Sau khi chia tay Simon, Andrew liền gọi ngay cho thanh tra Pilguez. Trả lời anh là tiếng hộp thư thoại, Andrew phân vân không biết có nên để lại một tin nhắn rồi gác máy.
Trên đường đến tòa soạn, anh thốt nhiên rùng mình và thấy đau quặn vùng thắt lưng, cơn đau dữ dội đến mức anh buộc phải dừng lại bám vào tay vịn cầu thang. Andrew chưa bao giờ đau lưng và cơn đau bất thường này không quên gợi nhắc cho anh nhớ rằng thời điểm tai ác kia đang gần kề. Nếu như cái chết sắp tới buộc phải diễn ra theo cách ấy, anh nghĩ, có lẽ tốt nhất anh nên nhanh chóng tự kê cho mình một lô thuốc giảm đau thì hơn.
Nữ tổng biên tập đang trên đường từ chỗ ăn trưa về văn phòng bắt gặp anh ở chân cầu thang, người co rúm lại vì đau, trong khi anh vẫn đang gắng lấy lại hơi.
– Anh khỏe chứ Andrew?
– Nói rất thực là trước đây tôi từng cảm thấy khá hơn thế này.
– Trông anh xanh rớt rồi kìa, tôi gọi cấp cứu 911 nhé?
– Không sao đâu, chỉ là cơn đau vùng thắt lưng ấy mà, nó sẽ chóng khỏi thôi.
– Anh nên nghỉ làm buổi chiều, rồi nghỉ ngơi đi.
Andrew cám ơn Olivia. Anh đi vốc nước lên mặt cho mát rồi tất cả sẽ lại đâu vào đấy thôi.
Khi soi mình trong gương nhà vệ sinh, Andrew có cảm tưởng như thấy cái chết đang lảng vảng quanh sống lưng mình rồi anh nghe thấy mình thì thào:
– Mi đã được tặng không một phần đời, anh bạn thân mến à, nhưng mi phải thiết tha với việc vận dụng trí óc nếu như muốn phần đời này kéo dài thêm. Nói gì thì nói mi cũng không tin rằng kiểu hiện tượng này dành cho tất cả mọi người! Mi đã viết đủ cáo phó cho người chết để có thể hiểu khi chiếc đồng hồ sinh học của mi ngừng chạy thì có nghĩa là như thế nào. Không được để bất cứ thứ gì tuột khỏi tầm tay của mi nữa, bất cứ chi tiết nào, thời gian cứ trôi và nó sẽ trôi mỗi lúc một nhanh hơn.
– Ra là anh còn nói chuyện một mình nữa ư, anh Stilman? Olson vừa rời khỏi một buồng vệ sinh vừa hỏi.
Hắn ta kéo khóa quần lên rồi lại gần Andrew, ngay gần bồn rửa tay.
– Hôm nay tôi không có tâm trạng để đùa đâu, Andrew vừa đáp vừa đưa cả mặt vào dưới vòi nước.
– Tôi thấy rõ điều đó rồi. Tôi thấy thời gian gần đây anh kỳ lạ vô cùng, tôi không rõ anh đang âm mưu chuyện gì, nhưng hẳn là vụ việc của anh rất đáng ngờ.
– Olson, anh nên lo chuyện của mình đi, và để cho tôi yên.
– Tôi đã không tố cáo anh! Olson tự hào thông báo, như thể hắn ta đang khoe khoang một chiến tích anh hùng.
– Tốt thật đấy, Freddy, anh đúng là đàn ông đích thực.
Olson tiến về phía giá khăn giấy lau tay rồi dùng hết sức kéo cuộn giấy.
– Cái của khỉ này chẳng bao giờ hoạt động tử tế cả, vừa nói hắn vừa đập vào nắp khay.
– Anh nên viết một bài, tôi dám chắc là bài báo đó sẽ được mến mộ lắm lắm, bài tuyệt cú nhất của anh trong mùa này, “Lời nguyền của khăn lau tay” do Freddy Olson viết.
Olson liếc nhìn Andrew đầy tức tối.
– Thôi được rồi, tôi đùa đấy, đừng để ý nhé.
– Tôi không thích anh, Stilman, và tôi không phải là người duy nhất trong tòa soạn này không thể chịu nổi thói cao ngạo của anh, nhưng chí ít thì tôi cũng không giả vờ. Có rất đông những người như chúng tôi đang chờ dịp để trả thù anh. Cuối cùng anh cũng bị hạ bệ thôi.
Đến lượt Andrew lại chăm chú quan sát đồng nghiệp của mình.
– Thế còn những ai tham gia câu lạc bộ đầy nhộn nhịp chống-Stilman vậy?
– Trước hết hãy tìm những kẻ đánh giá cao anh, anh sẽ thấy là danh sách cũng chẳng phải là dài gì cho cam.
Olson đưa ánh mắt coi thường nhìn Andrew rồi rời khỏi toa lét.
Cố chống lại cơn đau, Andrew đi theo hắn rồi bắt kịp hắn trước thang máy.
– Olson! Tôi đã sai khi đánh anh. Khi đó tôi hơi cả giận mất khôn, mong anh thứ lỗi.
– Thật vậy ư?
– Giữa đồng nghiệp với nhau, chúng ta cần cư xử ôn hòa mà.
Freddy nhìn Andrew.
– OK, Stilman, tôi chấp nhận lời xin lỗi của anh.
Olson chìa tay ra và Andrew lấy hết sức bình sinh để siết chặt tay anh ta. Tay Olson ẩm ướt kinh khủng.
Cả buổi chiều, Andrew mệt mỏi khật khừ đến nỗi không thể viết nổi cái gì. Anh tận dụng khoảng thời gian này để đọc lại những dòng đầu tiên trong bài báo viết về những sự kiện gây chấn động Argentina dưới chế độ độc tài.
Andrew Stilman, The New York Times
Buenos Aires, 24 tháng Ba 1976
Một cuộc đảo chính mới đã lại đưa kẻ độc tài lên nắm chính quyền. Sau khi cấm các đảng phái chính trị cùng các nghiệp đoàn hoạt động, thiết lập hệ thống kiểm duyệt báo chí trên khắp cả nước, tướng Jorge Rafaël Videla cùng các thành viên của nhóm đảo chính quân sự đã tổ chức một chiến dịch trấn áp mà quốc gia Argentina chưa từng biết đến trong lịch sử.
Mục đích của chiến dịch được công bố là nhằm ngăn ngừa các cuộc nổi dậy, loại bỏ mọi phần tử bị nghi ngờ là quân ly khai. Thế là một cuộc săn người thật sự được tiến hành trên khắp đất nước. Những ai chống đối chế độ, cùng bạn bè họ, hoặc đơn giản là có mối quan hệ với tất cả những ai thể hiện quan điểm trái ngược với những giá trị bảo thủ của nền văn minh Cơ Đốc giáo sẽ bị coi là phần tử khủng bố, bất chấp tuổi tác hay giới tính.
Nhóm đảo chính lên nắm quyền còn mở ra rất nhiều nhà tù bất hợp pháp, thành lập các bộ phận đặc biệt gồm nhiều đơn vị cảnh sát và các thành viên trực thuộc ba thành phần của quân đội.
Theo lệnh của nhiều quan chức lãnh đạo vùng, nhiệm vụ của họ là bắt cóc, tra tấn, sát hại mọi phần tử bị nghi ngờ là có thiện cảm với phe đối lập. Trong vòng mười năm, nhóm đảo chính nắm chính quyền đã biến thành nô lệ và làm mất tích hơn ba mươi nghìn người, bao gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ mọi lứa tuổi, nhưng đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Hàng trăm đứa trẻ đã bị giật khỏi tay mẹ đẻ chúng ngay khi mới lọt lòng để trao cho những thành phần ủng hộ chế độ. Nhân thân của những đứa trẻ này bị xóa sổ một cách có hệ thống để rồi được tạo ra một nhân thân mới hoàn toàn. Luận thuyết của chính quyền đương nhiệm viện đến một thứ luân lý Cơ Đốc giáo sắt đá: đánh cắp những tâm hồn trong trắng khỏi tay những ông bố bà mẹ có tư tưởng suy thoái để cứu nguy cho chúng bằng cách trao chúng cho những gia đình đủ tư cách nuôi dạy chúng.
Những kẻ “mất tích”, người ta thường gọi họ như vậy, sẽ bị chôn trong những hố chôn tập thể và rất nhiều người trong số đó, bị gây mê trong những trại giam trước khi đưa lên máy bay bí mật, sẽ bị quăng xuống sông Rio Grande hay xuống biển.
Sẽ chẳng còn chút dấu vết nào về cuộc tàn sát này có thể buộc tội các nhà cầm quyền…
Andrew đọc lướt không biết bao lần danh sách tập hợp tên tuổi những kẻ tham gia những tội ác dã man kia. Từng vùng một, từng khu đô thị một, từng trại tập trung một. Thời gian trong ngày dần trôi đi trong quá trình đọc tên những đao phủ đó, cùng lúc anh tiếp tục xem xét tỉ mỉ bản sao lời khai của các nhân chứng, lời thú tội vào phút cuối trong những phiên tòa vốn chẳng có tác dụng gì. Khi nền dân chủ được tái thiết lập, những kẻ bạo tàn kia đã gần như hoàn toàn thoát khỏi việc bị trừng phạt sau khi luật ân xá được thông qua.
Trong khi tiến hành công việc tỉ mẩn này, Andrew tiếp tục tìm kiếm không mệt mỏi dấu vết một tay Ortiz nào đó mà theo những thông tin do tổng biên tập chia sẻ, hành trình của hắn ta tiêu biểu cho những quân nhân thực thà chất phác trở thành kẻ đồng phạm mặc nhiên của tội ác tàn bạo này.
Tại sao hắn lại đặc biệt đến vậy? Số phận của hắn thuộc hàng bí hiểm bậc nhất, Olivia Stern từng nói với anh. Cho dù ở Argentina hay nơi nào đó, vấn đề vẫn luôn chỉ là một: chính quyền đương thời đã khơi lên nhiệt huyết nào để biến những người đàn ông bình thường này thành kẻ tra tấn dã man, làm sao mà một người bố trong gia đình có thể trở về nhà, ôm hôn vợ con mình sau khi đã trải qua một ngày tra tấn và sát hại bao phụ nữ và trẻ con khác?
Andrew biết mình chỉ thiếu chút nữa là tóm được Ortiz. Phải chăng chính một trong những đồng phạm cũ, một trong những bạn chiến đấu của hắn đã theo anh đến tận lối đi của công viên River Park?
Có điều gì đó khập khiễng trong giả thiết này. Andrew đã bị giết hai ngày trước khi bài báo của anh được đăng tải, vì thế không thể có chuyện trả thù được. Tuy vậy, anh tự nhủ, khi quay trở lại Buenos Aires, anh phải thật cảnh giác hơn lúc ở cuộc đời trước.
Càng nghĩ, anh càng thấy rõ ràng là mình cần giúp đỡ. Anh gọi lại cho thanh tra Pilguez.
Viên cảnh sát về hưu cho rằng cú điện thoại này không hề báo trước điều gì tốt đẹp và rằng Andrew rốt cuộc đã quyết định tiến hành truy tố sau vụ tai nạn mà ông đã gây ra.
– Tôi rất đau ở sống lưng, nhưng ông không phải chịu trách nhiệm về chuyện đó đâu, Andrew trấn an ông. Cuộc gọi của tôi không hề liên quan đến cách ông lái xe khỏi bãi đỗ hơi quá mạnh bạo đâu.
– Vậy ư? Pilguez thở phào nhẹ nhõm, vậy thì tại sao tôi lại có vinh hạnh nhận cuộc gọi này?
– Tôi cần gặp ông, chuyện rất khẩn cấp.
– Tôi sẽ mời anh uống cà phê, nhưng tôi sống ở San Francisco, hơi xa chỗ của anh.
– Tôi hiểu, Andrew thở dài.
– Anh đang nói về vụ khẩn cấp kiểu nào vậy? Pilguez nói tiếp sau giây lát do dự.
– Chuyện sống còn.
– Nếu là vụ án hình sự thì tôi đã nghỉ hưu rồi. Nhưng tôi có thể giới thiệu anh với một trong các đồng nghiệp người New York của mình. Tôi hoàn toàn tin tưởng thanh tra Lucas ở đồn 6.
– Tôi biết là ông đã nghỉ hưu, nhưng tôi chỉ tin mình ông, đấy là theo bản năng mách bảo.
– Tôi biết…
– Tôi nghi ngờ chuyện này lắm. Tình huống tôi đang gặp phải vô cùng éo le.
– Tôi đang nghe anh đây. Tôi có chút quen thuộc với những tình huống éo le rồi, tin tôi đi, viên thanh tra nài nỉ.
– Giải thích qua điện thoại rất phức tạp. Ông sẽ không tin đâu… Mong ông thứ lỗi vì cú điện thoại không đúng lúc này. Chúc ông một tối tốt lành.
– Ở San Francisco giờ vẫn còn là giữa chiều.
– Thế thì chúc buổi chiều tốt lành, thanh tra.
Andrew gác máy. Anh lấy tay ôm đầu rồi gắng tập trung tâm trí.
Anh đã hẹn gặp Valérie trong một tiếng nữa, và sẽ làm mọi cách để thay đổi tâm trạng bực bội cáu gắt nếu như anh không muốn làm hỏng buổi tối quan trọng đến vậy. Anh đã sử dụng hết phần quota ích kỷ trong cuộc sống trước.
°
Anh cầu hôn cô như thể đây là lần đầu tiên. Cô chiêm ngưỡng chiếc nhẫn mà Andrew vừa đeo vào tay mình rồi xúc động khẳng định rằng nếu được chọn cô sẽ không có lựa chọn nào khác.
Bữa tối kết thúc, Andrew gọi cho Simon và liền ngay sau đó đưa máy cho Valérie để cô thông báo tin vui này cho cậu; rồi lại đến lượt anh gọi cho Colette.
Khi đến chân tòa chung cư nhỏ ở East Village, Andrew thấy điện thoại nằm sâu trong túi áo đang rung lên. Anh tò mò nhấc máy.
– Tôi đã suy nghĩ về cuộc trò chuyện ngắn của chúng ta vừa rồi. Vợ tôi sẽ rất vui nếu tôi để bà ấy yên trong vài ngày. Hình như cuộc sống của tôi vẫn diễn ra đều đều như vậy kể từ khi về hưu đến giờ… chút giải trí tiêu khiển không thể làm tôi hề hấn gì. Tất cả những chuyện này để nói với anh rằng tôi sẽ đáp máy bay vào sáng mai. Tôi sẽ tranh thủ vài ngày tự do này để đến thăm mấy ông bạn già người New York. Chúng ta sẽ gặp nhau ăn tối vào khoảng 21h tại đúng chỗ lần trước nhé. Nhớ đến đúng giờ đó, anh đã đánh thức trí tò mò của tôi, anh Stilman à.
– Hẹn ngày mai, thanh tra, 21h tại nhà hàng Frankie. Andrew thở phào đáp.
– Ai đó, Valérie hỏi.
– Chẳng ai cả.
– Vậy ra tối mai anh ăn tối với chẳng ai cả ư?
°
Phòng ăn chìm trong thứ ánh sáng lờ mờ. Ngồi ở bàn trong cùng, thanh tra Pilguez đang đợi. Andrew vừa ngồi xuống vừa nhìn đồng hồ.
– Do tôi đến sớm thôi, viên thanh tra vừa nói vừa bắt tay Andrew.
Nhân viên phục vụ đưa họ thực đơn và viên thanh tra nhíu mày.
– Cái thói dùng đèn đuốc mờ mịt trong nhà hàng này thật khiến người ta bực mình. Tôi chẳng thể đọc nổi một dòng nào trong quyển thực đơn này, vừa nói ông vừa lôi cặp kính ra khỏi túi.
Andrew liếc nhanh thực đơn rồi đặt xuống.
– Ở đây họ luôn có món thịt rất tuyệt, Pilguez vừa dừng đọc thực đơn vừa nói tiếp.
– Thế thì chọn món thịt đi thôi, Andrew nói. Chuyến đi của ông tốt đẹp chứ?
– Câu hỏi mới hay ho làm sao! Làm cách nào mà anh lại muốn có một chuyến du hành dễ chịu bằng máy bay vào thời buổi này cơ chứ? Nhưng thôi, hãy nói về điều đã dẫn chúng ta đến đây đi, tôi có thể giúp gì cho anh?
– Hãy giúp tôi bắt kẻ định…
Andrew ngập ngừng trong giây lát trước khi tiếp tục.
– … kẻ đã mưu toan sát hại tôi, anh đáp mà không chọn cách mào đầu nào khác.
Pilguez liền đặt vội chai bia xuống.
– Anh đã gửi đơn tố cáo đến sở cảnh sát chưa?
– Chưa.
– Nếu có ai đó thực sự muốn giết anh thì có lẽ anh nên bắt đầu bằng cách đó, không phải sao?
– Chuyện hơi phức tạp hơn thế một chút… có thể nói rằng điều này còn chưa xảy ra.
– Như thế không được rõ ràng cho lắm. Vậy hắn ta đã mưu toan sát hại anh hay hắn ta sắp mưu toan sát hại anh?
– Nếu trả lời thành thật câu hỏi của ông, tôi sợ rằng ông sẽ cho tôi là kẻ cuồng tưởng mất.
– Dù sao thì cũng cứ thử đi.
– Vậy thì là cả hai, thanh tra ạ.
– Tôi hiểu, anh từng là nạn nhân của một âm mưu ám sát và anh cho rằng thủ phạm sẽ sớm ra tay lần nữa, chuyện có phải vậy không?
– Có thể coi là như vậy cũng được.
Pilguez ra hiệu cho nhân viên phục vụ đến ghi món. Ngay khi tay nhân viên đi khỏi, ông liền nhìn chằm chằm vào người đối thoại cùng mình.
– Tôi vừa trải qua sáu tiếng đồng hồ bị nêm chặt trong một cái hộp cá sạc đin ở độ cao ba mươi nghìn bộ, bởi vì anh đã gọi tôi đến giúp. Tôi có thiện cảm với anh và tôi cũng cảm thấy mắc nợ anh sau khi đã chớm quệt phải anh.
– Ông chỉ mới xô vào tôi thôi, và tôi chẳng bị xây xước chút nào cả.
– Công bằng mà nói, trong cái thành phố đầy những kẻ gàn dở sẵn sàng khởi kiện anh vì một chuyện không đâu này, tôi có đủ điều kiện để anh nhận được một khoản bồi thường đáng kể từ công ty bảo hiểm của tôi. Nhưng anh đã không làm thế, và từ đó tôi suy ra anh là người chính trực. Tôi cảm thấy anh đang lo lắng, thực sự lo lắng. Với bốn mươi năm trong nghề, trực giác hiếm khi nào đánh lừa tôi, và tin tôi đi, tôi đã chứng kiến nhiều vụ việc mà anh không ngờ nổi đâu. Nếu tôi kể cho anh một vài trong số đó, anh sẽ cho là tôi còn cuồng tưởng hơn anh ấy chứ. Vậy nên hoặc là giải thích cho tôi chính xác đã xảy ra chuyện gì hoặc là tôi sẽ kết thúc món bít tết này rồi đi nằm luôn. Anh rõ chưa?
– Chẳng gì rõ ràng hơn thế, Andrew vừa cụp mắt xuống vừa đáp.
– Tôi đang nghe anh đây, tôi rất sợ ăn đồ nguội lạnh, vừa nói viên thanh tra vừa tấn công đĩa thức ăn của mình.
– Tôi đã bị sát hại vào ngày mùng 9 tháng Bảy.
Viên thanh tra bắt đầu đếm đầu ngón tay mình.
– Vậy là cách đây đã mười tháng. Anh sẽ nói cho tôi là trong tình huống nào sau, nhưng trước hết, điều gì khiến anh nghĩ rằng có người lại một lần nữa đe dọa mạng sống của anh?
– Ông vẫn chưa hiểu ý tôi rồi, tôi đã bị giết vào mùa hè này.
– Hiện giờ đang là ngày 11 tháng Năm và anh có vẻ vẫn sống nhăn…
– Tôi đã bảo trước với ông rồi mà.
– Anh gặp vấn đề diễn đạt rất nghiêm trọng đối với một nhà báo rồi. Nếu tôi hiểu chính xác điều anh đang ngụ ý thì anh tin chắc rằng mình sẽ bị sát hại vào ngày mùng 9 tháng Bảy. Sao lại là ngày này?
– Chuyện còn phức tạp hơn thế nữa cơ…
Và rồi Andrew kể thật chi tiết chuyện đã xảy đến với anh tại lối đi trong công viên River Park vào sáng cái ngày mùng 9 tháng Bảy đó cùng những trải nghiệm khó tin mà anh từng trải qua kể từ đó đến giờ.
Khi anh kể xong chuyện, viên thanh tra liền tu một hơi cạn chai bia rồi lại gọi thêm chai nữa.
– Tôi đúng là có biệt tài thu hút những chuyện lạ đời, hoặc là một lời nguyền đã giáng xuống đầu tôi.
– Sao ông lại nói thế?
– Anh khó mà hiểu được…
– Đã đến nước này rồi mà.
– Dịp khác tôi sẽ nói với anh. Được rồi, giờ chúng ta tóm tắt lại nhé, anh khẳng định là anh đã bị sát hại và, ngay sau khi chết, anh nhảy lùi về quá khứ hai tháng. Thế anh đã đi chụp cắt lớp để xác định trong màng não của mình mọi thứ đều hoạt động tốt chưa? Viên thanh tra hỏi, giọng giễu cợt.
– Chưa.
– Thế thì ta nên bắt đầu từ bước đó đã. Có thể anh bị một cục máu đông làm nghẽn đâu đó trong não bộ khiến anh bị nhầm lẫn lung tung. Tôi có một người bạn rất thân làm ở khoa phẫu thuật thần kinh tại Francisco, một phụ nữ cừ lắm, chính bà ấy cũng từng kinh qua nhiều chuyện hiếm gặp. Tôi có thể gọi cho bà ấy, chắc chắn bà sẽ gửi gắm anh đến một đồng nghiệp New York.
– Nếu tôi nói mình có thể kể cho ông nghe mọi chuyện sắp xảy ra từ giờ cho đến tháng Bảy thì sao?
– Và hơn nữa, anh còn minh mẫn vô cùng!
– Không, chỉ là tôi có một trí nhớ tốt thôi, tôi nhớ được những điều từng trải qua trong vòng hai tháng cuối đời mình.
– Tuyệt cú mèo, đó chính là thứ loại bỏ căn bệnh Alzheimer phát triển sớm. Nghiêm túc mà nói, anh Stilman, anh tin vào những điều mình nói chứ?
Andrew im lặng không đáp, Pilguez thân ái vỗ vỗ vào tay anh.
– Dĩ nhiên là anh tin chuyện đó rồi! Mà chính tôi phải gặp phải chuyện đó kia, liệu tôi có thể làm gì để tin vào Chúa lòng lành đây?
– Không có gì đâu, Andrew tiếp lời, tôi cũng ngờ là mình có rất ít cơ hội thuyết phục ông tin. Nếu là ông, tôi cũng vậy thôi…
– Anh thích thể thao không? Pilguez vừa ngắt lời anh vừa đưa mắt nhìn về phía màn hình ti vi treo phía trên quầy bar.
– Có chứ, hệt như mọi người thôi.
– Đừng có quay lại, đội Yankee đang đấu với đội Mariner của Seattle, trận đấu đang sắp đến hồi kết, anh có thể cho tôi biết kết quả chung cuộc không?
– Tôi không nhớ chính xác lắm, nhưng tôi có thể nói là trái ngược với mọi mong đợi, đội Mariner đang khởi đầu một mùa giải đặc biệt, và đội Yankee hiện đang buộc phải gặm cỏ thôi.
– Ôi dào, Pilguez thở dài, bất cứ cổ động viên nào của Mariner cũng sẽ nói với anh điều y hệt vậy.
– Cổ động viên của đội Mariner và là người New York ư… ông đùa chắc! Đội Yankee sẽ vượt lên dẫn trước vào phút chót và giành chiến thắng sát nút.
– Họ còn lâu mới được như vậy nhé, Pilguez thở dài.
– Ngay sáng mai, ông hãy mua tờ The New York Times. Ở ngay trang nhất, ông sẽ đọc thấy tin Hải quân Hoa kỳ đã bắn một tàu của Hải quân Iran vốn đang phong tỏa eo biển Ormuz.
– Đủ rồi đó Stilman! Anh là phóng viên của The New York Times, dẫu sao anh cũng không cố lòe tôi bằng cách khiến tôi tin rằng anh đã đoán đúng trang nhất của tờ báo nơi anh làm việc đấy chứ?
– Vụ việc này là chủ đề của một thông cáo của Lầu Năm góc vào quãng 23h30; tờ báo lên trang vào lúc nửa đêm và giờ thì còn lâu mới đến lúc đó. Nhưng vì ông chẳng hề tin tôi: ngày mai, vào cuối buổi sáng, một vòi rồng lục địa sẽ quét qua thị trấn nhỏ Gardner thuộc Florida. Trung tâm thị trấn sẽ hầu như bị xóa tên trên bản đồ.
– Và anh nhớ những chuyện này vì anh là một tín đồ của bản tin dự báo thời tiết?
– Tôi nhớ chuyện này vì bố mẹ vợ tương lai của tôi sống ở Arcadia, một thành phố nhỏ cách đó chừng ba mươi dặm thôi. Tôi nhớ như in vợ tương lai của mình đã lo lắng đến phát bệnh và vì chuyện này xảy ra sau khi tôi cầu hôn cô ấy có hai ngày nên tôi nhớ rõ ngày tháng.
– Xin chúc mừng cả hai. Còn chuyện gì khác không, thầy bói?
– Chiều mai, một trong những đồng nghiệp của ông thuộc đội cảnh sát cưỡi ngựa sẽ bị một chiếc xe cứu thương đâm phải. Người đó thoát nạn với một chiếc xương đòn bị gãy. Nhưng bất hạnh thay, con vật cưỡi của anh ta phải chịu chích thuốc cho chết. Vợ tôi là bác sĩ thú y, chính cô ấy chịu trách nhiệm chăm lo cho đám ngựa của cảnh sát cưỡi ngựa New York. Dồn dập vụ vòi rồng và tổn thất một con ngựa, Valérie đã rơi vào trạng thái stress khiến tôi rất lo lắng. Tôi đã làm ông mất kha khá thời gian vì tối nay rồi và tôi không muốn tiếp tục trò chơi nho nhỏ này vốn chẳng khiến tôi dễ chịu gì cho cam. Ông là khách mời của tôi, cũng có thể nói là tôi nợ ông tiền vé máy bay.
– Tôi sẽ để anh thanh toán bữa ăn này, còn những chi phí đi lại của tôi, dù sao tôi cũng là một nam nhi đại trượng phu, nhưng cũng cảm ơn anh nhiều.
Andrew thanh toán hóa đơn rồi đứng dậy.
– Tôi vừa thoáng nghĩ tới điều này, Stilman, cứ cho là thực sự anh có khả năng đoán trước điều sẽ xảy ra trong những tháng tới, vậy tại sao anh không thử ngăn chặn chuyện có thể xảy ra đó đi?
– Bởi vì tôi không thể thay đổi tiến trình sự việc được. Những lần hiếm hoi tôi thử làm chuyện đó trong vòng hai ngày qua, rốt cuộc tôi chỉ làm các sự việc diễn ra chậm lại vài giờ mà thôi.
– Nếu đã vậy thì điều gì khiến anh nghĩ mình có thể ngăn chặn kẻ giết mình?
– Hy vọng hay thất vọng, tùy vào tâm trạng từng thời điểm thôi.
Andrew chào viên thanh tra rồi rời khỏi nhà hàng.
Còn lại mình Pilguez ngồi bên bàn suy tư. Ông xem hết trận đấu và ở những phút cuối, đội Yankee đã ghi được một cú Home run[1] và giành chiến thắng chung cuộc.
[1] Khi người cầm chày (batter) quật banh đạt được đích để chạy (run) kế tiếp nhau cả 4 lần như thế, người ta gọi là Home-Run.