Kỳ Án Chim Dẽ Giun

CHƯƠNG 12



Feely và Daffy đang ngồi trên chiếc đi-văng bọc vải in hoa trong phòng khách, tay khoác tay và khóc than rền rĩ. Tôi mới đi được vài bước vào phòng thì Ophelia nhìn thấy tôi.
“Con quỷ con kia, mày đi đâu suốt thế hả?” Chị ta rít lên và đứng bật dậy tiến về phía tôi hệt một con mèo hoang, đôi mắt chị sưng húp, đỏ mọng. “Cả nhà bổ đi tìm mày. Tưởng mày chết chìm rồi chứ. Trời ơi, tao cứ cầu nguyện cho mày chết quách đi cho rồi đấy!”
Flave, chào mừng mày về nhà nhé, tôi thầm nghĩ.
“Bố bị bắt rồi,” Daffy thản nhiên nói. “Họ đưa bố đi rồi.”
“Đi đâu?” Tôi hỏi.
“Làm sao tao biết được?” Ophelia khinh khỉnh nói, “Chắc là đi đến chỗ mà người ta vẫn đưa người bị bắt đến ấy. Còn mày đi đâu hả?”
“Bishop’s Lacey hay Hinley?”
“Mày nói gì cơ? Nhóc con, nói cho có nghĩa một tí đi.”
“Bishop’s Lacey hay Hinley,” tôi nhắc lại. “Chỉ có duy nhất một sở cảnh sát ở Bishop’s Lacey, vì thế em nghĩ là họ sẽ không đưa bố đến đấy đâu. Sở cảnh sát của Hạt ở tận Hinley cơ. Chắc bọn họ đưa bố đến Hinley.”
“Bọn họ sẽ quy tội giết người cho bố,” Ophelia nói, “và bố sẽ bị treo cổ!” Chị ta khóc òa lên và quay mặt đi. Trong một khoảnh khắc, tôi thực lòng thấy thương chị ta.
Tôi ra khỏi phòng khách, đi vào hành lang và nhìn thấy Dogger đang nặng nề đi lên cầu thang phía tây, từng bước một, giống như một người đàn ông bị kết tội đang đi lên đoạn đầu đài.
Lúc này là cơ hội của tôi!
Tôi đợi đến khi chú đi khuất lên tít đầu cầu thang rồi mới rón rén chui vào phòng làm việc của bố, khẽ khàng đóng cửa phòng lại. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được đứng một mình trong căn phòng này.
Một bức tường bị che kín bởi các cuốn tem, đó là những cuốn sổ bằng da với màu sắc chỉ rõ triều đại trị vì của từng vị vua: màu đen cho Nữ hoàng Victoria, màu đỏ cho vua Edward VII, màu xanh lá cho Vua George V, và màu xanh lơ cho vương triều hiện tại, tức Vua George VI. Tôi vẫn nhớ là cuốn sổ màu đỏ nhạt nằm giữa cuốn sổ màu xanh lá và xanh lơ chỉ có chín con tem – mỗi một con trong số đó là của bốn con tem có hình đầu Vua Edward trước khi ngài bỏ trốn cùng người phụ nữ Hoa Kỳ đó.
Tôi biết bố có niềm vui bất tận với vô số tem bé ti li trong bộ sưu tập kia, nhưng tôi không hiểu rõ tường tận. Chỉ đến khi bố hào hứng với các mẩu tin vụn vặt trên số báo mới nhất của tờ Người chơi tem London và phấn khởi nói to vào bữa sáng, lúc đó chúng tôi mới biết thêm về thế giới hạnh phúc nhưng hoàn toàn cách biệt của bố. Ngoài những dịp hiếm hoi đó, chúng tôi, tức là hai chị và tôi, vẫn chỉ là những kẻ khờ khạo chả hiểu gì về tem thư – trong khi bố vẫn lúi húi cả ngày bên những con tem, tỉ mẩn dán từng mẩu giấy màu với niềm hăng say đáng sợ hơn cả với những người đàn ông phải cưỡi trên đầu hươu nai và hổ dữ.
Một chiếc bàn từ thời vua James I đứng sát bức tường đối diện, trên mặt bàn cũng như trong ngăn kéo đầy ứ các đồ dùng liên quan đến thú chơi tem: giấy phết sẵn hồ để dán tem, thiết bị đục lỗ răng cưa, khay phủ men để nhúng, chai đựng dung dịch để làm lộ hoa văn mờ, tẩy gôm, phong bì, nhíp cặp tem và chiếc đèn tia cực tím.
Cuối căn phòng, trước cánh cửa kiểu Pháp mở ra sân thượng là bàn làm việc của bố: một chiếc bàn to bằng cả cái sân chơi, chắc có lẽ từng được sử dụng trong phòng tài vụ ở Scrooge & Marley. Tôi biết ngay là các ngăn kéo bàn đã được khóa rất chặt – và tôi đúng.
Ở đâu nhỉ, tôi tự hỏi, bố giấu một con tem ở chỗ nào trong căn phòng toàn tem là tem? Trăm phần trăm là bố đã giấu con tem đó – nếu là tôi thì tôi cũng vậy thôi. Tôi và bố cùng có niềm đam mê về sự kín đáo, và tôi biết ông sẽ không dại đến mức cất con tem đó ở một nơi rõ rành rành như thế này.
Thế là, tôi bèn nằm rạp xuống nền nhà giống như một kỹ thuật viên đang kiểm tra gầm ô tô, rồi trườn khắp phòng để kiểm tra bên dưới gầm mọi thứ. Tôi nhìn xuống gầm bàn, gầm ghế, gầm giỏ rác, và gầm chiếc ghế Windsor của bố. Tôi tìm bên dưới chiếc thảm Thổ Nhĩ Kỳ và phía sau rèm. Tôi nhìn phía sau đồng hồ và lật ngược các bức tranh trên tường.
Có quá nhiều sách đến nỗi tôi không thể giở hết từng cuốn để tìm, vì vậy tôi cố nghĩ xem cuốn sách nào ít được ngó đến nhất. Rõ rồi! Kinh Thánh!
Nhưng lật nhanh qua cuốn Kinh Thánh Vua James, tôi thấy chỉ toàn là các tờ thông báo cũ rích của nhà thờ và một tấm thẻ cáo phó thông báo ai đó họ de Luce qua đời từ thời nảo thời nao.
Và rồi tôi chợt nhớ bố đã giật con tem Penny Black khỏi mỏ con chim dẽ giun và cất vào trong túi áo gilê. Biết đâu ông vẫn để con tem ở đó, với ý định sẽ vứt nó đi khi có thể.
Đúng! Con tem không hề ở đây. Tôi thật đần độn khi nghĩ rằng nó còn ở đây. Mà hiển nhiên, căn phòng làm việc này đứng hạng nhất trong số những nơi quá-rõ-ràng để giấu giếm thứ gì đó. Sự chắc chắn trào lên trong người tôi và bằng cái mà Feely và Daffy gọi là “trực giác nữ giới” tôi biết rõ con tem phải ở chỗ nào đó khác.
Cố không gây tiếng động, tôi tra khóa và bước ra hành lang. Hai Bà Chị Dở Hơi vẫn khóc lóc tỉ tê trong phòng khách, tiếng khóc vang lên rồi nhỏ dần giữa cơn tức giận và đau khổ. Tôi có thể đứng ghé tai vào cửa để nghe, nhưng tôi không làm vậy. Tôi còn ối việc quan trọng hơn để làm.
Tôi bước đi, lặng lẽ như một cái bóng, lên cầu thang phía tây và đến cánh cửa phía nam.
Đúng như dự đoán, phòng bố gần như tối om khi tôi bước vào trong. Tôi vẫn thường đứng dưới bãi cỏ rồi ngẩng lên nhìn cửa sổ phòng bố, và lúc nào cũng chỉ thấy những tấm rèm nặng nề nằm ép sát vào nhau.
Từ bên trong, căn phòng mang vẻ ảm đạm của một viện bảo tàng hết giờ mở cửa. Mùi bọt cạo râu và mùi nước hoa cologne nồng nặc làm tôi liên tưởng ngay đến những chiếc quách mở tung và những chiếc lọ chứa nội tạng người được ướp xác đóng gói cùng với các loại gia vị cổ xưa. Hai chiếc chân cong đẹp đẽ của giá rửa mặt Nữ hoàng Anne có vẻ không hợp chút nào với chiếc giường Gothic tối tăm nằm trong góc, như thể một viên thị thần già nua cáu kỉnh đang khó chịu đứng nhìn khi bà vợ cởi đôi vớ lụa khỏi cặp đùi thon dài mơn mởn.
Ngay cả hai chiếc đồng hồ trong phòng cũng chỉ sai giờ. Trên bệ lò sưởi, một quả lắc được làm bằng đồng giả vàng kỳ quái, giống hệt thanh kiếm cong vắt trong The Pit and the Pendulum[41], cứ tích tắc lắc qua lắc lại một cách tẻ nhạt trong ánh sáng mờ đục của căn phòng. Trên cái bàn cạnh giường ngủ, một chiếc đồng hồ Georgian nhỏ xíu đứng im trong sự bất đồng câm lặng: kim đồng hồ chỉ 3:15, còn đồng hồ kia lại chỉ 3:12.
Tôi đi dọc căn phòng dài lê thê về phía cuối phòng, và dừng bước.
Phòng thay đồ của mẹ Harriet – muốn vào căn phòng này thì phải bước qua phòng ngủ của bố – là một nơi bị cấm tuyệt đối. Bố nuôi dạy chúng tôi lớn đủ để biết cách tôn trọng điện thờ mà bố đã xây vào cái ngày bố biết mẹ qua đời. Chúng tôi buộc phải tin, dù bố không nói thẳng toẹt ra, rằng nếu vi phạm quy tắc của bố, chúng tôi sẽ lần lượt bị tống cổ ra góc vườn, và ở đó, chúng tôi sẽ phải đứng dựa vào tường gạch và bị bắn chết ngay tức khắc.
Cửa phòng mẹ Harriet được bọc vải len màu xanh lá, hơi giống một chiếc bàn bi-a đứng trong góc tường. Tôi ẩy cửa mở toang ra trong sự tĩnh lặng đến khó chịu.
Căn phòng ngập tràn ánh sáng. Những chùm nắng tươi rói rọi đều lên các ô cửa sổ, được khuếch tán bởi vô số dải đăng ten của Ý, chiếu rọi vào căn phòng mà chắc hẳn từng là sân khấu cho vở kịch Duke and Duchess of Windsor. Trên mặt tủ quần áo bày biện nào chổi nào lược của hãng Fabergé, cứ như là mẹ Harriet vừa vào phòng bên để tắm rửa vậy. Lọ nước hoa Lalique được buộc bằng các vòng xuyến đầy màu sắc của nhựa tổng hợp và hổ phách, trong khi một chiếc bếp hâm nhỏ xíu xinh xinh và một chiếc ấm bạc đang đứng sẵn sàng cho một ly trà nóng buổi sáng. Trong chiếc bình thủy tinh mỏng manh, một bông hồng vàng đơn độc rủ xuống.
Trên chiếc khay hình bầu dục là một lọ thủy tinh nhỏ xíu chỉ đựng một hoặc hai giọt nước hoa. Tôi nhấc cái lọ lên, mở nút và khẽ lắc lắc ngay dưới mũi.
Mùi của một loài hoa nhỏ màu xanh, của thảo nguyên, và băng giá.
Một cảm giác kỳ cục lướt qua tôi – hay, đúng hơn là xuyên qua tôi, như thể tôi là một chiếc ô vẫn còn nhớ rõ cảm giác được mở bật ra trong cơn mưa. Tôi nhìn nhãn lọ và ở đó chỉ có một từ duy nhất: Miratrix.
Một hộp đựng thuốc lá bằng bạc được khắc chữ H. de L. nằm cạnh chiếc gương cầm tay có mặt sau được rập nổi hình ảnh Flora trong bức họa Primavera của Botticelli. Tôi chưa bao giờ nhận thấy hình ảnh này trong các bức tranh gốc, nhưng Flora đang mang bầu rất to và rất hạnh phúc. Có phải chiếc gương này là món quà bố tặng mẹ Harriet khi bà mang bầu một trong ba chị em chúng tôi không? Nếu phải thì khi đó bà đang mang bầu ai: Feely? Daffy? Hay là tôi? Chắc chắn không thể là tôi được: đứa con gái thứ ba khó lòng được coi là món quà từ thượng đế – ít nhất là vậy đối với bố.
Ừm, chắc là con gái đầu tiên của mẹ thôi, Ophelia ấy – một cô nàng có vẻ chào đời với một bàn tay cầm gương… có thể lắm chứ.
Một chiếc ghế mây bên cửa sổ quả là địa điểm lý tưởng để đọc sách và đây, trong tầm với của cánh tay, là thư viện nho nhỏ của mẹ Harriet. Mẹ mang sách từ sau những ngày học ở Canada và nhưng dịp nghỉ hè với bà dì ở mãi tận Boston: Anne of Green Gables và Jane of Lantern Hill đứng ngay cạnh cuốn Penrod và Merton of the movies, trong khi ở tít cuối giá sách là cuốn The awful disclosures of Maria Monk sờn cũ. Tôi vẫn chưa đọc cuốn nào trong số đó, nhưng theo những gì tôi biết về mẹ Harriet thì có lẽ mấy cuốn sách đó đều nói về tinh thần tự do và kẻ nổi loạn.
Bên cạnh đó, trên chiếc bàn tròn nho nhỏ là một album ảnh. Tôi mở bìa album ra và nhìn thấy vô số các trang ảnh đều là giấy mềm, màu đen, các lời chú thích được viết tay bằng mực trắng ở bên dưới các tấm hình đen trắng: Harriet (hai tuổi) ở Morris House; Harriet (mười lăm tuổi) ở trường Nữ sinh Miss Bodycote’s (1930 – Toronto, Canada); Harriet với cuốn sách ‘Blithe Spirit’ bên chiếc máy bay de Havilland Gypsy Moth (1938); Harriet ở Tây Tạng (1939).
Các bức ảnh cho thấy mẹ Harriet trưởng thành từ một đứa trẻ mũm mĩm dễ thương với túm tóc màu vàng vàng đến một thiếu nữ mảnh dẻ hay cười (chưa có ngực đâu nhé) mặc bộ đồ chơi khúc côn cầu, cho đến một minh tinh màn bạc với mái tóc màu bạch kim đứng tạo dáng như Amelia Earhart[42] với một tay hờ hững đặt lên cuốn Blithe Spirit của Noel Coward. Không hề có ảnh bố. Cũng không có ảnh của ba chị em chúng tôi.
Trong mọi bức ảnh, nét mặt của mẹ dường như được tạo thành bằng cách chộp nét mặt của Feely, Daffy và tôi rồi lắc thật mạnh ba nét mặt đó trong một cái lọ cho đến khi vẻ mặt trở nên tươi tắn, tự tin, và có vẻ ưa phiêu lưu mạo hiểm.
Khi tôi ngó đăm đăm vào đó, cố soi kỹ từng bức ảnh để nhìn thấu linh hồn của mẹ, thì một tiếng động khe khẽ vang lên ngoài cửa.
Một chút ngập ngừng – và một tiếng tách nữa. Rồi cánh cửa mở ra.
Đó là Dogger. Chú ấy lặng lẽ thò đầu vào trong phòng.
“Đại tá de Luce?” Chú ấy nói. “Ông có trong phòng không ạ?”
Tôi đứng chết lặng, gần như không dám thở. Dogger không cử động dù chỉ một sợi cơ mà chỉ nhìn chằm chằm về phía trước trong bộ dạng chờ đợi của một kẻ hầu người hạ vốn được đào tạo đâu ra đấy – kẻ hầu ấy biết rõ vị trí của mình, tin tưởng vào đôi tai để biết liệu mình có đang xâm phạm đến ông chủ không.
Nhưng chú ấy đang chơi trò gì vậy nhỉ? Chẳng phải chú ấy vừa nói với tôi rằng cảnh sát đã đưa bố đi rồi sao? Vậy thì tại sao chú ấy lại mong tìm thấy bố trong phòng làm việc chứ? Chẳng nhẽ Dogger lại quẫn trí đến vậy? Hay là chú ấy theo dõi tôi?
Tôi khẽ hé môi ra và hít thở chậm rãi bằng miệng để không bị phát hiện, đồng thời lặng lẽ cầu nguyện mình đừng có hắt hơi.
Dogger đứng đó rất lâu, tưởng chừng như bất tận. Tôi đã từng thấy các bản khắc axít trong thư viện về những thú vui thời trung cổ, trong đó các diễn viên được trát mặt trắng bóc trước khi tạo cho mình các tư thế bất động, thường là một tư thế mắc cười, mỗi người thể hiện một cảnh trong cuộc đời của Chúa.
Lát sau, khi toàn thân tôi bắt đầu tê cứng thì Dogger chậm rãi rụt đầu và cánh cửa được đóng lại không một tiếng động. Chú ấy có nhìn thấy tôi không? Và nếu có, chẳng lẽ chú ấy giả vờ không nhìn thấy sao?
Tôi chờ đợi, lắng nghe, nhưng căn phòng bên cạnh hoàn toàn im ắng. Tôi biết Dogger sẽ không nấn ná thêm, và khi biết rằng đã đủ lâu, tôi mở cửa len lén bước ra.
Phòng của bố vẫn y như lúc trước, hai chiếc đồng hồ vẫn kêu tích tắc, nhưng lúc này, do tôi sợ hãi, tiếng tích tắc có vẻ to hơn. Nhận thấy đây là cơ hội có một không hai, tôi bắt đầu tìm kiếm bằng phương pháp tôi sử dụng trong phòng làm việc của bố, nhưng vì phòng ngủ của bố sơ sài không khác gì túp lều dã chiến của Leonidas[43], nên tôi không mất nhiều thời gian.
Cuốn sách duy nhất trong phòng là cuốn catalog từ Stanley Gibbons về cuộc bán đấu giá tem sẽ được tổ chức trong ba tháng. Tôi lật cuốn catalog và hào hứng lật qua các trang, nhưng chẳng có gì rơi ra cả.
Tủ của bố ít quần áo đến bất ngờ: hai chiếc áo khoác bằng vải tuýt cũ với khuỷu tay được may bằng da (túi áo trống trơn), hai chiếc áo len chui cổ, và vài chiếc áo sơ mi. Tôi ngó vào tít trong đôi giày của bố và đôi ủng Wellington nhưng vẫn chẳng tìm thấy gì.
Tôi cay đắng nhận ra rằng chỉ còn một bộ quần áo nữa, đó là bộ đồ bố đã mặc ngày Chủ nhật, và chắc chắn bố vẫn còn mặc nó khi Thanh tra Hewitt đưa bố đi. (Tôi không cho phép mình dùng từ “bắt”).
Có lẽ bố đã giấu con tem Penny Black ở đâu đó khác – ví dụ trong ngăn chứa đồ nhỏ gọn trên chiếc Rolls-Royce của mẹ Harriet chẳng hạn. Nhưng cũng có thể ông đã hủy con tem đó đi. Bây giờ, khi dừng lại để suy ngẫm, điều đó có vẻ hợp lý nhất. Con tem đã bị phá hủy, vì thế không còn giá trị gì. Có gì đó ở con tem khiến bố buồn, và có lẽ ngay khi về đến phòng vào hôm thứ Sáu, bố châm lửa đốt cháy nó luôn.
Nhưng như thế thì phải để lại dấu vết chứ: tro trong gạt tàn thuốc và cây diêm cháy trong giỏ đựng rác. Vậy thì quá dễ để kiểm tra vì cả gạt tàn và giỏ rác đều ở ngay trước mắt tôi – và cả hai đều trống trơn.
Chắc là bố dội nước xóa dấu vết rồi.
Lúc này tôi mới biết mình đang tìm kiếm một điều hư ảo.
Bỏ đi, tôi thầm nghĩ; kệ cảnh sát họ tìm. Quay trở lại phòng thí nghiệm ấm cúng và tiếp tục sự nghiệp đời mày đi.
Tôi nghĩ bụng như thế – nhưng trong một khoảnh khắc, với một chút hồi hộp – về giọt nước chết người được chưng cất từ các loại hoa trong Cuộc triển lãm hoa xuân; loại chất độc hay ho được chiết xuất từ hoa trường thọ và loại chất lỏng chết người được chiết xuất từ hoa thủy tiên. Ngay cả cây thông đỏ ở nghĩa trang nhà thờ, vốn thật đẹp đẽ trong thơ ca và trong mắt các cặp nhân tình, thì hạt và lá của nó cũng chứa đủ taxine để trừng phạt nửa dân số nước Anh.
Nhưng những niềm vui sướng đó phải đợi đã. Nhiệm vụ của tôi là giúp bố, và giúp đỡ bố là điều đã vô tình rớt trên vai tôi, nhất là lúc này, khi mà bố không thể tự giúp mình. Tôi biết tôi nên đi tìm bố, bất kể bố ở đâu, và đặt lưỡi kiếm của tôi xuống chân bố giống như một kẻ cận vệ thời trung cổ nguyện trung thành phục vụ hiệp sĩ của hắn. Ngay cả khi tôi không thể giúp bố, tôi vẫn có thể ngồi bên cạnh bố, và một cơn đau nhói bất ngờ, tôi nhận thấy mình nhớ bố biết bao nhiêu.
Tôi bị tóm quay trở lại với ý nghĩ bất chợt: từ đây đến Hinley còn bao nhiêu dặm nữa? Liệu tôi có đến được đó trước khi trời tối không? Và nếu kịp, thì tôi có được vào gặp bố không?
Tim tôi đập thình thịch y như có người nhét cho tôi một tách trà mao địa đàng.
Đến lúc phải đi rồi. Tôi đã ở đây lâu quá rồi. Tôi ngó nhìn chiếc đồng hồ cạnh giường – 3:40. Chiếc đồng hồ bên kệ lò sưởi nghiêm nghị kêu tích tắc, chỉ 3:37.
Tôi chợt nghĩ, chắc hẳn bố buồn rầu quá đến mức không nhận thấy số phút chênh lệch giữa hai chiếc đồng hồ, vì nói chung, khi nói về giờ giấc, bố là một quân nhân có kỷ luật chặt chẽ. Tôi vẫn còn nhớ khi bố ra lệnh cho Dogger (mặc dù không phải cho chúng tôi) đúng kiểu cách quân đội:
“Dogger, mang hoa lay ơn đến gia đình Vicar lúc 13:00,” bố nói thế, “Ông ấy sẽ đợi anh. Về nhà lúc 13:45 và chúng ta sẽ quyết định nên làm thế nào với đám bèo tấm.”
Tôi ngó đăm đăm vào hai chiếc đồng hồ, hy vọng có gì đó sẽ đến với mình. Có lần, trong lúc tâm trạng cởi mở, bố nói với chúng tôi rằng điều khiến bố đem lòng yêu mẹ Harriet chính là khả năng suy nghĩ chín chắn của mẹ. “Quả thực, bố phải nói rằng khả năng của mẹ con là khả năng xuất chúng của một người phụ nữ,” bố nói như thế.
Rồi tôi bất chợt nhìn thấy. Một trong hai chiếc đồng hồ của bố ngừng chạy – ngừng lại đúng 3 phút. Đó là chiếc đồng hồ trên bệ lò sưởi.
Tôi chầm chậm tiến về phía nó, giống như một người len lén theo một con chim. Bệ đồng hồ màu đen tang tóc khiến nó trông giống chiếc xe tang ngựa kéo từ thời Victoria: quả lắc, kính và sơn cũng đen vậy.
Tôi thấy mình đưa tay ra – một bàn tay nho nhỏ trắng bệch trong căn phòng khuất bóng; tôi thấy các ngón tay mình chạm vào bề mặt lành lạnh của nó; tôi thấy ngón tay cái của mình ẩy mở nút gài bằng bạc ra. Lúc này quả lắc bằng đồng ở ngay chỗ các đầu ngón tay tôi, lắc tới lắc lui, lắc lui lắc tới với tiếng tích tắc yếu ớt. Tôi gần như sợ hãi khi chạm vào vật đó. Tôi hít thở thật sâu và túm lấy con lắc đang đung đưa. Quán tính khiến nó đung đưa nặng nề trong tay tôi một giây, như con cá vàng bất ngờ bị túm; như một kẻ hào hứng mách lẻo trước khi ngồi lặng im.
Tôi lần các đầu ngón tay ra sau quả lắc. Có cái gì được buộc vào đó; nó được buộc chặt phía sau: một cái gói nhỏ xíu. Tôi lấy các đầu ngón tay moi moi, nó chui tọt ra và rơi vào lòng bàn tay tôi. Ngay cả khi tôi rút các đầu ngón tay ra khỏi mặt trong của chiếc đồng hồ, tôi vẫn đoán rằng tôi sắp nhìn thấy… và tôi đã đúng. Trong lòng bàn tay tôi là một chiếc phong bì không thấm mỡ nho nhỏ và trong đó, rất rõ ràng, là con tem Penny Black. Một con tem Penny Black với cái lỗ ở chính giữa, vốn bị mỏ con chim dẽ giun cắm vào. Nó có gì mà khiến bố sợ hãi đến vậy?
Tôi moi con tem ra để nhìn cho rõ. Trước hết, nó là con tem có hình Nữ hoàng Victoria với một cái lỗ trên đầu. Như thế này thật là không yêu nước chút nào, nhưng khó có thể đủ để khiến một người đàn ông già đời phải rụng rời chân tay đến thế. Không đâu, phải có gì hơn thế chứ.
Điều gì khiến bố phải cất con tem này xa khỏi các con tem khác? Nói cho cùng, chẳng phải đây là những con tem được sản xuất cả chục triệu lần, và giống nhau y sì đúc đấy sao? Chẳng phải vậy sao?
Tôi nghĩ lại lúc bố – trong niềm say mê được mở rộng tầm mắt của chúng tôi – đột nhiên tuyên bố rằng các buổi tối thứ Tư từ giờ trở đi sẽ được dành riêng cho một loạt các bài học bắt buộc (do bố giảng dạy) về các khía cạnh khác nhau của chính phủ Anh. “Bài tập đầu tiên,” theo như bố gọi, mà ai cũng đoán được, có chủ đề “Lịch sử Penny Post.”
Daffy, Feely và tôi đều phải mang vở vào phòng khách và giả vờ ghi chép trong khi xem qua xem lại các mẩu giấy be bé với các dòng chữ nguệch ngoạc mà ba chị em viết cho nhau như “Dẹp chuyện học hành” và “Cùng chiến thắng sự nhàm chán!”
Bố giải thích rằng tem thư được in trên một bảng tem đựng vừa 240 con tem; hai mươi hàng ngang, mỗi hàng 12 con tem, và con số này khiến tôi rất dễ nhớ vì 20 là số proton của Canxi và 12 là số proton của Magiê – tôi chỉ cần nghĩ đến CaMg. Mỗi con tem trong bảng có mã xác nhận là hai-chữ-cái bắt đầu bằng chữ “AA” ở phía trên cùng bên trái và được ghi theo thứ tự abc từ trái sang phải cho đến khi chữ “TL” đến được góc cuối cùng của hàng tem thứ hai mươi – hàng tem cuối cùng.
Bố cũng nói rằng, cách làm này được Bưu điện áp dụng để ngăn chặn việc in giả, mặc dù tôi cũng chưa rõ lắm hiệu quả của cách làm này. Bố nói, thời đó người ta mắc bệnh hoang tưởng tràn lan, đến mức sào huyệt của bọn làm giả phải vất vả di chuyển cả ngày lẫn đêm từ Lands End đến John O’Groats để in giả tem hòng đánh lừa Nữ hoàng Victoria nhằm kiếm được vài đồng mọn.
Tôi nhìn thật kỹ con tem trong tay mình. Dưới cùng bên dưới đầu Nữ hoàng Victoria, được viết giá tiền: ONE PENNY (một xu). Bên trái là chữ B, bên phải là chữ H.
Trông thế này: B ONE PENNY. H
“BH”. Con tem này bắt nguồn từ hàng thứ hai trên bảng in tem, cột thứ tám tính từ bên phải. 2-8. Thông tin này có quan trọng không? Bên cạnh một thực tế rằng số 28 là số proton của Ni-ken, tôi không nghĩ thêm được điều gì khác.
Và rồi tôi nhận ra! Hóa ra nó không phải là một số: mà là một chữ!
Bonepenny! Không chỉ là Bonepenny, mà còn là Bonepenny, H.! Horace Bonepenny!
Được đâm xuyên qua mỏ con chim dẽ giun, (Đúng rồi! Tên thời niên thiếu của bố là “Jacko!”) con tem được coi là tấm danh tiếp và mối đe dọa cái chết. Một mối đe dọa khiến bố phải đón nhận và hiểu ngay tức khắc.
Mỏ con chim đâm thủng đầu Nữ hoàng, nhưng vẫn nguyên tên của người gửi rõ ràng đến mức ai sáng mắt cũng đều nhìn thấy.
Horace Bonepenny. Gã Horace Bonepenny quá cố.
Tôi đặt con tem lại nơi nó được giấu.
Trên đỉnh đồi, một cột chỉ đường bằng gỗ đã mục nát – gợi đến tàn dư còn lại của giá treo cổ thế kỷ 18 – chỉ hai ngón tay sang hai hướng đối lập. Tôi biết mình sẽ đến được Hinley bằng lối đi Doddingsley hoặc đi theo con đường xa hơn, ít người đi hơn và con đường đó sẽ dẫn tôi đi qua làng St. Elfrieda. Con đường đầu tiên sẽ đưa tôi đến chỗ cần đến nhanh hơn; còn con đường thứ hai, vì thưa người đi, nên tôi sẽ có ít nguy cơ bị phát hiện hơn trong trường hợp có người báo tin tôi mất tích.
“Ôi dào!!!” Tôi nói với sự mỉa mai lớn. Ai mà quan tâm tới tôi đến vậy chứ?
Nhưng tôi vẫn chọn con đường phía bên phải và lái Gladys về phía St. Elfrieda. Đường này toàn là xuống dốc, và tôi sẽ đi với tốc độ nhanh tợn. Khi tôi đạp ngược pê đan, nút điều chỉnh ba tốc độ Sturmey-Archer trên tay lái của Gladys kêu ầm ĩ như một hang rắn chuông đang giận điên lên và phun nọc độc phì phì. Tôi giả vờ như bọn chúng đang ở ngay sau lưng mình, ngay dưới gót chân mình. Thật là tuyệt vời! Tôi chưa bao giờ cảm thấy tuyệt diệu đến vậy kể từ sau lần tôi sáng chế ra loại nhựa độc tổng hợp từ cây chân bê trong vườn hoa súng nhà ông Vicar.
Tôi co hai chân lên thanh gác và kệ cho Gladys tự lao đi. Khi xuống đến ngọn đồi đầy bụi bặm, tôi hát vang trong gió:
“Họ gọi em là thiếu nữ
Đang đùa trong làn gió mong manh!…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.