Hiểu Nghèo Thoát Nghèo

LỜI GIỚI THIỆU PHÓ GIÁO SƯ KINH TẾ HỌC ĐỖ QUỐC ANH



Học viện Khoa học Chính trị Sciences Po, Paris, Pháp

Tôi xin bắt đầu bằng thông điệp duy nhất: Cuốn sách Poor Economics (Hiểu nghèo thoát nghèo) mà bạn đang cầm trên tay thực sự đáng đọc kỹ, rất kỹ, nếu bạn quan tâm đến một trong những câu hỏi này: Tại sao vẫn còn nhiều người nghèo trên thế giới đến như vậy? Những biện pháp nào có thể giúp họ bớt nghèo? Và đặc biệt là, những biện pháp nào vốn dĩ nhằm để giúp người nghèo, nhưng lại không có ích, hoặc làm hại nhiều hơn là giúp họ?

Tại sao nên đọc cuốn sách này? Tại sao nên đọc kỹ? Muốn hiểu được vai trò của cuốn sách, tốt nhất là nên đặt nó vào tổng thể thế giới của chính sách thoát nghèo. Các nước lớn từ lâu đã quan tâm đặc biệt đến việc giảm nghèo trên toàn cầu, điển hình là những chính sách viện trợ hàng loạt cho các nước đang phát triển, qua kênh trực tiếp, hoặc qua các tổ chức quốc tế hay phi chính phủ. Quan điểm này xuất phát từ cách hiểu về kinh tế phát triển tương đối thô sơ của những năm 1950, rằng điểm mấu chốt của phát triển nằm ở sự thiếu hụt về vốn, về đầu tư. Đến nay, quan điểm này vẫn còn rất có ảnh hưởng, ví dụ như trong chương trình vận động các nước giàu xóa nợ và viện trợ thêm nhiều lần cho các nước nghèo mà GS. Jeffrey Sachs ở Đại học Columbia (New York) dẫn đầu và giải thích cụ thể trong cuốn The End of Poverty (2005). Sách có ảnh hưởng lớn đến nhiều tổ chức vận động chính sách.

Nhưng thực tế là viện trợ thường không đưa lại kết quả khả quan. GS. William Easterly ở Đại học New York đã tổng kết những vấn đề mấu chốt khó giải quyết được của các chính sách viện trợ, nhất là về đầu tư, trong cuốn The Elusive Quest for Growth (2002). Easterly, cũng như rất nhiều nhà kinh tế học, không tin vào khả năng can thiệp từ bên ngoài bằng viện trợ, mà chỉ mong muốn các nước nghèo có được cơ chế thị trường và động lực tốt để tự phát triển.

So với hai quan điểm đối lập trên đây, cuốn sách này đưa ra quan điểm trung dung. Đúng là trong rất nhiều hoàn cảnh, những chính sách dựa vào cách hiểu đơn giản, thô sơ về viện trợ vốn và những nguồn lực khác thường dẫn đến hậu quả xấu hơn là tốt. Nhưng cách hiểu đơn giản về quyền năng của thị trường cũng không ổn, vì dù có thị trường và cơ chế tốt thì người nghèo ở nhiều nơi cũng không thoát khỏi nhiều vướng mắc họ gặp phải hàng ngày. Cuốn sách này không chọn một thái cực nào. Theo các tác giả, điều quan trọng nhất là tránh những cách hiểu giản đơn thô sơ về cái nghèo và người nghèo, và việc hiểu kỹ càng sẽ mở đường cho các chính sách tốt, tác dụng tuy ít nhưng chắc chắn và lâu dài. Không phải thiên tả, không phải thiên hữu; không quá thiên về can thiệp nhà nước, cũng không quá thiên về thị trường; không quá lạc quan song cũng không quá bi quan, cuốn sách chỉ nhấn mạnh một khía cạnh mà các tác giả tin tưởng: Đó là làm chính sách dựa vào bằng chứng khoa học.

Làm sao để có bằng chứng khoa học chính xác trong ngành kinh tế học? Các GS. Sachs và Easterly thuộc về thế hệ các nhà kinh tế học làm nghiên cứu thực nghiệm theo phương pháp truyền thống: sử dụng công cụ kinh tế lượng để phân tích dữ liệu từ các cuộc điều tra. Dữ liệu điều tra thường được thiết kế theo mục đích chung, và không thể ghi lại hết tất cả những thông tin có thể ảnh hưởng đến từng đối tượng. Vì thế, các nghiên cứu kinh tế thực nghiệm như vậy hiếm khi có thể kết luận chính xác tác động của từng chính sách, và để mở một khoảng trống không nhỏ cho các cách giải thích khác nhau.

Từ gần hai mươi năm nay, hai tác giả của cuốn sách này, GS. Abhijit Banerjee và Esther Duflo ở Viện công nghệ Massachusetts (MIT, bang Massachusetts), là những nhà tiên phong trong việc thúc đẩy phương pháp nghiên cứu mới bằng việc thiết kế, điều tra, đo đạc dựa vào các thí nghiệm ngẫu nhiên, tức là đánh giá kỹ các biện pháp, chính sách kinh tế giống như các nghiên cứu y học đánh giá từng loại thuốc mới. Phương pháp này đã tạo ra một bước ngoặt chóng mặt trong kinh tế học phát triển: Nhiều niềm tin truyền thống về chính sách bị đánh đổ, nhiều kết quả bất ngờ mới được khẳng định, và kết quả thí nghiệm (chứ không chỉ là thực nghiệm) mở đường cho những lý thuyết mới có lý và có ích hơn.

Bắt nguồn từ những nghiên cứu tiên phong của các nhà kinh tế học ở Viện MIT và đại học Harvard, phương pháp thí nghiệm ngẫu nhiên được truyền thụ lại nhiều thế hệ nghiên cứu sinh, lan rộng ra các đại học hàng đầu của Mỹ và thế giới, và đặc biệt là được Ngân hàng Thế giới tiếp thu và giúp đỡ trong rất nhiều dự án phát triển ở khắp nơi trên thế giới. Cũng từ sự thành công về khoa học của phương pháp này, hai GS. Banerjee và Duflo đã thuyết phục được các nhà tài trợ tư nhân lớn cùng thành lập trung tâm J-PAL năm 2003 (Abdul Latif Jameel Poverty Action Lab – Phòng thí nghiệm Giải pháp thoát Nghèo), với mục đích thúc đẩy chính sách giảm nghèo dựa trên bằng chứng nghiên cứu khoa học. J-PAL đã trưởng thành và mở rộng khắp thế giới, và tạo ra dấu ấn thực sự trong việc hoạch định và lựa chọn chính sách. Những thành công này tạo ra thời điểm thích hợp để hai tác giả xuất bản cuốn Hiểu nghèo thoát nghèo, hướng vào số đông độc giả quan tâm đến cái nghèo và giảm nghèo trên toàn thế giới.

Cơ sở khoa học của phương pháp thí nghiệm ngẫu nhiên thực ra rất đơn giản, đơn giản hơn nhiều phương pháp kinh tế lượng khác dùng để xử lý dữ liệu điều tra. Điểm khó khăn mấu chốt của phương pháp này không nằm ở cơ sở khoa học, mà ở khả năng thuyết phục các cơ quan làm chính sách cho phép và tài trợ việc thực hiện thí nghiệm. Khác với nhiều dòng nghiên cứu lý thuyết trừu tượng, những nghiên cứu thí nghiệm thực tế về chính sách gắn liền với đời sống thường ngày của người nghèo, đặt những câu hỏi nghiên cứu sát với cuộc sống của họ, để đề xuất những chính sách bắt nguồn từ cơ sở chứ không phải xuất phát từ cấp quản lý vĩ mô tầm cao.

Kinh tế học phải đi một đoạn đường dài để có thể hiểu được những điểm còn thiếu sót trong những phương pháp trước đây, để có thể hiểu được bước nhảy vọt trong những kết quả thí nghiệm chính sách. Hai GS. Banerjee và Duflo là những nhà tiên phong trong việc mở rộng khoa học kinh tế trong lĩnh vực này; một đóng góp được đánh giá ở đẳng cấp sớm muộn sẽ đoạt giải Nobel. GS. Duflo là phụ nữ nước ngoài đầu tiên được trao Huy chương John Bates Clark (dành cho nhà kinh tế học dưới 40 tuổi xuất sắc nhất ở Mỹ, thường “đi trước” giải Nobel trong rất nhiều trường hợp).

Dù là những nhà tiên phong trong ngành, là những giáo sư hàng đầu ở khoa kinh tế học có truyền thống nhất thế giới (trong suốt nửa sau thế kỷ 20, MIT là cái nôi lớn nhất của khoa học kinh tế hiện đại), nhưng hai GS. Banerjee và Duflo lại có phong thái đặc biệt khiêm tốn và cầu thị. Cuốn sách nhấn mạnh vào bằng chứng khoa học, nhưng lại rất khiêm tốn về những đóng góp to lớn của chính các tác giả cho khoa học kinh tế. Rất nhiều nhà kinh tế hàng đầu về kinh tế phát triển hiện nay, có nghiên cứu được trích dẫn trong cuốn sách, từng học lớp kinh tế phát triển dành cho nghiên cứu sinh kết hợp giữa MIT và Harvard, mà hai GS. Banerjee và Duflo giảng dạy (cùng với các GS. Michael Kremer và Sendhil Mullainathan ở Harvard). Tôi cũng đã có may mắn được học lớp này, và mặc dù sau này mảng nghiên cứu của tôi không gắn sát với các GS., tôi vẫn giữ nhiều ký ức đặc biệt ấn tượng từ họ, nhất là cảm hứng làm sao để hiểu thực sự rõ ràng nguồn gốc của nghèo đói, để từ đó đề xuất được chính sách thực sự tốt. Không cần kể đến những thành tựu khoa học, mà chỉ riêng sự tận tụy làm việc hết lòng để xóa nghèo cũng đủ làm hàng thế hệ các nhà kinh tế học ở khắp nơi trên thế giới nể phục.

Có thể nhiều độc giả ở Việt Nam nhận định cội nguồn của sự nghèo đói là các vướng mắc về thể chế và quản trị. Hai GS. Banerjee và Duflo không nhấn mạnh nhiều về các nguyên nhân thuộc hệ thống kinh tế chính trị của mỗi tỉnh, mỗi quốc gia. Điều đó không có nghĩa là họ coi nhẹ việc cải cách thể chế. Khác biệt giữa họ và các nhà kinh tế thể chế là ở chỗ, đối với các GS. Banerjee và Duflo, kể cả khi thể chế chưa được tốt, vẫn có thể dùng được rất nhiều chính sách giảm nghèo tốt để giúp người nghèo ngay lập tức. Nói cách khác, cuốn sách thực sự thể hiện sự lạc quan về giảm nghèo, không phải một sự lạc quan mù quáng thuần tuý, mà là lạc quan nhờ vào khoa học. Một kết cục “có hậu” càng làm cuốn sách hấp dẫn hơn. Xin mời bạn đọc!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.