Nghiên cứu phân tâm học

Phần thứ nhất: Vượt xa hơn nguyên tắc khoái lạc – 1. Nguyên tắc khoái lạc



Lý thuyết phân tâm học chấp nhận toàn thể rằng sự diễn biến của tiến trình tâm thần bị chi phối bởi nguyên tắc khoái lạc. Nói khác đi, nhân danh là tâm phân học gia, chúng tôi cho rằng mỗi khi có một áp lực khó chịu hay cực nhọc thì tiến trình tâm thần diễn biến cách nào để giảm bớt áp lực, nghĩa là biến đổi trạng thái khó chịu ra trạng thái dễ chịu. Nói như vậy là chúng tôi đưa vào việc nghiên cứu tiến trình tâm thần một quan điểm về sự điều động và tổ chức; trong sự mô tả các hiện tượng chúng tôi kể đến yếu tố điều động và tổ chức cũng như yếu tố thích xác và yếu tố năng động, sự mô tả ấy sẽ là sự mô tả đầy đủ nhất mà chúng tôi có thể đạt được hiện thời, sự mô tả đáng gọi là mô tả tâm lý siêu hình.

Chúng tôi không bận tâm nghĩ xem nguyên tắc khoái lạc có gần với hệ thống triết lý nào đã được thừa nhận hay không.

Chỉ nhân việc mô tả và cắt nghĩa những sự kiện hàng ngày quan sát được mà chúng tôi đi đến chỗ đề ra những giả thuyết dùng vào việc suy lý như vậy. Trong công việc phân tâm của chúng tôi, chúng tôi không có ý tìm sự ưu tiên hay sự độc đáo, vả chăng những lý lẽ để đưa ra nguyên tắc ấy có tính cách hiển nhiên đến nỗi chúng tôi không thể không chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thành thực tri ân những thuyết triết học hay tâm lý học giải thích một cách chính xác những cảm giác dễ chịu và khó chịu chi phối chúng ta như những mệnh lệnh nghiêm ngặt. Đây là lãnh vực tối tăm và khó thâm nhập nhất của hoạt động tâm thần, chúng ta không thể cưỡng lại sự thúc giục của nó được, bởi vậy cho nên chúng tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là chỉ nên đưa ra những giả thuyết càng có tính cách đại quát và đại loại càng hay. Bởi vậy cho nên chúng tôi phải xác định số lượng tinh lực (không liên kết) cần cho sinh hoạt tâm thần giữa khoảng cách của hai cảm giác dễ chịu và khó chịu, mặt khác chúng tôi cố tìm ra một vài liên lạc giữa hai cảm giác ấy trong khi chấp nhận rằng sự khoan khoái dễ chịu tương ứng với sự bội tăng số lượng tinh lực còn sự khó chịu tương ứng với sự thuyên giảm số lượng tinh lực. Những liên lạc ấy, chúng tôi không quan niệm dưới hình thức tương hệ cường độ cảm giác với những biến đổi xảy ra, chúng tôi cũng ít nghĩ rằng có một tỉ lệ trực tiếp trong mối tương hệ (vì mọi kinh nghiệm tâm thần sinh lý học của chúng tôi đều chống lại quan niệm ấy); có lẽ yếu tố quyết định của cảm giác là mức độ tăng hay giảm số lượng tinh lực trong một thời gian nhất định. Kinh nghiệm có thể đem lại nhiều dữ kiện để tìm hiểu, nhưng phân tâm học gia không thể bước vào những vấn đề ấy nếu không quan sát được những sự kiện chắc chắn và nhất định có thể hướng dẫn họ được.

Tuy nhiên, chúng tôi không thể không để ý đến ý kiến của một nhà bác học thâm trầm như G. Th. Fechner: ông quan niệm vấn đề “dễ chịu khó chịu” với những nét chính rất gần với những điều mà chúng tôi đã tìm ra nhân việc nghiên cứu phân tâm học của chúng tôi. Trong cuốn sách Einige Ideen zur Schöpfungs-und Entwicklungsgeschichte der Organismen (1873, thiên XI, phụ lục trang 94), ông trình bày quan niệm của ông như sau:

“Vì những xung động (impulsion) ý thức được đều kèm theo cảm giác dễ chịu hay khó chịu, chúng tôi có thể chấp nhận rằng cũng có những liên lạc tâm-thần-thể-chất giữa hai sự kiện: một đằng là cảm giác dễ chịu và khó chịu, đằng kia là những trạng thái ổn cố và bất ổn; chúng tôi có thể căn cứ vào những liên lạc ấy để củng cố giả thuyết của chúng tôi (trình bày ở nơi khác) đại ý như sau: một chuyển động tâm-thần-thể-chất vượt khỏi ngưỡng cửa vào ý thức sẽ kèm theo sự dễ chịu nếu nó tiến gần đến tình trạng ổn cố hoàn toàn và đã vượt quá một giới hạn nào đó; chuyển động ấy sẽ kèm theo sự khó chịu nếu nó tiến gần tới tình trạng bất ổn hoàn toàn và cũng vượt quá một giới hạn nào đó giữa hai giới hạn đó là một khu vực vô cảm giác, chỉ có hai điểm giới hạn đó đáng coi là có phẩm chất dễ chịu và khó chịu…”

Những sự kiện khiến cho chúng tôi gán cho nguyên tắc khoan khoái (dễ chịu) vai trò chính trong đời sống tâm thần đều xuất phát từ một giả thuyết theo đó bộ máy tâm thần cố gắng giữ cho những khích động ở một mức độ càng thấp càng hay, hay ít ra ở một mức độ càng ổn cố càng hay. Đó là nguyên tắc khoái lạc trình bày hơi khác một chút, bởi vì, nếu bộ máy tâm thần ráng giữ số lượng kích thích ở một mức độ càng thấp càng hay, thì tất cả cái gì có thể tăng gia số lượng kích thích ấy chỉ có thể coi là yếu tố cản trở, nghĩa là cảm thấy như một cảm giác khó chịu. Như vậy thì nguyên tắc khoái lạc cũng do nguyên tắc giữ nguyên tình trạng (principe de constance) mà suy ra; thực ra nguyên tắc giữ nguyên tình trạng cũng xuất hiện với chúng tôi khi chúng tôi quan sát những sự kiện bắt buộc chúng tôi phải chấp nhận nguyên tắc khoái lạc. Sự thảo luận sau này sẽ minh thị rằng khuynh hướng của bộ máy tâm thần nói đến ở đây đại diện cho một trường hợp đặc biệt của nguyên tắc do Fechner tìm ra, đó là khuynh hướng trở lại tình trạng ổn cố, ông đã xếp những cảm giác khoan khoái và khó chịu vào khuynh hướng ấy.

Nhưng nói đến vai trò nổi bật của nguyên tắc khoan khoái trong sự diễn biến của tiến trình tâm thần có đúng không đã? Nếu đúng thì phần lớn những tiến trình tâm thần của chúng ta phải kèm theo sự khoan khoái, hay dắt đến sự khoan khoái, nhưng khốn thay, phần lớn những kinh nghiệm của chúng tôi đều mâu thuẫn rõ rệt với kết luận ấy. Bởi vậy cho nên chúng tôi buộc lòng phải chấp nhận rằng có một khuynh hướng mạnh mẽ mật thiết với linh hồn và hoạt động theo nguyên tắc khoan khoái, nhưng có nhiều mãnh lực và điều kiện khác chống đối lại khuynh hướng ấy, thậm chí kết quả chung cục có thể không phù hợp với nguyên tắc khoan khoái. Về vấn đề này Fechner có nói: “Nhưng khuynh hướng đạt tới đích không có nghĩa là bao giờ cũng thực hiện được mục đích, nói chung thì chỉ có thể thực hiện gần được mà thôi.” Khi tìm hiểu xem những điều kiện nào có thể ngăn cản sự thực hiện nguyên tắc khoan khoái, chúng tôi làm việc trong một lãnh vực chắc chắn và quen thuộc, chúng tôi có thể dùng đến những kinh nghiệm phân tâm của chúng tôi.

Chúng tôi đã biết từ lâu rằng trở lực thứ nhất cho nguyên tắc khoan khoái là trở lực bình thường và thường có. Chúng tôi biết rằng bộ máy tâm thần theo sự cấu tạo của nó, tự nhiên tìm cách vâng theo nguyên tắc khoan khoái, nhưng vì gặp phải những khó khăn nguồn gốc ở ngoại giới, nó không thể ngang nhiên tự xác định bất cứ lúc nào, làm như thế còn nguy hiểm cho sự bảo tồn thân thể con người. Dưới ảnh hưởng của bản năng bảo tồn cái Tôi, nguyên tắc khoan khoái phải lánh mặt và nhường chỗ cho nguyên tắc thực tại (principe de réalité), theo nguyên tắc ấy chúng ta vẫn giữ mục tiêu tối hậu là sự khoan khoái nhưng bằng lòng hoãn lại một thời gian, không thực hiện ngay, không lợi dụng cơ hội thuận tiện nào đó để hối hả thực hiện, chúng ta còn có thể chịu đựng sự khó khăn nhất thời để đi một đường lối vòng vèo khác khá dài mới tới đích. Tuy nhiên, những xung động dục tính khó “giáo hóa” hơn, trong một thời gian lâu chúng vẫn chỉ nghe theo nguyên tắc khoan khoái; nguyên tắc khoan khoái thường khi chỉ hoạt động trong phạm vi sinh hoạt dục giới hay trong phạm vi cái Tôi, thành thử nó thắng hẳn nguyên tắc thực tại, điều đó tai hại cho toàn diện thân thể con người.

Tuy nhiên chúng ta không thể chối cãi được rằng thay thế nguyên tắc khoan khoái bằng nguyên tắc thực tại chỉ cắt nghĩa được một phần rất nhỏ những cảm giác khó chịu và chỉ những cảm giác khó chịu và chỉ những cảm giác khó chịu không mãnh liệt lắm. Một nguồn gốc khác của những cảm giác khó chịu và nhọc nhằn là sự xung động và chia rẽ xảy ra trong đời sống tâm thần vào thời kỳ cái tôi tiến triển đến những tổ chức tâm thần cao trọng và nhất trí hơn. Người ta có thể nói rằng hầu hết tinh lực của bộ máy tâm thần là do những xung động (impulsion) cố hữu từ tiên thiên của bộ máy ấy, nhưng những xung động ấy không đạt tới trình độ tiến triển ngang nhau. Có thể rằng trên đường tiến triển, một vài xung động hay một vài khía cạnh của một vài xung động khác về cứu cánh và khuynh hướng, nghĩa là không thích hợp với những xung động mà sự tổng hợp làm thành nhân tính toàn vẹn, hoàn tất. Những khuynh hướng không thích hợp ấy bị loại trừ và dồn nén lại, không được tham dự vào việc tổng hợp nhân tính; chúng bị giữ lại ở một mức độ phát triển thấp của tâm thần, và vì thế không thể nào được thỏa mãn. Nhưng cũng có khi chúng tìm được sự thỏa mãn hoặc trực tiếp, hoặc bằng cái gì khác thay thế; sự thay thế ấy trở thành nguồn gốc những cảm giác khó chịu cho thân thể con người, đáng ra, trong những trường hợp khác, sự thay thế có thể là nguồn gốc những cảm giác khoan khoái. Sau những cuộc xung động gây ra sự dồn nén, nguyên tắc khoan khoái lại tìm cách củng cố địa vị bằng những đường lối quanh co, trong khi ấy một vài xung động khác vì có lợi cũng hùa vào giúp cho nó thắng thế, chúng tìm cách thu hút lấy càng nhiều khoan khoái càng hay. Người ta chưa hiểu hết hay chưa có thể mô tả sáng sủa những chi tiết của tiến trình theo đó sự dồn nén biến đổi một sự kiện có thể đem lại khoan khoái thành một sự kiện gây ra khó chịu, nhưng người ta có thể chắc chắn rằng mọi cảm giác khó chịu có bản chất suy nhược thần kinh xét cho cùng chỉ là một sự khoan khoái mà không được người suy nhược cảm thấy là khoan khoái.

Chúng ta chưa tìm hiểu hết nguồn gốc của phần lớn những kinh nghiệm tâm thần khoan khoái hay khó chịu, nhưng nếu tìm thấy những nguồn gốc khác, chúng tôi cũng có thể nào điều đó không phương hại đến ưu thế của nguyên tắc khoan khoái, quan điểm của chúng tôi không phải là không có phần nào hữu lý. Quả vậy, phần lớn những cảm giác khó chịu của chúng ta đều gây ra bởi áp lực của những xung động không được thỏa mãn, hay bởi những yếu tố ở ngoài; những yếu tố ở ngoài khi thì khơi động những cảm giác khó chịu, khi thì làm nổi lên những cảm tưởng chờ đợi day dứt, những cảm tưởng “nguy hiểm” trong bộ máy tâm thần của chúng ta. Phản ứng chống lại những xung động vì không được thỏa mãn mà gây áp lực và những đe dọa nguy hiểm đó là phản ứng biểu lộ sự hoạt động riêng của bộ máy tâm thần; phản ứng đó xảy ra vì ảnh hưởng của nguyên tắc khoan khoái nguyên vẹn hay biến đổi vì nguyên tắc thực tại. Có lẽ không cần phải đặt một giới hạn mới cho nguyên tắc khoan khoái, tuy nhiên, xét nghiệm cơ quan tâm thần phản ứng trước những nguy hiểm gây ra bởi thế giới bên ngoài, chúng ta thâu lượm được những tài liệu mới và nghĩ đến những cách khác để đặt câu hỏi thích hợp với vấn đề của chúng ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.