Nhà Quản Lý Tức Thì

31. Các cam kết



Chúng ta sẽ cùng thất bại hoặc thành công. Nếu chúng tôi thất bại thì cũng không ai là người chiến thắng.

— BRENDA LAVIGNE, Nhà quản lý nhân lực Công ty Da Custom Canada

Một dự án, một nhóm hay một phòng ban sẽ đứng vững hoặc bị thất bại phụ thuộc vào việc các thành viên có cam kết cho những thành công của nó hay không. Với tư cách là một nhà quản lý, thử thách của bạn chính là có được sự cam kết đó, không phải chỉ của riêng một người mà là của toàn bộ nhóm, hoặc thường là từ toàn thể phòng ban. Đây là những cách bạn có thể đạt được điều này:

Hãy chuẩn bị sẵn sàng. Đặt ra những kỳ vọng cụ thể đối với từng bước của một dự án. Nếu như bạn không biết được bạn mong muốn những thành viên trong nhóm của mình cam kết cái gì thì họ sẽ không thể thực hiện được điều này.

Hãy rõ ràng. Bạn có được hàng loạt những lý lẽ và dữ liệu thực tế có sức thuyết phục mà bạn đã sử dụng để đề ra dự án này – bây giờ bạn hãy áp dụng chúng đối với nhóm của mình.

Hãy có khả năng thuyết phục đối với những “vấn đề nhàm chán”. Vấn đề ngân sách và thời hạn bản thân chúng không thể kích thích được trí tưởng tượng của bất kỳ ai, nhưng nếu gắn kết chúng vào cùng với cách nhìn nhận tổng thể về dự án sẽ khiến những yếu tố đó trở lên lôi cuốn, hấp dẫn, giúp các nhân viên của bạn quan tâm tới việc tiến hành dự án theo đúng tiến độ và trong phạm vi ngân sách đã đề ra.

Hãy cởi mở. Khuyến khích nhóm của bạn nắm vững những vấn đề mà họ đang quan tâm, công khai cởi mở nêu ra những khi bạn đề cập chúng.

• Hãy linh hoạt. Nếu ai đó đưa ra được một quan điểm tốt mà bạn không hiểu vì sao lại bỏ qua, hãy cảm ơn họ, tiếp nhận ý kiến đó và đưa ra xác nhận của bạn về điều này. Điều này sẽ mang lại cho các đồng nghiệp của bạn cảm giác của người chủ sở hữu dự án.

Hãy cẩn thận. Chia dự án ra thành nhiều phần và đặt ra hàng loạt các mục tiêu, yêu cầu và thời hạn cuối cùng cho mỗi phần. Hãy thảo luận bàn bạc và thông qua từng bước một.

Hãy tỏ ra mẫn cảm. Nếu như phòng họp bỗng chốc trở nên im phăng phắc, bạn đã hoặc không hiểu được nhóm của mình hoặc có điều gì đó không được giải thích rõ ràng. Hãy sử dụng đến khiếu hài hước để khiến cho bầu không khí trở nên thoải mái hơn và tìm ra vấn đề rắc rối là ở chỗ nào. Nếu bạn tạo ra được một bầu không khí dễ chịu, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái khi đưa ra các ý kiến phản đối hay đề xuất, giúp cho tinh thần tham gia trở nên sôi nổi hơn khi những vấn đề nêu ra được đề cập hay đưa ra để giải quyết.

Thể hiện tính chính xác. Giúp cho mọi người nhanh chóng hiểu được nội dung đưa ra. Hãy làm cho nó trở nên càng dễ hiểu càng tốt, không đưa vào đó những thông tin không liên quan hay không phù hợp.

Thực hiện những công việc tiếp theo. Đánh máy biên bản họp, bổ sung và xác nhận các yêu cầu và sơ đồ công việc, có được sự cam kết của từng cá nhân đối với những nhiệm vụ cụ thể và thông báo kết quả. Dán một bản sao lên bảng thông tin của nhóm để mọi thành viên trong nhóm đều có thể tham khảo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.