Nghiên cứu phân tâm học

2. Thái độ trước cái chết



Ngày nay chúng ta cảm thấy mình xa lạ trong một thế giới mà trước kia chúng ta thấy đẹp đẽ quen thuộc, chúng tôi cho rằng nguyên nhân tại cuộc chiến tranh đã làm cho chúng ta rối loạn không còn thái độ vững tâm in sâu trong tâm trí trước cái chết như ngày xưa.

Thái độ ấy không kém thẳng thắn và thành thực. Nghe chúng ta nói người ta sẽ bảo chúng ta tin tưởng rằng cái chết là mức tới của đời sống cần phải có, mỗi người chúng ta có món nợ đối với tạo hóa phải thanh toán bằng cái chết, chết là một hiện tượng thiên nhiên, thực ra chúng ta có thói quen xử sự như thể mọi việc đều khác hẳn. Chúng ta làm hết cách để tránh cái chết, để loại bỏ cái chết khỏi đời sống. Chúng ta đã tìm cách bao phủ cái chết bằng sự yên lặng, chúng ta đã nghĩ ra một câu phương ngôn: “Họ nghĩ đến chuyện ấy như là nghĩ đến sự chết” (nghĩa là họ không nghĩ đến); dĩ nhiên, người ta nghĩ đến cái chết của chính mình (nhưng thực ra chúng ta chỉ suy luận về cái chết của người chứ ít khi suy luận về cái chết của mình). Sở dĩ như vậy là vì chúng ta không thể nào hình dung ra cái chết của chúng ta, mỗi lần chúng ta thử làm thế, chúng ta vẫn nhận thấy chúng ta chỉ nhìn với con mắt bàng quan. Bởi vậy cho nên tư tưởng phân tâm học tuyên bố rằng xét cho cùng thì không ai tin mình chết, hay nói khác đi, trong tiềm thức của chúng ta, chúng ta tin rằng chúng ta bất tử.

Đối với cái chết của người khác thì người văn minh cẩn thận tránh không nói đến sự chết trước mặt người đã gần kề cái chết. Chỉ có trẻ con mới không biết ý tứ như thế: trẻ con rủa nhau chết, dọa nạt làm chết nhau, nó còn có đủ ngây thơ để nói với mẹ một cách tự nhiên: “Bao giờ má chết thì con sẽ làm cái này cái nọ.” Đến lượt người lớn văn minh không muốn nghĩ đến cái chết của một người thân, vì như thế sẽ tỏ ra độc ác, nhẫn tâm, chỉ có thầy thuốc hay luật gia vì bận tâm nghề nghiệp mà phải nói đến mà thôi. Người ta còn ít nói hơn khi nào người chết để lại cho người ta một gia tài lớn, hay vì người chết mà người ta được tự do, được tăng tiến địa vị. Hẳn là những quan điểm ấy không chống lại được cái chết, mỗi khi có tang tóc chúng ta bị xúc động sâu xa và thất vọng. Chúng ta luôn luôn nhấn mạnh đến tính cách ngẫu nhiên của sự chết chứ không cho là một sự cần thiết: tai nạn, bệnh tật, ôn dịch, già nua, những sự kiện ấy bộc lộ khuynh hướng loại bỏ tính cách cần thiết của sự chết, và cho nó là một biến cố ngẫu nhiên. Nhưng trường hợp chết chóc càng ngày càng nhiều khiến cho chúng ta sợ hãi. Đối với sự chết chúng ta cũng có thái độ kỳ lạ: chúng ta tránh sự phê phán, chúng ta tha thứ cho sự bất công của nó và chúng ta cho là một việc rất tự nhiên khi thấy người ta đọc điếu tang hay khắc bia trên mộ chí nói đến đức hạnh của người quá cố. Sự kính trọng người chết, sự kính trọng mà người chết chẳng cần đến đối với chúng ta như cái gì hơn là sự thật, nhiều người còn cho là hơn cả sự kính trọng dành cho người sống.

Văn minh đòi hỏi chúng ta phải có một thái độ đã khuôn định trước với người chết, chúng ta kinh hoàng, chúng ta đau đớn vì một người thân qua đời: cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái hay bạn hữu. Hầu như người chết mang theo hy vọng, hoài bão, niềm vui của chúng ta, chúng ta không nghe lời an ủi và chúng ta tuyên bố rằng người đã chết không ai thay thế được. Chúng ta làm như chúng ta muốn chết theo người thân yêu.

Thái độ ấy có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của chúng ta. Đời sống nghèo nàn đi, mất cả ý nghĩa đáng sống khi chúng ta không biết coi sự sống của chúng ta là cái gì đáng đem ra thử thách. Đời sống sẽ trở nên trống rỗng và không khác nào chúng ta theo đuổi một chuyện tình mà biết trước là không đi đến đâu, chỉ khác chuyện tình thật một điều là hai bên đều nghĩ đến ta không nghĩ đến những sự nguy hiểm cho chúng ta và cho người thân của chúng ta. Chúng ta không dám làm những công việc nguy hiểm nhưng cần thiết như lái phi cơ, thám hiểm những xứ xa xôi, thí nghiệm chất nổ,… chúng ta không muốn làm vì chúng ta tự hỏi: nếu xảy ra tai nạn thì ai là người phụng dưỡng mẹ già, ai nuôi vợ dại con thơ? Khuynh hướng loại bỏ cái chết khỏi đời sống còn làm cho chúng ta phải từ khước và giữ mình nhiều nữa. Tuy nhiên, câu châm ngôn của đoàn người tranh thương nước Đức là: vượt trùng dương là điều cần chứ sống không phải là điều cần.

Dĩ nhiên, chúng ta tìm trong thế giới giả tưởng, trong văn chương, trong ca kịch, những cái gì mà trong đời sống thực chúng ta chịu bỏ.

Chúng ta còn thấy những người biết cách chết và dạy bảo người khác cách chết. Chỉ có cách này là hội được điều kiện để hòa giải chúng ta với cái chết. Quả vậy, sự hòa giải ấy chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta tin tưởng rằng sau khi chết chúng ta vẫn tiếp tục sống một cuộc sống không còn ô trọc bụi trần. Hẳn là chúng ta phải buồn rầu nếu biết rằng đời sống chỉ là cuộc cờ, đi sai một nước cũng đủ thua cuộc, chúng ta càng chán nản hơn khi biết rằng không thể đánh ván khác để gỡ. Nhưng trong thế giới giả tưởng chúng ta tìm thấy cuộc sống khác thần tiên hơn mà chúng ta rất cần. Chúng ta đồng nhất hóa mình với một người anh hùng lúc họ chết (để sang sống cuộc sống ở thế giới bên kia với họ), ấy thế mà chúng ta vẫn sống nhăn, sẵn sàng để chết theo người anh hùng khác một chuyến nữa mà không hại gì.

Hẳn là thái độ ước định trước cái chết như thế không thể dung hòa được với chiến tranh. Không thể chối cãi sự chết được nữa, chúng ta phải tin tưởng rằng có sự chết. Người ta chết thật sự, không phải từng người một, mà hàng loạt từng chục ngàn người mỗi ngày. Đây không còn là chết ngẫu nhiên. Khi một trái tạc đạn rớt trúng người này chứ không phải người khác thì đó là một sự ngẫu nhiên; nhưng người kia có thể chết vì trái tạc đạn khác. Cái chết chồng chất trên đầu người, thây chết thành núi như thế thì chúng ta không còn dung hòa được với khái niệm ngẫu nhiên nữa. Đời sống trở lại có ý nghĩa, nó thấy lại nội dung của nó.

Chúng ta cần phải chia ra làm hai loại: loại người liều chết mà xông ra trận, và loại người ở hậu phương có thể nhận được tin người thân của mình chết vì thương tích hay bệnh tật. Hẳn là nghiên cứu tâm lý các chiến sĩ sẽ biết nhiều điều hay, nhưng chúng tôi không am tường vấn đề này. Bởi vậy chúng ta phải giới hạn sự tìm tòi trong loại thứ hai, chúng tôi cũng thuộc vào thứ hai. Tôi đã nói rằng năng lực cơ năng của chúng ta bị xáo trộn và sút kém, theo ý tôi thì nguyên do chính yếu là chúng ta không thể giữ được thái độ cũ đối với sự chết và chúng ta chưa tìm ra được thái độ mới. Có lẽ chúng ta đã đạt được những kết quả tốt bằng cách nghiên cứu những thái độ của con người trước cái chết: Thái độ có thể cho là thái độ của người bàn cổ, người tiền sử, thái độ còn tồn tại trong mỗi người chúng ta, không ý thức được mà chỉ ẩn nấp trong những lớp dưới sâu tâm thần.

Đối với thái độ của người tiền sử trước cái chết, dĩ nhiên chúng ta chỉ biết bằng cách suy đoán và diễn dịch, nhưng tôi thiết nghĩ phương pháp ấy đã đem lại kết quả có thể tin được.

Thái độ của người bàn cổ trước cái chết thật là mâu thuẫn rõ rệt. Một đằng họ coi trọng cái chết, họ coi là cái chết chấm dứt cuộc đời và họ đem quan niệm ấy ra áp dụng; đằng khác họ phủ nhận cái chết, họ không cho cái chết có ý nghĩa gì và không cho rằng cái chết có hiệu năng. Chắc họ là giống đam mê, độc ác và dữ tợn hơn những con vật khác. Họ giết hại một cách tự nhiên và dễ dàng. Chúng ta không có lý lẽ gì để bảo rằng họ có một thứ bản năng như bản năng của những loài vật khác không giết hại và ăn thịc con đồng loại với chúng.

Bởi vậy cho nên lịch sử nhân loại tối sơ đầy rẫy giết chóc. Ngày nay con em chúng ta học ở nhà trường cái gọi là lịch sử thế giới không phải cái gì khác những cuộc chém giết kế tiếp nhau, dân tộc nọ chết giết dân tộc kia. Cảm tưởng phạm tội mông lung mờ mịt của loài người có từ thời ký tối cổ, cảm tưởng ấy kết tinh lại trong một vài tôn giáo thành tội nguyên thủy, tội nguyên thủy có lẽ chỉ là vang âm của một cuộc xung đột đẫm máu xảy ra cho người tiền sử. Trong cuốn Vật tổ và cấm kỵ chúng ta đã dựa vào Robertson Smith, Atkinson và Darwin để tìm một ấn tượng về tội lỗi nguyên thủy đó, chúng ta cho rằng Thiên Chúa giáo hiện thời cũng còn những điển cố để có thể kết luận rằng tội nguyên thủy có thực. Vì Con Trời đã phải hy sinh tính mạng để cứu chuộc nhân loại khỏi tội nguyên thủy, người ta phải kết luận rằng theo một luật lệ có từ thời Moise, phạm tội gì phải đúng tội ấy, thì tội nguyên thủy phải là tội giết người. Chỉ có một tội như thế mới phải chuộc tội bằng tính mạng mình. Vì tội nguyên thủy là tội xúc phạm đến Trời-Cha, cho nên tội lỗi xa xưa nhất của nhân loại chỉ có thể là tội giết cha, người cha nguyên thủy của bày ô hợp nguyên thủy, hình ảnh người cha ấy còn lại trong trí nhớ và sau này trở thành một ông thần[2].

[2] Xin coi chương cuối Vật tổ và cấm kỵ.

Hẳn là người bàn cổ cũng như chúng ta, khó lòng hình dung ra cái chết của mình, cái chết đối với họ cũng không thực như đối với ta. Nhưng có trường hợp mà những niềm tin trái ngược nhau về cái chết phải gặp nhau và xung đột nhau, đó là một trường hợp rất ý nghĩa và có nhiều hậu quả. Trường hợp đó xảy ra khi người bàn cổ trông thấy vợ con hay bạn hữu thân yêu của họ chết, tình yêu cũng có từ lâu đời như khuynh hướng giết người. Trong lúc đau đớn hẳn là họ phải tự nhủ rằng cái chết không tha ai, rồi họ cũng chết như người khác, điều ấy làm cho họ phẫn nộ: những người thân yêu ấy chẳng phải là một phần cái tôi của họ mà họ yêu mến ư? Mặt khác, cái chết của người thân hiện ra như một việc rất tự nhiên, bởi vì người thân phần nào là một phần cái tôi của họ, nhưng phần khác lại xa lạ với họ. Luật lưỡng ứng ngày nay còn chi phối thái độ của chúng ta đối với những người chúng ta yêu hơn cả, trong thời kỳ nguyên thủy luật lưỡng ứng hẳn là tác động không giới hạn như ngày nay. Chính vì thế mà người thân của họ chết đồng thời cũng là người xa lạ và kẻ thù, họ còn có thái độ căm thù đối với người chết (coi Vật tổ và cấm kỵ).

Theo triết gia thì vẻ huyền bí của cái chết bắt nguồn gốc bàn cổ phải suy nghĩ, phải lấy đó làm khởi điểm cho triết luận. Về điểm này thì có lẽ triết gia đặt vấn đề theo quan điểm của triết gia mà không kể đến những nguyên nhân khác của đời sống bàn cổ. Tôi thiết nghĩ nên bớt tầm quan trọng của quan niệm nấy, nên sửa chữa đi mà nói rằng người bàn cổ chỉ cảm thấy mình đắc thắng khi đứng trước xác chết của địch thủ, họ chẳng bận tâm bới óc tìm bí mật đời sống và sự chết. Cái làm cho họ phải nghĩ ngợi không phải là vẻ huyền bí của cái chết nói chung mà chính là xung đột tâm tình khi họ chứng kiến một người chết vừa thân yêu vừa đáng ghét và xa lạ. Tâm lý bắt nguồn từ xung đột tâm tình ấy. Con người không thể không nghĩ đến cái chết khi họ đã phải đau đớn vì mất một người thân; nhưng đồng thời họ cũng không muốn chấp nhận sự thật vì họ không thể đặt mình vào chỗ người chết. Bởi vậy họ phải tìm cách thỏa hiệp: họ chấp nhận rằng rồi cũng đến lượt họ chết, nhưng họ không chịu cho là họ mất hẳn tăm tích (nhưng kẻ thù của họ chết mất tăm tích là một việc tự nhiên). Trước thi hài người yêu, họ tưởng tượng ra có thần, họ thấy mình đắc tội vì cảm thấy thỏa mãn trong lúc tang tóc, thế là những ông thần đầu tiên ấy biến thành lũ quỷ ác phải nghi kỵ. Sau khi chết, thây tan rã, do đó mà quan niệm con người phân ra hồn và xác. Sự tưởng nhớ người chết còn lại trong tâm trí mãi về sau, do đó mà có sự tin tưởng rằng có nhiều kiếp khác, do đó mà người ta nghĩ rằng sau khi chết còn sống kiếp khác.

Đời sống kiếp sau mới đầu chỉ là một sự nối dài của đời sống đã bị cái chết làm cho đứt đoạn: đời sống kiếp sau chỉ có cái bóng, không có nội dung, người ta không quan tâm đến lắm. Chúng ta thử nhớ lại câu trả lời của linh hồn Achille cho Ulysse: “Hỡi Akhileus, lúc còn sống chúng ta tôn sùng ngươi như một ông Trời, bao giờ ngươi chỉ huy những người chết; ngươi đã chết như thế đó, nhưng chớ phàn nàn làm gì. – Nói thế và Akhileus trả lời: Xin đừng nói đến cái chết, hỡi Odysseus hào hùng! Thà rằng tôi là người nông phu, làm mướn cho một người nghèo còn hơn là chỉ huy những người chết mất tăm mất tích.” (Odyssée XI. V. 484 – 491, bản dịch của Leconte de Lisle).

Chúng ta cũng nên nhớ lại một đoạn thơ mãnh liệt và cay độc của Heine:

Người dân ngu tầm thường nhất

Sống ở Stuckert trên bờ sông Neckar

Lòng sung sướng hơn tôi

Người anh hùng đã chết

Ông hoàng của đêm tối dưới âm phủ.

Mãi sau này các tôn giáo mới có ý kiến trình bày cuộc sống ở thế giới bên kia là cao quý toàn thiện và cho rằng cuộc sống trần gian giới hạn bởi cái chết chỉ là sửa soạn cho cuộc sống tốt đẹp kiếp sau. Từ đó đến quan niệm có tiền kiếp chỉ có một bước và người ta đã tiến lên bước ấy: người ta cho rằng loài người đã sống nhiều kiếp trước khi sống kiếp trần gian, người ta sáng chế ra luân hồi và sự thể hiện nhiều lần, chỉ có mục đích là cho cái chết không còn giá trị gì nữa, chỉ có mục đích không cho cái chết đóng vai trò đối lập với sự sống, tiêu hủy sự sống. Chúng ta thấy rõ: sự chối bỏ cái chết mà trên kia chúng tôi đã trình bày là một trong những ước lệ của đời sống xã hội, sự chối bỏ ấy có nguồn gốc xa xôi lắm.

Con người đối diện với xác chết của người thân yêu không những đã nghĩ ra những thuyết về linh hồn, sự tin tưởng bất tử, mà còn có cảm tưởng phạm tội cảm tưởng ấy bắt rễ chắc, đó là những kỷ cương luân lý thứ nhất. Điểm quan trọng nhất của cương thường xuất hiện trong lương tâm mới bừng tỉnh là: không được giết người. Điều ấy diễn tả phản ứng chống lại sự thù ghét mà người ta cảm thấy xen lẫn vào sự buồn thương đối với người thân yêu đã chết, dần dần người ta cũng phản ứng như thế đối với những người xa lạ và cả với những kẻ thù đáng ghét.

Ở thời đại chúng ta người ta không bận tâm đến cương thường. Khi sự xung đột dã man trong cuộc chiến tranh chấm dứt, có kẻ thắng người thua, người chiến sĩ thắng trận trở về gia đình với vợ con, không hề nhớ đến sự rối loạn họ gây ra, không còn nhớ đến kẻ thù họ giết chết. Những bộ lạc man di ngày nay còn sống sót hẳn gần với người bàn cổ (hay ít ra họ có thái độ như thế nếu họ không chịu ảnh hưởng của người văn minh), họ có tâm trạng khác hẳn. Người man di, dù là người Úc châu, người Boschiman hay tổ dân Terre de Feu, đều không phải là kẻ sát nhân không biết hối cải; khi họ chiến thắng trở về họ không được vào làng bằng những tục lệ ăn năn rất phiền phức và khó nhọc. Họ bị cấm không được vào làng vì có tục mê tín, họ sợ hồn những người bị giết trở về báo thù. Nhưng hồn kẻ bị giết không phải là cái gì khác mối lo của họ, sự hối hận của họ vì họ đã phạm tội sát nhân. Trong sự mê tín ấy có một điểm tế nhị của lương tâm mà những người văn minh chúng ta không có (Vật tổ và cấm kỵ).

Những tâm hồn tin đạo tìm cách thuyết phục rằng chúng ta không biết đến cái gì xấu xa tầm thường, họ tìm cách căn cứ vào sự nghiên cứu cấm giết người có từ lâu đời để rút ra những kết luận bênh vực khuynh hướng nhân luân thiên bẩm của chúng ta. Khốn thay, lý lẽ ấy lại có thể đem ra chứng minh cái gì ngược lại và có thể chứng minh mạnh mẽ hơn. Người ta lại dùng đến sự nghiêm cấm khẩn thiết và gắt gao như thế thì tất nhiên xung động giết người phải mạnh mẽ lắm. Còn như ước vọng cao đẹp của linh hồn thì người ta chẳng cần gì phải ra lệnh cấm đoán[3]. Ấy chính vì cách đặt vấn đề cấm đoán: “Không được giết người” mà chúng ta biết chắc rằng chúng ta là con cháu một thế hệ giết người tiền sử, thế hệ ấy kéo dài rất lâu và cũng như chúng ta có cái mê say giết người từ trong máu. Tìm cách chối cãi sức mạnh và tầm quan trọng của khuynh hướng nhân luân là một sở đắc của lịch sử nhân loại và là gia tài truyền thống của nhân loại ngày nay, nhưng tiếc thay mức độ thay đổi, không có gì là vững chắc.

[3] Coi sự chứng minh hùng hồn của Frazer trong Vật tổ và cấm kỵ.

Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu tiềm thức của tâm thần chúng ta. Công việc chỉ có thể làm được nhờ phương pháp phân tâm học, phương pháp duy nhất cho chúng ta phương tiện lặn xuống đáy sâu tâm thần. Tiềm thức có thái độ nào đối với cái chết? Đúng như người bàn cổ vậy. Về phương diện này thì cũng như nhiều phương diện khác, người bàn cổ vẫn nguyên vẹn sống sót trong tiềm thức chúng ta. Cũng như người bàn cổ, tiềm thức của chúng ta không tin rằng nó có thể chết được, nó cho rằng nó bất diệt. Cái mà ta gọi là tiềm thức, nghĩa là những lớp sâu xa của linh hồn, lớp gồm những bản năng nói chung, không biết sự phủ nhận, không biết cái “không”, những cái trái ngược nhau dung hòa với nhau và phối hợp với nhau; bởi vậy đối với tiềm thức không có cái chết mà chúng ta gán cho một nội dung tiêu cực (không, phủ nhận). Như vậy sự tin tưởng cái chết không có điểm tựa nào trong bản năng, có lẽ chúng ta phải tìm ở đây sự giải thích bí mật của tính anh hùng. Người muốn giải thích duy lý tính anh hùng sẽ cho rằng người anh hùng theo đuổi những giá trị trừu tượng và phổ quát quý giá hơn cả đời sống. Nhưng theo ý tôi thì thường thường người anh hùng hành động theo bản năng và bồng bột, họ không biết đến giá trị quý giá ấy và họ xông pha nguy hiểm chẳng cần nghĩ xem hậu quả sẽ như thế nào. Hoặc là đó chỉ là cái cớ để đánh tan sự ngập ngừng nghi ngại ngăn cản cái bồng bột hào hùng của tiềm thức. Trái lại sự lo sợ trước cái chết chỉ là một hiện tượng thứ yếu và là hậu quả của cảm tưởng phạm tội; chúng ta chịu sự kiềm tỏa của nó nhiều hơn chúng ta tưởng.

Chúng ta có thể giết hại kẻ thù mà không chút hối hận cũng như người bàn cổ, và chúng ta coi cái chết của kẻ thù là phi thường.

Tuy nhiên, ta khác với người bàn cổ về một điểm, thực tại cho biết rằng điểm ấy quyết định. Tiềm thức của chúng ta chỉ nghĩ đến cái chết, mong muốn kẻ thù chết mà không đem ra thực hiện. Chúng ta sẽ lầm lớn nếu chúng ta cho rằng thực tại tâm thần đó không đáng là bao so với thực tại có thật. Thực tại tâm thần đó cũng quan trọng lắm và có nhiều hậu quả. Trong tiềm thức của chúng ta, hàng ngày, hàng giờ, chúng ta giết bỏ tất cả những người xúc phạm đến ta, làm thương tổn đến ta. Chúng ta hay nói với giọng đùa cợt: “Trời đánh thánh vật nó!”, nói như vậy để che lấp sự bực mình. Nhưng điều chúng ta không nói thẳng ra chính là câu: “Chết đi cho rảnh!”, ta rủa họ như thế, tiềm thức của ta cho đó là cái gì có thực chứ không phải chuyện nói rỡn, tiềm thức có những cách cục mà lương tâm của chúng ta chối bỏ không chịu nhận. Tiềm thức của chúng ta muốn giết người cả vì những chi tiết nhỏ nhặt, nó cũng như luật Dracon của cổ Hy Lạp, chỉ biết có một tội chết chứ không biết áp dụng tội nào nhẹ hơn, làm như vậy có lý lắm chứ, vì mọi sự xúc phạm đến chúa tể trong thế giới của chúng ta, thực ra là đáng khép vào tội khi quân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.