Ngụ Ngôn Thời Hiện Đại - Cẩm Nang Xử Thế

LỜI GIỚI THIỆU



Yêu thương bản thân là nền tảng thúc đẩy sự trưởng thành của cá nhân và xã hội. Đây không phải là sự yêu mình thái quá mà là tự nhận thức được bản thân, khả năng và những gì mình có được. Người yêu thương bản thân luôn cảm thấy dễ chịu, thoải mái với lòng tự tin, có trách nhiệm đối với những hành động của mình. Yêu thương bản thân bao gồm việc xem xét lại những ý tưởng tiêu cực để nhận thức rõ về mình, từ đó có thể chọn những giải pháp tích cực và cách hành xử thích hợp.



Chúng ta thường dễ dàng học tập qua chuyện ngụ ngôn, vì chúng đơn giản, tự nhiên và gây ấn tượng dễ ghi nhớ. Nụ cười giúp ta thư giãn và giảm bớt những lời tự biện hộ để có thể lắng nghe và thấu hiểu. Những nhân vật trong sách truyện này rất đáng yêu và khôi hài chứng minh được những nguyên tắc cơ bản về lòng yêu thương bản thân và sự trưởng thành.



Hãy thực hiện từng bước một để tiến đến mục đích và hãy để những người lạc quan, biết yêu thương vây quanh, khích lệ mình.



Những người yêu thương bản thân thường:



1. Duy trì sự bình yên trong tâm hồn.



2. Nói “không” và tha thứ khi cần thiết.



3. Bày tỏ sự xúc động nhưng không để những xúc động đó điều khiển mình.



4. Luôn có một mục đích sống.



5. Thực hiện mạo hiểm ngay cả khi họ sợ hãi.



6. Đưa ra lời khuyên nhỏ và hỏi: “Bạn sẽ làm gì với điều đó?”.



7. Thực tập những phương pháp biết chia sẻ trách nhiệm cho người khác.



8. Thực hiện những lựa chọn tích cực bằng hành động trực tiếp, đưa bản thân vượt ra khỏi tình trạng yếu đuối.



9. Giữ sự linh hoạt, mềm dẻo.



10. Đối diện với khó khăn hơn là né tránh hoặc đi vòng quanh chúng.



11. Đề ra những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn.



12. Giữ mối quan hệ gắn bó về tinh thần với những người có lối sống, tâm hồn lành mạnh.



Những người không yêu thương bản thân thường:



1. “Chậm chạp, lề mề” đến nỗi người khác sẽ phải đưa ra quyết định thay cho họ.



2. Nói “đồng ý” chỉ để làm vui lòng mọi người những lúc họ thật sự muốn trả lời “không”.



3. Kiềm nén sự giận dữ hoặc biểu lộ sự giận dữ theo những cách không thích hợp.



4. Cho phép những người khác lôi kéo mình vào điều sai quấy.



5. Chỉ làm những điều mà họ cảm thấy dễ chịu.



6. Cô lập bản thân.



7. Tin vào những điều bên ngoài như: vẻ bề ngoài đẹp, nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội để cảm thấy hài lòng về bản thân.



8. Không tìm ra sự lựa chọn về những gì họ nghĩ, cảm thấy và thực hiện.



9. Muốn đổ lỗi, thay vì nói: “Mọi người đều có sai lầm. Bạn có thể học được gì từ chúng?”



10. Nghĩ rằng cuộc đời luôn công bằng.



11. Luôn phản ứng lại và nhiều lần tự nhận thấy mình là nạn nhân.



12. Cho rằng mình bị xúc phạm.



Nhằm giải thích một cách rõ ràng hơn về cách để nhận ra những cư xử không đúng và thay đổi chúng thành những hành động có lợi cho bản thân, chúng tôi đã sử dụng những hình ảnh tượng trưng mang tính văn học của truyện ngụ ngôn. Hãy cùng quay lại những câu chuyện tưởng tượng yêu thích thời thơ ấu được viết qua cái nhìn của người lớn để sẵn sàng học khái niệm quan trọng của tự yêu thương mình.



Chúc ngon giấc!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.