Trường Greyminster nằm mơ màng dưới ánh mặt trời, hình như nó đang hồi tưởng về các chiến công trong quá khứ. Quả đúng như tôi hình dung: những tòa nhà đá cũ to hùng vĩ, những thảm cỏ xanh gọn gàng chạy xuôi theo con sông lười biếng, và những sân chơi trống trải như đang vọng trở về một trận tường cầu[54] mà các cầu thủ thi đấu đã khuất bóng từ lâu rồi.
Tôi dựa Gladys vào một gốc cây dẫn lối vào khuôn viên trường. Phía sau hàng rào, một chiếc máy kéo đang chạy chậm rề một cách lười nhác, trong khi lái xe thì không thấy đâu.
Tiếng hát của những thanh thiếu niên trong ca đoàn của một nhà thờ trôi lờ lững trên các thảm cỏ, bất chấp ánh nắng rực rỡ buổi sớm:
“Ánh hoàng hôn cuối ngày còn rớt lại,
Rồi mờ dần trong tiếng hát của ta…”
Tôi đứng nghe cho đến khi tiếng ca đột ngột dừng lại. Rồi cây đàn ống lại vang lên, có vẻ cáu kỉnh, và các ca sĩ lại hát từ đầu.
Tôi chầm chậm đi ngang qua bãi cỏ mà bố gọi là “Sân trong”, các cửa sổ cao lớn của trường lạnh lùng ngó tôi chằm chằm, và tôi bỗng có cảm giác quái gở như một con côn trùng bị đặt bên dưới kính hiển vi – cảm giác của một thấu kính vô hình lơ lửng bên trên – và cảm giác gì đó rất lạ, có lẽ về ánh sáng.
Trừ một nam sinh đang ngồi đằng xa và hai ông thầy mặc áo choàng đen vừa đi vừa chụm đầu rù rì nói chuyện, thì những bãi cỏ rộng lớn và những lối đi lộng gió của Greyminster hoàn toàn trống trải bên dưới nền trời xanh biếc. Nhìn nơi này như không có thực, giống hệt bức tranh Agfacolor được phóng to hết cỡ: hình ảnh người ta thường thấy trong cuốn sách có cái tên Đẹp như tranh vẽ.
Tòa nhà đá vôi nằm phía đông của Sân trong có tháp đồng hồ – chắc chắn là Anson House, phòng trọ cũ của bố.
Khi tiến đến gần, tôi giơ tay lên để che mắt khỏi ánh sáng chói lòa của bầu trời. Đâu đó tít bên trên giữa những bức tường có lỗ châu mai và ngói lợp chính là nơi ông Twining đã nhảy xuống con đường rải sỏi bên dưới và bỏ mạng; những viên sỏi ngày ấy đang nằm chỉ cách nơi tôi đứng khoảng hơn ba mươi mét.
Tôi đi bộ quanh bãi cỏ để nhìn ngắm.
Thật đáng thất vọng, không còn vết máu nào. Mà hiển nhiên là không thể còn rồi, sau chừng ấy năm. Chắc hẳn các vết máu đã được lau dọn sạch sẽ sớm nhất có thể để con đường rải sỏi ấy lại nguyên vẹn như cũ – gần như trước khi thân thể dập nát của ông Twining rơi phịch xuống.
Hai trăm năm đón nhận những bàn chân được vinh dự bước trên mình, con đường rải sỏi này không mang thêm một câu chuyện kể nào khác. Nằm kẹp lép giữa những bức tường đá của Anson House, lối đi này chỉ rộng khoảng gần hai mét.
Tôi ngửa đầu ra sau và nhìn thẳng lên tháp. Nhìn từ góc này, tòa nhà gây nhức mắt với bức tường đá thẳng đứng kết thúc ở mãi tít xa, tít trên đầu tôi với công trình bằng đá thoáng gió, dùng để trang trí và cũng ở đó, những đám mây trắng lười biếng lướt qua các lan can, tạo một cảm giác kỳ cục rằng toàn bộ cấu trúc đang nghiêng xuống… ngã xuống… đổ ập lên tôi. Ảo giác khiến ruột gan tôi lộn tùng phèo, và tôi phải quay mặt đi.
Những bậc tam cấp bằng đá mòn vẹt dẫn từ con đường rải sỏi, qua lối vào tò vò, và đến một cánh cửa đôi. Bên trái tôi là phòng bảo vệ, viên bảo vệ đang vội vàng nói chuyện điện thoại. Thậm chí ông ta còn không ngẩng mặt lên khi tôi lẻn vào trong.
Một hành lang tối mờ và mát mẻ trải dài trước mặt tôi, chắc nó phải dài bất tận, và tôi đi dọc hành lang đó, cẩn thận nhón bước để không tạo tiếng ồn trên sàn nhà lát đá phiến.
Hai bên hành lang là cuộc triển lãm ảnh dài lê thê các khuôn mặt tươi cười hớn hở – một số là ảnh nam sinh, một số là các thầy cô – lu mờ dần trong bóng tối, mỗi bức hình là một người thuộc trường Greyminster đã từng dành trọn cuộc đời cống hiến cho đất nước, và mỗi khung tranh quét sơn đen nhánh đều được viết dòng chữ mạ vàng “Những con người còn sống mãi”. Ở tận cùng hành lang, đứng tách biệt khỏi các bức ảnh khác, là bức ảnh về ba thiếu niên, tên của họ được khắc màu đỏ trên hình chữ nhật bằng đồng cùng dòng chữ “Mất tích khi đang làm nhiệm vụ”.
“Mất tích khi đang làm nhiệm vụ” ư? Tại sao không có ảnh của bố ở đây nhỉ, tôi tự hỏi như thế.
Nhìn chung bố cũng vắng mặt như ba thiếu niên trẻ tuổi kia – có lẽ xương cốt của họ đang ở đâu đó tận Pháp. Tôi cảm thấy hơi có lỗi khi nghĩ như thế, nhưng điều đó lại là sự thật.
Vào đúng khoảnh khắc đó, trong hành lang lờ mờ của Greyminster, tôi bắt đầu nhận ra toàn bộ câu chuyện về sự lạnh lùng thường trực của bố. Tôi nhận ra rằng khung cảnh tù tội ấm cúng của ngày hôm qua không phải là một cuộc đối thoại giữa hai con người, mà là cuộc độc thoại đầy lo âu của bố. Và, cũng giống như Horace Bonepenny đang hấp hối, tôi chẳng khác nào một giáo sĩ không chủ tâm nghe xưng tội.
Lúc này Greyminster, nơi bắt rễ của mọi phiền muộn trong lòng bố, lại có vẻ lạnh lẽo hơn, xa lạ hơn và không hề có một chút mến khách.
Ở cuối hành lang, một góc phòng rộng lớn hứa hẹn nhiều hơn thế: tấm biển nhỏ trên cửa viết “Phòng thí nghiệm Hóa học”.
Tôi thử đẩy cửa và nó mở ra ngay. Lời nguyền đã bị phá!
Tôi không biết mình chờ đợi điều gì, nhưng tôi không trông đợi thấy cảnh này: những chiếc bàn gỗ nhơ màu, bình thót cổ tẻ nhạt, bình cổ cong bẩn đục, ống nghiệm sứt mẻ, đèn khí đốt bụi bặm, biểu đồ phân tử treo trên tường in sai đến tức cười vì vị trí của asen và xêlen bị tráo đổi. Tôi nhận ra điều đó ngay lập tức – với viên phấn xanh nhỏ ở rìa tường bên dưới tấm bảng đen – và tôi mạn phép sửa lỗi sai đó bằng cách vẽ một hình mũi tên có hai đầu. “SAI RỒI!” tôi viết bên dưới, và gạch hai gạch nhấn mạnh dưới từ đó.
Nơi được coi là phòng thí nghiệm này không là gì nếu so với phòng thí nghiệm của tôi ở Buckshaw, và khi nghĩ đến điều này, lồng ngực tôi căng phồng lên vì kiêu hãnh. Tôi chỉ muốn được chạy ù về nhà ngay, chỉ để được đứng trong phòng thí nghiệm và cầm nắm những món đồ thủy tinh sáng bóng của mình; để pha chế loại độc dược hoàn hảo chỉ vì niềm thích thú được pha chế cho đúng.
Nhưng niềm hân hoan đó phải đợi đã vì một số việc cần phải được làm ngay.
Tôi quay lại trung tâm tòa nhà. Nếu đoán đúng thì lúc này tôi đang đứng ngay bên dưới tháp, và cửa lên tháp sẽ cách không xa đây.
Một cánh cửa nhỏ lót ván, và tôi nhận thấy ngay đó là phòng đựng chổi, cánh cửa mở để lộ một bậc thang dốc bằng đá. Và tim tôi ngừng đập. Tôi đã thấy tấm biển:
Không được lên tháp – Nghiêm cấm.
Tôi đi thẳng lên mà không chần chừ lấy một giây.
Giống hệt như tôi đang ở trong vỏ con ốc anh vũ. Các bậc thang xoắn tròn, uốn lượn theo lối đi nhỏ hẹp hướng lên trên, âm thanh vang vọng mọi ngóc ngách. Không thể nào nhìn xem có gì phía trước, hay có gì ẩn phía sau cả.
Tôi lẩm nhẩm đếm các bậc thang khi leo lên, nhưng một lúc sau tôi nhận thấy mình cần giữ hơi để bù sức cho đôi chân. Lối bậc thang dốc đứng này làm tôi mỏi nhừ nên dừng lại một lúc để lấy hơi.
Một chùm sáng nho nhỏ xuất hiện trên kia có vẻ như xuất phát từ những khe bé xíu của ô cửa sổ, và mỗi cửa được đặt ở đúng góc quẹo của cầu thang. Tôi đoán chừng ở phía đó của tháp là Sân trong. Vẫn hụt hơi vì mệt, tôi lại tiếp tục leo lên bậc thang dựng đứng.
Và rồi, không thể ngờ được, cầu thang kết thúc ngay trước một cánh cửa gỗ nho nhỏ.
Cánh cửa thấp tè như dành cho người lùn chui vào bên trong vậy: cánh cửa sập hình bán nguyệt với một khe hổng bằng sắt để tra một chìa khoá mảnh khảnh vào. Và tất nhiên, cái cửa ngu muội đó đã bị khóa rồi.
Tôi rít lên tức giận và ngồi lên bậc trên cùng, hít thở một cách nặng nhọc.
“Chết tiệt!” Tôi nói, và âm thanh đó vọng lại với một âm lượng đáng giật mình.
“Ai trên đó vậy!” Một giọng nói lạnh lùng vang lên, và tiếng bước chân lộc cộc ở tít phía bên dưới.
“Chết tiệt!” Tôi lại nói, nhưng lần này rất khẽ. Tôi đã bị phát hiện.
“Ai trên đó vậy?” Giọng nói như ra lệnh. Tôi vội vàng đặt tay lên môi tự bịt miệng mình.
Và khi các ngón tay chạm vào hàm răng, tôi bật ra một ý tưởng. Có lần bố nói rằng sẽ có lúc tôi thấy biết ơn vì cái niềng răng tôi phải đeo, và bố đã đúng. Lúc này là lúc đó đây.
Dùng hai ngón tay cái và hai ngón trỏ như một cây kìm, tôi lấy hết sức bình sinh giật mạnh cái niềng răng ra, và với một tiếng “tách” vừa ý, nó rơi tọt vào tay tôi.
Khi tiếng những bước chân đến gần hơn, không nao núng khi tiến đến trước cánh cửa khóa chặt, tôi liền vặn chiếc niềng răng thành hình chữ “L” có móc một đầu và ấn vào lỗ khoá.
Rồi bố sẽ quất đòn tôi bằng roi ngựa cho mà xem, nhưng tôi cũng đâu còn lựa chọn nào khác.
Ổ khóa cũ kỹ đơn giản thôi, và tôi biết tôi có thể mở được nó – nếu có đủ thời gian.
“Ai đó?” Giọng nói đó tiếp tục ra lệnh. “Tôi biết cháu ở trên đó. Tôi nghe thấy cháu nói. Tháp là khu vực cấm. Thằng bé kia, xuống ngay.”
Thằng bé kia ư? Tôi thầm nghĩ. Vậy là ông ta vẫn chưa nhìn thấy tôi.
Tôi thở phào và nới lỏng cái niềng, rồi vặn nó sang trái. Như thể mới được tra dầu hồi sáng, then cửa trượt ra sau dễ dàng. Tôi mở cửa bước qua, rồi lặng lẽ đóng cửa lại. Không còn thì giờ để cố khóa nó lại từ bên trong nữa. Hơn nữa, dù là ai đang leo lên từ cầu thang thì chắc hẳn người đó cũng có chìa khóa.
Tôi đang đứng trong không gian tối om như hầm than. Các cửa sổ nằm hết ở cuối cầu thang rồi.
Tiếng bước chân dừng bên ngoài cánh cửa. Tôi lặng lẽ bước sang một bên và dựa sát người vào bức tường đá.
“Ai ở đó?” Giọng nói đó lại hỏi. “Ai?” Và rồi chìa khóa được tra vào ổ, chốt cửa được kéo, cánh cửa mở ra, và một người đàn ông thò đầu vào.
Ánh đèn pin của ông ta soi hết chỗ này đến chỗ kia cho đến khi biến mất hút vào bóng tối tít bên trên.
Tôi không dám cử động dù chỉ một sợi tóc: đến mắt tôi cũng không dám chớp. Trong tầm nhìn của mình, tôi có ấn tượng người đàn ông đó đang in bóng trên cánh cửa mở: tóc trắng và râu lởm chởm đáng sợ. Ông ta đứng gần đến nỗi tôi có thể thò tay ra chạm vào.
Một khoảng lặng dài bất tận.
“Lại là lũ chuột khốn nạn,” cuối cùng ông ta tự nói với mình, và cánh cửa đóng sầm lại, chỉ còn mình tôi trong bóng tối. Có tiếng khóa kêu leng keng và then cài được kéo về vị trí ban đầu.
Tôi bị khóa trái rồi.
Đáng ra tôi phải hét ầm lên, nhưng tôi không làm vậy. Trí thông minh của tôi không kết thúc, dù ở bất cứ đâu. Thực tế là tôi bắt đầu thấy thích được tự mình khám phá.
Tôi biết mình có thể mở lại ổ khóa, và rón rén lẻn xuống cầu thang, nhưng biết đâu lại đi thẳng vào phòng bảo vệ.
Nhưng vì không thể ở lỳ mãi chỗ này, nên lựa chọn duy nhất của tôi là trèo lên trên. Vươn hai tay ra trước như kẻ mộng du, tôi chầm chậm rón rén từng bước ra trước, cho tới khi các ngón tay tôi chạm vào cầu thang gần nhất mà tôi đã thấy đèn pin của người bảo vệ soi vào – rồi tiếp tục leo lên.
Bậc thang cuối cùng kết thúc, bằng một khung nền bằng gỗ như sàn tàu. Bên trái tôi là một chiếc thang khác tiếp tục dẫn lên bóng tối ảm đạm.
Tôi lắc thang thật mạnh, hơi cọt kẹt nhưng có vẻ chắc chắn. Tôi hít một hơi thật sâu, bước lên thanh ngang dưới cùng và trèo lên trên.
Một phút sau tôi lên tới đỉnh thang, khung sàn nhỏ lại và lung lay hơn. Nhưng lại có một chiếc thang khác, cũng nhỏ hơn, khẳng khiu hơn, và rung lên bần bật khi tôi đặt chân rón rén trèo lên. Được nửa thang thì tôi bắt đầu đếm các thanh ngang:
“Mười (khoảng chừng đó)… mười một… mười hai… mười ba…”
Đầu tôi đập vào cái gì đó và trong tích tắc, tôi không nhìn thấy gì ngoài mấy ngôi sao xanh đỏ tím vàng đang quay tít thò lò. Tôi bám chặt vào thang hòng mong thoát chết, đầu tôi đau buốt như quả dưa hấu bị nổ tung và chiếc thang gầy guộc rung lên trong tay tôi giống như một dây cung can trường. Tôi có cảm giác như có người vừa lột da đầu mình.
Khi tôi thò một tay lên trên đầu thì các ngón tay chạm vào một cái chốt bằng gỗ. Tôi lấy hết sức đẩy nó lên, và cánh cửa chặn lối được mở ra.
Trong chớp nhoáng tôi đã bò lên mái của tòa tháp, chớp mắt điên cuồng dưới ánh mặt trời. Từ nền bục vuông vắn ở chính giữa, những phiến đá khẽ nghiêng về bốn hướng của chiếc la bàn.
Cảnh tượng cũng không có gì huy hoàng. Sân trong cỏ xanh mướt mát ở khoảng cách xa xôi mù mịt.
Tôi nheo mắt bước gần lan can hơn, và suýt nữa thì toi mạng.
Ngay dưới chân tôi là một cái hố toác miệng, và tôi phải quay tít hai cánh tay để khỏi ngã xuống. Khi loạng quạng ngay trên rìa hố, hình ảnh đáng sợ về những viên sỏi tít bên dưới thoáng qua trong đầu tôi.
Có lẽ cái hố đó phải rộng khoảng gần nửa mét, miệng hố cao chừng hơn một phân, và cứ cách khoảng ba mươi phân miệng hố lại được nối liền lan can lồi ra. Rõ ràng cái hố này được thiết kế với mục đích thoát nước khẩn cấp trong trường hợp mưa lớn bất thường.
Tôi cẩn thận nhảy qua hố và nhìn những bức tường có lỗ châu mai cao đến hông. Tít bên dưới, bãi cỏ của Sân trong trải dài ra ba hướng.
Nằm lọt thỏm cạnh bức tường của Anson House, con đường trải sỏi bên dưới trở nên vô hình. Lạ nhỉ, tôi nghĩ. Nếu ông Twining nhảy từ mấy lỗ châu mai này thì chắc chắn phải ngã xuống bãi cỏ mới đúng.
Trừ khi, đương nhiên rồi, trừ khi ba mươi năm đã trôi qua kể từ ngày ông thiệt mạng, Sân trong có sự thay đổi về cảnh quan. Thêm một lần ngó nghiêng xuống dưới với cảm giác say sóng qua cái hố đằng sau, tôi hiểu rằng chưa hề có sự thay đổi nào ở đây: sỏi cuội vẫn nằm bên dưới và những gốc cây đứng thẳng hàng trên con đường vẫn nguyên như xưa. Chắc chắn ông Twining ngã xuống từ cái hố này. Không còn hoài nghi gì nữa.
Có tiếng động bất chợt vang lên sau lưng, tôi liền quay phắt người lại. Giữa mái nhà lủng lẳng một xác chết treo cổ. Tôi phải gắng kìm nén để không oà khóc.
Giống hệt vóc dáng của kẻ cướp đường mà tôi đọc trong truyện Newgate Calendar, vật đó quay tròn và lắc lư. Sau đó, không hề báo trước, cái bụng nó như nổ ra, và ruột gan nó bay tứ tán vào không trung với một chiếc dây thừng xoắn, kinh tởm màu đỏ tươi, trắng và xanh lét.
Với một tiếng “tách” to đùng, bộ ruột gan đó tự mở ra, và bỗng nhiên, ở tít cao trên đầu tôi, ở trên đỉnh sào, quốc kỳ Anh bay phần phật trong gió.
Lấy lại hồn vía sau cơn hoảng sợ, tôi nhận thấy lá cờ đã được dựng sẵn thuận tiện cho việc kéo lên, hạ xuống từ bên dưới, có lẽ từ phòng bảo vệ, bằng một hệ thống dây cáp tinh vi và ròng rọc đựng trong vỏ bọc bằng vải dù có thể chịu được mưa nắng. Chính vì vậy mà tôi nhầm tưởng đó là một xác chết và giá treo cổ.
Tôi mỉm cười một cách ngu ngốc trước sự ngu muội của mình và thận trọng lách đến gần hơn thiết bị đó để nhìn cho rõ. Nhưng ngoài kỹ thuật tinh tế của nó, chẳng còn gì khác khiến tôi thích thú.
Vừa mới quay lưng đi về phía lỗ hổng, tôi trượt chân ngã nhào, đập mặt xuống, và đầu va vào rìa vực.
Chắc chắn bao nhiêu xương cốt trong người tôi đều vỡ vụn hết, nhưng tôi sợ không dám cử động. Cả triệu dặm bên dưới, hai hình hài nhỏ như kiến chui ra từ Anson House và đi ngang Sân trong.
Suy nghĩ đầu tiên là tôi vẫn còn sống. Nhưng rồi nỗi khiếp sợ giảm đi và cơn giận dữ trào lên thay thế: tôi giận trước sự ngu ngốc và vụng về của mình, tôi giận mụ phù thuỷ vô hình nào đó đã làm tàn rụi cuộc đời tôi bằng một chuỗi bất tận những cửa khóa, cẳng chân trầy xước và khuỷu tay tróc da.
Tôi từ từ đứng lên và phủi bụi trên người. Không chỉ quần áo bẩn mà một nửa đế giày bên trái của tôi cũng bị rách. Không khó nhận ra nguyên nhân gây hư hại: tôi trượt chân trên rìa nhọn của một viên ngói nằm nhô ra và viên ngói bị xô ra khỏi vị trí ban đầu, vậy nên lúc này nó nằm chỏng chơ trên mái nhà giống hệt một trong những bản gỗ mà nhà tiên tri Do Thái được trao Lời răn dạy thứ Mười.
Tốt hơn hết là mình nên thay viên ngói đó, tôi nghĩ bụng. Nếu không cư dân của Anson House sẽ thấy nước mưa chảy tong tỏng xuống đầu họ và đương nhiên là do lỗi của tôi.
Viên ngói nặng hơn tôi tưởng, và tôi phải quỳ xuống khi cố đẩy nó về vị trí cũ. Có lẽ viên ngói đã bị xoay chiều, hoặc viên ngói liền kề bị võng xuống. Dù vì lý do gì thì nó cũng không chui vào cái lỗ đen ngòm mà chân tôi vừa đá nó ra.
Tôi dễ dàng luồn tay vào cái lỗ để biết liệu bên trong có vật cản hay không – nhưng rồi tôi nhớ ra đám nhền nhện và những con bọ cạp vốn hay trú ngụ trong những hang hốc như thế.
Tôi nhắm mắt và ấn các ngón tay vào. Sâu trong lỗ hổng, các ngón tay tôi chạm vào cái gì đó – mềm lắm. Tôi kéo giật tay ra và quỳ xuống ngó vào trong lỗ. Không có gì ngoài bóng tối. Thật cẩn thận, tôi lại thò các ngón tay vào lần nữa và dùng ngón cái và ngón trỏ để kéo đồ vật bên trong hố ra.
Cuối cùng, tôi dễ dàng lôi vật đó ra, và nó giống với lá cờ đang bay phấp phới trên đầu tôi. Đó là một mảnh vải đen bạc màu – loại vải nhung kẻ Russell, tôi nghĩ nó được gọi như thế – bốc mùi chua loét vì mốc meo. Đó là chiếc áo choàng của thầy giáo. Và cuộn chặt bên trong mảnh vải, bị nhàu nát đến mức không thể vuốt phẳng được, là một chiếc mũ vuông.
Và tôi biết ngay lập tức, chắc chắn như đinh đóng cột, rằng những vật này cũng góp phần vào cái chết của ông Twining. Tôi chưa biết cụ thể ra sao, nhưng rồi thế nào tôi cũng tìm ra.
Tôi biết mình phải để những vật này lại chỗ cũ để đi tìm bốt điện thoại gần nhất và gọi cho Thanh tra Hewitt. Nhưng thay vào đó, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là: làm sao tôi có thể thoát ra khỏi Greyminster mà không bị ai phát hiện?
Và, mỗi khi ta bế tắc, câu trả lời thường vô tình xuất hiện ngay lập tức.
Tôi nhét hai cánh tay vào ống áo của chiếc áo choàng mốc meo, vuốt thẳng chiếc mũ bị méo và đội lên đầu, và giống hệt một con dơi đen hù to tướng, tôi chậm rãi vỗ đen đét trên đường đi xuống chênh vênh đầy những tầng thang run rẩy để tới cánh cửa bị khoá.
Cái móc được nắn từ niềng răng đã phát huy tác dụng và lúc này tôi cần nó phát huy tác dụng thêm lần nữa. Khi tôi sốt ruột nhét cái móc vào ổ khoá, tôi âm thầm cầu nguyện xin Chúa rủ lòng thương.
Sau khi lấy hết sức nhét nhét xoay xoay, với cái móc bị vặn xéo, và đôi lời nguyền rủa nho nhỏ, lời nguyện cầu của tôi cũng được nghe thấy, và then cửa trượt ra sau với âm thanh khô khốc.
Thoắt cái tôi đã xuống đến cầu thang chính, dỏng tai nghe ngóng ở cánh cửa dưới cùng và dòm mắt qua khe hở của đại sảnh dài dằng dặc, nhưng không gian hoàn toàn vắng lặng.
Tôi mở cửa ra, rón rén bước vào hành lang và nhanh chóng đi dọc các bức tường treo ảnh các nam sinh mất tích, đi qua phòng bảo vệ trống không, rồi bước ra ánh nắng mặt trời rực rỡ.
Đâu đâu cũng thấy nam sinh – hoặc có vẻ như thế – nói chuyện, ngồi uể oải, đi lại, cười đùa. Họ đang hưởng thụ niềm vui khi học kỳ sắp kết thúc.
Bản năng của tôi mách bảo rằng phải rướn thẳng người lên khi đội mũ và mặc áo choàng, rồi thận trọng đi sát mép Sân trong. Liệu tôi có bị phát hiện không? Hiển nhiên là có: đối với đám nam sinh háu ăn này, tôi giống hệt một con nai tuyết bị thương đang lê bước trên bãi cỏ.
Không! Tôi sẽ chạy thật nhanh, giống một học sinh đi muộn chạy vượt rào, tôi sẽ co cẳng chạy, đầu ngẩng cao và lao vun vút về phía con đường kia. Chỉ mong đừng ai nhận thấy bên dưới chiếc áo choàng này tôi đang mặc váy.
Và không ai nhìn tôi quá một giây.
Càng đi xa khỏi Sân trong, tôi càng thấy an toàn hơn, nhưng tôi cũng biết rằng, khi chỉ có một mình trên con đường vắng, tôi càng dễ bị phát hiện hơn.
Ngay trước mắt tôi vài bước chân là một cây sồi già đứng sừng sững trên bãi cỏ như thể nó đã cư ngụ ở đó từ cái thời của Robin Hood. Khi tôi đưa tay ra chạm vào nó (Thành công rồi!) thì một cánh tay xuất hiện ngay phía sau thân cây và túm lấy cổ tay tôi.
“Ái! Bỏ ra! Ông làm đau cháu!” Tôi tự động hét lên, và cánh tay được thả ra ngay lập tức, tôi quay ngoắt lại để đối mặt với kẻ tấn công mình.
Đó là Hạ sĩ Graves, chú ấy trông có vẻ cũng bất ngờ y như tôi vậy.
“À à,” chú ấy nói và nở nụ cười. “À, à, à, à, à.”
Tôi định đưa ra một câu nhận xét chua cay, nhưng rồi tôi nghĩ thấu đáo hơn. Viên Hạ sĩ này quý tôi, và tôi cần mọi sự giúp đỡ.
“Ngài Thanh tra thích niềm vui được bầu bạn với cháu,” chú ấy nói và chỉ vào một nhóm người đang đứng trò chuyện trên con đường nơi tôi để Gladys lại.
Hạ sĩ Graves không nói thêm gì nữa, nhưng khi chúng tôi đi gần về phía nhóm người kia, chú ấy khẽ đẩy tôi về phía Thanh tra Hewitt, không khác gì một con chó trình diện một con chuột chết với ông chủ. Đế giày rách toác của tôi kêu lép bép y như giày của danh hài Charlie Chaplin trong vở Little Tramp, tất nhiên, dù cũng nhìn vào chiếc giày rách của tôi nhưng viên Thanh tra vẫn có đủ ý tứ để giữ suy nghĩ đó lại cho riêng mình.
Hạ sĩ Woolmer đứng cao hơn hẳn chiếc Vauxhall màu xanh, khuôn mặt chú to sụ và lởm chởm râu ria y như đỉnh núi Matterhorn. Dưới vóc dáng to lớn của chú ấy là một người đàn ông da sạm, vạm vỡ mặc quần ống bó của sĩ quan và một người đàn ông nhỏ thó, khô đét, râu trắng. Ngay khi nhìn thấy tôi, ông râu trắng đó phấn khởi hét lên.
“Thằng bé đó! Chính là nó!”
“Thật sao?” Thanh tra Hewitt nói khi ông bỏ chiếc mũ vuông trên đầu tôi xuống và gỡ chiếc áo choàng trên vai tôi với sự kính trọng lịch thiệp của một tên đầy tớ.
Đôi mắt xanh nhạt của người đàn ông nhỏ thó trợn lên thấy rõ trong hốc mắt.
“Là một con nhóc sao?” Ông ta nói.
Đáng ra tôi phải tát vào mặt ông ta.
“À, là con bé đó,” người đàn ông da rám nắng nói.
“Ông Ruggles đây có lý do để tin rằng cháu đã ở trên tháp,” viên Thanh tra nói và gật đầu với người đàn ông có râu trắng.
“Là cháu thì sao?” tôi nói. “Cháu chỉ nhìn ngó xung quanh một tí.”
“Tháp là nơi cấm,” ông Ruggles nói lớn. “Cấm đấy! Trên biển có ghi rõ như thế. Mi không biết đọc hả bé con?”
Tôi nhún vai yêu kiều với ông ta.
“Chắc chắn tôi đã leo lên mấy cái thang đó sau cháu nếu tôi biết cháu chỉ là một bé gái,” và ông ta nói thêm với Thanh tra Hewitt, “chân cẳng tôi không còn khoẻ như trước nữa.”
“Tôi biết cháu ở trên đó,” ông ta nói tiếp. “Tôi giả vờ không thấy cháu để tôi có thời gian gọi cảnh sát. Và đừng giả vờ là cháu không cạy khóa đấy. Khóa cửa là việc của tôi, và tôi biết cửa đã bị khóa, tôi biết chắc chắn trăm phần trăm là như thế.”
“Thử hình dung xem! Một đứa bé gái! Trời ạ,” ông ta nói thêm với một cái lắc đầu không tin nổi.
“Cháu cạy khóa à?” viên Thanh tra hỏi. Mặc dù ông ta giả đò không bất ngờ nhưng tôi nhận thấy ông ta có ngạc nhiên. “Cháu học mánh lới đó ở đâu vậy?”
Tôi không thể nói cho ông ta được, hiển nhiên là vậy. Chú Dogger cần được bảo vệ bằng mọi giá.
“Lâu lắm rồi và ở xa xa lắm,” tôi nói.
Viên Thanh tra nhìn chiếu tướng tôi. “Chắc hẳn có những người hài lòng với kiểu trả lời đó của cháu, Flavia ạ, nhưng tôi thì không.”
Lại là câu “Vua George không phải là một người đàn ông biết đùa” đây, tôi thầm nghĩ, nhưng Thanh tra Hewitt quyết định đợi câu trả lời của tôi, bất kể bao lâu sau tôi mới đưa ra câu trả lời.
“Ở Buckshaw không có mấy việc để làm,” tôi nói. “Thi thoảng cháu cũng làm việc này việc nọ cho đỡ chán.”
Ông ta giơ chiếc áo choàng đen và chiếc mũ vuông lên. “Và đó là lý do cháu mặc thứ trang phục này sao? Để cho đỡ chán à?”
“Nó không phải là trang phục,” tôi nói. “Nếu ông muốn biết thì cháu vừa tìm thấy chúng bên dưới một hòn ngói rời trên mái tháp. Chúng có liên quan đến cái chết của ông Twining. Cháu chắc chắn là thế.”
Nếu lúc trước hai mắt của ông Ruggles lồi hẳn ra hốc mắt thì bây giờ chúng suýt bắn vọt ra khỏi đầu ông ta.
“Ông Twining ư?” Ông ta nói. “Ông Twining nhảy khỏi toà tháp ư?”
“Ông Twining không nhảy,” tôi nói. Tôi không thể kiềm chế sự cám dỗ trả đũa người đàn ông nhỏ thó khó chịu này.
“Flavia, cám ơn cháu,” Thanh tra Hewitt nói. “Vậy là tốt rồi. Và ông Ruggles, chúng tôi không làm phiền ông nữa. Chúng tôi biết ông rất bận.”
Ông Ruggles thổi phù phù giống y một con bồ câu nhà, và với một cái gật đầu đáp lại viên Thanh tra và cười miễn cưỡng với tôi, ông ta đi ngang bãi cỏ về chốt bảo vệ của mình.
“Anh Plover, rất cám ơn sự trình báo của anh,” viên Thanh tra nói và quay sang người đàn ông mặc quần ống bó của sĩ quan – ông ta vẫn im lặng đứng ở đó.
Ông Plover vén mái tóc bờm xờm trước trán ra sau và quay về chiếc máy kéo mà không nói thêm lời nào.
“Các trường học công lập như thành phố thu nhỏ,” viên Thanh tra nói và vẫy tay. “Ông Plover đã phát hiện cháu là khách không mời mà đến ngay khi cháu xuất hiện trên con đường này. Ông ta không chần chừ báo ngay cho chốt bảo vệ.”
Lão ta là đồ chết tiệt! Cả ông Ruggles già nua chết tiệt nữa! Về đến nhà tôi phải gửi ngay cho bọn họ một hũ nước chanh để bọn họ biết rằng không cần phải thể hiện cảm giác cực đoan như thế. Mùa này hết cỏ chân ngỗng rồi, vì vậy không thể gửi anemonin cho bọn họ được. Cây cà độc, dù không phổ biến lắm, cũng có thể tìm thấy nếu biết chỗ.
Thanh tra Hewitt đưa chiếc mũ và áo choàng cho Hạ sĩ Graves – chú ấy đã lấy ra vài tờ giấy lau trong túi hành lý.
“Tuyệt vời,” viên Hạ sĩ nói. “Cô bé giúp chúng ta khỏi phải mò mẫm bên dưới mái ngói nữa.”
Viên Thanh tra nhìn thẳng vào mắt chú ấy với vẻ mặt có thể khiến một con ngựa đang lồng lên phải dịu lại.
“Xin lỗi Ngài,” viên Hạ sĩ nói, mặt chú ấy đỏ bừng lên khi quay lại với đống giấy bọc của mình.
“Nói cho tôi biết, thật chi tiết, làm cách nào mà cháu tìm được những thứ này,” Thanh tra Hewitt nói, như thể chưa hề xảy ra chuyện gì. “Không được bớt chi tiết nào – và cũng không được thêm thắt.”
Khi tôi nói, ông ta nhanh chóng viết vào giấy. Vì luôn ngồi chiếu tướng với Feely khi chị ta viết nhật ký vào bữa ăn sáng nên tôi đã quá quen với việc đọc ngược chữ, nhưng phần ghi chép của Thanh tra Hewitt nhỏ tin hin như một đàn kiến đang diễu hành trên trang giấy.
Tôi kể cho ông ta nghe mọi chuyện: từ tiếng cót két của mấy chiếc thang cho đến cú trượt chân suýt toi mạng của mình; từ viên ngói chệch và đồ vật nằm bên dưới nó đến cuộc tẩu thoát khéo léo của tôi.
Khi xong xuôi, tôi thấy ông ta viết nguệch ngoạc hai chữ bên dưới bản tường trình, mặc dù tôi không biết chúng có nghĩa gì. Ông ta đóng cuốn sổ lại.
“Flavia, cám ơn cháu,” ông ta nói. “Cháu giúp ích rất nhiều cho chúng tôi.”
A ha, ít nhất ông ta cũng có đủ lịch sự để thừa nhận điều đó. Tôi đứng đó với vẻ mong chờ, chờ đợi nhiều hơn thế.
“Tôi e rằng kho bạc của Vua George cũng không đủ tiền đổ xăng đưa cháu về nhà hai lần trong hai mươi tư giờ đâu,” ông ta nói, “Vì vậy cháu phải tự về thôi.”
“Và cháu có trở lại để uống trà không?” Tôi hỏi.
Ông ta đứng đó, đôi chân đóng đinh trên cỏ, với nét mặt có vẻ như đồng ý.
Một phút sau đó, hai lốp xe của Gladys vui sướng lăn bánh trên con đường rải nhựa, để lại Thanh tra Hewitt – “và hội cùng một giuộc với ông ta” – như Daffy nói – ở đằng sau, mỗi lúc một xa hơn.
Trước khi tôi đi được một phần tư dặm, chiếc xe Vauxhall của Thanh tra Hewitt đi ngang và vượt trước tôi.
Tôi vẫy tay điên cuồng nhưng những nét mặt ngó nhìn tôi qua mấy ô cửa sổ lại có vẻ buồn buồn.
Thêm khoảng ba trăm mét nữa, đèn phanh nháy lên và chiếc ô tô đỗ vào ven đường. Tôi đến gần, và viên Thanh tra kéo cửa kính xuống.
“Chúng tôi sẽ đưa cháu về. Hạ sĩ Graves sẽ cất xe đạp của cháu vào thùng xe.”
“Thưa ngài Thanh tra, có phải Vua George thay đổi suy nghĩ rồi không?” Tôi kiêu căng hỏi.
Khuôn mặt ông ta xuất hiện một vẻ mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Tôi dám thề rằng nét mặt đó biểu hiện nỗi lo lắng.
“Không,” ông ta nói, “Vua George không thay đổi. Nhưng ta thì có.”