Nếu Như Được Làm Lại

CHƯƠNG 12



Pilguez đến tìm Andrew vào lúc 6h30. Nếu họ muốn tóm gọn người có tên là Frank Capetta, giáo sư thần học tại Đại học New York, thì tốt nhất là nên đợi anh ta ở dưới nhà trước khi anh ta đi làm.
Chiếc taxi thả cả hai xuống góc giao giữa phố 101 và đại lộ Amsterdam. Những tòa chung cư có giá cho thuê được kiểm soát này do thành phố quản lý. Sừng sững kiêu ngạo với hai mươi tầng lầu, tòa nhà số 826 vươn cao trên một sân bóng rổ cùng một công viên nhỏ có hàng rào sắt bao quanh nơi nhiều trẻ em đang chơi đùa.
Pilguez và Andrew ngồi xuống một băng ghế đối diện với sảnh vào tòa nhà.
Anh ta mặc áo khoác bằng vải gabađin, cánh tay ôm chặt cứng chiếc túi đeo và còng lưng bước đi, như thể sức nặng của toàn nhân loại đang đè lên vai anh ta. Andrew ngay lập tức nhận ra Capetta, anh đã nhìn bức ảnh trên giấy phép lái xe của anh ta hàng nghìn lần, đồng thời tự nhủ mình đã làm gì mà khiến anh ta nổi nóng đến vậy.
Pilguez quay sang nhìn Andrew và anh liền gật đầu xác nhận rằng đó chính là người đàn ông này.
Họ cùng đứng dậy rồi rảo bước thật nhanh và bắt kịp anh ta trước khi anh ta đi đến điểm dừng xe buýt. Vị giáo sư tái mặt khi Andrew đến đứng đối diện với mình.
– Anh không từ chối một tách cà phê nhỏ trước khi đi làm chứ? Pilguez hỏi với giọng dường như không thể tranh cãi.
– Tôi sẽ muộn tiết giảng của mình mất, Capetta xẵng giọng đáp, và tôi chẳng hề muốn dùng cà phê với tên này, anh ta nói thêm. Hãy để tôi đi hoặc tôi sẽ kêu toáng lên đấy, sở cảnh sát nằm cách đây chưa đầy trăm mét đâu.
– Và rồi anh sẽ nói gì với cảnh sát đây? Pilguez đáp trả. Rằng cách đây vài tháng, anh đã đánh nhừ tử người đàn ông này bằng gậy bóng chày và phá tanh bành chiếc xe cổ của anh ta, trò tiêu khiển trong dịp nghỉ lễ của anh ư?
– Còn trên cả hèn hạ! Capetta vừa thở hắt ra vừa nhìn Andrew vẻ khinh bỉ. Mày còn đến đây với con khỉ đột này để trả thù ư?
– Cảm ơn lời khen nhé, Pilguez đập lại. Ít nhất thì anh cũng chẳng phủ nhận sự việc. Tôi chẳng phải là vệ sĩ của anh ta mà chỉ là một người bạn không hơn không kém. Xét cái cách mà anh đã cư xử trong cuộc gặp gần đây giữa hai người, anh sẽ chẳng thể trách anh ta dẫn theo người đến đây đâu.
– Tôi không đến đây để ăn miếng trả miếng với anh, Capetta, Andrew chen vào.
– Sao các người lại tìm ra tôi?
Andrew đưa chiếc ví cho vị giáo sư.
– Sao lại phải đợi lâu đến vậy? Vừa nhận lại giấy tờ Capetta vừa hỏi.
– Thôi nào, chúng ta đi dùng chút cà phê được chưa? Pilguez vừa giậm giậm chân trên vỉa hè vừa nài nỉ.
Họ cùng vào quán cà phê Roma và chọn một bàn ở tận cuối phòng.
– Các người muốn gì? Capetta lên tiếng hỏi.
– Một bữa cà phê lai rai, Pilguez đáp.
– Muốn hiểu vì sao anh lại tấn công tôi, Andrew đi thẳng vào vấn đề.
Pilguez rút bút cùng tập giấy ghi chép ra khỏi túi rồi đẩy nó trượt trên bàn đến trước mặt Capetta.
– Trong khi tôi đi gọi đồ, tôi rất lấy làm biết ơn nếu anh viết cho tôi vài dòng như sau: một miếng thịt dê quay, hai cân khoai tây, kinh giới ô, hai củ hành tím, một lọ kem tươi năm mươi phần trăm, một gói mù tạt bột, hai gói pho mát gruye nạo nhỏ, một bó măng tây và đúng rồi, một bánh pho mát.
– Sao tôi lại phải viết những thứ đó? Capetta vặn hỏi.
– Bởi vì tôi đã lịch sự yêu cầu anh viết thế, vừa trả lời Pilguez vừa đứng dậy.
– Thế nếu tôi không muốn viết thì sao?
– Tôi đặc biệt càng không muốn đến kể cho trưởng phòng nhân sự trường Đại học New York về chuyện một giáo sư của trường đã làm gì vào dịp lễ Giáng sinh, nếu anh hiểu những gì tôi muốn nói! Nào, bắt tay vào việc đi! Lát nữa tôi sẽ quay lại, anh muốn uống gì, một tách trà chẳng hạn?
Andrew và Capetta ngạc nhiên nhìn nhau. Capetta bắt tay vào viết và trong lúc anh ta chép lại những từ Pilguez vừa đọc, Andrew bèn hỏi anh ta câu hỏi chỉ chực buột khỏi miệng anh.
– Vậy rốt cuộc là tôi đã làm gì anh hả Capetta?
– Anh giả đò không biết hay anh là một tên ngốc?
– Có thể là mỗi loại một chút.
– Lão chó ngao của anh vừa nói là một gói hay một lọ mù tạt ấy nhỉ? Tôi chẳng còn nhớ nữa.
– Tôi nghĩ là một gói.
– Anh đã phá hỏng toàn bộ cuộc sống của tôi, Capetta vừa thở dài vừa tiếp tục bài chép chính tả của mình, thế đã đủ cho anh chưa hay anh còn muốn chi tiết hơn?
Capetta ngước lên nhìn Andrew.
– Dĩ nhiên là anh muốn tường tận chi tiết rồi! Tôi có hai con, thưa anh Stilman, một cậu con trai bảy tuổi và một cô con gái bốn tuổi rưỡi. Sam và Léa. Lần sinh Sam đã gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe vợ tôi. Bác sĩ đã nói rằng chúng tôi không thể có con được nữa. Chúng tôi luôn ao ước Sam có thêm một em trai hay một em gái nữa. Paolina, vợ tôi, là người gốc Uruguay. Lũ trẻ là tất cả cuộc đời cô ấy. Cô ấy cũng là giáo viên, môn lịch sử, và học sinh của cô ấy thì nhỏ tuổi hơn sinh viên của tôi nhiều. Đến khi chúng tôi rốt cuộc cũng chấp nhận rằng chẳng thể còn hy vọng nào nữa thì chúng tôi quyết định nhận con nuôi. Tôi chẳng cần phải nói anh cũng biết cái việc này tốn thời gian và tẻ ngắt đến mức nào. Một số gia đình phải kiên nhẫn đợi vài năm trời mới có thể đạt được giấc mơ này. Chúng tôi được biết là Trung Quốc đang không còn biết làm gì với hàng nghìn đứa trẻ bị bỏ rơi. Luật kiểm soát sinh sản của họ cho phép mỗi gia đình chỉ có một con. Chính quyền Trung Quốc rất nghiêm khắc. Rất nhiều cặp vợ chồng không có điều kiện sử dụng các biện pháp tránh thai. Khi nhỡ có đứa thứ hai, họ không đủ tiền nộp phạt theo quy định, nên đôi khi họ buộc phải bỏ con.
Với nhiều đứa trẻ thuộc diện này, cuộc đời chúng bị gói gọn trong bốn bức tường của trại trẻ mồ côi, hưởng một nền giáo dục qua loa đại khái và một cuộc sống chẳng có hy vọng lớn lao gì. Tôi là một người mộ đạo, và tôi những muốn tin rằng bi kịch mà chúng tôi phải gánh chịu là do đức Chúa trời giáng xuống để chúng tôi mở mắt nhìn thấy nỗi thống khổ của kẻ khác, để chúng tôi trở thành cha mẹ của một đứa trẻ mà bố mẹ chúng không hề muốn có chúng. Khi đến một cơ sở của Trung Quốc, cơ sở hợp pháp nhất thế giới, tôi xin khẳng định với anh là chúng tôi có nhiều cơ hội đạt được mục đích của mình trong khoảng thời gian rất hợp lý. Và chuyện đã diễn ra đúng như thế. Chúng tôi đã tuân thủ các cuộc điều tra của chính quyền Hoa Kỳ và chúng tôi được chấp thuận nhận con nuôi. Với điều kiện trả năm nghìn đô la chi phí hồ sơ cho trại trẻ mồ côi, tôi có thể khẳng định với anh rằng đây cũng là một khoản kha khá đối với chúng tôi, chúng tôi đã có được hạnh phúc lớn lao vô cùng tận, dĩ nhiên là sau sự ra đời của Sam. Chúng tôi đã đến đón Léa tại Trung Quốc vào ngày mùng 2 tháng Năm năm 2010. Theo những giấy tờ mà họ trao cho chúng tôi thì khi ấy con bé vừa tròn hai tuổi. Hẳn là anh nên chứng kiến niềm hạnh phúc của Sam khi chúng tôi trở về với em gái của nó trong vòng tay. Thằng bé sướng phát điên lên. Trong vòng một năm, chúng tôi từng là gia đình hạnh phúc nhất trần đời. Dĩ nhiên là ban đầu Léa cũng gặp nhiều khó khăn trong chuyện thích nghi. Con bé khóc rất nhiều, nó sợ hãi tất thảy mọi thứ, nhưng chúng tôi đã trao cho nó tất cả tình yêu thương trìu mến dịu dàng để rồi vài tháng sau, con bé đã trao cho chúng tôi một món quà tuyệt vời khi bập bẹ gọi chúng tôi là bố là mẹ. Mời ông ngồi, Capetta nói với Pilguez, cái cảm giác bị ông đứng mãi sau lưng mình chẳng thoải mái gì cho cam.
– Tôi không muốn cắt ngang lời anh kể.
– Dù sao thì ông cũng đã thành công rồi đó thôi, Capetta đáp lại.
– Cứ tiếp tục đi anh Capetta, Andrew nài tiếp.
– Vào cuối thu năm ngoái, tôi bắt xe buýt về nhà như vẫn làm mỗi tối. Tôi ngồi ở băng ghế cuối cùng và, như mọi khi, tôi bắt đầu đọc tờ báo buổi sáng.
Tối hôm đó, tôi chẳng cần nhắc lại ngày tháng phải không anh Stilman, tôi đặc biệt chú ý đến bài báo viết về một trại trẻ mồ côi ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Câu chữ của anh vô cùng xót xa, anh Stilman à, khi anh miêu tả những người mẹ bị người ta lấy mất cả cuộc sống khi cướp đi sinh linh quý giá nhất trên đời, đứa con của họ. “Họ chờ đợi thần chết như người ta chờ đợi một người bạn”. Đó chính xác là những từ anh đã viết ra. Tôi chẳng phải là người mau nước mắt, nhưng tôi đã khóc khi gập báo lại và tôi tiếp tục khóc lúc thiếp ngủ vào buổi tối sau khi đã hôn con gái mình.
Ngay lập tức tôi cho rằng con gái mình nằm trong số những đứa trẻ bị đánh cắp kia. Mọi thứ đều trùng khớp với nhau, thời gian, địa điểm, khoản tiền trả cho trại trẻ mồ côi. Từ trong thâm tâm, tôi biết điều đó, nhưng suốt hàng tuần trời, tôi đã nhắm mắt làm ngơ. Đức tin, một khi đã chân thành, buộc chúng ta phải tôn trọng đồng loại của mình. Ta phải chịu trách nhiệm trước Đấng Tối cao về một phần con người mà Người đã tin tưởng trao ta khi ban tặng cuộc sống cho ta. Chỉ cần một giây sống buông lỏng, hèn nhát, tàn ác là sẽ đánh mất phẩm cách của mình mãi mãi. Nhiều người mộ đạo rất sợ bóng tối của Địa ngục, tôi thì giảng dạy về thần học, chuyện này luôn khiến tôi thấy buồn cười. Địa ngục ở ngay sát ta thôi, nó mở cánh cửa đón ta xuống ngay khi ta mất đi lẽ làm người của mình. Những suy nghĩ này ám ảnh tôi cả ngày lẫn đêm. Làm sao lại để mình trở thành tòng phạm, dù là bị động, của hành động đáng ghê tởm đó cơ chứ? Làm sao có thể tiếp tục nghe Léa gọi chúng tôi là bố, là mẹ trong khi tôi vẫn biết rằng ở đâu đó, trong một ngôi nhà khác, bố mẹ đẻ của con bé đang kêu thầm tên của nó trong nỗi tuyệt vọng vì thiếu vắng con bé. Chúng tôi những muốn trao toàn bộ tình yêu thương của mình cho một đứa trẻ bị cha mẹ từ chối yêu thương, chứ không phải trở thành những kẻ chứa chấp một đứa trẻ bị đánh cắp.
Bị cảm giác tội lỗi gặm nhấm, rốt cuộc tôi cũng nói tất cả cho vợ mình. Paolina chẳng muốn nghe bất cứ điều gì nữa. Léa là con của cô ấy, cũng như việc con bé đã trở thành con gái tôi, Léa là con của chúng tôi. Ở đây, con bé sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, một nền giáo dục cùng một tương lai tươi sáng. Ở đó, bố mẹ con bé không thể đáp ứng được những nhu cầu của nó cũng như việc chăm sóc sức khỏe cho nó. Tôi vẫn nhớ một trận cãi vã kinh khủng giữa Paolina và tôi. Tôi chê trách logic của cô ấy. Theo cô ấy thì phải giành lấy tất cả con của những người nghèo mới là chính đáng! Tôi đã nói với cô ấy rằng chủ định của cô ấy là xấu xa, và rằng cô ấy không có quyền nghĩ như vậy. Tôi đã khiến cô ấy bị tổn thương sâu sắc và cuộc tranh luận về Léa đã khép lại mãi mãi.
Trong khi Paolina gắng sức duy trì cuộc sống bình thường, hằng ngày tôi tiến hành tìm kiếm thông tin. Vài đồng nghiệp cùng khoa người Trung Quốc cảm phục công việc tôi làm đã giúp sức cho tôi rất nhiều. Thư đi thư lại, hết mối quen này đến mối quen khác, các thông tin dần dần đến với tôi. Tôi sớm phải chấp nhận sự thật rõ ràng. Léa đã bị cướp khỏi vòng tay bố mẹ đẻ khi con bé mới được mười lăm tháng tuổi. Anh cũng biết rõ sự việc như tôi rồi đấy, vào tháng Tám năm 2009, một nhóm cảnh sát biến chất đã tới nhiều ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh này rồi bắt cóc những đứa trẻ nhỏ tuổi. Léa đang chơi trước cửa nhà khi chúng đến. Đám cảnh sát đã bắt con bé ngay trước mắt bà mẹ, người đã bị chúng đánh cho một trận nhừ tử khi cố chống lại chúng để bảo vệ con mình.
Tôi chịu ơn một đồng nghiệp thân thiết vốn là trưởng khoa ngôn ngữ phương Đông tại trường, William Hoàng, anh ấy đã tận dụng nhiều mối quan hệ quý báu tại quê hương, nơi mà anh ấy thường xuyên lui về. Tôi đã đưa một tấm ảnh của Léa cho anh ấy. Chỉ cần một chuyến đi là đủ để anh ấy mang về cho tôi cái tin khủng khiếp đó. Lực lượng thanh tra cảnh sát được Bắc Kinh triển khai vây bắt những kẻ khốn nạn thực hiện hành vi bất chính này đã tìm thấy bố mẹ hợp pháp của Léa. Họ sống trong một thôn nhỏ, cách trại trẻ mồ côi tầm một trăm năm mươi ki lô mét.
Đầu tháng Mười hai năm ngoái, Sam cùng mẹ về Uruguay một tuần để thăm ông bà ngoại thằng bé. Chúng tôi đã thống nhất là mình tôi sẽ ở lại với Léa. Tôi đã có quyết định của mình kể từ khi anh bạn đồng nghiệp của tôi trở về Mỹ, kể từ khi sự thật hiển hiện rõ ràng đến như vậy. Khi đó tôi đã bắt đầu chuẩn bị điều kinh khủng nhất mà tôi từng làm trong đời.
Ngay sau ngày khởi hành của vợ và con trai tôi, Léa cùng tôi đã lên máy bay. Do gốc gác của con gái tôi cùng những ý định của tôi nữa, tôi đã nhận được thị thực không chút khó khăn. Một hướng dẫn viên đợi chúng tôi ở sân bay Bắc Kinh, anh ta đã cùng chúng tôi đáp máy bay đến Trường Sa rồi đưa chúng tôi đến tận thôn nhỏ kia.
Anh không thể tưởng tượng nổi điều tôi đã trải qua trong vòng hai mươi lăm tiếng đồng hồ của cuộc hành trình đâu, anh Stilman. Tôi những muốn quay gót trở lại hàng trăm lần. Khi Léa mỉm cười với tôi, kinh ngạc thán phục khi xem những đoạn phim hoạt hình chiếu trên màn hình nhỏ gắn vào hàng ghế trước mặt, khi con bé gọi tôi là bố rồi hỏi tôi là đang đi đâu. Khi máy bay hạ cánh, tôi đã nói với con bé sự thật, gần như toàn bộ sự thật. Tôi đã nói là hai bố con sẽ đi thăm đất nước nơi con bé được sinh ra, và tôi nhận thấy trong ánh mắt thơ trẻ đó xen lẫn giữa ngạc nhiên và niềm vui thích.
Thế rồi chúng tôi đến ngôi làng quê hương con bé. Chúng tôi đang ở rất xa New York, đường đi đắp bằng đất nện, điện thì chỉ rải rác thấy trong những ngôi nhà được xây bằng đá tảng. Léa thấy ngạc nhiên trước tất thảy, con bé nắm chặt lấy tay tôi và thốt lên sung sướng. Ở độ tuổi lên bốn, khám phá thế giới là một điều tuyệt vời, phải không nào?
Chúng tôi gõ cửa một ngôi nhà nhỏ, có một người đàn ông ra mở cửa cho chúng tôi. Khi nhìn thấy Léa, anh ta không thể thốt lên lời nào, ánh mắt chúng tôi giao nhau, anh ta đã hiểu ra tại sao chúng tôi lại ở đây. Mắt anh ta ngân ngấn nước, mắt tôi cũng y hệt. Léa vừa nhìn người đàn ông vừa tự hỏi người đàn ông này là ai mà con bé lại khiến ông khóc. Anh ta quay người lại gọi vợ mình. Ngay khi nhìn thấy người vợ, hy vọng cuối cùng mà tôi hằng nuôi dưỡng bấy lâu bỗng dưng bốc hơi trong giây lát. Hai mẹ con họ giống nhau đến nao lòng. Léa như chân dung của người mẹ thật của con bé. Anh đã từng chiêm ngưỡng thiên nhiên khi nó hồi sinh vào mùa xuân chưa anh Stilman? Khi đó ta ngờ rằng mùa đông chưa bao giờ tồn tại. Gương mặt người phụ nữ đó là hình ảnh gây xáo trộn nhất trong đời tôi. Chị ta quỳ xuống trước mặt Léa, toàn thân run lẩy bẩy, chìa tay cho con bé rồi những sức mạnh bền chặt nhất trong cuộc sống đã trỗi dậy. Về phần Léa, con bé không hề sợ sệt, không chút do dự, đã tiến bước về phía người phụ nữ ấy. Con bé đặt tay lên mặt mẹ, vuốt ve má chị ta như thể nó đang tìm cách nhận ra đường nét của người đã sinh thành ra mình, và rồi con bé vòng tay ôm lấy cổ chị ta.
Người phụ nữ ấy, vô cùng gầy guộc, đã nhấc bổng con gái nhỏ của tôi khỏi mặt đất rồi ôm siết con bé thật chặt. Chị ta khóc rồi hôn khắp người con bé. Chồng chị ta lại gần rồi đến lượt mình, anh ta ôm siết cả hai mẹ con trong vòng tay.
Tôi ở lại bên họ trong vòng bảy ngày, bảy ngày đó Léa có những hai người bố bên mình. Trong quãng thời gian một tuần vô cùng ngắn ngủi đó, tôi từ từ dạy con bé rằng nó đã trở về nhà, rằng cuộc sống của nó là ở đây. Tôi đã hứa với nó rằng chúng tôi sẽ quay lại đây thăm nó, rằng một ngày nào đó nó sẽ vượt đại dương đến thăm chúng tôi… đó là lời nói dối trắng trợn, nhưng tôi không đủ sức làm khác đi, tôi chẳng còn chút sức lực nào nữa.
Người hướng dẫn viên kiêm phiên dịch cho chúng tôi cũng hiểu được những gì tôi đang trải qua, cả hai chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều. Buổi tối ngày thứ sáu, trong lúc tôi đang khóc trong bóng tối, bố của Léa đã lại giường tôi rồi mời tôi đi theo anh ta. Chúng tôi cùng ra ngoài, trời lạnh buốt, anh ta khoác một cái chăn lên vai tôi rồi chúng tôi tới ngồi ở thềm nhà và anh ta đưa cho tôi một điếu thuốc lá. Tôi không hút thuốc, nhưng vào tối đó, tôi đã nhận điếu thuốc. Tôi những hy vọng vệt thuốc cháy sẽ khiến tôi quên được nỗi đau đang bóp nghẹt lấy mình. Ngày hôm sau, chúng tôi thống nhất với người hướng dẫn viên là sẽ khởi hành vào đầu giờ chiều, trong lúc Léa ngủ trưa. Nói lời tạm biệt con bé là điều bất khả với tôi.
Sau bữa ăn trưa, tôi cho con bé đi ngủ, lần cuối cùng, tôi nói với nó những lời yêu thương, rằng tôi sẽ đi du lịch, rằng nó sẽ rất hạnh phúc và rằng một ngày nào đó hai bố con sẽ gặp lại nhau. Con bé thiếp ngủ trong vòng tay tôi, tôi hôn lên trán con bé, hít ngửi lần cuối mùi hương của con bé để nó thấm vào tôi cho đến tận cuối đời mình. Và rồi tôi ra đi.
John Capetta rút khăn mùi soa ra khỏi túi áo lau nước mắt, gập khăn lại rồi hít thật sâu trước khi tiếp tục câu chuyện.
– Khi rời New York, tôi đã để lại một lá thư rất dài cho Paolina, trong đó tôi giải thích cho cô ấy công việc tôi tiến hành, điều mà tôi phải tự mình làm vì chúng tôi sẽ không đủ sức làm cùng nhau. Tôi cũng viết cho cô ấy rằng qua thời gian, chúng tôi sẽ vượt qua được thử thách khủng khiếp này. Tôi xin cô ấy tha thứ, van xin cô ấy nghĩ đến tương lai sẽ đợi chúng tôi nếu tôi không làm như vậy. Liệu chúng tôi có thể nhìn con gái mình lớn lên trong nỗi e sợ rằng một lúc nào đó nó sẽ biết sự thật? Một đứa trẻ được nhận nuôi rốt cuộc luôn có nhu cầu phải làm sáng tỏ nguồn gốc của mình. Những ai không thể làm được điều đó sẽ phải chịu đau khổ suốt cả cuộc đời. Ta chẳng thể làm gì khác được, điều đó thuộc về bản chất con người rồi. Nhưng khi đó ta sẽ nói gì với con bé? Rằng đã từ lâu chúng tôi biết bố mẹ đẻ của con bé ở đâu ư? Rằng chúng tôi vô tình là đồng phạm trong vụ bắt cóc con bé ư? Rằng lý do duy nhất của chúng tôi là đã quá yêu nó ư? Khi ấy hẳn chúng tôi đáng bị nó từ bỏ và hẳn sẽ là quá muộn để con bé có thể nối lại liên lạc với gia đình thật sự của mình.
Tôi đã viết cho vợ mình rằng chúng tôi không nhận nuôi một đứa trẻ để rồi đến khi trưởng thành, nó lại trở thành trẻ mồ côi.
Vợ tôi yêu con bé như con đẻ của mình. Tình yêu không bắt nguồn từ sự đồng nhất của hệ gien. Hai mẹ con mới chỉ rời xa nhau một lần duy nhất là khi Paolina về Uruguay với Sam.
Anh hẳn phải nghĩ tôi là một con quỷ thì mới chia lìa hai mẹ con như vậy. Chỉ có một chuyện là thế này, anh Stilman à, khi Léa về nhà chúng tôi, con bé không ngừng nhắc đi nhắc lại một từ mà chúng tôi cứ nghĩ là từ mà bọn trẻ con hay nói linh tinh. Đó là từ ‘Niang’, cả ngày con bé vừa kêu niang, niang, niang vừa nhìn ra cửa. Sau này, khi hỏi anh bạn đồng nghiệp nghĩa của từ đó, anh ấy đã buồn bã trả lời rằng trong tiếng Hoa, niang nghĩa là mẹ. Léa đã gọi mẹ trong suốt hàng tuần trời mà chúng tôi không hề hiểu.
Chúng tôi đã sống với con bé hai năm, khi con bé lên bảy hoặc tám, có thể còn chưa tới, hẳn nó sẽ xóa chúng tôi khỏi bộ nhớ. Còn tôi, nếu tôi phải sống đến trăm tuổi, tôi vẫn sẽ luôn nhìn thấy khuôn mặt con bé. Cho đến tận giây phút cuối cùng, tôi vẫn sẽ nghe thấy tiếng cười của con bé, tiếng hét trẻ thơ của con bé, tôi sẽ vẫn ngửi thấy mùi thơm từ đôi má tròn xoe của con bé. Ta sẽ không bao giờ quên con mình dù rằng đó không hoàn toàn là con đẻ của ta.
Khi trở về nhà, tôi thấy căn hộ trống trơn. Paolina chỉ để lại chiếc giường của chúng tôi, cái bàn bếp cùng một chiếc ghế. Không còn bất cứ món đồ chơi nào trong phòng Sam. Và trên chiếc bàn bếp, nơi tôi đã đặt bức thư van xin cô ấy một ngày nào đó hãy tha thứ cho tôi, cô ấy đơn giản chỉ viết bằng mực đỏ ‘Không bao giờ’.
Tôi không biết hai mẹ con đi đâu, không biết cô ấy đã rời Mỹ chưa, không biết liệu cô ấy có đưa con trai tôi về Uruguay không, hoặc đơn giản là chỉ chuyển đến thành phố khác.
Ba người đàn ông trở nên câm lặng trong giây lát.
– Anh không báo cảnh sát à? Pilguez lên tiếng hỏi.
– Để làm gì với họ đây? Rằng tôi đã bắt cóc con gái của chúng tôi và rằng vợ tôi cũng đã hành động tương tự khi bỏ trốn cùng con trai chúng tôi ư? Để họ vây bắt cô ấy ư? Để họ bắt cô ấy và các tổ chức xã hội sẽ giao Sam cho một gia đình nhận nuôi trong thời gian tòa án làm sáng tỏ câu chuyện của chúng tôi rồi định đoạt số phận của thằng bé ư? Không, tôi không làm thế, chúng tôi đã chịu quá nhiều khổ đau rồi. Anh thấy đó, anh Stilman, nỗi tuyệt vọng đôi khi biến thành cơn giận dữ. Tôi đã phá hỏng xe của anh, bản thân anh, gia đình tôi và cuộc đời tôi.
– Tôi thực lòng vô cùng lấy làm tiếc, anh Capetta à.
– Giờ thì anh đang như vậy, bởi vì anh đồng cảm với nỗi đau của tôi, nhưng chỉ sáng mai thôi, anh sẽ tự nhủ rằng đó không phải lỗi của anh, rằng anh chỉ làm nghề của mình mà thôi, và rằng anh tự hào khi làm việc đó. Anh đã đem sự thật ra ánh sáng, tôi đồng tình với anh về chuyện đó, nhưng tôi muốn hỏi anh một câu, anh Stilman à.
– Bao nhiêu câu cũng được.
– Trong bài báo của mình, anh đã viết rằng năm trăm gia đình Mỹ, thậm chí có thể là một nghìn, đã vô tình dính líu vào vụ buôn bán trẻ em này. Đã có giây phút nào anh nghĩ đến bi kịch mà anh sẽ kéo những gia đình đó vào trước khi cho in bài báo của mình không?
Andrew cụp mắt nhìn xuống.
– Đó cũng đúng là điều tôi đã từng nghĩ, Capetta thở dài.
Rồi anh ta đưa cho Pilguez tờ giấy ghi những chữ mà ông đã bảo anh ta viết.
– Bài chính tả ngớ ngẩn của ông đây.
Pilguez cầm lấy tờ giấy, lôi từ trong túi ra bản sao ba lá thư mà Andrew đã nhận từ phòng bảo vệ của tòa soạn rồi đặt tất cả lên bàn.
– Chẳng dính dáng gì đến nhau hết, Pilguez nói, không cùng nét chữ.
– Ông nói về cái gì vậy? Capetta hỏi.
– Anh Stilman đây đã nhận được nhiều lá thư đe dọa tính mạng, tôi muốn chắc chắn rằng anh không phải là tác giả của một trong những lá thư đó.
– Vì thế mà các ông đến tận đây ư?
– Cùng nhiều nguyên do khác nữa, đúng vậy.
– Khi ở bãi đỗ xe đó, tôi chỉ muốn trả thù, nhưng tôi đã không có khả năng làm điều đó.
Capetta cầm mấy lá thư rồi đọc lướt lá đầu tiên.
– Tôi sẽ không bao giờ có thể giết được ai đó, vừa nói anh ta vừa đặt lá thư đầu tiên xuống.
Mặt anh ta tái nhợt đi khi cầm đến lá thư thứ hai.
– Anh còn giữ phong bao của lá thư này không? Anh ta hỏi giọng run run.
– Còn, sao thế? Andrew hỏi.
– Tôi có thể xem được không?
– Trước tiên hãy trả lời câu hỏi mà Andrew đã đặt ra cho anh đã, Pilguez chen vào.
– Tôi biết rất rõ nét chữ này, Capetta thì thầm. Đó là chữ vợ tôi. Anh nhớ xem lá thư đó có dán tem nước ngoài không? Một con tem Uruguay thì cũng dễ nhận ra, tôi đoán thế?
– Mai tôi sẽ kiểm tra lại, Andrew đáp.
– Cảm ơn anh, anh Stilman, chuyện này rất quan trọng với tôi.
Pilguez và Andrew đứng dậy rồi chào vị giáo sư thần học. Khi cả ba tiến ra đến cửa, Capetta gọi Andrew lại.
– Anh Stilman, vừa nãy tôi có nói với anh là tôi không đủ khả năng giết người.
– Anh đổi ý rồi chăng? Pilguez hỏi lại.
– Không, nhưng sau chuyện đã xảy ra, tôi không chắc Paolina có vậy không. Nếu là anh, tôi sẽ không coi thường lời đe dọa của cô ấy đâu.
 
°
 
Pilguez và Andrew cùng bước lên toa tàu điện ngầm. Vào giờ này, đây là phương tiện giao thông nhanh nhất để đến tòa soạn.
– Tôi phải công nhận là anh rất có khiếu trong việc tạo thiện cảm với mọi người, anh bạn thân mến à.
– Sao ông không nói với anh ta rằng ông là cảnh sát.
– Đối diện với một cảnh sát, anh ta có quyền giữ im lặng và đòi luật sư của mình có mặt. Tin tôi đi, tốt nhất anh ta cứ coi tôi là con khỉ gorila của anh còn hơn, dù rằng như thế thì cũng chẳng thích thú gì cho cam.
– Nhưng ông về hưu rồi mà, phải không?
– Đúng, chính xác là thế. Thế anh muốn gì nào, tôi không có vẻ giống thế sao?
– Bài chính tả để so sánh nét chữ ấy, quả tình tôi không thể nghĩ ra.
– Thế anh nghĩ gì hả anh Stilman, rằng cái nghề cảnh sát là để ngồi xó bàn ư?
– Nhưng mà phần câu chữ phải chép thật vô cùng ngớ ngẩn.
– Tôi đã hứa với mấy người bạn cho tôi ở nhờ rằng tôi sẽ nấu bữa tối nay. Mấy câu chữ ngớ ngẩn, theo như lời anh nói, là danh sách đồ mà tôi cần mua đó. Tôi cứ sợ là sẽ quên thứ gì đó. Không hẳn là ngớ ngẩn như thế chứ, đúng không hả anh nhà báo. Tay Capetta kia khiến người ta phải suy nghĩ quá. Có khi nào anh nghĩ về những hậu quả do bài báo của mình gây ra với cuộc sống của những người khác không?
– Ông chưa từng mắc sai lầm nào trong suốt sự nghiệp thanh tra dài dằng dặc của mình ư? Ông chưa bao giờ phá hỏng cuộc sống của một người vô tội để đi đến cùng những đoán chắc của mình, để bằng mọi giá kết thúc được một cuộc điều tra ư?
– Anh cứ nghĩ là có đi. Mở hay nhắm mắt, trong cái nghề mà tôi từng làm, là việc phải lựa chọn giữa hai con đường xảy ra hằng ngày. Đưa một tên tội phạm vị thành niên ra vành móng ngựa, với tất cả những hệ lụy sau đó, hay lờ đi, thảo một báo cáo buộc tội hay làm ngược lại tùy vào từng tình huống. Mỗi một vụ phạm pháp lại là một trường hợp cá biệt. Mỗi một tên tội phạm lại có một câu chuyện của riêng hắn. Đối với một số tên thì ta chỉ muốn cho hắn một phát đạn vào đầu, còn với kẻ khác ta những muốn cho họ một cơ hội thứ hai; nhưng tôi chỉ là một cảnh sát chứ không phải quan tòa.
– Vậy ông có thường xuyên nhắm mắt không?
– Anh đến nơi rồi, anh Stilman, cẩn thận không anh nhỡ bến của mình đó.
Chiếc tàu chạy chậm lại rồi dừng hẳn. Andrew siết chặt tay viên thanh tra rồi bước xuống ke tàu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.