NHÂN CHỨNG CÂM
CHƯƠNG 8: ĐẾN THĂM NGÔI NHÀ
Vừa ra khỏi nghĩa trang, Poirot đã vội vã nhằm hướng tòa nhà Littlegreen đi tới; anh vẫn đóng vai người đi mua nhà. Nắm chắc bản danh sách của cơ quan bất động sản trao cho trong đó Littlegreen xếp hàng đầu, anh mở thanh chắn đi vào con đường dẫn tới cửa ngôi nhà.
Lần này con chó săn không có ở đó, nhưng chúng tôi nghe thấy tiếng nó sủa ở bên trong và ở đàng xa chắc hẳn là ở cạnh nhà bếp. Ngay sau khi chúng tôi bấm chuông đã thấy có tiếng chân bước ở phòng ngoài. Ra mờ cửa là một phụ nữ trạc tuổi sáu mươi, thái độ tử tế, kiểu người hầu thời xưa. Poirot xuất trình thư ủy nhiệm.
– Vâng, thưa ông, nhân viên của Sở đã gọi điện. Xin mời ông vào nhà.
Những cánh cửa chớp đóng kín khi chúng tôi mới đến nay đã mở. Khắp nơi đều thấy trật tự và sạch sẽ. Rõ ràng là nữ hướng dẫn viên tham quan của chúng tôi là một phụ nữ rất chu đáo.
– Đây là phòng khách nhỏ, thưa ông.
Tôi nhìn vào gian phòng và hài lòng thấy nó rất dễ chịu với những lỗ cửa lớn mới mở ra phố. Đồ gỗ thì kiên cố và cổ kính gồm một tủ sách và những ghế ngồi kiểu dáng nguyên mẫu.
Poirot và tôi đóng vai những người được mời đến thăm một ngôi nhà. Chúng tôi yên lặng, hơi thiếu thoải mái, chỉ thì thào những câu nhận xét kiểu: “Rất đẹp” “một phòng vui vẻ” “phòng khách nhỏ, ư?”.
Người đàn bà đưa chúng tôi đi qua gian tiền sảnh, dẫn chúng tôi vào một gian ở đối diện rộng hơn nhiều.
– Phòng ăn. – Bà thông báo.
Ở đây ngự trị phong cách của thời đại Victoria: bàn nặng nề bằng gỗ gụ, tủ búp phê to xù màu tía có các cánh cửa được trang trí bằng các hình chạm trổ những chùm nho lớn, ghế tựa bọc da oai vệ. Trên tường treo các bức ảnh, tất nhiên là ảnh gia đình.
Chó sủa ở xó xỉnh nào đó trong nhà. Rồi tiếng sủa của nó to dần lên và nó chạy đến gian tiền sảnh:
– Ai đã vào nhà này đấy? Ta xé xác nó ra đây. – Gã giữ nhà trung thành ấy như muốn nói.
Đến ngưỡng cửa phòng ăn, nó đánh hơi một lúc lâu.
– Ô kìa, Bob! Cún con sao mà dữ vậy! – Người hướng dẫn tham quan của chúng tôi kêu lên – Xin các ông đừng sợ. Nó không làm gì các ông đâu.
Quả nhiên Bob đã nhận ra các vị khách và cũng đã tỏ ra rất mến khách.
– Rất sung sướng được gặp các ông – Nó như muốn nói đồng thời đến hít hít cổ chân chúng tôi – Xin tha lỗi cho các tiếng sủa vừa rồi. Tôi phải làm tròn nghĩa vụ của mình và giữ gìn sao cho chỉ để những người đáng kính nể vào nhà. Tôi chắc các ông cũng có chó!
– Một con chó rất khôn! – Tôi bảo bà hầu già – Nó đã già chưa?
– Chưa đâu, thưa ông. Bob mới được sáu năm. Nó thích chơi đùa như một con chó con. Nó ngoạm giày của chị nấu bếp đem ra đùa nghịch rất ngộ nghĩnh. Nghe nó sủa người ta ngỡ nó dữ, nhưng nó lại rất lành. Người duy nhất nó ghét đó là bưu tá. Anh chàng khốn khổ ấy sợ nó đến xanh xám mặt mày.
Bây giờ con Bob đang ngửi gấu quần của Poirot. Cuộc khám xét của nó kết thúc, nó sịt mũi một lúc lâu dường như muốn phát biểu: “Không tồi! Nhưng mà không âu yếm lắm đối với loài cún”. Nó lại đi đến chỗ tôi và nghiêng đầu sang một bên hỏi tôi bằng mắt.
– Tôi không hiểu nổi các tính hung dữ ấy của giống chó đối với các bưu tá. – Bà hầu nhận xét.
– Phải suy diễn thôi – Poirot tuyên bố – Chó là một con vật thông minh và nó rút ra được kết luận tùy theo cách nhìn đặc biệt của nó. Một số người đươc chấp nhận cho vào nhà, và một số khác chỉ được tiếp ở ngoài cửa. Một con chó phải nhanh chóng phát hiện ra điều đó. Thế mà, ai là người gõ cửa nhà ta hai ba lần mỗi ngày mà không bao giờ bước qua ngưỡng cửa? Người bưu tá. Rõ ràng là một con người không được ai ưa, người mà ta gửi trả về với công việc của hắn, vậy mà hắn vẫn ngoan cố xuất hiện và cứ muốn phá cửa. Từ đấy, nhiệm vụ của chó là rõ ràng: giúp đuổi kẻ đột nhập đó đi và cắn kẻ ấy nếu có thể. Thế đấy, các vị có đồng ý như thế không, một sự lý giải rất lôgic đấy chứ!
Poirot khâm phục ngắm nhìn con Bob, nói thêm:
– Con chó này có vẻ rất tinh khôn đây.
– Nó chắc chắn còn thông minh hơn nhiều ngườ. – Bà hướng dẫn của chúng tôi khẳng định.
Bà hầu mở một cái cửa rất lớn và vẫn hướng về Poirot thông báo:
– Phòng khách, thưa ông.
Phòng khách này bốc ra một mùi thơm nhè nhẹ của hoa đã sấy khô gợi lên trong tôi những kỷ niệm về quá khứ. Trên những tấm thảm, những tràng hoa hồng đã thôi không bạc màu thêm nữa. Trên tường treo các tranh thuốc nước và các bức ảnh cũ trong các khung xinh đẹp bằng bạc. Đây đó có các tượng bằng sứ, những người chăn cừu, dễ vỡ, những đệm thêu, những hộp đồ văn phòng, những hộp đựng chè. Hai thiếu nữ bằng giấy lụa đặt trong một bầu thủy tinh làm tôi ngất ngây thích thú; một cô đang se chỉ bằng sa quay và cô kia ôm một con mèo trong lòng.
Ở đây tất cả nhắc tôi nhớ đến một thời xa vắng. Một thời đại thanh nhàn và thanh lịch. Trong cảnh ẩn cư thực sự này các quý bà vừa chuyện trò thân mật vừa thêu thùa và nếu một trong các quý ông được mời vào nơi thầm kín này được phép hút một điếu thuốc lá, thì ngay sau khi ông ta ra ngoài người ta giũ các màn che và thông khí gian phòng.
Thái độ của Bob làm tôi chú ý: ngồi bệt mông xuống sàn, mắt nó nhìn chòng chọc vào một cái bàn có hai ngăn kéo kiểu rất thanh nhã. Biết là tôi đã chú ý đến nó. Nó phát ra một tiếng kêu như thỉnh cầu và cái nhìn của nó đi qua đi lại nhiều lần từ mặt tôi đến cái bàn.
– Nó muốn gì? – Tôi hỏi.
Sự quan tâm của, chúng tôi đối với con Bob làm bà hầu già hài lòng, rõ ràng là bà ta rất yêu Bob.
– Quả bóng của nó thưa ông. Ngày xưa người ta vẫn để bóng vào trong một các ngăn kéo ấy. Vì vậy nó mới đứng ở đấy và hình như muốn xin.
Rồi bà nói với Bob bằng một giọng cảm động:
– Nó không còn ở đó đâu, con cún xinh đẹp của của ta ạ. Bóng của Bob hiện đang nằm trong nhà bếp cơ. Trong bếp, ôi Bob thân yêu.
Bob quay sang Poirot với một cử chỉ thiếu nhẫn nại và dường như muốn nói với nhà thám tử: “Tôi thấy ông mới là một người thông minh. Chứ người đàn bà này nói bậy đấy. Trong một vài nơi vẫn có những quả bóng dành cho chó. Cái ngăn kéo này bao giờ cũng có chúng đấy. Nhất định ở đó phải có một quả lúc này”.
– Nó không còn ở đó nữa, chú chó tử tế của tôi ơi. – Tôi nói.
Bob khinh thường nguýt tôi một cái rồi cùng chúng tôi ra khỏi gian phòng, thái độ không tin.
– Bà đã ở nhà tiểu thư Arundell đã bao lâu rồi? – Hercule Poirot hỏi người hầu gái già.
– Đã hai mươi hai năm thưa ông.
– Bây giờ một mình bà giữ ngôi nhà này ư?
– Tôi với chị làm bếp thưa ông.
– Chị ấy phục vụ bà chủ của bà lâu chưa?
– Bốn năm rồi thưa ông. Sau khi bà bếp già chết.
– Nếu tôi mua được ngôi nhà này bà có muốn ở đây không?
Bà già hơi đỏ mặt.
– Ông tử tế quá thưa ông, nhưng tôi sẽ thôi việc. Bà chủ có để lại tặng tôi một khoản tiền, kha khá. Tôi sẽ về sống với ông anh tôi. Tôi chỉ ở lại đây để làm hài lòng cô Lawson để duy trì trật tự trong khi chờ bán xong ngôi nhà.
Poirott gật đầu đồng ý. Trong phút yên lặng tiếp sau, chúng tôi nghe thấy một tiếng động mới.
– Bùm! Bùm! Bùm!
Một tiếng động đơn điệu tăng nhanh và có vẻ như xuống cầu thang.
– Bob đấy thưa ông – Người hầu già vừa nói vừa mỉm cười – Nó đã tìm thấy quả bóng của nó. Cái trò ấy làm nó rất vui thích.
Khi chúng tôi đi đến chân cầu thang, một quả bóng bằng cao su đen đang nảy lên ở bậc thang cuối gây ra một tiếng đục. Tôi nhặt quả bóng và ngước mắt nhìn lên. Bob nằm dài ở trên đỉnh cầu thang chân giạng, đuôi ve vẩy. Tôi ném bóng cho nó. Nó ngoạm bóng, nhay bóng một lúc vẻ khoái trá rồi để bóng giữa các chân và đẩy bóng từ từ về phía bờ bậc đầu tiên cho tới lúc bóng liên tiếp nẩy từ bậc này xuống bậc khác khi ấy nó vẫy đuôi rất mạnh vui sướng nhìn theo bóng rơi xuống dưới.
Nó cứ đùa vui như thế trong nhiều giờ ông ạ. Một ngày trọn vẹn. Thôi, Bob! Các quý ông đây còn có việc khác phải làm.
Sự quan tâm và tình cảm mà chúng tôi dành cho Bob đã thắng được thói quen giữ gìn ý tứ của người hầu gái tốt bụng. Trong khi đưa chúng tôi lên gác bà ta đã chuyện trò thân mật và kể cho chúng tôi nghe những trò nghịch ngợm kỳ quặc của con chó săn. Quả bóng đã nằm yên ở chân cầu thang. Bob nhìn chúng tôi bực dọc rồi với một dáng đi trang nghiêm. Nó đi xuống để tìm quả bóng. Khi chúng tôi rẽ phải trong hành lang, tôi trông thấy nó, mõm ngậm bóng, từ từ leo lên thang bằng bước đi của một ông già đã kiệt sức buộc phải chịu mệt nhọc vô ích do lỗi của những kẻ vô tâm.
Trong khi đi xem các phòng ngủ, Poirot đặt ra những câu hỏi cho người hầu trung thành.
– Cả bốn tiểu thư Arundell đều đã sống ở đây phải không?
– Ngày xưa, thưa ông. Khi tôi đến làm người hầu trong nhà, thì ở đây chỉ có tiểu thư Agnes và tiểu thư Emily. Tiểu thư Agnes đã chết sau đó ít lâu, nhưng lại là người trẻ nhất.
– Chắc bà ta không khỏe mạnh bằng bà chị?
– Không hẳn thế đâu. Chủ tôi, tiểu thư Emily sức khỏe mỏng manh lắm. Suốt đời không rời thầy thuốc. Tiểu thư Agnes ngược lại to khỏe, mà lại chết trước, trong khi bà chị thì luôn luôn đau ốm mà lại tồn tại lâu hơn toàn bộ gia đình. Điều này khá kỳ quặc phải không ạ?
– Những chuyện như thế vẫn thường xảy ra.
Rồi Poirot nhảy vào câu chuyện hoang đường về những điều bất hạnh của một ông bác đau ốm mà tôi không tiện nhắc lại ở đây. Nhưng hãy biết rằng anh đã tạo được kết quả mong muốn. Không gì làm người ta tranh luận hăng bằng những cuộc tranh luận về cái chết và các đề tài tương tự. Từ đấy trở đi Poirot có thể tự cho phép hỏi một số vấn đề đã được tiếp nhận với thái độ thù địch hai mươi phút trước đây.
– Bệnh của tiểu thư Arundell đã kéo dài và đau đớn lắm phải không?
– Không chính xác thưa ông. Tiểu thư Emily không được khỏe đã từ lâu rồi. Bà chưa bao giờ khỏi hoàn toàn chứng vàng da mà bà mắc phải đã hai năm nay. Bà vẫn rất vàng và lòng trắng mắt…
– A! Phải, đúng là…
Lần này Poirot nói đến người anh em họ của mình nghe nói anh ta là hiện thân của hiểm họa vàng da.
– Bà chủ tội nghiệp của tôi gặp phải những chuyện khó chịu kinh khủng. Bà không muốn giữ gìn chế độ ăn kiêng nữa. Bác sĩ Grainger cho rằng bà đã tuyệt vọng. Nhưng ông đã làm hết sức để làm cho bà khỏe lên. “Này! Ông nói với bà, bà muốn nằm liệt giường và muốn đặt đóng quan tài cho mình ư?” “Tôi cảm thấy còn một chút lòng ham sống thưa bác sĩ!” “Đấy chính là cái tôi thích nghe bà nói đấy”. Ở đây chúng tôi có một cô y tá cô này bắt đầu thất vọng. Một lần cô nói với bác sĩ rằng cô thấy vô ích bắt bà bệnh nhân phải dùng chế độ dinh dưỡng. “Cô có còn tỉnh táo không đấy? Bác sĩ kêu lên. Phải ép bà ăn và kiên trì mời bà dùng món canh thịt, các chất tăng lực và những ngụm rượu trắng”. Ông kết thúc bằng một câu nhận xét mà tôi không bao giờ quên được: “Con gái ơi, con còn quá trẻ nên không biết lòng ham sống bắt rễ vào tận xương tủy những người già. Những người trẻ chết mà không kháng cự bởi vì cuộc sổng chưa đủ làm họ hứng thú. Hãy chỉ cho ta một người ngoài bảy mươi ta sẽ nói cho con biết rằng đó là một người đấu tranh cho ý muốn hưởng cuộc sống”. Rất đúng, thưa ông. Người đời luôn khâm phục những người già, ca ngợi sức sống của họ, sự minh bạch của tâm hồn họ, nhưng theo như lời bác sĩ, chính vì lý do đó mà họ đã sống quá thời hạn, và đã đạt tới lứa tuổi rất hoàn thiện.
– Bà đã nói ra những chân lý thật sâu sắc – Poirot nói – Vậy tiểu thư Arundell có nằm trong hạng người già đó không? Bà có hoạt bát lắm không? Bà có quan tâm đến cuộc sống không?
– Ồ, có thưa ông. Sức khỏe của bà kém nhưng tinh thần bà vẫn mạnh mẽ. Cách bà chế ngự bệnh tật đã giác ngộ cô y tá, một cô bé kênh kiệu với các cổ cồn, măng sét hồ cứng. Trước yêu cầu cao, cô bé phải săn sóc trà nước suốt ngày.
– Vậy thì tiểu thư Arundell thanh toán được chứng vàng da?
– Vâng, thưa ông. Tất nhiên ban đầu bà phải chú ý giữ gìn chế độ: rau luộc, các món không mỡ không trứng. Việc này đối với bà chán ngắt.
– Điều cốt yếu là bà khỏi bệnh.
– Tất nhiên là thế! Thỉnh thoảng bà có cơn tái phát nhỏ, cơn đau gan nhẹ khi bà lơi lỏng chế độ ăn kiêng. Thường thì không có gì quan trọng lắm, cho đến lần vừa qua.
– Lại vẫn căn bệnh hai năm trước?
– Vâng vẫn thế. cái chứng vàng da kinh khủng ấy… nước da lại vàng khè, những điều bất ổn đáng sợ và đủ mọi thứ khác. Ôi tiểu thư đáng thương! Đó là một chút lỗi của bà. Bà ăn những cái làm hại bà. Buổi tối hôm bà mắc bệnh, bà đã ăn món cơm xào cà ri, một món ăn khá nhiều mỡ.
– Bà đã ngã bệnh ngay tức thì?
– Ai cũng tin như vậy, nhưng bác sĩ Grainger đã thấy bà không khỏe từ ít lâu trước đó. Thế rồi, một cơn rét run… Thời tiết biến động đột ngột, một món ăn quá béo bổ…
– Tùy nữ của bà, bà Lawson sao lại không can ngăn bà dùng một vài món có hại?
– U già Lawson không có quyền ăn nói. Tiểu thư Arundell không để cho những người khác chi phối mình.
– Bà Lawson có ở gần chủ trong thời gian bà bị can vàng da đầu tiên không?
– Không. Bà ta chỉ mới đến sau này. Bà mới đến đây một năm.
– Chắc hẳn trước bà ta, tiểu thư Arundell đã có nhiều tùy nữ khác nữa?
– Vâng, thưa ông, cả một sâu dài.
– Bà chủ của bà giữ lại các nữ tì lâu hơn các tùy nữ. – Poirot mỉm cười nhận xét.
Người đàn bà đỏ mặt lên.
– Ông đã hiểu thưa ông, có một điều khác lạ. Tiểu thư Arundell ít đuổi ai đi lắm, và trong lý do nhỏ nhất…
Poirot nhìn vào bà ta một lúc rồi muốn có sự giúp đỡ của bà.
– Tôi đang đoán tâm tính các quý lão bà này. Họ cần sự đổi mới nên họ chóng chán nếu phải luôn luôn nhìn thấy cùng một con người ở bên cạnh họ.
– Thực thế, ông có lý, thưa ông. Hoàn toàn là như vậy. Khi có một cô gái mới đến tiểu thư Arundell lúc đầu quan tâm nhiều đến cô này. Bà hỏi cô về thời thơ ấu, về đời sống và những lối suy nghĩ của cô ta. Rồi khi không còn gì để biết nữa về cô gái khốn khổ ấy bà liền tống cổ cô đi.
– Chắc là thế. Vậy thì những người ở cương vị tùy nữ ấy không vui thích lắm hả?
– Chắc chắn là không. Phần lớn họ là những con người đáng thương không có một chút nghị lực nào. Một số họ thật là điên rồ. Tiểu thư Arundell nhanh chóng chán ngấy họ, chắc ông hiểu tôi. Khi ấy do thích sự thay đổi, bà đã cho gọi một cô khác.
– Thế nhưng bà đã phải gắn bó với cô Lawson một cách hoàn toàn đặc biệt.
– Tôi không nghĩ như thế, thưa ông.
– Bà Lawson chắc là đã có những đức tính đặc biệt?
– Đó không phải là ý kiến của tôi. Tôi thấy bà ta rất bình thường.
– Nhưng bà lại rất mến bà ta phải không?
Người đàn bà hơi nhún vai.
– Tôi không yêu mà cũng không ghét. Bà ta là người bị ma ám, một gái già thực sự. Và bà kể cả đống điều ngu ngốc về những hồn ma.
– Những hồn ma? – Poirot dò hỏi.
– Vâng những hồn ma. Trong bóng tối, quanh một cái bàn, bà gọi linh hồn của những người đã chết. Tôi cho đó là trái với tôn giáo. Chúng ta biết rằng các linh hồn của những người chết không thể trở về trần gian.
– Như vậy bà Lawson làm thật thông linh? Còn tiểu thư Arundell cũng tin vào hồn ma à?
– Bà Lawson đã cố thử nhiều! Bà hầu già tung ra câu nói bằng giọng tinh nghịch.
– Nhưng không đi đến đâu! – Poirot kết luận.
– Bà chủ tôi quá tinh khôn – Người hầu trả lời – Bà vui đùa nói với bà Lawson: “Tôi chỉ yêu cầu được tin một cách vững chắc”. Nhưng bà lại nhìn bà tùy nữ đáng thương với một thái độ như muốn nói. “Con gái đáng thương ơi! Phải chăng con ngu ngốc mới tin vào những chuyện ấy”.
– Tôi đã hiểu. Bà chủ của bà tuy không tin vào việc đó nhưng bà tìm thấy một nguồn giải khuây.
– Vâng. Tôi tự hỏi phải chăng đôi khi bà không thích đẩy cái bàn và chơi các trò ma thuật nhỏ với những người đã tin việc đó là thực.
– Những người nào vậy?
– Bà Lawson và hai cô họ Tripp.
– Bà Lawson là một nhà thông linh sùng tín ư?
– Bà ta tin vào những chuyện như trong sách Phúc âm.
– Còn tiểu thư Arundell cũng gắn chặt với bà tùy nữ của mình ư?
Lần thứ hai Poirot lại trượt mất câu hỏi này. Anh nhận được vẫn một câu đáp cũ:
– Tôi không tin thưa ông.
– Thế nhưng bà đã cho bà Lawson thừa kế tài sản của mình có đúng như thế không?
Bỗng người đàn bà có sự thay đổi đột ngột. Tính tự nhiên biến mất thay vào đó là sự giữ ý của người nữ tì đúng cách.
– Tôi không biết gì về cách bà chủ tôi đã tùy ý sử dụng tài sản của mình đâu, thưa ông!
Tôi có cảm giác rằng Poirot đã không khéo léo. Sau khi đã dẫn dắt người đàn bà này trò chuyện thân mật với mình thì vừa rồi anh đã làm hỏng tất cả. Anh tỏ ra khá khôn ngoan để không định giành lại ngay tức thì địa bàn đã mất. Anh cam lòng nói mấy điều nhận xét về chuyện các phòng ngủ rồi đi về phía cầu thang.
Bob không còn ở đấy nữa, nhưng trên bậc thang đầu tiên, tôi bị trượt chân và xuýt ngã. Tôi nắm lấy lan can để lấy lại thăng bằng và hiểu rằng tôi đã giẫm chân lên quả bóng của Bob mà nó đã bỏ lại ở đầu trên cầu thang.
Người đàn bà xin lỗi rối rít:
– Ông có bị đau không thưa ông? Lỗi tại con Bob. Có ngày nó sẽ giết chết ai đó mất. Bà chủ của tôi đã ngã cùng kiểu ấy đấy và bà có thể đã bị vỡ sọ.
Poirot dừng hẳn lại ở cầu thang.
– Bà ấy đã bị một tai nạn ư?
– Vâng thưa ông. Bob đã bỏ lại quả bóng của nó tại chỗ kia, điều ấy thường xảy ra luôn. Bà chủ tôi, từ buồng bà đi ra, đặt chân lên và lăn xuống đến tận chân cầu thang. Người ta tướng bà chết.
– Bà đã bị thương nặng à?
– Không nhiều như người ta tưởng. Bà đã thoát khỏi tại nạn một cách tốt đẹp như bác sĩ Grainger đã nói. Một vết rách ở đầu và nhiều vết bầm ở khắp thân thể. Cú va đập dữ dội nên bà phải nằm liệt giường mất một tuần. Nhưng không có vết nào nặng.
– Việc đó xảy ra đã lâu chưa?
– Một hoặc hai tuần trước khi bà chết.
Poirot cúi xuống nhặt cây bút máy của mình mà anh vừa để văng ra.
– Xin lỗi… cây bút của tôi… A! Nó đây!
Anh đứng lên. Rồi nói với con chó:
– Bác đã vô tâm xiết bao, bác Bob!
– Ông muốn gì? – Bà hầu già lòng đầy độ lượng nói – Nó không thể biết trước được mọi điều mặc dù nó khôn ngoan. Tiểu thư Arundell rất ít ngủ. Ban đêm bà nhỏm dậy, đi xuống cầu thang và đi dạo trong nhà.
– Điều đó vẫn thường xảy ra với bà ấy chứ?
– Hầu hết mọi đêm. Bà cấm không cho ai quan tâm đến bà, cả bà Lawson lẫn chúng tôi.
Poirot đã trở lại phòng khách.
– Một gian phòng tuyệt đẹp – Anh nhận xét – Hastings, anh có tin là tôi có thể đặt tủ sách của tôi trong góc kia không?
Bị bất ngờ tôi đáp rằng khó mà không đồng ý được.
Poirot nói:
– Tôi yêu cầu anh hãy cầm lấy cái thước gấp này và hãy đo chiều rộng từ chỗ thụt vào này. Tôi sẽ ghi chép.
Tôi ngoan ngoãn theo sự hướng dẫn của anh lấy những số đo khác nhau trong khi anh chép lên mặt sau một phong bì. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh áp dụng một phương pháp rất ít phù hợp với thói quen của anh, khi anh chìa ra cho tôi chiếc phong bì và nói:
– Thế này có khớp không? Anh kiểm tra xem.
Không có một chữ số nào trên phong bì ấy. Tôi đọc: “Khi chúng ta ra đến ngoài kia, anh hãy làm như anh nhớ đến một cuộc hẹn rồi yêu cầu nói điện thoại. Hãy thu xếp để cho người đàn bà phải đi theo anh rồi giữ bà ta lại càng lâu càng tốt”.
– Rất khớp – Tôi vừa nói vừa nhét phong bì vào túi – Hai tủ sách của anh đặt ở đó thoải mái chán.
– Tốt hơn là tự mình đảm bảo lấy, Hastings. Xin lỗi, nếu không phải là đòi hỏi anh quá mức, tôi thích xem lại phòng ngủ chính. Tôi chưa chú ý tới vị trí đặt các đồ gỗ.
– Nhất định rồi, thưa ông. Điều đó không phiền hà gì cho tôi cả. – Người hướng dẫn của chúng tôi nói.
Chúng tôi lại lên gác. Poirot đã đo xong kích thước một bức tường và đang lớn tiếng thuyết trình những nhận xét của mình về vị trí đặt giường, tủ áo bàn làm việc, thì tôi xem đồng hồ tay rồi giả vờ kêu to về một điều buồn phiền:
– Chết thật! Đã ba giờ rồi! Anderson sẽ nghĩ gì đây. Tôi phải điện thoại cho ông ta.
Tôi quay sang người đàn bà.
– Bà cho phép tôi dùng điện thoại của bà, nếu bà có.
– Có đấy thưa ông. Điện thoại ở tầng dưới trong phòng khách nhỏ. Tôi sẽ chỉ nó cho ông.
Bà vội vàng đi xuống cầu thang. Tôi đi theo bà. Bà chỉ máy cho tôi. Tôi yêu cầu bà giúp tôi tìm ra số máy mà tôi tìm trong cuốn niên giám. Cuối cùng tôi hỏi một ông Anderson nào đó ở Harchester thành phố bên cạnh. Rất may, ông ta đi vắng. Tôi bèn nói với người trả lời tôi rằng không có gì gấp lắm, tôi sẽ gọi lại sau.
Khi tôi quay lại gian tiền sảnh, tôi thấy Poirot ở đó. Anh đã xuống cầu thang và đang đứng bất động, ánh đồng tử mắt anh xanh long lanh. Tôi không đoán được nguyên nhân gì làm anh bối rối, nhưng tôi nghĩ là anh đang xúc động mạnh. Cuối cùng anh nói với bà hầu gái:
– Cú ngã ở cầu thang này tất nhiên đã gây ra một cú sốc kinh khủng trong bà chủ của bà. Về sau bà ấy có lo lắng về chuyện con Bob và quả bóng của nó không?
– Thật kỳ lạ khi nghe ông nói ra điều ấy. Quả thật bà chủ rất lo lắng bồn chồn về chuyện quả bóng ấy. Trước lúc chết trong cơn mê sảng bà chủ không ngừng nói đến Bob, quả bóng và một bức tranh thì rộng.
– Nói về một bức tranh thì rộng… – Poirot nhắc lại vẻ suy tư.
– Tôi biết rõ rằng điều đó không có là gì cả, nhưng bà chủ cứ nói vớ vẩn mãi.
– Chờ một lát… để tôi quay lại phòng khách.
Anh đi quanh phòng xem xét các đồ mỹ nghệ trong tủ kính. Một chiếc bình sứ có nắp, dường như đang thu hút tâm trí anh. Đối với tôi, tôi không thấy có gì đặc biệt trong cái bình ấy mà ở chỗ phình to có trang trí một bức tranh vẽ về một câu chuyện hài hước tầm thường: một con chó bun ngó nhìn một cái cửa đóng kín có vẻ buồn rầu. Lời thuyết minh viết: “Ở bên ngoài suốt đêm và không có chìa khóa”.
Tôi nghĩ rằng Poirot có một thị hiếu quá tầm thường mới chịu khâm phục trước một đối tượng ít giá trị như thế.
– Ở bên ngoài suốt đêm và không có chìa khóa – Anh lẩm bẩm – Chú Bob cư xử cũng tồi nhỉ? Chú ta có đôi khi qua đêm ở bên ngoài không?
– Không thường xuyên, thưa ông. Cũng khá hiếm. Bob là một con chó ngoan mà!
– Tôi cũng tin như vậy. Thế nhưng con tốt nhất trong loài chó thì…
– Tất nhiên là thế, thưa ông. Một đôi lần nó đã bỏ đi ban đêm và chỉ quay về nhà lúc bốn giờ sáng. Khi chuyện ấy xảy ra với nó, nó dừng lại trước ngưỡng cửa và sủa lên cho tới khi người ta ra mở cửa cho nó.
– Ai mở cửa cho nó?… Bà Lawson ư?
– Quả thực, người nào nghe thấy tiếng nó, thưa ông. Lần cuối cùng, là bà Lawson. Đó là cái đêm xảy ra tai nạn bất ngờ cho bà chủ tôi. Bob chỉ quay về nhà lúc năm giờ sáng. Bà Lawson đã vội vàng ra đưa nó vào trước khi nó có thể gây tiếng động ầm ĩ và đánh thức tiểu thư Arundell, vì bà Lawson chưa nói cho bà chủ biết rằng Bob đang ở bên ngoài để không làm cho bà chủ phải lo lắng.
– Tôi hiểu. Chắc bà ấy không muốn cho tiểu thư Arundell biết điều đó?
– Vâng. Đây là điều mà bà ta nói với chúng tôi: “Nhất định nó sẽ trở về. Nhưng bà chủ có thể sẽ phải băn khoăn lo lắng vô ích về chuyện của nó”.
– Bob có thích bà Lawson không?
– Quả là nó biểu lộ với bà ta một sự coi khinh nào đó, nếu ông hiểu tôi nói, thưa ông. Loài chó có thể có tính khinh khỉnh. Thế nhưng bà ta lại tốt với nó, gọi nó bằng những danh từ rất âu yếm, nhưng nó lại không để ý gì tới bà ta.
– Tôi biết. – Poirot nói.
Đột nhiên bạn tôi nảy ra một sáng kiến làm tôi vô cùng kinh ngạc.
Anh lấy từ túi ra lá thư nhận được sáng nay và chìa nó ra cho người hầu gái.
– Ellen – Anh nói với bà ta – Bà có biết cái này từ đâu đến đây không?
Ellen biến sắc mặt. Hàm bà trễ xuống và bà ngó Poirot với vẻ mặt sửng sốt gần như khôi hài.
– A! – Bà thốt lên – Tôi trông chờ xiết bao!
Lời nhận xét ấy có lẽ thiếu lôgic nhưng nó không để lại một chút ngờ vực nào trong Ellen. Lấy lại bình tĩnh bà nói thêm chậm rãi:
– Ông có phải là người mà lá thư này gửi đến không?
– Vâng, tôi là Hercule Poirot.
Thường vẫn thế, Ellen không đọc tên viết trên tờ giấy mà Poirot đưa cho bà xem khi vào nhà. Bà lắc đầu.
– Đúng là cái này đây, thưa ông Hercule Poirot. Xin thề danh dự! Chị bếp sẽ kinh ngạc xiết bao!
Poirot hăng hái nói với bà:
– Chúng ta có nên đi vào bếp để trao đổi vấn đề này với bạn gái bà không?
– Nếu điều đó không làm ông khó chịu, thưa ông.
Ellen có vẻ ngượng nghịu. Tiếp khách ở nhà bếp đối với bà là điều thiếu lịch sự. Nhưng phong cách nhã nhặn của Poirot đã làm bà yên lòng và chúng tôi đi tới nhà bếp, Ellen liền giải thích tình hình cho một bà to béo có vẻ mặt hoan hỉ đang nhấc một cái xoong khỏi mặt bếp ga.
– Chị không thể nào tin nổi đâu, Annie! Đây là quý ông của bức thư. Chị biết đấy, lá thư mà tôi đã tìm thấy trong cái túi xách tay ấy mà.
– Hãy nhớ rằng tôi không biết gì cả – Poirot nói với bà ta – Bà có thể cho tôi biết tại sao bức thư này lại gửi đến bưu điện quá chậm như thế?
– Nói thực ra, thưa ông, tôi chỉ biết làm như thế. Không ai trong chúng tôi biết được nó, có phải không Annie?
– Thực vậy, không ai biết.
– Ông hiểu không, thưa ông, khi bà Lawson chỉnh đốn lại sổ sách giấy tờ sau khi bà chủ mất, bà ta đã thanh toán khá nhiều thứ. Có một cái túi xách tay bằng các-tông, khá đẹp, có vẽ một cành hoa huệ ở trên. Bà chủ luôn luôn dùng đến nó để viết ở trên giường. Bà Lawson không cần đến nó đem nó cho tôi làm vật tặng cùng với các thứ khác trước đây thuộc về bà Emily. Tôi để nó vào một ngăn kéo và chỉ đến hôm qua tôi mới cầm lấy nó để đặt vào đó một tờ giấy thấm mới để khi cần dùng thì có ngay, ở bên trong tôi thấy một kiểu túi nhỏ. Tôi đút tay vào túi đó và rút từ đó ra một bức thư do bà chủ tôi viết. Như tôi đã nói với ông rồi, tôi không biết phải làm gì với lá thư này; đúng là nét chữ của tiểu thư Emily và tôi nghĩ rằng bà chủ đã để nó bên bà để gửi nó đi, qua chuyến thư của ngày hôm sau, nhưng bà đã quên nó, vì điều ấy vẫn thường xảy ra ở bà chủ, ôi Emily tội nghiệp. Đã có một lần bà không biết bà đã đút một phiếu công trái vào đâu. Mọi người đổ đi tìm trái phiếu ấy, mãi sau mới tìm thấy nó nằm trong đáy một ngăn kéo bàn giấy của bà.
– Bà thiếu trật tự thế ư?
– Ngược lại, thưa ông. Bà bỏ nhiều thời gian để xếp sắp công việc. Đó là điều buồn phiền đấy. Bà thu nhặt quá nhiều thứ rồi sau đó bà quên nơi bà đã để chúng.
– Chẳng hạn như quả bóng của Bob? – Poirot mỉm cười hỏi.
Con chó sục hang lại đến gặp chúng tôi và lại chào chúng tôi theo cách rất thân thiện của nó.
– Sau khi Bob chơi xong thì bà chủ nhặt bóng. Mọi chuyện đều ổn thỏa, bởi vì bà luôn luôn để bóng vào cùng một chỗ trong ngăn kéo mà tôi đã chỉ cho ông xem.
– Tôi hiểu. Nhưng tôi đã phải ngắt lời bà. Xin bà hãy tiếp tục kể câu chuyện về bức thư. Bà đã phát hiện ra nó trong túi xách tay.
– Vâng chẳng biết phải làm gì với bức thư ấy, tôi đã hỏi Annie. Tôi không muốn vứt nó vào lửa và cũng không thể chịu trách nhiệm bóc thư ra xem. Mặt khác Annie và tôi đều nghĩ rằng nó không dính dáng gì tới bà Lawson. Vì vậy sau khi hai người chúng tôi thảo luận xong, tôi chỉ việc dán một cái tem lên phong bì rồi chạy đi bỏ thư vào hòm thư.
– Thế đấy! – Poirot vừa nói vừa quay sang tôi.
Tôi không thể không đáp lại một cách tinh nghịch:
– Lời giải thích cực kỳ đơn giản.
Nhìn thấy anh ta chán nản, tôi tiếc là đã nói lời dí dỏm hài hước. Anh quay sang Ellen.
– Như anh bạn tôi nói. Lời giải thích cực kỳ đơn giản. Bức thư này cũ đến hai tháng đã gây cho tôi đôi điều kinh ngạc.
– Thật vậy, thưa ông, ông đã phải bị kích thích tò mò. Chúng tôi đã không nghĩ tới điều đó.
Poirot thúng thắng ho.
– Hơn thế nữa, lá thư của tiểu thư Arundell làm tôi hết sức lúng túng. Đó là một sứ mệnh mà bà chủ quá cố của bà đã giao phó cho tôi, một sứ mệnh có tính chất riêng tư. (Anh hắng giọng ra vẻ quan trọng). Bây giờ tiểu thư Arundell đã chết, tôi thấy mình đứng trước hai ngả đường đầy chông gai: không biết tiểu thư Arundell có muốn hay không muốn tôi tiến hành một cuộc điều tra trong tình hình hiện nay? Thế đấy một vấn đề… khó giải quyết đây.
Hai người đàn bà nhìn anh lòng đầy kính trọng.
– Muốn thế, tôi cần phải hỏi ý kiến luật sư của tiểu thư Arundell. Bà ấy có một luật sư không nhỉ?
Ellen trả lời anh ngay lập tức:
– Có, thưa ông. Ngài Purvis ở Harchester.
– Bà chủ có nói cho ông ta biết tất cả mọi việc không?
– Dĩ nhiên, ông ta quản lý tài sản của bà và cũng chính ông được bà chủ gọi đến sau khi bà ngã.
– Sau khi bà ngã ở cầu thang?
– Vâng thưa ông.
– Vào ngày nào? Xem một chút…
Chị làm bếp ngắt lời anh ta.
– Thứ Ba lễ Phục Sinh. Tôi nhớ rất kỹ vì tôi đã ở lại đây để phục vụ bà chủ tôi, bà đang có đông khách. Tôi được nghỉ vào ngày thứ Tư.
Poirot đã lấy ra một quyển lịch túi.
– Chính xác. Thứ Hai lễ Phục sinh rơi vào ngày 13 tháng Tư năm nay. Tiểu thư Arundell bị tai nạn ngày 14 và bức thư này đã được viết sau đó ba ngày. Thật tai hại nó đã không được gửi đi ngay! Ấy thế mà có lẽ không quá muộn. Tôi có linh cảm rằng sứ mệnh mà bà giao phó cho tôi liên quan đến một trong các vị khách mời này mà bà vừa mới nói ban nãy.
Lời nhận xét ấy không khác gì một viên đạn bắn ra một cách mù quáng đã gây ra một phản ứng tức thì ở Ellen. Mặt bà bỗng sáng lên, bà quay sang chị bếp. Chị này nhìn lại bà bằng một cái nhìn đầy ý nghĩa rồi nói:
– Có thể đó là cậu Charles.
– Bà có thể vui lòng nói cho tôi biết tên những người đã đến nhà bà Arundell không?
Chẳng phải yêu cầu nhiều Ellen đọc tên:
– Bác sĩ Tanios và vợ, thời con gái gọi là cô Bella, cô Theresa và cậu Charles.
– Tất cả đều là cháu trai và cháu gái của người đã khuất?
– Vâng, thưa ông. Rõ ràng là bác sĩ Tanios chỉ là cháu rể. Ông ta là một người ngoại quốc, hình như là người Hy Lạp. Ông lấy cô Bella, cháu gái gọi tiểu thư Arundell bằng dì. Cậu Charles và cô Theresa là hai anh em ruột và gọi bà chủ bằng cô.
– A! Tôi hiểu. Một cuộc họp gia đình. Họ đã ra đi khi nào?
– Sáng thứ Tư, thưa ông. Bác sĩ Tanios và cô Bella lại đến đây vào cuối tuần tiếp sau vì lo lắng cho sức khỏe của bà dì.
– Còn ông Charles và cô Theresa?
– Họ đến cuối tuần khác, tuần trước khi bà chủ mất.
Theo tôi, tính tò mò của Poirot là vô hạn độ. Tôi không hiểu tầm quan trọng của các câu hỏi ấy. Lẽ ra sau khi dã nắm được lời giải thích về lý do chậm trễ của bức thư rồi thì anh nên rút lui một cách kiêu hãnh.
– Tốt – Poirot nói – Những tin tức này các bà cho tôi biết sẽ rất quý báu và tôi sẽ hỏi ý kiến ngài Purvis; có phải tên ông ta là như vậy không nhỉ? Xin cảm ơn hai bà.
Anh cúi xuống để vuốt ve con Bob.
– Chó ngoan nào! Mày rất yêu bà chủ của mày phải không?
Bob đáp lại cử chỉ cầu thân ấy bằng một tiếng sủa vui vẻ. Biết trò chơi lại sắp bắt đầu, nó chạy đi kiếm được một cục than to. Hai người hầu tức giận, giật cục than ra khỏi mõm nó. Bob nhìn tôi bằng cái nhìn thảm hại và kêu gọi lòng thiện cảm của tôi.
– Những người đàn bà này mới kỳ cục làm sao! Họ rộng rãi để cho tôi ăn uống nhưng quá kém cỏi không quan tâm đến việc tôi chơi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.