Hiểu Nghèo Thoát Nghèo

THAY CHO KẾT LUẬN BAO QUÁT



Các nhà kinh tế học (và chuyên gia) dường như không lý giải được vì sao quốc gia này tăng trưởng trong khi quốc gia kia vẫn giậm chân tại chỗ. Những quốc gia yếu kém như Bangladesh hay Campuchia vẫn làm nên những kỳ tích nho nhỏ. Những gương mặt tiêu biểu như Côte d’Ivoire lại rơi vào nhóm “một tỉ người dưới đáy”. Luôn có lý do hợp lý giải thích cho mỗi trường hợp nếu xem xét phân tích. Nhưng thực sự chúng ta vẫn không thể dự đoán ở đâu sẽ tăng trưởng cũng như chưa hiểu rõ tại sao sức tăng trưởng lại có thể bùng nổ đột ngột.

Vì tăng trưởng kinh tế đòi hỏi cả nhân lực lẫn trí lực nên chẳng có gì bất hợp lý nếu tia lửa tăng trưởng bùng cháy thành ngọn lửa ở những nơi cả nam giới và nữ giới đều được học hành đàng hoàng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và khỏe mạnh, nơi các công dân cảm thấy an toàn và tự tin đầu tư vào con cái, sẵn sàng cho chúng xa nhà lập nghiệp ở thành phố.

Cho đến khi điều đó xảy ra, người ta cần phải hành động để không cảm thấy mệt mỏi trong thời gian chờ đợi ngọn lửa sáng. Nếu hạt giống bất hạnh và tức giận có cơ hội nảy mầm, giận dữ và bạo lực có cơ hội lên ngôi, thì có lẽ tia lửa thần kỳ đó sẽ không bao giờ xuất hiện. Một chính sách xã hội hiệu quả, kiềm chế được cơn bạo loạn do người dân cảm thấy không còn gì để mất là bước mấu chốt để duy trì quốc gia đến ngày cất cánh hãy còn chưa xác định được trong tương lai.

Ngay cả nếu tất cả những điều này không đúng, nếu chính sách xã hội và tăng trưởng không liên quan gì đến nhau, thì vẫn có rất nhiều lý do để cố gắng cải thiện đời sống cho người nghèo mà không chờ đợi tia lửa tăng trưởng bùng lên. Sự đúc rút của chúng tôi ngay ở chương ở đầu là: một khi chúng ta tìm ra phương cách để đối phó với đói nghèo, sẽ không có lý do gì chấp nhận lãng phí tài năng và con người, hệ lụy của tình trạng đói nghèo. Như cuốn sách này đã thể hiện, mặc dù chẳng có phương thức thần kỳ nào có thể đẩy lùi đói nghèo tức khắc, không có phương thuốc tức thì trị bá bệnh, nhưng chúng tôi biết đôi điều về cách cải thiện chất lượng sống của người nghèo. Đặc biệt là năm bài học chủ chốt sau đây.

Thứ nhất, người nghèo thường thiếu những thông tin thiết yếu và tin vào những điều không có thật. Họ không rõ lợi ích của việc tiêm phòng cho trẻ em; họ nghĩ kiến thức học được trong những năm học đầu đời không mấy quan trọng; họ không biết phải dùng bao nhiêu phân bón là đủ; họ không biết HIV dễ lây truyền nhất qua đường nào; họ không biết các chính trị gia mà họ bầu ra làm gì tại văn phòng. Khi niềm tin họ khư khư giữ lấy hóa ra không đúng, cuối cùng họ sẽ đưa ra những lựa chọn sai lầm, đôi khi kéo theo những hệ lụy khôn lường. Hãy nghĩ về những em gái quan hệ tình dục không an toàn với đàn ông lớn tuổi hay những người nông dân sử dụng phân bón nhiều gấp đôi lượng cần dùng. Ngay cả khi họ biết mình không hiểu biết đi nữa, tình trạng mù mờ thông tin sẽ có thể gây ra nhiều vấn đề tiêu cực. Ví dụ khi phụ huynh không chắc về lợi ích của tiêm phòng lại thêm tính lười phổ biến, thì hệ quả là rất nhiều trẻ em không được tiêm phòng. Công dân đi bầu mà mù mờ thông tin thì nhiều khả năng sẽ bầu cho ứng cử viên có cùng nguồn gốc dân tộc với mình, với hệ lụy là niềm tin mù quáng và nạn tham nhũng càng thêm trầm trọng.

Chúng ta đã thấy nhiều trường hợp chỉ một mẩu thông tin đơn giản cũng có thể đem đến sự khác biệt lớn. Tuy nhiên không phải chiến dịch thông tin nào cũng hiệu quả. Để thực sự đi vào thực tế đời sống, một chiến dịch thông tin phải có những nét đặc trưng sau: Chiến dịch đó phải nói cho người dân điều mà họ chưa từng biết (hô hào chung chung “Nói không với tình dục trước hôn nhân” xem chừng không mấy hiệu quả); chiến dịch phải được thực hiện bằng cách đơn giản nhưng hấp dẫn (phim, kịch, chương trình TV hay phiếu thông tin được thiết kế hợp lý); và nó phải xuất phát từ nguồn đáng tin cậy (có một điều thú vị là dường như báo chí được đánh giá là đáng tin). Một trong những hệ quả tất yếu của quan điểm này là: chính phủ các nước phải sẽ phải trả cái giá nặng nề là mất đi niềm tin của dân chúng nếu đưa ra những thông tin lệch lạc, mù mờ hay không đúng sự thật.

Thứ hai, người nghèo phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm. Người càng giàu càng có nhiều quyết định “đúng đắn” được định sẵn. Còn người nghèo, họ không có nước máy nên chẳng thể hưởng lợi khi chính quyền thành phố bơm chất clo vào nguồn nước. Nếu muốn có nước sạch để uống, họ chỉ còn cách tự mình khử trùng. Họ không có khả năng mua bột ngũ cốc ăn sáng với đầy đủ dưỡng chất trộn sẵn và do đó phải tự kiếm và phối hợp đồ ăn sao cho bản thân và con cái thu nạp đầy đủ chất dinh dưỡng. Không có cách gì để người nghèo tự động tiết kiệm tiền, chẳng hạn như chế độ hưu trí hay đóng góp định kỳ vào Quỹ phúc lợi xã hội, vì thế họ buộc phải tìm cách dành dụm. Những quyết định kiểu này khó khăn với mỗi chúng ta vì nó đòi hỏi ta phải suy nghĩ và hành động trong hôm nay, còn lợi ích chỉ có thể thu về trong tương lai xa. Vì thế nên người ta rất dễ làm biếng. Với người nghèo, mọi chuyện còn rắc rối hơn vì vốn dĩ cuộc sống của họ đã quá khó khăn. Nhiều người nghèo làm ăn nhỏ lẻ trong những ngành công nghiệp cạnh tranh khốc liệt; hầu hết lao động làm thời vụ và phải liên tục lo lắng không biết công việc tiếp theo là gì. Vậy thì cuộc sống của họ có thể được cải thiện đáng kể bằng cách tạo điều kiện để họ dễ dàng thực hiện điều nên làm – dựa trên tất cả những gì chúng tôi biết – tận dụng thế mạnh của các lựa chọn mặc định và những cú huých nhỏ: Sản xuất muối bổ sung chất sắt và i-ốt với giá vừa phải để mọi người có thể mua. Tạo điều kiện để mọi người tiếp cận với kiểu tài khoản tiết kiệm dễ dàng gửi tiền vào nhưng hơi tốn kém khi rút ra, nếu cần thiết thì trợ cấp chi phí này để các ngân hàng làm tốt vai trò của mình hơn. Đặt chất clo cạnh nguồn nước tại những địa phương mà nước máy hãy còn quá xa xỉ. Còn nhiều nữa những ví dụ tương tự.

Thứ ba, vì nhiều lý do mà một số cánh tay thị trường không với tới người nghèo, hoặc người nghèo phải chịu bất lợi về giá cả. Tài khoản ngân hàng của người nghèo có lãi suất âm (nếu họ may mắn có tài khoản) và phải trả lãi cao ngất ngưởng khi đi vay (nếu họ xoay xở vay được tiền) bởi vì nhờ ngân hàng quản lý một khoản tiền nho nhỏ thì vẫn tốn phí. Thị trường bảo hiểm y tế cho người nghèo chưa phát triển mặc dù người nghèo phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nếu đau ốm nặng. Sản phẩm bảo hiểm dành cho người nghèo vẫn quá hạn chế, còn những bảo hiểm hiện có trên thị trường (bảo hiểm tai họa sức khỏe, bảo hiểm thời tiết tính theo công thức) không phải là những thứ người nghèo muốn.

Trong một số trường hợp, cải tiến công nghệ hay cải thiện một thể chế có thể thúc đẩy thị trường phát triển đến những nơi thiếu thốn. Đây là trường hợp của tín dụng vi mô. Tín dụng vi mô ra đời tạo điều kiện để hàng triệu người nghèo vay được những khoản vay nhỏ với lãi suất chấp nhận được, dù có thể vẫn chưa chạm tới đối tượng cùng cực nhất. Các hệ thống chuyển tiền điện tử (sử dụng điện thoại di động hay các phương tiện tương tự) và nhận diện cá nhân có thể sẽ cắt giảm triệt để chi phí các dịch vụ tiết kiệm và nhờ thu cho người nghèo trong vài năm tới đây. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng trong một số trường hợp điều kiện để thị trường xuất hiện không sẵn có. Đây chính là lúc chính phủ cần nhảy vào hỗ trợ tạo nên những điều kiện cần thiết đó, hoặc nếu không thì xem xét đến chuyện tự mình cung cấp những dịch vụ đó.

Chúng ta nên hiểu rằng làm vậy có nghĩa là cung cấp miễn phí hàng hóa hay dịch vụ (chẳng hạn như mùng chống muỗi hay khám chữa bệnh ở các trung tâm y tế dự phòng) hay thậm chí tặng quà – nghe thì có vẻ lạ tai – để động viên người nghèo làm điều có ích cho chính bản thân họ. Nhiều chuyên gia có lẽ đã hơi quá đà khi mất lòng tin đối với việc phân phối hàng hóa và dịch vụ miễn phí, ngay cả nếu nhìn từ góc độ thuần chi phí – lợi ích.

Phân phối dịch vụ miễn phí suy cho cùng thường rẻ hơn so với việc cố gắng yêu cầu người ta trả một khoản phí danh nghĩa. Trong một vài trường hợp, còn phải đảm bảo giá bán của sản phẩm trên thị trường đủ hấp dẫn để tạo điều kiện phát triển thị trường. Ví dụ, chính phủ có thể trợ cấp phí đóng bảo hiểm định kỳ hoặc phân phối phiếu thanh toán tiền học phí được chấp nhận ở bất kỳ ngôi trường nào, công cũng như tư, hay buộc ngân hàng phải mở những tài khoản miễn phí “không thủ tục rườm rà” cho mọi người với một khoản phí tượng trưng. Cần phải nhớ một điều rằng những thị trường trợ cấp này cần được điều tiết thận trọng để vận hành hiệu quả. Ví dụ, phiếu thanh toán học phí chỉ có hiệu quả khi tất cả các bậc cha mẹ đều biết cách chọn trường phù hợp cho con cái mình; nếu không thì chẳng khác nào tạo điều kiện thuận lợi thêm cho những người vốn đã có xuất phát điểm tốt hơn.

Thứ tư, các quốc gia nghèo chịu số phận bi đát không phải vì họ vốn đã nghèo hay vì kém may mắn. Đúng là những chính sách hay ho thường không hiệu quả ở những quốc gia này: Chương trình hướng đến giúp đỡ người nghèo rốt cuộc hay rơi vào túi riêng của người giàu, giáo viên dạy dỗ học sinh không đầu không đuôi hoặc chẳng dạy dỗ gì, đường sá lồi lõm vì nạn ăn chặn vật liệu có thể sụp bất kỳ lúc nào dưới sức nặng của những xe tải chở quá mức quy định, v.v… Nhưng những vấn đề này không mấy liên quan đến việc giới chóp bu chính trị tìm mọi cách để nắm giữ nền kinh tế, mà liên quan nhiều hơn đến những lỗ hổng không thể tránh khỏi trong khâu xây dựng chính sách cũng như ba chữ T phổ biến: thiếu hiểu biết, tư tưởng cao vời và tính trì trệ. Người ta kỳ vọng y tá phải làm những việc mà chẳng người bình thường nào có thể làm nổi, nhưng chẳng cảm thấy cần phải thay đổi điều phi lý đó. Người ta chăm chăm biến những chương trình hỗ trợ người nghèo nhất thời (như xây dựng đập nước, chương trình bác sĩ chân đất, tín dụng vi mô, v.v…) thành chính sách mà không thèm để ý đến thực tế nó sẽ vận hành ra sao. Một vị quan chức chính phủ cao cấp từng chia sẻ với chúng tôi rằng tại Ấn

Độ, ủy ban giáo dục làng luôn bao gồm cha mẹ của những học sinh giỏi nhất và những học sinh kém nhất trường. Nhưng khi chúng tôi hỏi bằng cách nào để xác định đâu là học sinh giỏi nhất, kém nhất khi mà chẳng có kỳ thi nào từ lớp 4 trở xuống thì vị quan chức này lập tức đổi đề tài. Và những quy định nực cười này đều bắt nguồn từ thói quan liêu trì trệ.

Điều đáng mừng, nếu có thể nói vậy, là có thể cải thiện chính quyền và chính sách mà không cần phải thay đổi cơ cấu xã hội và chính trị đang tồn tại. Ngay cả trong những thể chế “tốt đẹp” thì vẫn còn biết bao nhiêu thứ có thể thay đổi tích cực hơn, cũng như bên rìa một thể chế bất cập. Ta có thể tiến hành một cuộc cách mạng nhỏ mà thành công bằng cách đảm bảo mọi người đều được mời tới họp làng; bằng cách giám sát công chức nhà nước và yêu cầu họ phải giải trình khi không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình; bằng cách giám sát chính trị gia các cấp và chia sẻ thông tin với cử tri; và bằng cách phổ cập cho đối tượng sử dụng các dịch vụ công về những điều họ đáng được hưởng – ví như các trung tâm y tế phải mở cửa chính xác lúc mấy giờ, người nhận trợ cấp được hưởng bao nhiêu tiền (hay bao nhiêu bao gạo).

Cuối cùng, phán xét thiếu suy nghĩ về khả năng của người khác thường sẽ biến điều ta hay nghĩ trở thành sự thật. Trẻ em bỏ học nếu giáo viên (đôi khi là cha mẹ) tỏ ra không tin tưởng các em sẽ đủ thông minh để theo kịp chương trình học; những người bán hoa quả rong không cố gắng trả nợ vì họ cho rằng không sớm thì muộn rồi sẽ lại lâm vào cảnh nợ nần; y tá không đến chỗ làm vì chẳng ai mong họ sẽ đến; các chính trị gia không được quần chúng tin tưởng không có động lực để cố gắng cải thiện đời sống người dân. Thay đổi kỳ vọng không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể. Sau khi thấy một vị pradhan nữ trong làng, người dân không chỉ gạt bỏ thành kiến đối với chính trị gia là phụ nữ mà còn bắt đầu nghĩ biết đâu con gái mình lớn lên cũng trở thành pradhan; giáo viên được giao nhiệm vụ đơn giản là đảm bảo mọi học sinh biết đọc có thể hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong thời gian trại hè ngắn ngủi. Điều quan trọng nhất là thành công thường sẽ tiếp nối thành công. Khi tình hình chuyển biến tích cực, những thay đổi tích cực đó sẽ tác động đến niềm tin và hành vi của mọi người. Đây là lý do người ta không nên e ngại khi bỏ con tép để bắt con tôm (kể cả khi “con tép” là tiền mặt) khi cần để khởi động một chu kỳ tích cực.

Dù rút ra năm bài học như trên nhưng hãy còn rất nhiều điều chúng tôi có thể và cần phải biết mà chưa biết hết. Ở một khía cạnh nào đó, cuốn sách này chỉ là một sự gợi mở để chúng ta cùng nhìn nhận vấn đề kỹ càng hơn. Nếu chúng ta khắc phục thói quen lười biếng và suy nghĩ rập khuôn, luôn cố gắng quy mọi vấn đề về những nguyên tắc chung chung; nếu chúng ta lắng nghe người nghèo và cố gắng hiểu lô gic trong lựa chọn của họ; nếu chúng ta dám chấp nhận thất bại nếu có và dấn thân thực thi mọi ý tưởng, bao gồm cả những điều tưởng chừng là thông thường nhất, thì chúng ta sẽ không chỉ xây dựng được một tập hợp chính sách hiệu quả mà còn có thể hiểu rõ hơn tại sao người nghèo sống theo cách họ đang sống. Với hành trang là sự thông hiểu đầy kiên nhẫn ấy, chúng ta sẽ có thể nhìn ra đâu là bẫy nghèo thực sự và biết phải cung cấp cho người nghèo phương tiện gì để thoát bẫy.

Chúng tôi không có gì nhiều để trình bày về các chính sách vĩ mô hay cải cách thể chế, nhưng hãy nhớ, đừng đong đếm theo kiểu kinh doanh sòng phẳng: Thay đổi nhỏ vẫn có thể đem lại hiệu quả to lớn. Thuốc xổ giun không phải đề tài thời thượng gì hấp dẫn gì, nhưng những trẻ em Kenya được điều trị giun tại trường trong hai năm, thay vì một năm (với tổng chi phí khoảng 1,36 đô la Mỹ cho mỗi trẻ/năm) khi trưởng thành sẽ có thu nhập cao hơn 20% mỗi năm, tức là khoảng 3,269 đô la Mỹ cả đời. Hiệu quả có thể không cao đến thế nếu việc xổ giun trở nên phổ biến. Những trẻ em may mắn được xổ giun sẽ lấy mất công việc của những em khác. Nhưng nếu thử làm một phép tính, lưu ý rằng tỉ lệ tăng trưởng tính trên đầu người cao nhất ở Kenya gần đây là 4,5% trong thời kỳ 2006-2008. Nếu có thể đẩy đòn bẩy chính sách vĩ mô để khiến tỉ lệ tăng trưởng chưa từng có này lặp lại lần nữa, thì sẽ mất đến bốn năm để tăng thu nhập bình quân lên 20%. Và rốt cuộc đâu ai có cái đòn bẩy thần kỳ đó.

Chúng ta cũng không có đòn bẩy nào đảm bảo loại trừ được đói nghèo, nhưng một khi chúng ta chấp nhận sự thật thì vấn đề chỉ là thời gian. Nghèo đói đã song hành với chúng ta hàng ngàn năm qua; nếu phải đợi thêm 50 năm hay 100 năm nữa để giải quyết đói nghèo thì cũng phải vậy thôi. Ít ra chúng ta sẽ không còn giả vờ là có một giải pháp gì đó, mà thay vào đó cùng chung tay với hàng triệu người hảo tâm trên toàn thế giới – những viên chức được dân bầu, giáo viên và các nhân viên phi chính phủ, giới học giả và các doanh nhân – trên hành trình tìm tới vô vàn những ý tưởng lớn nhỏ mà cuối cùng sẽ đưa chúng ta đến một thế giới không còn ai phải sống dưới mức 99 xu/ngày.

HẾT


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.