Người nói chuyện với cháu ở ngoài kia là ai?” Thanh tra Hewitt hỏi.
“Chú Dogger,” tôi nói.
“Tên là gì?”
“Flavia,” tôi buột miệng.
Chúng tôi đang ngồi trên một trong những bộ ghế sofa từ thời Regency[17] trong Phòng Hoa hồng. Viên Thanh tra gõ gõ chiếc bút bi Biro và quay hông sang đối diện với tôi.
“Thưa quý cô de Luce, nếu cô chưa hiểu hết vấn đề – và tôi đồ rằng cô vẫn chưa hiểu hết – thì đây là cuộc điều tra một vụ giết người. Tôi không cho phép có sự bỡn cợt. Một người đàn ông bị chết và tôi có nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân, thời điểm, phương thức dẫn đến cái chết và kẻ ra tay giết người. Và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi có trách nhiệm lớn hơn là phải giải thích vụ việc với Đức Vua. Tức là Vua George VI, và Vua George VI không thích bỡn cợt bông lơn đâu. Tôi nói vậy cô đã hiểu rõ chưa?”
“Dạ, thưa ông, rồi ạ,” tôi nói, “Tên chú ấy là Arthur: Arthur Dogger.”
“Và ông ta là người làm vườn tại Buckshaw?”
“Vâng, hiện tại là thế.”
Viên Thanh tra mở cuốn sổ màu đen ra và viết chữ nhỏ tin hin vào sổ.
“Trước đây ông ta không phải là người làm vườn sao?”
“Chú ấy là người làm việc vặt,” tôi nói. “Chú ấy còn là người lái xe cho đến khi thần kinh của chú ấy bị kích động…”
Mặc dù quay mặt đi chỗ khác nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự dữ dội trong ánh mắt của viên Thanh tra.
“Chiến tranh,” tôi nói. “Chú ấy là tù binh chiến tranh. Bố cháu cảm thấy là… bố cháu cố gắng…”
“Tôi hiểu,” Thanh tra Hewitt nói, giọng nói của ông ta bất chợt dịu xuống. “Dogger hạnh phúc nhất khi được làm vườn.”
“Chú ấy hạnh phúc nhất khi được làm vườn.”
“Cháu là một cô bé thông minh đấy,” ông ta nói. “Trong hầu hết các trường hợp, tôi phải đợi cho đến khi bố cháu có mặt, nhưng vì bố cháu khó ở…”
Khó ở ư? À, tất nhiên là thế rồi! Suýt nữa thì tôi quên lời nói dối nho nhỏ của mình.
Bất chấp vẻ mặt bối rối tạm thời của tôi, viên Thanh tra nói tiếp:
“Cháu nói rằng trước ông Dogger làm lái xe. Bố cháu còn xe ô tô không?”
Thực tế là có chứ: chiếc Rolls-Royce Phantom II cổ lỗ hiện đang được cất trong nhà để xe ngựa. Thật ra đó là chiếc xe của mẹ Harriet, nhưng nó không được sử dụng kể từ ngày thông tin về cái chết của mẹ ập đến Buckshaw. Hơn nữa, dù bố không biết lái xe, nhưng bố không đời nào cho phép người khác đụng vào nó.
Hậu quả là, thùng của chiếc xe thuần chủng cũ kỹ cao sang này, với ca-pô màu đen dài thượt và bộ tản nhiệt mạ kền theo phong cách Palladian với chữ R’s quấn vào nhau từ lâu đã bị chuột đồng cắn thủng lỗ chỗ vì chúng tìm được lối lên từ sàn gỗ của xe và làm ổ trong ngăn chứa nhỏ xíu làm bằng gỗ dái ngựa. Dù đã hư hỏng cũ nát nhưng thi thoảng chiếc xe vẫn được gọi bằng tiếng “The Royce” thân thương, như mấy người tầng lớp quý tộc vẫn thường gọi xe cưng của mình.
“Chỉ có thợ cày mới gọi nó là Rolls,” có lần Feely nói vậy khi tôi cư xử chưa phải lối trong giây lát trước mặt chị.
Mỗi khi muốn được một mình ở một nơi nào đó, tôi thường chui vào ánh sáng mờ tối trong chiếc xe bám đầy bụi của mẹ Harriet, và ở đó, tôi ngồi hàng giờ trong không khí nóng như lò ấp trứng, xung quanh là những mẩu thảm tả tơi và những mảnh da rách bươm.
Trước câu hỏi bất ngờ của viên Thanh tra, tâm trí tôi bay vụt trở về một ngày giông bão tối trời của mùa thu năm trước, một ngày mưa tuôn như thác và gió xoáy điên cuồng. Nguy cơ cành cây bị gãy là rất cao, việc đánh bạo đi bộ trong rừng ở Buckshaw là quá mạo hiểm, nên tôi lén lẻn ra khỏi nhà và vất vả vượt qua cơn cuồng phong đến nhà để xe ngựa để suy nghĩ cho ra ngô ra khoai. Chiếc Phantom hiện lên trong ánh sáng yếu ớt khi gió bão gào rú và đập uỳnh uỳnh vào cửa sổ như lũ yêu tinh bị bỏ đói kêu thét. Tay tôi đặt sẵn sàng lên nắm cửa ô tô trước khi tôi kịp nhận thấy có người đang ngồi bên trong xe. Tôi sợ đến hồn xiêu phách lạc. Nhưng rồi tôi nhận ra đó là bố. Bố ngồi đó, nước mắt tuôn trào xuống mặt mà không hay biết đến cơn bão khủng khiếp bên ngoài.
Tôi đứng chết trân suốt mấy phút, sợ không dám cử động, sợ không dám thở. Nhưng khi bố từ từ với nắm cửa, tôi phải lặng lẽ chống tay cúi thấp người như một chuyên viên thể dục và chui xuống gầm xe. Từ khóe mắt, tôi nhìn thấy một chiếc ủng cao su bóng lộn hoàn hảo bước xuống khỏi bậc xe, và khi bố chầm chậm bước đi, tôi nghe thấy một âm thanh giống như tiếng thổn thức bị buột ra. Tôi nằm đó ngó đăm đăm lên sàn chiếc xe Rolls-Royce của mẹ Harriet một hồi lâu.
“Còn ạ,” tôi nói. “Trong nhà để xe ngựa có một chiếc Phantom cũ.”
“Và bố cháu không biết lái xe.”
“Vâng.”
“Tôi hiểu.”
Viên Thanh tra cẩn thận đặt chiếc bút bi Biro và sổ tay xuống như thể chúng được làm bằng pha lê tận xứ Venice.
“Flavia này, tôi muốn hỏi cháu một câu hỏi vô cùng quan trọng. Cách trả lời của cháu có vai trò quyết định, cháu hiểu rồi chứ?”
Tôi gật đầu.
“Tôi biết cháu là người thông báo… về vụ việc này. Nhưng ai là người đầu tiên phát hiện ra thi thể đó?”
Đầu óc tôi quay mòng mòng. Liệu nói ra sự thật có đồng nghĩa với việc buộc tội bố không? Liệu cảnh sát có biết tôi đã gọi chú Dogger ra vườn dưa không? Hiển nhiên là không rồi: viên Thanh tra mới chỉ biết danh tính chú Dogger, vì vậy hẳn là họ vẫn chưa chất vấn chú ấy. Nhưng nếu bọn họ thẩm vấn chú, chú sẽ nói những thông tin gì với họ? Chú ấy sẽ bảo vệ ai: Bố hay tôi? Liệu có cuộc khám nghiệm nào cho thấy nạn nhân vẫn còn sống khi tôi phát hiện ra ông ta không?
“Cháu,” tôi buột miệng nói. “Cháu tìm thấy xác chết.”
“Đúng như tôi nghĩ,” Thanh tra Hewitt nói.
Tiếp đến là một trong những khoảng lặng khó xử. Sự tĩnh lặng này được phá vỡ bởi sự có mặt của Hạ sĩ Woolmer, anh ta đang dùng thân hình đồ sộ của mình để đỡ bố vào phòng.
“Thưa Sếp, chúng tôi tìm thấy ông ta trong nhà để xe ngựa,” viên Hạ sĩ nói. “Trốn trong một chiếc ô tô cũ.”
“Ông kia, ông là ai?” Bố ra lệnh. Bố nổi giận, và chỉ trong tích tắc, tôi thoáng nhận thấy người đàn ông mà một lần tôi đã nhìn thấy trong cơn mưa. “Ông là ai, và ông đang làm gì trong nhà tôi vậy?”
“Thưa ông, tôi là Thanh tra Hewitt,” viên Thanh tra nói và đứng lên. “Hạ sĩ Woolmer, cám ơn anh.”
Viên Hạ sĩ bước lùi hai bước cho đến khi khuất hẳn khỏi khung cửa, và đi mất.
“Vậy,” bố nói, “thưa ngài Thanh tra, có vấn đề gì sao?”
“Thưa ông, tôi e là có. Một thi thể được tìm thấy trong vườn nhà ông.”
“Ông nói sao, một thi thể ư? Một xác chết ư?”
Thanh tra Hewitt gật đầu. “Vâng, thưa ông,” ông ta nói.
“Của ai? Ý tôi hỏi là ai chết?”
Vào khoảnh khắc đó tôi nhận thấy bố không bị bầm tím, không bị cào cấu, không vết cắt, da thịt cũng không trầy xước… ít nhất cũng không có dấu hiệu nào nhìn thấy được. Tôi cũng nhận thấy mặt mũi bố bắt đầu trắng bệch, trừ đôi tai bởi chúng đang chuyển sang màu hồng hồng giống chất dẻo Plasticine.
Và tôi nhận thấy viên Thanh tra cũng phát hiện ra điều đó. Ông ta không trả lời câu hỏi của bố mà cứ để nó lơ lửng trong không trung.
Bố quay lưng và bước đi theo đường vòng cung rất dài đến tủ đựng rượu, các đầu ngón tay ông chạm vào bề mặt của mọi đồ đạc ông đi ngang qua. Ông đặt tay vào chai rượu Votrix pha Gin và lấy xuống, rồi nhanh như cắt, rượu được rót ra ào ào cho thấy ông thường làm vậy nhiều lần hơn tôi có thể hình dung.
“Đại tá de Luce, chúng tôi vẫn chưa xác định được danh tính nạn nhân. Thật ra, chúng tôi hy vọng ông sẽ trợ giúp chúng tôi.”
Lúc này, nét mặt bố trắng bệch hơn nữa, và đôi tai bố càng đỏ hơn.
“Ông Thanh tra, tôi xin lỗi,” bố nói bằng giọng gần như không nghe thấy được. “Làm ơn đừng hỏi tôi… tôi không quen với cảnh chết chóc lắm, ông thấy rồi đấy…”
Không quen với chết chóc lắm? Bố là một quân nhân, và quân nhân ắt phải chung sống với người chết; sống vì người chết; sống nhờ cái chết. Kỳ cục lắm, đối với một người lính chuyên nghiệp, cái chết là sự sống. Đến tôi cũng biết rõ điều đó.
Ngay lập tức tôi nhận ra bố vừa nói dối, và đột nhiên, không cần cảnh báo, đâu đó trong tôi, một sợi chỉ nhỏ đứt tung. Có cảm giác như thể tôi già hơn tuổi và cái gì đó cũ kỹ vội bật ra.
“Thưa ông, tôi hiểu,” Thanh tra Hewitt nói, “nhưng trừ khi các phương thức khác tự lộ diện…”
Bố lấy chiếc khăn tay từ trong túi quần ra lau trán – rồi lau cổ.
“Ông biết đấy, tôi hơi bất ngờ,” bố nói, “việc này…”
Bố vung bàn tay run rẩy, và khi bố làm vậy, Thanh tra Hewitt cầm sổ, lật trang bìa ra và bắt đầu viết. Bố chầm chậm bước về phía cửa sổ và ở đó, bố giả vờ nhìn ngó toàn cảnh. Tâm trí tôi có thể hình dung rất rõ khung cảnh đó: hồ nhân tạo; hòn đảo với tòa lâu đài đổ nát Folly; đài phun nước khô roong vốn bị ngắt nước từ hồi chiến tranh nổ ra; những ngọn đồi phía xa tít.
“Cả buổi sáng nay ông có ở trong nhà không?” Viên Thanh tra hỏi mà không cần phải dạo đầu.
“Sao cơ?” Bố quay người lại.
“Từ tối hôm qua đến giờ ông có ra khỏi nhà không?”
Một khoảng lặng khá lâu trước khi bố trả lời.
“Có,” cuối cùng bố cũng nói. “Sáng nay tôi có ra ngoài. Đến nhà để xe ngựa.”
Tôi phải kìm nén một nụ cười. Có lần thám tử lừng danh Sherlock Holmes nhận xét về anh trai Mycroft của mình, rằng người ta khó lòng tìm thấy ông ấy bên ngoài Câu lạc bộ Diogenes cũng như thấy chiếc xe điện đi xuống con đường mòn ở thôn quê. Giống như Mycroft, bố cũng có vài hành trình nhất định. Trừ khi đến nhà thờ và những lần thi thoảng vội vàng ra bắt tàu hỏa để tham dự triển lãm tem, hiếm khi nào bố bước chân ra khỏi cửa.
“Thưa Đại tá, lúc đó khoảng mấy giờ?”
“Bốn giờ, chắc vậy. Có lẽ sớm hơn một chút.”
“Vậy là ông ở trong nhà để xe ngựa chừng…”
Thanh tra Hewitt nhìn đồng hồ đeo tay.
“… năm tiếng rưỡi? Từ bốn giờ sáng nay cho đến giờ?”
“Vâng, cho đến giờ.” Bố nói. Bố không quen bị hỏi, và mặc dù viên Thanh tra không nhận ra điều đó, nhưng tôi cảm thấy sự tức giận gia tăng trong giọng nói của bố.
“Tôi hiểu rồi. Ông có thường ra ngoài vào giờ đó không?”
Câu hỏi của viên Thanh tra có vẻ bình thường, gần giống như đang tán gẫu, nhưng tôi biết không phải thế.
“Không, tôi không thường ra ngoài vào giờ đó,” bố nói. “Ông hỏi vậy là có ý gì?”
Thanh tra Hewitt gõ gõ chiếc bút Biro lên chóp mũi, như thể ông ta sắp đệ trình câu hỏi kế tiếp trước ủy ban nghị viện.
“Ông có nhìn thấy ai khác không?”
“Không,” bố nói. “Tất nhiên là tôi không nhìn thấy ai khác. Không một bóng người.”
Thanh tra Hewitt ngừng gõ lên mũi để ghi chép.
“Không ai sao?”
“Không.”
Như thể đã biết trước câu trả lời, viên Thanh tra khẽ gật đầu buồn bã. Ông ta có vẻ thất vọng, vừa thở dài vừa nhét cuốn sổ vào túi trong.
“À, thưa ông Đại tá, nếu ông không phiền, tôi có câu hỏi cuối cùng,” ông ta đột nhiên nói, hình như ông ta vừa nghĩ ra câu hỏi đó. “Ông làm gì trong nhà để xe ngựa vậy?”
Ánh mắt của bố lướt khỏi cửa sổ và quai hàm bố bạnh ra. Sau đó bố quay người nhìn thẳng vào mắt viên Thanh tra.
“Ông Thanh tra, tôi chưa sẵn sàng để nói với ông điều đó,” bố nói.
“Cũng không sao,” Thanh tra Hewitt nói. “Tôi nghĩ rằng…”
Đúng lúc này cô Mullet dùng cặp mông lúc lắc ẩy cửa ra và lạch bạch đi vào phòng với một chiếc khay đầy ứ.
“Tôi mang cho mọi người bánh hạt nghiền ngon tuyệt đây,” cô nói, “bánh hạt nghiền, trà, và một ly sữa tươi ngon cho cô Flavia.”
Bánh hạt nghiền và sữa! Tôi căm ghét bánh hạt nghiền không kém gì thánh Paul căm ghét tội ác. Có khi còn hơn ấy. Tôi muốn trèo ngay lên bàn, cắm chiếc xúc xích vào cái dĩa giống như vương trượng và hét lên với giọng nói vang rền nhất của Laurence Olivier[18], “Có ai giải thoát chúng tôi khỏi mụ nướng bánh gớm ghiếc này không?”
Nhưng tôi không làm vậy. Tôi vốn biết giữ mồm giữ miệng đúng mực mà.
Khẽ nhún đầu gối, cô Mullet đặt khay đồ ăn thức uống xuống trước mặt Thanh tra Hewitt, rồi cô bất ngờ nhận ra bố – bố vẫn đứng cạnh cửa sổ.
“Ôi! Đại tá de Luce. Tôi cứ mong ông xuất hiện. Tôi muốn nói với ông rằng tôi đã vứt con chim chết toi mà chúng ta tìm được trên bậc cửa ngày hôm qua rồi.”
Đâu đó trong tư tưởng cô Mullet cho rằng cách diễn đạt như vậy không có vẻ gì là lạ, mà lại thi vị, nên thơ.
Trước khi bố kịp đánh lạc hướng cuộc trò chuyện, Thanh tra Hewitt đã chớp lấy thời cơ.
“Một con chim chết toi trên bậc cửa à? Cô Mullet, cô kể cho tôi nghe đi.”
“À, thưa ông, lúc đó Đại tá, cô Flavia và tôi đây đang ở trong bếp. Tôi mới lấy chiếc bánh trứng sữa ngon lành ra khỏi lò nướng và đặt trên cửa sổ để làm mát. Vào khoảng thời gian đó trong ngày đầu óc tôi thường nghĩ đến việc về nhà với anh Alf. Alf là chồng tôi đấy, và anh ấy không muốn tôi còn lang thang vẩn vơ ở nơi khác khi đã đến giờ anh ấy uống trà. Anh ấy sẽ giận lắm nếu cái bụng của anh ấy sôi sùng sục lên. Một khi cái bụng anh ấy sôi lên, sẽ thấy ngay dấu hiệu. Anh ấy cau có, nhăn nhó, rồi tùm la tùm lum, thế đấy.”
“Cô Mullet, lúc đó là mấy giờ?”
“Khoảng mười một giờ, hay mười một giờ mười lăm gì đó. Tôi làm việc ở đây bốn tiếng buổi sáng, từ tám đến mười hai giờ, và ba giờ buổi chiều, từ một đến bốn giờ,” cô nói và bất ngờ nhìn bố với vẻ mặt cau có hiểm ác – bố vẫn nhìn thẳng ra cửa sổ nên không nhận ra. “Lúc nào tôi cũng bị giữ ở lại quá giờ không vì việc này thì việc nọ.”
“Còn con chim thì sao?”
“Con chim nằm trên bậc cửa, chết ngắc từ đời nảo đời nào. Nó là chim dẽ giun: loại chim dẽ giun nhỏ bé nhất. Thề có Chúa là đời tôi đã xẻo thịt quá nhiều con chim loại này rồi, đến mức tôi hoàn toàn chắc chắn về con chim mắc toi ấy. Nó làm tôi sợ thất kinh hồn vía khi nằm ngửa trên cửa, lông lá rúm ró trong gió, cứ như da dẻ nó vẫn còn sống trong khi tim thì đã chết khô. Tôi cũng nói với anh Alf như thế. ‘Anh Alf ơi,’ tôi nói, ‘con chim nằm đó như thể da dẻ nó vẫn sống’…”
“Mắt cô tinh lắm, cô Mullet ạ,” Thanh tra Hewitt nói và cô dương dương tự đắc giống như con chim bồ câu to đứng trong chùm ánh sáng màu hồng óng ánh rực rỡ. “Còn gì nữa không?”
“À, có chứ, có một con tem được gắn vào cái mỏ nhỏ xíu của nó, giống như cái mỏ ngậm con tem, giống y con cò mang theo một đứa trẻ đóng bỉm, nếu ông hiểu điều tôi nói, nhưng cũng không hẳn là y hệt như thế.”
“Cô Mullet này, một con tem ư? Loại tem gì?”
“Tem thư – nhưng không giống con tem thời nay đâu. Không – không giống đâu nhé. Con tem này có in hình đầu Nữ hoàng. Không phải đương kim Nữ hoàng đâu, cầu Chúa phù hộ cho Người, là Nữ hoàng quá cố cơ… Nữ hoàng… à, Nữ hoàng Victoria. Ít nhất Nữ hoàng sẽ ở trên con tem nếu như mỏ con chim không thọc vào đúng nơi đáng ra phải là khuôn mặt của Người.”
“Cô có chắc chắn về con tem đó không?”
“Thưa ông, tôi xin thề. Hồi nhỏ anh Alf cũng có một bộ tem, và đến giờ anh ấy vẫn giữ số tem còn lại trong chiếc hộp đựng bánh Huntly and Palmer bên dưới gầm giường trong lối lên lầu. Anh ấy không hay lấy tem ra xem như hồi chúng tôi còn trẻ – anh nói việc đó khiến anh buồn. Nhưng dù sao tôi vẫn nhận ra con tem Penny Black[19] ngay khi nhìn thấy, dù mỏ con chim có thọc vào nó hay không.”
“Cám ơn cô Mullet,” Thanh tra Hewitt nói và tự lấy cho mình một chiếc bánh hạt nghiền, “cô giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.”
Cô Mullet khẽ nhún gối chào viên Thanh tra thêm một lần nữa và đi ra cửa.
“ ‘Buồn cười lắm anh ạ,’ tôi nói với anh Alf, tôi nói thế này, ‘Đến tháng Chín anh mới nhìn thấy chim dẽ giun ở Anh.’ Tôi đã xiên nướng rất nhiều con chim dẽ giun và ăn kèm với bánh mì nướng. Bà Harriet, Chúa phù hộ cho linh hồn bà, vốn không thích gì hơn là một miếng ngon…”
Có một tiếng rên sau lưng tôi, và tôi quay đầu lại vừa kịp lúc nhìn thấy bố gập người lại giống như chiếc ghế gấp và đổ gục xuống sàn nhà.
Phải nói rằng Thanh tra Hewitt rất giỏi việc này. Chỉ trong giây lát ông ta đã đứng bên sườn bố, nghiêng đầu đặt tai lên ngực bố, nới lỏng cà vạt của bố, và đưa một ngón tay dài kiểm tra đường hô hấp của bố. Chắc ông ta chưa hề ngủ mơ trong suốt các buổi học của tổ chức cứu tế St. John’s Ambulance. Một giây sau, ông ta mở toang cửa sổ, đặt ngón tay cái và ngón đeo nhẫn lên môi dưới rồi huýt sáo.
“Bác sĩ Darby!” Ông ta hét lên. “Lên đây, nếu ông vui lòng. Nhanh lên! Mang cả túi đồ của ông nữa.”
Về phần mình, tôi vẫn đứng lấy tay bịt miệng khi bác sĩ Darby vội sải bước vào phòng và quỳ xuống bên cạnh bố. Sau cuộc kiểm tra 1-2-3 nhanh chóng, bác sĩ lấy trong túi ra một lọ nhỏ màu xanh da trời.
“Bị ngất,” bác sĩ nói với Thanh tra Hewitt; với cô Mullet và tôi, “Tức là ông ta bị xỉu đi. Không có gì phải lo.”
Phù!
Bác sĩ mở nắp lọ, và vài giây trước khi ông ta nhỏ vào hai lỗ mũi của bố, tôi ngửi thấy một mùi quen thuộc: Amoni Cacbonat, hay như tôi vẫn gọi khi ở phòng thí nghiệm là Muối ngửi, thi thoảng tôi còn gọi đơn giản là Muối. Tôi biết rằng chữ “ammon” trong tên của chất này bắt nguồn từ từ ammonia, và nó được đặt tên sau khi được phát hiện lần đầu tiên gần lăng mộ thờ thần Ammon ở Ai Cập cổ đại, trong nước tiểu của lạc đà. Và tôi còn biết rằng, sau đó, tại London, một người bạn tri kỷ của tôi đã sáng chế ra phương thức chiết xuất muối ngửi từ phân chim.
Hóa học ơi hóa học! Ta yêu mi biết bao nhiêu!
Khi bác sĩ Darby giữ chiếc lọ gần mũi bố, bố khịt mũi như con bò trên đồng, và mí mắt ông hấp háy liên hồi. Nhưng ông không thốt ra lời nào.
“A ha, ông ta đã trở lại với cõi sống rồi, tôi biết mà,” bác sĩ nói khi bố, vẫn còn đang ngượng ngùng, cố chống khuỷu tay lên và nhìn quanh phòng. Dù giọng nói rất là vui vẻ, bác sĩ Darby vẫn đỡ bố như đỡ một đứa trẻ sơ sinh. “Ông nên đợi một chút cho đến khi hồi phục hẳn đã. Ông cứ nằm yên trên thảm Axminster thêm một phút nữa đi.”
Thanh tra Hewitt vẫn đứng bên cạnh cho đến khi bố đứng lên được, và ông ta giúp bố một tay.
Chậm chạp tựa người vào cánh tay Dogger (chú ấy vừa được gọi đến), bố cẩn thận đi lên phòng trên lầu. Daphne và Feely xuất hiện chớp nhoáng: thực tình mà nói, chỉ là hai khuôn mặt trắng bệch nấp sau lan can.
Cô Mullet gấp gáp chạy ngang qua để vào bếp, dừng bước và đặt một bàn tay ân cần lên cánh tay tôi.
“Cưng ơi, bánh ngon không?”
Mãi đến lúc đó tôi mới nhớ đến món bánh. Tôi bắt chước bác sĩ Darby.
“Ừm,” tôi nói.
Thanh tra Hewitt và bác sĩ Darby quay trở lại vườn khi tôi chầm chậm leo lên cầu thang vào phòng thí nghiệm. Tôi đứng quan sát từ cửa sổ, lòng hơi buồn và có phần mất mát khi hai nhân viên cứu thương đến và chuyển thi thể của người lạ mặt vào cáng. Phía xa xa, Dogger đang làm việc quanh đài phun nước Balaclava trên bãi cỏ phía đông, chú còn bận cắt xén thêm nhiều hoa hồng Lady Hillingdons nữa.
Ai ai cũng bận rộn: nếu may mắn, tôi có thể làm việc mình cần làm và quay trở lại trước khi có người nhận thấy tôi đã đi mất.
Tôi lẻn xuống cầu thang và ra cửa trước, kéo Gladys, chiếc xe đạp BSA cổ của tôi ra khỏi chiếc bình đá lớn mà cô nàng đang dựa vào, và chỉ ít phút sau tôi điên cuồng đạp xe vào Bishop’s Lacey.
Cái tên mà bố đã nhắc đến là gì nhỉ?
Twining. Đúng rồi. “Chén trà đã nguội lạnh”. Và tôi biết chính xác phải tìm ông ta ở đâu.