Kỳ Án Chim Dẽ Giun

CHƯƠNG 6



Hai cô cháu cùng uống trà. Không biết cô Mountjoy kiếm đâu ra cái ấm nước méo mó bằng thiếc và sau khi lục lọi một hồi trong túi, cô lôi ra một gói bánh bích quy Peek Freans nham nhở.
Tôi ngồi trên chiếc thang trong thư viện và lấy cho mình một chiếc bánh bích quy nữa.
“Sự việc bi thảm lắm,” cô nói. “Cậu dường như vẫn mãi là giáo viên phụ trách ký túc xá Anson House. Cậu rất tự hào về ký túc xá và các học sinh của mình. Cậu không quản ngại khó nhọc động viên chúng phải cố gắng hết sức; để chúng chuẩn bị sẵn tinh thần cho tương lai.
“Cậu vẫn thường nói đùa rằng cậu nói tiếng Latin còn giỏi hơn cả Julius Caesar[22] và cuốn sách ngữ pháp Latin Twining’s Lingua Latina do cậu viết – được xuất bản khi cậu mới hai mươi tư tuổi – đã trở thành cuốn sách tiêu chuẩn tại các trường học trên thế giới. Cô vẫn cất một cuốn sách của cậu ở cạnh giường, và mặc dù không đọc cuốn sách đó được nhiều, nhưng cô thích được cầm lên vì nó mang đến cho cô cảm giác dễ chịu: qui, quae, quod, và tất cả những chữ như thế. Những từ đó luôn có thanh âm rất dễ chịu.”
“Cậu Grenville luôn thích tổ chức các nhóm hội: cậu động viên học sinh nam thành lập câu lạc bộ thảo luận chuyên đề câu lạc bộ trượt tuyết, câu lạc bộ đi xe đạp và câu lạc bộ chơi bài kippi. Cậu cũng là nhà ảo thuật nghiệp dư, mặc dù không giỏi lắm – cháu sẽ luôn nhìn thấy quân át rô thò ra khỏi cổ tay áo của cậu với một ít dây chun lủng lẳng. Cậu còn là nhà sưu tầm tem nhiệt tình, và cậu cũng dạy các học sinh về lịch sử và địa lý của các quốc gia có trên tem, cách sắp xếp tem ngăn nắp thành bộ sưu tập hoàn hảo. Và đó cũng chính là nguyên nhân gây ra nỗi thống khổ của cậu ấy.”
Tôi ngừng nhai và ngồi chờ đợi. Cô Mountjoy rơi vào trạng thái mơ màng và có vẻ sẽ không kể chuyện tiếp nếu không được khích lệ.
“Nỗi thống khổ của thầy ấy ạ?” Tôi hỏi.
“Cậu phạm phải một sai lầm lớn là đặt niềm tin vào đám học sinh biết cách khéo léo lấy lòng cậu. Tụi nó giả vờ mê đắm bộ sưu tập tem của cậu, và còn giả đò say mê hơn nữa với bộ sưu tập của Tiến sĩ Kissing – hiệu trưởng trường. Hồi đó, Tiến sĩ Kissing là người có quyền hành cao nhất thế giới đối với con tem Penny Black – con tem thư đầu tiên của loài người – và tất cả các biến thể của loại tem này. Bộ sưu tập của ông Kissing là sự thèm muốn (cô rất thận trọng khi nói đến từ này) của toàn thế giới. Đám nhãi ranh hèn hạ đã thuyết phục cậu Grenville đứng ra xin và sắp xếp một buổi riêng để chiêm ngưỡng bộ sưu tập tem của ông hiệu trưởng.”
“Khi tất cả đang xem món tài sản quý giá nhất của bộ sưu tập, một con tem Penny Black thứ thiệt, thì con tem bị phá hoại.”
“Bị phá hoại ư?” Tôi hỏi.
“Bị cháy. Một trong số mấy thằng nhỏ đó đã đốt cháy con tem. Nó cố tình làm thế như trò đùa cợt.”
Cô Mountjoy lấy chén trà và lướt đi giống như cuộn khói là là bay ra cửa sổ, và ở đó, cô đứng nhìn ra ngoài suốt một hồi lâu. Tôi suýt nghĩ cô đã quên mình, nhưng rồi cô lại nói:
“Hiển nhiên là cậu bị đổ lỗi cho vụ tai ương đó…”
Cô quay người nhìn thẳng vào mắt tôi.
“Và phần còn lại của câu chuyện thì như cháu đã đọc sáng nay trong Pit Shed.”
“Thầy tự tử,” tôi nói.
“Cậu ấy không tự tử!” Cô hét lên. Chén và đĩa lót rơi khỏi tay cô, vỡ tan trên sàn gạch. “Cậu bị giết!”
“Bởi ai ạ?” Tôi hỏi và phải kiểm soát bản thân; thậm chí tôi phải đặt câu hỏi cho thật đúng ngữ pháp. Cô Mountjoy lại sắp làm cho tôi điên tiết lên.
“Bởi lũ quái vật đó!” Cô nói to. “Lũ quái vật bẩn thỉu đó!”
“Lũ quái vật ạ?”
“Mấy thằng nhãi ranh đó! Bọn chúng đã giết cậu, chắc chắn như thể chúng cầm con dao găm và đâm thẳng vào tim cậu.”
“Bọn họ, những nam sinh đó… lũ quái vật đó là ai ạ? Cô có nhớ tên họ không?”
“Tại sao cháu lại muốn biết chứ? Cháu có quyền gì mà đến khơi lại chuyện về những con ma tai quái đó hả?”
“Cháu thích tìm hiểu lịch sử,” tôi nói.
Cô Mountjoy đưa một bàn tay lên hai mắt như thể đang kiềm chế bản thân trước cơn mê, và nói bằng giọng chậm chạp của người phụ nữ bị đờ đẫn vì thuốc.
“Lâu lắm rồi,” cô nói. “Rất lâu rồi. Cô cũng không còn nhớ nữa… Cậu Grenville có nhắc đến tên của bọn chúng trước khi cậu bị…”
“Giết chết?” Tôi gợi ý.
“Đúng vậy, trước khi cậu bị giết chết. Thật kỳ lạ, phải không? Suốt chừng ấy năm nhưng có một cái tên vẫn lởn vởn trong đầu cô, bởi vì nó nhắc cô nhớ đến một con khỉ… một con khỉ bị xích, với hàm răng vàng khè, đội một cái mũ nhỏ màu đỏ, tròn tròn, tay nó cầm một cái cốc bằng thiếc.”
Cô khẽ cười, một nụ cười lo lắng và căng thẳng.
“Jacko[23],” tôi nói.
Cô Mountjoy ngồi phịch xuống như thể cô vừa bị nện búa vào người. Cô nhìn tôi với đôi mắt lồi ra giống như tôi vừa hiện ra từ một góc nhìn khác.
“Cô bé, cháu là ai?” Cô thì thầm. “Tại sao cháu đến đây? Tên cháu là gì?”
“Flavia,” tôi nói khi dừng lại một chút ở cửa. “Flavia Sabina Dolores de Luce.” “Sabina” là đủ rồi; “Dolores” là tôi bịa ra lúc đó.
Chiếc xe đạp cổ lỗ có núm điều chỉnh ba nấc tốc độ của tôi vốn bị để mốc meo suốt nhiều năm ròng trong nhà kho đựng đồ, giữa các lọ hoa vỡ và xe cút kít, nay được tôi giải thoát khỏi sự lãng quên. Cũng như nhiều thứ khác ở Buckshaw, chiếc xe từng thuộc về mẹ Harriet – bà đặt tên cho nó là l’Hirondelle, nghĩa là “chim nhạn”. Tôi đặt lại tên cho nó là Gladys.
Lốp của Gladys vốn xẹp lép, bộ số khô kêu gào đòi tra dầu, nhưng với chiếc bơm có sẵn và túi dụng cụ bằng da đen sau ghế ngồi, cộng thêm sự giúp đỡ của Dogger, tôi nhanh chóng điều chỉnh chiếc xe đến tốc độ đỉnh cao. Trong bộ dụng cụ, tôi tìm thấy một cuốn sách nhỏ tên là Đạp xe cho Nữ giới mọi lứa tuổi của Prunella Stack. Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Vì Sức khỏe và Nét đẹp. Trên bìa cuốn sách có một dòng chữ được viết bằng mực đen, với nét chữ xinh xắn và mềm mại: Harriet de Luce, Buckshaw.
Mẹ Harriet như thể chưa bao giờ biến mất: mẹ xuất hiện khắp mọi nơi.
Tôi phi xe thật nhanh về nhà, qua các tấm bia mộ xiêu vẹo phủ rêu mốc meo trong nghĩa trang nhà thờ St. Tancred’s, qua những con đường hẹp phủ đầy lá, qua đường High Road với nền đất trắng như phấn, rồi khi vào đến vùng làng quê thoáng đãng, tôi để Gladys tự lăn, nhào xuống các đoạn đường dốc, qua các đoạn cua gấp, và tôi tha hồ tưởng tượng mình là phi công lái một trong những chiếc Spitfires mà mới chỉ năm năm trước thôi, chúng lướt qua các hàng giậu này như những con chim nhạn để hạ cánh ở Leathcote.
Tôi có đọc được trong cuốn sách nhỏ đó rằng nếu tôi bị bệnh vẹo đốt sống như Gulch trong phim Phù thủy xứ Oz chiếu ở rạp, thì khi đạp xe, tôi phải biết chọn địa hình đa dạng, hít thở thật sâu, khi đó, tôi sẽ khỏe khoắn và ấm nóng như ngọn đèn trên hải đăng Eddystone, và không bao giờ bị mụn: mẩu thông tin hữu ích mà tôi sẽ không lãng phí thời giờ bật mí cho Ophelia.
Liệu có cuốn sách nào là Đạp xe cho Nam giới mọi lứa tuổi không nhỉ? Và nếu có, cuốn sách có được viết bởi Chủ tịch Liên đoàn Nam giới Vì Sức khỏe và vẻ điển trai không?
Tôi giả vờ như mình là đứa con trai mà bố vẫn luôn khao khát: một đứa con trai sẽ được bố đưa đến Scotland để câu cá hồi và săn gà gô trắng trong truông; một đứa con trai sẽ được bố gửi đến Canada để chơi khúc côn cầu trên băng. Dù bố chưa thực hiện việc gì trong mấy việc trên, nhưng nếu bố có con trai, chắc ông sẽ làm như thế.
Lúc đó tên lót của tôi phải là Laurence, giống tên bố, và khi chỉ có hai bố con ở nhà, bố sẽ gọi tôi là Larry. Thế mới biết bố thất vọng thế nào khi cả ba chị em tôi đều là vịt giời.
Tôi có quá tàn nhẫn trước mối thù của cô Mountjoy không? Hay tôi là người quá khắt khe? Nói cho cùng, chẳng phải cô chỉ là một phụ nữ già cả, vô hại và đơn độc sao? Liệu chàng trai Larry de Luce có biết cảm thông hơn không?
“Quỷ tha ma bắt, không đâu!” Tôi hét lên trong gió, và hát vang khi tôi và chiếc xe cùng bay vút trên đường:
Oomba-chukka! Oomba-chukka!
Oomba-chukka-Boom!
Tôi là tôi. Là Flavia. Và tôi yêu chính mình, ngay cả khi không ai yêu tôi nữa.
“Flavia vạn tuế! Flavia vạn tuế!” Tôi hét lên khi Gladys và tôi phi nhanh qua cánh cổng Mulford với tốc độ cao nhất, tiến vào con đường trồng cây hạt dẻ dẫn thẳng tới lối lái xe vào Buckshaw.
Những cánh cổng sắt hoa lệ chạm hình sư tử đầu chim này một thời từng mang đến vẻ đẹp thanh lịch cho vùng đất láng giềng Batchley, ngôi nhà do ông bà tổ tiên của “Họ nhà Mulford hèn hạ để lại”. Vào những năm 1760, những cánh cổng của nó đã bị cụ Brandwyn de Luce thu về Buckshaw – sau khi một người thuộc dòng họ Mulford bỏ trốn cùng với vợ của cụ – cụ đã tháo dỡ hết cổng và mang về dinh thự của mình.
Đổi vợ để lấy hai cánh cổng (“Thiên đường tuyệt vời nhất,” cụ Brandwyn viết như thế trong nhật ký) có vẻ là một cách ổn thỏa để giải quyết vấn đề vì gia đình Mulford và gia đình de Luce vẫn là bạn bè tốt và hàng xóm tốt của nhau mãi tới khi người cuối cùng của dòng họ Mulford, cụ Tobias, bán dinh cơ khi Nội chiến Hoa Kỳ xảy ra và cụ ra nước ngoài để trợ giúp phe miền Nam trong cuộc chiến này.
“Flavia, tôi muốn hỏi cháu đôi lời,” Thanh tra Hewitt nói và bước ra ngoài cửa trước.
Ông ta đang đợi tôi sao?
“Vâng,” tôi tử tế nói.
“Cháu đi đâu từ nãy giờ vậy?”
“Thưa ông Thanh tra, cháu bị quản chế sao?” Đó là một câu nói đùa – hy vọng ông ta nắm được vấn đề.
“Tôi chỉ tò mò thôi.”
Ông ta lôi ống tẩu trong túi áo ra, nhồi thuốc và quẹt diêm. Tôi quan sát khi que diêm cháy dần về phía các đầu ngón tay to bè của ông ta.
“Cháu đến thư viện,” tôi nói.
Ông ta châm tẩu, và hướng ống tẩu về phía Gladys.
“Chú không thấy cuốn sách nào.”
“Thư viện đóng cửa ạ.”
“À,” ông ta nói.
Ở người đàn ông này toát lên một vẻ điềm tĩnh đến phát cáu. Ngay cả khi đang điều tra một vụ án mạng, ông ta vẫn bình thản như đang tản bộ trong công viên vậy.
“Tôi vừa nói chuyện với Dogger,” ông ta nói, và tôi nhận thấy ông ta vẫn nhìn thẳng vào tôi để phán đoán phản ứng của tôi.
“À, vậy ạ?” Tôi nói, nhưng tâm trí lại vang lên lời cảnh báo bọn họ đang sắp sửa xỏ guốc đi vào bụng mình.
Cẩn thận! Tôi thầm nghĩ. Nhớ cư xử thận trọng. Dogger đã nói bao nhiêu thông tin với ông ta rồi? Chú ấy có nói kẻ lạ mặt trong phòng làm việc của bố không? Có nói về cuộc cãi lộn giữa ông ta và bố, hay về lời hăm dọa không?
Đó là rắc rối đối với một người như Dogger: chú ấy sẵn sàng nói hết mọi điều với bất kỳ ai, không vì lý do gì cả. Liệu chú ấy đã ba hoa với lão Thanh tra này về kẻ lạ mặt đó trong phòng làm việc chưa nhỉ? Kẻ lạ mặt chết tiệt! Chết tiệt!
“Dogger nói rằng cháu đánh thức ông ta lúc 4 giờ sáng và nói với ông ta rằng trong vườn có người chết. Có phải vậy không?”
Tôi kìm lại tiếng thở phào. Cám ơn Dogger! Cầu Chúa lòng lành phù hộ cho chú, bảo vệ chú và soi sáng cho chú! Dogger trung thành! Cháu biết là cháu có thể tin tưởng chú mà.
“Phải ạ,” tôi nói. “Đúng như thế.”
“Sau đó thế nào?”
“Cháu và chú ấy xuống cầu thang, ra khỏi cửa phòng bếp và vào vườn. Cháu chỉ cho chú ấy xác chết. Chú ấy quỳ xuống bên cạnh xác chết để kiểm tra xem mạch còn đập không.”
“Ông ta làm thế nào?”
“Chú ấy đặt bàn tay lên cổ ông ta – ngay dưới tai.”
“Ừm,” viên Thanh tra nói. “Và có gì không? Ý tôi là mạch còn đập không?”
“Không.”
“Làm sao cháu biết? Ông ta nói với cháu à?”
“Không.” Tôi nói.
“Ừm,” viên Thanh tra nói. “Cháu cũng quỳ xuống cạnh xác chết à?”
“Chắc là vậy. Mà cháu không nghĩ thế… cháu không nhớ nữa.”
Viên Thanh tra ghi chép. Mặc dù không nhìn nhưng tôi thừa biết ông ta viết gì: Câu hỏi: Liệu D. (1) có nói với F. là mạch không đập? (2) F. có quỳ bên cạnh xác chết (BCXC) không?
“Cũng dễ hiểu thôi,” ông ta nói. “Chắc hẳn đây là một cú sốc.”
Tôi nhớ lại hình ảnh người lạ mặt đó nằm dưới ánh sáng đầu tiên của bình minh: những tia sáng mỏng manh trên cằm ông ta, mớ tóc màu đỏ của ông ta khẽ đưa trong cơn gió nhè nhẹ, vẻ mặt tái nhợt, đôi chân duỗi thẳng đơ, các ngón tay run rẩy, và hơi thở nghèn nghẹt lần cuối cùng. Và từ cuối cùng mà ông ta nói với tôi… “Vale.”
Đúng là giật gân!
“Vâng,” tôi nói, “rất đáng sợ ạ.”
Rõ ràng là tôi đã qua cuộc kiểm tra này. Thanh tra Hewitt vào bếp – nơi Hạ sĩ Woolmer và Graves đang bận tán gẫu rồi ăn bánh sandwich rau diếp do cô Mullet làm.
Khi Ophelia và Daphne xuống ăn trưa, tôi thất vọng nhận thấy nước da sáng sủa bất bình thường của Ophelia. Có phải món thuốc do tôi tự pha chế gây tác dụng ngược không? Hay liệu tôi đã sản xuất ra loại kem dưỡng da thần kỳ thông qua sự tình cờ dị hợm của hóa chất?
Cô Mullet hối hả bước vào và càu nhàu này nọ khi đặt súp và bánh sandwich lên bàn.
“Đúng là vô lý,” cô nói. “Tôi đã hết giờ làm rồi, mọi việc cứ rối tung lên, anh Alf thì đang chờ tôi về nhà. Bọn họ thật quá đáng khi bắt tôi bới thùng rác để tìm con chim dẽ giun mắc toi đó,” cô nói và rùng mình, “… để bọn họ dựng con chim lên rồi chụp hình nó. Đúng là vô lý. Tôi đã chỉ chỗ thùng rác cho bọn họ và nói rằng nếu bọn họ muốn xem con chim mắc toi đến mức đó thì bọn họ tự đi bới rác lên mà tìm. Tôi còn phải làm bữa trưa. Các cô ăn bánh sandwich đi. Tháng Sáu không có gì ngon như thịt ướp lạnh đâu, làm món này dễ như bỡn thôi.”
“Chim dẽ giun ư?” Daphne cong môi hỏi.
“Là con chim mà hôm qua cô Flavia và ông Đại tá nhìn thấy trên bậc cửa sau phòng bếp. Tôi vẫn sởn gai ốc khi nghĩ đến con chim mắc toi ấy, nhất là khi nó nằm còng queo trên bậc tam cấp, hai mắt chết chóc, còn chiếc mỏ ngậm một mẩu giấy chổng ngược lên trời.”
“Ned!” Ophelia nói và đập tay lên bàn. “Daffy ơi, em nói đúng lắm. Đó là tín hiệu của tình yêu đấy.”
Lần trước Daphne đọc cuốn The Golden Bough và nói với Ophelia rằng phong tục tán tỉnh ban sơ ở Biển Nam đôi lúc vẫn còn tồn tại trong thời đại văn minh này. Vấn đề là phải kiên nhẫn chờ đợi, chị ta nói thế.
Tôi nhìn hai chị, mặt thộn ra. Có rất rất nhiều lúc tôi không hiểu chút gì về hai bà chị của mình.
Một con chim chết cứng queo như miếng gỗ, với cái mỏ chọc thẳng lên trời? Đó là kiểu tín hiệu gì cơ chứ?
Daphne trốn sau cuốn sách và Ophelia hơi đỏ mặt. Tôi bước khỏi bàn và để mặc bọn họ cười rúc rích với món súp.
“Cô Mullet này,” tôi nói, “cô đã nói với Thanh tra Hewitt là chúng ta không bao giờ nhìn thấy chim dẽ giun ở Anh trước tháng Chín chưa?”
“Chim dẽ giun, chim dẽ giun, chim dẽ giun! Lúc nào cũng chỉ nói về chim dẽ giun. Ôi quý cô ơi, cô vui lòng bước sang một bên được không, cô đang đứng ở chỗ cần được lau chùi đấy.”
“Tại sao hả cô? Tại sao chúng ta không bao giờ nhìn thấy chim dẽ giun trước tháng Chín?”
Cô Mullet đứng thẳng lưng, vứt cây chổi lau nhà vào xô và chùi hai bàn tay đầy xà phòng vào tạp dề.
“Bởi vì chúng ở nơi khác,” cô nói với vẻ hân hoan.
“Ở đâu cơ?”
“À, cô biết đấy… chúng cũng giống như những loài chim di cư khác thôi. Chúng ở đâu đó tít phương Bắc. Theo tôi biết thì chúng còn dùng trà với Ông già Noel nữa cơ.”
“Ở phương Bắc, tức là xa đến đâu cơ? Scotland chăng?”
“Scotland!” Cô khinh khỉnh nói. “Cô ơi, không đâu. Ngay cả chị gái thứ hai của anh Alf là chị Margaret cũng đến tận Scotland để nghỉ hè rồi, nhưng chị ấy cũng không thấy chim dẽ giun ở đó.”
“Mặc dù chồng chị ấy có thấy,” cô nói thêm.
Có tiếng ù ù trong tai tôi, và thứ gì đó kêu “tách” một cái.
“Na Uy thì sao?” Tôi hỏi. “Liệu chim dẽ giun có bay đến Na Uy vào mùa hè không?”
“Chắc là có cô ạ. Cô nên nghiên cứu sách vở thêm đi.”
Đúng rồi! Chẳng phải Thanh tra Hewitt đã nói với bác sĩ Darby rằng họ có lý do để tin rằng người đàn ông chết trong vườn là người Na Uy sao? Làm sao họ biết được điều đó? Liệu viên Thanh tra có nói cho tôi biết không nếu tôi hỏi?
Chắc là không rồi. Vụ này tôi phải tự suy nghĩ mà tìm ra lời đáp thôi.
“Cô ra ngoài ngay đi,” cô Mullet nói. “Tôi phải lau cho xong sàn nhà này rồi mới về nhà được, mà gần một giờ chiều rồi. Cái dạ dày tội nghiệp của anh Alf chắc đang sôi sùng sục lên đây.”
Tôi bước ra cửa sau. Cảnh sát và nhân viên điều tra đều đi hết rồi, mang theo cả xác chết đi, lúc này trông khu vườn trống trải đến lạ lùng. Không thấy bóng dáng Dogger, và tôi ngồi xuống chỗ bức tường thấp để ngẫm nghĩ.
Liệu có phải Ned để con chim chết trên bậc cửa như dấu hiệu tình yêu để tặng Ophelia không? Rõ ràng là chị ta rất chắc chắn về điều đó. Nếu đó là Ned thì anh ta lấy đâu ra con chim?
Hai giây rưỡi sau, tôi túm lấy Gladys, quăng chân qua yên và lần thứ hai trong ngày, tôi bay như gió vào làng.
Tốc độ là cốt lõi. Chưa có ai ở Bishop’s Lacey biết thông tin về cái chết của kẻ lạ mặt đó. Cảnh sát sẽ không nói – và tôi cũng thế.
Phải đến khi cô Mullet lau xong sàn nhà và đi về làng thì tin đồn mới vỡ ra. Một khi cô ấy về đến nhà thì thông tin về vụ án mạng ở Buckshaw sẽ lan nhanh như tin tức về Cái Chết Đen[24]. Tôi phải tìm ra thông tin mình cần biết trước lúc đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.