Kỳ Án Chim Dẽ Giun

CHƯƠNG 24



Bị bắt cóc không bao giờ giống như người ta có thể hình dung. Trước hết, tôi không cắn xé hay cào cấu kẻ bắt cóc. Tôi cũng không la hét: tôi cứ lặng lẽ đi như một con cừu bị giết thịt.
Lời bào chữa duy nhất tôi nghĩ được là mọi sức lực của tôi đều được đầu tư nuôi dưỡng bộ não đang quay cuồng, và không còn chút sức lực nào để giúp cơ bắp hoạt động cả. Khi sự việc như thế này thực sự xảy ra với bạn, mấy chuyện nhảm nhí vô tình xuất hiện trong đầu bạn có thể cũng đáng ngạc nhiên lắm.
Tôi vẫn còn nhớ, ví dụ như lời tuyên bố của Maximilian trên kênh Islands, rằng điều duy nhất bạn có thể làm tiếng kêu la lớn hơn chỉ bằng cách hét.
Nói thì dễ, nhưng làm thì khó, nhất là khi mồm miệng đầy giẻ và đầu bị cuốn chặt trong áo khoác bằng vải tuýt của một kẻ lạ mặt nồng nặc mùi mồ hôi và sáp thơm bôi tóc.
Ngoài ra, tôi thầm nghĩ, ngày nay có ít hoàng tử ở Anh lắm. Người duy nhất tôi nghĩ ra được là chồng của Công chúa Elizabeth, Hoàng tử Philip, và con trai mới sinh của họ, Hoàng tử Charles.
Và thực tế là giờ tôi chỉ có một thân một mình.
Marie Anne Paulze Lavoisier sẽ làm gì trong hoàn cảnh này? Tôi tự hỏi. Hoặc, chồng bà, Antoine, sẽ làm gì?
Tình thế khó khăn này nhắc tôi nhớ lại tình cảnh em trai Marie Anne nằm tọt trong cái kén lụa bôi dầu và thở bằng ống. Và tôi biết, khó ai đó có thể nhảy ào vào Pit Shed để đưa tôi ra với lẽ phải được. Ở Bishop’s Lacey không có máy chém, và cũng chẳng có phép màu nào hết.
Không, ngẫm nghĩ về Marie Anne và gia đình bi đát của bà thì đáng thất vọng quá. Tôi phải tìm đến một nhà hóa học vĩ đại khác để lên dây cót tinh thần.
Ừm, Robert Bunsen, ví dụ thế, hoặc Henry Cavendish sẽ làm gì nếu hai người họ bị trói gô và bị nhét giẻ vào miệng dưới đáy một cái hầm bẩn thỉu nhớp nháp?
Tôi thực sự bất ngờ khi câu trả lời xuất hiện ngay trong đầu: họ sẽ có niềm tin.
Đúng rồi, tôi phải có niềm tin.
Tôi đang ở dưới đáy một chiếc hầm sâu đến gần hai mét, và nó giống một cách khó chịu với một nấm mồ. Tay chân tôi bị trói chặt và không dễ dàng gì để tôi cảm nhận mọi thứ xung quanh. Đầu tôi bị quấn chặt trong chiếc áo khoác của Pemberton – và hiển nhiên là hai ống tay áo được dùng để buộc chặt quanh đầu tôi – tôi không sao nhìn thấy gì hết. Thính giác của tôi bị bóp nghẹt bởi lớp vải nặng nề; khứu giác thì gần như bị tê liệt bởi cục giẻ nhét trong mồm.
Tôi khó nhọc hít thở, và, vì mũi bị bịt một phần, nên nỗ lực dù nhỏ nhất cũng làm tiêu hao hết chút ôxi cỏn con vừa chấp chới vào được buồng phổi. Tôi cần phải im lặng.
Nhưng dù sao thì khứu giác vẫn là cơ quan làm việc liên tục nhất của tôi, và bất chấp cái đầu bị quấn chặt, mùi của căn hầm vẫn rò rỉ hết cỡ và chui tọt vào lỗ mũi tôi. Dưới đáy hầm, mùi đất bốc lên chua loét vì phải nằm đây quá nhiều năm, ngay bên dưới nơi trú ngụ của con người: mùi đăng đắng nào đó mà tốt nhất là không nên nghĩ về nó làm gì. Thêm vào mùi chua loét đó là mùi dầu ô tô cũ, mùi nồng nồng của xăng, cacbon monoxit, lốp xe, và có lẽ, còn thoáng mùi bu-gi bị cháy khét từ lâu.
Và còn thoáng có cả mùi amoniac mà tôi nhận ra từ trước. Cô Mountjoy đã nói ở đây còn có chuột, và tôi sẽ không ngạc nhiên gì nếu phát hiện ra những bầy chuột sinh sôi nảy nở dồi dào trong những tòa nhà bị bỏ hoang dọc bờ sông này.
Đáng lo nhất là mùi hơi cống: mùi khó chịu của metan, hydro sunphua, sulphur dioxit và nito oxit – mùi của sự thối rữa và mục nát: mùi thoát ra từ một đường ống hở từ sông vào trong căn hầm mà tôi đang bị trói gô.
Tôi rùng mình khi nghĩ đến những thứ có thể đang tìm cách chui vào trong ống cống đó. Tốt nhất là để trí tưởng tượng nghỉ ngơi, tôi thầm nghĩ, và tiếp tục khảo sát đáy hầm.
Tôi gần như quên rằng mình đang ngồi. Pemberton ra lệnh cho tôi ngồi, và ông ta ấn tôi ngồi xuống, và tôi ngạc nhiên biết bao khi biết mình chưa nhận ra là mình đang ngồi trên cái gì. Giờ thì tôi có thể cảm nhận được cái mà mình đang ngồi lên: phẳng, cứng và chắc chắn. Bằng cách ngắc ngư lưng, tôi phát hiện thấy vật đó chỉ rung lên rất khẽ, cùng với một tiếng cọt kẹt của gỗ. Một thùng lớn đựng chè, tôi nghĩ vậy, hoặc một thứ tương tự. Liệu có phải Pemberton mang cái thùng đến đây từ trước, trước khi ông ta bắt được tôi ở nghĩa trang?
Lúc đó tôi mới nhận ra mình đang đói. Tôi chưa ăn gì ngoài một bữa sáng thiếu thốn, và nhân nghĩ đến điều đó, bữa sáng đã bị gián đoạn bởi sự xuất hiện đột ngột của Pemberton ngoài cửa sổ. Dạ dày tôi khẽ sôi lên trách móc, tôi chợt ước giá như mình quan tâm hơn nữa đến món bánh mỳ nướng và ngũ cốc.
Hơn thế nữa, tôi rất mệt. Hơn cả mệt: tôi bị kiệt sức hoàn toàn. Tôi ngủ không ngon giấc, và tác động kéo dài của bệnh cảm lạnh càng ngăn cản việc hít khí oxi của tôi.
Flave, thư giãn đi. Giữ cho đầu óc tỉnh táo. Pemberton sắp đến Buckshaw rồi.
Tôi đặt niềm tin vào thực tế là khi ông ta vào đến nhà tôi để tìm con tem Ulster Avenger, ông ta sẽ được chú Dogger thăm hỏi – người sẽ cương quyết chặn đứng hành động của ông ta lại.
Dogger tốt bụng! Tôi nhớ chú ấy biết bao. Chính cuộc sống Không Ai Biết này, dù cùng chung một mái nhà, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc trực tiếp hỏi chú ấy về quá khứ. Nếu tôi thoát được ra khỏi đây, tôi thề, rằng ngay khi có cơ hội, tôi sẽ đưa chú ấy đi cắm trại riêng với mình. Tôi sẽ đi thuyền với chú ấy ra Folly, và ở đó, tôi sẽ thết đãi chú bánh mỳ và dò hỏi chú mọi chuyện về quá khứ. Chú ấy sẽ vô cùng sung sướng trước sự đào thoát của tôi khỏi chốn này, đến mức chú ấy sẽ không nỡ lòng từ chối kể cho tôi nghe mọi chuyện.
Người đàn ông tử tế đã tưởng chính mình là người giết Horace Bonepenny, dù ngẫu nhiên trong trạng thái thần kinh bị kích động, và chú ấy làm vậy để bảo vệ bố tôi. Tôi chắc chắn điều đó. Chẳng phải Dogger cũng ở đó với tôi, trong hành lang bên ngoài phòng làm việc của bố sao? Chẳng phải chú ấy cũng nghe được cuộc cãi vã diễn ra trước cái chết của Horace Bonepenny sao?
Đúng rồi, dù xảy ra chuyện gì thì chú ấy cũng sẽ săn sóc ngôi nhà. Dogger vô cùng trung thành với bố – và với tôi. Trung thành đến hơi thở cuối cùng.
Vậy thì tốt rồi. Chú Dogger sẽ xử lý Pemberton, chắc chắn như vậy.
Hay là không?
Nếu Pemberton tìm được cách vào Buckshaw mà không bị phát hiện và vào được phòng làm việc của bố thì sao? Nếu ông ta làm chiếc đồng hồ trên bệ lò sưởi ngưng chạy, thò tay ra phía sau quả lắc, và không tìm thấy gì khác ngoài con tem Penny Black bị chọc thủng lỗ thì sao? Khi đó ông ta sẽ làm gì?
Câu trả lời chỉ có thể: ông ta sẽ quay trở lại đây và tra tấn tôi.
Có một điều rõ ràng nữa: tôi phải chạy trốn trước khi ông ta trở lại. Không còn thời gian để mà lãng phí đâu.
Khớp đầu gối tôi kêu rắc như hai cành cây khô khi tôi gắng sức đứng lên.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải nghiên cứu đáy hầm: để hình dung đặc điểm của nó và phát hiện ra bất cứ thứ gì có thể trợ giúp cho cuộc đào thoát của tôi. Với hai bàn tay bị trói chặt phía sau, tôi chỉ có thể rờ bức tường bê tông bằng cách đi chầm chậm quanh căn hầm, lưng dựa vào tường, sử dụng các đầu ngón tay để cảm nhận từng milimét của bề mặt tường. Nếu may mắn, biết đâu tôi lại tìm được một đồ vật nhọn như một công cụ để giải phóng hai tay.
Hai chân tôi bị buộc chặt đến nỗi tôi cảm thấy hai mắt cá chân cọ vào nhau kèn kẹt, và tôi phải phát minh ra cách nhảy lò cò của cóc. Mỗi bước nhảy của tôi được đi kèm bằng tiếng sột soạt của giấy cũ dưới chân.
Khi đến nơi mà tôi đoán chừng là cuối đường hầm, tôi cảm thấy một luồng không khí lạnh thổi vào mắt cá chân, như thể bên dưới, ngay sát sàn hầm, có một lỗ hổng. Tôi quay người và đối mặt với bức tường, cố móc một ngón chân vào cái gì đó, nhưng dây buộc chặt quá. Mọi cử động đều đe dọa sẽ ném tôi ra trước và đâm sầm mặt vào tường.
Tôi cảm thấy hai bàn tay mình nhanh chóng bị dính mùi hôi thối trên tường; chỉ riêng mùi đó thôi cũng khiến tôi buồn nôn rồi.
Tôi chợt nghĩ, nếu như tôi trèo lên thùng chè thì sao? Làm như thế, đầu tôi sẽ cao hơn tầm cao của hầm, và trên đó biết đâu lại có một cái móc: biết đâu cái móc ấy từng dùng để treo túi dụng cụ, hoặc đèn làm việc thì sao.
Nhưng trước hết tôi phải tìm cách quay trở lại cái thùng đó.
Bị buộc chặt như thế này, việc tìm lại cái thùng lâu hơn tôi tưởng. Nhưng tôi biết, sớm muộn gì hai chân tôi cũng đâm sầm vào cái thùng đó, sau khi tôi kết thúc cuộc trinh thám quanh căn hầm, và tôi sẽ trở lại nơi mình bắt đầu.
Mười phút sau, tôi thở hổn hển như con chó săn Ethipian, và tôi vẫn chưa đến được chỗ cái thùng. Hay tôi quên rồi? Tôi có nên tiếp tục hay quay trở lại nơi vừa bắt đầu nhảy?
Có lẽ cái thùng nằm giữa hầm còn tôi thì tự khiến mình mệt mỏi bằng cách nhảy nhót theo hình chữ nhật quanh hầm. Nhờ vào những gì tôi còn nhớ về căn hầm trong lần đầu tiên đến đây – mặc dù căn hầm bị các tấm ván lấp kín và tôi cũng không hẳn ngó xuống bên dưới – tôi nghĩ căn hầm không dài hơn ba mét và rộng hai mét.
Với mắt cá chân bị trói chặt, tôi chỉ có thể nhảy khoảng mười phân mỗi lần về mọi hướng: xem nào, mười hai bước nhảy nhân mười sáu. Dễ dàng nhận thấy nếu lưng tôi quay vào tường, điểm chính giữa của căn hầm sẽ chỉ khoảng sáu, hoặc tám bước nhảy nữa thôi.
Lúc này sự mệt nhọc bắt đầu chiếm lĩnh tôi. Tôi đang nhảy choi choi như một con châu chấu trong lọ mứt và không đi được tới đâu khác. Sau đó, ngay khi tôi định đầu hàng, tôi lại đá ống quyển vào thùng chè. Tôi ngồi xuống ngay lập tức để lấy hơi.
Một lúc sau, tôi bắt đầu lắc vai, đẩy ra sau một chút, và đẩy sang phải. Khi tôi đẩy vai sang trái, vai tôi chạm vào bê tông. Đáng khích lệ đây! Cái thùng nằm tựa vào tường – hoặc rất gần tường. Nếu tôi có thể xoay xở trèo lên mặt thùng, biết đâu tôi lại chẳng có cơ hội trườn lên được miệng hầm như một con sư tử biển trong bể nuôi. Một khi đã ra khỏi hầm, khả năng rất cao là tôi có thể tìm thấy một cái móc nào đó hoặc một đoạn tường nhô ra giúp tôi móc áo khoác của Pemberton và giật nó ra khỏi đầu. Sau đó, tôi có thể nhìn thấy mình đang làm gì. Tôi sẽ cởi trói hai tay, rồi cởi trói hai chân. Trên lý thuyết nghe có vẻ cái gì cũng dễ như trở bàn tay.
Cẩn trọng hết mức có thể, tôi quay người 90 độ để lưng đối diện với tường. Tôi ẩy lưng đến rìa thùng và co hai đầu gối lên cho đến khi chúng chạm vào chiếc áo khoác dưới cằm.
Có một cạnh hơi nhô lên quanh miệng thùng, và tôi có thể móc gót chân vào đó. Rồi chầm chậm… cẩn thận… tôi bắt đầu duỗi chân ra, trườn lưng, từng centimet một, lên tường.
Tôi và bức tường là một hình tam giác vuông. Bức tường và mặt thùng tạo thành các cạnh liền kề và đối diện nhau, còn tôi là cạnh huyền không vững chắc.
Một cơn tê chân đột nhiên xuất hiện khắp cơ bắp chân khiến tôi đau muốn hét lên. Nếu tôi để cơn tê chiếm lĩnh, tôi sẽ ngã xuống và có thể bị gãy chân, hoặc gãy tay. Tôi bắt mình đứng vững và đợi cho đến khi cơn tê đi qua, cắn chặt môi kìm nén, và tôi cảm nhận được ngay vị máu mằn mặn âm ấm của chính mình.
Flave, bình tĩnh, tôi nói với chính mình như vậy: còn có nhiều thứ tồi tệ hơn. Nhưng, trong đời mình, tôi không thể nghĩ ra điều gì tồi tệ hơn thế.
Tôi không biết mình đứng đó run rẩy trong bao lâu, nhưng có vẻ như lâu lắc lâu lơ rồi. Tôi ướt đẫm mồ hôi, nhưng vẫn cảm nhận thấy không khí man mát từ đâu đó lùa vào đôi chân trần của mình.
Sau một hồi lâu đấu tranh vất vả, tôi thấy mình cuối cùng cũng đứng thẳng được trên mặt thùng. Tôi lần các ngón tay lên tường, nhưng bức tường hoàn toàn trơn nhẵn.
Một cách vụng về, y như con voi mặc váy làm việc, tôi xoay ngoắt 180 độ cho đến khi nghĩ mình đang đứng đối diện với bức tường. Tôi tựa người vào tường và cảm thấy – hoặc tôi nghĩ là mình cảm thấy – mép hầm bên dưới cằm. Nhưng vì nguyên cái đầu bị cuốn chặt trong áo khoác của Pemberton, tôi cũng không dám chắc chắn.
Không có lối ra: không, ít nhất là theo hướng này. Tôi giống y một con chuột không dây vừa trèo lên đỉnh thang trong chuồng, và nhận thấy ở đó không lối đi nào khác, ngoài lối xuống. Nhưng chắc chắn những con chuột đó biết, tận sâu trong tâm khảm, rằng thoát ra khỏi chốn đó, chỉ là một ý tưởng phù phiếm; chỉ có chúng ta, chỉ có con người là không có khả năng chấp nhận tình trạng bơ vơ của mình.
Tôi chầm chậm ngồi thấp xuống mặt thùng. Trèo xuống, ít nhất là vậy, cũng dễ hơn là trèo lên, mặc dù bề mặt gỗ xù xì và cái gì đó như một gờ nhỏ chạy quanh miệng thùng khiến đầu gối tôi đau nhói. Từ đây, tôi có thể xoay sang hai bên về vị trí ngồi, và quăng chân qua miệng thùng cho đến khi tôi chạm được chân xuống sàn.
Trừ khi tôi tìm thấy chỗ hổng mà không khí lạnh ùa vào căn hầm, còn không lối ra duy nhất là trèo lên. Nếu quả thực có một đường ống, hoặc đường cống dẫn ra sông, liệu nó có đủ lớn để cho tôi bò qua không? Và nếu vừa cho tôi qua, thì nó có bị phong tỏa không, hay là tôi lại bỗng nhiên trườn mặt vào – giống một con côn trùng khổng lồ mù mắt – vào một nơi tối đen như mực và bị mắc kẹt trong ống nước, không thể nào tiến lên, mà cũng không thể nào lui lại?
Liệu xương xẩu của tôi có được tìm thấy ở một nơi nào đó ở nước Anh bởi một nhà khảo cổ học đang bối rối nào đó? Liệu tôi có bị trưng bày trong tủ kính của Viện Bảo tàng Anh và bị công chúng nhìn ngó đăm đăm mỗi ngày không? Đầu óc tôi quay cuồng cân nhắc giữa tán thành hay phản đối.
Nhưng đợi đã! Tôi đã quên các bậc thang ở cuối đường hầm! Tôi có thể ngồi trên bậc thềm cuối cùng và leo dần lên trên, mỗi lần một bậc thôi. Khi lên đến bậc trên cùng, tôi sẽ lấy vai đẩy tấm ván đậy miệng hầm lại. Tại sao tôi lại không nghĩ ra cách này ngay từ đầu: trước khi tôi làm mình tả tơi vì kiệt sức và run rẩy như thế này?
Đó là lúc có gì đó xuất hiện trong đầu tôi, bóp nghẹt ý thức của tôi như một cái gối. Trước khi tôi có thể nhận ra sự kiệt sức hoàn toàn của mình để làm gì, trước khi tôi kịp tập trung một trận đánh, thì tôi đã ngã xuống. Tôi thấy mình nằm bẹp xuống sàn nhà, giữa đám giấy lộn: bất chấp luồng hơi lạnh phả vào từ đường ống, những mẩu giấy vụn đó giờ đây lại ấm áp lạ kỳ.
Tôi khẽ cựa mình để được nằm sâu hơn nữa dưới lớp giấy vụn, và co hai cẳng chân lên gần cằm, tôi thiếp đi ngay.
Tôi mơ thấy Daffy đang sắm vai kịch câm mùa Giáng sinh. Hành lang lớn ở Buckshaw biến thành hộp CD tinh tế của nhà hát Viennese với tấm rèm bằng nhung đỏ và một chúc đài treo khổng lồ bằng pha lê đẹp lung linh, trong chúc đài, hàng trăm ngọn nến đang bập bùng nhảy nhót.
Tôi, chú Dogger, Feely và cô Mullet đang ngồi vai kề vai trên một hàng ghế, trong khi, ở băng ghế được khắc gỗ, bố đang bận rộn với mấy con tem.
Vở kịch Romeo and Juliet, và Daffy, với khả năng diễn xuất ngang cơ một nghệ sĩ đổi vai nhanh chóng, đóng hết các vai trong vở kịch. Chị ta vừa mới là Juliet đứng trên ban công (ở trên đỉnh cầu thang phía tây), thế mà, ngay sau đó, dù mới chỉ biến mất chưa đầy một cái nháy mắt, chị ta tái xuất trên gác lửng với vai Romeo.
Chị ta cứ bay lên rồi bay xuống, lên rồi xuống, làm tim chúng tôi thót lại vì những lời lẽ ngọt ngào của tình yêu.
Thi thoảng chú Dogger lại đặt ngón tay trỏ lên môi và lén đi ra khỏi phòng, và ít giây sau lại trở lại với một chiếc xe cút kít chất đầy tem và chú ấy đổ tem xuống chân bố. Bố, dù vẫn còn bận cắt cắt các con tem làm đôi bằng cây kéo cắt móng của Harriet, vẫn cằn nhằn này nọ mà không ngẩng mặt lên, và vẫn tiếp tục với việc riêng của mình.
Cô Mullet cười như điên trước bà vú già của Juliet, mặt cô đỏ bừng và chằm chằm ngó chúng tôi như thể có rất nhiều thông điệp được mã hóa trong những lời thoại mà chỉ có cô ấy mới hiểu. Cô ấy lau khuôn mặt đỏ lựng bằng chiếc khăn chấm bi, vặn vẹo cái khăn trong tay trước khi vo tròn nó thành một quả bóng và nhét nó vào mồm để ngăn cơn buồn cười đầy kích động của chính mình.
Lúc này Daffy (vai Mercutio) đang miêu tả Mab, vai bà chúa tiên, chạy nhanh như thế nào:
… Lướt trên môi các vị phu nhân là họ mơ thấy hôn hít yêu đương
Nhưng nhiều khi hơi thở của họ quá nồng hương kẹo bánh
Thì Mab nổi giận khiến họ mụn nhọt khắp người.
Tôi lén nhìn Feely, đôi môi trông giống y cái mà bạn thấy trên xe đẩy của người bán cá, đã thu hút sự chú ý của Ned – anh ta đang ngồi sau chị, tựa lên vai chị, hai môi anh ta trề ra, cầu xin một nụ hôn. Nhưng mỗi khi Daffy nhẹ nhàng bay từ ban công xuống gác lửng bên dưới để đóng vai Romeo (với bộ ria mỏng như cây viết chì, trông anh giống y David Niven trong vở A matter of Life and death hơn là một Montague quý tộc), Ned lại đứng phắt dậy vỗ tay điên cuồng và nhấn mạnh bằng những cái huýt sáo dài giữa hai ngón tay, còn Feely, cứ ngồi không động đậy, bỏ tọt kẹo bạc hà hết chiếc này chiếc khác vào miệng, và bất ngờ thở hổn hển khi Romeo bỗng nhiên xuất hiện trước nấm mồ cẩm thạch của Juliet:
Vì có Juliet nằm đây, và sắc đẹp của nàng
Khiến nhà mồ này sáng lạn như một phòng dạ hội đèn đuốc tưng bừng.
Hỡi những người đã khuất, hãy nằm đây…
Tôi tỉnh dậy. Khốn nạn! Có gì đó chạy trên chân tôi: ẩm ướt và có lông.
“Dogger ơi!” Tôi cố hét lên, nhưng mồm miệng tôi đầy ứ thứ vải ướt nhoét. Hai hàm tôi đau đớn và đầu tôi như thể tôi vừa bị kéo ra khỏi một nơi gió quất ào ào.
Tôi dùng cả hai chân đá thật mạnh và có gì đó chạy vội qua đám giấy lộn, kèm theo tiếng chít chít tức giận.
Một con chuột nước. Chắc hẳn căn hầm đầy rẫy những con chuột như thế. Liệu chúng có nhấm nháp ăn thịt tôi trong khi tôi ngủ gục không? Ý nghĩ đó làm tôi co rúm người.
Tôi kéo người lên và dựa lưng vào tường, hai chân vẫn nằm dưới cằm. Sẽ là quá nhiều nếu tôi mong đàn chuột gặm nhấm đám nút buộc như trong các câu chuyện cổ tích. Chắc chắn bọn chúng thích gặm các khuỷu chân khuỷu tay của tôi đến tận xương hơn và tôi sẽ hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn bọn chúng.
Flavia, thôi đi, tôi thầm nghĩ. Đừng để trí tưởng tượng bị hù dọa theo mình chứ.
Trước đây, cũng có vài lần, khi làm việc trong phòng thí nghiệm, hoặc khi nằm trên giường lúc nửa đêm, tôi bất ngờ bắt được mình đang nghĩ “Mày đang ở một mình với Flavia de Luce”, và suy nghĩ ấy, đôi khi thật đáng sợ, đôi khi lại không. Lúc này còn đáng sợ hơn nhiều.
Tiếng chạy gấp gáp nghe rất rõ: có gì đó đang lục lọi quanh đám giấy lộn ở góc căn hầm. Nếu tôi cử động chân, hoặc đầu, âm thanh đó sẽ ngừng lại một lúc, và rồi sau đó lại tiếp tục.
Tôi đã ngủ gục được bao lâu rồi? Vài giờ, hay vài phút? Bên ngoài trời vẫn sáng, hay đã trở tối rồi?
Tôi vẫn nhớ, thư viện sẽ đóng cửa đến tận sáng thứ Ba, mà hôm nay mới là thứ Hai. Tôi sẽ còn ở đây lâu lắm.
Chắc sẽ có người báo là tôi mất tích, hiển nhiên là vậy, và có thể sẽ là chú Dogger. Liệu có hy vọng nhiều quá không nếu tôi mong chú ấy sẽ bắt được Pemberton khi ông ta đang lục lọi ở Buckshaw? Nhưng ngay cả khi bị bắt, liệu Pemberton có nói cho họ biết nơi ông ta giấu tôi không?
Lúc này chân tay tôi đang tê cóng, và tôi nghĩ về Ernie Forbes già nua, con cháu ông bị bắt phải đưa ông đi dạo trên đường High Street trong một chiếc xe có bánh nho nhỏ. Một tay và hai chân ông Ernie bị hoại tử trong chiến tranh, và có lần Feely nói với tôi rằng ông ta phải…
Flavia, thôi đi! Đừng có làm một con bé con chỉ biết thét lên như thế!
Nghĩ đến cái gì đi. Nghĩ đến cái gì cũng được.
Nghĩ đi, ví dụ, sự trả thù chẳng hạn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.