Nhà Quản Lý Tức Thì

49. Tạo động lực làm việc



Ai cũng có khả năng làm nhiều hơn những điều họ nghĩ họ có thể làm.

— HENRY FORD (1863 -1947), nhà sản xuất xe hơi Hoa Kỳ

Tạo động cơ là kỹ năng khiến nhân viên của bạn làm việc tốt hơn mức bình thường. Nhưng bạn không thể tạo động cơ cho người khác: chính họ cần tự tạo động cơ cho mình. Điều bạn có thể làm là tạo nên bầu không khí thuận lợi cho điều đó.

Hãy chờ đợi điều tốt nhất từ nhân viên của bạn. Cách cư xử của bạn sẽ phản ánh lòng tin của bạn. Bạn không nên giám sát quá kỹ lưỡng. Bạn cần tin tưởng họ. Bạn cần ủy thác trách nhiệm.

Hãy đối xử với nhân viên của bạn như những người trưởng thành. Người trưởng thành cần được tôn trọng và lắng nghe. Người trưởng thành được phép ra quyết định mà không liên tục bị đánh giá hoặc phê bình. Thông tin quan trọng được tin tưởng chia sẻ với người trưởng thành.

Hãy đối xử với nhân viên của bạn như với khách hàng. Thường xuyên hỏi ý kiến đóng góp của họ về cách làm việc của bạn. Hãy lắng nghe những nhận xét của họ và có những hành động cải tiến bản thân.

Hãy ghi nhận người khác khi họ làm tốt công việc. Ai cũng thích được làm cho cảm thấy đặc biệt. Sự tự tin của họ sẽ lớn lên. Họ cũng sẽ sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ ngày càng hóc búa hơn.

Đề ra mục đích với, chứ không phải cho, nhân viên của bạn. Hãy kéo họ vào việc xác định những mục đích theo nguyên tắc SMART

– Specific: cụ thể

Measurable: đo được

Agreed -upon: có được sự đồng thuận

Realistic: thực tế

Time -based: căn cứ theo thời gian.

Sự tham gia dẫn đến sự cam kết. Sự cam kết dẫn đến thành tích. Thành tích cho phép bạn ghi nhận và khen thưởng.

Thường xuyên đưa ra nhận xét góp ý cho các nhân viên của bạn (xem Nhận xét và góp ý, trang 242). Đừng đợi đến lúc đánh giá cung cách làm việc hàng quý.

Hãy tin tưởng nhân viên của mình. Cho phép họ ra quyết định mà không bị theo dõi gắt gao. Ngoài ra, cũng cho phép họ phạm lỗi và học từ những sai lầm này qua việc sửa lại vấn đề.

Đừng lởn vởn xung quanh nhân viên của bạn. Điều này sẽ khiến họ căng thẳng và làm giảm sự tự tin của họ.

Hãy đối xử với nhân viên của bạn như con người chứ không phải là một cái máy. Hãy bày tỏ sự quan tâm đến họ. Tìm hiểu về các hoạt động ngoài giờ làm việc, sở thích và gia đình. Tìm điểm chung của các bạn và sử dụng nó làm để thiết lập quan hệ.

Hãy thường xuyên gặp nhân viên của bạn để xem xét:

Bạn là người huấn luyện như thế nào

Họ cần điều gì để làm việc tốt hơn

Sự thay đổi nào sẽ giúp họ làm việc tốt và dễ hơn

– Họ thích điều gì nhất, không thích điều gì nhất

Điều gì họ làm tốt nhất, điều gì làm tệ nhất

Trật tự ưu tiên trong công việc của họ là gì.

Cho phép họ ra quyết định tại lĩnh vực công việc của mình, để gia tăng lòng tự tin của họ và cho họ cảm giác được sở hữu.

Huấn luyện những người muốn có nhiều trách nhiệm hơn. Họ sẽ có thể làm được nhiều nhiệm vụ hơn và có thể giải quyết những vấn đề phức tạp hơn.

Luôn cho mọi người biết thông tin. Chia sẻ những thông tin quan trọng. Hãy cho họ biết bạn tin tưởng họ. Hãy làm họ cảm thấy quan trọng.

Đừng bao giờ phản bội lòng tin của nhân viên. Hãy giữ kín những việc riêng tư.

Xác định những điểm mạnh của họ. Tìm hiểu những thành tựu đặc biệt của họ ngoài công việc. Hãy để những kỹ năng đó giúp ích cho bạn.

Đừng cho phép sự thất bại phá hủy lòng tự tin của họ. Khích lệ họ thử lại một lần nữa, nhấn mạnh lòng tin của bạn đối với họ.

Thách thức nhân viên của bạn bằng việc gia tăng nhiệm vụ và khả năng quyết định. Cho phép họ có thời gian và không gian để tăng trưởng. Càng làm nhiều, họ càng có thể lĩnh hội một vài nhiệm vụ không quá khó của bạn hơn, để cho bạn có nhiều thời gian xử trí với những vấn đề đòi hỏi những kỹ năng tốt nhất của bạn.

Cho họ những cơ hội tham gia đầy đủ như là một thành viên của nhóm. Chẳng hạn, luân phiên chủ trì cuộc họp.

Gặp gỡ họ hàng ngày. Cho họ biết sự ưu tiên của bạn. Nếu bạn cần thay đổi trật tự ưu tiên, hãy giải thích lý do.

Hãy tôn trọng thời gian của họ. Đừng bắt họ làm cái người khác cần làm, trừ trường hợp khẩn cấp. Đừng phá vỡ sự liên tục khi họ đang làm việc trừ những trường hợp tuyệt đối cần thiết. Hãy để họ hoàn thành công việc của mình.

Giới thiệu người phụ tá của bạn cho những nhân viên và khách hàng chính. Khi đó, trong trường hợp bạn vắng mặt, các bên sẽ cảm thấy dễ giải quyết vấn đề hơn.

Hãy báo cho họ biết bạn ở đâu, làm thế nào để liên hệ với bạn, và khi nào bạn sẽ trở lại. Áp lực phải truy tìm bạn trong khi khủng hoảng là một gánh nặng không cần thiết.

Đừng coi nhân viên của bạn như của lễ chuộc tội khi công việc không trôi chảy, đặc biệt nếu bạn chính là lý do của vấn đề. Bạn sẽ phá hủy lòng tin và làm suy yếu mối quan hệ công việc của mình.

Tạo sự khích lệ, thời gian, tiền bạc cần thiết để họ cập nhật các kỹ năng của mình. Đầu tư vào việc huấn luyện họ thể hiện lòng cam kết lâu dài của bạn đối với họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.