Mỗi khi ra khỏi nhà và muốn mình tỉnh táo, tôi lại nằm ườn ra, dang rộng hai chân hai tay trông cho giống dấu hoa thị, và nhìn chằm chằm lên trời. Trong ít phút đầu, tôi thường thích thú trước “hình ảnh như đang bay lên” của mình, những sợi dây protein nho nhỏ ngoằn ngoèo bay lượn tới lui ngang qua tầm mắt y như những thiên hà nhỏ bé. Nếu không vội vã, tôi thường trồng cây chuối để làm hình ảnh bay lượn đó chộn rộn thêm, rồi sau đó tôi nằm ngửa lên để ngắm nhìn màn trình diễn, y như một bộ phim chiếu trong rạp.
Nhưng hôm nay tâm trí tôi có quá nhiều chuyện để lo lắng, vì vậy, khi đạp xe chưa đầy một dặm từ Rook’s End, tôi nằm phịch xuống bờ sông đầy cỏ và nhìn đăm đăm lên bầu trời mùa hè.
Tôi không thể xua khỏi tâm trí những điều mà bố đã nói với tôi, rằng hai người họ, gồm bố và Horace Bonepenny đã giết hại ông Twining; bản thân hai người họ phải chịu trách nhiệm trước cái chết của ông ấy.
Nếu đây là một ý kiến kỳ quái của bố, chắc chắn tôi sẽ quên đi ngay, nhưng có nhiều điều hơn thế. Chính cô Mountjoy cũng tin rằng hai người họ đã giết cậu cô, và cô cũng đã nói với tôi như vậy.
Cũng dễ dàng nhận ra cảm giác hối lỗi trên gương mặt bố. Nói cho cùng, bố cũng tham dự một phần trong sự hối thúc được chiêm ngưỡng bộ sưu tập tem của Tiến sĩ Kissing, và tình bạn một thời giữa bố và Horace Bonepenny, dù đã nguội lạnh từ lâu, nhưng cũng khiến bố trở thành kẻ tòng phạm trong cuộc chơi này. Có điều vẫn còn…
Không, chắc hẳn phải có nhiều điều hơn thế, nhưng là những điều gì thì lúc này tôi chưa biết được.
Tôi nằm trên cỏ, ngó đăm đăm lên bầu trời xanh thăm thẳm của Thiên đường với vẻ thành khẩn y như những thầy tu khổ hạnh ở Ấn Độ vẫn thường nhìn chòng chọc lên mặt trời trước khi chúng ta khai hóa họ, nhưng tôi không thể ngẫm nghĩ vấn đề gì cho thấu đáo. Ngay phía trên tôi, mặt trời biến thành một con số 0 trắng phau khổng lồ, chiếu sáng rực rỡ lên cái đầu trống rỗng của tôi.
Tôi mường tượng thấy mình kéo sụp chiếc mũ suy nghĩ trong tâm trí xuống, trùm kín hai tai như tôi đã dạy mình làm. Đó là chiếc mũ cao cao, hình nón của phù thủy, và bao phủ quanh mũ là các phương trình và công thức: sự dồi dào của ý tưởng.
Nhưng vẫn không thấy gì.
Nhưng đợi đã! Đúng rồi! Đúng là nó! Bố không làm gì hết. Không gì hết! Bố biết – hoặc ít nhất bố nghi ngờ – ngay từ đầu khi sự việc xảy ra rằng Horace Bonepenny đã chôm con tem có hình đầu người… nhưng bố không nói cho ai biết.
Đó là tội không làm tròn trách nhiệm: một trong những hành vi vi phạm trong bảng phạm tội thuộc Giáo hội mà Feely lải nhải suốt ngày và có vẻ cái bảng đó được áp dụng cho tất cả mọi người, trừ chị ta.
Nhưng lỗi của bố là lỗi về đạo đức, và điều này tôi không mấy quan tâm đến.
Có điều, vẫn không thể phủ nhận rằng: Bố đã giữ im lặng, và có lẽ chính sự im lặng của bố đã khiến ông Twining tốt bụng quá cố phải gánh chịu nỗi xấu hổ và trả giá cho danh dự của mình bằng cái chết.
Chắc chắn hồi đó có nhiều lời bàn ra tán vào. Người bản xứ ở xứ sở này của Anh quốc chưa bao giờ nổi tiếng vì sự ít nói của mình, gần như không hề. Herbert Miles[62] thế kỷ trước đã ám chỉ chúng tôi là “đám người ngồi lê đôi mách nói chuyện người”, và có khá nhiều sự thật trong lời nhận xét này. Người ta thích nói chuyện – nhất là khi cuộc nói chuyện liên quan đến việc trả lời câu hỏi của người khác – bởi vì điều đó khiến họ cảm thấy mình được quan tâm. Tôi đã khám phá ra rằng cách tốt nhất để có được câu trả lời về mọi việc là đi thẳng tới người gần nhất và hỏi. Không cần lòng vòng làm gì.
Tôi không thể nào hỏi bố về sự im lặng của ông hồi còn là một cậu học sinh được. Ngay cả nếu tôi dám, thì bố cũng bị nhốt chặt trong xà lim và rất có thể bố sẽ phải ở đó. Tôi không thể hỏi cô Mountjoy, một người sẽ đóng rầm cửa trước mặt tôi bởi vì cô ấy coi tôi là máu thịt của một kẻ giết người máu lạnh. Nói tóm lại, tôi phải một mình chinh chiến.
Suốt cả ngày, có gì đó nhảy nhót trong óc tôi như tiếng máy hát đang chơi nhạc trong một căn phòng xa xôi lắm. Giá như tôi có thể điều chỉnh giai điệu.
Cảm giác kỳ cục đó ập tới khi tôi đang đọc lướt qua chồng báo cũ trong nhà kho Pit Shed phía sau thư viện. Là điều gì đó mà có người đã nói… Nhưng là điều gì?
Đôi khi, cố truy bắt một ý nghĩ vừa thoáng qua khó y như bắt một con chim trong nhà vậy. Ta lén theo nó, nhón chân đi về phía nó, thò tay ra chụp… nhưng con chim bay mất, lúc nào cũng vọt khỏi đầu ngón tay ta, và vỗ cánh bay đi…
Đúng rồi! Nó vỗ cánh bay!
“Trông thầy ấy giống như một thiên thần đang bay,” một nam sinh trường Greyminster đã nói thế. Nam sinh đó tên là Toby Lonsdale – giờ thì tôi nhớ tên của cậu học sinh năm ấy rồi. Quả là một điều kỳ dị khi một nam sinh nói như vậy về một thầy giáo đang lao mình tự tử! Và bố đã so sánh ông Twining, ngay trước khi ông ấy nhảy xuống, rất giống vầng hào quang của một vị thánh trong một cuốn sách sơn son thiếp vàng.
Vấn đề là tôi chưa tra cứu đầy đủ thông tin trong chồng báo cũ. Tờ Hinley Chronicle đã tuyên bố rõ ràng rằng các cuộc điều tra về cái chết của ông Twining và tên trộm con tem của Tiến sĩ Kissing vẫn đang tiếp tục được tiến hành. Còn cáo phó về ông thì sao? Chắc là người ta đăng sau đó, đương nhiên là vậy, nhưng cáo phó viết thế nào?
Lắc mạnh bím tóc, tôi lại ra đi với Gladys, đạp xe điên cuồng về phía Bishop’s Lacey và đường Cow Lane.
Tôi không nhìn thấy biển “Đóng cửa” mãi cho tới khi tôi chỉ còn cách cửa thư viện 3 mét. Đúng rồi! Flavia ơi, có lúc óc mày là bã đậu thật đấy; Feely nói cấm có sai. Hôm nay là thứ Hai. Thư viện sẽ chỉ mở cửa lại vào 10 giờ sáng thứ Ba.
Tôi chầm chậm dắt Gladys hướng ra sông và ngẫm nghĩ về những câu chuyện ngớ ngẩn được kể trên tờ The Children’s Hour: những câu chuyện đạo đức sơ khai như chuyện về Pony Engine có thể kéo toàn bộ con tàu chở hàng hóa lên núi chỉ vì nó nghĩ nó có thể làm được. Và bởi vì nó không bao giờ đầu hàng. Chìa khóa thành công là không bao giờ được đầu hàng.
Chìa khóa ư? Tôi đã trả chìa khóa Pit Shed cho cô Mountjoy rồi: tôi nhớ rõ lắm chứ. Nhưng liệu còn một chìa khóa dự phòng nào không? Một chìa khóa dự phòng được giấu dưới bậu cửa sổ phòng trường hợp một vị thủ thư đãng trí đi nghỉ mát tận Blackpool với chiếc chìa khóa chính trong túi quần? Vì Bishop’s Lacey không phải (ít nhất là vậy cho đến cách đây vài ngày) là vùng đất đáng chú ý của tội phạm, vì vậy một chiếc chìa khóa dự phòng là khả năng quá xa vời.
Tôi lần lần đầu ngón tay dọc rầm đỡ trên cửa, ngó nghiêng bên dưới các chậu phong lữ cảnh xếp hàng dọc lối đi, và thậm chí tôi còn nhấc hai viên đá có vẻ đáng ngờ ra.
Không thấy gì hết.
Tôi hé mắt nhìn qua kẽ hở của bức tường đá chạy dọc từ con đường đến cửa thư viện.
Vẫn không thấy gì. Không thấy một cái gì hết.
Tôi khum tay trên cửa sổ, và ngó nhìn chồng báo nhăn nheo nằm ườn trên giá. Thật gần, nhưng cũng thật xa.
Tôi giận đến mức có thể đập tung cửa, và tôi đã làm vậy.
Marie Anne Paulze Lavoisier sẽ làm thế nào? Tôi tự hỏi. Liệu cô ấy có đứng đây mà cáu giận sùi bọt mép như ngọn núi lửa siêu nhỏ phun trào khi một đống bicrômát amoni bị đốt cháy không? Có lúc tôi nghi ngờ vậy đấy. Marie Anne sẽ quên ngay hoá học và xử lý cánh cửa này trước.
Tôi vặn núm cửa thật mạnh và ngã nhào vào trong phòng. Có kẻ ngu ngốc nào đó đã đến đây và không khóa cánh cửa này lại! Tôi hy vọng không có ai đang rình mình. Thật tốt khi tôi nghĩ về điều đó, vì tôi nhận ra ngay lập tức rằng sẽ thật thông thái nếu tôi đưa Gladys vào trong, vì như vậy em nó sẽ không bị phát hiện bởi mấy người thích chõ mũi vào chuyện của người khác vô tình đi ngang qua.
Tôi thận trọng đi men theo kho ốp ván ở giữa phòng và quanh các giá sách màu ố vàng.
Tôi không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm các bài báo liên quan của tờ Hinley Chronicle. Đúng rồi, nó đây rồi. Đúng như tôi nghĩ, cáo phó về ông Twining xuất hiện trên số báo ngày thứ Sáu sau khi ông mất:
Twining Grenville, Thạc sĩ. Đột ngột qua đời hôm thứ Hai tại trường Greyminster, gần Hinley, ở tuổi 72. Cha mẹ ông là ông bà Marius và Dorothea Twining, ở Winchester, đã qua đời. Ông được người cháu gái, Matilda Mountjoy, ở Bishop’s Lacey, đùm bọc. Ông Twining được an táng tại nhà thờ ở Greyminster, và ở đó, Rev. Canon Blake-Soames, Mục sư của nhà thờ St. Tancred, Bishop’s Lacey và Cha tuyên úy của trường Greyminster đọc lời cầu nguyện. Rất nhiều vòng hoa được gửi tới.
Nhưng họ chôn xác ông ở đâu? Liệu thi thể ông có được đưa trở về Winchester và đặt cạnh thi thể cha mẹ ông không? Ông có được chôn ở Greyminster không? Tôi nghi ngờ điều đó. Rất có thể tôi sẽ tìm thấy mộ ông trong nghĩa trang nhà thờ St. Tancred, và nơi đó chỉ cách đây chưa đầy hai phút đi bộ.
Tôi sẽ để Gladys ở phía sau, trong Pit Shed. Nếu tôi biết né người cho thấp xuống và đi men theo bờ giậu quanh đường ven sông, tôi có thể dễ dàng đi từ đây đến nghĩa địa mà không lo bị ai nhìn thấy.
Khi tôi mở cửa, tiếng chó sủa ầm lên. Bà Fairweather, Chủ tịch Hội Phụ nữ, đang đứng cuối làn đường với con Corgi. Tôi khẽ đóng chặt cửa lại trước khi bà ấy hoặc con chó phát hiện ra. Tôi liếc mắt qua góc cửa sổ và nhìn con chó khịt khịt ngửi thân cây sồi trong khi bà Fairweather nhìn đăm đăm ra khoảng xa, giả vờ như thể bà ấy không hay biết gì về việc đang diễn ra ở đầu kia của dây dắt chó.
Trời đánh thánh vật! Tôi phải đợi cho đến khi con chó làm cho xong chuyện của nó. Tôi nhìn bao quát quanh căn phòng. Ở hai bên cửa là các giá sách tạm thời và các tấm ván được cắt gồ ghề, cong vênh trông như thể chúng được đóng đinh với nhau bởi một người thợ mộc có thiện ý nhưng không có tay nghề.
Bên phải, vô số sách cũ được chồng theo từng năm – Crockford’s Lerical Directory, Hazells’ Annual, Whitaker’s Almanack, Kelly’s Directories, Brassey’s Naval Annual – chúng được nhồi nhét chật ních chồng lên nhau trên các giá làm bằng ván thô, những bìa sách xanh đen đỏ vương giả một thời đã phai màu thời gian, và ẩm mốc.
Các giá bên trái đầy ứ những chồng sách xám xịt y như thế, mỗi chồng có một tờ nhãn màu lá vàng nổi bật trên gáy với nét chữ Gothic cầu kỳ: Học sinh trường Greyminster – và tôi nhớ đây là niên giám trường cũ của bố. Ngay cả ở Buckshaw chúng tôi cũng có mấy cuốn. Tôi lấy một cuốn trên giá xuống trước khi nhận thấy nó được đề năm 1942.
Tôi để sách lại chỗ cũ và di ngón trỏ sang trái dọc theo gáy những cuốn sách còn lại: 1930, 1925…
Đây rồi! 1920. Hai tay tôi run lên khi lấy cuốn sách xuống và mở thật nhanh từ sau ra trước. Các trang sách ngập tràn các bài viết về môn cricket, bơi thuyền, điền kinh, học bổng, bóng bầu dục, nhiếp ảnh và nghiên cứu tự nhiên. Theo như tôi thấy, không có bài nào viết về Hội ảo thuật hay Hội sưu tầm tem. Rải rác trong sách là các bức ảnh từng hàng, từng hàng học sinh người thì cười hớn hở, người thì nhăn nhó trước ống kính.
Đối diện với trang tiêu đề là một bức ảnh chân dung viền đen. Trong bức ảnh, một người đàn ông lịch thiệp với vẻ ngoài nổi bật đang đội mũ và mặc áo choàng tựa vào mép bàn, cuốn sách ngữ pháp Latin cầm trong tay khi ông nhìn nhiếp ảnh gia với vẻ thích thú. Bên dưới bức ảnh là dòng chữ: “Grenville Twining 1848-1920”.
Chỉ có vậy thôi. Không nói gì đến các sự việc liên quan đến cái chết của ông, không lời tán dương, không lời tưởng nhớ về ông. Có phải có một sự thông đồng câm lặng không?
Có nhiều điều hơn là những gì mình thấy bằng mắt.
Tôi chậm chạp lật các trang sách, đọc nhanh các bài viết và đọc các lời chú thích bên dưới các bức ảnh, nếu có.
Hai phần ba cuốn sách tôi đều nhìn thấy tên “de Luce”. Bức ảnh ba học sinh mặc áo sơ mi dài tay và đội mũ ngồi trên bãi cỏ bên cạnh chiếc hòm mây được đặt trên tấm bạt chứa đầy thức ăn cho một buổi dã ngoại: một ổ bánh mì, một lọ mứt, bánh tạc, táo và đồ uống ướp gừng.
Dòng chú thích ghi “Chuyến viếng thăm của Omar Khayyam đến Greyminster khiến chúng tôi tự hào. Từ trái sang phải: Haviland de Luce, Horace Bonepenny và Bob Stanley chụp ảnh cho hoạt cảnh trong Persian Poet”.
Không nghi ngờ gì rằng nam sinh bên trái, bắt chéo chân trên tấm bạt, chính là bố, trông hạnh phúc hơn, sung sướng hơn và vô tư lự hơn tôi từng hình dung. Ở giữa, một nam sinh cao nghều, lóng ngóng giả vờ như thể cậu ta sắp ăn cái bánh sandwich đến nơi rồi, chính là Horace Bonepenny. Tôi nhận ra cậu ta ngay mà không cần đến lời chú thích. Trong bức ảnh, các lọn tóc xoăn đỏ rực xuất hiện giống y như hắn bị phát tiết xung quanh đầu vậy.
Tôi không thể nén cơn rùng mình khi nghĩ đến hình ảnh nam sinh đó là một xác chết trong vườn.
Hơi tách ra khỏi hai người bạn, nam sinh thứ ba ở góc phải ảnh, trông không tự nhiên cho lắm khi cậu ta giữ chặt đầu đầy vẻ đau đớn khi phải phô ra hình ảnh đẹp nhất của mình. Trông cậu ta khá đẹp trai và chững chạc hơn hai bạn, với vẻ ngoài bảnh bao của một ngôi sao màn bạc.
Kỳ cục, nhưng tôi có cảm giác mình đã nhìn thấy khuôn mặt này rồi.
Bỗng nhiên tôi có cảm giác như thể có người vừa ném một con thằn lằn vào cổ mình. Đương nhiên là tôi đã nhìn thấy khuôn mặt này rồi – và mới gần đây nữa chứ! Nam sinh thứ ba trong bức ảnh là người mới hôm qua tự giới thiệu với tôi là Frank Pemberton; Frank Pemberton đã đứng cùng tôi ở Folly của Buckshaw trong mưa; Frank Pemberton, người mà mới sáng nay thôi, nói với tôi rằng ông ta chuẩn bị đi xem một nấm mồ cổ ở Nether Eaton.
Các sự thật lần lượt được lắp ráp vào với nhau và tôi thấy rõ như thể lớp gỉ đã được gỡ ra khỏi mắt mình.
Frank Pemberton là Bob Stanley và Bob Stanley là “Kẻ thứ ba”, nói vậy cũng được. Chính ông ta đã giết chết Horace Bonepenny trong vườn dưa ở Buckshaw. Và tôi sẵn sàng đặt cược cuộc đời mình vào nhận định này.
Khi mọi thứ ở yên vị, tim tôi đập liên hồi như muốn nổ tung.
Ngay từ đầu ở Pemberton đã có điều ám muội, và đây chính là điều mà tôi không hề nghĩ đến kể từ hôm qua ở Folly. Đó là điều ông ta đã nói… nhưng là điều gì?
Ông ta và tôi đã nói về thời tiết; rồi trao đổi tên với nhau. Ông ta thừa nhận rằng ông ta đã biết tôi là ai, rằng ông ta đã tra cứu về chúng tôi trên tờ Who’s who. Tại sao ông ta phải làm như vậy khi ông ta đã biết bố gần như cả cuộc đời? Liệu có phải đó là lời nói dối khiến ăng-ten vô hình của tôi co rúm lại?
Chính là ngữ điệu của ông ta, tôi nhớ rồi. Nhẹ thôi, nhưng vẫn…
Ông ta nói cho tôi nghe về cuốn sách ông ta viết: Những ngôi nhà nông thôn trang nghiêm: Viết từ chuyến tản bộ xuyên thời gian, của tác giả Pemberton. Hợp lý lắm.
Ông ta nói gì nữa nhỉ? Không có gì quan trọng, mấy câu chuyện loăng quăng về việc chúng tôi là hai kẻ sống sót trên một hòn đảo hoang vắng. Rằng chúng tôi sẽ là bạn.
Đống bùi nhùi đang âm ỉ trong bụng tôi bỗng cháy bùng lên!
“Tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm là bạn.”
Đúng từng lời luôn! Nhưng trước đây tôi đã nghe được câu đó ở đâu nhỉ?
Như một quả bóng trên sợi dây cao su, suy nghĩ của tôi trôi vội về một ngày mùa đông. Mặc dù còn rất sớm nhưng các cây bên ngoài cửa sổ phòng khách đã chuyển từ màu vàng sang cam rồi xám; bầu trời chuyển từ màu xanh thẫm sang màu đen.
Lúc ấy cô Mullet vừa bê vào một đĩa bánh xốp và kéo rèm lên. Feely ngồi trên đi-văng ngắm nghía hình mình ở mặt sau của chiếc thìa còn Daffy thì duỗi dài chân tay trên chiếc ghế cũ đầy đồ lặt vặt của bố ngay cạnh lò sưởi. Chị ta đọc to cuốn Penrod cho chúng tôi nghe, đó là cuốn sách mà chị ta chôm được trên giá sách yêu quý thời thơ ấu được giữ gìn cẩn thận trong phòng thay đồ của mẹ Harriet.
Penrod Schofield mười hai tuổi, tức là cậu ấy lớn hơn tôi khoảng một tuổi mấy tháng, nhưng cũng tầm tuổi nhau để có cùng đam mê. Đối với tôi, Penrod có vẻ giống với Huckleberry Finn vào thời điểm diễn ra Thế chiến thứ nhất và ở một thành phố mơ hồ nào đó ở miền trung tây Mỹ. Mặc dù cuốn sách đầy rẫy chuyện về chuồng ngựa, hành lang, chuyện các hàng rào bằng ván cao ngất và các xe tải chở hàng mà hồi đó vẫn còn được ngựa kéo, nhưng có vẻ với tôi toàn bộ câu chuyện này lạ lẫm như thể nó đã xảy ra ở mãi tận Diêm vương tinh chứ chẳng phải ở hành tinh này. Tôi và Feely ngồi mê mẩn nghe giọng đọc của Daffy về các cuốn Scaramouche, Treasure Island và A tale of Two Cities, nhưng ở Penrod chẳng có gì khiến thế giới của cậu ấy xa cách thế giới của chúng tôi như tận thời Kỷ Băng hà. Feely, vốn nghĩ về sách trên phương diện dấu hiệu của âm nhạc, cho rằng câu chuyện đó được viết bằng phím C.
Nhưng khi Daffy chăm chỉ đọc hết trang này đến trang khác, và hai chúng tôi có đôi lần cười trước sự phản đối của Penrod với bố mẹ và chính quyền, nhưng tôi tự hỏi, vào lúc đó, điều gì đã khiến một đứa con trai phiền muộn lưu giữ được sức tưởng tượng, và có thể cả tình yêu, với cô bé Harriet de Luce. Có lẽ lúc này tôi đã đoán được lý do.
Tôi còn nhớ, cảnh buồn cười nhất là cảnh Penrod được giới thiệu với Đức cha Kinosling mộ đạo, Đức cha đã xoa đầu cậu bé và nói, “Cha tin chúng ta sẽ sớm là bạn.” Đây vốn là kiểu thái độ hợm hĩnh trong cuộc sống của tôi, và có lẽ tôi cười quá to.
Nhưng, vấn đề là ở chỗ, Penrod là một cuốn sách của Mỹ, do một nhà văn người Mỹ viết. Cuốn sách khó lòng nổi tiếng ở đây, tại Anh quốc, như nổi tiếng ở nước ngoài.
Liệu Pemberton – hay Bob Stanley có vô tình đọc cuốn sách đó, hay cụm từ đó ở Anh không? Có thể, nhưng khả năng không cao. Và chẳng phải bố đã nói với tôi rằng Bob Stanley – vốn là đồng lõa của Horace Bonepenny – đã đến Mỹ và mở một cửa hàng buôn bán tem trá hình sao?
Giọng điệu nhè nhẹ của Pemberton là giọng Mỹ! Một cựu học sinh trường Greyminster có một chút của Thế giới mới.
Tôi mới khờ dại làm sao!
Tôi hé mắt nhìn ra cửa sổ và thấy bà Fairweather đã đi mất dạng, đường Cow Lance lại vắng lặng. Tôi đặt cuốn sách nằm trên bàn, lẻn ra khỏi cửa và đi vòng lối sau Pit Shed để ra sông.
Một trăm năm trước Efon vốn là một nhánh của hệ thống kênh đào, mặc dù lúc này chỉ còn lại con đường ven sông. Cuối đường Cow Lane là chút ít tàn tích mục nát của những đống đất vốn đắp thành con đê, nhưng vì con sông chảy hướng về phía nhà thờ, nên dòng nước đã nuốt trọn các ranh giới suy tàn để mở rộng con sông thành các hồ nước lớn, và một trong các hồ nước nằm chính giữa khu đầm lầy thấp phía sau nhà thờ St. Tancred.
Tôi trườn qua cánh cổng điêu tàn vào nghĩa trang nhà thờ, và ở đó, những tấm bia mộ cũ kỹ nghiêng hẳn xuống như những chiếc phao trôi lềnh phềnh trên đại dương toàn cỏ dài ngoằng.
Phần mộ của các giáo dân vốn giàu có lúc sinh thời nằm gần nhà thờ hơn cả, trong khi ở đây, dọc theo bức tường xây bằng đá thô là bia mộ của những người vừa mới được chôn cất.
Ở đây có địa tầng thẳng đứng. Năm trăm năm được đưa vào sử dụng đã khiến nghĩa trang nhà thờ có diện mạo của một ổ bánh mỳ năm tầng: một ổ bánh mỳ to tướng xanh lét mới ra lò, trồi lên cao hơn hẳn nền đất xung quanh. Tôi rùng mình ớn lạnh khi nghĩ đến những hài cốt nằm ngay dưới chân mình.
Hồi lâu sau tôi đi vu vơ giữa các tấm bia, đọc tên của những dòng họ thường được nhắc đến ở Bishop’s Lacey: Coombs, Nesbit, Barker, Hoare và Carmichael. Đây, với vết khắc mới trên đá, là William bé bỏng, bé trai sơ sinh của lão Tully Stoker, và nếu còn sống, chắc bây giờ chú ấy cũng phải ba mươi tuổi, và là anh trai của Mary. William xấu số qua đời khi mới năm tháng bốn ngày tuổi do bệnh “bạch hầu thanh quản” trên bia ghi như vậy, vào mùa xuân năm 1919, một năm trước khi ông Twining nhảy tự vẫn từ trên tháp đồng hồ ở Greyminster. Vậy thì rất có thể, người thầy giáo ấy cũng được chôn ở đâu đó gần đây.
Trong một khoảnh khắc tôi cứ ngỡ mình đã tìm thấy bia mộ của ông: một tấm bia đá đen có đỉnh kim tự tháp có tên Twining được khắc sơ sài trên đó. Nhưng khi nhìn kĩ, ông Twining này hóa ra là ông Adolphus, một người bị mất mạng ngoài biển vào năm 1809. Tấm bia đá của ông được giữ gìn cẩn thận đến mức tôi không thể cưỡng lại sự hối thúc được lần các ngón tay lên bề mặt đá bóng láng.
“Adolphus, chúc ông yên nghỉ,” tôi nói. “Dù ông đang ở nơi đâu.”
Phần mộ của ông Twining, tôi biết rõ – giả sử ông có phần mộ ở đây và tôi khó có thể tin khác đi – sẽ không phải là tấm bia sa thạch bị thời tiết làm thay đổi và nghiêng ngả như những chiếc răng đen sì bị sứt mẻ, và cũng sẽ không phải là bia kỷ niệm có cột chống với các chuỗi hạt ủ rũ và tường rào làm bằng sắt đánh dấu vị trí vốn thuộc về những gia đình giàu có nhất và thuộc dòng dõi quý tộc nhất ở Bishop’s Lacey (bao gồm vô số người đã mất thuộc dòng họ de Luce).
Cỏ ở ngoài nghĩa trang ngập đến tận hông tôi. Phía bên kia của bức tường đá là đường ven sông, và phía sau là một con sông. Đâu đó chỗ này là nơi cô Mountjoy biến mất sau khi chạy ù ra khỏi nhà thờ, ngay khi ông Vicar đề nghị chúng tôi cầu nguyện cho sự yên nghỉ của linh hồn Horace Bonepenny. Nhưng cô đã đi đâu vậy nhỉ?
Tôi lại bò qua cổng quàn một lần nữa, vào đường ven sông.
Lúc này tôi thấy rõ các bậc đá nằm rải rác giữa các cây rong lá liễu, ngay bên dưới bề mặt của con sông chảy chầm chậm, xuôi theo chiều gió dọc bờ ao đến tận bờ cát thấp ở tít phía xa kia. Bên trên và bên dưới đều có các giậu mâm xôi bao phủ xung quanh một cánh đồng trong nông trại Malplaquet.
Tôi cởi giày, cởi tất và bước lên bậc đá đầu tiên. Nước lạnh buốt hơn tôi tưởng. Nước mắt nước mũi tôi vẫn chảy và một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi, rằng biết đâu tôi sẽ chết vì bệnh viêm phổi trong một, hai ngày tới, và trở thành cư dân vĩnh hằng của nghĩa trang nhà thờ St. Tancred.
Vung vẩy tay điên cuồng như đánh tín hiệu semaphore, tôi thận trọng đi qua dòng nước và dẫm chân trần qua lớp bùn dưới bờ sông. Nắm chặt lấy một bụi cỏ dài, tôi kéo mình lên con đê, một con đê đắp ụ đất trồi lên giữa dòng sông và cánh đồng kế bên.
Tôi ngồi xuống để lấy hơi và phủi rác khỏi chân bằng một nắm cỏ dại mọc túm vào nhau dọc bờ giậu. Đâu đó rất gần một con chim gõ kiến đang hót rồi bỗng nhiên im lặng. Tôi lắng nghe, nhưng chỉ thấy tiếng o o của miền quê, tiếng o o của máy móc trên nông trại xa xa.
Đi tất và giày xong xuôi, tôi phủi bụi khắp mình và bắt đầu đi dọc bờ giậu – ban đầu trông bờ giậu y hệt lùm cây um tùm đầy gai nhọn và bụi mâm xôi. Khi chuẩn bị rẽ và quay trở lại lối cũ, tôi tìm thấy nó – một vết cắt hẹp trong bụi cây, hẹp lắm. Tôi lách mình qua và sang được bên kia hàng giậu.
Cách vài mét về phía sau, hướng về phía nhà thờ, có gì đó trồi lên khỏi lớp cỏ. Tôi thận trọng tiến lại, tóc sau ót tôi đựng đứng lên trong trạng thái cảnh báo cao độ.
Đó là một tấm bia, và được khắc qua loa trên đó là cái tên Grenville Twining.
Trên nền đá, chỉ có một từ duy nhất: Vale!
Vale! – đó là từ mà ông Twining hét lên khi ông nhảy từ trên đỉnh tháp đồng hồ xuống! Đó cũng là từ mà Horace Bonepenny đã nói với tôi trong lúc gần đất xa trời.
Sự thật trườn qua tâm trí tôi như một cơn sóng: bộ não đang ngắc ngoải của Bonepenny chỉ muốn được thú nhận về vụ ám sát ông Twining, và định mệnh chỉ cho ông ta có một từ duy nhất để thú tội. Khi nghe lời thú tội của ông ta, tôi là người còn sống duy nhất có thể gắn kết hai cái chết đó với nhau. Có lẽ, chỉ trừ Bob Stanley. Cũng chính là Pemberton.
Khi nghĩ đến điều đó, một cơn lạnh tê người chạy dọc sống lưng tôi.
Trên tấm bia của ông Twining không ghi ngày tháng, như thể người chôn xác muốn xóa sạch quá khứ của ông. Daffy đã đọc cho chúng tôi nghe về những câu chuyện mà trong đó, những kẻ tự sát bị chôn bên ngoài nghĩa trang nhà thờ, hoặc ở giao lộ, nhưng tôi hầu như không tin mấy câu chuyện đó ngoài niềm tin rằng đó chỉ là mấy câu chuyện tào lao tào lơ. Nhưng, tôi vẫn không ngừng hỏi, rằng liệu, giống như Dracula, ông Twining có nằm bên dưới chân tôi và được quấn chặt trong chiếc áo choàng thầy giáo của ông hay không?
Nhưng chiếc áo choàng bị giấu trên đỉnh tháp Anson House tôi tìm thấy – bây giờ chiếc áo đang ở chỗ cảnh sát không phải của ông Twining. Bố đã nói rất rõ rằng ông Twining có mặc áo choàng khi ông ngã xuống. Và chính Toby Lonsdale, cũng nói vậy trên tờ Hinley Chronicle.
Liệu có khi nào cả hai người đều sai lầm không? Nói cho cùng, bố đã thừa nhận rằng mặt trời có thể làm bố lóa mắt. Bố còn nói gì với tôi nữa?
Tôi nhớ như in từng lời nói của bố khi bố miêu tả ông Twining đứng trên lan can:
“Đầu thầy ấy như cháy đỏ lên,” Bố đã nói vậy. “Tóc thầy giống như đồng sáng trong ánh mặt trời đang lên; rất giống vầng hào quang của một vị thánh trong một cuốn sách sơn son thiếp vàng.”
Và rồi toàn bộ sự thật ùa vào tâm trí tôi như một cơn buồn nôn say sóng: chính Horace Bonepenny là người đứng trên thành lũy. Horace Bonepenny với mái tóc đỏ rực; Horace Bonepenny là kẻ có biệt tài bắt chước; Horace Bonepenny là một ảo thuật gia.
Toàn bộ sự việc là một ảo giác được lập kế hoạch một cách khéo léo!
Cô Mountjoy nói đúng. Ông ta đã giết chết cậu của cô.
Ông ta và kẻ đồng lõa, Bob Stanley, chắc chắn đã nhử thầy Twining lên đỉnh tháp, chắc chắn bọn họ giả vờ sẽ trả lại thầy con tem bị lấy cắp mà bọn họ đã giấu trên đó.
Bố đã kể cho tôi nghe về cách tính toán toán học siêu phàm của Bonepenny; các chuyến đi lảng vảng của hắn chắc chắn giúp hắn quá quen thuộc với mái ngói toà tháp.
Khi thầy Twining dọa sẽ phơi bày tội của chúng, chúng đã giết thầy, có lẽ bằng cách lấy gạch đập vào đầu thầy. Cú đánh chết người chắc chắn sẽ không thể bị dò ra sau khi thầy bị ngã từ độ cao đó. Và bọn chúng đã làm giả hiện trường của một vụ tự tử – việc này được lên kế hoạch bởi hai kẻ máu lạnh. Có lẽ bọn chúng đã tập dượt từ trước.
Chính ông Twining là người bị ngã xuống con đường rải sỏi, nhưng Horace Bonepenny mới là người bước đi trên thành lũy trong nắng sớm và chính Horace Bonepenny, trong chiếc áo choàng và mũ đi mượn, đã hét lên từ “Vale!” với đám học sinh dưới Sân trong. “Vale!” – một từ chỉ có thể gợi đến một vụ tự tử.
Sau khi hét lên như thế, hắn cúi xuống bên dưới lan can, còn Stanley vứt thi thể thầy qua hố thoát nước trên đỉnh tháp. Đối với một người quan sát bên dưới bị mặt trời làm lóa mắt, chắc chắn sự việc có vẻ như là người thầy giáo già đã ngã nhào thẳng từ trên xuống. Màn ảo thuật Sự hồi sinh của Tchang Fu được biểu diễn ở một sân khấu lớn hơn: những ánh mắt bị lóa và tất cả mọi thứ hiện ra.
Câu chuyện này mới thuyết phục làm sao!
Và trong suốt chừng ấy năm, bố đã tin rằng chính sự im lặng của bố đã khiến ông Twining phải tự tử, rằng bố chính là người chịu trách nhiệm trước cái chết của người thầy tội nghiệp đó! Một gánh nặng đáng sợ, và khủng khiếp được đặt trên vai bố!
Suốt ba mươi năm, mãi cho tới khi tôi tìm được bằng chứng trên mái ngói của Anson House, chưa một ai nghi ngờ đó là một vụ giết người. Và người ta gần như quên hẳn điều đó.
Tôi đưa tay chạm vào tấm bia mộ của ông Twining để giữ cho mình vững tinh thần.
“Ta thấy cháu đã tìm được ông ấy,” một người phía sau tôi nói, và khi nghe thấy giọng nói ấy, máu nóng trong tôi đông cứng lại.
Tôi quay ngoắt người lại và thấy mình đứng mặt đối mặt với Frank Pemberton.