì đứa cháu mới được hưởng lợi: Những bé gái đó thường ít bị suy dinh dưỡng thể còi cọc. Còn lương hưu cho người ông không hề có tác dụng như vậy. Ngoài ra, tác động kể trên chỉ thể hiện nếu người nhận được lương hưu là bà ngoại của đứa trẻ.[200]

Với những bằng chứng trên đây sẽ không ít người cho rằng đàn ông quá ích kỷ so với phụ nữ. Nhưng cũng có thể nguyên nhân là do chuẩn mực và kỳ vọng xã hội tác động đến việc ra quyết định trong gia đình. Dường như luôn có áp lực vô hình buộc phụ nữ phải lo toan cho gia đình khi nhận được tiền từ trên trời rơi xuống. Không ai mong chờ điều đó từ đàn ông. Nếu đúng đây là nguyên nhân thì không chỉ chuyện ai có tiền mà có bằng cách nào cũng rất quan trọng. Có thể phụ nữ cảm thấy tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt không cần phải “dành hết cho” gia đình hay con cái. Nghịch lý là nhờ dựa vào vai trò truyền thống của phụ nữ trong gia đình mà các chính sách công thu được ít nhiều kết quả tích cực bằng cách trao quyền cho phụ nữ.

Bây giờ chúng ta cùng quay trở lại với câu hỏi liệu người nghèo có thực sự muốn gia đình đông con. Ông Pak Sudarno muốn sinh chín đứa con. Gia đình đông đúc của ông không phải là hệ quả của việc thiếu kiểm soát, thiếu các biện pháp ngừa thai hay do áp lực xã hội (mặc dù nguyên nhân khiến ông đi đến quyết định này có thể ít nhiều liên quan đến chuẩn mực xã hội; vợ ông không chia sẻ liệu bà có muốn nhiều con như vậy hay không). Nhưng đồng thời ông lại tin rằng vì đông con mà gia đình ông rơi vào tình trạng nghèo đói. Vậy có lẽ ông thực sự không “muốn” có nhiều con đến thế. Ông muốn sinh chín đứa con chỉ vì không còn cách nào khác đảm bảo sẽ có ít nhất một đứa sau này chăm sóc ông. Trong hoàn cảnh lý tưởng, hẳn ông đã sinh ít con hơn và cố gắng nuôi dạy chúng đàng hoàng hơn nếu không phải phụ thuộc vào con cái lúc về già.

Mặc dù nhiều người già ở Mỹ mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho con cháu (ít ra trong phim truyền hình thì như vậy), nhưng việc có thể sống độc lập, một phần nhờ vào chương trình An sinh Xã hội và Bảo hiểm Y tế, cũng có ý nghĩa rất lớn đối với lòng tự trọng và cái tôi của họ. Họ không cần phải sinh nhiều con để đảm bảo sẽ có ai đó chăm sóc lúc về già. Họ có thể sinh bao nhiêu con tùy thích và thậm chí nếu không có đứa con nào sẵn lòng hay có khả năng chăm sóc, họ vẫn còn lựa chọn cuối cùng là các chương trình phúc lợi công cộng.

Vì vậy có lẽ chính sách dân số hiệu quả nhất là chính sách làm sao người ta không cảm thấy cần phải sinh quá nhiều con (đặc biệt là quá nhiều con trai). Những hệ thống an sinh xã hội hiệu quả (ví dụ như bảo hiểm y tế hay hưu trí dành cho người già) hay hệ thống tích lũy tài chính tạo điều kiện tiết kiệm có lãi cho lúc về hưu sẽ giúp giảm tỉ lệ sinh đáng kể và cũng phần nào giải quyết nạn trọng nam khinh nữ. Trong phần hai của cuốn sách, chúng tôi sẽ bàn về cách thực hiện điều này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.