Nếu Như Được Làm Lại

CHƯƠNG 19



Chiếc máy bay mà Andrew đã lên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ezeiza vào chập tối. Anh vô cùng kinh ngạc khi thấy Marisa tới đón anh. Anh đã gửi cho cô rất nhiều email, nhưng cô không để lại cho anh bất cứ dấu hiệu của sự sống nào kể từ sau cuộc trao đổi điện thoại gần đây. Trong chuyến đi trước, họ gặp nhau ở khách sạn, sau hôm anh đến.
Andrew nhận ra rằng thời gian càng trôi, anh càng có cảm giác các sự việc dần rời xa trật tự mà nó diễn ra trước kia.
Anh nhận ra chiếc Coccinelle cũ kỹ có phần cuối thùng xe mòn vẹt mà anh tự hỏi mỗi lần bị xóc nảy liệu cái ghế anh ngồi rốt cuộc có bật khỏi sàn hay không.
– Tôi cứ tưởng là cô cậu đang đi nghỉ vui vẻ với món tiền mà tôi đã gửi rồi chứ, hai người đã hứa sẽ báo cho tôi khi có tin gì mới cơ mà.
– Mọi chuyện phức tạp hơn dự tính, Antonio đang nằm viện.
– Chuyện gì xảy đến với cậu ấy vậy? Andrew hỏi.
– Chúng tôi bị tai nạn ô tô trên đường quay về.
– Có nặng lắm không?
– Cũng đủ để bạn trai tôi giờ đang phải bó bột một tay, sáu chiếc xương sườn bị rạn và chấn thương sọ não. Suýt nữa thì cả hai chúng tôi phải ở lại đó.
– Cậu ấy đi sai à?
– Nếu ta coi trọng chuyện anh ấy không phanh lại ở ngã tư khi gặp đèn đỏ thì đúng là vậy, nhưng vì phanh không ăn nên tôi cho rằng anh ấy không có lỗi.
– Và chiếc xe của cậu ấy cũng được bảo dưỡng tốt như xe của cô chứ? Andrew lên tiếng hỏi trong lúc không tài nào kéo đai an toàn xuống được.
– Antonio bị ám ảnh với chiếc xe của anh ấy, thi thoảng tôi còn tự hỏi liệu có phải anh ấy yêu xe hơn tôi hay không. Anh ấy không bao giờ lên đường mà không kiểm tra tất cả mọi thứ. Có kẻ đã cố tình phá hỏng phanh xe.
– Cô nghi ngờ ai không?
– Chúng tôi đã tìm được địa chỉ của Ortiz, chúng tôi đã theo dõi ông ta và chụp ảnh. Chúng tôi đã đặt vài câu hỏi về ông ta, có thể đã hơi quá, bạn bè của ông ta đâu phải là những kẻ ngây thơ.
– Chuyện này cũng không khiến việc của tôi được êm đẹp, giờ thì phải thật cẩn thận thôi.
– Antonio đang ở trong tình trạng rất tồi tệ, thế mà anh chỉ nghĩ đến cuộc điều tra của mình. Sự ân cần của anh khiến tôi xúc động dạt dào đó, anh Stilman à.
– Tôi thật thiếu tế nhị, nhưng tôi rất lấy làm tiếc về vụ chồng chưa cưới của cô, anh ấy sẽ qua khỏi thôi, cô cứ an tâm. Đúng, tôi đang lo cho bài báo của mình. Tôi không đến đây để hát hợp xướng. Tai nạn xảy ra khi nào?
– Cách đây ba ngày.
– Sao cô không báo cho tôi biết?
– Bởi Antonio chỉ mới hồi tỉnh vào tối qua và anh là mối bận tâm sau chót của tôi.
– Cô còn giữ số ảnh kia chứ?
– Hộp đựng bị hư hại nặng, chiếc xe đã bị lộn nhiều vòng. Chúng tôi sử dụng một chiếc máy ảnh cũ để không bị chú ý như với một chiếc quá đắt tiền. Phim chụp có thể đã bị cháy, tôi không biết chúng ta có thể in ra được không nữa. Tôi đã gửi chúng ở nhà một anh bạn làm nhiếp ảnh, chúng ta sẽ đến chỗ anh ấy vào ngày mai.
– Mai cô đi một mình nhé, tôi sẽ lên đường đến Córdoba.
– Chắc chắn anh sẽ không làm một điều ngu ngốc đến vậy, anh Stilman. Với tất cả lòng kính trọng mà tôi dành cho anh, nếu việc Antonio và tôi đang ở đây rốt cuộc lại bị lộ thì tôi tin là chỉ trong vòng chưa đầy nửa ngày, người của Ortiz sẽ tóm cổ anh ngay. Và anh cũng chẳng cần đi cả chặng đường bao nhiêu cây số đó đâu. Tuần nào ông ta cũng đến Buenos Aires để gặp khách hàng lớn nhất của mình.
– Bao giờ cuộc gặp tiếp theo diễn ra?
– Thứ Ba tới, nếu ông ta vẫn còn duy trì thói quen đó. Chúng tôi đã biết được điều đó nhờ hỏi han hàng xóm xung quanh, và có thể chính vì thế mà chúng tôi đã gặp tai nạn.
– Tôi rất lấy làm tiếc, Marisa, tôi không nghĩ là cô cậu lại gặp nhiều rủi ro, nếu biết trước thế…, anh nói vẻ rất chân thành.
Andrew không hề nhớ gì về vụ tai nạn này, chẳng còn gì xảy ra giống như trước kia nữa. Trong chuyến đi trước đây, chính anh đã chụp ảnh Ortega và rồi chiếc máy ảnh đã bị giật mất trên một con phố nhỏ ở ngoại ô Buenos Aires trong khi ba gã đàn ông túm chặt lấy anh.
– Anh thực sự nghĩ rằng một gã đàn ông đã mất bao công sức để thay đổi nhân thân nhằm tránh cảnh tù đày lại để bị vạch mặt mà không phản kháng ư? Anh đang ở thời đại nào thế? Marisa tiếp tục.
– Cô hẳn sẽ ngạc nhiên nếu như tôi miêu tả thời đại ấy cho cô, Andrew đáp.
Marisa đỗ xe trước khách sạn Quintana tọa lạc trong một khu phố bình dị ở Recoleta.
– Trước tiên hãy đi thăm bạn cô đã, tôi cất hành lý sau.
– Antonio cần được nghỉ ngơi và giờ thăm bệnh nhân cũng hết rồi. Cảm ơn anh đã quan tâm, mai chúng ta sẽ đến. Anh ấy đang được chăm sóc tích cực ở bệnh viện General de Agudos, rất gần đây thôi. Tôi sẽ đến đón anh lúc 9 giờ nhé.
– Tối nay cô không làm ở quán bar à?
– Không, tối nay thì không.
Andrew chào Marisa, lấy va li của anh đặt ở băng ghế sau rồi tiến thẳng về phía cổng vào khách sạn.
Một chiếc xe hòm nhỏ màu trắng lao tới dưới cổng vào. Ngồi ở hàng ghế trước, một gã đàn ông đưa ống kính ngắm Andrew rồi chụp lia lịa. Cửa xe sau hé mở để một gã khác xuống lặng lẽ bước vào tiền sảnh khách sạn. Chiếc xe tải nhỏ khởi động lại rồi tiếp tục cuộc theo dõi. Gã tài xế chiếc xe này không rời Marisa nửa bước kể từ khi Antonio và cô rời khỏi Córdoba.
Andrew mỉm cười khi cô lễ tân đưa chìa khóa phòng 712 cho anh. Đó cũng là cô lễ tân đã phục vụ anh ở cuộc đời trước.
– Cô có thể bảo bộ phận bảo trì thay pin điều khiển vô tuyến được không? Anh lên tiếng hỏi.
– Bộ phận bảo trì của chúng tôi vẫn kiểm tra chúng hàng ngày, cô nhân viên đáp.
– Ờ thì, cô cứ tin tôi đi, người phụ trách việc này không làm tốt cho lắm công việc được giao.
– Làm sao anh biết điều đó trong khi anh còn chưa lên phòng?
– Tôi có tài tiên tri mà! Andrew vừa nói vừa mở to mắt.
Phòng 712 giống y hệt như trong trí nhớ anh vẫn lưu giữ. Cửa sổ đóng kín, bản lề cửa tủ treo áo kêu kẽo kẹt, vòi hoa sen bị rỉ nước còn tủ lạnh ở quầy bar mini kêu ro ro như tiếng mèo hen.
– Bộ phận bảo trì, đúng là nói dóc, Andrew vừa ném hành lý lên giường vừa làu bàu.
Anh chưa hề ăn gì kể từ khi rời New York, khẩu phần ăn trên máy bay có vẻ quá tệ để anh có thể mạo hiểm nếm thử nên giờ anh đang đói ngấu. Anh nhớ là mình đã ăn tối, trong chuyến đi trước, tại một parrilla[1] nằm ngay đối diện nghĩa trang Recoleta. Khi đóng cửa phòng lại, anh thích thú với ý nghĩ được thưởng thức lại món thịt nướng ấy lần thứ hai.
[1] Một kiểu quán đồ nướng.
Khi Andrew rời khách sạn, gã đàn ông đang ngồi trong sảnh cũng liền rời khỏi ghế bành rồi theo anh bén gót. Hắn ngồi xuống một băng ghế nhỏ đối diện với nhà hàng.
Trong lúc Andrew ăn uống no say thì một nhân viên bộ phận bảo trì của khách sạn Quintana đã nhận một khoản tiền típ hậu hĩnh để đi kiểm tra hành lý của khách ở phòng số 712. Anh ta thực thi nhiệm vụ vô cùng tỉ mẩn, mở chiếc két sắt nhỏ đặt trong phòng bằng mã số của bộ phận bảo trì, chụp ảnh tất cả các trang trong sổ địa chỉ của Andrew, hộ chiếu cũng như trong sổ ghi chép của anh.
Khi đã xong xuôi mọi thứ, anh ta kiểm tra xem điều khiển vô tuyến có hoạt động hay không rồi thay pin và đi ra. Anh ta nhận khoản tiền hậu hĩnh còn lại trước lối vào bộ phận trực ban khách sạn rồi trả lại chiếc máy ảnh kỹ thuật số mà người kia đã đưa cho anh ta.
 
°
 
Ăn uống no nê, Andrew ngủ say như chết, không bị cơn ác mộng nào đến phá quấy giấc ngủ của anh nữa và anh tươi tỉnh thức dậy ngay từ rạng sáng.
 
°
 
Sau khi ăn sáng trong nhà hàng khách sạn, anh ra cổng đợi Marisa.
– Chúng ta không đi thăm Antonio nữa, cô nói ngay sau khi Andrew trèo lên ngồi trong chiếc Coccinelle.
– Đêm qua tình trạng cậu ấy xấu đi à?
– Không, đúng ra thì sáng nay anh ấy đã ổn hơn nhiều rồi, nhưng dì tôi vừa nhận được một cuộc gọi rất khó chịu vào giữa đêm qua.
– Sao thế?
– Một gã đàn ông không xưng danh nói rằng bà nên cẩn thận dè chừng những kẻ mà cháu gái bà đang giao du nếu như muốn tránh gặp rắc rối nghiêm trọng.
– Có thể nói đám bạn bè của Ortiz đã không bỏ phí thời giờ nhỉ.
– Điều làm tôi thật sự lo lắng chính là bọn chúng biết anh đang ở đây và chúng ta có quen biết nhau.
– Thế các mối giao du không mấy hay ho đó, chỉ có thể là tôi thôi sao?
– Tôi hy vọng là anh đang không nghiêm túc chứ?
– Cô xinh lắm, hẳn phải có cả đống đàn ông vây quanh cô.
– Anh bỏ mấy cái kiểu suy nghĩ đó đi, tôi rất yêu chồng chưa cưới.
– Không hề có ẩn ý nào trong lời khen ngợi ấy đâu, Andrew trấn an. Cô có biết cửa phụ bệnh viện nằm trên phố nào không?
– Dùng mưu mẹo cũng chẳng ích chi đâu, người của Ortiz có thể đã cài cắm được người trực sẵn trong bệnh viện. Tôi không muốn Antonio gặp bất cứ nguy cơ nào, anh ấy đã chịu đủ rồi.
– Thế chương trình tiếp theo là gì?
– Tôi sẽ đưa anh đến nhà dì tôi, bà ấy biết nhiều hơn tôi và nhiều người dân trong thành phố này. Đó là một trong những Bà mẹ trên quảng trường tháng Năm đầu tiên. Và chúng ta hãy rõ ràng với nhau ở một điểm, anh không trả tiền cho tôi để làm hướng dẫn viên du lịch cho anh!
– Tôi thực sự không gọi đây là du lịch, nhưng tôi sẽ nhớ nhận xét của cô… và tính cách tuyệt vời của cô.
 
°
 
Louisa sống trong một ngôi nhà nhỏ ở khu phố Monte Chingolo. Để vào được tận trong nhà bà phải qua một khoảnh sân rợp bóng phượng tím, có mấy bức tường giăng kín cây lạc tiên.
Louisa lẽ ra có thể là một người bà rất đẹp lão nhưng chế độ độc tài một ngày nọ đã cướp mất khỏi bà quyền có những đứa cháu.
Marisa dẫn Andrew vào tận phòng khách.
– Ra đây chính là anh chàng phóng viên người Mỹ đang điều tra về quá khứ của chúng ta à, vừa nói Louisa vừa đứng dậy khỏi ghế bành nơi bà đang chơi trò giải ô chữ. Tôi đã nghĩ cậu bảnh trai hơn đấy.
Marisa mỉm cười trong khi dì cô ra hiệu cho Andrew ngồi vào bàn. Bà đi vào bếp rồi trở ra với một đĩa đầy bánh ga tô nướng trên tay.
– Sao cậu lại quan tâm đến Ortiz? Vừa rót cho anh một ly nước chanh bà vừa hỏi.
– Tổng biên tập của tôi thấy hành trình của ông ta thật thú vị.
– Sếp của anh quả là có mối quan tâm lạ lùng thật.
– Như là hiểu được điều gì đã đưa một con người bình thường trở thành tên đao phủ, Andrew đáp lời.
– Cô ta lẽ ra nên đến đây thay anh chứ. Tôi sẽ chỉ cho cô ta thấy hàng trăm quân nhân đã biến thành quỷ sứ như thế nào. Ortiz không phải là một tay tầm thường, nhưng cũng chẳng phải là kẻ tệ nhất trong số chúng. Đó là một sĩ quan phi công thuộc đội tuần tra bờ biển, một nhân vật phụ. Chúng tôi chưa bao giờ có được bằng chứng chính thức về việc hắn có tham gia hoạt động tra tấn. Đừng nghĩ là tôi tìm cách biện minh cho hắn, hắn đã phạm những tội ác kinh khủng và lẽ ra hắn, cũng như bao kẻ khác, phải chết rục xương trong tù vì tội ác của mình. Nhưng như bao kẻ khác, hắn đã thoát tội, ít ra là cho đến thời điểm hiện tại. Nếu cậu giúp chúng tôi chứng minh được rằng Ortiz đã trở thành thương nhân mang tên Ortega, chúng tôi sẽ có thể đưa hắn ra công lý. Ít nhất là chúng tôi sẽ thử làm thế.
– Bà biết gì về hắn?
– Về Ortega thì hiện tại chẳng có gì nhiều nhặn. Còn về Ortiz thì chỉ cần đưa cho cậu các hồ sơ lưu về ESMA là đủ rồi.
– Sao hắn có thể thoát khỏi công lý?
– Cậu đang nói về công lý nào vậy cậu nhà báo? Cái thứ công lý đã ân xá lũ chó rừng này ư? Cái thứ công lý đã cho chúng thời gian để tạo nhân thân mới ư? Sau khi chế độ dân chủ được lập lại vào năm 1983, chúng tôi, các gia đình nạn nhân, cứ tưởng rằng những kẻ phạm tội đó sẽ bị xét xử. Khi đó chúng tôi chưa tính đến sự nhu nhược của tổng thống Alfonsin và sức mạnh của quân đội. Chế độ quân sự đã có đủ thời gian để xóa bỏ mọi dấu vết, thanh trừng đám quân nhân trót dính máu, giấu kín các dụng cụ tra tấn trong lúc chờ thời cơ thích hợp, chẳng gì đảm bảo thời kỳ này sẽ không tái diễn vào một ngày nào đó. Chế độ dân chủ rất mong manh. Nếu cậu nghĩ sẽ tránh được điều tồi tệ nhất bởi vì câu là người Mỹ thì cậu đã nhầm hệt như chúng tôi từng nhầm. Vào năm 1987, Bareiro và Rico, hai sĩ quan cấp cao, đã kích động phe quân sự nổi lên và đã bịt mồm thành công hệ thống tư pháp của chúng tôi. Hai đạo luật đáng xấu hổ đã được thông qua, một đạo luật về nghĩa vụ tuân lệnh đã thiết lập các mức độ trách nhiệm tùy theo cấp bậc trong quân đội và đạo luật thứ hai còn ô nhục hơn gọi là “Chấm hết” đã bãi bỏ tất cả các tội ác chưa được đưa ra xét xử. Tay Ortiz đó, cũng như hàng trăm đồng phạm của hắn, tự thấy đã được tặng giấy thông hành cho phép chúng thoát mọi cuộc truy đuổi. Phần lớn những kẻ tra tấn đã được hưởng điều đó, và rất nhiều kẻ khác đang bị giam đều đã được phóng thích. Phải mười lăm năm sau, hai đạo luật đó mới được bãi bỏ. Nhưng, trong vòng mười lăm năm đó, cậu có thể hình dung rõ ràng lũ bất lương ấy thừa thời gian để ẩn mình.
– Sao nhân dân Argentina lại có thể để một chuyện như vậy xảy ra cơ chứ?
– Thật hài hước khi cậu hỏi tôi câu này với thái độ cao ngạo đến vậy. Thế còn người Mỹ các cậu, các cậu có đưa ra tòa tổng thống Bush, phó tổng thống Dick Cheney hay bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì đã cho phép tra tấn trong các phiên thẩm vấn tại các nhà tù Irắc, họ đã biện minh cho hành động đó nhân danh Nhà nước hoặc vì đã lập ra nhà tù Guantánamo không? Các người đã đóng cửa cái nhà tù thách thức hàng loạt thỏa thuận trong Hiệp ước Genève suốt hơn một thập kỷ qua chưa? Cậu cũng thấy nền dân chủ mong manh cỡ nào rồi đấy. Vậy nên đừng có phán xét chúng tôi. Chúng tôi đã làm những gì mình có thể, đối mặt với một đội quân quyền lực thao túng bộ máy Nhà nước nhằm thu lợi cho mình. Đa phần chúng tôi bằng lòng làm thế để sao cho con cháu chúng tôi được đến trường, để chúng tôi có cái bỏ vào đĩa cho chúng ăn và một mái nhà che đầu cho chúng; riêng điều đó thôi đã đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và hy sinh đối với tầng lớp dân nghèo trong xã hội Argentina rồi.
– Tôi không phán xét mọi người, Andrew trấn an.
– Cậu không phải là người chấp pháp, cậu nhà báo à, nhưng cậu có thể góp phần giúp công lý thực thi. Nếu cậu vạch mặt được kẻ ẩn mình sau cái tên Ortega, nếu đó đúng là Ortiz, thì hắn sẽ chịu số phận mà hắn đáng phải nhận. Thế nên tôi rất sẵn lòng giúp cậu.
Louisa đứng dậy khỏi chiếc ghế để lại chỗ chiếc tủ buýp phê án ngữ trong phòng khách. Bà lôi một tập tài liệu ra rồi đặt xuống bàn. Bà nhấm ướt đầu ngón tay lật giở từng trang rồi dừng lại quay ngược cuốn sổ lại để cho Andrew xem.
– Đây là Ortiz mà cậu muốn tìm, bà nói, vào năm 1977. Khi đó hắn tầm bốn mươi, đã quá già nên chỉ được lái những chiếc máy bay của đội tuần tra bờ biển. Một sĩ quan có sự nghiệp chẳng mấy lẫy lừng. Theo báo cáo điều tra mà tôi đã tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ của Ủy ban quốc gia về người mất tích, có lẽ hắn đã nhận lệnh thực hiện rất nhiều chuyến bay tử thần. Từ chiếc máy bay hắn lái, rất nhiều nam giới và phụ nữ trẻ tuổi, đôi khi là những cô bé cậu bé vừa bước vào tuổi trưởng thành, đã bị ném sống xuống những nhánh sông Rio de La Plata.
Andrew không thể kìm cái bĩu môi kinh tởm khi nhìn bức ảnh chụp tay sĩ quan toát ra vẻ đầy ngạo nghễ.
– Hắn không trực thuộc Massera, kẻ đầu trùm ESMA. Có thể chính điều này đã giúp hắn lọt lưới trong ít năm khi mà hắn có nguy cơ bị túm. Ortiz tuân theo lệnh của Héctor Febres, đội trưởng đội tuần tra bờ biển. Nhưng Febres cũng là chỉ huy bộ phận tình báo ESMA, hắn phụ trách khu 4 gồm nhiều phòng tra tấn và nhà hộ sinh. Nhà hộ sinh là một từ to tát để miêu tả phần diện tích vài mét vuông nơi các nữ tù nhân đến sinh con không khác nào loài vật. Còn tồi tệ hơn cả loài vật: chúng trùm lên đầu họ một cái bao tải đay. Febres buộc những phụ nữ vừa sinh con này thảo một bức thư đề nghị gia đình họ gánh lấy trách nhiệm chăm lo cho đứa trẻ trong lúc họ bị giam cầm. Cậu biết điều gì xảy ra tiếp theo rồi đấy. Cậu Stilman, giờ thì hãy nghe cho rõ này, bởi nếu cậu thật sự muốn tôi giúp, chúng ta phải có một thỏa thuận, giữa tôi và cậu.
Andrew rót đầy nước chanh vào cốc của Louisa. Bà uống liền một hơi rồi đặt cốc xuống bàn.
– Nhiều khả năng là nhờ tận tâm phục vụ, Ortiz đã được Febres ưu ái. Cậu nghe kỹ đoạn này nhé, chúng đã trao lại cho hắn một trong những đứa trẻ đó.
– Nhiều khả năng hay là bà biết chắc chắn như thế?
– Không quan trọng, bởi đó chính là chủ đề thỏa thuận giữa chúng ta. Tiết lộ sự thật cho một trong những đứa trẻ bị đánh cắp đó đòi hỏi phải vô cùng thận trọng, điều mà chúng tôi, các Bà mẹ trên quảng trường tháng Năm, hết sức quan tâm. Đến tuổi trưởng thành mới biết được cha mẹ mình không phải là cha mẹ đẻ và thêm vào đó, họ lại dính líu ít nhiều đến việc đấng sinh thành ra mình mất tích không phải là không gây ra hậu quả. Đó là một quá trình khó khăn có thể gây tổn thương tâm lý. Chúng tôi đấu tranh để sự thật được sáng tỏ, để trả lại nhân thân thật sự cho các nạn nhân của chế độ độc tài, nhưng không phải để phá hỏng cuộc đời của những người vô tội. Tôi sẽ nói với cậu tất cả những gì tôi biết và tất cả những gì tôi có thể biết về Ortiz, và cậu, tất cả những gì mà cậu có thể biết về những đứa trẻ đó là nhờ tôi, chỉ duy nhất mình tôi nói điều đó cho cậu biết. Cậu phải thề danh dự là sẽ không đăng bất cứ thứ gì về chuyện này mà không được tôi cho phép.
– Tôi không hiểu ý bà, Louisa, làm gì có chuyện sự thật nửa vời.
– Quả nhiên là không, nhưng có những sự thật phải chờ đến thời cơ thích hợp thì mới được tiết lộ. Hãy hình dung cậu là đứa trẻ được gã Ortiz này “nhận nuôi”, liệu cậu có muốn được thông báo một cách đường đột rằng bố mẹ đẻ của mình đã bị sát hại, rằng cuộc đời cậu chỉ toàn dối trá, và cả nhân thân của cậu cũng là dối trá, đến cả cái họ cũng vậy? Cậu có muốn mình khám phá ra tất cả điều đó thông qua một tờ báo hay không? Cậu có nghĩ đến những hậu quả mà một bài báo có thể gây ra cho cuộc sống của những người có liên quan hay không?
Andrew có cảm giác khó chịu khi thấy hình bóng Capetta lảng vảng đâu đó trong căn phòng.
– Cậu chỉ trích chúng tôi vào thời điểm này cũng vô ích thôi, bởi chẳng có gì chứng minh được là Ortiz đã nhận nuôi một trong số những đứa bé bị đánh cắp đó. Nhưng nhỡ đâu đấy, tôi muốn cảnh báo cậu trước để chúng ta, cậu với tôi, cùng thống nhất với nhau rõ ràng từ trước.
– Tôi hứa với bà là sẽ không đăng bất cứ thứ gì khi chưa xin phép bà, ngay cả khi tôi ngờ là bà không kể hết tất cả cho tôi nghe…
– Chúng ta sẽ xem xét phần sau vào thời điểm thích hợp. Trong khi chờ đợi, cậu hãy bảo trọng. Febres là một trong những kẻ tàn ác nhất. Hắn đã chọn “Rừng rậm” làm tên cuộc chiến, bởi hắn từng luôn huênh hoang rằng hắn mạnh mẽ hơn tất thảy lũ thú săn kia hợp lại. Lời chứng của một số nạn nhân hiếm hoi sống sót qua tay hắn thật kinh khủng.
– Febres vẫn còn sống à?
– Than ôi không.
– Sao bà lại than ôi?
– Sau khi được hưởng ân xá, hắn đã sống phần lớn quãng đời còn lại trong tự do. Rốt cuộc, chỉ đến năm 2007, hắn mới bị đưa ra xét xử, và còn nữa, chỉ vì bốn trong số bốn trăm tội ác mà hắn đã thực hiện. Tất cả chúng tôi đều chờ đợi bản án dành cho hắn. Bản án dành cho kẻ đã xích một đứa trẻ mười lăm tháng vào ngực cha nó rồi kích điện để buộc kẻ bị kết án tử hình khai nhận. Vài ngày trước khi tuyên án, trong khi đang được hưởng chế độ ưu đãi ở tù, nơi hắn được sống trong những điều kiện đáng mơ ước, người ta đã tìm thấy hắn chết trong buồng giam. Bị đầu độc bằng cyanua. Phe quân sự quá lo sợ hắn sẽ khai ra, và công lý đã không được thực thi. Với gia đình các nạn nhân, điều đó như thể cuộc tra tấn chưa bao giờ ngừng.
Louisa khạc nhổ xuống đất sau khi nói đến đó.
– Chỉ có điều là Febres đã mang xuống mồ tất cả những gì hắn biết về danh tính của năm trăm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị tước đoạt. Cái chết của hắn khiến nhiệm vụ của chúng tôi trở nên khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục công việc điều tra của mình không ngơi nghỉ với đầy hy vọng. Tất cả những điều đó để nói với cậu rằng hãy cẩn trọng. Phần lớn người của Febres vẫn còn sống và đang được tự do, và chúng sẵn lòng tìm mọi cách làm nhụt chí những ai quan tâm đến chúng. Ortiz là một kẻ trong số chúng.
– Làm thế nào để chứng minh được rằng Ortiz nấp sau cái tên Ortega?
– Sự tương đồng về mặt hình ảnh lúc nào cũng rất hữu ích, chúng tôi đã xem kỹ những gì còn lại trong phim chụp của Marisa, nhưng còn khoảng cách hơn ba mươi năm ngăn cách giữa tên thiếu tá không quân tự phụ hiện diện trong album ảnh của tôi và gã thương nhân bảy mươi tư tuổi ngày hôm nay. Và rồi, chỉ giống nhau thôi thì chưa đủ để kiện ra tòa. Cách tốt nhất để đạt được mục đích của chúng tôi, dù rằng điều này với tôi dường như là bất khả, chính là khiến hắn hoảng loạn rồi tự thú. Bằng cách nào? Cái này thì tôi không biết.
– Nếu tôi điều tra quá khứ của Ortega, chúng ta sẽ thấy rõ liệu hành trình của hắn có khớp hay không.
– Cậu thật ngây thơ đến ngờ ngệch! Cứ cho là Ortiz đã thay đổi nhân thân đi, thì chuyện này không thể thực hiện được nếu không có người tiếp tay. Cuộc đời hắn dưới cái tên Ortega sẽ được sắp xếp đâu vào đấy, từ những trường lớp hắn đã học, rồi đến bằng cấp, việc làm, bao gồm cả những chức vụ giả tạo trong quân ngũ. Marisa, dì nhờ cháu một việc, vào bếp giúp dì nhé, vừa đứng dậy Louisa vừa ra lệnh.
Còn lại một mình trong phòng khách, Andrew lật giở từng trang trong album ảnh. Mỗi trang dán một bức ảnh chụp một quân nhân, cấp bậc, đơn vị hắn tham gia, danh sách các tội ác mà hắn từng thực hiện, và với một vài kẻ trong số chúng là kèm thêm danh tính của đứa trẻ hắn được giao. Ở cuối album, một tập vở thống kê năm trăm đứa trẻ có bố mẹ đẻ đã bị mất tích vĩnh viễn. Chỉ năm mươi đứa trong số chúng có kèm dòng chữ “đã xác định”.
Một lát sau, Louisa và Marisa trở lại, Marisa giúp Andrew hiểu rằng dì cô đang mệt và đã đến lúc rút lui.
Andrew cảm ơn Louisa vì đã đón tiếp và hứa sẽ thông tin cho bà những gì anh phát hiện ra.
Quay trở lại xe ô tô, Marisa trở nên câm lặng và cách hành xử của cô để lộ trạng thái căng thẳng. Tới một ngã tư, khi một chiếc xe tải không chịu nhường đường, cô đã bấm còi inh ỏi rồi tuôn cả tràng chửi rủa mà Andrew, vốn nói rất trôi chảy tiếng Tây Ban Nha, cũng không hoàn toàn hiểu hết nghĩa.
– Tôi đã nói gì khiến cô bực mình à?
– Không cần thiết phải dùng ngôn từ hoa mỹ đến vậy đâu anh Stilman, tôi làm việc ở quán bar và tôi thích người ta nói thẳng với mình hơn.
– Dì cô đã nói gì với cô mà không muốn cho tôi nghe sao?
– Tôi không hiểu anh đang nói gì, Marisa đáp.
– Bà ấy bảo cô theo bà ấy vào bếp không phải để cô giúp bà ấy dọn dẹp mấy ly nước chanh, cô đã để mấy cái ly lại trên bàn rồi cô đi tay không trở lại.
– Dì bảo tôi nên dè chừng anh, rằng anh biết nhiều hơn những gì anh vẫn khẳng định và bởi vì anh còn giấu bà nhiều thứ nên chúng tôi chưa thể tin anh hoàn toàn được. Không phải anh tình cờ gặp tôi ở quầy bar khách sạn đúng không? Tôi khuyên anh đừng nói dối tôi, trừ phi anh muốn quay về bằng taxi và đặt dấu chấm hết cho sự giúp đỡ của tôi.
– Cô nói đúng, tôi biết dì cô là một Bà mẹ trên quảng trường tháng Năm và nhờ cô tôi có thể tiếp cận bà ấy.
– Hóa ra tôi trở thành mồi nhử của anh à. Dễ chịu thật. Sao anh lại tìm ra tôi?
– Tên cô nằm trong tập tài liệu người ta gửi cho tôi, thậm chí có cả nơi làm việc nữa.
– Sao tên tôi lại có trong tập tài liệu đó?
– Tôi cũng chẳng biết gì hơn cô. Cách đây vài tháng, tổng biên tập của tôi nhận được một phong bì chứa các thông tin về Ortiz và về một cặp vợ chồng bị mất tích. Một lá thư buộc tội chính Ortiz đã nhúng tay vào việc họ bị sát hại. Tên của cô cũng có trong đó, cùng thông tin về mối quan hệ họ hàng giữa cô với Louisa, và một dòng chú thích khẳng định cô là người đáng tin cậy. Olivia Stern, tổng biên tập của tôi, rất thích đề tài này, cô ấy đã bảo tôi lần theo Ortiz và thông qua câu chuyện của hắn, phác họa lại những năm tháng đen tối của chế độ độc tài Argentina. Năm tới sẽ kỷ niệm bốn mươi năm thời kỳ đáng buồn đó, báo nào cũng sẽ đề cập đến chuyện này. Olivia muốn đi trước các đối thủ một bước. Tôi nghĩ đây chính là động cơ thúc đẩy sếp tôi.
– Thế ai đã gửi phong bì đó cho tổng biên tập của anh?
– Cô ấy nói với tôi là thư khuyết danh, nhưng những thông tin trong đó đủ quan trọng để chúng tôi coi chúng là nghiêm túc. Và cho đến giờ phút này, tất cả đều xác nhận điều đó. Olivia cũng có nhiều khiếm khuyết và tính nết khó gần, nhưng đó là một người rất lành nghề.
– Hai người có vẻ thân mật nhỉ.
– Không hẳn thế đâu.
– Tôi chưa bao giờ gọi tên riêng của sếp cả.
– Tôi thì có đấy, nhờ ưu thế tuổi tác thôi.
– Cô ấy trẻ hơn anh à?
– Trẻ hơn vài tuổi.
– Một phụ nữ, trẻ hơn anh và là sếp của anh, cái tôi của anh hẳn đã bị tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần rồi nhỉ, Marisa vừa cười vừa nói.
– Cô có thể chở tôi đến chỗ lưu trữ hồ sơ mà dì cô đã nhắc đến không?
– Nếu tôi phải đóng vai tài xế riêng phục vụ cho anh trong những ngày lưu lại đây thì anh cũng nên nghĩ đến chuyện đền bù cho tôi chứ anh Stilman.
– Cô đã nói gì về cái tôi của tôi ấy nhỉ?
Marisa buộc phải dừng xe tại một trạm xăng. Ống xả chiếc Coccinelle của cô phát ra một chùm tia lửa điện; động cơ kêu ầm ĩ và tiếng ồn trở nên inh tai nhức óc.
Trong lúc một thợ máy gắng chữa tạm – Marisa không đủ tiền để thay ống xả mới – Arew đi ra xa rồi gọi điện về văn phòng.
Olivia đang họp, nhưng trợ lý của cô nài anh kiên nhẫn một chút.
– Có tin gì mới thế? Olivia hỏi, giọng mệt đứt hơi.
– Còn tệ hơn cả lần trước.
– Nghĩa là sao?
– Không có gì, Arew đáp, anh giận điên lên vì sai lầm mình vừa mắc phải.
– Tôi vừa rời khỏi phòng họp vì anh…
– Tôi cần thêm một khoản.
– Tôi đang nghe anh đây, vừa nói Olivia vừa gõ gõ bút xuống bàn.
– Hai nghìn đô.
– Anh đùa chắc?
– Cần phải tra dầu mỡ vào bản lề nếu như chúng ta muốn cửa mở ra.
– Tôi đồng ý cấp cho anh một nửa chỗ đó và không thêm xu nào cho tới khi anh quay lại.
– Tôi đành nhận khoản này vậy, Arew liền đáp, anh vốn chẳng mong là nhiều đến vậy.
– Anh không còn gì khác để nói với tôi à?
– Mai tôi sẽ đi Córdoba, tôi có đủ lý do để tin rằng gã đàn ông của chúng ta đang náu mình ở đó.
– Anh đã có bằng chứng chứng tỏ đúng là hắn chưa?
– Tôi rất hy vọng là mình đang đi đúng hướng.
– Gọi lại cho tôi ngay khi anh có tin gì mới, kể cả gọi về nhà tôi, anh có số của tôi chưa?
– Có, tôi đã ghi đâu đó trong sổ tay rồi.
Olivia gác máy.
Lúc này Arew muốn nghe giọng nói của Valérie hơn bao giờ hết, nhưng anh không muốn làm phiền cô ở văn phòng. Anh sẽ gọi cho cô vào buổi tối.
Ô tô đã sẵn sàng chạy lại, người thợ máy bảo đảm rằng xe sửa xong sẽ chạy được hàng nghìn ki lô mét. Anh ta đã trám lại lỗ thủng gần bộ tiêu âm với hệ thống xích mới. Trong khi Marisa lục túi tìm tiền để trả thì Arew liền đưa cho anh ta 50 đô la. Tay thợ máy cảm ơn anh tới tận hai lần và thậm chí còn mở cửa xe cho anh lên.
– Anh không cần phải làm thế đâu, vừa ngồi vào sau vô lăng Marisa vừa nói.
– Cứ coi như phần đóng góp của tôi cho chuyến đi.
– Phân nửa chỗ tiền đó cũng đủ trả công sửa rồi mà, anh phóng tay quá.
– Cô thấy tôi cần cô giúp đến thế nào rồi đấy, Arew đáp, nụ cười nở trên môi.
– Anh đang nói về chuyến đi nào đó?
– Đến Córdoba.
– Anh còn cứng đầu cứng cổ hơn cả tôi. Trước khi đánh liều cùng anh vào chuyện điên rồ đó, tôi có một địa chỉ cho anh đây. Gần hơn Córdoba nhiều.
– Chúng ta đang đi đâu thế?
– Tôi cần về nhà thay quần áo, tối nay tôi phải làm việc. Còn anh, anh sẽ bắt taxi, vừa đáp Marisa vừa chìa cho Arew một mảnh giấy. Đó là quán bar nơi các cựu thành viên phong trào du kích Montonero thường xuyên lui tới. Khi tới đó, hãy tỏ ra khiêm nhường nhé.
– Cô muốn tôi đến đó làm gì?
– Ở cuối phòng, anh sẽ thấy ba người đàn ông đang ngồi chơi bài với nhau. Người thứ tư đã không bao giờ quay lại kể từ ngày đến ESMA. Và mỗi tối, họ lại chơi lại cùng một ván đó, như một nghi thức tinh thần. Hãy lịch sự hỏi họ liệu anh có thể ngồi vào chỗ ghế trống kia không, rồi đề nghị mời họ uống, chỉ một chầu duy nhất thôi, sau đó xoay xở làm sao để anh thua chút đỉnh, vì lịch sự ấy mà. Nếu anh may mắn quá thì họ sẽ đuổi anh đi đó, còn nếu anh chơi quá tệ thì họ cũng sẽ làm như vậy.
– Thế họ chơi cái gì?
– Poker, nhưng có rất nhiều điểm khác biệt mà họ sẽ giải thích cho anh rõ. Khi đã giành được thiện cảm của họ, anh hãy nói chuyện với người đàn ông bị hói và để râu. Ông ấy tên là Alberto, đó là một trong những người hiếm hoi trốn thoát khỏi trại giam. Ông ấy từng rơi vào tay Febres. Như bao người sống sót khác, ông ấy luôn bị day dứt vì mặc cảm tội lỗi và nói về chuyện từng xảy đến với mình là chuyện rất nặng nề với ông ấy.
– Mặc cảm tội lỗi nào?
– Vì vẫn còn sống trong khi phần lớn bạn bè mình đều chết.
– Sao cô biết ông ấy?
– Đó là chú tôi.
– Chồng của bà Louisa à?
– Chồng cũ của dì, họ không nói chuyện với nhau từ lâu lắm rồi.
– Sao vậy?
– Chuyện này chẳng can dự gì tới anh cả.
– Tôi càng biết nhiều thì nguy cơ mắc phải điều ngớ ngẩn càng ít đi, Arew viện cớ.
– Dì tôi đã dành cả đời để lần theo dấu vết những kẻ tội phạm trước kia, còn chú ấy lại lựa chọn quên đi tất thảy. Tôi thì tôn trọng lựa chọn của họ.
– Thế sao ông ấy sẽ kể cho tôi nghe?
– Bởi có cùng một dòng máu chảy trong huyết quản chúng tôi và hai chúng tôi thì hay khắc khẩu nhau.
– Thế bố mẹ cô đâu, Marisa?
– Đây không phải là câu hỏi hay ho cho lắm, anh Stilman à. Điều tôi luôn tự hỏi mỗi ngày chính là ai là bố mẹ đẻ của mình, những người đã nuôi tôi khôn lớn hay những người mà tôi chưa bao giờ biết mặt?
Marisa đỗ xe dọc vỉa hè. Cô với người sang mở cửa xe cho Arew.
– Anh sẽ tìm thấy taxi ở bãi đỗ ngay phía trước. Nếu anh không về quá muộn thì có thể gặp tôi ở quầy bar. Tôi sẽ hết ca vào tầm một giờ sáng.
 
°
 
Quán bar giống hệt như những gì Marisa miêu tả. Qua bao năm tháng mà phần trang trí của quán không hề thay đổi. Các lớp sơn chồng chất lên nhau rốt cuộc lại điểm tô cho mấy bức tường một bức tranh tập hợp những đường nét hoa mỹ kỳ cục nhất. Đồ đạc trong quán vỏn vẹn có vài chiếc ghế cùng mấy cái bàn gỗ. Một bức ảnh của Rodolfo Walsh, phóng viên và lãnh đạo huyền thoại của phong trào du kích Montonero, bị phe đảo chính sát hại, được treo ở cuối phòng. Alberto ngồi ở ngay phía dưới bức ảnh. Cái đầu hói cùng khuôn mặt bị chòm râu dày bạc trắng che khuất. Khi Arew tiến lại gần bàn nơi ông đang ngồi chơi cùng mấy người bạn, Alberto ngẩng đầu lên quan sát anh trong giây lát rồi lại tiếp tục ván bài mà không nói bất cứ lời nào.
Arew làm đúng theo những gì Marisa đã chỉ dẫn từng li từng tí một. Và một lát sau, người chơi phía bên tay phải Alberto đồng ý cho anh nhập hội. Jorge, người ngồi bên tay trái, chia bài rồi đặt 2 peso, tương đương 50 cent.
Arew cũng đặt cược theo rồi hỏi cách chơi. Jorge lật ra ba lá bài đồng số, Arew lẽ ra có thể thắng nhưng nhớ lời khuyên của Marisa, anh liền úp bài xuống. Alberto mỉm cười.
Chia ván mới. Lần này Arew có trong tay dây đồng chất năm con lớn nhất. Anh lại úp xuống và để Alberto nhét túi khoản tiền 4 peso. Ba vòng tiếp theo đều diễn ra hệt như vậy, và rồi đột nhiên, Alberto ném bài của mình xuống trước khi kết thúc ván bài đồng thời nhìn thẳng vào mắt Arew.
– Được rồi đấy, ông nói, tôi biết cậu là ai, sao cậu lại ở đây, và cậu chờ đợi điều gì ở tôi. Cậu có thể ngừng việc để mất tiền như thằng đần đi.
Cả hai ông lão đều phá lên cười thân thiện và Alberto trả lại tiền cho Arew.
– Cậu không nhận thấy là họ ăn gian à? Cậu tưởng là mình may mắn đến thế ư?
– Tôi cũng bắt đầu thấy ngạc nhiên rồi, Andrew đáp.
– Anh chàng bắt đầu rồi đấy! Alberto vừa nhìn hai người bạn vừa thốt lên. Cậu vừa mời chúng tôi một chầu giao hữu, thế là đủ để chúng ta nói chuyện với nhau rồi, ngay cả khi chúng ta còn chưa là bạn. Thế nào, cậu nghĩ là mình đã chạm được tay tới thiếu tá Ortiz rồi sao?
– Dù sao thì tôi cũng hy vọng là thế, vừa đáp Arew vừa đặt ly Fernet-Coca xuống bàn.
– Tôi không thích ý tưởng cậu lôi cháu gái tôi vào câu chuyện này. Những tìm kiếm mà cậu đang thực hiện quả rất nguy hiểm. Nhưng nó là đứa đầu bò đầu bướu và tôi chẳng thể làm nó đổi ý được.
– Tôi sẽ không để cô ấy gặp bất cứ nguy hiểm gì, tôi hứa với ông đấy.
– Đừng có hứa nếu cậu không thể giữ lời, cậu không có bất cứ ý niệm gì về những gì mấy gã đàn ông đó có thể làm đâu. Nếu ông ấy còn ở đây, ông ấy có thể nói cho cậu biết điều đó, vừa nói Alberto vừa chỉ bức chân dung treo phía trên đầu mình. Ông ấy từng là phóng viên như cậu, nhưng trong khi làm nghề ông ấy đã phải mạo hiểm cả tính mạng. Chúng đánh đập ông ấy như đánh chó. Nhưng ông ấy đã kháng cự cho đến khi ngã xuống dưới làn đạn của chúng.
Arew quan sát bức ảnh. Walsh có vẻ từng là một người có uy tín lớn, ánh mắt ông phía sau cặp kính nhìn về xa xăm. Arew thấy ông có vẻ giống bố đẻ của mình.
– Ông có quen ông ấy không? Arew lên tiếng hỏi.
– Hãy để người chết được yên và giờ thì nói cho tôi biết cậu muốn viết gì trong bài báo của cậu.
– Tôi còn chưa thảo bài báo đó, và tôi không muốn hứa với ông điều tôi không thể giữ lời. Ortiz là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài báo của tôi, đó là một nhân vật mà số phận của hắn khiến tổng biên tập của tôi rất tò mò.
Alberto nhún vai.
– Lạ nhỉ, vì báo chí thường quan tâm đến đao phủ nhiều hơn anh hùng. Mùi cứt hẳn phải bán đắt hơn mùi hoa hồng. Hãy thận trọng như cậu vẫn thế từ trước tới giờ, hắn luôn đề cao cảnh giác. Cậu sẽ không bao giờ tiếp cận được hắn ở nhà riêng đâu, và hắn luôn di chuyển kèm người hộ tống.
– Thật chẳng mấy khích lệ nhỉ.
– Chúng ta có thể thu xếp để cũng được vũ trang tương tự.
– Thu xếp bằng cách nào?
– Tôi có những người bạn vẫn còn rất dũng cảm luôn háo hức mong được chiến đấu chống lại Ortiz và đồng bọn.
– Rất tiếc, tôi không đến đây để tổ chức một vụ thanh toán lẫn nhau. Tôi chỉ muốn phỏng vấn người đàn ông đó.
– Tùy cậu thôi. Tôi chắc là hắn sẽ tiếp cậu trong phòng khách rồi mời cậu uống trà trong lúc nghe hắn kể lại quá khứ của mình. Và cứ cho là hắn chẳng hề muốn cháu gái tôi gặp bất cứ nguy hiểm gì, Alberto vừa nhìn các bạn chơi vừa cười ồ lên.
Alberto cúi người trên bàn, ghé sát mặt vào mặt Arew.
– Hãy nghe tôi nói cho rõ này, chàng trai trẻ, nếu cậu không muốn chuyến thăm viếng này làm mất thì giờ của tất cả chúng ta. Để Ortiz thổ lộ tâm tình với cậu thì phải thật thuyết phục. Tôi không nói với cậu về chuyện sử dụng bạo lực cực đoan, việc đó không cần thiết. Tất thảy những kẻ từng hành động như hắn xét cho cùng đều là lũ hèn nhát. Khi chúng không còn đi thành bầy với nhau, chúng sẽ sun vòi ngay tức thì. Chỉ cần hăm dọa hắn ở mức vừa phải, hắn sẽ khóc lóc kể chuyện ngay. Nếu cho hắn thấy cậu sợ, hắn sẽ giết cậu không chút ăn năn hối hận và sẽ ném xác cậu làm mồi cho lũ chó hoang.
– Tôi sẽ ghi nhớ lời khuyên của ông, Arew đáp rồi sửa soạn rời khỏi bàn.
– Cứ ngồi nguyên, tôi còn chưa nói hết.
Arew thấy buồn cười với cái giọng chuyên quyền của ông chú Marisa, nhưng anh không thích gây thù chuốc oán nên vâng lệnh.
– May mắn đang đến với cậu đó, Alberto tiếp lời.
– Không đâu, nếu như vẫn còn đánh bài bịp.
– Tôi không nói về vụ bài bạc nữa. Thứ Ba tới, sẽ có một cuộc tổng đình công và các máy bay sẽ không được cất cánh. Ortiz sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài cách đi đường bộ đến gặp khách hàng của mình.
Nghe Alberto nói, Arew suy ra rằng Marisa đã báo cho ông nhất cử nhất động của anh.
– Ngay cả khi hắn ta có người hộ tống thì trên đường bộ cậu cũng sẽ có nhiều cơ may để bám đuổi hắn hơn… với điều kiện là cậu chấp thuận cho chúng tôi giúp một tay.
– Tôi rất muốn vậy, nhưng tôi không bảo lãnh cho bất cứ hành động bạo lực nào đâu.
– Ai bảo cậu là bạo lực? Cậu quả là một nhà báo kỳ cục, cứ như thể cậu suy nghĩ bằng tay ấy, còn tôi, tôi suy nghĩ bằng đầu óc.
Lòng đầy nghi vấn, Arew nhìn Alberto.
– Tôi rất quen thuộc với đường số 8, tôi đi con đường đó nhiều đến nỗi nếu cậu đưa tôi đến Córdoba, tôi có thể nhắm mắt miêu tả xung quanh cho cậu. Con đường đó chạy qua nhiều vùng không một bóng người trải dài hàng ki lô mét, nó cũng được duy tu bảo dưỡng rất kém… và người ta đã thống kê có vô số tai nạn xảy ra ở đó. Marisa cũng từng suýt bỏ mạng tại đó và tôi không muốn chuyện này tái diễn. Hãy hiểu cho tôi cậu nhà báo à, bạn bè của gã đàn ông này đã tấn công cháu gái tôi, và từ giờ trở đi thời kỳ thoát tội của chúng đã chấm dứt. Cách Gahan vài ki lô mét, con đường tách ra để tránh một bức tượng thánh giá. Phía bên tay phải có nhiều tháp dự trữ nông sản, nơi cậu có thể nấp sau đó đợi hắn. Các đồng đội của tôi có thể xoay xở sao cho ô tô của Ortiz nổ lốp đúng vị trí này. Với tất cả những chuyện tồi tệ thường xảy đến với đám xe tải, chúng sẽ không nghi ngờ gì đâu.
– Được rồi, sau đó thì sao?
– Bao giờ cũng chỉ có duy nhất một bánh sơ cua trên xe và khi ta ở một nơi mà điện thoại di động cũng chẳng có sóng ngay giữa đêm hôm khuya khoắt thì có thể làm gì khác ngoài việc đi bộ tới ngôi làng gần nhất để tìm người giúp đây? Ortiz sẽ cử người của hắn đi vào làng còn hắn sẽ đợi trong ô tô.
– Sao ông có thể chắc chắn như vậy?
– Một tay cựu sĩ quan loại như hắn không bao giờ từ bỏ thói cao ngạo của mình đâu, càng không từ bỏ được tính tự phụ: lội bùn đi bộ bên cạnh đám người của mình tức là hắn tự đặt mình ngang bằng với chúng. Tôi có thể nhầm, nhưng tôi biết rõ típ người như hắn.
– Được rồi, Ortiz còn một mình trong xe, thế chúng ta có bao nhiêu thời gian trước khi người của hắn quay trở lại?
– Cứ tính là mười lăm phút đi, mười lăm phút về cùng với thời gian đánh thức một tay thợ sửa xe giữa đêm hôm. Cậu tha hồ mà buộc hắn.
– Ông chắc chắn hắn sẽ đi trong đêm chứ?
– Dumesnil cách Buenos Aires bảy tiếng đi xe, cộng thêm tầm ba tiếng nếu mật độ giao thông dày đặc. Tin tôi đi, hắn sẽ khởi hành sau khi ăn tối xong, một kẻ lái ô tô, một tên khác đảm bảo an toàn cho hắn và một kẻ cậu cho là Ortiz ngủ say sưa ở băng ghế sau. Hắn muốn đi qua hết vùng ngoại ô trước khi thủ đô thức giấc và lên đường trở về ngay sau khi cuộc gặp gỡ kết thúc.
– Đó là một kế hoạch rất chặt chẽ, trừ một chi tiết: nếu tất cả các lốp xe nổ tung cùng một lúc, khả năng cao là chiếc xe sẽ đâm bổ chửng vào tường cùng với hắn bên trong.
– Trừ một điều là không có bức tường nào ở khu vực này cả! Chỉ có cánh đồng cùng các tháp dự trữ nông sản mà tôi đã nói với cậu rồi đấy, nhưng chúng nằm cách đường cái rất xa.
Hai tay ôm lấy trán, Arew suy nghĩ về đề nghị của Alberto, anh ngẩng đầu ngắm bức ảnh chụp Walsh như thể tìm cách thăm dò suy nghĩ của người đồng nghiệp quá cố, sừng sững trong quá khứ đằng sau cặp kính cận.
– Mẹ kiếp, cậu Stilman, nếu muốn biết sự thật thì cậu phải có đủ dũng cảm để đi tìm nó chứ! Alberto cam đoan.
– Được rồi, tôi sẽ đi, nhưng sẽ chỉ có Marisa và tôi tra hỏi Ortiz thôi. Tôi muốn ông hứa là không người nào ở nhóm các ông tranh thủ cơ hội đó để tính sổ với hắn.
– Chúng tôi đã sống sót qua những điều tàn bạo đó để không bao giờ làm giống chúng, đừng có xúc phạm ai đó đang giúp cậu.
Arew đứng dậy rồi chìa tay cho Alberto. Người đàn ông do dự giây lát rồi cũng chìa tay ra.
– Cậu thấy Marisa thế nào? Alberto vừa thu dọn quân bài vừa hỏi.
– Tôi không chắc mình có hiểu rõ nghĩa câu hỏi của ông hay không.
– Tôi thì chắc về điều ngược lại đấy.
– Cô ấy giống ông y lột mà ông thì hoàn toàn không phải là típ phụ nữ tôi thích.
 
°
 
Quay trở về khách sạn, Arew dừng chân ở quầy bar. Căn phòng chật ních khách. Marisa vừa chạy đi chạy lại từ đầu này sang đầu kia quầy bar vừa tung hứng với mấy ly cocktail. Cổ áo sơ mi trắng khoét rộng để hở bộ ngực căng tròn mỗi khi cô cúi xuống và đám khách hàng ngồi ở ghế đẩu ngay quầy không bỏ sót một chi tiết nào. Arew quan sát cô một lúc lâu. Anh nhìn đồng hồ, giờ đã là một giờ sáng, anh mỉm cười rồi lui về phòng nghỉ.
 
°
 
Trong phòng ám mùi thuốc lá cùng mùi nước khử mùi rẻ tiền. Arew nằm dài trên tấm ga phủ giường. Đã quá muộn để gọi cho Valérie, nhưng anh nhớ cô kinh khủng.
– Anh có đánh thức em không?
– Anh biết là không cần thiết phải thì thào như vậy mà, em đang ngủ nhưng em rất vui vì anh đã gọi điện, em bắt đầu thấy lo lo rồi.
– Quả là một ngày dài, Arew đáp.
– Tất cả như anh mong muốn chứ?
– Điều anh muốn là được nằm bên em.
– Nhưng nếu như thế, anh sẽ lại mơ được đến Argentina mà thôi.
– Đừng nói thế chứ.
– Em nhớ anh.
– Anh cũng rất nhớ em.
– Anh làm việc tốt chứ?
– Anh không biết, ngày mai có thể…
– Ngày mai có thể gì cơ?
– Em có thể đến đây với anh vào cuối tuần này được không?
– Em muốn thế lắm chứ, nhưng em không nghĩ là tuyến tàu điện ngầm em đi có qua Buenos Aires, và cuối tuần này em còn phải trực nữa.
– Em không muốn đến “trực” anh à?
– Con gái Argentina đẹp đến thế cơ à?
– Anh không rõ, anh đâu có nhìn ngó gì họ.
– Nói phét.
– Anh cũng nhớ cả tiếng cười của em.
– Ai nói với anh là em đang cười?… Em đang cười đây. Về nhanh anh nhé.
– Anh để em ngủ tiếp nhé, tha lỗi cho anh vì đã đánh thức em dậy, anh cần được nghe giọng của em.
– Mọi chuyện ổn chứ Arew?
– Anh nghĩ là thế.
– Anh có thể gọi cho em bất cứ khi nào anh không ngủ được, anh biết mà, phải không?
– Anh biết. Anh yêu em.
– Em cũng yêu anh.
Valérie gác máy. Arew ra đứng trước cửa sổ phòng nghỉ. Anh trông thấy Marisa đang rời khỏi khách sạn. Vì một lý do nào đó mà anh không cắt nghĩa nổi, anh hy vọng cô sẽ quay lại nhìn, nhưng Marisa bước lên chiếc Coccinelle rồi nổ máy.
 
°
 
Arew thức giấc bởi tiếng chuông điện thoại reo. Anh không có chút khái niệm về nơi mình đang ở và đang là mấy giờ.
– Đừng nói với mình là cậu vẫn còn ngủ vào lúc mười một giờ sáng nhé! Simon lên tiếng.
– Không. Arew vừa dụi mắt vừa nói dối.
– Cậu đã tiệc tùng thâu đêm à? Nếu cậu trả lời là có thì tớ sẽ đáp ngay chuyến bay đầu tiên đến đấy.
– Tớ đã gặp một cơn ác mộng tệ hại và tớ không tài nào chợp nổi mắt cho đến gần sáng.
– Ừm, tớ sẽ cố tin là thế. Trong khi cậu nghỉ ngơi giải trí thì tớ đang ở Chicago đấy.
– Khỉ thật, tớ quên béng mất.
– Còn tớ thì không. Cậu có muốn nghe điều tớ sắp kể cho cậu không?
Arew bị một cơn ho dữ dội khiến anh không thể thở nổi. Nhìn vào gan bàn tay, anh lo lắng khi trông thấy vết máu. Anh xin lỗi Simon, hứa sẽ gọi lại cho bạn rồi chạy vào phòng tắm.
Chiếc gương treo phản chiếu một hình ảnh kinh hoàng. Da anh nhợt nhạt như xác chết. Khuôn mặt hốc hác, cặp mắt sâu hoắm trong hốc mắt làm gò má nhô cao. Trông như anh đã già đi ba chục tuổi chỉ trong có một đêm. Một cơn ho thắt ruột mới làm bắn cả máu lên gương. Arew cảm thấy đầu óc quay cuồng, đôi chân nhũn như con chi chi. Anh bám chặt vào mép bồn rửa rồi khuỵu gối trước khi ngã sụp xuống đất.
Má tiếp xúc với sàn gạch lát lạnh lẽo khiến anh hồi tỉnh đôi chút. Anh lật ngửa người lại rồi nhìn chăm chăm vào chiếc đèn trần chiếu thứ ánh sáng chập chờn.
Tiếng bước chân ngoài hành lang khiến anh hy vọng là người dọn phòng đến. Không thể kêu cứu, anh cố với lấy sợi dây điện của máy sấy tóc đang treo cách mình vài xăng ti mét. Dùng hết sức bình sinh chìa tay ra, rốt cuộc anh cũng nắm được nó, nhưng sợi dây trượt khỏi ngón tay anh rồi uể oải đung đưa trước mắt anh.
Có ai đó đang tra chìa vào ổ khóa cửa phòng anh. Arew sợ rằng người dọn phòng đoán là phòng đang có người thì sẽ không bước vào nữa. Anh gắng bấu vào mép bồn tắm, nhưng chợt bất động khi nghe thấy tiếng hai người đàn ông đang thì thào với nhau ở phía bên kia cánh cửa phòng tắm.
Chúng lục lọi căn phòng, anh nghe thấy tiếng tủ tường kêu kẽo kẹt khi bị chúng mở ra. Anh lại giơ tay lần nữa để với lấy chiếc máy sấy đáng ghét như thể đó là một thứ vũ khí.
Anh kéo sợi dây, chiếc máy sấy rơi xuống sàn nhà lát gạch. Hai giọng nói liền im bặt. Arew đã ngồi lại được và dựa lưng vào cửa rồi dồn hết sức xuống đôi chân để ngăn chúng mở cửa.
Anh bị văng mạnh về phía trước, một cú đá cực mạnh khiến ổ khóa tung ra và đẩy cánh cửa vào phía bên trong phòng tắm.
Một gã đàn ông túm lấy vai anh hòng ấn anh xuống đất, Arew chống cự lại, nỗi sợ đã đẩy lùi cơn chóng mặt của anh. Anh tung được một cú đấm vào mặt kẻ tấn công mình. Gã đàn ông, vốn không hề trông đợi điều này, đổ sụp xuống sàn bồn tắm. Arew đứng dậy để đẩy kẻ thứ hai đang nhảy bổ vào anh. Anh vớ lấy chai xà phòng nước nằm trong tầm với rồi ném về phía hắn. Gã đàn ông tránh cú ném, cái lọ vỡ tan trên sàn nhà. Hai cú đấm móc vào mặt khiến Arew bắn đập vào gương, cung lông mày của anh rách toác. Máu bắt đầu chảy ra, che mờ tầm nhìn của Arew. Cuộc chiến trở nên không cân sức, Arew không còn chút cơ may nào cả. Gã khỏe hơn trong hai kẻ tấn công ấn chặt anh xuống đất, tên còn lại rút dao từ trong túi ra rồi đâm thẳng lưỡi dao vào phần cuối sống lưng anh. Arew thét lên đau đớn. Trong nỗ lực cuối cùng, anh vớ lấy mảnh vỡ chai xà phòng rồi cứa vào tay kẻ đang cố siết cổ anh.
Đến lượt gã đàn ông thét lên đau đớn. trong khi lùi lại, hắn trượt ngã trên lớp nước xà phòng lênh láng trên mặt sàn và khuỷu tay va phải nút bấm báo cháy.
Tiếng còi inh tai bắt đầu vang lên; hai gã đàn ông vội chuồn ngay.
Arew buông mình trượt dọc bờ tường. Ngồi bệt xuống sàn, anh đưa tay ra sau lưng, gan bàn tay anh đầy máu. Ánh sáng từ chiếc đèn trần cứ chập chờn vào lúc anh bất tỉnh nhân sự.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.