Tôi cứ mong chờ rằng lâu thật lâu sau khi Ophelia chết đi và biến mất vĩnh viễn, thì mỗi khi nghĩ về chị ta, ký ức đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi là tiếng gõ dịu dàng của chị ta trên chiếc đàn piano. Khi ngồi trước phím đàn của chiếc piano Broadwood cổ trong phòng khách, Feely trở thành một con người hoàn toàn khác.
Sau nhiều năm tập luyện – với sự quyết tâm cao độ – chị ta có được bàn tay trái của Joe Louis[32] và bàn tay phải của Beau Brummel[33] (hay là do Daffy nói vậy).
Bởi vì Feely chơi đàn quá hay, nên tôi luôn cảm thấy mình có nghĩa vụ bắt buộc là phải tán dương chị ta. Ví dụ, khi chị ta chơi những khúc dạo đầu của Beethoven với âm hưởng như thể đạo nhạc Mozart, tôi sẽ dừng lại ngay lập tức, bất kể lúc đó tôi đang làm gì, để được tình cờ đi ngang qua phòng khách.
“Tứ chi của chị càng ngày càng điêu luyện đấy,” tôi nói đủ to để tiếng mình được nghe thấy trong tiếng nhạc.
Ophelia có đôi mắt xanh trắng đục: tôi thích tưởng tượng Homer[34] mù loà cũng có đôi mắt giống thế. Mặc dù thuộc lòng các bản nhạc, nhưng thi thoảng chị ta lại đổi tư thế trước cây đàn, hơi gập người lại, eo vươn ra trước giống như rô bốt, và ngó đăm đăm vào tờ nhạc.
Có một lần, tôi nhận xét là trông chị ta giống hệt một con chuột túi mất phương hướng, thế là chị ta nhảy vọt ra khỏi ghế và lấy bản sonata của Schubert cuộn tròn lại rồi đánh hụt tôi. Ophelia không biết đùa đâu.
Khi tôi trèo lên bậc cuối cùng và Buckshaw xuất hiện ở tít phía bên kia cánh đồng, tôi mệt đứt cả hơi. Cứ ở góc nhìn này và thời điểm này trong ngày là tôi lại yêu nhà mình vô hạn. Khi tôi tiến dần từ phía đông đến, ngôi nhà xây bằng đá lâu năm phát sáng như hoa nghệ tây trong nắng chiều muộn, sừng sững trong khu đất như gà mái mẹ nằm bẹp xuống ấp ủ cho đàn gà con, và lá quốc kỳ Anh đang bay phấp phới trên cao.
Hình như ngôi nhà không nhận thấy tôi đang đến gần, như thể tôi là khách không mời đang lẻn vào trong đó.
Mặc dù cách xa đến một phần tư dặm nhưng tôi vẫn nghe thấy những giai điệu của bản Toccata của Pietro Domenico Paradis – bản nhạc nằm trong tập sonata A – đang bay chấp chới về phía tôi.
Toccata là nhạc phẩm tôi yêu thích nhất; đối với tôi, đây là tác phẩm âm nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới, nhưng tôi biết rằng nếu Ophelia phát hiện ra điều này, chị ta sẽ không bao giờ chơi bản nhạc đó nữa.
Mỗi lần nghe thấy âm điệu của nó, tôi lại nghĩ mình được lao vù vù xuống sườn dốc phía đông của đồi Goodger; lao nhanh đến nỗi hai chân gần như không đuổi kịp được nhau khi tôi bổ nhào xuống từ bên này sang bên kia, đâm sầm vào trong gió như con mòng biển cuồng nhiệt.
Khi tiến gần ngôi nhà hơn, tôi dừng lại trên cánh đồng và lắng nghe dòng chảy hoàn hảo của các nốt nhạc, không quá nhanh – đúng như tôi thích. Tôi nhớ lại khi mình được nghe Eileen Joyce[35] chơi bản Toccata trên kênh BBC Home Service. Lần đó bố bật nhạc lên, không hẳn là để nghe, vì bố còn mải mê với bộ sưu tập tem. Tiếng nhạc tìm được lối đi len lỏi khắp các hành lang và phòng ốc của Buckshaw, bồng bềnh bay lên cầu thang hình xoáy trôn ốc, và lọt vào phòng ngủ của tôi. Ngay khi tôi nhận thấy nó, tôi lao vội xuống cầu thang và chạy ù vào phòng làm việc của bố, và đúng lúc đó, tiếng nhạc kết thúc.
Chúng tôi – tôi và bố – đứng đó nhìn nhau, không biết phải nói gì cho đến cuối cùng, không nói không rằng, tôi quay lưng ra khỏi phòng và chầm chậm leo trở lên lầu.
Đó là vấn đề duy nhất của bản Toccata: nó quá ngắn.
Tôi đến gần hàng rào và đi vào hiên. Bố đang ngồi cạnh chiếc bàn ngay bên cửa sổ trong phòng làm việc, mải mê làm việc gì đó.
Tôi có đọc ở đâu đó rằng, bạn có thể khiến một người hoàn toàn xa lạ phải quay đầu lại nếu bạn nhìn chằm chằm vào gáy của người đó, và tôi nhìn bố chằm chằm lâu hết mức có thể.
Bố ngước mắt lên, nhưng ông không nhìn thấy tôi. Tâm trí ông còn lảng vảng đâu đó khác.
Tôi không dám cử động dù chỉ một sợi tóc.
Và sau đó, như thể đầu bố được làm bằng chì, ông cúi xuống và tiếp tục công việc của mình. Trong phòng khách Feely chuyển sang bản nhạc gì đó của Schumann.
Mỗi khi nghĩ đến Ned, Feely luôn luôn chơi nhạc của Schumann. Chắc có lẽ đây là lý do người ta gọi đó là nhạc lãng mạn. Có lần, khi chị ta chơi bản sonata của Schumann với vẻ mặt mơ màng cực kỳ, tôi nói to với Daffy rằng tôi chỉ ngưỡng mộ những dàn nhạc chơi trên bục hẳn hoi thôi, thế là Feely nổi cơn tam bành, một cơn tam bành không thể cứu vãn khi tôi hùng dũng đi ra khỏi phòng và vài phút sau quay trở lại với chiếc ống nghe tôi tìm thấy trong ngăn kéo tủ, một chiếc cốc nhỏ, và một tấm biển viết tay lủng lẳng quanh cổ có dòng chữ: “Bị điếc sau tai nạn piano thảm thương. Xin hãy rủ lòng thương”.
Đến bây giờ có lẽ Feely đã quên vụ xô xát đó rồi, nhưng tôi thì không. Khi tôi giả vờ đẩy ngang người chị ta để ngó ra cửa sổ, tôi nhìn sát sạt vào mặt chị ta thật nhanh. Chết tiệt! Lại không có gì để viết vào sổ.
“Chắc mày rắc rối to rồi,” Feely nói và đóng sầm nắp đàn lại. “Mày đi đâu cả ngày thế?”
“Không liên quan đến chị,” tôi nói. “Em đâu phải người làm thuê cho chị.”
“Mọi người tìm mày suốt. Tao và Daffy nói với người ta là mày bỏ nhà đi rồi, nhưng may mắn chết tiệt ấy lại không đến.”
“Thật là đáng thương khi nói từ ‘chết tiệt’ Feely ạ… đáng ra chị không nên nói từ đó. Và đừng có phồng má trợn mang lên như thế: trông chị chả khác gì quả lê khinh khỉnh cả. Bố đâu?”
Cứ như thể tôi không biết không bằng.
“Bố không chui ra khỏi cửa cả ngày nay rồi,” Daffy nói. “Mày có nghĩ là bố đang rầu rĩ vì mấy chuyện xảy ra hồi sáng không?”
“Xác chết trong vườn á? Không, không đâu, chẳng liên quan gì đến bố cả, vậy thôi.”
“Tao cũng nghĩ thế,” Feely nói và lại mở nắp đàn ra.
Hất tung tóc ra sau, chị ta bắt đầu chơi bản Goldberg Variations.
Đó là bản nhạc chậm, nhưng du dương, mặc dù theo cách nghĩ của tôi thì vào thời hoàng kim của mình, Bach còn thua xa Pietro Domenico Paradis.
Và rồi tôi chợt nhớ ra Gladys! Tôi đã để chiếc xe ở quán Mười Ba Con Vịt, và nó có thể bị bất cứ ai phát hiện thấy. Nếu lúc này cảnh sát vẫn chưa đến đó thì họ cũng sẽ đến sớm thôi.
Tôi tự hỏi liệu bây giờ Mary hay Ned đã bị ép phải nói cho bọn họ biết về chuyến viếng thăm của tôi chưa. Nhưng nếu bọn họ khai hết rồi, có lẽ nào Thanh tra Hewitt lại không có mặt ở Buckshaw ngay lúc này để đọc cho tôi nghe về đạo luật ngăn ngừa sự phá rối trật tự?
Năm phút sau, cũng là lần thứ ba trong ngày, tôi lại lên đường đến Bishop’s Lacey – lần này tôi cuốc bộ.
Bằng cách men theo hàng rào và núp sau gốc cây mỗi khi nghe tiếng xe cộ, và đi bằng lối đi vòng vèo, tôi đến được đoạn đường xa tít của High Street. Vào lúc muộn như thế này, con đường chìm sâu trong giấc ngủ vắng lặng như thường lệ.
Đi tắt qua khu vườn lộng lẫy của cô Bewdley (có hoa súng, cò đá, cá vàng và cầu dành cho người đi bộ được quét sơn đỏ rực), tôi đến bức tường bằng gạch men theo sân quán trọ Mười Ba Con Vịt, và đến đó, tôi nép xuống để lắng nghe. Nếu chưa có ai dịch chuyển Gladys thì chắc chắn nó vẫn nằm ở ngay bên kia tường.
Không có tiếng động nào, trừ tiếng u u của chiếc máy kéo ở tít xa đâu đó. Ngay khi tôi định mạo hiểm liếc trộm qua thành bức tường, tôi nghe thấy một tiếng nói. Đó là giọng nói của lão Tully. Dù có bịt lỗ tai ở tận Buckshaw thì tôi vẫn nghe thấy giọng nói của lão.
“Thưa ngài Thanh tra, trong đời tôi chưa nhìn thấy ông ta lần nào. Đó là lần đầu tiên ông ta đến Bishop’s Lacey, tôi dám nói là thế. Chắc chắn là tôi vẫn còn nhớ nếu trước đây ông ta từng ghé qua đây: Sanders là tên thời con gái của bà vợ quá cố của tôi, cầu Chúa phù hộ bà ấy, và chắc chắn tôi đã lưu ý ngay nếu người nào đó trùng tên với bà ấy ký vào sổ khách. Ông có thể cá năm bảng Anh về việc này đấy. Không đâu, ông ta chưa bao giờ đặt chân đến cái sân này đâu: ông ta đến bằng cửa trước và đi thẳng lên phòng. Nếu cần tìm manh mối thì ông hãy tìm ở quầy rượu hạng sang ấy. Ông ta đến quầy rượu cũng muộn muộn để uống một chút. Ông ta uống một panh nửa nọ nửa kia, uống ừng ực, không boa thêm.”
Vậy là cảnh sát biết rồi! Tôi cảm thấy niềm phấn khích kêu râm ran trong lòng như món nước gừng, không phải vì bọn họ đã tìm ra danh tính nạn nhân, mà vì tôi đã thắng họ dễ như bỡn.
Tôi cho phép mình thoáng bày tỏ nét mặt tự mãn.
Khi các giọng nói đó xa dần, tôi khẽ bò lên và liếc mắt ngó qua gờ tường gạch. Sân quán trọ trống không.
Tôi nhảy tót qua tường, túm lấy Gladys và lén lút đạp xe ra đường High Street vắng lặng. Lao vun vút xuống đường Cow Lane, tôi quay lại đoạn đường cũ phía sau thư viện, men theo con đường mòn ven sông, vào đường Shoe Street, qua nghĩa địa, và đến giữa các cánh đồng.
Xóc nẩy mông, tôi và Gladys băng qua cánh đồng. Thật hay khi có cô bạn này đồng hành cùng.
“Ôi ánh trăng rạng ngời
Nơi bà Porter
Và cô con gái
Rửa chân trong nước sô đa.”
Đó là bài hát Daffy dạy tôi, nhưng chỉ sau khi nhất quyết bắt tôi hứa là sẽ không bao giờ hát bài hát này ở Buckshaw. Có vẻ là một bài hát hay cho các chuyến đi dã ngoại ngoài trời, và đây đúng là cơ hội hoàn hảo.
Chú Dogger đón tôi ngoài cửa.
“Cô Flavia, tôi cần nói chuyện với cô,” chú nói. Tôi nhìn thấy nỗi căng thẳng trong đôi mắt chú.
“Vâng,” tôi nói. “Ở đâu ạ?”
“Nhà kính,” chú ấy nói và chỉ ngón tay cái.
Tôi đi theo chú vào phía đông của ngôi nhà, qua cánh cửa màu xanh được gắn vào bức tường của vườn rau. Ở trong nhà kính không khác gì ở châu Phi: không một ai, ngoài Dogger từng đặt chân đến nơi này.
Bên trong, kính thông gió được mở trên mái để đón mặt trời chiều, phản chiếu xuống nơi hai chú cháu đang đứng giữa vô số giá đựng chậu cây và ống nhựa két.
“Chú Dogger, có chuyện gì vậy?” Tôi khẽ hỏi.
“Cảnh sát,” chú ấy nói. “Tôi cần phải biết xem cô nói với họ bao nhiêu thông tin rồi…”
“Cháu cũng nghĩ y như chú đấy,” tôi nói. “Chú nói trước đi.”
“Hừ, viên Thanh tra đó… Hewitt ấy. Ông ta hỏi tôi mấy câu hỏi về chuyện hồi sáng.”
“Cháu cũng vậy mà,” tôi nói. “Chú nói gì với ông ta rồi?”
“Cô Flavia, tôi xin lỗi. Tôi buộc phải nói với ông ta rằng khi cô tìm thấy xác chết, cô đến đánh thức tôi dậy và tôi ra vườn với cô.”
“Ông ta biết điều đó rồi.”
Đôi lông mày của Dogger nhảy vọt lên như hai con mòng biển.
“Ông ta biết rồi sao?”
“Chứ sao. Cháu nói với ông ta mà.”
Dogger thở dài.
“Vậy là cô chưa nói gì với ông ta về… cuộc cãi vã đó… trong phòng làm việc ư?”
“Chú Dogger, hiển nhiên là không rồi! Chú coi cháu là gì chứ?”
“Cô Flavia, đừng bao giờ nói gì về chuyện đó. Không bao giờ nhé!”
Tôi thực sự bối rối. Dogger đang đề nghị tôi âm mưu cùng chú ấy để che giấu thông tin với cảnh sát. Chú ấy đang bảo vệ ai? Bảo vệ chính chú ấy ư? Hay bố? Hay là tôi?
Đây là những câu hỏi mà tôi không thể hỏi thẳng chú ấy. Tôi nghĩ mình phải dùng kế sách khác.
“Tất nhiên là cháu sẽ giữ kín,” tôi nói. “Nhưng tại sao nhỉ?”
Dogger lấy một cái xẻng lên và bắt đầu xúc đất đen vào chậu. Chú không nhìn tôi, nhưng quai hàm của chú ấy hơi nghiêng và điều đó cho tôi biết rõ rằng chú ấy đang quyết định về việc gì đó.
“Có nhiều điều,” cuối cùng chú ấy cũng nói, “cần phải được biết. Và có nhiều điều không cần được biết.”
“Ví dụ như?” tôi đánh bạo.
Nét mặt chú ấy giãn ra và chú ấy mỉm cười.
“Cô đi đi,” chú ấy nói.
Trong phòng thí nghiệm, tôi lấy gói giấy trong túi quần ra và cẩn thận mở các nếp gấp.
Tôi rên lên thất vọng: đạp xe và trèo tường đã làm gói bằng chứng của tôi teo tóp lại, làm nó còn nhỏ hơn cả một mẩu bánh ngọt.
“Trời ơi, chán thế! Giờ mình phải làm gì đây?”
Tôi cẩn thận đặt chiếc lông vào phong bì, rồi nhét vào ngăn kéo giữa đống thư từ thuộc về cụ Tar de Luce vốn được viết và được hồi âm từ hồi mẹ Harriet bằng tuổi tôi. Chắc sẽ không ai nghĩ đến việc tìm kiếm ở đây đâu, hơn nữa, như Daffy từng nói, thì nơi lý tưởng nhất để che giấu vẻ mặt sầu não là xuất hiện trên sân khấu biểu diễn opera.
Mặc dù chỉ còn là một mẩu bánh nhỏ xíu, nhưng nó vẫn nhắc cho tôi nhớ là mình chưa ăn gì cả ngày. Do quy chế cổ xưa nào đó, bữa tối ở Buckshaw luôn luôn được cô Mullet chuẩn bị sẵn và được hâm lại cho chúng tôi ăn vào lúc chín giờ.
Tôi đói meo đói mốc, đói đến mức có thể ăn hết một… ừm, một cái bánh trứng sữa nhớp nháp của cô Mullet. Úi, chẳng phải đấy ư? Hồi sáng cô ấy có hỏi mình, ngay sau khi bố bị ngất đấy, là tôi có thích món bánh đó không… mà mình đã ăn bánh đâu nào.
Khi đi qua phòng bếp vào lúc 4 giờ sáng – ngay trước khi tôi nhìn thấy xác chết đó trong vườn dưa – cái bánh vẫn còn ở trên bậu cửa sổ – cô Mullet để nó ở đó cho nguội. Và có một miếng bánh bị khuyết.
Quả là có một miếng bánh bị khuyết!
Ai lấy miếng bánh đó chứ? Tôi còn nhớ lúc đó mình cũng thắc mắc về việc này. Chắc chắn không phải là bố, Daffy hay Feely: bọn họ thà ăn giun nghiền còn hơn là ăn món bánh trứng đáng nguyền rủa của cô Mullet.
Chắc chắn cũng không phải Dogger: chú ấy không phải tuýp người biết lấy món tráng miệng để ăn. Mà nếu Mullet có đưa cho chú ấy miếng bánh, thì cô ấy đã không nghĩ là tôi đã ăn miếng bánh đó.
Tôi đi xuống cầu thang và vào bếp. Chiếc bánh không còn ở đó nữa.
Khung cửa vẫn ở vị trí y như lúc cô Mullet nâng lên. Liệu cô ấy có mang chỗ bánh thừa về cho chồng mình, là chú Alf, ăn không?
Tôi chợt nghĩ, mình có thể gọi điện để hỏi cô ấy, nhưng rồi tôi nhớ đến quy định hạn chế gọi điện của bố.
Bố thuộc về thế hệ bài xích “công cụ” này – bố gọi điện thoại như thế. Lúc nào bố cũng khó chịu với nó, và bố chỉ có thể bị dỗ ngon dỗ ngọt để nói chuyện điện thoại trong những trường hợp vô cùng nghiêm trọng.
Có lần Ophelia nói với tôi rằng ngay cả việc đưa tin về cái chết của mẹ Harriet cũng phải gửi bằng điện tín vì bố nhất quyết không chịu tin những điều không được viết rõ rành rành ra. Chiếc điện thoại ở Buckshaw chỉ được mua để sử dụng trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn hoặc cấp cứu. Bất cứ mục đích sử dụng nào khác đối với “công cụ đó” đều phải được bố cho phép, và quy tắc này được nói đi nói lại vào tai chúng tôi từ khi chúng tôi biết bò ra khỏi cũi.
Thôi, tôi đành đợi đến mai mới hỏi cô Mullet về cái bánh vậy.
Tôi lấy ổ bánh mỳ trong chạn và cắt một lát to. Tôi phết bơ, đổ một lớp đường nâu thật dày lên bánh. Gập tư lát bánh lại rồi nhét vào lò nướng, tôi đặt trong lò đủ lâu để hát được ba câu trong bài Nếu tôi biết bạn đang tới thì tôi đã đi nướng bánh.
Lát bánh này không phải bánh Chelsea Bun thứ thiệt, nhưng kiểu gì cũng ra bánh thôi.