Mặc dù gia đình de Luce là tín đồ Thiên chúa giáo La Mã từ hồi xe ngựa kéo còn thịnh hành, nhưng điều đó cũng không thể cản trở chúng tôi đến St. Tancred – nhà thờ duy nhất của Bishop’s Lacey và là một pháo đài của Giáo hội Anh[36] nếu trên đời từng có một nơi như thế.
Có vài lý do cho việc lui tới thường xuyên của chúng tôi. Lý do thứ nhất là vị trí tiện lợi, lý do thứ hai là bố và ông Vicar cùng học trường Greyminster (dù ở hai thời điểm khác nhau). Ngoài ra, có lần bố lưu ý chúng tôi rằng, giống như một hình xăm, lễ phong thánh là vĩnh cửu. Bố nói rằng trước khi diễn ra phong trào cải cách ở châu Âu, nhà thờ St. Tancred vốn là Nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã, và trong mắt bố, đến giờ nó vẫn y như thế.
Do vậy mà mỗi sáng Chủ nhật, không hề có ngoại lệ, chúng tôi lại nối đuôi nhau đi qua các cánh đồng như một đàn vịt, thi thoảng bố lại dùng chiếc gậy đi bộ Malacca khua khoắng cây cối xung quanh, sau lưng bố là Feely, Daffy, tôi – đi theo đúng thứ tự – và cuối cùng là Dogger.
Không một ai trong nhà thờ St. Tancred phản ứng trước sự xuất hiện của bố con chúng tôi. Nhiều năm trước những người thuộc giáo phái Anh có rì rầm to nhỏ này nọ nhưng nhờ sự đóng góp kịp thời của bố vào quỹ Tổ chức Trùng tu mà sự việc đã chìm xuống không một chút đổ máu hay thương vong gì.
“Nói với bọn họ rằng chúng ta có thể không cầu nguyện với bọn họ,” bố nói với ông Vicar, “nhưng ít nhất chúng ta cũng không chủ động cầu nguyện chống lại bọn họ.”
Có lần, khi Feely lơ đãng tâm trí và chạy về phía nhóm đạo kia, bố cương quyết không chịu nói chuyện với chị ta cho đến tận Chủ nhật kế tiếp. Từ hôm đó, cứ mỗi khi đứng trong nhà thờ mà chị ta đổi chân, bố lại làu bàu, “Con bé lớn kia, đứng yên.” Bố không cần phải nhìn vào mắt Feely: nét mặt nhìn nghiêng của bố giống hệt một nhà lãnh đạo xuất chúng của quân đoàn La Mã khổ hạnh, và như vậy cũng đủ để chúng tôi đứng nguyên tại chỗ. Ít nhất là vậy giữa đám đông.
Lúc này, liếc mắt nhìn Feely khi chị ta quỳ xuống với đôi mắt nhắm nghiền, các đầu ngón tay chạm vào nhau và hướng lên Thiên đường, hai môi uốn cong cùng những con chữ cầu nguyện – tôi phải tự cấu mình để nhớ rằng mình đang ngồi cạnh một Nữ quỷ Tóc xù.
Giáo đoàn tại nhà thờ St. Tancred đã sớm quen với hình ảnh của chúng tôi, và chúng tôi đắm mình trong ơn Chúa nhân từ – trừ lần Daffy nói với người tổ chức, ông Denning, rằng mẹ Harriet đã khiến tất cả chúng tôi thấm nhuần niềm tin vững chắc của mẹ rằng câu chuyện về trận Đại hồng thủy trong Sáng Thế Ký bắt nguồn từ ký ức chủng tộc của loài mèo, với sự ám chỉ đặc biệt đến đám mèo con bị chết đuối.
Điều đó tạo ra một sự kích động nho nhỏ, nhưng bố đã khiến mọi việc đâu vào đấy bằng cách quyên góp hậu hĩnh vào Quỹ Sửa Nóc Nhà, và số tiền đó bố khấu trừ từ tiền phụ cấp của Daffy.
“Đằng nào tao cũng không còn tiền phụ cấp,” Daffy nói, “nên chẳng ai là người thua cuộc cả. Đúng là hình phạt hay ho gớm.”
Tôi lắng nghe, không động đậy, khi giáo đoàn cùng đọc Lời xưng tội:
“Chúng con chưa hoàn thành những việc chúng con cần làm; và chúng con hoàn thành những việc lẽ ra chúng con không nên làm.”
Lời nói của Dogger vụt xuất hiện trong tâm trí tôi:
“Có những điều cần được biết. Và có những điều không cần được biết.”
Tôi quay người nhìn chú. Hai mắt chú nhắm nghiền, đôi môi chú mấp máy. Bố cũng thế.
Và tôi nhận thấy ông Vicar đang cầu nguyện cho người đàn ông chết ngắc trong vườn nhà tôi.
“Ông ấy là người xa lạ với chúng ta,” ông nói. “Chúng ta không nhất thiết phải biết tên ông ấy…”
Đích thị là thông tin dành cho Thanh tra Hewitt đây, tôi thầm nghĩ.
“… thì mới xin Chúa ban phúc cho linh hồn ông ấy và giúp linh hồn ông ấy được bình yên.”
Vậy là thông tin đã vỡ ra rồi! Tôi đoán chừng hôm qua cô Mullet đã không lãng phí chút thời gian nào để chạy thật nhanh qua đường và tung tin cho ông Vicar. Tôi khó lòng tin rằng ông ta nghe được tin này từ phía cảnh sát.
Một tiếng sập mạnh trống rỗng vang lên bất ngờ khi một chiếc ghế cho người cầu nguyện đóng rầm lại, và tôi ngẩng mặt lên đúng lúc nhìn thấy cô Mountjoy thận trọng lách qua dãy ghế ngồi rồi chạy vụt ra hành lang gần lối cửa ngang của nhà thờ.
“Em buồn nôn quá,” tôi nói thầm với Ophelia, và chị ta cho tôi trườn ngang qua người mà không thèm phản ứng gì thêm. Feely có mối ác cảm đặc biệt với việc bị người khác nôn mửa vào giầy; một cố tật hữu ích mà thi thoảng tôi cũng lợi dụng.
Bên ngoài, gió cuộn lên, quất vun vút vào các cành thông đỏ trong nghĩa trang nhà thờ, và gió gửi những tiếng rì rào qua đám cỏ chưa được cắt. Tôi thoáng thấy bóng cô Mountjoy biến mất giữa các tấm bia mộ phủ rêu xanh, và cô đi về phía cổng quan tài của nghĩa trang – cánh cổng đổ nát trong đám cây cối mọc um tùm.
Điều gì khiến cô buồn vậy nhỉ? Trong một tích tắc, tôi định bụng chạy theo cô, nhưng sau đó tôi nghĩ kỹ hơn: con sông uốn lượn xung quanh nhà thờ St. Tancred khiến nhà thờ gần như nằm trên một ốc đảo, và qua nhiều thế kỷ, chỗ sông uốn khúc cắt ngang con đường cổ xưa nằm tít sau cổng quàn. Cách duy nhất để cô Mountjoy đi về nhà mà không cần suy nghĩ lại là cởi giầy ra và lội qua những viên đá bị chìm trong nước – những viên đá này ngày xưa vốn là cầu nối bắc qua sông.
Rõ ràng là cô muốn được một mình.
Tôi quay trở lại với bố khi bố đang bắt tay ông Canon Richardson. Chuyện liên quan đến vụ án mạng đã khiến chúng tôi, gia đình de Luce, bỗng nhiên được bàn dân thiên hạ quan tâm hỏi han với thái độ lịch sự của ngày Chủ nhật, và bọn họ xếp hàng để nói chuyện với chúng tôi, hoặc họ chỉ đơn giản chạm vào người chúng tôi như thể chúng tôi mới được phù phép để mang lại điềm lành. Ai ai cũng muốn nói một lời, nhưng không ai muốn nói một điều gì quan trọng.
“Chuyện xảy ra ở Buckshaw thật đáng sợ,” họ nói vậy với bố, Feely hoặc tôi.
“Vâng, thật kinh khủng,” chúng tôi đáp lời, bắt tay, và đợi người kế tiếp bước đến. Chỉ đến lúc tiếp xong cả giáo đoàn, chúng tôi mới được tự do về nhà ăn trưa.
Khi chúng tôi đi qua vườn, cánh cửa xe màu xanh nước biển quen thuộc mở ra và Thanh tra Hewitt đi qua con đường rải sỏi về phía chúng tôi. Tôi hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy ông ta, vì tôi vẫn tưởng các cuộc điều tra của cảnh sát không được tiến hành vào Chủ nhật. Ông ta gật đầu rất nhanh với bố và hạ mũ xuống chào Feely, Daffy và tôi.
“Ông Đại tá de Luce, tôi có vài lời… nói riêng với ông, nếu ông vui lòng.”
Tôi quan sát bố thật kỹ, lo sợ ông sẽ lại ngất đi, nhưng ngoài các khớp tay nắm hơi chặt vào gậy, bố có vẻ không bất ngờ chút nào. Tôi trộm nghĩ, có vẻ ông đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho giây phút này.
Trong khi đó, Dogger lặng lẽ lẩn vào trong nhà: có lẽ để thay chiếc áo có ve áo và măng sét cứng đơ lỗi mốt để chú khỏi bị vướng víu khi làm vườn.
Bố nhìn chúng tôi khắp lượt, như thể chúng tôi là đàn ngỗng không mời mà đến.
“Mời vào phòng làm việc của tôi,” bố nói với viên Thanh tra, sau đó quay lưng đi mất.
Daffy và Feely đứng nhìn chăm chăm vào nơi xa xăm – hai bà chị của tôi vẫn thường như vậy mỗi khi không biết nói gì. Trong một giây ngắn ngủi, tôi định phá vỡ sự yên lặng, nhưng sau khi nghĩ lại, tôi quyết định không làm vậy và bước đi với phong thái lơ đễnh, huýt sáo vang bài Harry Lime trong phim The third man.
Vì là Chủ nhật nên tôi nghĩ sẽ thích hợp để vào vườn và nhìn qua nơi xác chết đã nằm. Hành động này, theo một cách nào đó, khá giống với các bức bích họa từ thời Victoria về các bà góa bụa đeo mạng che mặt đang cúi xuống đặt một nắm hoa bướm thấm đẫm đau khổ – thường là trong một chiếc cốc thủy tinh – bên cạnh mộ của người chồng, hoặc người mẹ quá cố. Nhưng không hiểu sao, nghĩ đến việc đó khiến tôi buồn, thế là tôi quyết định bỏ qua lĩnh vực nghệ thuật sân khấu.
Không có xác chết kia, vườn dưa chuột trông tẻ nhạt một cách kỳ lạ: chỉ là một khu vườn màu xanh xanh nhấp nhô những thân cây còng queo và cái gì đó trông giông giống dấu vết kéo dài của một bàn chân. Trong đám cỏ, tôi nhìn thấy các lỗ thủng nơi cái giá đỡ máy ảnh nặng nề với ba chân nhọn hoắt của Hạ sĩ Woolmer hằn lên mặt đất.
Khi nghe thám tử tư Philip Odell kể chuyện trên đài, tôi biết được rằng mỗi khi xảy ra vụ chết chóc bất ngờ, chắc chắn người ta sẽ khám nghiệm tử thi, và tôi không thể không tự hỏi liệu bác sĩ Darby đã có được thi thể đó – như tôi nghe được lời nhấn mạnh của bác sĩ với Thanh tra Hewitt – “trên bàn mổ” chưa. Nhưng, đó là điều mà tôi không dám hỏi; ít nhất là vào lúc này.
Tôi ngẩng lên nhìn cửa sổ phòng ngủ. Phản chiếu trên cửa sổ, gần đến mức tôi suýt chạm được, là hình ảnh các cụm mây trắng bay lơ lửng giữa bầu trời xanh xanh.
Gần quá! Tất nhiên rồi! Vườn dưa chuột nằm ngay bên dưới cửa sổ của tôi!
Vậy thì tại sao tôi lại không nghe thấy gì nhỉ? Ai ai cũng biết rằng phải cần đến sức mạnh nhất định mới giết chết được một người. Tôi quên công thức chính xác rồi, mặc dù tôi biết rõ là có công thức như thế. Lực được dùng đến trong một khoảng thời gian ngắn (ví dụ một viên đạn), tạo ra nhiều tiếng ồn, trong khi lực được dùng đến chậm hơn có thể không tạo ra tiếng ồn nào.
Điều này cho tôi thấy điều gì? Như vậy là nếu người lạ mặt đó bị tấn công mạnh, chắc chắn việc đó phải xảy ra ở nơi nào đó khác, một nơi nằm ngoài tầm nghe. Nếu ông ta bị tấn công ở đúng chỗ tôi tìm thấy ông ta, kẻ giết người chắc chắn phải sử dụng một phương pháp không gây ồn ào: lặng lẽ và chậm rãi, vì khi tôi tìm thấy ông ta, dù thoi thóp nhưng lúc đó ông ta vẫn còn sống.
“Vale,” người đàn ông hấp hối nói thế. Nhưng tại sao ông ta lại nói lời tạm biệt tôi? Đây chính là từ mà ông Twining đã hét lên trước khi nhảy xuống tự vẫn, nhưng mối liên hệ ở đây là gì? Liệu có phải người đàn ông chết trong vườn dưa chuột đang cố móc nối cái chết của ông ta với cái chết của ông Twining không? Liệu ông ta cũng có mặt khi người đàn ông quá cố kia nhảy xuống không? Hay liệu ông ta cũng tham gia phần nào trong vụ việc đó?
Tôi cần phải suy nghĩ – và suy nghĩ mà không mất tập trung. Không thể đến nhà để xe ngựa vì tôi biết rằng, trong những lúc rắc rối, rất có thể tôi sẽ gặp bố ngồi đó trong chiếc Phantom của mẹ Harriet. Như vậy là chỉ còn Folly thôi.
Phía nam Buckshaw, nằm trên hòn đảo nhân tạo giữa một cái hồ nhân tạo, là một đống đổ nát nhân tạo nằm nép bóng một điện thờ Hy Lạp nhỏ làm bằng cẩm thạch lốm đốm địa y. Hiện tàn tích đó đã nằm sâu trong lãng quên và tít bên dưới những cây tầm ma um tùm, nhưng có một thời, đó là một trong những niềm vinh quang của người Anh: một mái vòm nho nhỏ nằm trên bốn cái chân thanh nhã chắc hẳn từng là bục dàn nhạc ở Parnassus. Vô số gia đình de Luce hồi thế kỷ mười tám đã chèo chiếc xuồng trải hoa mang đậm không khí lễ hội để đưa khách ra Folly, và ở đó, bọn họ vừa chơi đùa, vừa ăn bánh ngọt vừa ngắm nhìn thiên nga sà xuống làn nước trong vắt, và nhòm ống nhòm để nhìn vị ẩn sĩ khi ông này há miệng ngáp dài trươc cửa động được che phủ bằng cây thường xuân.
Hòn đảo, hồ nước, và Folly vốn được Capability Brown[37] thiết kế (mặc dù việc giao quyền thiết kế này từng là vấn đề được đặt nghi vấn không dưới một lần trên tờ Notes & Queries mà bố từng say sưa đọc, nhưng chỉ trong trường hợp thú vui chơi tem tạm thời lắng xuống), và trong thư viện Buckshaw vẫn còn chiếc cặp giấy lớn làm bằng da màu đỏ đựng toàn bộ bản vẽ ban đầu của các nghệ nhân làm vườn. Chúng tạo cảm hứng cho lời nói dí dỏm của bố: “Hãy để những kẻ khôn ngoan đó sống trong sự ngốc nghếch của họ.”
Gia đình chúng tôi vốn có truyền thống đi dã ngoại ở Buckshaw Folly và cụ John Montague, bá tước thứ tư của Sandwich, đã phát minh ra món đồ ăn nhanh được đặt theo tên của cụ khi lần đầu tiên cụ đặt món gà gô lạnh tanh vào giữa hai lát bánh mỳ trong khi chơi bài kipbi với cụ Cornelius de Luce.
“Lịch sử đáng bị nguyền rủa,” bố nói như thế.
Lúc này, khi lội đến hòn đảo trong dòng nước chỉ sâu bằng một bàn chân, tôi ngồi trên bậc tam cấp của ngôi đền nhỏ với hai chân co ro và cằm tựa lên đầu gối.
Trước hết phải là chiếc bánh trứng của cô Mullet. Nó biến đâu rồi nhỉ?
Tôi thả tâm trí về buổi sáng tinh mơ ngày thứ Bảy: tôi hình dung thấy mình đi xuống cầu thang, đi qua tiền sảnh vào bếp, và – ừ, chiếc bánh vẫn còn trên bậu cửa sổ. Và nó bị khuyết một miếng.
Sau đó, cô Mullet có hỏi xem tôi có thích chiếc bánh đó không. Tại sao lại hỏi tôi nhỉ, tôi tự hỏi. Tại sao cô ấy không hỏi Feely hay Daffy chứ?
Và rồi một ý nghĩ vụt xuất hiện trong đầu tôi như tiếng sấm rền! Người đàn ông đó đã ăn chiếc bánh. Đúng rồi. Có lý lắm chứ!
Ông ta bị bệnh tiểu đường và phải đi chuyến đi dài dằng dặc từ Na Uy đến, mang theo một con chim dẽ giun được giấu trong một chiếc bánh. Tôi đã tìm thấy mẩu vụn của chiếc bánh đó – tôi còn bắt được một chiếc lông chim làm lộ tẩy chân tướng sự việc – ở quán trọ Mười Ba Con Vịt, còn con chim chết bị vứt ngoài bậc thềm nhà tôi. Không ăn gì – mặc dù lão Tully Stoker có nói ông ta đã uống một cốc bia trong quầy rượu hạng sang – ông ta đến Buckshaw vào tối thứ Sáu, cãi nhau với bố, và trên đường đi ra, ông ta đi qua phòng bếp rồi lấy một miếng bánh của cô Mullet để ăn. Và ông ta chưa ra khỏi vườn dưa chuột thì đã toi mạng!
Loại chất độc gì lại có tác dụng nhanh đến vậy? Tôi điểm ra những loại độc dược có khả năng nhất. Xyanua có tác dụng trong vài phút: sau khi mặt mũi nạn nhân chuyển màu xanh lét, nạn nhân sẽ bị ngạt thở ngay lập tức. Sau đó chất độc này sẽ để lại mùi hạnh nhân đắng. Không phải rồi, nếu là độc dược xyanua, chắc chắn nạn nhân đã chết ngắc từ lâu trước khi tôi tìm thấy ông ta.
Với lại, có phải tôi ngửi thấy mùi hạnh nhân đắng trong hơi thở cuối cùng của ông ta không? Tôi không nghĩ vậy.
Vậy thì có thể là nhựa độc. Loại độc này cũng có tác dụng ngay lập tức và nạn nhân cũng sẽ bị chết ngạt trong vài phút. Nhưng nhựa độc không thể gây tử vong bằng đường tiêu hóa; để gây chết người, nó phải được tiêm vào cơ thể. Hơn nữa, liệu có ai ở nông thôn nước Anh – trừ tôi ra, hiển nhiên là thế – lại mang theo nhựa độc trong người không?
Cây thuốc lá thì sao nhỉ? Tôi nhớ rằng một nắm lá cây thuốc lá ngâm trong bình nước và để dưới nắng mặt trời trong vài ngày sẽ tích tụ hơi thành chất nhựa màu đen giống mật đường và chất nhựa này có thể gây ra tử vong trong tích tắc. Nhưng cây thuốc lá được trồng ở tít tận nước Mỹ xa xôi, vì thế lá tươi không thể nào có ở Anh, hay Na Uy được.
Câu hỏi: Liệu đầu mẩu thuốc lá, xì gà hay ống tẩu có sản sinh ra loại chất độc nguy hiểm tương tự không?
Vì không ai ở Buckshaw hút thuốc nên tôi phải tự tìm mẫu thuốc để thử nghiệm.
Câu hỏi: Gạt tàn thuốc được làm sạch khi nào (và ở đâu) ở quán Mười Ba Con Vịt?
Câu hỏi đích thực là: Ai cho chất độc vào bánh? Và quan trọng hơn nữa là nếu người đàn ông chết ngắc đó vô tình ăn chiếc bánh thì chiếc bánh đó thực sự nhắm vào ai?
Tôi rùng mình khi một bóng đen lướt ngang qua đảo, và tôi ngẩng mặt lên nhìn đúng lúc một đám mây đen kịt che khuất mặt trời. Trời sắp mưa – sẽ nhanh thôi.
Nhưng trước khi tôi kịp co giò chạy thì trời đổ mưa xối xả – một trong những cơn bão bất chợt nhưng khủng khiếp của đầu tháng Sáu có thể phá nát hoa màu và xối nước tàn phá cỏ cây. Tôi cố tìm nơi trú ẩn khô ráo ở chính giữa trung tâm đỉnh vòm – nhưng cũng chẳng ăn thua gì vì cơn gió lạnh bất chợt ào đến. Tôi khoanh tay vào cho ấm. Phải đợi cho đến khi hết mưa thôi, tôi thầm nghĩ.
“Xin chào! Cháu có sao không?”
Một người đàn ông đứng ở tít bờ xa của hồ nước và nhìn tôi đang co ro trên hòn đảo. Qua màn mưa hối hả tôi không nhìn thấy gì khác ngoài các vệt màu ẩm ướt, và hình ảnh đó khiến ông ta mang diện mạo của một người trong bức tranh thuộc trường phái ấn tượng. Nhưng trước khi tôi kịp trả lời, ông ta đã xắn quần, cởi giầy, và nhanh chóng lội nước đi về phía tôi. Khi ông ta giữ thăng bằng bằng chiếc gậy dài, ông ta khiến tôi nghĩ đến hình ảnh Christopher địu bé Jesus đi qua sông, mặc dù khi ông ta đến gần hơn, tôi nhìn thấy vật thể trên vai ông ta thật ra là một chiếc ba lô bằng vải bạt.
Ông ta mặc quần áo đi bộ rộng thùng thình, đội mũ vành rộng, mềm – hơi hơi giống Leslie Howard[38], một ngôi sao màn bạc, tôi nghĩ thế. Tôi đoán ông ta khoảng ngũ tuần giống bố nhưng trông hoạt bát hơn.
Trên tay cầm tập nháp không thấm nước của dân họa sĩ, ông ta là hình ảnh điển hình của một họa sĩ rong vẽ tranh minh họa một người Anh ngày xưa.
“Cháu có sao không?” Ông ta hỏi lại, và tôi nhận thấy mình vẫn chưa trả lời câu hỏi đầu tiên của ông ta.
“Rất ổn, cám ơn ông,” tôi nói hơi nhanh để bù đắp cho sự thô lỗ của mình. “Ông thấy đấy, cháu chỉ bị mắc mưa thôi.”
“Tôi thấy mà,” ông ta nói. “Cháu ướt sũng rồi.”
“Không đến mức ướt sũng,” tôi sửa lại. Nói về hóa học, tôi là một người khắt khe.
Ông ta mở ba lô và lấy ra một chiếc áo choàng không thấm nước: kiểu áo mà người đi bộ đường dài ở Hebribes thường mặc. Ông ta quàng nó quanh vai tôi và tôi thấy ấm ngay lập tức.
“Ông không cần phải… nhưng cháu cám ơn nhé,” tôi nói.
Chúng tôi đứng đó, dưới mưa, không nói gì, cả hai cùng nhìn qua mặt hồ, lắng nghe tiếng mưa rơi ào ào.
Một lúc sau, ông ta nói, “Hai chúng ta, cùng bị bỏ rơi trên một hòn đảo, vì thế tôi nghĩ chắc không nguy hại gì nếu tôi và cháu trao đổi tên với nhau.”
Tôi cố xác định giọng nói của ông bắt nguồn từ vùng nào: giọng Oxford pha giọng ở đâu đó. Scandinavian, có thể không nhỉ?
“Cháu là Flavia,” tôi nói, “Flavia de Luce.”
“Bác là Pemberton, Frank Pemberton. Flavia, bác rất vui được gặp cháu.”
Pemberton ư? Chẳng phải đó là người đàn ông đã đến quán trọ Mười Ba Con Vịt ngay khi tôi tìm cách chạy trốn lão Tully Stoker sao? Tôi muốn giữ im lặng về chuyến viếng thăm đó, vì thế tôi không nói gì nữa.
Chúng tôi bắt tay nhau, bàn tay ướt nước mưa, và rồi cả hai cùng đứng xa ra một chút vì người lạ vẫn thường làm vậy sau khi bắt tay.
Mưa vẫn rơi. Một lát sau, ông ta nói, “Thật ra tôi biết cháu là ai đấy.”
“Thật ạ?”
“Ừ. Với bất kỳ ai có niềm đam mê với các ngôi nhà nông thôn ở Anh thì de Luce là một cái tên nổi tiếng. Nói cho cùng, gia đình cháu được liệt vào danh sách Ai là ai đấy.”
“Ông Pemberton, vậy ông có niềm đam mê với các ngôi nhà nông thôn ở Anh không ạ?”
Ông ta cười.
“Tôi e rằng phải gọi là niềm say mê nghề nghiệp mới đúng. Thực ra thì tôi đang viết một cuốn sách về chủ đề này. Có lẽ tôi sẽ gọi cuốn sách đó là Những ngôi nhà nông thôn trang nghiêm: Viết từ chuyến tản bộ xuyên thời gian, của tác giả Pemberton. Một cái tên khá ấn tượng, cháu có nghĩ vậy không?”
“Cháu hy vọng điều đó phụ thuộc vào người mà ông muốn tạo ấn tượng,” tôi nói, “nhưng tên sách như vậy cũng khá kêu, cháu nghĩ thế.”
“Quê hương tôi ở London, nhưng tôi từng thám hiểm đến vùng này và viết vội viết vàng vào sổ tay. Tôi hy vọng mình được ngó qua khu đất nhà cháu và phỏng vấn bố cháu. Thực ra đó mới là lý do khiến tôi đến đây.”
“Ông Pemberton, cháu e rằng điều đó không thể được,” tôi nói. “Ông biết không, có một người đột tử tại Buckshaw, và bố cháu… đang giúp cảnh sát làm sáng tỏ một số vấn đề.”
Không cần nghĩ ngợi, tôi trích nguyên cụm từ mình nhớ được từ bộ phim dài kỳ trên radio, và đến khi nói ra câu nói đó, tôi mới nhận ra tầm quan trọng của nó.
“Chúa ơi!” Ông ta nói. “Một người đột tử ư? Hy vọng không phải thành viên trong gia đình cháu.”
“Không ạ,” tôi nói. “Một người hoàn toàn xa lạ. Nhưng vì ông ta được phát hiện ra tại Buckshaw, nên bố bị coi là…”
Đúng lúc đó mưa tạnh đột ngột y như lúc nó ập xuống. Mặt trời hé rạng tạo hình bảy sắc cầu vồng trên cỏ, và đâu đó trên hòn đảo này, một con chim cu cu cất tiếng hót giống y chang đoạn cuối của cơn bão trong bản Pastoral của Beethoven. Tôi dám thề là như thế.
“Tôi rất hiểu điều đó,” ông ta nói. “Tôi không nên mơ đến việc không mời mà đến. Nếu ông Đại tá de Luce muốn liên lạc với tôi vào dịp khác, thì tôi ở quán trọ Mười Ba Con Vịt, trong Bishop’s Lacey nhé. Tôi tin rằng ông Stoker sẽ vui lòng chuyển một lời nhắn.”
Tôi cởi áo mưa và đưa trả ông ta.
“Cám ơn ông,” tôi nói. “Tốt nhất là cháu nên về.”
Hai chúng tôi cùng lội qua hồ như hai người đi nghỉ ở bãi biển.
“Flavia, rất vui được gặp cháu,” ông ta nói. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm làm bạn với nhau.”
Tôi nhìn ông ta đi bộ qua bãi cỏ về phía con đường trồng cây hạt dẻ và khuất khỏi tầm mắt.