“Nếu không có chút ngọt ngào đọng lại trong nhân bánh
Thì ai quan tâm đến vỏ bánh mỹ miều?”
__ William King – Nghệ thuật nấu ăn __
Dẽ giun là loài chim cực kỳ khó bắn trúng, làm nản lòng cả những tay súng cừ khôi nhất.
Trong tủ tối như hũ nút. Bọn họ ấn tôi vào rồi khóa trái cửa lại. Tôi phải khó nhọc lắm mới thở được bằng mũi và phải đấu tranh kiên cường để giữ bình tĩnh. Tôi cố đếm đến mười trước khi hít vào và đếm đến tám khi chầm chậm thở ra trong không gian tối hụ tối hù như thế này. May làm sao, bọn họ nhét giẻ quá chặt vào miệng tôi nên cái mũi của tôi không thể nào bị tắc được nữa, và tôi có thể từ từ hít thở từng cái sâu đến tận phổi thứ không khí mốc meo cũ rích này.
Tôi cố móc móng tay vào chiếc khăn lụa buộc quặt hai tay mình ra sau lưng, nhưng vì cái thói quen chết tiệt là hay cắn cụt móng tay trước khi nó mọc đủ dài nên giờ tôi chẳng còn cái móng nào để móc hay cào nữa. May mà tôi kịp nhớ cách khum các đầu ngón tay vào nhau để tạo thành khung đáy nhỏ vững chắc rồi đẩy hai lòng bàn tay làm giãn bớt nút buộc. Thông minh quá đi thôi!
Tôi xoay cổ tay, siết hai tay vào nhau thật mạnh. Khi cảm thấy khăn buộc đã lỏng ra, tôi dùng hai ngón tay cái kéo chiếc khăn xuống cho đến khi nút buộc tụt vào giữa hai lòng bàn tay – rồi giữa các ngón tay. Nếu bọn họ thông minh đến mức buộc cả hai ngón tay cái của tôi thì còn lâu tôi mới thoát nổi. Đúng là lũ khờ. Cuối cùng, khi hai tay đã được thảnh thơi, tôi nhanh chóng giật phăng cái giẻ bịt miệng ra.
Bây giờ phải tính đến cánh cửa. Trước hết, để chắc chắn bọn họ không nằm chầu chực bên ngoài đợi mình, tôi ngồi xổm xuống và hé mắt nhìn qua lỗ khóa trên gác mái. Ơn Chúa, bọn họ đã rút chìa. Tôi không nhìn thấy ai hết ngoài mớ hỗn độn muôn thuở của giấy lộn và các đồ vụn vặt linh tinh khác – gác mái dài dằng dặc hoàn toàn trống không.
Nguy nan qua rồi.
Thò tay qua đầu, tôi tháo một chiếc móc thép từ trên giá. Bằng cách nhét đầu móc cong vào lỗ khóa và bẩy mạnh đầu kia, tôi đã biến chiếc móc thành hình chữ L và nhét nó ngay lập tức vào tít bên trong lỗ khóa cổ lỗ. Thêm một chút ấn ấn nhét nhét đúng đắn, một tiếng tách phấn khởi vang lên. Dễ như bỡn. Cánh cửa mở tung ra và tôi được tự do.
Tôi chạy xuống cầu thang bằng đá đến hành lang, rồi dừng lại trước cửa phòng ăn đủ lâu để hất hai bím tóc qua vai cho nó về đúng vị trí như thường lệ.
Bố vẫn kiên quyết đòi ngồi ăn tối vào đúng giờ quy định và phải ngồi tại chiếc bàn lớn làm bằng gỗ sồi trong phòng ăn, y như hồi mẹ còn sống.
“Flavia! Ophelia và Daphne chưa xuống hả?” bố gắt gỏng hỏi và ngẩng mặt lên khỏi số mới nhất của tờ The British Philatelist được mở sẵn bên cạnh món thịt và khoai tây.
“Con không gặp hai chị ấy cả thế kỷ nay rồi,” tôi nói.
Thật thế. Tôi chả thấy họ đâu kể từ khi họ nhét giẻ vào mồm và bịt mắt tôi lại, rồi xềnh xệch lôi tôi đi – một đứa bị trói chân trói tay – để nhốt vào tủ quần áo trên gác mái.
Bố nhìn tôi đăm đăm đúng bốn giây tròn trĩnh qua cặp kính trước khi tiếp tục lẩm nhẩm với món châu báu nhớp nháp.
Tôi nở nụ cười rộng đến tận mang tai với bố: một nụ cười đủ để bố nhìn thấy cái niềng răng của tôi. Và mặc dù bộ niềng răng làm mồm miệng tôi trông không ra làm sao nhưng bố lúc nào cũng muốn được nhắc rằng số tiền bố bỏ ra là vô cùng xứng đáng. Chỉ khác, lần này bố mải mê đến mức không nhận ra điều đó.
Tôi nhấc nắp âu nhãn hiệu Spode lên và từ lòng đĩa vẽ hình những con bướm bên quả mâm xôi, tôi múc lên một thìa toàn đậu là đậu. Tôi lấy dao (coi như cái thước kẻ) và dĩa (coi như cây giáo) gẩy các hạt đậu thành từng hàng ngang hàng dọc tỉ mẩn quanh đĩa: các quả cầu nho nhỏ màu xanh xếp nối tiếp với khoảng cách bằng nhau đến từng ly và có thể khiến các nghệ nhân làm đồng hồ Thụy Sỹ phải chết mê chết mệt. Sau đó, bắt đầu từ phía cuối cùng bên trái, tôi lấy dĩa xiên hạt đậu đầu tiên và nhai ngon lành.
Đều là lỗi của Ophelia hết. Nói cho cùng, chị ta đã mười bảy tuổi, đáng ra chị ta phải có chút ít tố chất chín chắn của một người trưởng thành chứ. Thật chẳng công bằng khi chị ta kéo bè kết đảng với Daphne – mười ba tuổi. Tổng cộng hai chị có tận ba mươi tuổi. Ba mươi năm cơ đấy! Thế mà lại đi đối đầu với tôi, một đứa con nít mười một tuổi. Đúng là không quang minh chính đại, là suy đồi đạo đức. Vậy nên trả thù là việc khỏi phải bàn.
Buổi sáng hôm sau, khi tôi đang bận luống cuống với đám bình thót cổ và chai lọ trong phòng thí nghiệm trên tầng thượng chái phía đông của ngôi nhà thì Ophelia “xâm nhập” vào không chút màu mè kiểu cách.
“Cái vòng cổ ngọc trai của tao đâu?”
Tôi nhún vai. “Em không phải là người trông giữ đống đồ nữ trang rẻ tiền của chị.”
“Tao biết là mày lấy. Gói kẹo nhân bạc hà trong ngăn kéo đựng quần áo của tao cũng biến mất luôn, tao đã theo dõi và thấy tất cả kẹo bạc hà bị mất tích trong ngôi nhà này lúc nào cũng chỉ chui tọt vào cái mồm đầy giòi bọ bé tin hin của mày thôi.”
Tôi vặn chỉnh lửa chiếc đèn cồn – ngọn lửa đang hơ nóng một chiếc cốc lớn đựng dung dịch màu đỏ. “Nếu chị còn nói bóng nói gió là việc vệ sinh cá nhân của em không đạt tiêu chuẩn cao chót vót như của chị thì chị thử ngửi giày của em xem nào.”
“Flavia kia!”
“Hứ, chị làm đi. Em chán đến tận cổ và quá mệt mỏi vì lúc nào cũng bị đổ tội rồi Feely ạ.”
Nhưng sự căm phẫn chính đáng của tôi bị cắt nhẹm đi khi Ophelia hé mắt nhìn chiếc bình thót cổ màu hồng ngọc đang sôi ùng ục trên lửa.
“Cái chất dính dính dưới đáy bình là gì hả?” Móng tay dài được tỉa tót cẩn thận của chị ta gõ gõ vào bình thủy tinh.
“Thí nghiệm của em. Feely, cẩn thận, axít đấy!”
Mặt Ophelia trắng bệch. “Hạt vòng ngọc trai của tao! Của mẹ đấy!”
Ophelia là người con duy nhất cậy Harriet là “Mẹ”: người duy nhất trong ba chị em đủ lớn để có ký ức rõ ràng về người phụ nữ bằng xương bằng thịt đã từng bụng mang dạ chửa chúng tôi, và Ophelia chưa bao giờ mệt mỏi khi nhắc lại điều này cho hai đứa em. Mẹ Harriet qua đời trong vụ tai nạn leo núi hồi tôi mới một tuổi, và ít khi mẹ được nhắc đến tại Buckshaw này.
Tôi ghen tị với ký ức của Ophelia ư? Tôi có phẫn nộ với những kỷ niệm đó không? Tôi không ghen tị, mà còn sâu xa hơn thế. Kể cũng khá kỳ cục, vì tôi coi thường mọi ký ức của Ophelia về mẹ.
Tôi chậm rãi ngẩng mặt lên khỏi bình thí nghiệm để mắt kính tròn tôi đang đeo sẽ phản chiếu màu trắng vô hồn vào chị ta. Tôi thừa biết mỗi lần tôi làm thế, Ophelia có ấn tượng kinh khủng là chị ta đang đứng trước một nhà khoa học người Đức điên rồ và cực đoan trong một bộ phim của hãng Gaumont.
“Đồ súc vật!”
“Mụ phù thủy thối tha!” Tôi trả miếng. Nhưng tôi mới chỉ nói vậy thì Ophelia đã xoay gót bước đi – khá gọn gàng, tôi nghĩ vậy – và đóng sập cửa lại.
Việc báo thù rồi cũng đến sớm thôi, nhưng với Ophelia thì kiểu gì nó cũng đến ngay tắp lự. Ophelia làm sao có thể giống tôi – một nhà lập kế hoạch có tầm nhìn và luôn biết chờ đợi để món súp trả thù cháy âm ỉ cho đến độ hoàn hảo mới thôi.
Sau bữa tối, khi bố đã lui vào phòng làm việc để hả hê nhìn ngắm bộ sưu tập các đầu báo, Ophelia khẽ khàng đặt con dao bằng bạc cắt bơ xuống và, giống như một con vẹt đuôi dài, chị ta ngắm bóng mình trong dao suốt mười lăm phút. Không cần lời dạo đầu, chị ta nói, “Tao không phải chị ruột của mày đâu… Daphne cũng thế. Thế nên hai bọn tao không giống mày. Chắc mày cũng không biết mày là con nuôi đâu nhỉ?”
Tôi làm rơi thìa đánh coong.
“Không phải. Em giống hệt mẹ Harriet. Ai cũng nói thế còn gì.”
“Mẹ nhặt mày ở Trại Bà Mẹ Độc Thân vì trông mày giống mẹ thôi,” Ophelia nói và thể hiện nét mặt khó chịu.
“Mẹ là người lớn còn em là trẻ con thì giống thế nào được?” Tôi sẽ chỉ là số 0 tròn trĩnh nếu không sáng dạ hiểu cho nhanh vấn đề.
“Vì mày làm mẹ nhớ đến hình ảnh mẹ hồi bé. Trời đất ạ, mẹ còn phải lôi ảnh ra và giơ lên cạnh mày để so sánh nữa cơ mà.”
Tôi cầu cứu Daphne, mũi chị ta đang dính chặt vào cuốn sách bìa da The Castle of Otranto. “Chị Daffy ơi, không phải như thế phải không?”
“Phải đấy,” Daphne nói và vơ vẩn lật một trang giấy mỏng tang. “Lúc nào bố cũng bảo nếu để mày biết mày sẽ sốc lắm. Bố bắt hai bọn tao phải thề không được nói gì. Không thì ít nhất cũng phải đợi đến khi mày mười một tuổi. Bố còn bắt bọn tao đọc lời tuyên thệ cơ.”
“Một cái túi xanh hiệu Gladstone,” Ophelia nói. “Chính mắt tao nhìn thấy. Tao thấy mẹ nhét mấy tấm ảnh hồi nhỏ của mẹ vào cái túi Gladstone để mang đến Trại. Hồi ấy tao mới sáu – hay bảy tuổi – nhưng tao vẫn không quên hai bàn tay trắng bệch của mẹ… các ngón tay mẹ bấu chặt lấy mấy cái móc bằng đồng trên túi.”
Tôi nhảy vọt ra khỏi bàn và nức nở chạy ù về phòng. Và mãi đến buổi sáng hôm sau, khi ngồi ăn sáng, tôi mới nghĩ ra món độc dược mới.
Cũng giống như mọi món độc dược vĩ đại khác, nó rất đơn giản.
Buckshaw là ngôi nhà của gia đình tôi, gia tộc de Luce, từ ngày xửa ngày xưa. Nó được xây từ thời vua George để thay thế cho ngôi nhà nguyên bản xây từ thời nữ hoàng Elizabeth bị thiêu rụi bởi những người nghi ngờ đức tin của gia tộc de Luce. Gia tộc de Luce theo đạo Công giáo suốt bốn trăm năm và đến giờ vẫn vậy, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì với đám công dân đầy hoài nghi và căm phẫn của Giám mục. “Ngôi nhà cổ,” người ta gọi như thế, rừng rực lửa cháy, và ngôi nhà thay thế nó có tuổi thọ đến ba thế kỷ nay.
Antony và William de Luce là hai tổ tiên sau này của dòng họ de Luce. Họ có quan điểm trái ngược nhau về cuộc Chiến tranh ở Crimean[1], nên đã phá huỷ cấu trúc của ngôi nhà nguyên bản khi lần lượt xây thêm chái đông và chái tây cho nó.
Hai cụ sống ẩn dật trong lãnh địa riêng của mình và cấm người kia không được đặt chân qua đường kẻ màu đen được sơn giữa hành lang phía trước, qua phòng nghỉ và chạy thẳng qua phòng vệ sinh của viên quản gia, phía sau cầu thang. Tường gạch vàng được xây thêm, có lẽ từ thời nữ hoàng Victoria, chập lưng vào nhau như đôi cánh thiên thần, và trong mắt tôi, bức tường đó khiến các khung cửa sổ cao và cửa chớp trước nhà Buckshaw có vẻ cứng nhắc chẳng khác nào một nữ hầu già nua buộc bím tóc quá chặt.
Cụ Tarquin, hay còn gọi là cụ Tar – vốn được hứa hẹn là người sẽ mang lại sự nghiệp vang dội cho ngành hóa học nước nhà – sau hậu quả của sự suy sụp tinh thần, đã được gửi về nhà từ Oxford vào đúng mùa hè kỷ niệm hai mươi lăm năm trị vì của Nữ hoàng Victoria.
Cha của cụ Tar – một ông bố hay nuông chiều con – cực kỳ quan tâm đến sức khoẻ không ổn định của con trai, đã không tiếc tiền bạc sắm sửa một phòng thí nghiệm trên tầng thượng phía chái đông của Buckshaw: một phòng thí nghiệm đầy đủ bình đựng thủy tinh của Đức, kính hiển vi của Đức, kính quang phổ của Đức, cân làm bằng đồng thau của Thụy Sỹ, và một ống điện tử thổi bằng miệng nhãn hiệu Geisler cũng của Đức, cụ Tar có thể nối dây điện vào đó để nghiên cứu cơ chế phát huỳnh quang của các loại gas.
Trên một chiếc bàn cạnh cửa sổ là kính hiển vi do công ty Leitz sản xuất, màu đồng của kính vẫn sáng bóng như ngày đầu nó được chuyển bằng đường tàu hỏa tới Buckshaw. Tấm gương trên kính có thể được dịch chuyển để đón lấy những tia nắng yếu ớt đầu tiên của mặt trời buổi sớm, còn vào những ngày nhiều mây hoặc vào buổi tối, nó được lắp thêm đèn cháy bằng sáp hiệu Davidson & Co. của London.
Trên bệ bánh lăn còn có một bộ xương người do ông Frank Buckland, một nhà tự nhiên học vĩ đại, tặng cho cụ Tar khi cụ mới chỉ là một cậu bé mười hai tuổi.
Ba bức tường của căn phòng này được chất kín từ sàn lên trần bằng những chiếc tủ có cửa kính phía trước, hai trong số đó đầy ắp từng dãy hóa chất được đựng trong lọ bào chế thuốc bằng thủy tinh. Mỗi lọ đều được dán nhãn và ghi chú bằng chữ viết tay tỉ mẩn của cụ Tar de Luce – người đã vượt qua định mệnh và sống rất thọ trước khi qua đời ở tuổi sáu mươi giữa vương quốc đầy hóa chất quanh mình. Sáng hôm đó, viên quản gia tìm thấy xác cụ, một bên mắt đã chết của cụ vẫn hé nhìn vào chiếc kính hiển vi Leitz thân yêu. Người ta đồn rằng lúc đó cụ đang nghiên cứu sự phân hủy của chất đinitơ pentaoxit. Nếu quả là thế thì đây là nghiên cứu đầu tiên xảy ra phản ứng và đáng được lưu vào sử sách vì phản ứng này là tiền đề dẫn đến việc phát minh ra bom nguyên tử.
Phòng thí nghiệm của cụ Tar bị khóa lại và được giữ gìn trong suốt bao nhiêu năm bụi bặm, đến khi “tài năng kỳ quái” của tôi – như bố gọi – biểu lộ, và tôi đã coi căn phòng đó là lãnh địa của riêng mình.
Tôi vẫn run lên sung sướng mỗi khi nghĩ về hôm đó – một ngày mùa thu mưa bay lất phất – khi phòng Hóa học thuộc về đời mình.
Hôm đó tôi đang dọn dẹp các giá sách trong thư viện và đang đóng giả làm một người leo núi nổi tiếng thì bị trượt chân và một cuốn sách nặng trịch rơi phịch xuống sàn. Tôi cầm cuốn sách lên, vuốt vuốt những trang giấy nhăn nhúm và nhận thấy nó không chỉ đầy kín chữ mà còn có vô số các hình vẽ, trong đó có hình những đôi bàn tay đang rót dung dịch vào mấy cái lọ thủy tinh kỳ quái trông như thể các dụng cụ âm nhạc của một thế giới khác.
Cuốn sách có tiêu đề Hóa học nhập môn và chỉ ít giây sau, cuốn sách đã dạy cho tôi biết rằng từ i ốt bắt nguồn từ từ “violet”, và từ brom bắt nguồn từ một từ Hy Lạp có nghĩa là “hôi thối”. Đây là những thứ tôi cần phải biết! Tôi luồn cuốn sách màu đỏ dày cộp đó xuống dưới áo len và mang lên gác, và tôi lập tức nhìn thấy dòng chữ H. de Luce được viết trên trang bìa lót. Đây là cuốn sách của mẹ tôi.
Tôi miệt mài đọc các trang sách ấy mỗi khi rảnh rỗi. Có những tối tôi nóng lòng chờ đến giờ đi ngủ hơn chờ bất cứ thứ gì khác. Và cuốn sách của mẹ Harriet trở thành người bạn bí mật của tôi.
Cuốn sách có đầy đủ các chi tiết về kim loại kiềm: các kim loại có những cái tên khó tin như lithi hay rubiđi; kim loại kiềm thổ như stronti, bari và rađi. Tôi hét lên vui sướng khi đọc được rằng bà Curie là người tìm ra kim loại rađi.
Rồi còn cả thông tin về các loại khí độc hại: như phốt phin, arsine (dung dịch sủi có thể gây chết người), đinitơ pentaoxit, axit hyđrô sunfuric… và còn nhiều nữa… Tôi như được bay lên thiên đàng thứ bảy khi tìm thấy hướng dẫn chi tiết về công thức tạo ra các hợp chất này.
Khi tôi tự mình hiểu được phương trình hóa học như K4FeC6N6 + 2K = 6KCN + Fe (phương trình miêu tả phản ứng xảy ra khi xyanua vàng của kali cacbonat được đun nóng với kali để sinh ra kali xyanua), cả vũ trụ như trải rộng trước mắt tôi: cứ như thể cuốn sách của một mụ phù thủy trong rừng vô tình rơi vào tay tôi vậy.
Điều kích thích tôi nhất là khi tôi nhận ra cách mọi thứ, tất cả mọi thứ – tất cả luôn! – được gắn lại với nhau bằng mối liên kết của các hóa chất vô hình, tôi bỗng thấy thoải mái lạ kỳ, một cảm giác không thể giải thích được khi biết rằng ở đâu đó, mặc dù con người không nhìn thấy bằng mắt, nhưng vẫn có một sự ổn định đích thực.
Ban đầu tôi chưa nhận thấy mối liên kết hiển nhiên giữa cuốn sách và phòng thí nghiệm bị bỏ hoang mà tôi phát hiện ra từ hồi bé. Nhưng khi nhận ra rồi, cuộc đời tôi mới đích thực là cuộc đời – nếu nói như thế có thể lột tả hết cảm giác sung sướng của tôi bấy giờ.
Trong phòng thí nghiệm của cụ Tar, các cuốn sách hóa học mà cụ đã bỏ tâm huyết thu thập được xếp thành từng dãy, và tôi sớm nhận thấy nếu tôi chịu nỗ lực một chút, những cuốn sách này sẽ không quá khó hiểu với mình.
Ban đầu là các thí nghiệm đơn giản, và tôi cố nhớ làm theo từng hướng dẫn tỉ mỉ của sách. Cũng không thể nói là không có những vụ hóa chất bùm xịt hay nổ tung tóe xảy ra, nhưng tốt hơn là hãy ít nhắc đến mấy chuyện này.
Cuốn sổ ghi chép của tôi dày lên mỗi ngày. Công việc của tôi cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi bí mật về Hóa học hữu cơ lộ diện trước mắt tôi, và tôi hoan hỉ trước bao kiến thức mới mẻ về những hợp chất được chiết xuất dễ dàng từ thiên nhiên.
Niềm đam mê đặc biệt của tôi là chất độc.
Tôi lấy một cây gậy bằng tre để khua cỏ trước hiên nhà – cây gậy được giật ra từ tay cầm của cái ô. Trong vườn bếp, những bức tường gạch đỏ cao cao vẫn chưa cho ánh nắng ấm áp lọt vào; mọi thứ còn ướt sũng sau trận mưa đêm hôm trước.
Vừa len qua đám cỏ rậm rạp chưa được cắt từ năm ngoái, tôi chọc chọc cây gậy dọc theo chân tường cho đến khi tìm ra thứ cần tìm: một mảng thực vật ba lá mơn mởn giữa vô số các cây cỏ khác. Đeo đôi găng tay làm vườn bằng cotton vào rồi sung sướng hét lên “La la la lá là là la lá la,” tôi bắt tay vào việc.
Một lúc sau, khi đã an toàn trong sanctum canctorum, Nơi Chí Thánh – tôi vô tình học được cụm từ này trong cuốn tiểu sử của Thomas Jefferson[2] và coi đó là từ của riêng mình – tôi nhét những chiếc lá sặc sỡ vào bình thuỷ tinh cổ cong, cẩn thận không tháo găng tay ra cho đến khi các tán lá màu sáng bóng được nhét vào bình an toàn. Bây giờ mới đến phần tôi thích nhất.
Đóng nắp bình lại, tôi nối một đầu của nó vào một cái bình thót cổ chứa nước đang sôi sùng sục, đầu còn lại dẫn đến một chiếc cốc khác. Cuối cùng, tôi chăm chú quan sát hơi nước len lỏi tìm đường giữa những chiếc lá để chui vào trong ống. Đám lá bắt đầu cuộn lại và mềm ra khi hơi nước nóng làm mờ các lỗ nhỏ tin hin giữa các tế bào, giải phóng tinh dầu của loài thực vật này.
Các nhà giả kim cổ xưa cũng làm như thế: lửa và hơi nước, hơi nước và lửa. Chưng cất.
Tôi yêu thích việc này biết bao.
Chưng cất. Tôi nói lớn. “Chưngggg-cấtttt!”
Tôi run run nhìn khi hơi nước nguội bớt và cô đọng trong ống, rồi siết chặt tay khi giọt chất lỏng trong suốt đầu tiên treo lơ lửng và rơi “bốp” xuống chiếc cốc đang đợi sẵn.
Khi nước cạn và công việc hoàn tất, tôi tắt lửa, chụm hai lòng bàn tay dưới cằm rồi thích thú ngắm nhìn dung dịch trong cốc tách thành hai lớp rõ rệt: dưới đáy là nước chưng cất, và nổi lên trên là dung dịch có sắc vàng nhẹ. Đây là tinh dầu của lá. Nó được gọi là urushiol[3], được dùng trong ngành sản xuất keo xịt tóc cùng rất nhiều lĩnh vực khác.
Thọc sâu tay vào túi chiếc áo liền quần, tôi lấy ra một thỏi son vàng óng. Tôi mở nắp và cười hí hửng khi một đầu đo đỏ lộ ra. Son môi của Ophelia, được lấy cắp từ ngăn kéo trong tủ quần áo của chị ta, cùng với các hạt ngọc trai và kẹo bạc hà. Và Feely – tiểu thư Khăn xì mũi – còn chưa nhận thấy là chúng đã biến mất tong nữa kia.
Nhớ đến đám kẹo bạc hà, tôi nhét tọt một cái vào miệng và nhai lấy nhai để giữa hai hàm răng.
Thỏi son được vặn ra dễ dàng, và tôi bật đèn cồn lên. Chỉ cần hơ nóng nhè nhẹ là đủ làm chảy bớt lõi son. Nếu Feely biết thỏi son này được làm từ vảy cá, chắc chắn chị ta sẽ sẵn sàng lau cho bằng hết son trên môi mình. Tôi phải nhớ nói điều này với Feely mới được. Tôi cười khì. Rồi sẽ có lúc tôi nói thôi.
Tôi lấy ống hút để hút một vài milimet tinh dầu nổi trên chiếc cốc và nhỏ từng giọt vào chỗ son vừa bị tan ra, sau đó lấy cái que gỗ khuấy nó lên.
Quá ít, tôi thầm nghĩ. Tôi lấy một cái lọ và cho thêm một cục sáp ong để khôi phục thỏi son vẽ hình dạng ban đầu.
Đến lúc đeo găng tay rồi – và đến lúc cần đến khuôn sắt hình viên đạn mà tôi nhón được trong bảo tàng súng cầm tay của Buckshaw.
Kỳ cục chưa kìa, vỏ thỏi son có kích thước đường kính đúng bằng viên đạn. Quả là mẩu thông tin hữu ích. Tối nay mình phải ngẫm nghĩ nhiều hơn về thông tin này sau khi đã an vị trên giường. Bây giờ mình đang bận lắm.
Ruột son được khéo léo tách ra từ khuôn và làm lạnh bằng nước, cuối cùng được tái tạo vừa khít bên trong vỏ đựng màu vàng của nó.
Tôi vặn lên vặn xuống vài lần để đảm bảo thỏi son vẫn có thể xoáy bình thường. Sau đó tôi thay nắp. Feely thường đi ngủ muộn và lúc nào cũng nằm ườn qua giờ ăn sáng.
“Con lợn kia, thỏi son của tao đâu? Mày đã làm gì với thỏi son của tao hả?”
“Trong ngăn kéo của chị ấy,” tôi nói. “Em nhìn thấy thỏi son ở đó lúc lấy trộm cái vòng ngọc trai của chị.”
Vì cuộc đời ngắn ngủi của mình, cộng với việc luôn bị hai bà chị cho ra rìa, tôi nhất thiết phải có miệng lưỡi một chút.
“Không có trong ngăn kéo của tao. Tao vừa xem rồi, nhưng không có.”
“Chị đã đeo kính chưa?” Tôi hỏi với nụ cười tự mãn.
Mặc dù bố đã mua kính cho cả ba chị em nhưng Feely không chịu đeo. Kính của tôi thì cứ như được làm bằng kính cửa sổ ấy. Tôi chỉ đeo trong phòng thí nghiệm để bảo vệ mắt, hoặc để cầu xin sự thương cảm của bố.
Feely đập tay lên bàn rồi lao vọt ra khỏi phòng.
Tôi quay trở lại với việc đo độ sâu của bát ngũ cốc Weetabix.
Sau đó, tôi viết vào sổ:
Thứ Sáu, ngày 2 tháng 6 năm 1950, 9:42 sáng. Diện mạo đối tượng bình thường nhưng cục cằn. (Lúc nào cũng thế hay sao ý nhỉ?) Phản ứng có thể xảy ra sau 12 đến 72 giờ.
Tôi có thể đợi.
Cô Mullet, một người phụ nữ tóc hoa râm và thấp tròn như cối xay (tôi biết cô vẫn nghĩ mình là nhân vật trong một bài thơ của nhà thơ A.A. Milne[4]) đang đứng trong bếp làm bánh trứng sữa. Và như thường lệ, cô rất vất vả với cái lò nướng Aga to tướng choán hết cả phòng bếp nhỏ xíu nhà tôi.
“Ồ, cô Flavia! Đến đây giúp tôi với cái lò nướng này với.”
Nhưng trước khi tôi kịp nghĩ ra câu đáp trả hợp lý thì bố đã đứng đằng sau.
“Flavia, bố bảo.” Giọng bố nặng như thể những đôi giày nhái đế chì của những người thợ lặn dưới đáy biển sâu.
Tôi nhìn cô Mullet để xem phản ứng của cô. Cô luôn chạy trốn khi đánh hơi thấy dù một mùi khó chịu nhỏ nhất trong không khí, và có lần, khi bố vừa lên tiếng, cô đã vội trốn tiệt vào trong rèm và nhất quyết không chịu chui ra cho đến khi chồng cô đến.
Cô khẽ khàng đóng cửa lò nướng lại như thể cửa lò được làm bằng thủy tinh Waterford cao cấp.
“Tôi phải về,” cô nói. “Bữa trưa trong lò nướng đấy ạ.”
“Cám ơn cô Mullet.” Bố nói. “Chúng tôi tự làm được.” Lúc nào gia đình tôi cũng phải tự xoay xở.
Cô Mullet mở cửa bếp – và đột ngột hét lên như một con lửng bị dồn vào chân tường.
“Ôi, Chúa ơi! Xin lỗi ngài, Đại tá de Luce, nhưng Chúa ơi là Chúa!”
Tôi và bố phải ẩy cô ra để nhìn cho rõ.
Đó là một con chim, một con chim dẽ giun… và nó đã chết. Nó nằm ngửa trên bậc thềm, đôi cánh cứng đờ dang ra như con thằn lằn ngón cánh, hai mắt nó mờ đi, và cái mỏ đen dài của nó chọc thẳng lên trời, xuyên ngang một cái gì đó khẽ ve vẩy trong gió buổi sáng… một mẩu giấy nho nhỏ.
Không, không phải, không phải một mẩu giấy, mà là một tem thư.
Bố tôi cúi xuống nhìn cho rõ, và rồi ông thở gấp. Đột nhiên ông ôm chặt lấy cổ, hai tay run lên bần bật như chiếc lá dương mùa thu, và nét mặt ông xám xịt như tro.