Kỳ Án Chim Dẽ Giun

CHƯƠNG 5



Thư viện tự do của Bishop’s Lacey nằm trên đường Cow Lane, một con đường nhỏ hẹp với hai hàng cây râm mát bên đường, nằm thoai thoải từ phố High Street xuống phía bờ sông. Thủa ban sơ, thư viện chỉ là tòa nhà khiêm tốn mang phong cách Georgian lát gạch đen, và bức ảnh toàn cảnh tòa nhà từng xuất hiện trên trang bìa tờ Country Life. Toà nhà được Huân tước Margate – một thanh niên trong làng kinh doanh lĩnh vực thực phẩm, sau đó nổi tiếng và trở nên giàu có vì anh là nhà cung cấp duy nhất mặt hàng BeefChips (món thịt bò muối đóng hộp do anh tự sáng chế) – trao tặng cho người dân ở Bishop’s Lacey, trước sự chứng kiến của Nữ hoàng trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến ở Nam Phi từ năm 1899 đến năm 1902.
Thư viện nằm im như một hòn đảo tĩnh mịch mãi đến tận năm 1939. Sau đó, khi đang được đóng cửa để trùng tu, nó bỗng nhiên bốc cháy vì một chồng báo cũ không hiểu vì sao lại bắt lửa lúc Ngài Chamberlain đang phát biểu bài diễn văn nổi tiếng “Chỉ cần chiến tranh chưa nổ ra, chúng ta luôn có hy vọng rằng nó có thể được ngăn chặn” trước người dân nước Anh. Toàn bộ người lớn ở Bishop’s Lacey bấy giờ đều xúm đông xúm đỏ quanh các thiết bị đài đóm không dây nên không một ai, kể cả sáu thành viên của đội cứu hỏa tình nguyện, phát hiện ra ngọn lửa trước khi quá muộn. Ngay khi họ xuất hiện với máy bơm bằng tay thì nơi đây đã không còn gì khác ngoài một đống tro còn nóng hôi hổi. Thật may mắn, toàn bộ các cuốn sách đều thoát lửa, vì chúng được cất giữ trong các nhà kho tạm.
Nhưng khi chiến tranh nổ ra, và tiếp đến là thời kỳ đình chiến lao khổ, tòa nhà nguyên bản chưa bao giờ được thay thế. Nơi nó từng tọa lạc giờ chỉ là đồng cỏ dại trên đường Cater, ngay góc đường tính từ quán trọ Mười Ba Con Vịt. Khối tài sản, vốn được tặng vĩnh viễn cho người dân của Bishop’s Lacey, không thể bị bán đi, và lượng sách cất giữ trong đó đã trở thành thư viện tự do vĩnh viễn trên đường Cow Lane.
Khi quặt vào đường High Street, tôi nhìn thấy thư viện, một tòa nhà nhỏ thó làm bằng kính và lợp ngói, được xây dựng vào những năm 1920 làm phòng trưng bày ô tô. Một vài tấm biển tráng men nguyên bản ghi tên của những hãng ô tô giờ đã hết thời, ví dụ như Wolseley và Sheffield-Simplex, vẫn được gắn lên tường dưới mái nhà – quá cao để thu hút sự chú ý của mấy tên trộm hoặc kẻ cố ý phá hoại tài sản của người khác.
Bây giờ, một phần tư thế kỷ sau khi công ty sản xuất ô tô cuối cùng đóng cửa ra đi, tòa nhà bị sụp xuống, giống như chiếc bát sành cũ kỹ trong nơi ở của người đầy tớ, thành nơi đổ nát tan hoang vụn vỡ.
Phía sau và cách xa thư viện, một dãy nhà phụ tồi tàn (trông giống như những ngôi mộ nằm túm tụm quanh nhà thờ) chìm sâu bên dưới lớp cỏ dại mọc dài ngoằng, giữa phòng trưng bày ô tô ngày nào và đường ven sông bị bỏ hoang. Nơi hội tụ của những cửa hàng sửa chữa ô tô vốn tối lờ mờ nay là nơi trú ngụ của hàng dãy hàng dãy những cuốn sách vô ích, và chủ đề từng mảng sách vẫn được dán nhãn ngay bên trên: Lịch sử, Địa lý, Triết học, Khoa học. Vẫn còn vương mùi dầu ô tô lâu ngày, gỉ sắt, và nhà xí thời xưa – và tôi có thể thấy tại sao! Tôi thường đến đây đọc sách, nếu không tính phòng thí nghiệm của mình tại Buckshaw thì đây là địa điểm yêu thích nhất đời của tôi.
Miên man ngẫm nghĩ về điều này, tôi bước tới cửa trước và xoay nắm cửa.
“Ôi, run rủi!” Tôi nói. Cửa bị khóa.
Khi bước sang một bên để ngó qua cửa sổ, tôi nhận thấy một tấm biển tự làm viết vội vàng bằng bút chì màu đen và được gắn vào cửa kính: ĐÓNG CỬA.
Đóng cửa ư? Hôm nay là thứ Bảy cơ mà? Thư viện luôn luôn mở cửa từ 10 giờ sáng đến 2 giờ 30 chiều, từ thứ Năm đến thứ Bảy: giờ giấc được ghi rất rõ trên tấm biển có khung màu đen bên cạnh cửa đấy thôi?
Xảy ra chuyện gì đó với cô Pickery chăng?
Tôi lắc lắc, rồi đập thình thịch vào cửa. Tôi khum hai bàn tay lại và hé mắt nhìn vào trong, nhưng ngoài chùm tia nắng chiếu xuyên qua đám bụi trước khi đậu lại trên giá sách, tôi không nhìn thấy gì khác.
“Cô Pickery ơi!” Tôi gọi to, nhưng không ai trả lời.
“Ôi, run rủi!” tôi lặp lại. Tôi phải hoãn cuộc nghiên cứu này đến lúc khác rồi. Khi đứng bên ngoài đường Cow Lane, tôi chợt nghĩ, Thiên đường chắc chắn phải là nơi mà thư viện sẽ mở cửa hai mươi tư giờ mỗi ngày, và bảy ngày mỗi tuần.
Không… tám ngày mỗi tuần mới đúng.
Tôi biết cô Pickery sống ở đường Shoe Street. Nếu tôi để xe đạp ở đây và đi tắt qua các ngôi nhà phụ phía sau thư viện, tôi sẽ đi vòng qua phía sau quán trọ Mười Ba Con Vịt và đến ngôi nhà tranh của cô.
Tôi len qua đám cỏ dại dài ngoằng, cẩn thận quan sát để tránh không dẫm lên các mẩu vụn của máy móc gỉ sét có thể nhô lên đây đó như xương khủng long trên sa mạc Gobi. Có lần Daphne miêu tả cho tôi biết ảnh hưởng của bệnh uốn ván: chỉ cần một vết xước gây ra bởi bánh xe cũ kỹ, tôi sẽ bị sùi bọt mép, sủa gâu gâu như chó, và cứ nhìn thấy nước là tôi sẽ bị co giật rồi nằm lăn lộn ra đất. Đang cố tích sẵn trong miệng một ụm nước bọt để sẵn sàng nhổ toẹt ra thì tôi chợt nghe thấy tiếng nói.
“Mary ơi, sao em lại cho phép ông ta làm thế chứ?” Đó là giọng nam, phát ra từ sân quán trọ.
Tôi dí sát người vào sau gốc cây, rồi hé mắt nhìn. Người nói là Ned Cropper, một thiếu niên làm việc vặt ở quán Mười Ba Con Vịt.
Ned! Chỉ cần nghĩ về anh ta thôi Ophelia cũng bị xáo trộn tâm tư, y như bị tiêm một liều thuốc gây tê. Đầu óc chị ta ấn định rằng anh ta là bản sao hoàn hảo của Dirk Bogarde[20], nhưng tôi nhận thấy sự tương đồng duy nhất giữa hai người này là họ đều có chân, tay và mái tóc trơn như dầu.
Ned đang ngồi trên một thùng bia bên ngoài cửa sau quán trọ, và cô gái mà tôi nhận ra là Mary Stoker đang ngồi trên một thùng bia khác. Bọn họ không nhìn nhau. Khi Ned dùng gót ủng đào một mê lộ tỉ mỉ dưới chân, Mary giữ chặt tay trên đùi và đôi mắt nhìn chằm chằm vào hư vô.
Mặc dù anh ta nói bằng giọng khe khẽ khẩn nài, tôi vẫn nghe rõ mồn một từng từ. Bức tường trát vữa ở quán Mười Ba Con Vịt có chức năng là thiết bị phản xạ âm thanh vô cùng hoàn hảo.
“Ned Cropper, em đã nói với anh rồi, em không biết làm thế nào, làm sao em biết phải làm thế nào cơ chứ? Ông ta lù lù xuất hiện sau lưng em trong khi em đang thay ga giường cho ông ta.”
“Tại sao em không hét lên? Anh biết là em dư sức hét cho người chết cũng phải sống lại… nếu em muốn làm thế.”
“Anh không hiểu bố em, đúng không? Nếu bố mà biết hành vi của gã đàn ông thô kệch kia, chắc chắn ông sẽ đánh em nhừ đòn!”
Chị ta dẫm chân thình thịch lên bụi bẩn.
“Mary ơi!” Giọng nói vang lên từ đâu đó bên trong quán trọ, nhưng vẫn đủ sức vang ra tận sân như sấm như sét. Đó là lão Tully Stoker, bố của Mary, chủ quán trọ, và giọng nói to bất thường của lão có vai trò nổi bật trong mấy câu chuyện tào lao tai tiếng nhất của các bà vợ già trong làng.
“Mary!”
Mary nhảy vọt xuống đất ngay khi nghe thấy tiếng bố gọi.
“Con vào đây!” Chị ta hét lên. “Con đang vào đây!”
Chị ta do dự, có vẻ bị giằng xé và hình như đang định đưa ra quyết định gì đó. Chị bất ngờ lao vun vút như tên bay đạn lạc đến bên Ned và đặt một nụ hôn chớp nhoáng lên môi anh ta, và rồi, tay hất tung tạp dề – giống một pháp sư hất tung áo choàng – chị ta biến mất trong bóng tối hun hút sau cánh cửa.
Ned ngồi một hồi lâu, lấy mu bàn tay lau miệng trước khi lăn thùng bia về phía các thùng bia rỗng khác ở tít xa đầu kia trong sân quán trọ.
“Chào anh Ned!” Tôi hét tướng lên, và anh ta quay lại, hơi lúng túng. Tôi biết anh ta đang tự hỏi liệu tôi có nghe lén được câu chuyện giữa anh ta và chị Mary không, hay tôi có nhìn thấy vụ hôn hít đó không. Tôi quyết định tỏ thái độ mập mờ.
“Chúc một ngày tốt lành,” tôi nói và toét miệng cười rất ngây thơ.
Ned hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi, sau đó hỏi thăm sức khỏe bố, và Daphne, theo đúng thứ tự ưu tiên.
“Họ đều khỏe,” tôi nói.
“Còn cô Ophelia thì sao?” anh ta hỏi, nói lòng vòng rồi cuối cùng cũng hỏi đến bà chị cả của tôi.
“Cô Ophelia ư? À, nói thật với anh nhé, Ned, chúng tôi khá là lo cho chị ấy.”
Ned vội bước lùi lại như thể có con ong vò vẽ vừa đậu trên mũi anh ta.
“Vậy sao? Có chuyện gì vậy cô? Tôi hy vọng không có gì nghiêm trọng.”
“Người ngợm chị ấy xanh lét,” tôi nói. “Chắc chị ấy bị thiếu máu. Bác sĩ Darby cũng cho là vậy.”
Trong cuốn truyện Từ điển ngôn ngữ dân tộc, Francis Grose gọi bệnh thiếu máu là “Cơn sốt tình yêu” và “Căn bệnh của thiếu nữ”. Tôi biết Ned không được tiếp cận dễ dàng với sách của Đại úy Grose như tôi. Trong thâm tâm tôi phục mình quá trời.
“Ned!”
Lại là lão Tully Stoker. Ned nhón một bước chân về phía cửa.
“Cô nói với cô ấy là tôi hỏi thăm sức khỏe cô ấy nhé,” anh ta nói.
Tôi giơ ngón tay hình chữ “V” của Winston Churchill[21] với anh ta. Đó là điều tối thiểu tôi có thể làm.
Cũng giống như đường Cow Lane, đường Shoe Street chạy dài từ đường High Street xuống rìa sông. Ngôi nhà tranh từ đời Tudor của cô Pickery, còn xa một nửa đường nữa, trông giống y hình ảnh bạn vẫn nhìn thấy trên nắp của hộp trò chơi xếp hình. Với mái nhà lợp lá và các bức tường quét vôi trắng xóa, các ô cửa sổ hình thoi làm bằng kính lợp chì và cánh cửa quét sơn đỏ theo phong cách Hà Lan, ngôi nhà trông đậm chất nghệ thuật. Các bức tường làm bằng khung gỗ nổi lên giống như một con tàu cũ kỳ quặc đang ngao du trên một biển hoa cỏ lỗi thời như cỏ chân ngỗng, thục quỳ, đinh hương, hoa chuông và rất nhiều loài hoa khác mà tôi không biết tên.
Roger, con mèo đực màu hoe của cô Pickery đang nằm cuộn tròn trên bậc cửa và sột soạt gãi bụng. Tôi buộc mình bước tới.
“Roger, cậu bé ngoan,” tôi nói. “Cô Pickery đâu hả?”
Roger chầm chậm bước đi tìm cái gì đó thú vị để ngắm nghía, còn tôi gõ cửa. Không ai trả lời.
Tôi đi vòng ra vườn sau. Không ai ở nhà.
Quay trở lại đường High Street, sau khi dừng lại nhìn ngó các lọ bào chế thuốc bẩn thỉu qua cửa sổ phòng hóa học, tôi mới đến đường Cow Lane và vô tình liếc sang bên trái thấy có người vừa bước vào thư viện. Hai tay dang rộng, tôi nghiêng người 90 độ để bay vút tới. Nhưng khi tôi vừa lao tới cánh cửa, người đó đã bước vào trong. Tôi vặn nắm cửa và lần này, cánh cửa mở toang.
Người phụ nữ đó cất ví vào ngăn kéo rồi ngồi sau ghế, và tôi nhận thấy mình chưa bao giờ nhìn thấy cô ta. Mặt mũi cô ta đầy ứ nếp nhăn giống y chang mấy quả táo bị bỏ quên mà thi thoảng người ta tìm thấy trong túi áo khoác của mùa đông năm ngoái.
“Gì vậy cháu?” Cô ta nói và ngó nhìn qua cặp kính. Ở Học viện Khoa học Thư viện Hoàng gia, người ta được dạy nên nhìn theo kiểu này. Tôi nhận thấy đôi kính cô ta đeo có màu xám nhẹ, như thể chúng bị nhúng dấm qua đêm vậy.
“Cháu cứ tưởng sẽ gặp cô Pickery,” tôi nói.
“Cô Pickery đi vắng vì chuyện gia đình.”
“Ồ,” tôi nói.
“Ừ, buồn lắm. Em gái Hetty của cô ấy, vốn sống ở NetherWolsey, bị tai nạn thảm thương vì cái máy khâu. Sau vài ngày đầu cô ấy có vẻ ổn, nhưng sau đó tình trạng thay đổi 180 độ, và có thể cô ấy sẽ bị mất một ngón tay. Thật là tiếc – hai cô ấy là chị em song sinh. Nên hiển nhiên là cô Pickery…”
“Đương nhiên là thế,” tôi nói.
“Tôi là Mountjoy, và tôi rất vui lòng giúp cháu thay cô ấy.”
Mountjoy! Cô Mountjoy đã nghỉ hưu! Tôi đã nghe ối chuyện tào lao về “Mountjoy và Vương triều Kinh hoàng”. Cô này từng là Thủ thư Trưởng của Thư viện Miễn phí tại Bishop’s Lacey từ khi Noah còn lênh đênh trên con thuyền vượt qua cơn Hồng Thủy. Bề ngoài cô ta ngọt như mía đường, nhưng bản chất cô ta là một Mama tổng quản vô cùng cay nghiệt. Hoặc là người ta kể cho tôi nghe như thế (Lại là cô Mullet – người đọc rất nhiều truyện trinh thám – kể cho tôi nghe). Người dân ở đây vẫn thường tổ chức các buổi cầu nguyện để cầu cho cô ta không đến đây nữa sau khi nghỉ hưu.
“Thế tôi giúp gì được cho cháu, cháu cưng?”
Nếu có một thứ khiến tôi coi khinh thực thụ thì đó chính là từ “cưng”. Khi tôi viết tác phẩm có sức công phá dữ dội mang tên Chuyên luận về Chất độc, đến từ “xyanua”, tôi định bụng viết dưới từ “Công dụng” là “cực kỳ hiệu nghiệm để điều trị những kẻ gọi người khác là cưng”.
Nhưng, một trong những Quy tắc Cuộc đời của tôi là: khi muốn có thứ gì đó, nhớ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.
Tôi mỉm cười yếu ớt và nói, “Cháu muốn tra cứu tài liệu báo chí.”
“Tài liệu báo chí cơ đấy!” Cô ta ríu rít nói. “Ôi, cháu biết cũng nhiều đấy, phải không cưng?”
“Vâng,” tôi nói, cố gắng tỏ thái độ khiêm tốn, “vâng ạ.”
“Tài liệu báo chí được xếp theo thứ tự thời gian trên giá đựng trong phòng Drummond: phía tây, bên trái, trên đỉnh cầu thang,” cô ta nói và chỉ tay ra hiệu.
“Cám ơn cô,” tôi nói và lách đi về phía cầu thang.
“Tất nhiên là, nếu cháu muốn tìm báo được xuất bản từ trước năm ngoái, hãy đến một trong các nhà phụ nhé. Cụ thể cháu muốn tìm thông tin gì?”
“Cháu cũng chưa biết,” tôi nói. Nhưng đợi đã – tôi biết mình muốn tìm gì mà! Kẻ lạ mặt đó đã nói gì trong phòng làm việc của bố nhỉ?
Twining… Twining quá cố đã chết cách đây… Gì nhỉ?
Tôi vẫn nghe thấy cái giọng nói ngọt xớt ấy trong đầu mình: “Chén trà đã nguội lạnh suốt ba mươi năm nay rồi…”
“Năm 1920,” tôi nói trơn tru như da cá hồi. “Cháu muốn tìm đọc kho báo chí xuất bản năm 1920.”
“Những tờ báo đó vẫn được cất trong nhà Pit Shed ấy – tức là, nếu như chuột không rúc vào đó ngủ.” Cô ta nói cùng với cái liếc mắt đắc ý qua cặp kính khi nhắc đến lũ chuột.
“Cháu sẽ tìm mấy tờ báo đó,” tôi nói. “Có khóa cửa không cô?”
Cô Mountjoy lục lọi trong ngăn kéo và lôi ra một chùm chìa khóa bằng sắt trông như thể chúng từng thuộc về cai ngục nhà tù Edmond Dantès trong cuốn Bá tước Monte Cristo. Tôi rung chùm khóa kêu leng keng đầy hân hoan và đi ra khỏi cửa.
Pit Shed là tòa nhà phụ xa nhất so với tòa nhà chính của thư viện.
Nằm nghiêng ngả như chực đổ sập xuống bờ sông, nơi đây là sự kết hợp của các mạn thuyền bạc màu vì sương gió và những hộp thiếc nhăn nhúm gỉ sét – tất cả đều phủ rêu dày đặc và cây leo um tùm. Vào thời kỳ hoàng kim của các phòng trưng bày ô tô, đây từng là gara để thay dầu và lốp xe, tra dầu mỡ vào trục, và tiến hành các sửa chữa khác dưới gầm ô tô.
Kể từ đó, sự bỏ bê và xói mòn đã biến nơi đây thành một nơi rất giống với nơi ở tồi tàn của một ẩn sĩ trong rừng.
Tôi xoay khóa và cánh cửa bật ra kèm theo tiếng cót két cọt kẹt han gỉ. Bước vào trong bóng tối ảm đạm, tôi cẩn thận đi men theo rìa gầm sửa ô tô (mặc dù nó đã được đậy bằng các tấm ván nặng, nhưng nó vẫn chiếm mất một diện tích khá lớn trong phòng.)
Nơi này thật nặng mùi với hơn một dấu hiệu của ammoniac, hình như các loài động vật nho nhỏ đang sinh sống bên dưới ván sàn.
Một nửa bức tường gần nhất với đường Cow Lane được gần cửa xếp – hiện được cài then chắc chắn – và cánh cửa vốn được cuốn lên cho ô tô vào đỗ. Không biết vì lý do nào đó mà kính của bốn cánh cửa sổ được sơn màu đỏ gớm ghiếc. Qua lớp kính, ánh sáng mặt trời rọi vào khiến căn phòng nhuốm màu đỏ như máu và đượm vẻ não nề.
Quanh ba bức tường còn lại, trông giống như những khung giường trẻ em là các giá sách bằng gỗ được xếp hàng, mỗi giá chất đống các tờ báo ố vàng theo năm tháng: The Hinley Chronicle, The West Counties’ Advertiser, The Morning Post-Horn… Chúng được xếp theo năm xuất bản và được nhận biết bằng các nhãn dán mờ nhạt viết bằng tay.
Tôi không gặp khó khăn gì khi tìm các tờ báo xuất bản năm 1920. Tôi nhấc chồng báo ở trên xuống, nghẹt thở vì đám bụi bay vào mặt như trận nổ trong nhà máy bột mì khi các mảnh nhỏ xíu của giấy báo rơi lả tả xuống đất không khác gì một cơn bão giấy.
Bồn tắm và bông tắm cho tối nay, tôi thầm nghĩ, dù tôi thích hay không cũng vậy thôi.
Một chiếc bàn làm bằng gỗ thông đứng ngay cạnh cửa sổ cáu bẩn: chỉ đủ ánh sáng và chỗ để mở từng trang báo ra.
Tờ The Morning Post-Horn lọt vào mắt tôi: một tờ báo lá cải – cũng giống như tờ Times of London – với trang nhất đầy ứ thông tin quảng cáo, mấy mẩu tin vắn và cột rao vặt:
Mất đồ: một gói giấy màu nâu buộc dây cói.
Có giá trị tinh thần rất lớn đối với vị chủ nhân đau khổ. Có hậu tạ hậu hĩnh.
Liên hệ “Smith”, nhờ The White Hart, Wolverston chuyển hộ.
Hoặc thông tin thế này:
Thân mến: Anh ta đang canh gác. Cùng giờ thứ Năm tới.
Mang theo đá xteanit.
Bruno.
Rồi tôi bất chợt nhớ ra! Bố đã từng học trường Greyminster… và chẳng phải Greyminster ở gần Hinley sao? Tôi bê chồng báo The Morning Post-Horn quay trở lại vị trí cũ và lấy bốn chồng đầu tiên của tờ The Hinley Chronicle xuống.
Tờ báo này được xuất bản thứ Sáu hàng tuần. Thứ Sáu đầu tiên của năm đó là năm mới, vậy nên số ra đầu tiên được xuất bản ngày thứ Sáu kế tiếp: ngày 8 tháng 1 năm 1920.
Trang nào cũng dày kín thông tin về các ngày nghỉ – khách du lịch từ Lục địa đi chơi Giáng sinh, cuộc họp bị hoãn của Hội Phụ nữ, một chú lợn béo núng nính được rao bán, bữa tiệc Boxing Day ở The Grange, xe bò của người ủ rượu bị mất một chiếc lốp.
Các phiên tòa xử vào tháng Ba đầy rẫy các sự việc đáng lo ngại như trộm cắp, xâm phạm tài sản, và hành hung.
Tay tôi lật báo liên hồi và ngón tay bị đen sì vì mực in dù nó đã khô rong từ ba mươi năm trước. Mùa hè thu hút nhiều hơn khách du lịch từ Lục địa đến, các phiên chợ nhu cầu thuê lao động, trại Hướng đạo sinh, hai lễ hội và vài bản dự kiến sửa sang đường phố.
Tôi gần như tuyệt vọng sau một giờ tìm kiếm. Những người đọc các trang báo này chắc hẳn phải có thị lực siêu phàm, vì chữ in trên báo siêu nhỏ. Đọc thêm nữa thế nào tôi cũng bị đau đầu không chịu nổi.
Và rồi tôi tìm thấy thứ cần tìm:
THẦY GIÁO NHẢY THÁP TỰ VẪN
Trong vụ tai nạn thương tâm xảy ra hôm thứ Hai, ông Grenville Twining, Thạc sĩ, 72 tuổi, học giả Latin và thầy giáo đáng kính phụ trách ký túc xá tại trường Greyminster, gần Hinley, tử vong do nhảy từ tháp đồng hồ Anson House của trường Greyminster xuống. Những người chứng kiến miêu tả vụ tai nạn là “không thể giải thích được”.
“Thầy trèo lên lan can, quấn áo choàng quanh người, úp lòng bàn tay xuống và giơ lên cao như kiểu chào của người La Mã. ‘Vale!’ thầy hét lên với các học sinh dưới sân,” Timothy Greene, học sinh lớp 6 trường Greyminster nói, “… và rồi thầy nhảy xuống!”
“Vale?” Tim tôi nhảy thót lên. Đó cũng là từ mà người đàn ông hấp hối kia thều thào trước mặt tôi! “Tạm biệt.” Không thể là sự trùng hợp được, phải không? Quá kỳ dị. Chắc chắn phải có mối liên kết nào đó – nhưng mối liên kết đó là gì?
Chết tiệt! Tâm trí tôi phi như điên còn trí thông minh lại đứng chết dẫm. Pit Shed không phải là nơi để suy nghĩ thấu đáo: tôi sẽ ngẫm nghĩ sau.
Tôi đọc tiếp:
“Áo choàng của thầy bay bay, trông thầy như một thiên thần vậy,” Toby Lonsdale, một cậu bé có hai má đỏ hồng, nói và suýt khóc khi được các bạn đưa đi chỗ khác trước khi lả đi và tụi trẻ bị suy sút tinh thần đáng kể.
Gần đây ông Twining bị cảnh sát thẩm vấn về việc một con tem thư bị mất: một dị bản độc nhất và vô cùng giá trị của con tem Penny Black.
“Hai sự việc này không hề liên quan đến nhau,” Tiến sĩ Isaac Kissing, Hiệu trưởng trường Greyminster từ năm 1915 nói. “Không hề liên quan đến nhau. Thầy Twining được tất cả mọi người tôn sùng và yêu mến, tôi tin là vậy!”
Theo chúng tôi được biết, cảnh sát đang tiếp tục điều tra về hai sự việc trên.
Ngày ra báo là 24 tháng 9 năm 1920.
Tôi xếp báo trở lại giá, bước ra ngoài và khóa cửa. Khi tôi trả lại khóa cửa, cô Mountjoy vẫn ngồi ì cạnh bàn.
“Cháu có tìm thấy thông tin mình cần không cưng?” Cô ta hỏi.
“Có ạ,” tôi nói và điên cuồng giũ giũ bụi khỏi tay.
“Cô hỏi cháu thêm đôi điều được không?” Cô ta rụt rè hỏi. “Biết đâu cô giúp cháu tìm thêm được các tài liệu có liên quan.”
Dịch nghĩa: cô ta đang héo hon vì tính tọc mạch.
“Không ạ, cháu cám ơn cô nhiều, cô Mountjoy.” Tôi nói.
Không hiểu vì sao, đột nhiên tôi cảm thấy tim mình như nhảy vọt khỏi lồng ngực, thế vào đó là một trái tim giả bằng chì.
“Cưng à, cháu sao không vậy?” Cô Mountjoy hỏi, “Trông da cháu hơi xanh xao.”
Xanh xao ư? Tôi có cảm giác suýt ói ra đây này.
Có thể là cảm giác lo lắng, cũng có thể là nỗ lực phi nhận thức để ngăn chặn cơn buồn nôn, nhưng trước sự kinh ngạc của chính mình, tôi buột miệng hỏi, “Cô đã bao giờ nghe nói về một thầy giáo tên là Twining ở trường Greyminster chưa?”
Cô Mountjoy há hốc miệng. Mặt cô ta đỏ au, rồi chuyển sang xám xịt, như thể khuôn mặt đó bắt lửa ngay trước mắt tôi và đổ sụp thành tàn tro. Cô ta lôi từ ống tay áo ra chiếc khăn tay bằng ren, vo tròn khăn rồi nhét vào miệng, và trong một vài khoảnh khắc, cô ta ngồi đó, đung đưa trên ghế, hai hàm răng nghiến chặt chiếc khăn giống như viên thủy thủ hồi thế kỷ XVIII phải nghiến răng lại khi cẳng chân bị cắt bỏ.
Cuối cùng, cô ta ngẩng mặt lên, hai mắt ướt đẫm và run run nói, “Ông Twining là cậu ruột của cô.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.