Hiểu Nghèo Thoát Nghèo

7. NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐẾN TỪ KABUL VÀ THÁI GIÁM ẤN ĐỘ: RỦI RO (KHÔNG DỄ) LƯỜNG TRƯỚC KHI CHO NGƯỜI NGHÈO VAY TIỀN



Dễ thấy cảnh tượng hàng dãy người bán rau quả đứng san sát nhau trên khắp các nẻo đường ở hầu hết các nước đang phát triển. Họ (thường là phụ nữ) thường có một chiếc xe đẩy nhỏ hoặc đôi khi chỉ là một tấm vải bạt trải sơ sài trên lề đường để bày bán cà chua, hành tây hay bất cứ món gì, miễn có lời. Những người bán hàng rong mua hàng hóa từ người bán sỉ từ sáng sớm, thường là mua chịu, bán hàng suốt ngày hôm đó và trả tiền mua chịu cho bên bán sỉ vào buổi tối. Đôi khi chiếc xe đẩy dùng để vận chuyển và bày bán rau quả cũng là đồ đi thuê.

Đây cũng là phương thức kinh doanh ở những quốc gia giàu có. Các doanh nghiệp vay vốn hoạt động để sản xuất và mua hàng hóa, sau đó hoàn trả khoản vay bằng doanh thu kiếm được. Điều đáng nói là mức lãi suất mà người nghèo phải trả quá cao so với người giàu. Ở Chennai Ấn Độ, khi trả tiền mua chịu cho người bán sỉ vào buổi tối, thường một người bán hàng rong phải trả bình quân là 1,046.9 rupi cho 1,000 rupi (tương đương 51 đô la Mỹ) tiền rau quả ứng lúc sáng. Lãi suất tính ra là 4,69 % mỗi ngày.[223] Để thấy rõ lãi suất là cao hay thấp, ta hãy thử tính: Nếu bạn vay 100 rupi (5,1 đô la Mỹ) hôm nay và giữ đến hôm sau thì số tiền phải trả là 104,69 rupi. Nếu tiếp tục giữ khoản vay này qua 24 giờ nữa thì hôm sau số tiền phải trả là 109,6 rupi. Sau 30 ngày, khoản nợ sẽ lên tới gần 400 rupi và sau 1 năm là 1,842,459,409 rupi (93,5 đô la Mỹ). Vậy khoản vay khoảng 5 đô la Mỹ sẽ phình lên tới gần 100 đô la Mỹ nếu người vay không trả được trong vòng một năm.

Tỉ lệ lãi suất quá cao này là hồi chuông báo động giục giã các công ty tài chính vi mô hãy ra tay hành động. Ví dụ, Padmaja Reddy, CEO của Spandana, một trong những tổ chức tài chính vi mô lớn nhất ở Ấn Độ, chia sẻ rằng Spandana ra đời từ cuộc trò chuyện đáng nhớ của bà với một người thu gom ve chai tại thành phố Guntur, bang Andhra Pradesh. Bà nhận ra nếu người nhặt ve chai có vốn để mua một chiếc xe đẩy thì người đó hẳn sẽ đủ khả năng dành dụm đủ tiền để bù lại khoản bỏ ra đó chỉ trong vài tuần do không phải thuê xe hàng ngày. Nhưng người thu lượm ve chai không đủ tiền mua xe đẩy. Padmaja tự hỏi: “Tại sao chẳng ai cho người thu gom ve chai kia mượn tiền mua xe đẩy?” Padjama kể lại rằng người nhặt ve chai cho biết ngân hàng không cho những người như bà ta vay tiền. Người phụ nữ lượm ve chai đó có ý định vay từ những người cho vay nặng lãi, nhưng lãi suất quá cao khiến bà ta ngại ngần. Cuối cùng, Padjama quyết định cho người phụ nữ kia vay tiền. Người lượm ve chai sau đó đã hoàn trả đầy đủ và làm ăn khấm khá hơn. Chẳng bao lâu sau, người ta bắt đầu xếp hàng trước nhà Padjama để xin vay. Từ đó, Padjama thôi việc và bắt tay vào xây dựng Spandana. Tháng 11/2010, 13 năm sau, Spadana có 4,2 triệu khách hàng vay nợ với danh mục đầu tư đáng nể lên tới 4,2 tỉ rupi.

Câu chuyện của Padjama không khác mấy so với câu chuyên của Muhammad Yunus, người được tôn vinh là cha đẻ của tài chính mô hiện đại. Ngân hàng không mấy quan tâm đến khách hàng nghèo, bỏ trống một thị trường béo bở để những kẻ cho vay nặng lãi và giới thương lái cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng. Trong bối cảnh này, tài chính vi mô là một ý tưởng đơn giản mà hữu hiệu. Những ai không có ý định làm tiền người nghèo đều có thể gia nhập thị trường này, tính lãi suất vừa đủ để duy trì hoạt động cho vay và có được một khoản lợi nhuận nho nhỏ, không hơn. Tích tiểu thành đại, giảm lãi suất cho vay xuống một ít có thể giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người nghèo. Hãy xét trường hợp người bán hoa quả: Thử tưởng tượng người ta có thể vay 1,000 rupi với lãi suất khiêm tốn, chẳng hạn 10%/tháng. Khi đó, người đó có thể mua rau quả bằng tiền mặt, thay vì mua chịu như trước đây. Trong vòng một tháng, người này sẽ dành dụm được 4,000 rupi (203 đô la Mỹ) kể cả phần lãi đáng ra phải trả cho người bán sỉ, đủ để trả cho công ty tài chính tín dụng và còn thừa một ít. Từ đó người này có thể tiếp tục phát triển công việc buôn bán và thoát nghèo chỉ sau vài tháng. Ít ra theo lý thuyết là như vậy.

Tuy nhiên câu chuyện đơn giản trên đây đặt ra không ít câu hỏi. Có rất nhiều người bán sỉ hoa quả ở Chennai. Tại sao không ai trong số họ hay không một người cho vay nặng lãi nào táo bạo hạ lãi suất cho vay một chút? Người nào dám làm điều đó hẳn đã chiếm trọn thị phần, tất nhiên vẫn thu được một khoản lợi nhuận đáng kể. Tại sao những người bán hoa quả rong phải chờ đợi những người như Muhammad Yunus hay Padmaja Reddy xuất hiện?

Nếu xét từ góc độ này thì dường như những người ủng hộ tài chính vi mô còn hành động quá dè dặt. Họ nên làm nhiều hơn nữa chứ không nên dừng lại ở việc tạo thế cạnh tranh trong một thị trường độc quyền. Hoặc ngược lại, có thể họ quá lạc quan về tiềm năng giúp thoát nghèo của những khoản cho vay nhỏ lẻ. Song song với những giai thoại người bán hoa quả rong trở thành chủ vựa trái cây trên khắp các trang web của các tổ chức tài chính vi mô, vẫn còn đó ở Chennai vô vàn những người bán trái cây nghèo khổ. Vẫn có nhiều người không vay mượn từ các tổ chức tài chính vi mô mặc dù không thiếu những tổ chức như vậy tại nơi họ sống. Phải chăng những người này đang bỏ qua tấm vé giúp họ thoát nghèo, hay tài chính vi mô không màu nhiệm như người ta vẫn nói?

CHO NGƯỜI NGHÈO VAY

Rất ít hộ nghèo vay vốn từ một tổ chức cho vay đàng hoàng như ngân hàng thương mại hay hợp tác xã. Theo cuộc khảo sát chúng tôi tiến hành ở Udaipur, thuộc khu vực nông thôn Ấn Độ, khoảng 2/3 người nghèo ở trong tình trạng vay nợ. Trong số đó, 23% vay mượn từ người thân, 18% từ người cho vay nặng lãi, 37% từ tiểu thương bán quán và chỉ 6,4% từ nguồn chính thức. Tỉ lệ vay từ ngân hàng chưa cao không phải vì người dân không thể tiếp cận hệ thống ngân hàng. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở khu vực thành thị Hyderabad. Ở đây các hộ gia đình sống dưới mức 2 đô la Mỹ/ngày chủ yếu mượn tiền từ người cho vay nặng lãi (52%), bạn bè hay hàng xóm (24%) và người thân trong gia đình (13%). Chỉ 5% vay vốn từ ngân hàng thương mại. Ở tất cả 18 quốc gia trong bộ dữ liệu khảo sát của chúng tôi, chưa tới 7% người nghèo nông thôn và chưa tới 10% người nghèo thành thị vay ngân hàng.

Tín dụng từ các nguồn phi chính thức thường đắt đỏ hơn. Theo kết quả khảo sát ở Udaipur, những người sống dưới 99 xu/ngày trung bình phải trả lãi suất 3,84%/tháng (tương đương với 57%/năm) cho khoản tín dụng từ những nguồn phi chính thức. Ngay cả nợ thẻ tín dụng ở Mỹ, nổi tiếng đắt đỏ, cũng chẳng là gì khi so sánh với tỉ lệ lãi suất nói trên. Thẻ tín dụng tiêu chuẩn của Ngân hàng Mỹ có lãi suất khoảng 20%/năm. Những người chi tiêu từ 99 xu đến 2 đô la Mỹ mỗi ngày tính trên bình quân đầu người trả ít hơn một chút: 3,13%/tháng. Có hai lý do dẫn đến sự khác nhau về lãi suất cho vay. Thứ nhất, những người sống trong hoàn cảnh không quá khốn khó thường ít phụ thuộc vào các nguồn tín dụng phi chính thức mà chủ yếu dựa vào các nguồn chính thức, trong khi đối với những người bần cùng thì ngược lại. Và tín dụng từ nguồn chính thức bao giờ cũng rẻ hơn. Thứ hai, lãi suất cho vay của những nguồn phi chính thức thường cao hơn với người nghèo, và thấp hơn với những người không quá khó khăn. Người đi vay cứ có thêm một héc ta đất thì khoản vay không chính thức dành cho người đó giảm 0,4%.

Lãi suất cũng thay đổi tùy theo lĩnh vực và quốc gia, nhưng ngưỡng thấp nhất luôn giống nhau: Lãi suất hàng năm thông thường vào khoảng 40% – 200% (hay cao hơn) và lãi suất tính cho người nghèo cao hơn cho người giàu. Có rất nhiều người đang đi vay với lãi suất này, con số thật choáng váng. Hàng triệu người sẵn sàng đi vay ở mức lãi suất mà người Mỹ bình thường chỉ mong tiền tiết kiệm của mình sinh lời được thế. Vậy tại sao các nhà đầu tư không đổ xô đem tiền đến cho người nghèo vay?

Không phải chưa có ai thử làm. Từ thập niên 60 đến cuối thập niên 80, chính phủ nhiều quốc gia đang phát triển thực hiện tài trợ các chương trình tín dụng, thường với mức lãi suất trợ cấp, cho đối tượng người nghèo nông thôn. Ví dụ, ở Ấn Độ vào năm 1977, ứng với mỗi chi nhánh tại thành phố, ngân hàng phải mở bốn chi nhánh ở nông thôn cho những vùng mà mạng lưới ngân hàng chưa vươn tới. Ngoài ra, chính phủ cũng chỉ đạo các ngân hàng phải dành 40% danh mục cho vay cho “khu vực ưu tiên” như: doanh nghiệp nhỏ, nông nghiệp, hợp tác xã v.v… Robin Burgess và Rohini Pande đã chứng minh được nơi nào có nhiều chi nhánh ngân hàng nhờ chính sách nói trên thì nơi đó công tác xóa đói giảm nghèo diễn ra nhanh hơn.[224]

Vấn đề là những chương trình cho vay bắt buộc ưu tiên kiểu này không làm lợi cho ngân hàng như những chương trình cho vay thông thường. Tỉ lệ vỡ nợ cao ở mức đáng báo động (40% những năm 1980). Hoạt động cho vay thường bị yếu tố chính trị tác động hơn là nhu cầu về mặt kinh tế (nông dân được vay nhiều trước mỗi kỳ bầu cử ở những quận mà các phe phái cạnh tranh cam go với nhau).[225] Và tiền thường rơi vào túi một bộ phận giàu có tại địa phương. Thậm chí khảo sát của Burgess và Pande, vốn ngả theo hướng ủng hộ chương trình này, cũng đi tới kết luận rằng khi thông qua hệ thống các chi nhánh ngân hàng nói trên để tăng thu nhập của người nghèo lên 1 rupi, thì cần bỏ ra nhiều hơn 1 rupi. Các nghiên cứu tiếp sau cũng chỉ ra rằng về lâu về dài khu vực nào có nhiều chi nhánh ngân hàng hơn sẽ trở nên nghèo hơn.[226] Năm 1992, trong làn sóng đổi mới góp phần tự do hóa Ấn Độ, yêu cầu phải mở chi nhánh ngân hàng ở khu vực nông thôn giảm xuống, đồng thời ở hầu hết các quốc gia đang phát triển khác chính phủ cũng dần xóa bỏ hỗ trợ đối với các chương trình cho vay công.

Thử nghiệm xã hội hóa ngân hàng thất bại có lẽ vì chính phủ đúng ra không nên tham gia vào lĩnh vực cho vay có trợ cấp. Các chính trị gia coi trợ cấp cho vay như những món quà biếu thuận tiện, vì chẳng có món quà nào tuyệt vời bằng cho vay tiền không phải trả. Nhưng tại sao ngân hàng tư nhân không muốn cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn? Giả sử doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi 4%/tháng, cao hơn nhiều lần so với lãi suất bình quân ngân hàng tính cho một khoản vay thông thường. Một số trang web ở Mỹ hiện nay đã tạo điều kiện để những bên cho vay ở nước giàu tìm đến với doanh nghiệp ở các nước đang phát triển. Phải chăng những người này cuối cùng đã hiểu ra điều cốt lõi mà kẻ khác bỏ lỡ?

Hay trái lại, phải chăng có điều gì những người cho vay phi chính thức làm được mà ngân hàng không thể? Đó là gì? Và tại sao cho người giàu vay thì ít tốn kém hơn?

Rủi ro (không dễ) lường trước khi cho người nghèo vay tiền Quy tắc phổ biến là: Người nào có nguy cơ vỡ nợ cao hơn thì phải trả lãi nhiều hơn. Phép tính ở đây rất đơn giản: Nếu người cho vay phải thu lại bình quân 110 rupi cho mỗi 100 rupi cho vay để duy trì hoạt động cho vay (ví dụ đây là chi phí vốn của anh ta), trong trường hợp không bị vỡ nợ, anh ta sẽ lấy lãi suất 10%. Nhưng trong trường hợp một nửa số người vay nợ không có khả năng thanh toán thì anh ta phải thu được ít nhất 220 rupi từ nửa số người thực sự trả được nợ, và do đó anh ta buộc phải áp mức lãi suất 120% cho tất cả những người vay nợ. Tuy nhiên tỉ lệ vỡ nợ của các khoản vay không chính thức không cao như chương trình cho vay có chính phủ hỗ trợ của các ngân hàng. Vay không chính thức có thể bị chậm thanh toán, nhưng hiếm khi người đi vay quịt không trả nợ. Theo một nghiên cứu về cho vay nặng lãi khu vực nông thôn Pakistan, tỉ lệ vỡ nợ trung bình chỉ ở mức 2% cho dù lãi suất bình quân có thể lên tới 78%.[227] Không phải tự nhiên mà tỉ lệ vỡ nợ của các khoản vay không chính thức lại thấp như vậy, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía những người cho vay. Không dễ gì buộc người ta tuân thủ hợp đồng vay nợ. Nếu để người vay nợ chi dùng khoản vay một cách bất hợp lý, hay vì lý do nào đó gặp xui xẻo mất hết tiền thì bên cho vay sẽ chẳng thu được đồng nào, và gần như chẳng thể làm gì để lấy lại tiền. Biết vậy nên người đi vay thường giả vờ không có tiền khi đến hạn. Nếu bên cho vay không kiểm tra được thực hư thì sẽ có nguy cơ chẳng bao giờ thu lại tiền được, dù con nợ thực sự đã làm ăn khấm khá hơn.

Trên khắp thế giới, bên cho vay tự bảo vệ mình trước kiểu cố tình không trả tiền bằng cách yêu cầu tiền bảo đảm trước dưới dạng ký quỹ hay đôi khi gọi là đóng góp cho nhà bảo trợ, tức một phần vốn công ty trích từ tiền túi của doanh nghiệp. Nếu người đi vay không trả được nợ, người cho vay có thể trừng phạt bằng cách lấy đi khoản tiền ký quỹ. Người đi vay càng có nhiều thứ để mất thì càng ít nguy cơ họ sẽ bỏ trốn cùng khoản tiền vay được. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa rằng người đi vay cầm cố càng nhiều thì khoản được vay càng lớn. Đây là cơ sở của quy tắc quen thuộc: khoản vay lớn hay nhỏ tùy thuộc vào việc người đi vay hiện có nhiều hay ít tiền (ít ra là trước đây, khi mà vay mượn vẫn đòi hỏi cầm cố trả trước). Hay như người Pháp vẫn thường nói “On ne prête qu’aux riches” (“Nắm kẻ có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu”).

Điều này giải thích tại sao người nghèo vay được ít tiền hơn, chứ không lý giải được tại sao người nghèo phải trả lãi suất cao hơn hay tại sao ngân hàng từ chối cho họ vay. Có một nguyên do khác ở đây. Để thu được nợ, bên cho vay cần nhiều thông tin về người đi vay: phải biết người đi vay có đáng tin hay không, nhà cửa ở đâu, kinh doanh cái gì… Những điều này rất có ích cho việc thu hồi khoản nợ về sau. Bên cho vay cũng muốn để mắt đến đối tượng đi vay, chẳng hạn bằng cách ghé thăm thường xuyên để đảm bảo khoản vay được sử dụng đúng mục đích, hướng công việc kinh doanh của người đi vay theo hướng nên phát triển. Tất cả những nỗ lực này đều mất thời gian, mà thời gian là tiền bạc. Lãi suất cao chính là để bù đắp cho chi phí này.

Hơn nữa, những chi phí trên đây không hề tỉ lệ thuận với kích cỡ khoản vay. Dù khoản vay có nhỏ đến đâu chăng nữa thì bên cho vay vẫn phải thu thập thông tin cơ bản về người đi vay. Kết quả là càng vay ít tiền thì tỉ lệ chi phí kiểm tra giám sát trên số tiền đi vay càng cao, và vì tiền lãi phải bù đắp được chi phí, và do đó lãi suất sẽ càng cao.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi điều này gây ra hiện tượng mà các nhà kinh tế học gọi là hiệu ứng số nhân. Lãi suất càng cao, người đi vay càng có lý do để tìm cách quỵt nợ. Điều này đồng nghĩa với việc người đi vay phải được kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn, kết quả là chi phí cho vay bị đẩy lên cao hơn. Chi phí cho vay cao hơn lại đẩy lãi suất lên cao hơn nữa, và sẽ cần kiểm tra giám sát nhiều hơn nữa, mọi chuyện cứ tiếp diễn như thế. Áp lực từ trên xuống càng lúc càng cao, lãi suất thì tăng vùn vụt. Rốt cuộc, như vẫn thường xảy ra trong thực tế, người cho vay sẽ đi đến kết luận rằng không thể cho người nghèo vay nợ. Tiền lãi thu về chẳng đáng là bao so với thời gian công sức bỏ ra.

Hiểu được điều này, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Hạn chế lớn nhất khi cho người nghèo vay chính là chi phí thu thập thông tin, cho nên không có gì khó hiểu nếu người nghèo chủ yếu vay mượn từ người quen, chẳng hạn như hàng xóm, chủ chỗ làm, bạn làm ăn kinh doanh, hay một trong số những kẻ cho vay nặng lãi tại địa phương. Và chính xác đây là điều đang diễn ra trong thực tế. Nghe thì có vẻ lạ tai nhưng chính cơ chế thực hiện thỏa thuận này đã khiến người nghèo tìm đến dân đao búa để vay tiền. Nếu chẳng may người ta chưa thể trả nợ thì những kẻ cho vay kiểu đó cũng không phải tốn nhiều thời gian giám sát (con nợ không dám bỏ trốn vì sợ) và nhờ đó có thể hạ lãi suất cho vay thấp xuống. Những năm 1960-1970 ở Calcutta, có rất nhiều người cho vay nặng lãi đến từ Kabul – những người đàn ông cao lớn trong trang phục Afghan với túi vải chéo sau lưng đi hết nhà này đến nhà khác giả vờ bán đậu và hoa quả sấy khô, để che đậy việc cho vay nặng lãi. Tại sao không một ai gần gũi quen thuộc hơn đứng ra cho vay? Lý do khả dĩ nhất đó là do những người đàn ông đó nổi tiếng hung tợn và không biết mủi lòng. Định kiến này càng được củng cố bởi câu chuyện trong sách giáo khoa mà đứa trẻ nào ở Bengal cũng thuộc nằm lòng. Câu chuyện về một người đàn ông Kabul tuy tốt tính nhưng rất tàn bạo, sẵn sàng giết người nếu bị phản bội. Có thể dùng lô gic này để lý giải tại sao đối với nhiều người Mỹ, các băng nhóm tội phạm lại là “cứu cánh cho vay lúc đường cùng”.

Một ví dụ kỳ quặc hơn nữa minh họa cho sức mạnh của sự đe dọa đến từ câu chuyện trên tờ Sunday Telepgraph London ngày 22/8/1999. Bài viết có nhan đề “Trả nợ mau, nếu không bọn ta sẽ phái thái giám đến gặp mày.”[228] Bài viết mô tả cách những người cho vay ở Ấn Độ lợi dụng định kiến xã hội cũ về nam giới bị thiến bộ phận sinh dục để tác động tới những con nợ ở xa. Người ta tin rằng thấy chỗ kín của “thái giám” sẽ rất xui xẻo, do đó những người cho vay nặng lãi sẽ phái “thái giám” đến nhà con nợ và dọa “khoe của quý” nếu con nợ tiếp tục tỏ thái độ bất hợp tác. Cũng do chi phí tìm hiểu người đi vay cao nên dù có nhiều người cho vay trong làng nhưng cạnh tranh không hề đẩy giá tín dụng giảm xuống. Một khi người cho vay nặng lãi đã bỏ ra chi phí kiểm tra thông tin về người đi vay và người đi vay bắt đầu vay mượn lâu dài thì rời bỏ không phải là chuyện dễ dàng. Nếu người đi vay tìm đến nơi khác, người cho vay mới vẫn phải tiến hành các bước kiểm tra lại từ đầu. Việc này rất tốn kém, thậm chí còn đẩy lãi suất lên cao hơn nữa. Ngoài ra, người cho vay cũng nghi ngờ con nợ mới: Tại sao lại bỏ mối mình hay vay mượn trước nay dù rõ ràng việc bỏ đi là rất tốn kém? Theo đó người cho vay vì cẩn tắc vô ưu có thể sẽ tăng lãi suất lên. Vì thế cho nên, dù có nhiều người cho vay, nhưng người đi vay cuối cùng cũng sẽ tìm đến với người mà họ quen biết. Còn người cho vay có thể lợi dụng lợi thế này để tiếp tục tăng lãi suất.

Điều này cũng lý giải tại sao ngân hàng không cho người nghèo vay. Nhân viên ngân hàng không có điều kiện để làm tất cả những thủ tục thẩm tra hồ sơ cần thiết: Họ không sống trong làng, không biết về người dân và họ còn làm việc theo kiểu xoay vòng. Ngân hàng dù có tiếng tăm cũng chẳng có cách nào cạnh tranh với những người đàn ông đến từ Kabul. Các ngân hàng chẳng thể dễ dàng đe dọa bẻ gãy chân hay gửi thái giám đến nhà con nợ. Chi nhánh Ấn Độ của ngân hàng Citibank từng gặp rắc rối lớn khi bị phát hiện sử dụng “goondas” (dân anh chị tại địa phương) để đe dọa người đi vay khi người ta không chịu thanh toán tiền vay mua sắm xe cộ. Kiện ra tòa cũng không phải là một cách hay. Năm 1988, theo báo cáo của Hội luật gia Ấn Độ, 40% vụ thanh lý tài sản (của người đi vay không có khả năng chi trả) bị kéo dài đến hơn tám năm.[229] Hãy thử nhìn nhận sự việc này từ góc độ của người cho vay: Họ biết rằng ngay cả khi họ thắng kiện thì họ vẫn phải chờ nhiều năm mới lấy lại được tài sản thế chấp từ người đi vay (với rất nhiều nguy cơ người đi vay tìm cách tẩu tán tài sản). Dĩ nhiên, điều này có nghĩa từ góc độ của người cho vay, giá trị tài sản của người đi vay tại thời điểm bắt đầu vay sẽ thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Nachiket Mor, lúc bấy giờ là một trong những phó giám đốc Ngân hàng ICICI, từng kể cho chúng tôi về cách tuyệt vời để yêu cầu nông dân thanh toán các khoản vay nông nghiệp. Trước khi giải ngân cho mỗi khoản vay, ông yêu cầu nông dân viết một tờ séc ghi lùi ngày có giá trị bằng khoản vay. Cách này hay ở chỗ nếu người nông dân không trả nợ, ngân hàng có quyền yêu cầu cảnh sát vào cuộc để thu hồi tiền dựa vào tờ séc, vì không trả séc đúng hẹn là vi phạm pháp luật. Cách làm này có hiệu quả được một thời gian trước khi bị phanh phui. Khi phía cảnh sát nhận ra họ phải xử lý đến hàng trăm séc không tài khoản, họ đã lịch sự từ chối ngân hàng ICICI với lý do đó không phải là việc của họ.

Ngay cả khi ngân hàng xoay xở lấy lại được tiền, hệ quả vẫn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát: Chẳng ngân hàng nào muốn báo chí giật tít liên quan tới chuyện “nông dân tự tử”. Thêm nữa, mỗi khi gần tới kỳ bầu cử là chính phủ lại muốn ngân hàng xóa hết những khoản nợ quá hạn, đó chẳng khác nào cú bồi cuối cùng với các ngân hàng. Vì tất cả những lý do này, ngân hàng chọn cách dễ dàng hơn là không cho người nghèo vay tiền và để lại thị trường rộng lớn đó cho những kẻ cho vay nặng lãi. Mặc dù những kẻ cho vay nặng lãi có cách thu được nợ, nhưng họ phải tốn kém nhiều hơn ngân hàng để thu về khoản tiền cho vay. Đây chính là lý do tại sao chúng ta vẫn vui vẻ gửi tiền tiết kiệm dù lãi suất ngân hàng chẳng đáng bao nhiêu thay vì gửi gắm tiền vào tay kẻ cho vay nặng lãi. Điều này cộng với hiệu ứng số nhân và thế độc quyền của những người cho vay nặng lãi lý giải tại sao người nghèo luôn phải vay với lãi suất cao như vậy. Sáng kiến của những người như Muhammad Yunus và Padmaja Reddy không chỉ dừng ở việc cho người nghèo vay với lãi suất hợp lý hơn, mà là làm thế nào để thực hiện được điều đó.

NHỮNG ĐIỂM NHẤN VI MÔ CHO MỘT CHƯƠNG TRÌNH VĨ MÔ

Thuở mới manh nha, tín dụng vi mô ở Bangladesh được Ủy ban Hỗ trợ Khôi phục Bangladesh (BRAC) và ngân hàng Grameen triển khai vào giữa những năm 1970, nay đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Nó mở rộng đến mọi ngõ ngách với khoảng 150 – 200 triệu người vay, chủ yếu là phụ nữ, và chương trình còn có khả năng cấp vốn cho rất nhiều người nữa. Đôi khi người ta mô tả tín dụng vi mô như con quái vật trong truyện thần thoại Hy Lạp với hai vòi – một làm nhiệm vụ thu lợi nhuận, một làm nhiệm vụ công ích xã hội, và đạt thành công ấn tượng ở cả hai vai trò. Muhammad Yunus được trao giải Nobel Hòa Bình còn ngân hàng Grameen nhận được rất nhiều sự khen ngợi và yêu mến của công chúng; Trong khi đó, lần phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu của MFI lớn ở Mexico là Comparatamos vào mùa xuân năm 2007 là một chiến thắng (gây tranh cãi) về mặt thương mại. Lần phát hành đó thu được 467 triệu đô la Mỹ cho Comparatamos mặc dù không ít ánh mắt dư luận soi vào mức lãi suất trên 100%. (Yunus công khai tỏ thái độ không ủng hộ, gọi CEO của Comparatamos là những kẻ cho vay nặng lãi mới nhưng các tổ chức MFI khác đã nhanh chóng tiếp bước: Tháng 7/2010 SKS Microfiancne, tổ chức tài chính vi mô lớn nhất ở Ấn Độ cũng phát hành cổ phiếu đợt đầu, huy động được 354 triệu đô la Mỹ).

Không có gì khó hiểu khi Yunus tỏ ra bất bình khi bị so sánh với đám cho vay nặng lãi, tuy nhiên ở một khía cạnh (rõ ràng) nào đó tín dụng vi mô thực chất là hoạt động cho vay được đổi mới vì mục đích xã hội. Giống như những người cho vay nặng lãi truyền thống, các MFI cũng hoạt động dựa trên khả năng giám sát khách hàng, nhưng họ thực hiện điều này một phần bằng cách tập hợp những người vay quen biết nhau thành nhóm. Một hợp đồng cho vay nhỏ điển hình thường ký với cả nhóm khách hàng, những người này chịu trách nhiệm cho khoản vay của nhau, nhờ đó mỗi người trong nhóm đều thanh toán khoản vay. Có tổ chức còn muốn những người cùng vay quen biết nhau từ trước, có tổ chức giúp người vay gần nhau hơn qua các buổi gặp mặt định kỳ hàng tuần. Những cuộc gặp này tạo quan hệ gắn bó, từ đó các thành viên sẵn lòng giúp đỡ nhau hơn khi có người trong nhóm gặp khó khăn tạm thời.[230]

Cũng như những người cho vay nặng lãi, MFI cũng dọa không cho vay tiếp nếu người vay không trả nợ đúng hạn. Họ không ngại viện đến các mối quan hệ trong mạng lưới cộng đồng làng xã để gây sức ép với những người đi vay cố ý chây ì. Nhưng khác với những người cho vay nặng lãi, chính sách chính thức của họ là không bao giờ đe dọa bằng vũ lực.[231] Tuy nhiên chỉ cần làm người ta xấu hổ bẽ bàng xem ra cũng quá đủ. Một người đi vay chúng tôi gặp ở Hyderabad chật vật kiếm tiền trả nợ cho nhiều tổ chức vi tín dụng khác nhau. Bà ta chưa bao giờ quên thanh toán bất kỳ khoản vay nào dù điều đó có nghĩa bà phải mượn tiền từ con cái hay bớt ăn một bữa mỗi ngày. Bà ghét cái cảnh bị nhân viên tín dụng đến trước cửa nhà và “gây ầm ĩ” trước toàn thể xóm giềng.

Điểm khác biệt rõ rệt của MFI so với hoạt động cho vay truyền thống là loại bỏ gần như mọi sự linh động. Người cho vay nặng lãi thường cho con nợ chọn cách vay cũng như cách trả nợ. Người thì trả hàng tuần, nhưng cũng có người trả mỗi khi họ có tiền trong tay. Có người chỉ trả lãi cho đến khi có khả năng thanh toán toàn bộ tiền gốc. Ngược lại, khách hàng vay tín dụng nhỏ thông thường phải trả một khoản tiền cố định mỗi tuần, bắt đầu một tuần sau khi áp dụng khoản vay, và số tiền mọi người được vay là như nhau, ít ra lần đầu là vậy. Hơn nữa, người đi vay phải trả khoản tiền cố định đó tại các buổi gặp mặt định kỳ hàng tuần với thời gian gặp cố định cho mỗi nhóm vay. Lợi ích của việc này đó là dễ dàng kiểm soát được số tiền trả nợ. Nhân viên vay vốn chỉ cần đếm là biết được tổng số tiền anh ta thu được từ nhóm vay, và nếu thu đủ tiền thì coi như xong việc và có thể chuyển qua nhóm vay tiếp theo. Nhờ tính nhanh gọn chính xác của hoạt động thu tiền này mà mỗi ngày một nhân viên vay vốn có thể thu nợ tới 100 – 200 người, trong khi người cho vay lẻ phải chầu chực chờ đợi mà không biết khi nào thu được tiền. Ngoài ra, vì cách thanh toán đơn giản nên nhân viên vay vốn cũng không cần phải được đào tạo nhiều, nhờ đó góp phần giữ chi phí hoạt động ở mức thấp. Thêm vào đó, nhân viên vay vốn được trả lương khuyến khích theo doanh số, nghĩa là tìm được càng nhiều khách hàng và thu được càng nhiều tiền nợ thì lương càng cao.

Tất cả những sáng kiến này đã góp phần giảm chi phí quản lý của hoạt động cho vay, chi phí mà như phần trên đã phân tích, bị đẩy lên quá cao vì hiệu ứng số nhân và khiến việc cho người nghèo vay nợ trở nên tốn kém. Cách làm trên đây là cách mà hầu hết các tổ chức vi tín dụng ở Nam Á áp dụng và kiếm được tiền khi cho người nghèo vay với mức lãi suất khoảng 25%/năm, so với mức lãi suất gấp 2 – 4 lần mà những người cho vay nặng lãi ở khu vực này áp dụng. Ở một số nơi khác trên thế giới, lãi suất cho vay cao hơn (phần nhiều do nhân viên vay vốn nhận lương cao hơn), đôi khi trên 100%/năm nhưng vẫn duy trì ở mức thấp hơn so với những phương thức vay nợ khác. Ví dụ tại khu vực thành thị Brazil, các MFI cho vay với lãi suất khoảng 4%/tháng (60%/năm), và cách dễ nhất là tái huy động vốn bằng nợ thẻ tín dụng với lãi suất 12-20%/tháng (289%/năm đến khoảng 800%/năm). Nếu không có khủng hoảng chính trị thì chuyện vỡ nợ cực hiếm xảy ra. Năm 2009 “danh mục rủi ro” (tức các khoản vay có nguy cơ không thể thanh toán nhưng không phải tất cả đều thế) ở khu vực Nam Á chưa tới 4%, mức này dưới 7% ở hầu hết các nước Châu Mỹ La tinh và Châu Phi.[232] Và do đó, tài chính vi mô với khoảng 150 đến 200 triệu khách hàng đã tìm được chỗ đứng với tư cách là một trong những chính sách xóa đói giảm nghèo dễ thấy nhất. Nhưng liệu có hiệu quả?

LIỆU TÍN DỤNG VI MÔ CÓ HIỆU QUẢ?

Đương nhiên câu trả lời phụ thuộc vào định nghĩa của bạn thế nào là “hiệu quả”. Theo những người ủng hộ tín dụng vi mô nhiệt thành, hiệu quả là thay da đổi thịt cho cuộc sống của người khác. Trang web Nhóm Tư vấn Hỗ trợ Người nghèo (CGAP), một tổ chức có trụ sở tại Ngân hàng Thế giới và chuyên vận động phổ biến tín dụng vi mô, trong phần “những câu hỏi thường gặp” cho rằng “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc đáp ứng đầy đủ các dịch vụ tài chính cho hộ nghèo – tức tài chính vi mô – có thể giúp đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ”[233] (bao gồm phổ cập giáo dục tiểu học, tỉ lệ tử vong thấp ở trẻ nhỏ và sức khỏe cho phụ nữ mang thai…). Ý tưởng cơ bản của họ là nên trao thêm sức mạnh kinh tế cho phụ nữ và phụ nữ thì biết quán xuyến hơn đàn ông.

Tiếc là trái với những gì CGAP tuyên bố, đến gần đây vẫn gần như không có bằng chứng chứng minh cho những vấn đề nêu trên. Cái mà CGAP gọi là bằng chứng hóa ra chỉ là những nghiên cứu qua trường hợp điển hình, mà hầu hết là do chính các MFI thực hiện. Đối với nhiều người ủng hộ tín dụng vi mô, nghiên cứu tình huống cụ thể như vậy thôi cũng đủ. Chúng tôi từng gặp một nhà đầu tư mạo hiểm rất giỏi ở Thung lũng Silicon. Ông cũng là một nhà đầu tư ủng hộ tín dụng vi mô (từ sớm đã đầu tư vào tổ chức SKS). Ông cho biết chẳng cần thêm bằng chứng, ông thấy đủ “câu chuyện thành công” để nhìn ra sự thật. Nhưng dữ liệu mang tính giai thoại chẳng ích gì với những người hoài nghi khác, bao gồm đại bộ phận chính phủ các nước đang quan ngại tín dụng vi mô có thể là một “hình thức cho vay nặng lãi mới”. Tháng 10/2010, chỉ 2 tháng sau lần bán cổ phiếu lần đầu thành công của SKS, chính quyền bang Andhra Pradesh đã buộc SKS phải chịu trách nhiệm cho vụ 57 nông dân tự tử. Người ta cho rằng những nông dân này bị đẩy đến bước đường cùng vì không chịu nổi áp lực từ kiểu đòi nợ cưỡng ép của nhân viên vay vốn. Một số nhân viên vay vốn của SKS và Spandana bị bắt giữ, và chính phủ thông qua các luật gây nhiều khó khăn cho hoạt động thu nợ định kỳ hàng tuần, trong đó phải kể đến quy định thanh toán nợ phải diễn ra với sự có mặt của viên chức nhà nước được chỉ định. Việc này đã thể hiện thông điệp rõ ràng rằng người đi vay không cần phải trả nợ. Đến đầu tháng 12, tất cả nhân viên tín dụng của các tổ chức vi tín dụng lớn (SKS, Spandana, Share) vẫn án binh bất động và thua lỗ chồng chất như núi. Vikram Akula, CEO của SKS, phát biểu rằng 57 nông dân tự tử đó không ở trong tình trạng vỡ nợ nên không thể nói họ bị nhân viên vay vốn của SKS bức tử. Nhưng lời trấn an dư luận đó cùng những giai thoại thành công chẳng giúp được gì nhiều.

Một lý do khiến các MFI đuối lý là tâm lý e ngại việc thu thập chứng cứ chứng minh tầm ảnh hưởng của mình. Khi chúng tôi tiếp cận với các MFI (hoạt động từ khoảng năm 2002) đề nghị cùng hợp tác thực hiện một đánh giá nghiên cứu, phản ứng thường thấy đó là “Sao mấy người bán trái cây đâu bị đánh giá mà chúng tôi phải làm?” Suy nghĩ của họ là tín dụng vi mô hẳn phải có ích thì khách hàng mới tiếp tục quay trở lại. Và bởi vì các tổ chức này có nguồn tài chính bền vững, không phụ thuộc vào lòng tốt của các nhà hảo tâm cho nên việc đánh giá chính xác họ có ích ra sao là chuyện không cần thiết. Lý lẽ này nghe có vẻ không thành thật. Hầu hết các MFI đều hoạt động nhờ vào lòng hảo tâm của các mạnh thường quân và tinh thần làm việc hăng say của nhân viên, chủ yếu là vì mọi người đều tin rằng tín dụng mô giúp người nghèo hiệu quả hơn những phương thức khác. Thỉnh thoảng các tổ chức này còn được hỗ trợ về mặt chính sách. Ở Ấn Độ, tài chính vi mô được xếp vào “lĩnh vực ưu tiên”, theo đó chính phủ khuyến khích ngân hàng bằng nhiều lợi ích tài chính để cho các tổ chức tài chính vi mô vay với lãi suất ưu đãi. Có thể xem đây là khoản trợ cấp ngầm khổng lồ từ phía chính phủ.

Ngoài ra, không hẳn người ta hoàn toàn tỉnh táo khi quyết định những chuyện có tính lâu dài chẳng hạn như vay nợ – trên khắp các tờ báo của Mỹ không thiếu chuyện người này người kia tự đẩy mình vào tình thế khó khăn do chi tiêu qua thẻ tín dụng quá mức. Nhiều nhà quản lý tin rằng có lẽ cần phải có cơ chế nào đó bảo vệ người dân khỏi những người cho vay nợ. Chính quyền bang Andhra Pradesh đã phải đứng ra giải quyết vì người dân không lường trước được hậu quả khi vay những khoản nợ không có khả năng thanh toán.

Đứng trước nhiều lời chỉ trích như vậy những người đứng đầu các tổ chức MFI cũng thực lòng muốn biết liệu hoạt động của họ có giúp ích gì cho người nghèo không, theo đó nhiều tổ chức MFI đã bắt đầu tiến hành đánh giá các chương trình của mình. Chúng tôi từng tham gia một chương trình đánh giá như thế của tổ chức Spandana tại Hyderabad. Nhiều người cho rằng Spandana là một trong những tổ chức ăn nên làm ra nhất trong lĩnh vực tài chính vi mô, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu chủ yếu lọt vào tầm ngắm của chính quyền bang Andhra Pradesh. Bà Padmaja Reddy, người sáng lập đồng thời là CEO của Spandana có vóc người nhỏ bé nhưng mạnh mẽ và cực kỳ thông minh. Bà sinh ra trong một gia đình khá giả tại khu vực Guntur. Anh của bà là người đầu tiên tốt nghiệp cấp ba trong làng, và hiện là một bác sĩ thành đạt. Ông thuyết phục cha mẹ cho Padmaja học đại học và lấy bằng MBA. Với mong muốn giúp đỡ người nghèo, bà bắt đầu làm việc cho một tổ chức phi chính phủ. Cũng chính thời gian này bà gặp người thu lượm ve chai mà chúng tôi đã kể ở trên, cuộc gặp gỡ đã nung nấu trong bà ý định bắt đầu hoạt động tín dụng vi mô. Khi tổ chức bà đang làm việc từ chối giúp sức, bà đã lập nên Spandana. Mặc dù gặt hái được nhiều thành công và rất tận tụy với sự nghiệp tài chính vi mô, Padmaja Reddy vẫn khiêm tốn khi nói về những lợi ích tiềm năng mà công việc của bà mang lại. Với bà, tiếp cận tài chính vi mô quan trọng vì nó trao cho người nghèo chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai mà chưa bao giờ họ có được, và đó chính là bước đầu tiên để đi đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Dù là họ dùng tiền vào việc gì đi nữa: mua máy móc, đồ dùng nhà bếp hay đơn giản là một cái tivi cho gia đình, điều khác biệt quan trọng là họ đang cố gắng xây dựng một cuộc sống mà họ mong muốn bằng cách tiết kiệm, tằn tiện và làm việc cật lực khi cần, thay vì cứ buông xuôi như trước kia.

Có lẽ chính vì luôn cẩn trọng không hứa hẹn hão huyền nên bà đã đồng ý cùng chúng tôi đánh giá chương trình Spandana. Điều thuận lợi hoạt động của tổ chức bao gồm nhiều khu vực thuộc thành phố Hyderabad.[234] Chúng tôi chọn ngẫu nhiên 52 trong số 104 khu vực mà Spandana hoạt động. Những khu vực còn lại dùng làm nhóm so sánh đối chứng.

Chúng tôi so sánh các hộ gia đình ở hai nhóm khu vực sau 15 – 18 tháng kể từ khi Spandana bắt đầu hoạt động cho vay, bằng chứng cho thấy tín dụng vi mô có hiệu quả. Những người tại khu vực có sự phủ sóng của Spandana có nhiều khả năng bắt đầu công việc làm ăn kinh doanh, mua sắm những vật dụng lớn và bền, ví dụ như xe đạp, tủ lạnh hay ti vi. Hộ gia đình nào không làm ăn buôn bán thì chi tiêu nhiều hơn, trong khi những hộ đã bắt đầu khởi nghiệp làm ăn thì lại chi tiêu ít đi, thắt lưng buộc bụng để có thể tận dụng tốt nhất cơ hội mới mình đang có. Không có bằng chứng rõ ràng về việc người dân dùng tiền vay tiêu xài hoang phí như nhiều nhà quan sát vẫn lo ngại. Thực tế chúng tôi chứng kiến điều hoàn toàn ngược lại, các hộ gia đình giảm chi những khoản nhỏ mà họ cho là “hoang phí” như trà và đồ ăn vặt. Đây có lẽ là dấu hiệu người ta bắt đầu nhìn ra con đường mình phải đi, như Padmaja dự đoán.

Mặt khác, chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ cuộc sống của những người này thay đổi đáng kể. Chúng tôi không tìm được bằng chứng nào cho thấy phụ nữ cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn, ít ra là xét theo các chỉ số đo lường được. Chẳng hạn như họ không can thiệp được nhiều hơn về việc chi tiêu trong gia đình. Chúng tôi cũng không tìm ra sự khác biệt nào về tỉ lệ chi tiêu dành cho giáo dục, y tế, hay tỉ lệ trẻ em được đăng ký theo học tại các trường tư. Và thậm chí nếu có sự khác biệt đi chăng nữa như trường hợp các hộ bắt đầu làm ăn kinh doanh thì tác động cũng không quá rõ rệt. Tỉ lệ những gia đình khởi nghiệp trong vòng 15 tháng tăng từ khoảng 5% lên trên 7% một chút. Tăng thì đúng là có tăng nhưng không phải là đổi thay mang tính cách mạng.

Từ góc nhìn của một nhà kinh tế học, chúng tôi khá hài lòng vì xem ra chương trình đã đạt tới mục tiêu chính yếu của tài chính mô. Không hẳn là thần kỳ nhưng rõ ràng có hiệu quả. Cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để chắc chắn kết quả này không phải do may rủi. Cũng cần xét thêm tình hình sẽ chuyển biến ra sao trong dài hạn, tuy nhiên tính tới thời điểm này mọi chuyện vẫn ổn thỏa. Với chúng tôi, tín dụng vi mô hoàn toàn xứng đáng được xem là một trong những vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Điều thú vị là truyền thông và giới blogger không cùng cách nhìn với chúng tôi. Cùng những kết quả nói trên nhưng lại được trích dẫn đầy tiêu cực nhằm chỉ ra tài chính vi mô không hoạt động hiệu quả đúng với vai trò và chức năng của mình. Mặc dù một vài tổ chức tài chính vi mô chấp nhận nhận định đó (chẳng hạn như Padmaja Reddy cho biết điều đó đúng với những gì bà dự đoán và đang tài trợ cho đợt nghiên cứu tác động lâu dài của tài chính vi mô) nhưng những ông lớn trong lĩnh vực này lại quyết định chuyển qua thế tấn công.

Đại diện của “sáu ông trùm” tài chính vi mô lớn nhất thế giới (Unitus, ACCION, Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Quốc tế [FINCA], Quỹ Grameen, tổ chức Cơ hội Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho phụ nữ) đã nhóm họp tại Washington DC không bao lâu sau khi chúng tôi công bố kết quả đánh giá. Chúng tôi được mời tham gia và đồng nghiệp Iqbal Dhaliwal của chúng tôi đến dự với hy vọng người ta sẽ bàn về ý nghĩa của những kết quả thu được. Nhưng hóa ra mục đích nhóm họp là nhằm xác định khi nào những kết quả nghiên cứu chọn mẫu ngẫu nhiên khác được công bố, để họ kịp thành lập “một đội phản ứng nhanh” để đối phó tình hình (rõ ràng là cả sáu ông trùm đều tin rằng các kết quả nghiên cứu mang tính tiêu cực). Vài tuần sau, “đội phản ứng nhanh” lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thiệt hại (cho giới tài chính vi mô) của mình. Các tổ chức tài chính vi mô đáp trả bằng chứng của hai cuộc nghiên cứu (do chúng tôi thực hiện, và do Dean Karlan kết hợp với Jonathan Zinman thực hiện, kết quả cuộc khảo sát đó thậm chí còn ít khả quan hơn)[235] bằng sáu câu chuyện thành công nhờ đi lên từ vốn vay. Tiếp theo sau là bài bình luận của Brigit Helms trên tờ Seattle Times, ông này là CEO của Unitus. Bài viết thẳng thừng tuyên bố “Những nghiên cứu này đã gây ra dư luận sai lầm khi cho rằng việc (người nghèo) tiếp cận với các dịch vụ tài chính cơ bản nhiều hơn không đem lại lợi ích thực sự nào.”[236] Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đọc bài viết đó vì bằng chứng của chúng tôi chỉ ra điều ngược lại: Tài chính vi mô là một sản phẩm tài chính hữu hiệu. Nhưng chừng đó dĩ nhiên là chưa đủ. Sau bao nhiêu thập kỷ ảo tưởng về sức mạnh, nhiều tay chơi trên sân chơi lớn tài chính vi mô đã quyết định tiếp tục lừa dối bản thân thay vì tự đánh giá lại bản thân mình, cùng ngồi xuống và thừa nhận tài chính vi mô chỉ là một trong vô vàn những mũi tên bắn ra trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Rất may là không phải tổ chức nào cũng quyết định chọn hướng phản ứng như vậy. Tại hội thảo ở tại thành phố New York mùa thu năm 2010, người ta cũng bàn luận về những kết quả đánh giá, nhưng tất cả những người tham gia đều đồng ý rằng tín dụng vi mô có cả ưu điểm lẫn hạn chế. Và bước tiếp theo là cần tìm hiểu xem các tổ chức tài chính vi mô sẽ làm gì để giúp ích khách hàng của mình nhiều hơn nữa.

HẠN CHẾ CỦA TÍN DỤNG VI MÔ

Tại sao tín dụng vi mô không giúp ích được nhiều? Tại sao rất ít gia đình khởi nghiệp mặc dù có điều kiện tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi hơn? Một phần vì người nghèo chưa sẵn sàng, hay chưa có khả năng khởi nghiệp ngay cả khi có thể vay mượn được vốn (nguyên nhân cho trường hợp này sẽ là một trong những nội dung chủ đạo trong Chương 9: Bàn về Tính dám làm dám chịu trong kinh doanh). Khó lý giải hơn nữa là dù có nhiều tổ chức cho vay tín dụng tại khu vực ổ chuột của Hyderabad, nhưng chỉ 1/4 số hộ gia đình ở đây đi vay. Còn quá nửa vẫn vay tiền với lãi suất cao hơn nhiều từ những người cho vay nặng lãi. Đưa tín dụng vi mô đến gần với người dân chẳng có ý nghĩa gì mấy với những người này. Chúng tôi không dám chắc có thể lý giải đầy đủ tại sao người dân không ưa chuộng tín dụng vi mô, nhưng nguyên nhân trực tiếp có thể liên quan đến tính hiệu quả và ít tốn kém của hoạt động cho vay thông thường. Cụ thể là các dịch vụ tín dụng vi mô với nhiều quy định gò bó và quy trình mất thời gian đã vô hình trung gây sức ép không đáng cho khách hàng.

Mô hình tín dụng vi mô chuẩn thường cứng nhắc và can thiệp khá sâu vào các mối quan hệ con người. Do đó, những người không muốn can dự đến chuyện của người khác sẽ không muốn tham gia nhóm vay vì các thành viên trong nhóm phải chịu trách nhiệm qua lại cho nhau. Thành viên trong nhóm cũng thường do dự không muốn cho những người mình chưa biết rõ cùng tham gia, từ đó làm nảy sinh tâm lý phân biệt đối xử với thành viên mới. Chia sẻ trách nhiệm không phải là chỗ dành cho người thích đương đầu với rủi ro, bởi vì ai cũng mong muốn thành viên trong nhóm vay của mình dùng tiền càng an toàn càng tốt.

Việc phải trả nợ định kỳ hàng tuần kể từ khi vay nợ một tuần cũng là quy trình không mấy lý tưởng với những ai cần tiền gấp nhưng không biết đến khi nào mới có thể hoàn trả được. Các MFI nhận ra điều này và đôi khi châm chước cho những khoản vay gấp để chạy chữa thuốc men. Mà đây chỉ là một trong vô số những trường hợp mà người ta cần tới những khoản vay khẩn cấp. Ví dụ cậu con trai bất ngờ được đề nghị tham gia một khóa học cần thiết cho nghề nghiệp, nhưng tiền học đến một triệu rupi (khoảng $179 đô la Mỹ) và phải nộp trước Chủ Nhật thì phải làm sao? Có thể ta sẽ tìm tới người cho vay nặng lãi trong làng để vay tiền trả học phí cho con, rồi sau đó bắt đầu kiếm việc làm thêm nào đó trả nợ. Không thể tìm thấy được sự uyển chuyển này ở tín dụng vi mô.

Điều kiện trả nợ định kỳ cũng khiến người ta ngại ngần không dám thực hiện những kế hoạch chỉ sinh lời trong dài hạn, vì phải luôn có đủ tiền mặt trả nợ mỗi tuần khi đến hạn thanh toán. Rohini Pande và Erica Field đã thuyết phục một tổ chức vi tín dụng Ấn Độ, Tổ chức Phúc lợi cho dân làng khu vực Kolkata, cho phép khách hàng bắt đầu trả nợ sau khi vay tiền được hai tháng thay vì một tuần. So với những khách hàng phải trả nợ đúng hẹn mỗi tuần, khách hàng được chậm trả nợ sẵn sàng xúc tiến những kế hoạch kinh doanh nhiều rủi ro hơn và có quy mô lớn hơn, ví dụ như mua máy may chứ không mua sari về bán lại.[237] Có lẽ nhờ đó mà họ có thể kiếm nhiều tiền hơn. Tuy khách hàng hài lòng với cách làm mới này hơn nhưng tổ chức vi tín dụng nói trên vẫn quyết định quay lại với mô hình truyền thống vì tỉ lệ vỡ nợ ở nhóm người vay mới dù thấp nhưng vẫn cao hơn 8% so với nhóm vay theo mô hình từ trước đến nay.

Tóm lại dù nhìn nhận từ góc độ nào đi nữa thì mục tiêu “tỉ lệ vỡ nợ bằng 0” điển hình của hầu hết các tổ chức vi tín dụng đã làm khó không ít khách hàng tiềm năng. Cụ thể là bản chất của tín dụng vi mô xung đột rõ rệt với tinh thần dám nghĩ dám làm trong kinh doanh, vốn gắn liền với sự mạo hiểm và phương châm “thất bại là mẹ thành công”. Ví dụ từ bao lâu nay trong mô hình kinh doanh kiểu Mỹ, phá sản tương đối dễ dàng (hay ít ra khi trước là vậy) và không phải là chuyện đáng xấu hổ (trái ngược với mô hình kiểu Châu Âu) vì nó bắt nguồn từ sức sống mạnh mẽ của văn hóa doanh nhân tại quốc gia này. Trái lại, các quy tắc của tổ chức tài chính vi mô đặt ra không chấp nhận dung thứ cho bất kỳ thất bại nào.

Khăng khăng giữ tỉ lệ vỡ nợ bằng 0 như các MFI thì có hợp lý không? Nếu họ xây dựng nguyên tắc hoạt động theo hướng chấp nhận một tỉ lệ vỡ nợ nhất định thì có hiệu quả hơn về mặt xã hội lẫn mặt thương mại không? Phần lớn những người đứng đầu cộng đồng vi tín dụng đều nhất mực cho rằng không thể cởi mở hơn, và lơi lỏng trước nguy cơ này có thể đưa đến hậu họa khôn lường. Có thể suy nghĩ của họ hoàn toàn chính xác. Suy cho cùng, những tổ chức vẫn đang hoạt động trong môi trường mà chẳng thể trông cậy vào đâu nếu khách hàng không chịu trả nợ. Nghĩa là cũng giống như hệ thống ngân hàng, các MFI phải nhờ vào hệ thống tòa án già cỗi chậm chạp. Xét theo nhiều phương diện, tín dụng vi mô thành công là vì đã biến hành vi trả nợ thành một thỏa thuận xã hội ngầm hiểu giữa những người vay. Theo đó, cộng đồng đảm bảo khoản vay được hoàn trả và tổ chức cứ tiếp tục cho vay. Một khi đã từng bước tạo dựng được lòng tin, nhiều tổ chức dần dần không còn giữ điều kiện chia sẻ trách nhiệm nữa. Và thực sự là theo kết quả của một nghiên cứu, khách hàng chia sẻ trách nhiệm chính thức trên giấy tờ hay không chẳng ảnh hưởng đến việc trả nợ, miễn là họ vẫn tiếp tục gặp gỡ thường xuyên (theo một nghiên cứu khác, nếu người đi vay gặp nhau hàng tháng thay vì hàng tuần, sự gắn kết trong nội bộ nhóm vay sẽ không còn bền chặt và cuối cùng tỉ lệ vỡ nợ sẽ tăng cao).[238]

Nhưng không dễ cân bằng trách nhiệm tập thể với việc duy trì quan hệ xã hội. Nếu hai lý do khiến tôi trả nợ là: 1) Mọi người đều trả nợ và 2) Tôi sẽ nhận được khoản vay khác trong tương lai, thì việc tôi có trả nợ hay không sẽ phụ thuộc vào hành vi của mọi người xung quanh cũng như tương lai của tổ chức tín dụng mà tôi đang vay tiền. Thực tế là nếu có lý do khiến tôi tin những người khác không chịu hoàn trả vốn vay thì tôi rất dễ có suy nghĩ tổ chức tín dụng đó đang lâm vào tình cảnh khó khăn và vì thế sẽ quyết định không vay thêm khoản tiền nào nữa. Kết quả là tình hình sẽ nhanh chóng rối ren khi niềm tin bị lung lay.

Chuyện này từng xảy ra với Spandana tại quận Krishna của bang Andhra Pradesh, trung tâm phong trào tín dụng vi mô ở Ấn Độ. Một số công chức và chính trị gia trong quận muốn quảng bá thương hiệu tín dụng vi mô của họ nên đã tìm mọi cách xóa bỏ cạnh tranh trên thị trường này. Đâu đó giữa năm 2005, báo địa phương (theo một số nguồn tin, đây là những tờ báo giả mạo giống hệt báo thật) bất ngờ đồng loạt đưa tin về Padmaja Reddy. Một số tờ cho biết bà đã trốn sang Mỹ; những tờ khác thì đăng tin bà phạm tội giết chồng. Tất cả những chiêu trò đó đều nhằm đưa ra một tuyên bố ngầm rằng không còn tương lai ở tổ chức này nữa, và vì thế cho nên chẳng ích gì khi trả tiền nợ. Chúng tôi có đọc một trang “báo” viết chính Padmaja đã đề nghị người dân ngừng trả nợ vì bà đã dẹp tổ chức sau khi đã kiếm đủ tiền.

Đây là thủ đoạn cao tay nhằm phá hoại niềm tin triệt để: Một khi người dân bị thuyết phục rằng tương lai của tổ chức tài chính vi mô trở nên mù mịt thì chắc chắc sớm muộn điều đó sẽ thành sự thực, bởi khi đó người dân không có lý do gì để hoàn trả vốn vay nữa. Padjama nổi giận lôi đình (mặc dù bà cười vào chuyện trốn qua Mỹ để trốn tránh trách nhiệm – xét cho cùng, người nắm đằng chuôi là người đi vay vì họ vẫn đang giữ tiền vay chứ đâu phải bà), nhưng bà vẫn quyết định đáp trả. Bà lái xe khắp bang, xuất hiện tại các buổi gặp mặt ở từng thị trấn, từng ngôi làng và tuyên bố “Tôi vẫn ở đây, tôi không đi đâu cả.”

Cuối cùng tổ chức cũng ngăn chặn được cuộc khủng hoảng. Nhưng một thời gian sau, vào tháng 3/2006 lại nổ ra một “vụ bê bối” khác, bộc lộ sự yếu ớt trong cơ chế cho vay của các tổ chức tín dụng vi mô. Lần này, Spandana và đối thủ cạnh tranh là Share bị buộc tội là nguyên nhân khiến nhiều nông dân tự tử. Theo loạt bài viết mới của báo chí, nhân viên vay vốn đã xúi giục người đi vay mượn quá khả năng chi trả, sau đó gây áp lực ghê gớm buộc họ phải thanh toán. Dĩ nhiên các tổ chức vi tín dụng bác bỏ cáo buộc này nhưng trước khi họ kịp đưa ra biện pháp khắc phục, chánh văn phòng quận Krishna (người đứng đầu về mặt hành chính của quận) đã ra quyết định rằng người dân trả nợ cho Spandana hay Share là… bất hợp pháp. Chỉ trong vài ngày, gần như tất cả khách hàng của hai tổ chức này tại Krishna đều ngừng thanh toán tiền vay nợ. Tại thời điểm xảy ra khủng hoảng, Spandana có khoảng 590 triệu rupi (tương đương 34,5 triệu đô la Mỹ) tiền nợ cả gốc lẫn lãi tại quận Krishna, chiếm tới 15% tổng vốn vay của Spandana trên khắp Ấn Độ vào năm 2006.

Người đứng đầu của nhiều tổ chức vi tín dụng tìm gặp quan chức cấp cao hơn vị chánh văn phòng nọ để nhanh chóng bãi bỏ sắc lệnh vừa ban ra nhưng vẫn không kịp ngăn chặn tổn thất xảy ra. Người ta trả nợ vì những người khác cũng trả nợ nên một khi có người đã ngừng thì rất khó bắt tất cả trả nợ trở lại. Một năm sau, 70% dư nợ tín dụng vẫn chưa được thanh toán. Kể từ đó, nhân viên tín dụng của Spandana đến từng ngôi làng bị tác động bởi cuộc khủng hoảng trước đây và đề nghị cho vay nếu khách hàng chịu trả lại nợ cũ (không tính lãi suất). Đề nghị đó có hiệu quả ở một số ngôi làng và hiện người ta đã xoay xở để thu hồi được nửa số dư nợ tín dụng. Rất dễ nhận thấy áp lực phải hành xử như mọi người.[239] Có làng mọi người đều trả tiền vay nợ. Có làng mọi người từ chối trả, kể cả những người chỉ còn vài đợt hoàn trả là đủ điều kiện vay vốn mới. Trong số này có cả những người chỉ còn một lần trả nợ nữa sẽ đủ điều kiện vay thêm vốn (trả nợ 150 rupi sẽ có thể vay thêm 8,000 rupi, người đi vay hoặc trả nợ hoặc có thể bỏ túi riêng bằng cách tuyên bố vỡ nợ lần nữa) và 1/4 khoản vay chỉ còn một đợt trả nợ nữa vẫn không được thanh toán. Những người không chịu trả nợ thường thuộc những nhóm vay không có thành viên nào chịu trả nợ.

Khủng hoảng tiền nợ tại Krishna lặp lại ở Karnataka và Oisa lần lượt vào năm 2008 và 2009 dù không có sự can thiệp nào về mặt chính trị. Khủng hoảng đợt này đã dẫn đến sự phá sản của một tổ chức tín dụng lớn là KAS. Mọi người đều ngừng thanh toán tiền nợ vay khi KAS mất khả năng thanh khoản và không thể giải ngân tín dụng mới. Mùa thu năm 2010, khủng hoảng lại diễn ra tại Andhra Pradesh nhưng ở quy mô lớn hơn so với khủng hoảng năm 2006. Một lần nữa, giới chính trị gia lại lạm dụng lý do nông dân tự tử để tấn công các tổ chức vi tín dụng, và một lần nữa toàn bộ người đi vay lại ngừng trả nợ khi chính phủ nhảy vào. Vụ việc này đã đẩy những tổ chức tài chính vi mô lớn nhất (SKS, Spandana và Share) đến bờ vực phá sản. Khủng hoảng lặp đi lặp lại đã chứng tỏ các MFI nên tập trung giữ vững lòng tin của khách hàng, như vậy cũng hoàn toàn hợp lý nếu họ ưu tiên nguyên tắc trả nợ đúng hạn nghiêm ngặt hơn bất kỳ nguyên tắc nào khác. Dù chấp nhận nguy cơ vỡ nợ là một cách khuyến khích người đi vay dám nghĩ dám làm hơn, nhưng nó cũng có thể gây rối loạn các mối quan hệ xã hội vốn đã được xác lập nhằm đảm bảo tỉ lệ hoàn trả nợ cao và lãi suất vay tương đối thấp.

Điều kiện hoàn trả nợ nghiêm ngặt hơn cũng ngầm chứng tỏ tài chính vi mô không phải là kênh cung cấp vốn tiện lợi nhất hay tốt nhất cho những người muốn kinh doanh vượt tầm vi mô. Đối với những doanh nhân thành đạt tại thung lũng Silicon hay những nơi khác, để thành công phải sẵn lòng thất bại. Còn mô hình tài chính vi mô như chúng ta đã thấy không dành cho việc đặt nhiều tiền vào tay những người có nguy cơ thất bại. Điều này không phải tình cờ, cũng không phải do tín dụng vi mô chỉ biết tính toán trong ngắn hạn. Nó chính là hệ quả trực tiếp của những quy tắc được xây dựng nhằm đảm bảo tín dụng vi mô đến tay nhiều người nghèo với lãi suất vay thấp.

Ngoài ra, có lẽ tín dụng vi mô không phải là cách hữu hiệu để phát hiện những doanh nhân có triển vọng kinh doanh lớn. Tài chính vi mô khuyến khích khách hàng sử dụng vốn vay càng an toàn càng tốt và không phù hợp cho những ai có máu kinh doanh liều lĩnh. Dĩ nhiên, luôn có trường hợp ngoại lệ – các tổ chức tài chính vi mô lúc nào cũng khoe khoang trên trang web những câu chuyện thành công về những cửa hàng nhỏ bé vươn lên thành chuỗi kinh doanh sỉ, nhưng những trường hợp như vậy rất hiếm hoi. Spandana bình quân cho vay từ 7,000 rupi (tương đương 320 đô la Mỹ) cho lần vay đầu tiên đến 10,000 rupi (tương đương 460 đô la Mỹ) sau 3 năm, và nhìn chung không có khoản vay nào vượt quá 15,000 rupi (tương đương 686 đô la Mỹ). Sau hơn 30 năm hoạt động, hầu hết các khoản vay mà Ngân hàng Grameen giải ngân đều khá nhỏ bé.

ĐÂU LÀ KÊNH CẤP VỐN CHO CÁC DOANH NGHIỆP LỚN HƠN?

Nếu tín dụng vi mô không phù hợp với người vay quy mô lớn thì có lẽ cũng không có vấn đề gì to tát. Vì như chúng ta đã thấy, những người càng bần cùng thì khi vay vốn càng phải chịu nhiều điều kiện ngặt nghèo. Có thể coi đây là quá trình phân bậc tự nhiên – người nghèo vay vốn từ MFI để khởi nghiệp, phát triển công việc kinh doanh, rồi khi đủ lực thì chuyển qua vay ngân hàng.

Rất tiếc là những doanh nghiệp đã tương đối vững chân cũng chẳng dễ tiếp cận tín dụng hơn là mấy. Có thể quy mô kinh doanh của họ tuy đã vượt khả năng đáp ứng tín dụng của những người cho vay truyền thống và các tổ chức tín dụng vi mô, nhưng vẫn chưa đủ lớn để được ngân hàng đồng ý cho vay. Mùa hè năm 2010, Miao Lei là một doanh nhân làm ăn phát đạt ở tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Được đào tạo trở thành kỹ sư nhưng anh ta chuyển qua kinh doanh xây dựng hệ thống máy tính cho các công ty địa phương. Vấn đề là anh ta phải bỏ tiền ra mua phần cứng, phần mềm và thiết lập xong toàn bộ hệ thống máy tính mới được thanh toán. Chẳng ai cho anh ta vay tiền. Một lần anh có cơ hội đấu thầu cho một hợp đồng rất béo bở nhưng không đủ vốn trong tay để tham gia. Tuy nhiên vì không muốn bỏ lỡ cơ hội vàng nên anh đã liều đăng ký thầu. Miao Lei nhớ lại những ngày sau khi thắng thầu, nếu không thể thực hiện hợp đồng thì đây có thể là dấu chấm hết sự nghiệp. Anh ta đã chạy vạy khắp nơi vay tiền nhưng vẫn không có kết quả. Trong tuyệt vọng, anh ta quyết định đặt cược một canh bạc rủi ro hơn. Một cơ quan nhà nước khác đang chào thầu. Nếu thắng thầu hợp đồng đó, anh ta sẽ nhận được tạm ứng và có thể đầu tư mua sắm cho hợp đồng đầu tiên, sau đó sử dụng tiền thanh toán từ hợp đồng đầu tiên để thực hiện cho hợp đồng thứ hai. Với suy nghĩ đó, Miao Lei đưa ra một hồ sơ dự thầu rất ưu đãi, sẵn lòng thua lỗ một ít để thắng thầu. Anh vẫn còn nhớ đêm công bố kết quả thầu. Anh cho nhân viên về sớm, một mình đi đi lại lại hàng giờ đồng hồ trong văn phòng trống trải. Cuối cùng anh thắng thầu như dự kiến, mọi chuyện ổn thỏa dần. Tiền đổ về, nhân viên ngân hàng với các hồ sơ vay vốn liên tục gõ cửa chào mời sau khi doanh thu công ty vượt mức 20 triệu nhân dân tệ. Khi gặp chúng tôi, anh đang điều hành cùng lúc đến bốn công ty.

Miao Lei có bằng cấp tử tế và mô hình kinh doanh hợp lý nhưng vẫn phải chấp nhận “chơi liều” để tồn tại. Narayan Murthy và Nandan Nilekani mặc dù tốt nghiệp từ trường đại học siêu danh tiếng là Học viện Công nghệ Ấn Độ nhưng cũng từng bị ngân hàng từ chối không cho vay vốn thành lập hãng Infosys vì lý do họ không có tài sản thế chấp. Ngày nay Infosys là một trong những hãng phần mềm lớn nhất thế giới. Không khó để tưởng tượng ra vẫn còn những người gặp phải hoàn cảnh như ba nhân vật nói trên, nhưng họ không thành công được như vậy vì không được cung cấp vốn vay đúng thời điểm.

Ngay cả những công ty đã xoay xở để khởi nghiệp, tồn tại và phát triển đến một quy mô nhất định thì vẫn loay hoay với chuyện tiếp cận vốn. Thị trấn Tirupur tại miền Nam Ấn Độ được mệnh danh là thủ phủ áo thun của quốc gia này (sản xuất đến 70% sản lượng phẩm dệt may toàn quốc). Những công ty trong vùng nổi tiếng trên khắp thế giới: Người mua từ mọi nơi đổ xô về đây đặt những đơn hàng lớn cho các bộ sưu tập. Nhờ đó đương nhiên thị trấn thu hút được nhiều doanh nhân tài năng từ mọi miền đất nước. Đồng thời cũng có nhiều doanh nhân địa phương vốn là hậu duệ của những gia đình phú nông (thuộc đẳng cấp Gounder cao quý). Những người ngoài đến đây làm ăn tất nhiên đều là chuyên gia trong lĩnh vực dệt may. Dù ở quy mô nào, công ty của họ hoạt động hiệu quả hơn, sản xuất và xuất khẩu được nhiều hơn so với những công ty do giới Gounder thành lập. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là thường công ty do giới Gounder làm chủ khởi nghiệp với số vốn gấp khoảng ba lần so với công ty do người từ nơi khác đến thành lập.[240] Thay vì cho những chuyên gia trong lĩnh vực (hầu hết là người nhập cư) vay vốn, giới Gounder giàu có lại tự mở công ty dù một mảnh kinh nghiệm giắt lưng cũng không có. Tại sao họ làm như vậy? Hay tại sao ngân hàng không nhảy vào và giúp sức những người nhập cư gầy dựng công việc kinh doanh với quy mô lớn hơn? Câu trả lời nằm ở việc những công ty có quy mô kha khá kiểu này (công ty do người nhập cư làm chủ có vốn cơ bản trị giá 2,9 triệu rupi, tương đương 347,000 đô la Mỹ) thường phải hứng chịu những vấn đề mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Những người thuộc đẳng cấp Gounder thành lập công ty riêng vì họ chỉ tin cộng đồng của mình, và không chắc những người từ nơi khác đến sẽ hoàn trả vốn nếu được cho vay.

Nhìn ra vấn đề này, các nước đang phát triển đã nỗ lực áp dụng quy định buộc ngân hàng phải cho những doanh nghiệp có quy mô vượt khỏi mức kinh doanh nhỏ lẻ vay vốn. Ấn Độ có quy định về “lĩnh vực ưu tiên”, theo đó mỗi ngân hàng phải dành 40% danh mục đầu tư cho nông nghiệp, tài chính vi mô, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả những công ty có quy mô khá lớn (công ty lớn nhất đủ điều kiện vay vốn có quy mô lớn hơn 95% công ty còn lại tại nước này). Và các công ty rõ ràng có thể đầu tư nguồn vốn nhận được này một cách hiệu quả. Năm 2008 khi lĩnh vực ưu tiên mở rộng, các công ty lọt vào lĩnh vực ưu tiên có thêm vốn vay để đầu tư và thu được không ít lợi nhuận. Tỉ lệ vốn vay tăng thêm 10% đã đem lại 9% lợi nhuận tăng thêm, sau khi trả nợ.[241] Đây là tỉ suất sinh lời tuyệt vời. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã gần như loại bỏ hoàn toàn hình thức cho vay bắt buộc này, một phần vì các ngân hàng than phiền rằng cho những công ty kiểu này vay vốn thường rất tốn kém và đầy rẫy rủi ro.

Vẫn tồn tại những người cố gắng tìm ra những công ty đầy triển vọng để đầu tư. Miao Lei, doanh nhân đến từ Trung Quốc, đã làm điều này xuất phát từ chính kinh nghiệm của bản thân; Anh mua cổ phần của những công ty thành lập chưa lâu nhưng giàu triển vọng. Tuy nhiên nhìn chung ta vẫn chưa tìm thấy phương thức cấp vốn có tính cách mạng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tương tự như mô hình tài chính vi mô cho người nghèo sao cho cung ứng được vốn vay tín dụng hiệu quả ở quy mô lớn. Những thay đổi trong môi trường kinh doanh, chẳng hạn như cải thiện vai trò và chức năng của tòa án, có thể tạo ra nhiều khác biệt. Ở Ấn Độ, quy trình xét xử nhanh gọn hơn đã giúp giảm thời gian thu hồi nợ, tăng quy mô vay nợ cũng như giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên thay đổi này không phải không có mặt hạn chế. Khi áp dụng thu hồi nợ qua tòa án, hoạt động vay vốn dành cho đối tượng công ty có quy mô lớn nhất trở nên khởi sắc, còn các công ty nhỏ hơn lại ít được vay vốn hơn.[242] Dường như các nhân viên ngân hàng cảm thấy cho công ty lớn vay tiền sẽ thu được lợi nhuận nhiều hơn vì ngân hàng khi cần luôn có thể thu được tài sản thế chấp của những công ty lớn.

Tóm lại, vấn đề xuất phát từ cấu trúc của hệ thống ngân hàng. Về bản chất ngân hàng là tổ chức có quy mô lớn, nên rất khó khuyến khích nhân viên làm tốt việc thẩm định công ty vay vốn, giám sát dự án, hay đảm bảo các khoản đầu tư có hiệu quả. Ví dụ như nếu ngân hàng quyết định phạt nhân viên nếu khách hàng họ quản lý vỡ nợ (cũng có lúc không tránh khỏi như vậy) thì nhân viên vay vốn sẽ bắt đầu tìm kiếm những dự án thực sự an toàn, và đó rõ ràng không thể là dự án của những công ty nhỏ, không ai biết tới. Những Miao Lei hay Narayan Murthy tương lai có thể sẽ không vay được vốn.

Phong trào tài chính vi mô đã chứng tỏ một điều là tuy còn nhiều khó khăn nhưng hoàn toàn có thể cho người nghèo vay vốn. Mặc dù vẫn có ý kiến tranh cãi về chuyện tổ chức tài chính mô có thể giúp thay da đổi thịt cuộc sống của người nghèo đến mức nào, nhưng chỉ riêng thực tế hoạt động cho vay của những tổ chức này đạt đến quy mô như hiện tại cũng đáng là một thành tựu đáng kể rồi. Rất hiếm chương trình hỗ trợ người nghèo đến tay được nhiều người nghèo như vậy. Chính cấu trúc chương trình vi tín dụng của là nguyên nhân dẫn đến thành công của hoạt động cho người nghèo vay vốn. Tuy vậy chúng ta không thể trông mong đây sẽ là bệ phóng cho ra đời và cung cấp vốn cho những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Thách thức lớn tiếp theo của ngành tài chính ở những quốc gia đang phát triển là tìm kênh cung cấp tín dụng phù hợp cho những doanh nghiệp có quy mô vừa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.