Kỳ Án Chim Dẽ Giun

CHƯƠNG 20



Tôi dành bốn lăm phút tiếp theo cố thuyết phục chú Dogger để tôi chườm đá lên cổ, nhưng chú ấy nhất quyết không chịu. Chú ấy cam đoan rằng nghỉ ngơi là liệu pháp duy nhất rồi đi ra khỏi phòng.
Từ cửa sổ, tôi nhìn thấy Feely tay cầm tờ Picture Post đang trải một tấm vải bạt trên bãi cỏ phía nam, cố gắng vớt vát ánh mặt trời lên cả hai bên mặt. Tôi lấy ống nhòm của bố ra và nhìn sát vào mặt chị ta. Khi nhìn cận cảnh rồi, tôi mở sổ và viết:
Thứ Hai, ngày 5 tháng 6 năm 1950, 9:15 sáng. Diện mạo của đối tượng vẫn bình thường. 54 giờ kể từ lúc thực hiện. Dung dịch quá yếu? Đối tượng có khả năng miễn dịch? Người ta nói người Eskimo ở Đảo Baffin có khả năng miễn dịch với chất độc của cây thường xuân. Có phải điều tôi đang nghĩ là đúng không?
Nhưng tôi không để tâm vào chuyện đó. Khó có thể nghiên cứu Feely khi mà hình ảnh của bố và Dogger cứ lởn vởn trong đầu tôi. Tôi cần phải tập trung suy nghĩ.
Tôi lật sang trang mới và viết:
Những kẻ tình nghi:
BỐ: Có động cơ lớn nhất. Biết nạn nhân từ ngày đi học; từng bị đe dọa sẽ để lộ tai tiếng; cãi vã với nạn nhân chỉ ít phút trước khi xảy ra vụ chết người. Không ai biết thời điểm xảy ra vụ án mạng. Thanh tra Hewitt đã bắt bố và kết tội, vậy là chúng ta biết viên Thanh tra nghi ngờ ai rồi!
CHÚ DOGGER: Hơi bí hiểm. Không biết nhiều về quá khứ của chú ấy, nhưng vô cùng trung thành với bố. Nghe thấy bố cãi nhau với Horace Bonepenny (mình cũng thế) và rất có thể quyết định loại trừ lời đe dọa để lộ tai tiếng. Dogger thường “có triệu chứng” không bình thường trong và sau khi trí nhớ bị ảnh hưởng. Có thể nào chú ấy giết Horace Bonepenny lúc như thế không? Hay là một vụ tai nạn? Nhưng nếu thế, ai đánh vào cổ chú ấy?
CÔ MULLET: không có động cơ, trừ khi muốn trả thù kẻ đã vứt con chim dẽ giun trên thềm bếp. Quá già.
DAPHNE de LUCE và OPHELIA GERTRUDE de LUCE: (Đừng làm tôi buồn cười!) Hai người này chỉ biết cắm mặt vào sách và gương soi, đến mức họ không giết nổi một con gián trong đĩa thức ăn. Không biết kẻ đã chết, không có động cơ, và còn đang ngáy o o khi Horace Bonepenny chết ngủm. Vụ án kết thúc, nếu liên quan đến hai người ngu đần này.
MARY STOKER: Có động cơ: Horace Bonepenny buông hành động khiếm nhã với chị ta ở quán Mười Ba Con Vịt. Có thể nào chị đi theo ông ta đến Buckshaw và giết chết ông ta trong vườn dưa không? Có vẻ không hợp lý.
TULLY STOKER: Horace Bonepenny cũng là khách trọ ở Mười Ba Con Vịt. Ông Tully đã nghe được chuyện xảy ra với Mary chưa? Quyết định trả thù? Hay ông ta coi khách hàng quan trọng hơn danh dự của con gái?
NED CROPPER: Ned tử tế với Mary (và cả người khác nữa). Biết chuyện xảy ra giữa Mary và Horace Bonepenny. Có thể đã quyết định giết ông ta. Động cơ đúng, nhưng không có bằng chứng cho thấy anh đã đến Buckshaw tối hôm đó. Có thể nào anh ta giết Horace Bonepenny ở chỗ khác rồi chở xác lão ta đến đây bằng xe cút kít không? Nếu vậy kẻ giết người rất có thể là Tully. Hoặc cả Mary nữa!
CÔ MOUNTJOY: Động cơ tuyệt hảo: tin rằng Horace Bonepenny (và bố) đã giết cậu ruột của mình, tức ông Twining. Vấn đề là cô Mountjoy khó có thể đánh nhau với một người có chiều cao và cân nặng như Horace Bonepenny. Trừ khi cô dùng một loại chất độc nào đó. Câu hỏi: Nguyên nhân chính gây ra cái chết là gì? Liệu Thanh tra Hewitt có nói cho mình biết không?
THANH TRA HEWITT: Cảnh sát. Chỉ liên quan đến vụ việc nhằm đảm bảo tính công bằng, trọn vẹn và khách quan. Không có mặt ở Buckshaw khi xảy ra án mạng, và đến nay vẫn chưa cho thấy có động cơ. (Liệu ông ta có học trường Greyminster không?)
HẠ SĨ WOOLMER & GRAVES: như trên.
FRANK PEMBERTON: Sau khi xảy ra án mạng mới đến Bishop’s Lacey.
MAXIMILIAN BROCK: Lẩm cẩm; quá già; không có động cơ.
Tôi đọc danh sách này ba lần liền, hy vọng mình không trót bỏ lỡ thông tin nào. Và rồi tôi nhận thấy: có gì đó khiến đầu óc tôi quay cuồng. Chẳng phải Horace Bonepenny bị bệnh tiểu đường sao? Tôi đã tìm thấy insulin trong hành lý ở quán Con Vịt với ống xi lanh bị mất. Có phải ông ta đánh mất nó không? Hay nó bị lấy cắp?
Ông ta đã di chuyển chủ yếu bằng tàu phà từ Stavanger ở Na Uy đến Newcastle, từ đó ông ta đi tàu đến York, rồi tiếp tục đổi chuyến đến Doddingsley. Từ Doddingsley ông ta bắt xe bus đến Bishop’s Lacey.
Theo như tôi biết, trong chừng ấy thời gian, ông ta không ăn gì hết! Chiếc vỏ bánh trong phòng trọ của ông ta (bằng chứng rõ ràng nhờ sợi lông bị dính vào) là chiếc bánh mà ông ta đã bí mật giấu con chim dẽ giun chết toi để chuyển lậu vào nước Anh. Chẳng phải lão Tully Stoker đã nói với viên Thanh tra rằng vị khách trọ đã uống bia trong quầy rượu hạng sang sao? Đúng rồi – nhưng không nhắc gì đến đồ ăn cả!
Nếu như sau khi đến Buckshaw và đe dọa bố, ông ta đi ra khỏi nhà qua lối cửa bếp – và gần như chắc chắn là thế – và phát hiện chiếc bánh trứng trên bậu cửa sổ thì sao? Nếu như ông ta lấy một miếng, nuốt ực nó, đi ra khỏi bếp và bị sốc thì sao? Bánh của cô Mullet vẫn có tác dụng đó với tất cả các thành viên trong gia đình tôi ở Buckshaw, và chúng tôi thì không ai bị tiểu đường cả!
Nếu là do miếng bánh của cô Mullet thì sao? Chỉ là một vụ tai nạn ngớ ngẩn thì sao? Nếu như mọi người trong danh sách của tôi đều vô tội thì sao? Nếu như Bonepenny không hề bị ám sát thì sao?
Nhưng nếu điều đó đúng, thì Flavia ơi, một giọng nói nho nhỏ rầu rĩ trong tôi vang lên, tại sao Thanh tra Hewitt lại bắt và kết tội bố chứ?
Mặc dù nước mắt nước mũi tôi vẫn chảy tùm lum, tôi vẫn nghĩ có lẽ món nước gà đang bắt đầu phát huy tác dụng. Tôi lại đọc danh sách kẻ tình nghi và ngẫm nghĩ cho đến khi đầu óc đau nhấm nhẳng.
Tôi chẳng đi đến đâu cả. Cuối cùng tôi quyết định ra ngoài, ngồi trên bãi cỏ, hít hà không khí trong lành, và để tâm trí suy nghĩ về một thứ hoàn toàn khác: tôi nghĩ về nitơ ôxit, ví dụ, với công thức N2O, hay còn gọi là khí không màu nhưng có mùi thơm, thường dùng làm thuốc tê: một thứ mà Buckshaw và người cư ngụ ở đó rất cần đến.
Khí không màu nhưng có mùi thơm và vụ án mạng có vẻ là hai kẻ đồng minh lạ thường, nhưng liệu có thực sự như vậy không?
Tôi nghĩ về nhân vật nữ anh hùng của mình, Marie Anne Paulze Lavoisier, một trong những nhà hóa học vĩ đại, với bức chân dung, cùng với các viện sĩ khác, được treo trên tấm gương trong phòng ngủ của tôi, mái tóc của bà giống hệt kẹo bong bóng, người chồng chỉ âu yếm nhìn bà, dường như ông không phiền hà gì với kiểu tóc ngớ ngẩn của vợ. Marie là người phụ nữ luôn biết rằng nỗi buồn và sự ngốc nghếch thường đi song hành với nhau. Tôi vẫn còn nhớ, trong cuộc cách mạng Pháp, trong phòng thí nghiệm của người chồng Antoine – ngay khi họ trát kín hắc ín và sáp ong vào người viên trợ lý, đặt ông ta nằm gọn trong một cái ống bọc vải lụa và để ông ta thở qua một cái ống được nối với dụng cụ đo lường của Lavoisier và, vào đúng lúc đó, khi Marie Anne đang đứng phác thảo quy trình, nhà cầm quyền đạp cửa, xông vào phòng, và lôi chồng bà ra trước máy chém.
Có lần tôi có kể câu chuyện hết sức buồn cười này cho Feely.
“Nhìn chung những người nữ anh hùng thường phải sống trong nhà tranh vách đất,” chị ta kiêu căng khịt mũi nói.
Nhưng cũng chẳng đi đến đâu cả. Suy nghĩ của tôi cứ rối tung rối mù, như rơm trong đống cỏ khô. Tôi cần phải tìm ra chất xúc tác nào đó, tương tự như Kirchoff[56] từng làm. Ông từng phát hiện ra rằng tinh bột được đun sôi trong nước vẫn là tinh bột, nhưng chỉ cần thêm vài giọt axit sunphuric vào, tinh bột sẽ chuyển hóa thành glucose. Tôi cũng từng làm lại thí nghiệm này để đảm bảo chắc chắn là vậy, và hóa ra là thế thật. Tro bụi thành tro bụi; tinh bột thành đường. Một cánh cửa sổ nhỏ hướng tới sự sáng tạo.
Tôi quay vào nhà, và lúc này ngôi nhà im ắng đến lạ thường. Tôi dừng bước trước cửa phòng khách và nghe ngóng, nhưng không có tiếng Feely đánh đàn piano hay tiếng Daffy mở các trang sách. Tôi mở cửa.
Phòng khách trống trơn. Và rồi tôi chợt nhớ ra trong lúc ăn sáng, hai bà chị có nói đến việc ra Bishop’s Lacey để gửi thư cho bố. Ngoài cô Mullet đang đứng rít rịt trong bếp, và chú Dogger đang nghỉ ngơi trên lầu, đây là lần đầu tiên trong đời, có lẽ vậy, tôi được ở một mình trong các hành lang của Buckshaw.
Tôi bật đài để bầu bạn, và khi van được bật lên, căn phòng ngập tràn âm thanh của nhạc kịch opera. Đó là bài The Mikado của Gilbert và Sullivan, một trong những bài tủ của tôi. Chẳng phải dễ thương lắm sao, tôi từng nghĩ như vậy, nếu Feely, Daffy và tôi cũng vui vẻ và vô tư lự như Yum-Yum và hai chị gái của cô ấy[57]?
Chúng tôi là ba người giúp việc nhỏ xinh
Tung tăng như cô học trò chăm chỉ
Nụ cười trên vành môi be bé
Ba người giúp việc nhỏ xinh…
Tôi mỉm cười khi ba người họ ngân nga:
Mọi thứ đều là gốc của niềm vui
Không ai yên bình nếu ta không chăm sóc
Cuộc sống như trò đùa mới chỉ bắt đầu
Ba người giúp việc nhỏ xinh!
Đắm chìm trong tiếng nhạc, tôi ngồi sụp lên một chiếc ghế đầy đồ vật và hai chân lúc lắc trên tay ghế. Đây là lần đầu tiên trong nhiều ngày liền, tôi cảm thấy các cơ khớp trên cổ được thư giãn.
Chắc là tôi ngủ quên, hay có lẽ là ngủ mơ thôi – tôi cũng không biết – nhưng khi tôi tỉnh dậy thì nhân vật Koko đang hát Lord High Executioner:
Anh đã sống
Trong khán lao nhà ngục…
Lời bài hát khiến tôi nghĩ ngay đến bố, và nước mắt bỗng tuôn trào. Không phải là kịch đâu, tôi thầm nghĩ. Cuộc sống không phải là một trò đùa, Feely, Daffy và tôi không phải là ba thiếu nữ ở trường. Chúng tôi là ba người con gái, và bố chúng tôi đang bị buộc tội giết người. Tôi nhảy vọt ra khỏi ghế để tắt đài, nhưng khi tôi với tay đến nút tắt thì lời Lord High Executioner vụt bay ra khỏi loa:
Nhiệm vụ cao cả của ta
Ta sẽ giành được chỉ trong một lần duy nhất
Hãy trừng phạt cái ác
Trừng phạt cái ác, đúng với tội danh.
Hãy để hình phạt phù hợp với tội danh. Đương nhiên là thế! Flavia, Flavia, Flavia! Tại sao mày lại không nhìn thấy điều đó chứ?
Giống như một viên bi sắt rơi tõm vào chiếc bình thủy tinh, có gì đó trong đầu tôi kêu “tách” một cái, và tôi biết chắc chắn một điều, y như tôi biết rõ tên mình vậy, rằng Horace Bonepenny đã bị giết như thế nào.
Chỉ còn một điều nữa (ừm, thật ra là hai điều; gần như là ba) cần phải có để gói gém toàn bộ vấn đề này lại như một hộp quà sinh nhật đựng đầy kẹo và tặng nó, với ruy băng đỏ và giấy gói đẹp đẽ, cho Thanh tra Hewitt. Một khi nghe được câu chuyện của tôi, chắc chắn ông ta sẽ phải thả bố ra khỏi nhà giam mà không được do dự lấy một giây.
Cô Mullet vẫn ở trong bếp, một bàn tay vẫn đặt trên mình gà.
“Cô M.,” tôi nói, “cháu có thể nói chuyện thẳng thắn với cô không?”
Cô ấy ngẩng lên nhìn tôi và chùi tay vào tạp dề.
“Đương nhiên rồi, thưa cô,” cô ấy nói. “Chẳng phải lúc nào cô cũng vậy sao?”
“Về chú Dogger.”
Nụ cười trên nét mặt cô ấy đông cứng lại, cô ấy quay đi và bắt đầu nhặng xị lên với sợi dây của người bán thịt lợn (mà cô ấy dùng để buộc con gà).
“Họ không còn làm những thứ ngày trước hay làm nữa,” cô ấy nói khi tách sợi dây ra. “Mới tuần trước tôi nói với anh Alf xong, ‘sợi dây mà anh mang từ hàng tạp hoá về’…”
“Làm ơn đi, cô Mullet,” tôi nài nỉ. “Cháu cần phải biết đôi điều. Đó là vấn đề giữa sự sống và cái chết đấy! Cô làm ơn đi!”
Cô ấy nhìn tôi qua cặp kính như một người trông giữ nhà thờ, và đây là lần đầu tiên kể từ khi cô ấy có mặt ở nhà tôi, tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ nhỏ.
“Có lần cô nói Dogger từng ở tù, rằng chú ấy bị bắt phải ăn thịt chuột; rồi còn bị tra tấn nữa.”
“Đúng thế,” cô ấy nói, “anh Alf nói tôi không được hé răng về chuyện đó. Và chúng ta cũng không được nói về chuyện đó. Thần kinh của Dogger tội nghiệp đang bung biêng rồi.”
“Làm sao cô biết được chuyện đó? Chuyện về nhà tù ấy?”
“Anh Alf cũng ở trong quân đội mà. Anh ấy cũng phục vụ cùng thời gian với Đại tá, và Dogger nữa. Anh ấy không thích nói về chuyện ấy đâu. Hầu hết những người theo quân ngũ đều vậy. Anh Alf về nhà an toàn, không có gì nguy hại ngoài mấy giấc mơ hơi đáng lo một tí, nhưng hầu hết các quân nhân không như vậy. Giống như tình anh em ruột thịt, họ luôn biết những đồng đội cũ của mình ở đâu và chuyện gì đã xảy ra với họ. Giống như… kỳ lạ, hay siêu linh vậy.”
“Chú Dogger có từng giết ai không?” Tôi hỏi thẳng vào vấn đề.
“Chắc chắn là có chứ. Bọn họ ai chả vậy. Chẳng phải đó là công việc của họ sao?”
“Trừ kẻ thù ra.”
“Dogger đã cứu mạng sống của cha cô,” cô ấy nói. “Xét trên nhiều phương diện là thế. Anh ấy là hộ lý, Dogger ấy, và là một người giỏi. Họ nói là Dogger đã lấy ra một đầu đạn trong ngực bố cô, ở ngay gần tim. Ngay khi anh ấy đang khâu cho cha cô thì một gã lái không lực bị thần kinh bỗng nổi cơn tam bành. Gã lấy dao rựa dọa chém chết mọi người trong lều và Dogger đã ngăn gã lại.”
Cô Mullet thắt chặt nút thắt cuối cùng và lấy kéo cắt sợi dây.
“Ngăn gã ư?”
“Ừ. Ngăn gã lại.”
“Ý cô muốn nói là chú ấy giết gã kia ư.”
“Sau đó Dogger cũng không nhớ nổi. Cháu thấy đấy, lúc đó đầu óc Dogger không tỉnh táo, và…”
“Và bố cháu nghĩ chuyện đó lại xảy ra lần nữa; rằng Dogger đã cứu mạng bố cháu lần nữa bằng việc giết Horace Bonepenny! Đó là lý do bố cháu nhận trách nhiệm!”
“Tôi không biết, tôi không biết đâu. Nhưng nếu cha cô làm thế, thì đó mới đích thực là Đại tá.”
Chắc chắn là như vậy rồi; không còn lời giải thích nào khác. Chẳng phải bố đã nói “Đó là điều bố lo nhất” khi tôi nói với bố rằng Dogger cũng nghe thấy cuộc cãi vã giữa bố và Horace Bonepenny sao? Đúng từng từ của bố luôn.
Kỳ cục thật – gần như nực cười nữa – như thể câu hát của Gilbert và Sullivan đã gợi ra rất nhiều điều. Tôi đã cố nhận trách nhiệm để bảo vệ bố. Còn bố cố lãnh trách nhiệm để bảo vệ chú Dogger. Câu hỏi đặt ra là: chú ấy bảo vệ ai?
“Cám ơn cô M.” Tôi nói. “Cháu sẽ giữ bí mật cuộc trò chuyện này.”
“Giống như phụ nữ với nhau thôi nhé,” cô ấy nói, với một cái liếc mắt tự mãn khủng khiếp.
Cụm “Giống như phụ nữ với nhau” là quá nhiều. Quá thân thiết, quá mất thể diện. Dường như một đóa hoa hồng quý phái bên trong tôi vừa trỗi dậy vươn lên khỏi vực thẳm, và tôi nhanh chóng biến mình thành Flavia Kẻ báo thù tóc bím, với nhiệm vụ ném một cái cờ lê vào cỗ máy làm bánh đáng sợ và không thể chặn lại được này.
“Vâng,” tôi nói. “Giống như phụ nữ với nhau. Và khi nói như phụ nữ với nhau, có lẽ đã đến lúc nói với cô rằng không ai ở Buckshaw này thực sự quan tâm đến món bánh trứng của cô đâu. Thật ra thì nhà cháu ghét món đó.”
“Ôi chao, chuyện tào lao, tôi dư biết điều đó,” cô ấy nói.
“Cô biết?” Tôi ngạc nhiên đến nỗi chỉ nghĩ được hai từ đó.
“Tất nhiên là tôi biết. Các đầu bếp biết mọi điều, người ta vẫn nói thế, và tôi cũng đâu khác gì họ. Tôi biết gia đình de Luce và bánh trứng không hòa hợp được với nhau kể từ thời bà Harriet còn sống cơ.”
“Nhưng…”
“Tại sao tôi lại làm à? Bởi vì thi thoảng anh Alf lại thích một chiếc bánh trứng. Bà Harriet thường nói với tôi thế này, ‘Gia đình de Luce đều là cây đại hoàng kiêu ngạo và cây lý gai đầy gai nhọn, cô M. ạ, trong khi anh Alf nhà cô là một người đàn ông ngọt ngào mềm mỏng như một miếng bánh trứng. Tôi muốn cô thi thoảng lại nướng một chiếc bánh trứng để nhắc chúng tôi nhớ đến thói ngạo mạn của mình, và mỗi khi chúng tôi coi thường món bánh đó, cô hãy mang bánh về nhà cho anh Alf như một lời tạ lỗi ngọt ngào của chúng tôi.’ Và tôi cũng không phiền khi nói rằng dạo gần đây tôi đã mang về nhà vô số lời xin lỗi, nhiều hơn cả hai mươi năm qua gộp lại.”
“Thế thì cô không cần thêm một lời xin lỗi nào nữa đâu,” tôi nói.
Và tôi chạy ù đi. Tôi chạy nhanh đến nỗi bụi không kịp bay lên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.