Hiểu Nghèo Thoát Nghèo

PHẦN I: NHỮNG MẢNH ĐỜI RIÊNG – 1. NGHĨ NỮA, NGHĨ NỮA ĐI



Mỗi năm có 9 triệu trẻ em chết trước khi tròn 5 tuổi[3]. Cứ 30 phụ nữ châu Phi vùng cận Sahara thì có 1 người có nguy cơ tử vong trong khi sinh con – tỉ lệ này ở các nước phát triển là 1/5,600. Ở ít nhất hai mươi lăm quốc gia, hầu hết là các nước châu Phi thuộc khu vực cận Sahara, một người bình thường không mong sống quá được tuổi 55. Chỉ riêng ở Ấn Độ, có đến 50 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học không biết đọc những câu chữ thông thường[4].

Đoạn trên đây có thể khiến bạn muốn gập sách lại, và hay nhất là quên hẳn luôn câu chuyện đói nghèo trên thế giới: Vấn đề dường như quá to tát, quá trầm kha. Mục tiêu của chúng tôi thông qua cuốn sách này là thuyết phục bạn không làm như vậy.

Một cuộc thử nghiệm gần đây tại trường Đại học Pennsylvania đã chỉ rõ chúng ta dễ bị choáng ngợp ra sao trước những vấn đề nghiêm trọng[5]. Các nhà nghiên cứu phát cho mỗi sinh viên năm đôla để họ trả lời một phiếu khảo sát ngắn. Sau đó họ cho những sinh viên này xem một tờ rơi và yêu cầu quyên góp số tiền đó cho Save the Children, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất trên thế giới. Có hai loại tờ rơi. Một vài sinh viên (lựa chọn ngẫu nhiên) được cho xem nội dung như sau:

Thiếu hụt lương thực ở Malawi đang ảnh hưởng tới hơn 3 triệu trẻ em; Ở Zambia, tình trạng khô hạn nghiêm trọng đã làm sụt giảm 42% sản lượng ngô từ năm 2000. Kết quả là ước khoảng ba triệu người Zambia sẽ đối mặt với nạn đói; Bốn triệu người Angola – một phần ba dân số quốc gia này – bị buộc phải rời khỏi ngôi nhà của mình; Hơn 11 triệu người Ethiopia cần được hỗ trợ lương thực tức thời.

Nhóm sinh viên khác được cho xem tờ rơi có hình một bé gái với nội dung như sau:

Bé Rokia, 7 tuổi, quê ở Mali châu Phi, đang sống trong tình trạng bần cùng, nguy cơ đói ăn nghiêm trọng, thậm chí có thể chết đói. Số tiền đóng góp của bạn sẽ mang lại cho em một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với sự chung tay góp sức của bạn và các nhà tài trợ hảo tâm, Save the Children sẽ cùng với gia đình Rokia và những thành viên trong cộng đồng cung cấp thực phẩm, điều kiện giáo dục cũng như chăm sóc sức khỏe cơ bản và các chương trình giáo dục vệ sinh thường thức cho em.

Tờ rơi đầu tiên quyên góp được trung bình 1,16 đô la mỗi sinh viên. Tờ rơi thứ hai, trong đó hoàn cảnh của hàng triệu con người được thể hiện thông qua hoàn cảnh của một cá nhân cụ thể, quyên được trung bình 2,83 đô la. Dường như những sinh viên này sẵn lòng gánh lấy trách nhiệm giúp đỡ Rokia, nhưng lại cảm thấy nản lòng khi đối mặt với một vấn đề có quy mô toàn cầu.

Một nhóm sinh viên khác, cũng được lựa chọn ngẫu nhiên, được nhắc nhở trước rằng con người dễ dàng quyên tiền giúp đỡ một đối tượng xác định hơn là khi đứng trước những thông tin chung chung. Sau đó, người ta cho nhóm sinh viên này xem hai tờ rơi nói trên. Những sinh viên được cho xem tờ rơi đầu tiên quyên góp cho Zambia, Angola và Mali số tiền ngang ngửa số quyên được khi không có lời nhắc nhở – 1,26 đô la. Những người được xem tờ rơi thứ hai chỉ đóng góp 1,36 đô la cho Rokia dù đã được nhắc nhở từ trước, ít hơn một nửa so với số tiền thu được khi không hề có lời nhắc nào. Khi được khuyến khích suy nghĩ lại, những sinh viên này ít hào phóng với Rokia, nhưng lại chẳng hề hào phóng hơn với những số phận khác ở Mali.

Cách hành xử của các sinh viên nói trên cũng là phản ứng điển hình của hầu hết chúng ta khi phải đối mặt với những vấn đề như đói nghèo. Đầu tiên theo bản năng, ta thấy cần tỏ ra rộng lượng, đặc biệt khi biết một bé gái bảy tuổi đang trong tình trạng ngặt nghèo. Nhưng, cũng như những sinh viên nói trên, suy nghĩ tiếp theo của chúng ta thường sẽ là: “Chẳng ích gì đâu, đóng góp của chúng ta chỉ như muối bỏ bể, mà bể thì mênh mông.” Cuốn sách này là lời kêu gọi chúng ta hãy nghĩ nữa, nghĩ nữa đi: để thoát khỏi cảm giác cuộc chiến chống đói nghèo là cuộc chiến quá sức, và để bắt đầu coi những thách thức đói nghèo như tập hợp gồm những vấn đề rất cụ thể, mà nếu được nhìn nhận và hiểu đúng đắn, thì có thể sẽ được lần lượt giải quyết.

Rất tiếc đây không phải là cách mà người ta thường tranh luận về đề tài đói nghèo. Thay vì thảo luận làm sao để phòng chống tốt nhất bệnh tiêu chảy hay sốt xuất huyết, đa phần các chuyên gia có tiếng nói lại có chiều hướng tập trung vào những “câu hỏi lớn”: Đâu là nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo? Cần đặt bao nhiêu lòng tin vào các thị trường tự do? Dân chủ có ích lợi gì cho người nghèo? Liệu viện trợ nước ngoài có đóng vai trò gì không? Và còn nhiều nữa.

Jeffrey Sachs, chuyên viên tư vấn Liên Hiệp Quốc, giám đốc Viện Trái đất tại Đại học Columbia thành phố New York, đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực, đưa ra câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này: Sở dĩ những nước nghèo ở trong tình trạng hiện tại là do khí hậu nóng, đất đai cằn cỗi, dịch sốt rét lây lan, và thường nằm sâu trong đất liền; điều này khiến những quốc gia này khó mà đạt năng suất cao nếu không nhận được đầu tư ban đầu lớn để giải quyết những vấn đề vốn có. Nhưng những quốc gia này lại không thể thanh toán được các khoản vay đầu tư đúng hẹn vì họ nghèo – thế là họ rơi vào tình trạng mà các nhà kinh tế học gọi là “bẫy nghèo”. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, thì dù áp dụng cơ chế thị trường tự do hay dân chủ cũng không giúp ích gì nhiều cho họ. Đây là lý do tại sao viện trợ nước ngoài là chìa khóa: Nó có thể khởi động một chu kỳ tích cực bằng cách giúp các nước nghèo đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu và đem lại lợi nhuận. Từ đó thu nhập cao hơn sẽ tạo ra nhiều đầu tư hơn nữa; vòng xoay lợi ích cứ thế tiếp diễn. Trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2005 của mình, The End of Poverty[6],[7] Sachs đưa ra luận điểm rằng nếu phần giàu có của thế giới chấp nhận cấp viện trợ 195 tỉ đô la mỗi năm trong giai đoạn từ 2005 đến 2025, thì tình trạng đói nghèo hẳn đã được loại trừ hoàn toàn vào cuối khoảng thời gian này.

Nhưng cũng có những chuyên gia có tiếng khác cho rằng tất cả những câu trả lời của Sachs đều sai. William Easterly, người đối đầu với Sachs hiện làm việc ở Đại học New York ở đầu kia quận Manhattan, đã trở thành một trong những nhân vật chống viện trợ có tầm ảnh hưởng lớn nhất, với hai cuốn sách được xuất bản The Elusive Quest for Growth[8][9] và The White Man’s burden[10][11]. Dambisa Moyo, nhà kinh tế học từng làm việc tại Goldman Sachs và tại World Bank, lên tiếng ủng hộ quan điểm của Easterly trong cuốn sách gần đây của bà, Dead Aid[12]. Cả hai đều cho rằng viện trợ ít tác dụng mà nhiều tác hại. Nó hạn chế người ta tìm kiếm giải pháp cho chính mình, đồng thời dẫn đến nạn tham nhũng và trục lợi ở các cơ quan địa phương, vô tình tạo ra hành lang tồn tại dai dẳng cho các tổ chức viện trợ. Lối thoát khả thi cho những nước nghèo căn cứ trên ý tưởng đơn giản này: Một khi thị trường tự do được và được kích thích hợp lý, người ta có thể tự tìm ra cách giải quyết cho những vấn đề của mình. Họ không cần của bố thí từ nước ngoài hay từ chính phủ của họ. Đứng ở phương diện này, những người bi quan về vấn đề viện trợ thực ra lại khá lạc quan về cách mà thế giới này vận hành. Theo Easterly, bẫy nghèo không tồn tại.

Chúng ta nên tin ai? Những người nói rằng viện trợ có thể giải quyết được vấn đề đói nghèo? Hay những người cho rằng nó chỉ làm tình hình xấu thêm? Về lý thuyết, cuộc tranh luận này không thể đi đến hồi kết: Chúng ta cần bằng chứng. Nhưng không may là loại dữ liệu được sử dụng để trả lời những câu hỏi lớn này lại không mấy tin cậy. Chẳng bao giờ thiếu những giai thoại có tính thuyết phục, và sẽ luôn tìm được ít nhất một câu chuyện hay ho để chứng minh cho một luận điểm bất kỳ. Chẳng hạn Rwanda nhận được rất nhiều tiền viện trợ trong nhiều năm sau nạn diệt chủng, và đã trở nên giàu có hơn. Hiện tại nền kinh tế nước này đang ngày càng phát triển. Tổng thống Paul Kagame bắt đầu thực hiện cắt giảm các nguồn viện trợ. Liệu có nên xem Rwanda là ví dụ cho ích lợi mà viện trợ có thể mang lại (như Sachs đã đề xướng), hay là hình tượng tiêu biểu cho quan điểm tự lực cánh sinh (như Moyo đã trình bày)? Hay là cả hai?

Vì không thể xác định rõ căn nguyên cội rễ trong những trường hợp đơn lẻ như Rwanda, nên hầu hết các nhà nghiên cứu thường tìm đến phương pháp so sánh đa quốc gia để làm sáng tỏ những câu hỏi lớn mang tính triết lý. Ví dụ, dữ liệu của vài trăm quốc gia trên thế giới cho thấy những quốc gia nhận nhiều viện trợ không tăng trưởng nhanh hơn những quốc gia khác. Quan sát này thường được lý giải như là bằng chứng cho thấy viện trợ không giúp ích gì, nhưng thực ra, điều này hoàn toàn có thể mang ý nghĩa ngược lại. Có lẽ viện trợ vẫn có ích trong việc phòng tránh các thảm họa nghiêm trọng, và tình hình sẽ tệ hơn nhiều nếu không có nguồn trợ giúp này. Chúng ta chẳng biết rõ điều gì, mà chỉ đang suy đoán trên một quy mô rất rộng.

Tuy nhiên nếu thực sự không có bằng chứng nào ủng hộ hay chống viện trợ, thì chúng ta nên làm gì – mặc kệ người nghèo chăng? Thật may là không cần phải lựa chọn cách bi quan như vậy. Có rất nhiều lời giải đáp, và toàn bộ cuốn sách này được trình bày theo hình thức một câu trả lời mở rộng, chỉ là nó không phải là kiểu câu trả lời một màu như Sachs hay Easterly đã đưa ra. Cuốn sách này không khẳng định viện trợ có tốt hay không, nhưng sẽ chỉ ra được trong từng trường hợp cụ thể viện trợ giúp ích được gì. Chúng tôi không đả động gì đến tác động của nền dân chủ nhưng sẽ đưa ra nhận định liệu có thể thực hiện dân chủ hiệu quả hơn ở khu vực nông thôn Indonesia bằng cách thay đổi cách thức tổ chức từ cấp cơ sở hay không, v.v…

Dù thế nào đi nữa, việc trả lời những câu hỏi lớn lao kia, chẳng hạn viện trợ nước ngoài có tác dụng hay không, không chắc là thực sự quan trọng như đôi khi chúng ta vẫn tưởng. Đối với người dân ở London, Paris, hay Washington DC – những người nhiệt tình giúp đỡ người nghèo (và cả những người không mấy thiết tha gì chuyện này) – thì viện trợ có vẻ như sự nghiệp gì đó rất to tát. Nhưng thật ra viện trợ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số tiền dành cho người nghèo mỗi năm. Hầu hết các chương trình hướng đến người nghèo trên thế giới được tài trợ bằng nguồn lực của chính các quốc gia đó. Chẳng hạn Ấn Độ về cơ bản không nhận bất kỳ khoản viện trợ nào. Trong giai đoạn 2004-2005, chỉ tính riêng các chương trình giáo dục tiểu học cho người nghèo, quốc gia này đã chi năm trăm tỉ rupi (tương đương[13] 31 tỉ đô la Mỹ)[14]. Ngay như châu Phi, nơi mà viện trợ nước ngoài có vai trò quan trọng hơn hẳn, thì tỉ lệ viện trợ chỉ chiếm 5,7% tổng ngân sách chính phủ năm 2003 (con số này là 12% nếu không tính Nigeria và Nam Phi, hai quốc gia lớn nhưng nhận rất ít viện trợ)[15].

Cuộc tranh luận không có hồi kết về chuyện đúng sai của viện trợ nước ngoài thường làm ẩn đi vấn đề thực sự, đó là nên tập trung suy xét tiền đầu tư đổ vào đâu, chứ không phải là tiền đến từ đâu. Vấn đề ở đây là cần chọn đúng loại dự án để tài trợ – thực phẩm cho người nghèo, lương hưu cho người già, hay bệnh xá cho người bệnh? – sau đó tìm ra cách vận hành nó tốt nhất. Chẳng hạn như có rất nhiều cách khác nhau để vận hành và bố trí nhân sự cho bệnh xá.

Nhưng chẳng ai phản đối chuyện dang tay giúp đỡ những người khốn cùng mỗi khi có cơ hội. Nhà triết học Peter Singer đã viết rằng ta có thể cứu một người không quen biết chỉ vì thôi thúc lương tâm. Ông cho rằng, hầu hết mọi người sẵn sàng hy sinh bộ đồ vét 1000 đô la Mỹ để cứu một đứa trẻ chết đuối trong ao[16], ông lập luận đứa trẻ chết đuối kia đâu có gì khác biệt so với chín triệu trẻ em chết trước khi tròn năm tuổi hàng năm. Nhiều người cũng sẽ đồng ý với quan điểm của Amartya Sen, nhà triết học – kinh tế học từng nhận giải Nobel. Ông cho rằng nghèo đói dẫn đến lãng phí năng lực trầm trọng, và đói nghèo không chỉ là thiếu thốn tiền bạc, mà còn là thiếu khả năng hiện thực hóa năng lực tiềm tàng của mỗi cá thể với tư cách một con người.[17] Dù có thông minh sáng dạ thì một bé gái nghèo khổ ở châu Phi cũng chỉ được cắp sách đến trường vài năm. Em cũng không được cung cấp đủ dinh dưỡng ngay cả khi em có tiềm năng để trở thành vận động viên cấp quốc tế, hoặc không đủ nguồn lực tài chính cho công việc kinh doanh mặc dù em có ý tưởng tuyệt vời.

Có thể số phận đáng thương này chẳng thể ảnh hưởng gì đến cuộc sống ở các nước phát triển, nhưng không hoàn toàn loại trừ khả năng bé gái này trong tương lai sẽ trở thành gái mại dâm nhiễm HIV dương tính, trực tiếp lây bệnh cho một du khách người Mỹ, và gián tiếp lây cho nhiều người khác. Cũng có thể trong cơ thể em sẽ phát triển một chủng lao kháng thuốc, và lây lan dịch bệnh sang châu Âu. Còn nếu em được đi học, biết đâu em sẽ trở thành người tìm ra phương thuốc chữa bệnh Alzheimer. Hay như Dai Manju, một thiếu niên Trung Quốc được đến trường nhờ lỗi đánh máy ở một ngân hàng. Cô bé này đã trở thành một nhà tài phiệt trong giới kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người (Nicholas Kristof và Sheryl Wudunn kể lại câu chuyện của em trong cuốn Half the Sky[18]).[19] Mà cho dù em không được thành công như thế, thì có lý do gì để không cho các em một cơ hội?

Bất đồng chủ yếu nảy sinh quanh vấn đề “Liệu ta có biết cách giúp đỡ người nghèo hiệu quả hay không?”. Điều cốt lõi trong lập luận của Singer là cách giúp đỡ cũng quan trọng như mong muốn giúp đỡ. Bất chấp bộ đồ vét đắt tiền nhảy xuống sông cứu người phỏng có ích gì khi ta không biết bơi? Đó là lý do Singer đã cất công nêu ra một danh sách cụ thể những điều bạn đọc nên nghe theo trong tác phẩm Life you Can Save[20]. Danh sách được thường xuyên cập nhật trên trang web của ông.[21] Kristof và WuDunn cũng ủng hộ quan điểm này khi cho rằng bàn về những vấn đề thời cuộc mà không đả động gì tới giải pháp thì chỉ mãi giậm chân tại chỗ chứ không giải quyết được gì.

Vì vậy sẽ rất có ích nếu chúng ta nhìn nhận từ góc độ những vấn đề cụ thể cùng với những câu trả lời cụ thể, thay vì sự giúp đỡ chung chung từ nước ngoài: “viện trợ cụ thể” chứ không nên là “gói cứu trợ hoành tráng”. Có thể lấy một ví dụ minh họa như sau, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết khiến 1 triệu người tử vong trong năm 2008, hầu hết là trẻ em châu Phi.[22] Chúng ta biết mùng tẩm hóa chất chống côn trùng có thể cứu sống những sinh mạng này. Các cuộc nghiên cứu cho thấy tại những khu vực có dịch sốt xuất huyết lây lan, thói quen ngủ trong mùng tẩm hóa chất giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh xuống còn một nửa.[23] Vậy thì đâu là cách tốt nhất đảm bảo trẻ em có mùng để ngủ?

Với khoảng 10 đô la Mỹ, mỗi hộ gia đình sẽ nhận một cái mùng chống côn trùng giao đến tận nhà và được hướng dẫn cách sử dụng. Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ nên cung cấp mùng miễn phí cho các bậc cha mẹ, hay nên yêu cầu những người này tự mua ở mức giá trợ cấp? Hay nên để họ mua với mức giá thị trường? Đây là những câu hỏi cần lời giải đáp, nhưng câu trả lời thì không hề rõ ràng chút nào. Nhiều “chuyên gia” quyết liệt bày tỏ quan điểm về vấn đề này ngay cả khi không đưa ra được bằng chứng nào.

Do sốt rét là bệnh truyền nhiễm, nên nếu em A ngủ mùng, thì em B sẽ ít nguy cơ bị lây hơn, và nếu ít nhất một nửa dân số sử dụng mùng ngủ, thì nguy cơ mắc sốt rét sẽ giảm nhiều cho cả những người không ngủ mùng.[24] Vấn đề là chưa đến 1/4 trẻ em có nguy cơ mắc sốt rét được sử dụng mùng ngủ[25]. Có lẽ 10 đô la là số tiền quá lớn với nhiều gia đình ở Mali hay Kenya. Nếu xét đến lợi ích cho người sử dụng mùng và những người xung quanh, thì giảm giá bán hay thậm chí cung cấp mùng ngủ miễn phí đều là ý kiến hay. Thực ra, phân phát mùng ngủ miễn phí là một trong những hoạt động được Peter Sachs ủng hộ. Easterly và Mojo phản đối với lý do người ta sẽ không đánh giá cao (do đó sẽ không sử dụng) mùng ngủ nếu được cung cấp miễn phí. Và dù họ có trân trọng việc làm đó thì có thể họ sẽ ỷ lại và không mua khi mùng ngủ không được miễn phí nữa, hoặc sẽ từ chối mua những vật dụng cần thiết khi không được trợ cấp nữa. Điều này sẽ phá hỏng những thị trường đang vận hành hiệu quả. Moyo từng bàn về chuyện nhà sản xuất mùng ngủ bị tổn thất ra sao bởi chương trình phân phát mùng miễn phí. Đến khi chương trình phân phát miễn phí chấm dứt, thì có khi chẳng còn ai sản xuất và bán mùng nữa.

Để làm sáng tỏ tranh luận nói trên, trước hết ta cần trả lời ba câu hỏi. Thứ nhất, nếu người dân phải trả đúng giá (hay chỉ được giảm giá ít) khi mua mùng chống côn trùng, thì họ có thà là ngủ không mùng hay không? Thứ hai, nếu phát không hoặc bán mùng với giá ưu đãi nhiều, thì người dân có sử dụng mùng không hay bỏ xó? Thứ ba, một khi từng mua được mùng với giá ưu đãi, liệu người dân có sẵn lòng mua thêm mùng để dùng nếu sau này không được ưu đãi như vậy nữa?

Để trả lời những câu hỏi trên, ta cần quan sát hành vi của các nhóm được mua mùng với những mức ưu đãi khác nhau. Điều quan trọng ở đây là “so sánh phải trên cơ sở ngang bằng”. Những người chịu bỏ tiền ra mua mùng và người nhận mùng miễn phí là hai nhóm đối tượng khác nhau: Người trả tiền mua mùng thường có tiền và có học hơn, vì thế hiểu rõ hơn ích lợi khi ngủ mùng; còn những người nhận mùng miễn phí thường do các tổ chức phi chính phủ chọn hỗ trợ đích danh bởi họ nghèo. Hoặc hoàn toàn ngược lại: Những người nhận mùng miễn phí hiểu rõ ích lợi khi dùng và biết có hỗ trợ nên mới đi nhận, còn người nghèo và người không biết thông tin hỗ trợ thì phải mua đúng giá thị trường. Dù trong trường hợp nào đi nữa, ta vẫn chưa thể rút ra kết luận gì từ cách họ sử dụng mùng.

Vì vậy, cách tốt nhất để trả lời câu hỏi là giả lập thử nghiệm ngẫu nhiên, giống như cách đánh giá tác dụng loại dược phẩm mới. Pascaline Dupas thuộc đại học California tại Los Angeles, đã tiến hành thử nghiệm như vậy tại Kenya, Uganda và Madagascar[26]. Theo đó Dupas chọn ngẫu nhiên một số người và bán mùng cho họ với mức ưu đãi khác nhau. Rồi khi so sánh các nhóm, bà có thể tìm được đáp án những câu hỏi trên, ít nhất trong phạm vi thực nghiệm được tiến hành.

chương 3, ta sẽ bàn kỹ về kết quả bà thu được. Dù vẫn còn những câu hỏi bỏ ngỏ (vì thực nghiệm không cho biết liệu việc bán mùng nhập khẩu với giá ưu đãi có ảnh hưởng xấu đến các cơ sở sản xuất mùng địa phương không, và một số vấn đề khác), nhưng kết quả thực nghiệm đã giúp ích rất nhiều để giải quyết tranh luận trong vấn đề này và ảnh hưởng đến quá trình suy luận lẫn hướng chính sách.

Việc cô rút những câu hỏi chung chung thành vấn đề cụ thể còn có điểm lợi khác nữa, đó là khi tìm hiểu xem người nghèo có sẵn lòng bỏ tiền mua mùng không, và họ sẽ làm gì nếu nhận mùng miễn phí, chúng ta hiểu thêm được rất nhiều về cách thức phân phối mùng ngủ sao cho hiệu quả nhất, bởi ta đã hiểu được cách người nghèo ra quyết định. Ví dụ, điều gì cản trở việc sử dụng mùng ngủ rộng rãi? Có thể do người dân thiếu thông tin và không biết ích lợi của việc này, cũng có thể do người nghèo mua không nổi. Mà cũng có thể người nghèo lo cho cuộc sống hiện tại đã quá mệt rồi nên không còn đầu óc nào suy tính cho tương lai, hoặc lý do nào đó hoàn toàn khác nữa. Khi trả lời được những câu hỏi nêu trên, ta sẽ dần hiểu được điều gì là nét đặc trưng nơi người nghèo: Phải chăng họ sống chẳng khác nào chúng ta, chỉ có điều là ít tiền hơn, hay tầng lớp nghèo cùng cực mang những đặc trưng cơ bản khác hẳn? Và nếu nét đặc trưng đó tồn tại, thì phải chăng đó là mấu chốt khiến người nghèo cứ mãi nghèo?

SẬP BẪY NGHÈO?

Không phải ngẫu nhiên mà Sachs và Easterly có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về việc nên bán hay nên phát không mùng chống muỗi. Lập trường của hầu hết các chuyên gia từ các nước giàu về những vấn đề viện trợ phát triển hay đói nghèo thường nhuốm màu thế giới quan của chính họ, ngay cả khi rõ ràng đã có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi cụ thể, chẳng hạn về giá của mùng chống muỗi. Điều thú vị ở đây là những người ở phía cánh tả như Jeff Sachs (cùng với Liên Hiệp Quốc[27], WHO và rất nhiều các tổ chức viện trợ) mong muốn cấp nhiều viện trợ hơn nữa, tin rằng phải cho đi nhiều thứ (phân bón, mùng ngủ, máy vi tính cho trường học, v.v…) và người nghèo nên được dẫn dắt để làm những điều mà chúng ta (hay Sachs, hoặc LHQ) nghĩ là tốt cho họ: Chẳng hạn, trẻ em nên được cung cấp bữa ăn miễn phí tại trường để khuyến khích cha mẹ tạo điều kiện cho con em mình đến lớp thường xuyên. Trong khi ở phía cánh hữu, Easterly, cùng với Moyo, Viện Nghiên Cứu Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute), và nhiều tổ chức khác, lại phản đối viện trợ, không chỉ bởi nó dẫn đến nạn tham nhũng trong chính phủ, mà còn vì về cơ bản, chúng ta cần tôn trọng quyền tự do của mỗi người – nếu người ta không muốn thì chẳng ích gì khi ép buộc họ: Nếu trẻ em không muốn đến trường thì hẳn là vì việc học hành chẳng có lợi ích gì.

Những quan điểm trên đây không đơn giản chỉ là phản ứng vô thức về mặt tư tưởng. Cả Sachs và Easterly đều là các nhà kinh tế học, và sự khác nhau trong lập trường của họ chủ yếu bắt nguồn từ câu trả lời khác nhau cho câu hỏi kinh tế: Liệu người ta có thể rơi vào bẫy nghèo hay không? Như chúng ta đã biết, Sachs tin rằng một số quốc gia bị sập bẫy nghèo vì đặc điểm địa lý hoặc kém may mắn: Họ nghèo bởi vì họ nghèo, thế thôi. Họ có thể giàu có nhưng cần phải được tháo gỡ khỏi tình trạng bế tắc để đi đến con đường thịnh vượng. Do vậy mà Sachs nhấn mạnh vai trò của một cú đẩy mạnh. Ngược lại, Easterly chỉ ra rằng nhiều quốc gia từng nghèo nay trở nên giàu có, và ngược lại. Ông lập luận nếu nghèo đói không phải là một tình trạng vĩnh viễn, thì ý kiến cho rằng bẫy nghèo luôn ám ảnh đe dọa các nước nghèo là không thực tế.

Câu hỏi tương tự cũng cần được đặt ra cho mỗi cá nhân. Liệu người ta có thể bị sập bẫy nghèo không? Nếu câu trả lời là có, thì chỉ một lần trợ giúp cũng có thể đem lại thay đổi lớn lao, đưa cuộc đời của một người sang trang mới. Đây chính là triết lý sâu xa đằng sau Dự án Ngôi làng Thiên niên kỷ (Millennium Villages Project) của Jeffrey Sachs. Người dân ở những ngôi làng may mắn này được miễn phí phân bón, bữa ăn ở trường, chăm sóc y tế tại những bệnh xá hoạt động hiệu quả, được nhận máy vi tính trường học, và nhiều thứ nữa. Tổng chi phí: nửa triệu đô la mỗi năm cho mỗi ngôi làng. Theo trang web của dự án, người ta hy vọng “Hình thức tổ chức kinh tế của Ngôi làng Thiên niên kỷ sau một thời gian sẽ có thể chuyển đổi từ nông nghiệp trợ cấp sang hoạt động thương mại tự cung tự cấp.”[28]

Trong video quay cho MTV, Jeffrey Sachs và nữ diễn viên Angelina Jolie đã đến thăm Sauri, Kenya, một trong những ngôi làng Thiên niên kỷ lâu năm nhất. Ở đó họ đã gặp một nông dân trẻ tên là Kennedy. Anh ta được trợ cấp phân bón miễn phí, và kết quả là vụ thu hoạch của anh tăng gấp hai mươi lần so với mùa vụ năm trước. Nhờ số tiền tiết kiệm từ mùa vụ đó, đoạn video kết luận rằng từ đó trở đi anh ta sẽ có khả năng tự nuôi sống bản thân mình. Lập luận sâu xa ở đây là Kennedy bị rơi vào bẫy nghèo và không đủ khả năng mua phân bón: Anh đã được giải thoát nhờ vào món quà là phân bón. Đó chính là cách duy nhất giúp anh ta thoát khỏi bẫy nghèo.

Nhưng, những người hoài nghi có thể phản đối với lý lẽ là nếu phân bón thực sự mang lại nhiều lợi nhuận như vậy, tại sao Kennedy lại không thể mua dù chỉ một ít để bón cho phần màu mỡ nhất trên cánh đồng của mình? Điều này hẳn có thể đã giúp gia tăng sản lượng, và với số tiền lời thu được, anh ta có thể đã mua được nhiều phân bón hơn cho năm sau, và cứ tiếp tục như thế. Dần dần anh ta sẽ có đủ tiền để bón phân cho cả cánh đồng.

Vậy thì Kennedy có bị sập bẫy nghèo hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào tính khả thi của kế hoạch sau đây: Chỉ mua một ít để bắt đầu, kiếm thêm tiền, rồi tái đầu tư để tiếp tục, kiếm nhiều tiền hơn nữa, cứ thế lặp đi lặp lại quá trình này. Nhưng có lẽ không dễ mua phân bón với số lượng nhỏ. Hoặc cũng có lẽ phải thử nhiều lần thì bón phân theo kiểu này mới đem lại hiệu quả. Cũng có thể có nhiều vấn đề phát sinh khi tái đầu tư lợi nhuận thu được. Người ta chỉ ra được nhiều lý do vì sao nông dân lại thấy khó khăn khi tự bắt đầu.

Chúng ta sẽ quay trở lại điểm mấu chốt trong câu chuyện của Kennedy ở Chương 8. Tuy nhiên thảo luận trên đây giúp chúng ta nhìn ra nguyên tắc chung. Bẫy nghèo sẽ tồn tại khi cơ hội gia tăng thu nhập hay của cải nhanh chóng hẹp cửa với những người không có khả năng đầu tư, nhưng lại mở rộng cho những người có thể đầu tư thêm một chút. Trái lại, nếu khả năng tăng trưởng nhanh nhiều hơn ở người nghèo và giảm dần với người giàu, thì bẫy nghèo không tồn tại.

Các nhà kinh tế học yêu thích những học thuyết đơn giản (giản lược, theo cách gọi của một số người), và thích thể hiện dưới dạng biểu đồ. Chúng tôi cũng không ngoại lệ: Hai biểu đồ dưới đây sẽ là những minh họa hữu ích cho cuộc tranh luận về bản chất của đói nghèo. Quan trọng nhất là phải nhớ được hình dạng của những đường đồ thị cong: Chúng tôi sẽ đề cập đến hình dạng này nhiều lần trong quyển sách này.

Với những ai tin vào bẫy nghèo, thế giới sẽ trông giống như Hình

Thu nhập hôm nay sẽ ảnh hưởng đến thu nhập trong tương lai của bạn (tương lai ở đây có thể là ngày mai, tháng sau, hay thậm chí là thế hệ sau): Những gì bạn có hôm nay quyết định bạn ăn bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu cho y tế, hay cho giáo dục của con em mình. Nó cũng ảnh hưởng đến việc liệu bạn có mua được phân bón hay hạt giống tốt cho vụ mùa của mình. Tất cả những điều này quyết định những gì bạn có vào ngày mai.

Hình dạng của biểu đồ là chìa khóa: Ban đầu rất bằng phẳng, sau đó tăng nhanh, rồi bằng phẳng trở lại. Chúng tôi gọi đó là đường cong chữ S.

Hình chữ S của đường cong này là nguồn gốc của bẫy nghèo. Trên đường chéo, thu nhập hôm nay bằng với thu nhập ngày mai. Đối với những người rất nghèo, những người nằm trong vùng bẫy nghèo, thu nhập trong tương lai thấp hơn thu nhập hôm nay: Đường cong nằm dưới đường chéo. Điều này có nghĩa là theo thời gian, những người nằm trong vùng này sẽ ngày càng nghèo đi, và cuối cũng rơi vào bẫy nghèo, tại điểm N. Những mũi tên từ điểm A1 thể hiện quỹ đạo có thể xảy ra: từ A1, di chuyển đến A2, rồi A3, và tiếp tục như thế. Đối với những người bắt đầu từ ngoài vùng bẫy nghèo, thu nhập ngày mai cao hơn thu nhập hôm nay: Theo thời gian họ sẽ ngày càng giàu hơn, ít nhất đến một điểm trần nào đó. Số phận hạnh phúc hơn này được thể hiện qua mũi tên bắt đầu từ B1, di chuyển đến B2 rồi B3, và tiếp tục như thế.

Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế học (có lẽ là đa số) tin rằng thực trạng thế giới trông giống Hình 2 hơn.

Hình 2 hơi giống phần bên phải của Hình 1, nhưng không có phần phẳng dẹt ở phía bên trái. Đường cong lên dốc nhất ở phần đầu, rồi thoải dần. Không có bẫy nghèo trên thế giới này: Vì người nghèo nhất vẫn kiếm được nhiều hơn với số tiền ban đầu họ có, họ sẽ trở nên giàu có hơn theo thời gian, và cuối cùng thu nhập của họ sẽ ngừng tăng (các mũi tên đi từ A1 đến A2 rồi A3 mô tả một quỹ đạo có thể xảy ra). Thu nhập này có thể không quá cao, nhưng vấn đề là chúng ta hầu như không cần hay không thể làm gì để giúp đỡ người nghèo. Món quà tặng một lần rồi thôi (ví dụ, cung cấp đủ thu nhập để người ta thay vì bắt đầu ở điểm A1 ngày hôm nay, sẽ có thể bắt đầu ở A2) không thể đẩy thu nhập của người ta lên mãi. Nếu may mắn món quà đó chỉ có thể giúp người ta di chuyển lên nhanh hơn một chút, chứ không thể thay đổi điểm đến cuối cùng.

Vậy biểu đồ nào thể hiện đúng nhất thế giới của Kennedy, người nông dân trẻ tuổi đến từ Kenya? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần tìm ra dữ liệu để làm cơ sở lập luận đơn giản, chẳng hạn như: Có thể mua phân bón với số lượng nhỏ không? Liệu có điều gì đó gây khó khăn cho việc tiết kiệm giữa các mùa vụ trồng trọt, khiến Kennedy dù bội thu được một mùa cũng chẳng thể chuyển món tiền đó thành đầu tư tăng thêm? Thông điệp quan trọng nhất từ học thuyết được lồng ghép trong những biểu đồ đơn giản, do đó nó không bao giờ đầy đủ: Để thực sự trả lời câu hỏi liệu bẫy nghèo có tồn tại hay không, chúng ta cần biết biểu đồ nào thể hiện thế giới thực đúng đắn hơn. Và càng cần phải đánh giá theo từng trường hợp cụ thể: Nếu bàn về phân bón thì chúng ta cần biết được thực trạng của thị trường phân bón. Nếu là chuyện tiết kiệm, thì cần phải biết cách người nghèo tiết kiệm tiền ra sao. Nếu là vấn đề dinh dưỡng và y tế, thì cần phải nghiên cứu những vấn đề đó. Không có một câu trả lời tổng quát mang tính toàn cầu nghe có vẻ thất vọng đấy, nhưng thực sự đây chính là điều mà nhà hoạch định chính sách cần biết – không phải là chuyện có hàng triệu nguyên do đẩy người nghèo sập bẫy, mà là chuyện có một số yếu tố quan trọng dẫn đến bẫy nghèo; giảm thiểu những vấn đề đó có thể giúp giải thoát người nghèo và hướng họ đến chu trình gia tăng của cải và đầu tư tích cực.

Chúng tôi đã phải rời tháp ngà và nhìn ngắm thế giới một cách cẩn thận hơn mới có thể thay đổi quan điểm một cách triệt để, tránh xa những câu trả lời chung chung phổ biến. Làm như vậy nghĩa là chúng tôi đã thực hành cách làm lâu đời của các nhà kinh thế học phát triển: nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập đúng dữ liệu để xác định điều có ý nghĩa thực sự. Tuy nhiên, chúng tôi có hai lợi thế so với những thế hệ đi trước: Thứ nhất, hiện nay có nhiều dữ liệu chất lượng cao từ nhiều quốc gia nghèo mà trước đây không hề có. Thứ hai, chúng tôi có một công cụ mới đầy mạnh mẽ: Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (RCT) đem đến cho các nhà nghiên cứu cùng những cộng tác viên địa phương cơ hội thử nghiệm trên quy mô lớn để kiểm chứng giả thuyết của mình. Trong một thử nghiệm RCT, chẳng hạn như nghiên cứu về mùng chống muỗi, các cá thể hoặc cộng đồng sẽ được áp dụng những “cách xử lý” khác nhau – chương trình khác nhau hoặc các phiên bản khác nhau của một chương trình. Những cá thể với cách xử lý khác nhau đều có thể đối chứng qua lại (vì mẫu được chọn ngẫu nhiên), và bất kỳ sự khác nhau nào đều là tác động của chính cách xử lý đó.

Qua một thử nghiệm đơn lẻ, không thể đi đến kết luận liệu một chương trình có “hiệu quả” trên quy mô toàn cầu hay không. Nhưng chúng ta có thể tiến hành hàng loạt thử nghiệm khác nhau về địa điểm tiến hành hoặc về sự can thiệp cần kiểm chứng (hoặc cả hai). Tất cả những thử nghiệm này cho phép kiểm định liệu những kết luận của chúng ta có vững chắc hay không (Liệu những gì hiệu quả ở Kenya có thể thực hiện được ở Madagascar?) và khoanh vùng hẹp những giả thuyết giải thích được dữ liệu cần thiết (Điều gì đã ngăn cản Kennedy? Giá phân bón hay khó khăn khi tiết kiệm tiền?). Lý thuyết mới có thể giúp chúng ta thiết kế những giải pháp can thiệp và thử nghiệm mới, giúp chúng ta hiểu được những kết quả vẫn gây thắc mắc từ trước đến nay. Dần dần, chúng ta sẽ có được bức tranh hoàn chỉnh hơn, chân thực hơn về cuộc sống của người nghèo, những gì họ cần và không cần giúp đỡ.

Năm 2003, chúng tôi đã thành lập Phòng Nghiên cứu Hành động chống đói nghèo (Poverty Action Lab – sau này trở thành Phòng Nghiên cứu Abdul Latif Jameel Poverty Action Lab, viết tắt là J-PAL) để khuyến khích và hỗ trợ các nhà nghiên cứu, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, cùng thực hiện cách thức làm kinh tế mới mẻ này, và để truyền bá những thành tựu đạt được đến các nhà hoạch định chính sách. Ý tưởng này nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Tính đến năm 2010, các nhà nghiên cứu J-PAL đã thực hiện cũng như tham gia vào hơn 240 cuộc thử nghiệm ở 40 quốc gia khắp nơi trên thế giới, và rất nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách đã tiếp thu sáng kiến thử nghiệm ngẫu nhiên này.

Phản ứng tích cực trước hoạt động của J-PAL chứng minh có nhiều người cùng chung suy nghĩ với chúng tôi. Tích tiểu sẽ thành đại, từng bước đi nhỏ sẽ có thể tạo nên bước tiến vượt bậc trong việc giải quyết vấn đề trầm trọng nhất thế giới. Mỗi bước cần được suy xét thấu đáo, kiểm chứng cẩn thận và thực hiện một cách khôn ngoan. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng xuyên suốt cuốn sách này chúng tôi sẽ chỉ ra trong thực tế người ta không hoạch định theo cách này. Dường như theo lệ thường, chính sách phát triển cùng những lý lẽ tranh luận có liên quan đều không dựa trên căn cứ nào. Căn cứ được kiểm chứng dùng trong trong công tác hoạch định chính sách chẳng khác gì mộng tưởng xa vời huyễn hoặc, hoặc chỉ dùng để đánh lạc hướng người ta. “Chúng tôi phải bắt tay vào việc trong khi các anh chị cứ vùi đầu đi tìm căn cứ”, đây là điều những nhà hoạch định chính sách bảo thủ và những chuyên gia tư vấn thậm chí còn bảo thủ hơn trả lời khi chúng tôi hỏi về vấn đề này. Cho đến nay vẫn còn nhiều người khư khư suy nghĩ đó. Nhưng cũng có người cảm thấy lực bất tòng tâm vì kiểu lập kế hoạch vội vàng thiếu suy tính đó. Những người này, cũng như chúng tôi, cảm thấy cách tốt nhất có thể làm là tìm hiểu tường tận những vấn đề cụ thể khiến người nghèo khổ sở, để từ đó cố gắng tìm ra những cách can thiệp hữu hiệu nhất. Trong một vài trường hợp, rõ ràng tốt nhất là không làm gì cả, nhưng đó không phải quy tắc chung, cũng như chẳng có quy tắc chung nào nói rằng tiêu tiền luôn có tác dụng. Chính kiến thức có được từ mỗi câu trả lời cụ thể và sự hiểu biết thấu đáo từng câu trả lời chính là cơ hội giúp chúng ta chấm dứt tình trạng đói nghèo vào một ngày nào đó.

Cuốn sách này ra đời từ những kiến thức và hiểu biết đó. Rất nhiều tài liệu được bàn luận là kết quả của những thử nghiệm đối chứng chọn mẫu ngẫu nhiên của chúng tôi và các nhà nghiên cứu khác. Chúng tôi cũng tận dụng những luận chứng khác: mô tả định tính và định lượng về cách người nghèo sinh hoạt, điều tra một số tổ chức cụ thể hoạt động ra sao, và chứng cứ về những chính sách thành công và không thành công. Trên trang web đồng hành của cuốn sách www.pooreconomics.com, chúng tôi cung cấp đường dẫn đến tất cả nghiên cứu được trích dẫn, những bài luận hình ảnh minh họa cho mỗi chương và những đoạn trích, biểu đồ từ bộ dữ liệu về những khía cạnh đời sống chủ yếu của những người sống dưới 99 xu mỗi ngày tại 18 quốc gia. Bộ dữ liệu này sẽ được tham khảo nhiều lần trong cuốn sách.

Những nghiên cứu mà chúng tôi sử dụng đều có điểm chung là tính khoa học nghiêm ngặt, tôn trọng vai trò quyết định của dữ liệu, và tập trung vào những câu hỏi cụ thể xác đáng liên quan đến cuộc sống của người nghèo. Một trong những câu hỏi mà chúng tôi sẽ sử dụng bộ dữ liệu trên để trả lời là: khi nào và ở đâu thì cần quan tâm đến bẫy nghèo; ta có thể tìm thấy bẫy nghèo ở lĩnh vực này, nhưng lại không có ở lĩnh vực khác. Để thiết kế chính sách hiệu quả, quan trọng nhất là cần trả lời những câu hỏi trên đây một cách phù hợp. Sẽ có nhiều ví dụ trong các chương tiếp sau minh họa cho trường hợp lựa chọn chính sách sai lầm, không phải vì mục đích xấu hay tham nhũng, mà đơn giản chỉ vì nhà chính sách đã nhìn nhận thế giới qua một mô hình sai lầm. Họ nghĩ có bẫy nghèo ở chỗ thực ra là chẳng có cái bẫy nào, hay không để ý bẫy nghèo ngay trước mắt.

Tuy nhiên, thông điệp của cuốn sách này vượt ra khỏi khuôn khổ của vấn đề bẫy nghèo. Chúng ta sẽ thấy tư tưởng xa vời, thiếu hiểu biết và tính trì trệ – ba chữ T – từ phía các chuyên gia, nhân viên cứu trợ hay các nhà hoạch định chính sách địa phương sẽ lý giải vì sao các chính sách thất bại và vì sao viện trợ không đem lại hiệu quả như mong đợi. Chúng ta có thể xây dựng thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn – không phải một sớm một chiều, mà ở một tương lai không xa tầm với. Nhưng chúng ta cũng không thể đi đến đích với tư duy lười biếng. Chúng tôi hy vọng sẽ thuyết phục được quý vị rằng cách tiếp cận kiên nhẫn, từng bước một của chúng tôi không chỉ là cách đấu tranh chống đói nghèo hiệu quả hơn, mà còn khiến thế giới này thú vị hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.