Nợ Tình
Chương 3: CHƯƠNG II
Không tìm thấy Hercule Poirot ở nhà, bà Oliver phải cầu cứu máy điện thoại.
– Chiều nay ông có mặt ở nhà không? – Bà hỏi ông mà không có lời mở đầu nào cả.
Những ngón tay bà đập đập một cách sốt ruột trên mặt bàn đặt máy nói.
– Tôi đang nói chuyện với ai đây ạ?
– Ariane Oliver – Bà trả lời. Ngạc nhiên sao người bạn lại không nhận ra giọng nói của mình.
– Phải, chiều nay tôi ở nhà. Có nghĩa là tôi sẽ được đón tiếp bà tới thăm.
– Thật đáng mến khi ông hình dung sự việc dưới góc độ ấy, vì tôi không tin chắc cuộc viếng thăm này có dễ chịu hay không.
– Bao giờ tôi cũng dễ chịu khi được gặp bà, bà thân mến.
– Có thể, nhưng lần này tôi đến để quấy rầy ông. Tôi muốn ông cho ý kiến về một vấn đề đang làm tôi phiền lòng.
– Tôi bao giờ cũng sẵn sàng góp ý kiến với mọi người – Nhà thám tủ trả lời sau khi sự khiêm tốn không phải là đặc tính nổi bật của ông.
– Đã xảy ra một sự việc làm tôi lo ngại mà tôi không biết giải quyết ra sao cả.
– Này, bà bạn thân mến, tôi rất vui lòng gặp lại bà.
– Vào lúc mấy giờ thì thuận tiện cho ông?
– Bà có muốn chúng ta hẹn nhau lúc chín giờ không? Chúng ta sẽ dùng cà-phê, ít nhất là si-rô lựu hoặc si-rô đào mà bà vẫn thích. À không, tôi nhớ là bà không thích các thứ đó.
Đặt máy xuống, Poirot quay sang Georges, người giúp việc trung thành của mình:
– Anh bạn, chiều nay chúng ta sẽ tiếp bà Oliver. Cần có cà-phê, tôi cho là như vậy, nước ngọt. Tôi không nhớ là bà ta thích những gì.
– Tôi thấy bà ấy thường dùng si-rô anh đào thưa ông.
– Và có cả kem bạc hà nữa. Nhưng chắc chắn là bà ta thích si-rô anh đào.
Bà Oliver tới đúng giờ hẹn. Trong suốt bữa ăn, Poirot tự hỏi không biết cuộc viếng thăm bất ngờ này là có chuyện gì và tại sao bà nhà văn này lại tỏ ra ngập ngừng như vậy. Liệu bà có mang đến cho mình một sự việc đặc biệt khó khăn không, hay là bà đã chứng kiến một tội ác? Ông biết là với bà Oliver thì có thể là mọi chuyện: từ những chuyện nhạt nhẽo đến những chuyện khác thường. Với ông có lúc bà tỏ ra tức giận, nhưng có nhiều lúc lại tỏ ra rất thân mật.
Từ lúc bà nhà văn tới thăm, Poirot thấy mình nhầm lẫn: bà tỏ ra rất ưu tư. Ông đón tiếp và rất lịch sự như mọi khi mời bà ngồi xuống ghế, đưa cà-phê và si-rô anh đào cho bà.
– A! – Bà Oliver cất tiếng thở dài – Tôi thấy ông đang cho tôi là ngu ngốc. Tuy nhiên…
– Đọc báo buổi chiều hôm nay tôi biết đã có bữa tiệc của các nhà văn. Tôi cho rằng bà đã có mặt ở đấy.
– Tôi thường đi dự những tiệc rượu, nhưng rất ít khi dự các bữa ăn, đúng thế. Đáng lẽ tôi không nên tới đó thì hay hơn.
– Bữa tiệc không làm bà hài lòng ư?
– Đúng, ở một điểm nào đó. Nhưng sau đó xảy ra một chuyện đáng lo ngại.
– Tôi cho rằng chính vì chuyện đó mà có cuộc viếng thăm này.
– Phải. Và tôi cũng không hiểu là tại sao, cái đó chẳng đáng kể gì đối với ông, tôi cho rằng đây là loại việc mà ông không mấy quan tâm. Tôi muốn biết ý kiến của ông và hỏi trong trường hợp của tôi ông sẽ giải quyết như thế nào.
– Điểm cuối là điểm tế nhị. Tôi, Hercule Poirot, bao giờ cũng biết cách giải quyết vấn đề nhưng tôi không hiểu là bà có thực hiện được không.
– Chắc chắn là ông sẽ có ý kiến. Ông biết tôi từ lâu.
– Khoảng hai chục năm, nếu tôi không nhầm.
– Tôi không nhớ chính xác. Không bao giờ tôi nhớ về thời gian. Tôi biết là năm 1939, năm đầu chiến tranh, thường có những sự việc rất đặc biệt…
– Nào, trở lại bữa tiệc của các nhà văn nữ, bà không thích bữa tiệc ấy ư?
– Tôi thích bản thân bữa tiệc. Sau đó… một mụ đàn bà láo xược, dáng vẻ kênh kiệu, bao giờ cũng tỏ ra hơn hẳn mọi người đã tấn công tôi. Như kiểu người ta bắt được một con bướm vậy, thế là ông hiểu. Mụ ta đẩy tôi tới một chiếc tràng kỷ và nói về một trong những con gái đỡ đầu của tôi mà đã nhiều năm tôi không gặp nó. Mụ ta muốn biết… Trời ơi, thật là khó nói với ông…
– Nhưng không – Poirot nói một cách vỗ về – Ngược lại, rất dễ. Mọi người đều nói hết với tôi. Dễ hơn nữa vì tôi là người nước ngoài.
– Thế này, mụ ta hỏi về bố mẹ của đứa con gái ấy. Mụ ta muốn biết có phải là người chồng đã giết vợ hay ngược lại.
– Tôi nghe không rõ!
– Tôi thấy cái đó thật là đần độn…
– Bà ta muốn biết người cha của cô gái đỡ đầu của bà đã giết vợ hay là người mẹ của cô đã giết chồng, đúng không?
– Đúng thế.
– Nhưng ai đã giết ai, người này, người kia?
– Người ta đã tìm thấy hai xác chết vì đạn súng lục trong đầu, bên một bờ vực. Chuyện đó xảy ra cách đây mười lăm năm. Nhưng tại sao mụ ta lại tới gặp tôi để đặt ra một câu hỏi như thế?
– Vì bà viết truyện trinh thám, bà ta tưởng bà là chuyên gia về khoa học phạm học, đơn giản chỉ có thế.
– Thật vậy. Nhưng tốt hơn cả là tôi kể lại cho ông nghe những điều tôi biết rõ. Đây là chuyện giữa bà Ravenscroft với chồng là ông Alistair. Người vợ trước đây học cùng trường với tôi, tôi biết rõ, tuy chúng tôi không chơi thân với nhau lắm. Ông chồng là một sĩ quan thường công tác ở nước ngoài. Trở về nước Anh, họ mua một ngôi nhà ở vùng Kent. Và bất chợt xảy ra vụ thảm kịch mà báo chí hồi đó nói đến rất nhiều. Người ta tự hỏi đây là vụ giết nhau hay cùng tự sát. Tôi nhớ báo chí nói khẩu súng lục ấy là của ông Alistair.
Bà Oliver thuật lại những chi tiết mà mình biết rõ với ông Poirot.
– Tại sao – Cuối cùng Poirot nói – người đàn bà ấy lại muốn biết câu chuyện không rõ ràng như bà vừa nói?
– Đó chính là điều tôi muốn biết. Tôi cho rằng tìm Célia hiện ở Londres không có gì là khó. Tôi nhớ rằng cô ấy đã tốt nghiệp và đang dạy ở một trường trung học. Lúc này lúc khác tôi cũng nhận được tin của cô ấy: một thiếp chúc mừng nhân dịp lễ Noel, và một vài lúc hiếm hoi khác…
– Chưa kết hôn chứ?
– Chưa. Nhưng cô ấy sắp lấy Desmond, con trai của mụ đàn bà mà tôi đã nói với ông.
– Chắc rằng bà này không tán thành đám cưới vì câu chuyện cũ ấy.
– Đó chỉ là cách giải thích có thể chấp nhận được. Nhưng cái chi tiết của câu chuyện cũ ấy thì có gì là quan trọng? Người vợ giết chồng hoặc người chồng giết vợ thì đã sao…
– Tôi cũng thấy câu hỏi đặt ra của bà Burton-Cox thật là kỳ cục. Cái đó đáng để suy nghĩ. Có thể là bà ta mất thăng bằng. Bà ta rất yêu con trai chứ?
– Chắc chắn là thế.
– Có thể bà ta sợ việc giết người có tính di truyền.
– Làm thế nào mà tôi biết được? Mụ nghĩ rằng tôi dễ dàng trả lời mụ. Có gì ẩn giấu ở đằng sau? Sự thực của chuyện này theo ông là gì?
– Thật là thú vị khi tìm ra cái đó – Poirot trả lời một cách chậm rãi.
– Đó là lý do tại sao tôi đến gặp ông. Tôi biết là ông thích tìm ra những sự việc còn ẩn giấu.
– Bà có cho rằng bà Burton-Cox thích thú trong việc này không?
– Tôi cho rằng ông muốn biết mụ ta có cho rằng tìm ra thủ phạm là người vợ hoặc người chồng là quan trọng không chứ gì. Trời! Tôi cho rằng mụ ta chỉ có sự quan tâm vờ vịt thế thôi.
– Được. Tôi hiểu rõ vấn đề bà đặt ra. Bà đi dự tiệc, gặp một người đặt ra cho bà một câu hỏi mà bà thấy nó rất tế nhị và bà hỏi cách tốt nhất để giải quyết một trường hợp tương tự là gì.
– Theo ông cách tốt nhất ấy là gì?
– Rất khó diễn đạt vì tôi không phải là phụ nữ. Xem nào. Một người không quen biết tới đặt ra cho bà một câu hỏi mà không nói rõ lý do. Tôi cho rằng bà có thể giải quyết bằng một trong ba cách sau. Cách thứ nhất là bảo thẳng người đó. “Tôi lấy làm tiếc, tôi không giúp bà được gì cả” hoặc một câu gì đó tương tự như vậy. Cách thứ hai, đó là liên hệ với người con gái đỡ đầu, nói rõ câu hỏi của người mẹ chồng chưa cưới của cô ta. Bà sẽ nghe được từ chính miệng cô gái rằng cô có quả quyết lấy con trai bà ta không. Nếu có thì người chồng chưa cưới có tán thành việc làm của mẹ anh ta không? Còn nhiều chi tiết khác có thể hiểu rõ. Ví dụ thái độ của cô gái với bà Burton-Cox ra sao. Cuối cùng bà đi đến cách thứ ba, tôi khuyên bà…
– Tôi biết. Chỉ có một câu thôi phải không?
– Không làm gì cả.
– Phải, tôi hiểu đây là cách tốt nhất. Không làm gì cả. Nhưng…
– Nhưng – Poirot ngắt lời – Có một cái mà người ta gọi là sự tò mò của con người phải không?
– Đơn giản là tôi muốn biết cái lý do thực sự đã thúc đẩy mụ đàn bà đó tới đặt ra cho tôi một câu hỏi kỳ lạ như vậy. Khi biết được, tôi sẽ yên tâm và quên đi mọi chuyện. Nhưng cho đến lúc này, tôi không hiểu…
– Tại sao mình ngủ chưa yên giấc. Thức giấc vào giữa đêm, bà cũng như tôi, thấy có những ý nghĩ khác thường. Những ý nghĩ có thể viết vào tiểu thuyết được.
– Tôi cho rằng người ta không thể xem xét vấn đề dưới góc độ ấy được – Bà Oliver trả lời với đôi mắt rực sáng.
– Sự tò mò là một việc làm hấp dẫn. Tôi không biết rằng ai tạo ra cái đó trước tiên. Có thể là những người Hy Lạp. Họ muốn biết. Trước họ, theo tôi, không ai có nhu cầu hiểu biết. Sau họ, người ta muốn biết cái tại sao của sự việc. Và như vậy chúng ta mới có tàu thuỷ, đường sắt, tàu bay và bom nguyên tử, thuốc pê-ni-xi-lin và các thứ khác. Một chàng trai nhìn chiếc vung nồi nước đang sôi bị hơi nước làm bật lên, và như thế là chúng ta có xe lửa. Tiếp đó là những vụ đình công của công nhân ngành đường sắt, rõ ràng là như thế. Và tất cả đều tương xứng.
– Ông không cho tôi là kẻ thích nhúng mũi vào mọi việc đấy chứ?
– Không khi nào. Ngược lại tôi nghĩ, sự tò mò của bà cũng là việc thường tình. Nhưng chúng ta hãy xem xét. Người ta đã biết động cơ của tấn thảm kịch này là gì chưa?
– Chưa. Hai vợ chồng sống với nhau rất tốt. Và bây giờ tôi thấy không thể nào tìm ra cái động cơ ấy được.
– Được chứ – Poirot nói – Tôi thấy mình có thể đạt được cái đó. Với những người bạn nhiệt tình, tôi có thể biết được kết quả điều tra kể cả với chồng hồ sơ đồ sộ.
– Ông có thể tìm ra cái đó ư? – Bà Oliver hỏi với tia hy vọng ánh lên trong mắt.
– Có thể. Nhưng tất nhiên việc làm đòi hỏi có thời gian.
– Trong trường hợp ấy, tôi muốn nói trường hợp ông nhận giúp tôi, tôi cũng phải làm những công việc nào đó. Ví dụ như gặp mặt cô gái, hỏi xem cô ấy biết những gì về vụ ấy. Tôi cũng muốn gặp chàng trai mà cô ấy dự định kết hôn.
– Đồng ý. Như vậy thật là tốt.
– Tôi giả thiết là còn có nhiều người…
– Đây là một việc quá khứ – Poirot thở dài nói – Nó quan trọng trong thời kỳ ấy. Nhưng nghĩ cho đúng ra thì có thật đây là một vụ việc quan trọng không? Ít nhất là nó đã kết thúc; không ai còn nhớ đến nó nữa.
– Đúng thế – Bà Oliver thừa nhận – Thời đó người ta nói rất nhiều trên báo chí, và sau đó tất cả đi vào quên lãng…
– Phải, vấn đề rất khó. Nếu cảnh sát không thể điều tra ra động cơ của vụ ấy, thì chắc chắn là việc ấy không dễ dàng gì.
– Tôi rất muốn đi thăm đứa con đỡ đầu. Chắc chắn đây là việc mụ Burton-Cox muốn tôi làm. Mụ ta cho rằng nhất định nó biết một điều gì đó. Mở ngoặc, tuy cái đó là khó có thể. Nhưng bọn trẻ thường khám phá ra những điều kỳ lạ.
– Khi bố mẹ qua đời thì cô ấy bao nhiêu tuổi?
– Chín hoặc mười tuổi, tôi cho là như vậy. Trong thời xảy ra vụ thảm kịch nó đang ở nội trú tại một trường học.
– Chắc rằng cô bé đã kể lại chuyện ấy với chồng chưa cưới, và chàng trai đã thuật lại với bà mẹ. Bà mẹ ngại không muốn hỏi cô gái. Bà ta nghĩ là Oliver là mẹ đỡ đầu có thể biết nhiều việc. Tuy rằng tôi chưa biết họ coi việc này quan trọng như thế nào. Suy nghĩ, tôi thấy những người khác có thể giúp vào việc làm của chúng ta. Nhưng liệu họ có nhớ không?
– Vừa rồi tôi nghĩ đến những con voi.
– Những con voi ư?
Poirot một lần nữa tự nhủ bà Oliver là người kỳ lại nhất trong những người phụ nữ.
– Chính là trong bữa tiệc tôi đã nghĩ đến những con voi và sau đó tôi đã luôn nghĩ đến chúng – Bà Oliver nói tiếp.
– Vì lý do gì? – Poirot bực mình hỏi lại.
– Thực ra tôi nghĩ đến những chiếc răng. Ông biết là khi ăn một món gì, nếu có răng giả, thì người ta phải cẩn thận. Người ta phải nghĩ xem mình có dùng được không và phải đề phòng như thế nào.
– Tôi hiểu – Poirot thở dài nói.
– Sau đó tôi nghĩ đến hàm răng của con người. Bằng xương nên chúng không được tốt so với răng của loài chó bằng ngà. Sau rốt tôi nghĩ đến các loài động vật khoẻ như hải cẩu chẳng hạn. Cuối cùng tôi nghĩ đến những con voi có đôi ngà rất lớn.
Poirot vẫn chưa hiểu người đang nói chuyện với mình sẽ đưa câu chuyện tới đâu.
– Thế là tôi đi đến kết luận rằng chúng ta phải tìm những người giống những con voi. Vì những con voi, như người ta nói, không bao giờ quên.
– Đúng là tôi có nghe nói như vậy.
– Những con voi không bao giờ quên – Bà Oliver nhắc lại – Hẳn là ông còn nhớ câu chuyện một người thợ may một hôm châm kim vào vòi một con voi. Lần gặp gỡ sau con vật đã ngậm nước trong miệng phun vào kẻ thù của mình. Đã qua rất nhiều năm nhưng con voi vẫn không quên. Thế đấy, cái việc tôi phải làm là tìm ra một vài con voi.
– Tôi không hiểu bà muốn nói gì. Bà xếp ai vào những con voi. Nghe bà nói người ta cho rằng bà sẽ tới vườn bách thú.
– Không phải như vậy. Nhưng cũng có những người có trí nhớ như những con vật có bộ da dày ấy. Thường là người ta nhớ những sự việc lạ lùng. Có những sự việc mà tôi không bao giờ quên. Ví dụ ngày sinh lần thứ năm của tôi, người ta mang đến cho tôi một chiếc bánh ga-tô màu hồng, trên đó có một con chim bằng đường. Khi mất con chim ấy, tôi khóc mãi. Cả cái ngày tôi đi vào rừng gặp một con bò tót. Cũng như vậy, trong một ngày nghỉ cuối tuần chúng tôi vào rừng hái dâu tây. Tôi đã bị gai cào xước hai bàn tay nhưng tôi đã hái được nhiều dâu hơn những người khác. Lúc ấy tôi khoảng chín, mười tuổi. Thật là vô ích khi tìm ra những chuyện cũ hơn. Tôi đã đi dự hàng tá đám cưới, nhưng tôi chỉ nhớ hai đám. Một ở New Forest, tôi làm cô phù dâu. Tôi nhớ đấy là đám cưới của người chị họ tôi. Bây giờ thì tôi không nhớ hết những khách mời trong ngày hôm ấy. Đám thứ hai là một trong những bạn trai tôi phục vụ trong hải quân. Đã một lần anh ta suýt chết đuối. Cha mẹ cô gái đã có lúc không muốn con mình lấy anh ấy. Ông thấy đấy, có những sự kiện mà người ta nhớ rất kỹ.
– Tôi đã hiểu ra – Poirot nói – Bà sẽ đi theo đuổi một vài con voi, đúng không?
– Đúng. Tôi sẽ cố gắng nhớ lại những người tôi quen biết vào thời kỳ xảy ra tấn thảm kịch ấy, những người ít nhiều có quan hệ với gia đình nhà Ravenscroft, những người biết họ thời kỳ họ ở Ấn Độ hoặc những nơi khác. Không có khó khăn gì trong việc tìm lại những người đã từ lâu không gặp vì họ sẽ cảm thấy sung sướng khi cái quá khứ xuất hiện. Và họ sẽ cho chúng ta biết những gì đã xảy ra vào thời điểm đó.
– Thật là thú vị – Poirot bình luận – Và tôi cho rằng bà là người phù hợp với công việc tìm kiếm đó. Bà hãy đi theo dấu vết của những con voi. Có thể là họ sẽ nhớ lại. Tôi chúc bà một chuyến đi tốt lành.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.