Kỳ Án Chim Dẽ Giun

CHƯƠNG 3



Tôi chạy vội lên cầu thang phía chái tây. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là đánh thức bố dậy, nhưng có gì đó – như một cục nam châm vô hình – khiến tôi dừng bước. Daffy và Feely thì bất tài vô dụng trong trường hợp khẩn cấp; gọi hai chị ấy cũng chẳng ích gì. Nhanh chóng và khẽ khàng hết mức, tôi chạy ra sau nhà, đến căn phòng nho nhỏ ở trên đầu cầu thang phòng bếp, rồi gõ nhè nhẹ lên cửa.
“Chú Dogger ơi!” Tôi thì thào, “Cháu Flavia đây.”
Bên trong chẳng có động tĩnh gì, nên tôi lại gõ nhẹ lên cửa.
Sau hai giây rưỡi dài bất tận, tôi nghe tiếng dép lê của Dogger lệt sệt trên sàn. Ổ khóa kêu “cách” rất to khi then cửa được kéo ra và cánh cửa thận trọng hé mở khoảng năm centimet. Tôi thấy nét mặt chú hốc hác trong sớm bình minh, như thể đêm qua chú không ngủ được.
“Trong vườn có người chết,” tôi nói. “Cháu nghĩ chú nên đi xem thế nào.”
Khi tôi đang chuyển hết chân này đến chân kia và cắn nát móng tay vì lo lắng thì Dogger nhìn tôi với vẻ quở trách, sau đó chú biến mất vào bóng tối trong phòng mặc quần áo. Năm phút sau, hai chú cháu cùng đứng trong vườn dưa.
Rõ ràng là Dogger không lạ gì với người chết. Như thể đời chú chỉ làm việc này, chú quỳ xuống và đặt hai ngón tay lên góc sau xương hàm của xác chết xem nhịp còn đập không. Qua vẻ mặt vô cảm của chú, tôi biết nhịp không còn đập nữa.
Chậm rãi đứng lên, chú phủi tay, như thể hai bàn tay chú bị vấy bẩn.
“Tôi sẽ thông báo cho ông Đại tá,” chú nói.
“Không nên gọi cảnh sát sao?” Tôi hỏi.
Dogger đưa các ngón tay dài ngoằng lên chiếc cằm không cạo râu, như đang suy ngẫm về một câu hỏi có thể làm chấn động địa cầu. Có rất nhiều giới hạn hà khắc đối với việc sử dụng điện thoại ở Buckshaw.
“Có,” cuối cùng chú cũng nói. “Có lẽ chúng ta nên gọi.”
Hai chú cháu đi vào nhà với bước chân nặng trịch.
Dogger nhấc điện thoại lên và đưa ống nghe vào tai, nhưng tôi thấy chú vẫn dí chặt ngón tay trên giá để điện thoại. Chú há miệng rồi ngậm lại vài lần, và rồi khuôn mặt chú chuyển sang màu tai tái. Cánh tay chú run lẩy bẩy. Trong một giây, tôi nghĩ chú sắp làm rơi ống nghe đến nơi. Chú nhìn tôi bất lực.
“Đưa cho cháu,” tôi nói rồi cầm ống nghe từ tay chú. “Để cháu gọi.”
“Bishop’s Lacey 221,” tôi nói vào ống nghe.
“Sở cảnh sát đây,” một giọng trịnh trọng vang lên phía bên kia đầu dây.
“Cảnh sát Linnet phải không ạ?” Tôi nói, “Tôi là Flavia de Luce ở Buckshaw.”
Trước đây tôi chưa bao giờ gọi điện, vì vậy tôi phải vận dụng hết những gì mình đã nghe trên máy thu thanh và xem trên phim ảnh.
“Tôi muốn thông báo một ca tử vong,” tôi nói. “Ông cho Thanh tra đến được không?”
“Cô Flavia, cô muốn gọi cấp cứu đúng không?” Ông ta nói. “Chúng tôi không cử Thanh tra nếu tình hình không có dấu hiệu khả nghi. Đợi tôi tìm cây bút chì…”
Có sự ngắt quãng khó chịu khi tôi nghe tiếng ông ta lục lọi trong mớ văn phòng phẩm:
“Giờ cho tôi biết tên của nạn nhân, cô vui lòng nói chậm thôi, trước hết là họ của nạn nhân.”
“Tôi không biết tên ông ta,” tôi nói. “Là người lạ.”
Đúng là thế: tôi không biết tên ông ta. Nhưng tôi biết quá rõ rằng xác chết trong vườn – xác chết có mái tóc đỏ, trong bộ đồ màu xám – là người đàn ông mà tôi đã bí mật nhìn thấy qua lỗ khoá trên cửa phòng làm việc của bố. Người đàn ông mà bố đã…
Nhưng tôi không thể nói điều đó với bọn họ.
“Tôi không biết tên ông ta,” tôi lặp lại. “Trước đây tôi chưa từng nhìn thấy ông ta.”
Tôi đã bước quá giới hạn rồi.
Cô Mullet và cảnh sát đến cùng lúc, cô đi bộ từ trong làng ra còn cảnh sát bước xuống từ chiếc xe Vauxhall màu xanh nước biển. Khi chiếc xe kêu lạo xạo trên sỏi để dừng lại, cánh cửa trước mở ra và một người đàn ông bước xuống.
“Cô de Luce,” ông ta nói, như thể gọi to tên tôi lên như thế thì sẽ chế ngự được tôi vậy. “Tôi gọi cô là Flavia được không?”
Tôi gật đầu đồng ý.
“Tôi là Thanh tra Hewitt. Cha cô có nhà không?”
Viên Thanh tra khá ưa nhìn, tóc dợn sóng, mắt xám, và có vẻ ngang ngạnh khiến tôi nhớ đến hình ảnh Douglas Bader[12] trên bìa sau cuốn The War Illustrated đặt trong giá đựng màu trắng trong phòng khách.
“Bố cháu có nhà,” tôi nói, “nhưng bố cháu hơi khó ở.” Tôi mượn từ này của Ophelia. “Cháu sẽ đưa chú đến chỗ xác chết.”
Cô Mullet há hốc miệng và hai mắt trợn ngược lên.
“Ôi Chúa ơi! Xin lỗi cô Flavia, nhưng ôi Chúa ơi!”
Nếu cô đang đeo tạp dề, chắc chắn cô sẽ quăng nó qua đầu và chạy biến đi. Vì không có tạp dề nên cô chệnh choạng bước vào trong qua cánh cửa đang mở.
Có vẻ như đang đợi chỉ đạo, hai người đàn ông mặc quân phục màu xanh vẫn ngồi im trong ghế sau của ô tô, đến lúc này mới bước xuống.
“Đây là Hạ sĩ Woolmer và Hạ sĩ Graves,” Thanh tra Hewitt nói. Hạ sĩ Woolmer trông nặng nề to béo với cái mũi méo mó của một võ sĩ quyền anh; Hạ sĩ Graves trông vui vẻ, có mái tóc vàng lởm chởm như chim sẻ. Anh ta mỉm cười để lộ hai má lúm đồng tiền khi bắt tay tôi.
Hai viên Hạ sĩ lấy hộp dụng cụ trong thùng xe Vauxhall và tôi dẫn đầu đoàn diễu hành hết sức long trọng đi qua nhà để vào vườn.
Khi chỉ vào xác chết, tôi thích thú đứng nhìn viên Hạ sĩ Woolmer mở túi lấy máy ảnh và lắp vào giá ba chân bằng gỗ, các ngón tay béo tròn như xúc xích của anh ta khẽ điều chỉnh mấy cái nút nhỏ xíu bằng bạc trên kính hiển vi. Khi chụp vài bức ảnh xung quanh khu vườn và dành sự quan tâm đặc biệt vào vườn dưa chuột, Hạ sĩ Graves mở một chiếc túi da, trong đó, các chai lọ được sắp xếp gọn gàng theo hàng và tôi thoáng nhìn thấy một tập phong bì không thấm mỡ.
Tôi nuốt nước miếng và hào hứng đến gần để nhìn cho rõ.
“Cô Flavia,” Thanh tra Hewitt thận trọng bước vào vườn dưa, “cô vui lòng cho người pha cho chúng tôi vài tách trà được không?”
Chắc chắn ông ta nhìn thấy nét mặt của tôi.
“Sáng nay chúng tôi phải làm việc từ sớm. Cô giục họ pha trà nhanh nhanh nhé?”
Thế đấy. Giống một ca sinh đẻ hơn là ca tử vong. Không có hôn-nhanh-lên-má-và-lấy-mứt-cam, bóng hồng duy nhất ở đây được trưng dụng để chạy nước kiệu vào trong nhà xem nước được đun sôi chưa. Giục nhanh nhanh, thực thế đấy! Ông ta coi tôi là… cao bồi chắc?
“Thưa ngài Thanh tra, tôi sẽ kiểm tra xem có nước gì để uống,” tôi nói, với vẻ lạnh lùng, hy vọng thế.
“Cám ơn cô,” Thanh tra Hewitt nói. Sau đó, khi tôi giậm chân bước thình thịch đi về phía cửa bếp, ông ta gọi với, “À, cô Flavia này…”
Tôi quay người lại, lòng tràn trề hy vọng.
“Chúng tôi sẽ vào trong uống trà. Cô không cần phải ra đây nữa nhé.”
Không cần ư? Gì chứ! Thật là tức chết đi mất!
Ophelia và Daphne đang ngồi tại bàn ăn sáng. Cô Mullet đã tiết lộ tin tức khủng khiếp đó, và hai chị ấy có đủ thời gian để sắp cho mình tư thế thờ ơ giả tạo.
Hai môi Ophelia vẫn chưa xảy ra phản ứng như tôi mong đợi, và tôi phải nhớ ngay chi tiết này để ghi lại thời gian quan sát và kết quả vào sổ.
“Em thấy một người chết trong vườn dưa,” tôi nói.
“Đúng kiểu của mày quá còn gì,” Ophelia nói và tiếp tục tô vẽ lông mày.
Daphne đã đọc xong cuốn Lâu đài của Otranto và giờ đang mải mê đọc cuốn Nicholas Nikleby. Nhưng tôi thấy chị ta vừa đọc vừa cắn môi dưới: dấu hiệu không lẫn vào đâu được cho thấy tâm trí chị ta đang bị xao nhãng.
Một sự im lặng giả tạo.
“Có nhiều máu không?” Cuối cùng Ophelia cũng hỏi.
“Không,” tôi nói, “Không một giọt.”
“Người chết là ai?”
“Chịu,” tôi nói và thấy nhẹ nhõm trước cơ hội được né tránh sự thật.
“Cái chết của Kẻ lạ mặt,” Daphne tuyên bố bằng cái giọng rất giống phát thanh viên đài BBC; chị ta kéo mình ra khỏi cuốn sách của Dickens nhưng vẫn để một ngón tay vào sách để làm dấu.
“Sao chị biết là người lạ?” tôi hỏi.
“Dễ hiểu thôi,” Daffy nói, “không phải mày, không phải tao, không phải chị Feely. Cô Mullet đang ở trong bếp, Dogger đang ở trong vườn với cảnh sát, còn bố vẫn đang trên lầu và mấy phút trước bố còn tắm rửa trong buồng tắm nữa mà.”
Tôi định nói với chị ta rằng tôi mới là người tắm rửa, nhưng rồi lại quyết định không nói: nhắc đến việc tắm táp chắc chắn sẽ dẫn đến sự chế giễu việc vệ sinh cá nhân của tôi. Nhưng sau sự việc xảy ra trong vườn sáng nay, tôi cảm thấy nhu cầu bất ngờ của việc tắm nhanh và rửa ráy cho sạch.
“Có lẽ ông ta bị hạ độc,” tôi nói. “Người lạ ấy.”
“Lúc nào chẳng là thuốc độc, phải không?” Feely nói và hất tung tóc ra sau. “Ít nhất là thế trong mấy cuốn tiểu thuyết trinh thám giật gân. Trong trường hợp này, rất có thể nạn nhân mắc phải sai lầm chết người là ăn nhầm đồ ăn do cô Mullet nấu.”
Khi chị ta đẩy món trứng hầm dính nhớp nháp còn thừa đi, có gì đó thoáng xuất hiện trong tâm trí tôi, giống như một cục than cháy dở nhảy vọt ra khỏi lò sưởi và rơi bộp xuống nền nhà, nhưng trước khi tôi kịp định thần xem đó là gì, dòng suy nghĩ của tôi bị cắt ngang.
“Nghe này,” Daphne nói rồi đọc to những đoạn miêu tả vài vụ tấn công và hạ độc trong cuốn sách.
“Em biết rồi,” tôi nói, đẩy đĩa thức ăn của mình sang một bên. Bỏ bữa ăn sáng chưa hề được đụng tới, tôi chầm chậm đi lên cầu thang phía chái đông để lên phòng thí nghiệm.
Mỗi khi buồn, tôi đều tìm đến Nơi Chí Thánh của mình. Ở đây, giữa những chai lọ và cốc chén thuỷ tinh, tôi cho phép mình được vây bọc trong Tinh thần Hoá học – tôi nghĩ như vậy. Tại căn phòng này, thi thoảng tôi nhớ lại những phát minh của các nhà hoá học vĩ đại. Hoặc tôi âu yếm lấy một cuốn sách từ trên giá sách trong thư viện quý giá của cụ Tar de Luce, như bản dịch tiếng Anh của cuốn Elements of Chemistry của Antoine Lavoisier, xuất bản năm 1790. Dù đã một trăm sáu mươi năm trôi qua, những trang giấy của cuốn sách vẫn cứng cáp như giấy gói hàng loại dày. Tôi sung sướng biết bao trước những cái tên từ ngày xửa ngày xưa đang đợi tôi đọc trên từng trang giấy: Bơ Antimon… Những bông hoa thạch tín[13].
“Chất kịch độc,” Lavoisier[14] gọi chúng như thế và tôi mê mệt trước cách gọi tên hết sức thú vị này.
“Màu vàng Hoàng đế![15]” tôi nói lớn và uốn lưỡi thật cong để nhấm nháp những từ đó bất chấp bản chất độc hại của chúng. “Nước mắt thần Vệ nữ![16]”
Nhưng lần này việc đó không hiệu quả: tâm trí tôi vẫn bay vút đến bố và khiến tôi nghĩ miên man về những điều mình đã nhìn thấy và nghe thấy. Twining là ai – “Chén trà đã nguội lạnh” – người đàn ông mà bố nói rằng hai người đã giết chết ông ấy? Và tại sao bố không ra ăn sáng? Điều đó khiến tôi thực sự lo lắng. Bố vẫn luôn cương quyết cho rằng bữa sáng “là đại tiệc của cơ thể”, và như tôi biết thì không gì trên đời có thể thúc ép bố bỏ bữa sáng.
Sau đó, tôi nghĩ về mấy đoạn văn trong cuốn sách của Dickens mà Daphne đọc cho tôi nghe. Có phải bố đánh nhau với kẻ lạ mặt đó và phải hứng chịu những vết thương không thể che giấu được ở bàn ăn không? Hay bố bị tổn thương bên trong, những vết thương không nhìn thấy được? Có lẽ đây là điều xảy ra với người đàn ông có mái tóc đỏ quạch kia. Thế nên tôi mới không nhìn thấy tí máu me nào? Bố có phải là kẻ sát nhân không? Giết người thêm một lần nữa ư?
Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi cố giữ bình tĩnh và tìm đến cuốn Từ điển Oxford. Tôi lật mạnh cuốn từ điển đến chữ V. Kẻ lạ mặt đó đã thều thào từ gì trước mặt tôi nhỉ? “Vale!” Đúng rồi.
Tôi từ từ lật các trang từ điển: vagabondical… vagrant… vain… đây rồi: vale: tạm biệt; chia tay; bai bai. Được phát âm là val-eh, và là lối mệnh lệnh ngôi thứ hai của động từ Latin valere, đầy đủ là thế.
Quả là kỳ dị khi một người đang hấp hối thốt ra từ đó với một người lạ huơ lạ hoắc.
Có tiếng ồn đột ngột vang lên ngoài hành lang làm gián đoạn suy nghĩ của tôi. Ai đó đang gõ vào chiếc chuông đĩa tạo ra tiếng boong boong ầm ĩ. Đó là chiếc đĩa khổng lồ, vốn không được kêu boong boong suốt một thời gian dài, và điều đó giải thích vì sao tôi lại hoảng hốt đến vậy trước âm thanh chói tai ấy.
Tôi chạy ra khỏi phòng thí nghiệm, xuống cầu thang và nhìn thấy một người đàn ông ngoại cỡ đang đứng đó, tay lăm lăm búa chuông.
“Coroner,” ông ta nói, và tôi hiểu rằng ông ta đang nói về chính mình. Mặc dù ông ta không phiền hà gì khi giới thiệu tên mình, nhưng tôi nhận ra ngay lập tức, vì ông ta là bác sĩ Darby, một trong hai hội viên của phòng y tế duy nhất ở Bishop’s Lacey.
Bác sĩ Darby là bản sao hoàn hảo của John Bull: mặt mũi đỏ au, hai cằm, bụng to phình như cánh buồm căng phồng gió. Ông ta mặc bộ quần áo màu nâu, thắt lưng ca rô màu vàng, và mang theo chiếc túi đen truyền thống. Như thể còn nhớ tôi – năm trước ông ta khâu tay cho tôi sau khi tôi gặp nạn với mảnh vỡ thủy tinh trong phòng thí nghiệm – ông ta không ra dấu hiệu gì mà chỉ đứng đợi.
Vẫn không thấy bố và Dogger đâu. Tôi biết Feely và Daffy sẽ không bao giờ chịu hạ cố xuất hiện khi có tiếng chuông, (“Quá là máy móc,” Feely nói), còn cô Mullet thì luôn ở rịt trong bếp.
“Cảnh sát ở trong vườn ạ,” tôi nói với ông ta. “Cháu sẽ chỉ đường cho bác.”
Chúng tôi bước ra ngoài trời nắng, Thanh tra Hewitt ngẩng mặt lên khi đang kiểm tra sợi dây giày màu đen thò ra từ vườn dưa.
“Buổi sáng tốt lành, anh Fred,” ông ta nói. “Tôi nghĩ tốt nhất anh nên đến đây liếc qua xem thế nào.”
“Ừm,” bác sĩ Darby nói. Ông ta mở túi và lục lọi bên trong một giây trước khi lấy ra một túi giấy trắng. Ông ta cho hai ngón tay vào túi và lấy ra một viên kẹo bạc hà, sau đó thả tọt vào miệng nhai chóp chép.
Tích tắc sau ông lội qua vườn dưa xanh mướt và quỳ xuống bên cạnh xác chết.
“Các anh có biết người này không?” Ông ta hỏi, mồm vẫn trệu trạo nhai kẹo.
“Có vẻ không,” Thanh tra Hewitt nói. “Túi quần không có gì… không giấy tờ tuỳ thân… nhưng có lý do để tin rằng anh ta mới từ Na Uy đến.”
Mới từ Na Uy đến ư? Chắc chắn đây là sự suy luận theo đúng mô tuýp truyện của thám tử Holmes lừng danh – và tôi còn được nghe tận tai cơ đấy! Suýt nữa thì tôi sẵn lòng tha thứ cho sự thô lỗ lúc trước của viên Thanh tra này. Suýt nữa thôi… đừng hòng tha thứ thật.
“Chúng tôi đã đăng tin, gọi đến các trạm dừng chân và tiến hành các công việc cần thiết.”
“Dân Na Uy khốn nạn!” Bác sĩ Darby vừa nói vừa giơ túi lên để đóng lại. “Kéo bè kéo lũ đến đây như chim kéo đến hải đăng, rồi chết ngủm ra đấy, còn chúng ta phải đi dọn xác. Không công bằng chút nào, anh có thấy thế không?”
“Tôi cần biết thời gian nạn nhân chết là khi nào?” Thanh tra Hewitt hỏi.
“Khó nói lắm. Lúc nào chẳng thế. À, cũng không hẳn, mà thường là thế.”
“Hơn hoặc kém cũng được.”
“Với chứng xanh tím này thì khó nói lắm: mất khối thời gian mới biết chứng mắc toi này xảy ra lúc nào. Cỡ khoảng 8 đến 12 giờ. Tôi có thể nói rõ hơn cho anh biết sau khi chúng ta cho anh bạn này lên bàn khám nghiệm tử thi.”
“Như vậy là khoảng…?”
Bác sĩ Darby vén cổ tay áo lên xem đồng hồ.
“Để tôi xem nào… bây giờ là 8:22, như vậy là không sớm hơn giờ này hồi tối qua và không muộn hơn lúc nửa đêm.”
Nửa đêm! Chắc chắn là tôi hít vào hơi mạnh, vì cả Thanh tra Hewitt và bác sĩ Darby đều quay sang nhìn tôi. Làm sao tôi có thể nói với họ rằng, mới chỉ vài giờ trước, người lạ mặt đến từ Na Uy kia đã thều thào nói lời cuối cùng trước mặt tôi?
Giải pháp đơn giản quá rồi. Tôi co giò chạy.
Tôi thấy Dogger đang tỉa hoa hồng trong vườn dưới cửa sổ thư viện. Không khí đượm mùi thơm quyến rũ như trong những thùng trà phương Đông.
“Chú Dogger, bố cháu vẫn chưa xuống à?” Tôi hỏi.
“Cô Flavia, năm nay hoa hồng Lady Hillingdons nở đẹp quá,” chú nói, với vẻ không hay biết gì; như thể chưa hề xảy ra cuộc chạm trán lén lút giữa tôi và chú hồi tối qua. Được thôi, tôi nghĩ bụng, thích chơi thì chơi luôn.
“Đẹp lắm lắm,” tôi nói. “Còn bố cháu thì sao?”
“Hình như ông ngủ không ngon. Chắc là ông nán lại ngủ thêm một chút.”
Nán lại ngủ thêm một chút ư? Làm sao bố có thể nằm trên giường khi nhà cửa đang nhan nhản cảnh sát chứ? “Bố cháu thế nào khi chú báo cho bố biết về… ừm, chú biết đấy… trong vườn?”
Dogger quay người và nhìn thẳng vào mắt tôi.
“Thưa cô, tôi vẫn chưa nói cho ông biết.”
Chú vươn tay ra và bằng một tiếng cắt đột ngột của cây kéo tỉa cây, chú xén bớt một bông hoa không-hoàn-hảo. Bông hoa rơi bộp xuống đất, và ở đó, những cánh vàng nhăn nheo chằm chằm ngó lên chúng tôi.
Cả hai chúng tôi đều đăm đăm ngó xuống bông hoa bị cắt cụt, cùng suy ngẫm về động thái kế tiếp của mình, và đúng lúc đó, Thanh tra Hewitt xuất hiện phía góc nhà.
“Flavia,” ông ta nói, “Tôi có điều muốn nói với cháu.”
“Trong này,” ông ta nói thêm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.