Kỳ Án Chim Dẽ Giun

CHƯƠNG 2



Đúng như người ta nói, lúc đó tôi lạnh hết cả sống lưng. Trong một tích tắc, tôi tưởng bố bị trụy tim, vì ông bố lười vận động của tôi vẫn thường bị lên cơn như vậy. Mới phút trước, người ta còn xúm xít quanh bố để hỏi đi hỏi lại đến lần thứ hai mươi chín chuyện gì vừa xảy ra, thì chỉ một phút sau, thông tin đã được đăng trên tờ Daily Telegraph:
Bài của phóng viên Calderwood Jabez, tờ The Parsonage, Frinton. Đột ngột lên cơn đau tim tại nhà hôm thứ Bảy, ngày 14 tháng này. 55 tuổi. Là con trai cả của… vân vân và vân vân… được các con gái Anna, Diana và Trianna cứu sống…
Calderwood Jabez và mấy kẻ cùng một giuộc với hắn có thói quen chõ mũi vào chuyện của người khác để lấy thông tin viết bài mà không cần quan tâm đến mấy cô con gái của nạn nhân đang u sầu ảo não.
Chẳng phải tôi đã mất một người mẹ rồi sao? Chắc chắn bố sẽ không bày trò chơi khăm đáng ghét đó nữa đâu.
Hay là bố sẽ làm như vậy thật?
Không đâu nhé. Lúc này ông ấy đã thò tay cầm món đồ nằm trên bậc tam cấp, rồi khụt khịt mũi hít hít không khí, giống y một con ngựa kéo thở phì phò. Các ngón tay ông run run như cây kéo lỏng lẻo, khéo léo lấy tem thư từ mỏ con chim, sau đó ông vội vàng nhét mẩu giấy thủng đó vào túi áo gilê. Bố chỉ ngón tay cái run lẩy bẩy vào xác con vật nhỏ thó.
“Cô Mullet, vứt nó đi,” giọng nói của bố như bị nghẹt thở, nghe giống như giọng của người khác vậy, một người xa lạ.
“Ôi, Đại tá de Luce,” cô Mullet nói, “Ôi trời ơi, Đại tá de Luce ơi, tôi không… nghĩ là… tôi muốn nói là…”
Nhưng bố đã nhanh chóng vào phòng đọc, chân bước ầm ầm và hơi thở hổn hển giống như tàu chở hàng gầm rú.
Khi cô Mullet lấy tay che kín miệng và đi tìm hốt rác, tôi chạy tọt vào phòng ngủ.
Phòng ngủ ở Buckshaw đúng kiểu những phòng chứa máy bay Zeppelin – rộng lớn và tối lờ mờ. Phòng của tôi nằm ở phía nam, hay còn gọi là chái-Tar, là căn phòng rộng nhất. Giấy dán tường từ thời kỳ đầu Victoria (màu mù tạt vàng, với vô số họa tiết rải rác trông như các tụm dây dợ đỏ tươi) khiến căn phòng trông càng rộng hơn, rộng đến mức thừa thãi, lạnh lẽo, không biên giới, và hun hút gió. Ngay cả vào mùa hè, đoạn đường từ căn phòng đến bồn rửa tay xa tít tắp cạnh cửa sổ cũng khiến người dân Scott ở mãi Nam Cực phải nản lòng. Khi đã leo thẳng lên giường và cuộn tròn trong tấm chăn len, tôi ngồi khoanh chân trong khoảng thời gian dài bất tận để ngẫm nghĩ về đời mình.
Chẳng hạn, tôi nghĩ về lúc tôi dùng dao cắt bơ để cạo cạo những mẩu vụn trên giấy dán tường vàng vọt. Tôi nhớ đến đôi mắt mở to của Daffy khi chị ta kể lại một trong số các cuốn sách của A.J. Cronin[5] về một người khốn khổ bị bệnh và chết sau khi ngủ trong một căn phòng, vì phẩm màu của giấy dán tường trong căn phòng đó có thành phần chính là thạch tín. Lòng tràn trề hy vọng, tôi mang các mẩu vụn cạo được trên tường đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Thật biết ơn quá, vì với tôi, không có cuộc thử nghiệm nào của ông Marsh[6] quá cố lại khó hiểu! Tôi thích chí khi biết thạch tín được chuyển hóa lần đầu thành hợp chất có ba phân tử ôxy, sau đó được đun nóng với natri axetat để sản sinh ra ôxit kakadyl: đây không chỉ là một trong những chất độc nguy hại nhất quả đất mà còn bốc ra một thứ mùi kinh tởm không thể tin được: giông giống mùi tỏi thối nhưng lại khủng khiếp hơn gấp triệu lần. Ông Bunsen[7], người tìm ra chất này, nhấn mạnh rằng chỉ cần khẽ ngửi thấy mùi của nó thôi cũng khiến tay chân ngứa râm ran, còn lưỡi thì mọc thêm một lớp màng đen kịt gớm ghiếc. Ôi chao, Chúa ơi, các công trình nghiên cứu này có nhiều tính năng làm sao!
Chắc hẳn bạn có thể hình dung nỗi thất vọng của tôi khi tôi phát hiện thấy mẫu giấy cạo không có thạch tín: nó được phết loại màu hữu cơ đơn giản, có lẽ được lấy từ cây liễu hoa vàng thông thường hoặc một loại màu thực vật nhàm chán vô hại nào đó.
Không hiểu sao điều đó lại khiến tôi nghĩ đến bố.
Điều gì khiến ông sợ hãi đến vậy khi đứng trước cửa bếp? Và có phải tôi đã nhìn thấy nỗi sợ hãi trên nét mặt ông không?
Xem nào, không nghi ngờ nhiều về điều đó. Không thể là cảm xúc khác được. Tôi đã quá quen với cơn giận, sự mất kiên nhẫn, nỗi mệt mỏi, và tâm trạng ảm đạm bất thình lình của bố: tất cả những cung bậc cảm xúc đó thi thoảng lại thoáng hiện lên trên gương mặt ông giống như những đám mây lững lờ bay qua các ngọn đồi ở Anh.
Tôi biết chắc chắn là bố không sợ con chim chết còng queo. Tôi đã thấy ông ăn rất ngon lành những con ngỗng béo múp míp trong ngày Giáng sinh, tay khua dao dĩa không khác gì một kẻ ám sát thứ thiệt. Chắc chắn cũng không phải là đám lông lá khắp mình con chim. Hay là đôi mắt đã chết của nó.
Và chắc chắn không thể là con tem đó. Bố yêu tem hơn yêu con cái. Mẹ Harriet là người duy nhất bố yêu hơn yêu các mẩu giấy đẹp đẽ đó. Nhưng mẹ Harriet đã chết rồi.
Giống hệt con chim dẽ giun đó.
Ồ, có phải đó là lý do khiến bố phản ứng như vậy không?
“Đừng! Đừng! Cút đi!” Một giọng nói gay gắt vang lên từ bên dưới khung cửa sổ để mở của phòng tôi, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
Tôi hất tung chăn, nhảy vọt ra khỏi giường, chạy vội ngang phòng và ngó xuống vườn bếp.
Đó là Dogger. Chú đang dính bẹp vào tường vườn, các ngón tay đen kịt và dạn dày sương gió xòe rộng trên lớp tường gạch đỏ đã phai màu.
“Đừng đến gần tao! Cút đi!”
Dogger là người làm thuê cho bố: chú được thuê để làm mọi thứ việc. Và chỉ có mình chú ở trong vườn.
Chính cô Mullet đã thì thào nho nhỏ với tôi, là Dogger đã sống sót sau hai năm ngồi tù trong trại tù binh của Nhật, kế đến là mười ba tháng bị tra tấn, bị bỏ đói, rồi bị bắt phải làm việc trên Đường ray Tử thần giáp ranh giữa Thái Lan và Miến Điện, và người ta đồn rằng, hồi ở đó, chú còn bị ép phải ăn chuột.
“Cô Flavia, khe khẽ đi đi,” cô nói với tôi. “Thần kinh của lão đang có vấn đề đấy.”
Tôi ngó xuống thấy chú đứng trong vườn dưa chuột, mái tóc bạc trước tuổi dựng đứng lên; tròng mắt chú lộn ngược và nhìn vô hình lên phía mặt trời.
“Chú Dogger, không sao đâu,” tôi hét lên. “Cháu đuổi mấy con chuột đi hết rồi.”
Trong một tích tắc, tôi nghĩ chú không nghe thấy tiếng mình, nhưng sau đó, chú chầm chậm quay mặt lại, giống như một bông hoa hướng dương, đang hướng về phía phát ra giọng nói của tôi. Tôi nín thở. Không ai biết người ta sẽ làm gì trong trạng thái như thế.
“Chú Dogger, cứ đứng đó nhé,” tôi hét lên. “Không sao mà. Chúng đi hết cả rồi.”
Đột nhiên chú bước đi khập khiễng, giống như một người đàn ông đang cầm một sợi dây điện có dòng điện chạy qua nhưng nguồn điện vừa bị ngắt.
“Cô Flavia phải không?” Giọng chú run rẩy. “Có phải cô không, cô Flavia?”
“Cháu đang xuống đây,” tôi nói. “Cháu tới ngay đây.”
Tôi chạy ù xuống cầu thang và vào bếp. Cô Mullet về rồi, nhưng một cái bánh trứng đang được đặt trên khung cửa sổ để mở.
Không đâu, tôi thầm nghĩ: chú Dogger cần thứ gì đó để uống. Bố đã khóa chặt chai rượu của chú ấy trong tủ sách tít trong phòng đọc của mình, và tôi không thể đột nhập vào đó.
May chưa, tôi tìm thấy một bình sữa trong tủ. Tôi rót sữa vào chiếc cốc to, và lao vụt ra vườn.
“Này, chú uống đi,” tôi nói và đưa cốc sữa cho chú.
Dogger đưa hai tay đỡ và chằm chằm nhìn cốc sữa, như thể chú không biết phải làm gì với nó, rồi run run đưa cốc sữa lên miệng. Chú uống một mạch hết sạch rồi đưa cho tôi chiếc cốc không.
Trong một khoảnh khắc, nét mặt chú thoáng vẻ sung sướng giống thiên sứ của Raphael, nhưng hình ảnh đó nhanh chóng tan biến.
“Râu chú dính sữa kìa,” tôi nói. Tôi cúi xuống vườn dưa chuột và ngắt một chiếc lá to màu xanh đậm để lau môi trên của chú.
Ánh sáng quay trở lại trong đôi mắt trống rỗng của Dogger.
“Sữa và dưa chuột…” chú nói. “Sữa và dưa chuột…”
“Thuốc độc!” Tôi kêu to, loi choi nhảy lên nhảy xuống rồi vỗ vỗ hai cánh tay giống như gà vỗ cánh, để chú biết mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. “Thuốc độc chết người!” Và cả hai chú cháu cùng khẽ cười.
Chú nháy mắt.
“Ôi chao!” Chú nói và nhìn quanh vườn, như thể mình là nàng công chúa vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ sâu, “Chẳng phải hôm nay sẽ là một ngày đẹp mê ly hay sao!”
Bố không xuất hiện trong bữa trưa. Để an tâm, tôi ghé tai lên cánh cửa phòng làm việc của bố và lắng nghe tiếng lật giở những trang giấy dán tem và tiếng húng hắng thi thoảng của bố. Chắc ông đang lo lắng, tôi nghĩ là vậy.
Tại bàn ăn, Daphne ngồi dính mũi vào cuốn tiểu thuyết của Walpole Horace, món bánh sandwich dưa chuột của chị ta đã chảy nước và bị lãng quên trên đĩa. Ophelia thở dài liên miên, hết bắt chéo rồi lại buông chân ra, rồi lại bắt chéo, hai mắt chị ta nhìn vô hồn vào không trung, và tôi chỉ có thể kết luận là chị ta đang mê mẩn nghĩ về Ned Cropper, người chạy việc vặt ở quán trọ Mười Ba Con Vịt. Chị ta say sưa với cơn mơ mộng kiêu kỳ của mình đến mức không nhận thấy tôi đang cúi xuống để nhìn môi chị ta cho rõ trong khi chị ta lơ đãng thò tay lấy một miếng đường mía, thả tọt vào mồm và nhai tóp tép.
“Á à,” tôi nói vu vơ, “sáng mai mụn sẽ nổi tưng bừng trên mặt ai đó đây.”
Ophelia lao ra túm lấy tôi, nhưng đôi chân tôi mau lẹ hơn hai bàn tay của chị ta.
Khi leo lên tới phòng thí nghiệm của mình, tôi viết:
Thứ Sáu, ngày 2 tháng 6 năm 1950, 1:07 chiều. Chưa thấy phản ứng. “Kiên nhẫn là đức tính cần thiết của một thiên tài” – (Disraeli).
Tôi không ngủ được. Thường thường, khi ánh đèn vụt tắt là tôi đã ngủ li bì, nhưng tối nay thì khác. Tôi nằm ngả lưng, hai tay nắm chặt sau gáy và nhớ lại ngày hôm nay.
Trước hết là bố. À, không phải, không phải bố. Trước hết phải là con chim chết toi trên bậc cửa – sau đó mới là bố. Tôi cứ nghĩ mình đã nhìn thấy nỗi sợ hãi trên nét mặt ông, nhưng một phần nho nhỏ trong tâm trí tôi lại không tin vào điều đó.
Đối với tôi – đối với tất cả chúng tôi – bố là người không biết sợ. Trong chiến tranh bố đã nhìn thấy quá nhiều điều khủng khiếp: những điều không thể diễn tả bằng lời. Bố cũng đã vượt qua những năm tháng mẹ Harriet mất tích và được coi là đã chết. Trong những tháng ngày khó khăn đó, bố vẫn rất dũng cảm, vững vàng, ngoan cường và không thể lay chuyển được. Mang đậm dòng máu Anh đến khó tin. Kiên cường đến khó tin. Vậy mà giờ đây…
Kế đến là Dogger: Arthur Wellesley Dogger, “cái tên đầy đủ được đặt theo tên của tổ tiên” (chú nói như thế vào những ngày chú có tâm trạng tốt). Dogger đến đây trước hết là người giúp việc của bố, nhưng rồi, do “sự thăng trầm của cuộc đời” (chú ấy nói vậy, không phải tôi), trút lên vai chú nên chú thấy “hài lòng hơn” với vai trò quản gia, sau đó là đánh xe, tiếp đến là người làm công việc lặt vặt ở Buckshaw, sau đó lại là đánh xe trong một thời gian dài. Mấy tháng gần đây, chú đi đứng hơi lảo đảo, giống như chiếc lá thu đang rụng, thế nên chú được nghỉ ngơi với vị trí hiện tại là người làm vườn, và bố đã tặng chiếc ô tô Hillman cho nhà thờ St. Tancred qua hình thức đấu giá.
Tội nghiệp Dogger! Tôi nghĩ vậy, mặc dù Daphne nói tôi không nên nói như vậy về người khác: “Nói thế là hạ thấp mình, và không quan tâm đến tương lai đấy.”
Nhưng ai mà quên được hình ảnh Dogger trong vườn chứ? Một người đàn ông vụng về, bất lực, chỉ biết đứng đó, tóc tai dựng đứng, dụng cụ bừa bãi, bên cái xe cút kít lộn ngược, và nét mặt trông như thể… như thể…
Có tiếng sột soạt lọt vào tai tôi. Tôi quay đầu lắng nghe.
Không có gì.
Tạo hóa đã vô tình cho tôi sở hữu khả năng thính giác chính xác tuyệt đối: có lần bố nói với tôi rằng nó sẽ cho phép chủ nhân nghe thấy cả tiếng nhện giăng mạng vang lanh lảnh như tiếng vó ngựa nện lên tường. Mẹ Harriet cũng sở hữu khả năng như vậy, và đôi lúc, tôi thích hình dung mình là một phần còn sót lại của mẹ: đôi tai lìa khỏi xác bồng bềnh bám lượn quanh các hành lang có ma của Buckshaw và nghe thấy những điều có lẽ không nên nghe thấy.
Nhưng nghe này! Âm thanh đó lại vang lên kìa! Một giọng nói; rè rè và thăm thẳm, giống như tiếng nói thầm trong hộp bánh bích quy rỗng.
Tôi trườn xuống giường và nhón gót đi đến cửa sổ. Cẩn thận không làm rèm cửa lay động, tôi hé mắt nhìn ra vườn bếp đúng lúc mặt trăng góp tay trợ giúp bằng cách ló ra khỏi một đám mây, rất giống với hình ảnh trong vở kịch Giấc mộng đêm hè.
Nhưng không có gì, ngoài ánh sáng bàng bạc đang nhảy múa giữa vườn dưa chuột và luống hoa hồng.
Và sau đó, tôi nghe thấy một giọng nói: giọng nói tức giận, giống tiếng ong đập cánh vo vo trong buổi chiều muộn để cố bay qua ô kính cửa sổ đã đóng chặt.
Tôi mặc vội chiếc áo khoác bằng lụa Nhật Bản của mẹ Harriet (một trong hai chiếc áo được tôi giải cứu khỏi Cuộc thanh lọc vĩ đại lần trước), xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà vốn là đôi giày da xâu hạt của Ấn Độ, và rón rén lẻn lên đầu cầu thang. Giọng nói đó phát ra từ đâu đó trong nhà thôi.
Buckshaw có hai Cầu thang Lớn, chiếc này uốn lượn theo dáng đối ngược với khúc quanh của chiếc kia. Cầu thang phòng tôi, từ chái-Tar, hay còn gọi là chái đông, kết thúc tại khu hành lang lớn. Xa xa về phía trước, đối diện với chái tây, là bảo tàng súng máy, và ngay sau bảo tàng là phòng làm việc của bố. Âm thanh kia bắt nguồn từ hướng ấy. Tôi rón rén đi về phía đó.
Tôi ghé một tai lên cửa.
“Hơn nữa, Jacko này,” một giọng nói đểu giả vang lên phía bên kia tấm cửa gỗ, “làm sao ông vẫn sống được sau khi phát hiện ra điều đó hả? Làm sao ông vẫn sống được hả?”
Trong một khoảnh khắc nôn nao, tôi cứ nghĩ George Sanders[8] đã đến Buckshaw, và ông ta đang giáo huấn bố phía sau mấy cánh cửa đóng chặt.
“Cút đi,” bố nói, giọng của bố không biểu lộ sự tức giận nhưng trong ngữ điệu được kiểm soát đó, tôi biết bố đang điên tiết. Trong đầu, tôi hình dung thấy đôi lông mày giận dữ của ông, hai bàn tay nắm chặt, và quai hàm bố bạnh ra như dây cung.
“Ồ, thôi đi lão già, đừng giở cái giọng đó ra,” giọng nói ngọt xớt vang lên. “Tôi và ông cùng hội cùng thuyền – đã, đang, và sẽ luôn như thế. Tôi và ông đều biết rõ điều đó mà.”
“Thầy Twining nói đúng lắm,” Bố nói. “Mày là quân gớm ghiếc, đáng khinh, không đáng làm người.”
“Twining ư? Twining quá cố ư? Chén trà đã nguội lạnh suốt ba mươi năm nay rồi Jacko ạ – đi đời giống như Jacob Marley[9] ấy. Nhưng, cũng giống như Marley, linh hồn ông ta vẫn vảng vất quanh đây. Có lẽ ông cũng nhận thấy điều đó.”
“Và chúng ta đã giết thầy ấy,” bố nói bằng giọng đều đều chết chóc.
Có phải tôi vừa nghe thấy điều mình vừa nghe thấy không? Làm sao bố có thể…
Khi cúi xuống hé mắt liếc qua lỗ khóa, tôi không nghe thấy câu nói kế tiếp của bố. Bố đang đứng cạnh bàn, mắt nhìn ra cửa. Người lạ quay lưng về phía tôi. Ông ta rất cao, tầm mét tám lăm. Với mái tóc đỏ quạch và bộ đồ màu xám bẩn thỉu, ông ta khiến tôi nhớ đến con sếu Canada đứng ủ rũ trong góc khuất đèn trong bảo tàng súng máy.
Tôi lại áp tai vào cánh cửa.
“… không có quy định về giới hạn của sự xấu hổ đâu,” giọng nói đó vang lên. “Jacko, hai nghìn có ý nghĩa gì với ông đâu nào? Ông cũng phải công bằng tí chút khi Harriet chết chứ. Riêng tiền bảo hiểm thôi cũng đã…”
“Ngậm cái mồm bẩn thỉu của mày lại!” Bố hét lên, “Cút ngay khỏi đây trước khi tao…”
Đột nhiên tôi bị túm chặt từ phía sau và một bàn tay thô ráp bịt chặt miệng tôi. Tim tôi suýt nhảy phắt ra khỏi lồng ngực.
Tôi bị túm chặt đến nỗi không cựa quậy được.
“Cô Flavia, đi về phòng cô ngay,” một giọng nói khẽ rít vào tai tôi.
Đó là Dogger.
“Không phải việc của cô,” chú ấy thì thào. “Về phòng ngay đi.”
Chú nới lỏng tay và tôi lập tức vùng vẫy. Tôi nhìn chú với vẻ mặt căm hờn. Trong không gian gần như tối mù mịt, tôi thấy đôi mắt chú hơi dịu lại.
“Đi đi,” chú thì thầm.
Tôi quay lưng đi.
Trở về phòng, tôi đi tới đi lui một hồi lâu, vì tôi vẫn thường đi đi lại lại như thế mỗi khi bị phá ngang.
Tôi nghĩ về điều mình nghe lén được. Bố là kẻ giết người ư? Không thể thế được. Biết đâu phần nói chuyện còn lại đó sẽ cho thấy một lời giải thích hết sức đơn giản. Giá như tôi được nghe nốt câu chuyện giữa bố và người lạ mặt đó… giá như Dogger không phục kích tôi trong bóng tối. Chú ấy tưởng mình là ai chứ?
Mình sẽ cho chú ấy biết mặt, tôi thầm nghĩ.
“Không khó khăn gì đâu!” Tôi nói to.
Tôi lấy cái đĩa nhạc Jose Iturbi[10] từ một cuốn album đựng đĩa màu xanh, ấn mặt hai có bản Polonaise in A-Flat của Chopin vào mặt đĩa quay và vặn to máy nghe nhạc. Xong rồi, tôi nằm vắt vẻo ngang giường và hát nghêu ngao:
“Đa-đa-đa-đa, Đa-đa-đa-đa, Đa-đa-đa-đa, Đa-đa-đa-đa…”
Bản nhạc như được viết cho một bộ phim mà trong đó có đoạn chiếc xe ô tô hiệu Bently cũ kỹ cứ kêu phì phì khi ai đó đang khởi động vậy: một sự lựa chọn khó có thể lôi người ta ra khỏi giấc ngủ…
Khi tôi mở mắt, bình minh buổi sớm màu be nhạt đang ló rạng ngoài cửa sổ. Kim đồng hồ báo thức làm bằng đồng thau chỉ 3 giờ 44 phút. Vào mùa hè, ban ngày đến rất sớm, và chưa đầy mười lăm phút nữa mặt trời sẽ nhô lên.
Tôi duỗi chân tay, ngáp ngắn ngáp dài và trèo xuống giường. Đĩa hát đã ngưng chạy ở giữa bản Polonaise, kim đĩa hát nằm cứng đờ trong các khe rãnh. Trong một giây ngắn ngủi, tôi định bụng bật lại đĩa để đánh thức cả nhà. Nhưng rồi, tôi chợt nhớ đến sự việc xảy ra vài giờ trước.
Tôi đi ra cửa sổ và ngó xuống vườn. Ở đó có một nhà kho nhỏ, ô cửa kính mờ đục vì ướt đẫm sương sớm, và đằng kia, trong bóng tối ở cuối góc kho, là chiếc xe cút kít lộn ngược đã bị lãng quên sau sự việc xảy ra hôm qua.
Với quyết tâm lật chiếc xe cút kít về hình dạng ban đầu để tạo thiện cảm với người làm vườn, hay vì lý do nào đó chính tôi cũng không rõ, tôi mặc quần áo, lặng lẽ đi xuống cầu thang và vào bếp.
Khi đi qua cửa sổ, tôi thấy chiếc bánh trứng của cô Mullet bị thiếu mất một miếng. Kỳ quái chưa, tôi nghĩ bụng: chắc chắn không có ai trong gia đình de Luce ăn miếng bánh đó.
Nếu có một điều mà tất cả chúng tôi đều đồng ý – một điều kết nối chúng tôi thành một gia đình – thì đó là sự ghê tởm chung của chúng tôi với món bánh trứng do cô Mullet làm. Mỗi khi cô quên làm bánh nhân đại hoàng hoặc nhân lý gai để làm loại bánh trứng gớm ghiếc kia, chúng tôi thường cáo lỗi, giả vờ bệnh và cho cô về nhà cùng với chiếc bánh đó, rồi không quên gửi lời quan tâm chu đáo đến chú Alf, ông chồng tốt bụng của cô để chú ăn hết bánh.
Khi bước ra ngoài, ánh sáng bàng bạc của bình minh đã biến khu vườn thành một khoảng không đẹp mắt. Sương sớm nhảy nhót lấp lánh khắp nơi, và chắc chắn tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu có một chú kỳ lân nhảy vọt ra từ bụi hoa hồng để rúc đầu vào đùi tôi.
Đang đi về phía chiếc xe cút kít, tôi bất ngờ vấp ngã sõng soài.
“Tức quá!” Tôi vừa nói vừa nhìn quanh quất để đảm bảo không ai nghe thấy. Người ngợm tôi dính bết đất sét đen sì ẩm ướt.
“Tức quá,” tôi lặp lại, với giọng nhỏ hơn một chút.
Quay người lại để kiểm tra xem cái gì ngáng chân mình, tôi nhận ra ngay lập tức: cái gì đó trăng trắng nhô ra khỏi vườn dưa chuột. Trong một giây chệnh choạng, một phần trong tôi đấu tranh yếu ớt để tin rằng đó là một cái cào be bé: một chiếc máy xới nho nhỏ xinh xắn với những chiếc răng cong cong trắng tinh.
Nhưng lý trí trong tôi vụt trở lại, và tôi phải thừa nhận đó là một bàn tay. Một bàn tay gắn liền với một cánh tay: một bàn tay đang trườn vào vườn dưa.
Và, ở đầu kia, ẩn dưới những chiếc lá xanh còn ướt đẫm sương là một khuôn mặt. Một khuôn mặt đang thẫn thờ ngó nhìn thế giới giống như nhân vật Người rừng trong các câu chuyện cổ.
Được thúc giục bởi một ý chí mạnh mẽ hơn bản thân, tôi bèn chống tay quỳ gối bên cạnh con ma hiện hình này, một phần vì sùng kính, một phần để nhìn cho rõ.
Khi mũi tôi gần chạm mũi nó thì hai mắt nó hé mở.
Tôi sững sờ đến mức không dám ngọ nguậy dù là một sợi tơ.
Hình hài trong vườn dưa chuột run rẩy hít thở… và sau đó, cánh mũi phập phồng, nó thở ra một từ, chậm rãi và buồn thảm, vào thẳng mặt tôi.
“Vale[11],” nó nói.
Theo phản xạ, mũi tôi có cảm giác nhoi nhói khi ngửi thấy một mùi hôi đặc biệt – mà lúc đó, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi suýt nhớ ra tên của nó.
Đôi mắt xanh như hoa văn xanh trên nền trắng của gốm sứ Trung Quốc nhìn thẳng vào mắt tôi như thể nó đang nhìn ra từ quá khứ tôi tối và vẩn mờ, như thể có gì đó được ẩn giấu sâu tít bên trong.
Và rồi đôi mắt đó chết dần.
Giá như tôi bị lên cơn đau tim đột ngột. Giá như bản năng của tôi rủ nhau bay biến hết. Nhưng không, thay vào đó, tôi lại sửng sốt nhìn và thưởng thức mọi chi tiết: những ngón tay run rẩy, một màu xám u buồn gần như không thể nhận thấy xuất hiện trên da thịt, như thể, ngay trước mắt tôi, từ cuối cùng ấy được thốt ra bằng cái chết.
Và sau đó là sự tĩnh lặng tuyệt đối.
Giá như tôi có thể nói mình đã sợ hãi, nhưng tôi không mảy may sợ. Thật là trái ngược. Tính đến nay, đó là điều thú vị nhất từng xảy ra trong đời tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.