Nghiên cứu phân tâm học

Phần thứ tư: Quan điểm về chiến tranh và tử vong – 1. Chiến tranh và những thất bại của chiến tranh



Chúng ta bị lôi cuốn vào cơn gió lốc của thời đại chiến tranh này[1], chúng ta không có tin tức đầy đủ, chúng ta không thể lùi ra để phán đoán những sự thay đổi đã thành tựu hay sẽ thành tựu, chúng ta không thể ức đoán được tương lai đang thành hình, bởi thế cho nên chúng ta không thể hiểu được những cảm tưởng vấn vít lấy chúng ta và cũng không thể hiểu được giá trị những sự phán đoán của chúng ta. Hầu như xưa nay chưa từng có một biến cố nào phá hủy nhiều gia tài quý báu chung của nhân loại như thế, chưa từng có một biến cố nào gây hỗn loạn cho những thông minh sáng suốt, hạ thấp những cái gì cao cả đến như thế.

[1] Tác giả viết trong thời Đệ nhất Thế chiến.

Khoa học cũng mất cả đức tính vô tư đôn hậu của nó. Người phụng sự khoa học cũng phải nao núng đến tột bực, họ đành phải mượn khí giới khoa học để có thể chống lại kẻ thù. Khoa nhân loại học tìm cách chứng mình rằng kẻ thù là một giống người hèn kém và thoái hóa; thầy thuốc tinh thần bệnh học tìm ra những thác loạn trí tuệ và tâm thần của kẻ thù. Có lẽ chúng ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cái gì xấu xa nhất trong thời đại của chúng ta khiến cho chúng ta không biết đem so sánh với những thời đại khác mà chúng ta không sống mà chúng ta cũng không phải chịu thống khổ.

Con người không phải là người lính trận, không phải là một bánh xe trong guồng máy chiến tranh vĩ đại, bởi vậy họ bị mất hướng, họ bị thiên lệch, họ bị sút kém mọi khả năng. Bởi vậy họ sẵn lòng chấp nhận sự chỉ bảo giúp họ phần nào để họ suy tính và rung cảm. Trong số những yếu tố có thể cho là nguyên do sự nghèo nàn tâm thần của người ở hậu phương, chúng tôi đề nghị đưa ra hai yếu tố để thảo luận: sự thất vọng tạo ra bởi chiến tranh – và thái độ mới đối với cái chết, tạo ra bởi sự thất vọng mỗi khi có chiến tranh.

Khi tôi nói đến thất vọng, chắc hẳn bạn đọc cũng đoán ra tôi muốn hiểu sự thất vọng như thế nào. Không cần phải là một cao đồ của tình thương, không cần phủ nhận sự cần thiết sinh vật và tâm lý của sự đau đớn trong đời sống con người, chúng ta cũng muốn lên án chiến tranh, lên án mục phiêu và phương tiện của chiến tranh, chúng ta mong muốn chấm dứt chiến tranh. Người ta có thể nghĩ rằng không thể trừ bỏ được chiến tranh nếu các dân tộc còn sống trong những điều kiện khác biệt nhau, nếu những tiêu chuẩn xét định giá trị còn khác biệt nhau, nếu hận thù còn chia rẽ con người và những sức mạnh tâm thần mãnh liệt sâu xa còn nuôi dưỡng hận thù. Người ta đã quen nghĩ rằng trong nhiều năm nữa còn có chiến tranh giữa các dân tộc lạc hậu và các dân tộc văn minh, giữa các chủng tộc khác màu da, có thể giữa những dân tộc thiểu số ở Âu châu còn chậm tiến hay thoái hóa. Các đại cường quốc trên hoàn vũ người da trắng có sứ mạng dẫn dắt nhân loại trên bước tiến, họ có quyền lợi rải rác khắp thế giới, họ đã tiến bộ về kỹ thuật để làm chủ được thiên nhiên và họ có những giá trị nghệ thuật khoa học tốt đẹp, chúng ta có thể hy vọng rằng ít ra những quốc gia ấy tìm ra được những phương thế khác để giải quyết mâu thuẫn và xung đột quyền lợi, ngõ hầu tránh được chiến tranh tàn khốc. Quốc gia nào cũng có những tiêu chuẩn đạo đức cao trọng, người người phải tôn trọng nếu muốn hưởng hạnh phúc của nền văn minh. Kỷ cương trong một quốc gia thường rất nghiêm ngặt và đòi hỏi nhiều ở con người: phải có nhiều cố gắng hạn chế và tiết chế, phải từ bỏ sự thỏa mãn nhiều bản năng. Trong sự cạnh tranh người ta không được dùng đối trá và xảo quyệt để kiếm những số lời phi thường. Chính quyền được lành mạnh và ổn cố cũng nhờ sự tôn trọng quy phạm đạo đức, người ta nghiêm cấm sự vi phạm, và người ta cũng không tha thứ được ai muốn lấy lý trí mà phê phán. Như vậy chúng ta phải giả thiết rằng chính quyền nhất định tôn trọng quy phạm đạo đức, không muốn làm gì phạm đến nó vì người ta sẽ phạm đến nền tảng của chính quyền. Sau hết, người ta có thể chấp nhận rằng những chủng tộc thiểu số sống trong những quốc gia lớn tuy không ăn ở xấu xa với ai, cũng không được quyền tham dự vào cộng đồng quốc gia hay chỉ được người ta miễn cưỡng mà cho tham dự, tuy rằng chủng tộc thiểu số rỏ ra có năng lực để tham gia tích cực vào hoạt động quốc gia. Người ta nghĩ rằng những khối dân tộc lớn đã có đủ ý thức về cái gì chia rẽ họ, bởi vậy họ không đến nỗi lầm lẫn người ngoại chủng với kẻ thù như thời cổ.

Vì tin tưởng sự đoàn kết của các dân tộc văn minh cho nên nhiều người đã bỏ tổ quốc sang sống ở nước ngoài, cuộc sống của họ liên hệ tới mối giao hảo giữa các dân tộc bạn. Còn như những người không bị nhu cầu cuộc sống bắt buộc phải ở một nơi, họ có thể hưởng được thú vui và lợi ích của nhiều nước văn minh, họ có một ý niệm tổ quốc rộng rãi và có thể đi lại nhiều nơi không gặp trở ngại và không bị ngờ vực. Họ có thể thưởng thức vẻ đẹp của biển xanh lam, vẻ đẹp của non cao tuyết phủ và của đồng ruộng anh tươi, vẻ đẹp của rừng phương bắc và rừng phương nam, họ có thể rung cảm trước những cảnh huy hoàng di tích lịch sử hay trước vẻ tịch mạc của thiên nhiên chưa có dấu vết con người. Tổ quốc mới của họ đồng thời cũng là một viện bảo tàng tích trữ những kho tàng của nền văn minh lưu truyền lại cho thế hệ sau. Qua những căn phòng bảo tàng việc họ có thể nhận thấy anh em bốn bể năm châu đã thực hiện được những công trình toàn thiện có sắc thái xa lạ, họ đã đạt được vẻ toàn thiện ấy nhờ ảnh hưởng của dòng máu pha trộn trải qua lịch sử, của tinh hoa tú khí đất nước của họ. Nơi này là nghị lực lạnh lùng bất khuất đạt tới mức hùng dũng cao siêu, nơi kia là nghệ thuật tuyệt vời đem lại cho đời sống một vẻ mỹ lệ, nơi khác nữa ý thức trật tự, pháp luật và kỹ thuật đã đưa con người lên làm chủ được thiên nhiên.

Ngoài ra chúng ta không nên quên rằng người của xã hội văn minh nào cũng tự tạo cho mình một tập thơ “Parnasse”, một phong độ Anthènes. Trong số những đại tư tưởng gia, thi sĩ, nghệ sĩ đủ mọi quốc gia, họ lựa những người đã luyện cho họ phong độ thanh cao, những người đã mở tầm kiến thức cho họ để họ tìm những phút tiêu dao, họ sẽ xếp những danh nhân ấy và hàng thi bá danh hào của tổ quốc họ. Danh nhân thế giới không vì khác ngôn ngữ mà xa lạ với họ, họ cảm phục một danh nhân nước ngoài, một người thăm dò những mê say sùng sục trong lòng người, một người mơ mộng say sưa những vẻ đẹp thanh tao, một người tiên tri tiên đoán thuần những chuyện khủng khiếp động trời, một người châm biếm nét trí khôn có thừa, họ mến phục những tinh hoa của nhân loại không phải vì họ là người mất gốc không nghĩ đến tổ quốc không nghĩ đến tiếng mẹ đẻ thân yêu của họ.

Thỉnh thoảng người thưởng thức gia tài chung của nhân loại vẫn phải áy náy vì tiếng bấc tiếng chì cảnh cáo họ rằng nhân loại còn cách biệt nhau về phong tục tập quán, chiến tranh vẫn còn có thể xảy ra. Người ta không muốn tin như vậy, nhưng nếu vạn nhất chiến tranh không thể tránh được thì chúng tôi thử hỏi nó sẽ như thế nào? Đây là dịp để biểu lộ sự tiến bộ của tình liên đới nhân loại, từ thuở người Hy Lạp đã biết ra lệnh nghiêm cấm không cho phá hoại một thành phố ở nơi chiến trường, chặt cây và phá đường dẫn thủy vào thành phố. Một cuộc chiến tranh như thế là một cuộc so tài thư hùng của hai phe, hết sức tránh tàn phá và thống khổ cho dân chúng và nương tay cho người thua trận, đoàn cứu thương sẽ trông nom săn sóc họ. Người ta không làm gì phương hại đến dân chúng không tham dự vào chiến tranh, đến đàn bà không biết cầm súng, đến con nít, vì sau này con nít đến tuổi trưởng thành sẽ trở thành bạn hữu và người cộng tác với phe bên kia. Cũng nên nói thêm rằng những xí nghiệp và định chế liên quốc gia đã lập ra trong thời bình phải được duy trì và bảo vệ.

Một trận chiến tranh như thế cũng còn khốc hại và ác liệt, nhưng nó không làm gián đoạn sự tiến triển những dây liên lạc tinh thần giữa các dân tộc.

Chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng chiến tranh xảy ra để làm cho chúng ta thất vọng. Không những ngày nay chiến tranh ác liệt điêu tàn hơn bất cứ cuộc chiến nào trong quá khứ vì khí giới công kích và tự vệ tinh vi hơn trước, mà chiến tranh còn khốc liệt tàn bạo cũng bằng nếu không hơn bất cứ một cuộc chiến tranh nào. Chiến tranh không còn kể gì đến quyền tư nhân; không kiêng nể kẻ bị thương và thầy thuốc, không phân biệt phần tử chiến đấu và phần tử không tham dự vào chiến tranh, chiến tranh xúc phạm đến quyền tư hữu. Chiến tranh đảo lộn tất cả vì điên dại mù quáng, các lãnh tụ làm như là không có tương lai, không có hòa bình nữa. Họ phá hủy tất cả những liên lạc cộng đồng giữa các dân tộc giao tranh và có thể để lại sự căm thù hiềm khích khiến cho khó lòng mà lập lại mối liên lạc trong nhiều năm về sau.

Chiến tranh còn cho ta biết rằng các dân tộc văn minh hiểu nhau quá ít, họ căm thù và ghê tởm nhau chỉ vì hai nước có chiến tranh. Một dân tộc văn minh bị người ta ghét bỏ và gán cho danh từ dã man, bị loại khỏi cộng đồng văn minh, tuy rằng dân tộc ấy quan trọng nhất vào nền văn minh. Chúng tôi hy vọng rằng một sử gia vô tư sẽ chứng minh rằng đó là một dân tộc cũng nói một ngôn ngữ như chúng ta, cũng ở trong hàng ngũ những người thân yêu của chúng ta, những người ít vi phạm đạo đức của con người. Nhưng ở thời buổi này ai là người dám tự mình phán đoán giá trị của mình?

Nhà nước đại diện cho nhân dân, chính phủ đại diện cho nhà nước. Một công dân phải lấy làm ghê rợn mà nhận thấy trong lúc chiến tranh cái gì họ linh cảm được lờ mờ trong thời bình đã trở thành sự thực: nhà nước nghiêm cấm cá nhân dùng đến sự bất công không phải vì nhà nước muốn loại bỏ sự bất công, mà vì nhà nước muốn độc quyền việc sử dụng phương tiện bất công, cũng như nhà nước độc quyền muối và thuốc lá. Trong thời chiến nhà nước tự cho phép mình làm đủ mọi việc bất công, đủ mọi điều hung ác mà nếu là hành động của tư nhân thì đã làm mất phẩm giá con người. Đối với kẻ thù, không những người ta dùng đến xảo quyệt mà còn dùng đến vu cáo gian manh cố ý, người ta lạm dụng đến độ chưa từng thấy có trong các trận chiến tranh thời trước. Nhà nước bắt người dân vâng lời tuyệt đối và hy sinh quá mức, coi người dân như vị thành niên, che giấu sự thật, kiểm duyệt thông tin và dư luận khiến cho dân chúng tinh thần xuống thấp, không sao đối phó được với hoàn cảnh bất lợi. Nhà nước từ khước mọi thỏa ước và hiệp định ký kết với những quốc gia khác, thú nhận lòng tham vô bờ, khát vọng quyền thế không chút ngại ngùng; tư nhân vì lòng ái quốc phải tán thành vô điều kiện.

Nhà nước phải dùng đến sự bất công, vì nếu không dùng đến sẽ bị dồn vào thế hèn kém. Tôn trọng đạo đức, không dùng đến hành vi độc ác bạo hành thì thật là bất lợi cho cá nhân cũng như cho nhà nước. Nhà nước cũng ít khi đền bù cho công dân đã hy sinh tuy bắt buộc họ phải hy sinh. Ngoài ra, chúng ta không nên lấy làm lạ rằng các quốc gia lâm chiến đã không tôn trọng đạo đức thì đạo đức của tư nhân cũng không tránh được ảnh hưởng ấy; bởi vì lương tâm của chúng ta không phải là một vị quan tòa liêm chính như các nhà đạo đức vẫn nói, lương tâm, theo nguồn gốc của nó, chỉ là một thứ “lo ngại có tính cách xã hội” chứ không có gì hơn. Khi mà thiếu sự khiển trách của cộng đồng thì bản năng được thả lòng, con người có thể làm đủ mọi hành vi độc ác gian giảo, phản bội và tàn nhẫn, nếu xét đến trình độ văn hóa của họ thì không ai ngờ họ có thể như thế được.

Chính vì vậy mà người công dân của thế giới văn minh trên kia đã nói rằng bỗng thấy mình lạc lõng giữa cuộc đời, giữa những điêu tàn của tổ quốc, giữa sự hủy hoại những gia tài chung của nhân loại, giữa sự nhục mạ con người.

Tuy nhiên chúng ta phải tĩnh tâm mà suy xét. Con người vẫn theo đuổi ảo tưởng. Ảo tưởng cũng có cái hay là che lấp nỗi khổ tâm và làm cho con người cảm thấy thỏa mãn. Nhưng sẽ có ngày ảo tưởng đụng chạm đến thực tại, tốt hơn hết là đợi cho ảo tưởng bị thiêu hủy không nên kêu ca oán thán.

Trong trận chiến tranh này, có hai nguyên nhân làm cho chúng ta thất vọng: các quốc gia lâm chiến không tôn trọng đạo đức để đối xử với nhau, trong khi ấy thì trong quốc nội cá nhân tự cho mình là người bảo vệ đạo đức; nguyên nhân thứ hai là sự tàn nhẫn mà không ai ngờ những người đại diện cho trình độ văn minh cao lại có thể làm được.

Chúng ta hãy xét đến nguyên nhân thứ hai và tìm cách diễn tả sự trạng dưới hình thức sáng sủa và vắn tắt. Người ta đã căn cứ vào đâu mà nói rằng con người có thể tiến lên một trình độ đạo đức cao? Câu trả lời thứ nhất như sau: nhân chi sơ tính bản thiện. Nhưng đó là một cách trả lời vô giá trị, chúng tôi không muốn bàn đến ở đây. Cách trả lời thứ hai là chấp nhận rằng có một sự tiến hóa, dưới ảnh hưởng của nền giáo dục và bầu không khí văn minh xu hướng xấu dần dần sẽ biến mất và sẽ nhường chỗ cho những xu hướng tốt. Nhưng nếu quả như vậy thì tại sao chúng ta vẫn thấy những xu hướng xấu bùng ra mạnh mẽ mặc dù có ảnh hưởng của sự giáo dục và của không khí văn minh?

Như vậy chúng ta không thể chấp nhận được cách trả lời thứ hai. Thực ra những xu hướng xấu không biến đâu mất, không bao giờ bị đánh bật rễ. Trái lại, những cuộc tìm tòi tâm lý học, nhất là phân tâm học đã minh thị phần thâm sâu nhất, mật thiết nhất của người chồng chỉ gồm những xu hướng tối sơ y như nhau trong bất cứ người nào và hướng về sự thỏa mãn những nhu cầu nguyên thủy. Tự nó, xu hướng ấy không tốt mà cũng không xấu. Chúng tôi xếp loại những xu hướng ấy và những phát hiện của chúng vào loại tốt hay loại xấu, căn cứ vào tiêu chuẩn sau đây: chúng có xúc phạm đến tập thể cộng đồng hay không? Những xu hướng bị xã hội cho là xấu và bài trừ như ích kỷ và độc ác đều thuộc về xu hướng nguyên thủy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.