Nợ Tình

Chương 6: CHƯƠNG III



Trong khách sạn nhỏ này có rất ít người, và Hercule Poirot nhận ra ngay thanh tra cảnh sát Spence cao lớn vừa đứng lên chào ông.

– Ông Hercule Poirot, xin phép được giới thiệu với ông đây là ông thanh tra cảnh sát Garrowway.

Garrowway là người gầy và cao, vẻ mặt khổ hạnh, tóc hoa râm, có một nạm tóc giữa đỉnh đầu trông như một người của giáo hội.

– Bây giờ tôi đã nghỉ hưu rồi – ông Garrowway nói – Nhưng trí nhớ của tôi còn tốt. Hiện nay tôi còn nhớ một số vụ việc mà công chúng đã quên từ lâu rồi.

Hercule Poirot cố không để nói ra miệng lời của bà Oliver “Những con voi thì nhớ lâu”.

Cả ba người ngồi quanh bàn và người hầu bàn mang bảng thực đơn tới. Thanh tra cảnh sát Spence, người thường tới khách sạn này, góp ý kiến trong việc chọn các món ăn và sau đó họ ngồi yên lặng trước những cốc rượu xê-rét.

– Trước hết tôi phải có lời xin lỗi – Poirot bắt đầu nói – Là tới đây làm phiền các ông về một sự việc đã được xếp lại từ lâu.

– Tôi muốn biết – ông Spence nói – cái gì đã làm ông chú ý tới vụ ấy. Tôi cho rằng ông không thích đào bới quá khứ. Cái ý định ấy có một nguyên nhân ngẫu nhiên hoặc là bởi sự tò mò đối với một hiện tượng không thể giải thích nổi. Ông Garroway, thời đó là thanh tra cảnh sát, đã điều tra về vụ ấy. Đây là một trong những người bạn cũ của tôi. Và tôi thấy không khó khăn gì trong việc mời ông ấy tới gặp ông.

– Và thật là đáng mến khi ông ấy đã tới – Poirot nói – Chỉ để thoả mãn trí tò mò của tôi đối với một việc đã rất cũ và không liên quan gì đến tôi cả.

– Tôi quan tâm đến ý định ấy – Garroway xác nhận – Đôi lúc chúng ta cũng chú ý đến một vụ đã qua đi. Chẳng hạn Lizzie Borden có thực là đã giết cha mẹ cô bằng chiếc rìu hay không? Rất nhiều người nói là không phải. Ai đã hạ sát Charles Bravo? Và tại sao? Có rất nhiều giả thuyết mà phần lớn chúng dựa trên cơ sở không mấy chắc chắn.

Đôi mắt tinh anh của thanh tra Spence hướng vào nhà thám tử.

– Nếu tôi không nhầm thì ông Poirot nhiều khi cũng đi vào những vụ án thuộc về quá khứ.

– Vâng, đã có vài ba lần.

– Một lần theo yêu cầu của một phụ nữ người Canada, đúng không ông Poirot?

– Thật vậy – Poirot đáp – Một phụ nữ Canada có nghị lực và ham mê tới điều tra vụ án trong đó người mẹ của mình đã bị bắt giam và chết trong nhà tù trước khi bị thi hành án tử hình. Cô gái đã minh oan cho bà mẹ.

– Và ông đã giúp người ấy chứ?

– Không phải vào lúc cô ấy trình bày sự việc với tôi. Nhưng cô ta tự tin là mình đúng…

– Rất tự nhiên khi một người con gái muốn chứng minh người mẹ của mình là vô tội và cố gắng làm rõ điều đó, khác với ý kiến của những người xung quanh – ông Spence lưu ý.

– Có chuyện ấy – Hercule Poirot nói với vẻ nghĩ ngợi – Cô gái đã làm tôi thấy rõ mẹ cô là loại người như thế nào.

– Một người đàn bà thì không thể phạm tội giết người được.

– Không đúng. Cái lạ lùng là bà ta không bao giờ chứng minh sự vô tội của mình. Hình như bà ta hài lòng vì bị giam giữ. Ông xem lúc ấy tôi đã nghĩ gì. Bà ta thấy mình đã thất bại rồi chăng? Khi bắt đầu điều tra, tôi có đủ chứng cứ là bà vô can. Bà ta thì nói ngược lại.

Garroway đang cúi xuống bàn, ăn nốt những mẩu bánh còn lại tỏ ra thích thú về câu chuyện.

– Bà ấy vô tội chứ? – ông hỏi.

– Đúng là như thế – Poirot trả lời – Có một số chi tiết chứng tỏ là bà ta không thể là thủ phạm được. Nhưng có một điểm người ta đã bỏ qua khi điều tra.

Người hầu bàn mang tới một đĩa cá quả.

– Ông đang suy nghĩ một vụ khác đã được xếp lại nhưng kỳ lạ hơn vụ chúng ta vừa nói, phải không? – ông Spence hỏi.

– Đến đây, nói như thế nào nhỉ, tôi phải lùi lại để tiến lên – Poirot giải thích.

– Cô gái ấy có chứng kiến tội ác đó không?

– Không, vì đây là một cô gái khác. Món cá này rất ngon.

– Ở đây món cá nào cũng ngon – Spence xác nhận – Và nước xốt cũng rất tuyệt.

Ông thanh tra cảnh sát lấy thức ăn vào đĩa.

– Khi ông Spence tới gặp tôi – ông Garroway lên tiếng sau một lúc yên lặng – nói liệu tôi còn nhớ vụ Ravenscroft không thì tôi vừa băn khoăn, vừa thích thú.

– Ông không quên vụ ấy chứ?

– Không. Đây không phải là loại việc mà người ta dễ quên.

– Có lẽ ông đồng ý với tôi khi nghĩ rằng lúc ấy người ta có rất nhiều giả thiết khác nhau. Có phải là do thiếu chứng cứ không?

– Nói đúng ra thì không. Mọi lời khai làm chứng đều phù hợp với sự việc, và cũng có những cái chết giống như vậy. Nhưng tuy nhiên…

– Tuy nhiên sao? – Poirot hỏi lại.

– Nhưng cũng có những cái chưa phù hợp.

– A! – Spence sốt ruột kêu lên.

– Đó là cảm giác của ông khi liên hệ với một vụ khác ư? – Nhà thám tử hỏi – Ông có thể nhớ lại được không?

– Tôi giả thiết là ông muốn nói đến vụ bà McGinty.

– Đúng thế. Ông đã không hài lòng việc giam giữ chàng trai mà tư cách có phần lạ lùng. Anh ta có đầy đủ lý do để phạm tội ác ấy, mọi người cho anh ta là thủ phạm, đó là quan điểm của công chúng. Nhưng ông không tin, ông đã tới gặp yêu cầu tôi khám phá sự thật.

– Và ông đã giúp đỡ tôi rất nhiều, tôi thành thật thừa nhận cái đó.

Poirot thở dài.

– Và lúc này chàng trai đáng ghét ấy còn đó. Anh ta đáng bị treo cổ, không phải đã gây ra một tội ác, mà vì anh ta từ chối giúp đỡ chúng ta trong công việc tế nhị với hy vọng tìm ra sự vô tội của anh ta. Bây giờ chúng ta ôn lại vụ Ravenscroft. Ông vừa nói, ông Garroway thân mến, là ở đây có một cái gì đó chưa phù hợp phải không?

– Phải, lúc ấy tôi không thật tin chắc.

– Đó là việc thường xảy ra. Những chứng cứ đã có nhưng động cơ hoàn cảnh và các thứ khác đều là giả tạo.

Song những người mà nghề nghiệp là điều tra các vụ án cảm thấy tất cả những cái đó đều là dối trá, đúng như trong thế giới nghệ thuật, một chuyên gia dễ dàng nhận ra những cái dối trá trước khi có những chứng cứ rõ rệt.

– Thật là tai hại, tôi không làm được việc gì lớn – Viên thanh tra cảnh sát nói – Tôi đã nghiên cứu vấn đề trong mọi khía cạnh, trên mọi mặt của nó, nếu có thể nói, tôi đã hỏi chuyện rất nhiều người, nhưng không kết quả gì. Vụ án có vẻ như là một vụ hai người cùng tự sát trên mọi phương diện. Mặt khác, người ta cũng có thể cho rằng đây là một vụ giết người sau đó là một vụ tự sát. Sự việc đã diễn ra như thế. Nhưng khi đi gặp mọi người ai cũng nghĩ như vậy, và không ai tìm ra được động cơ của nó.

– Ông không có ý kiến gì trong vụ án mà chúng ta đang nói sao? – Poirot hỏi.

– Không phải. Khi người ta bắt tay vào một vụ điều tra thì theo nguyên tắc chung người ta có một cái nhìn chính xác về cuộc sống của các nhân vật liên quan tới vụ án. Trong trường hợp này, người chồng là người có danh tiếng, người vợ là người đáng mến, cả hai sống với nhau rất gắn bó và hạnh phúc. Họ thường cùng nhau đi dạo, chơi bài mỗi buổi tối, có hai đứa con không gây cho họ một phiền muộn nào: một con trai ở một trường học tại nước Anh, một con gái sống trong một trường nội trú bên Thuỵ Sĩ … Tóm lại cuộc sống của họ không có gì là không bình thường. Nếu nghe những lời làm chứng của các bác sĩ thì chúng tôi biết họ không có gì lo ngại về mặt sức khoẻ. Đôi lúc người chồng bị huyết áp cao nhưng trước đó bệnh tình ông ta đã giảm vì dùng các loại thuốc tốt. Bà vợ có đôi chút lo ngại về bệnh tim, nhưng trong thực tế bà ta chỉ lo như vậy mà thôi. Có thể đôi lúc một trong hai người có những băn khoăn về sức khoẻ. Nhưng có rất nhiều người hoàn toàn khoẻ mạnh lại cứ khăng khăng là mình bị ung thư, chỉ sống thêm được một năm nữa là cùng. Sự tin chắc ấy đôi khi cũng dẫn đến tự sát, nhưng thông thường người ta không nghĩ nhiều đến trường hợp này. Lúc đó vợ chồng thì không thể tự sát vì bệnh tưởng được.

– Vậy ông đã nghĩ như thế nào? – Poirot hỏi.

– Điều đáng buồn là những cái tôi cảm thấy thì không thể hình thành một quan điểm được. Lúc này, nghĩ và nhớ lại sự việc, tôi tự nhủ thì không thể không kết luận đây là một vụ tự sát của hai người được. Có một lý do mà chúng tôi không nắm được là người ta đã cho rằng cuộc sống của họ là không thể tha thứ được. Thái độ đó không do những lo lắng về tiền bạc, cũng không phải những lo lắng về sức khoẻ mà cũng không do những mối bất hoà. Tôi đi vào một ngõ cụt. Họ đi dạo chơi mà mang theo một khẩu súng lục, một chi tiết khác thường. Phải nhìn nhận cái đó khi người ta tìm thấy khẩu súng bên hai xác chết. Những dấu vân tay là của cả người chồng và người vợ, lộn xộn tới mức người ta không biết ai là người bắn phát đạn cuối cùng. Chúng tôi giả thiết người chồng đã giết vợ trước khi tự sát, điều đó có thể chấp nhận được. Nhiều năm đã trôi qua. Nhưng mỗi khi tôi đọc báo nói về một vụ tìm thấy xác của một đôi vợ chồng, thì tôi không thể không hồi tưởng lại chuyện này, và lại đặt câu hỏi tại sao vợ chồng nhà Ravenscroft lại làm như vậy. Phải, tại sao? Người chồng ghét bỏ vợ mình ư? Hoặc, ngược lại, người vợ muốn loại trừ người chồng ư? Họ căm ghét nhau tới mức không thể chung sống với nhau nữa ư? Ông có ý kiến gì không, thưa ông Poirot. Có một chi tiết nào làm ông chú ý không? Tóm lại có một điều gì có thể giải thích nguyên nhân của tấn thảm kịch đó không?

– Không. Nhưng tôi giả thiết rằng ông có một ý kiến nào đó về vụ này chứ?

– Đúng là như vậy. Bao giờ người ta cũng có những lý thuyết của mình và hy vọng rằng một trong số đó là đúng đắn. Nhưng than ôi, sự việc lại không diễn ra như vậy, ông hiểu điều này hơn tôi. Lý thuyết của tôi đã không dẫn đến việc tìm ra động cơ của vụ án tuy tôi nắm được rất nhiều chứng cứ. Tóm lại, tôi biết những gì về các nạn nhân? Ông tướng Ravenscroft đã gần sáu chục tuổi, vợ ông ba mươi nhăm. Nhưng tôi chỉ nắm được năm hoặc sáu năm cuối đời họ mà thôi. Ông tướng đã nghỉ hưu và trở về nước Anh, sống ở vùng Bournemouth một thời gian, sau đó chuyển về vùng Kent, gần nơi xảy ra vụ án. Họ sống một cuộc sống bình dị, không có chuyện gì xảy ra, thời kỳ nghỉ hè thì hai đứa con về sống với bố mẹ. Cuộc sống bình dị ấy nối tiếp cuộc sống ở nước ngoài. Nhưng nghĩ cho kỹ, tôi biết những gì về cuộc sống bình dị ấy? Theo tôi biết những năm cuối đời của họ không có một sự lo âu nào về tài chính, không có lý do nào để ghét bỏ nhau, không có chuyện gì về cuộc sống chăn gối. Nhưng trước thời kỳ đó thì sao? Họ đã sống ở bên kia đại dương rồi mới trở lại nước Anh. Viên tướng được mọi người kính nể và những người bạn của bà vợ đều giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp về ông. Giữa họ không có một cuộc cãi vã nào, mọi người đều nói như vậy. Nhưng một thời gian dài trước đó, đặc biệt là thời gian sống ở nước ngoài, nhất là ở Ấn Độ thì sao? Có một câu ngạn ngữ mà bà tôi thường hay nhắc lại là: “Sai lầm của chúng ta bắt nguồn từ quá khứ”. Có thể cho rằng động cơ của vụ án là từ quá khứ mà chúng ta không biết không? Rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể được trong việc tìm ra cái đó. Người ta có thể dễ dàng biết được quá khứ của một người qua bạn bè và những người quen biết của người ấy nhưng hiếm khi biết được những chuyện thầm kín của con người. Và dần dần tôi có ý định phải điều tra lại về thời gian trước đó. Có thể có một cái gì đó đã xảy ra khi họ còn ở nước ngoài, cái mà người ta tưởng đã bị lãng quên, nhưng thực ra thì không phải như vậy. Một sự hận thù từ ngày xưa mà ở đây thì không ai biết. Chỉ có điều là nếu tôi có thể tiến hành được.

– Có thể là như vậy, không một người bạn người Anh nào biết những chuyện đã xảy ra khi họ ở nước ngoài.

– Nhất là những bạn bè mới. Những người bạn cũ thường tới thăm họ lúc này, lúc khác nhưng không thể biết họ có những chuyện bí mật gì. Nếu quả là có những chuyện bí mật ấy. Và rồi sau đó mọi người quên đi.

– Phải – Poirot xác nhận – Mọi người quên đi. Họ không như những con voi, người ta nói chúng có một trí nhớ tuyệt vời.

– Ông nói thật là kỳ cục.

– Con người thường quên quá khứ ư?

– Tôi chỉ nói điều tôi nhận ra thôi, nhưng tôi chú ý điều ông nói về những con voi.

Thanh tra cảnh sát Garroway ngạc nhiên nhìn Poirot, đợi lời giải thích của ông, còn Spence thì nháy mắt với người bạn cũ.

– Có thể người ta phải nghĩ đến những sự việc xảy ra bên Ấn Độ – ông gợi ý – Ở đấy có những voi, phải không? Hoặc ở châu Phi…

– Một trong những người bạn cũ của tôi, bà Ariane Oliver đã nói về giống thú này hôm trước – Poirot nói.

– Ariane Oliver ư? Có thể là bà ta biết một điều gì đó.

– Lúc này thì tôi không cho là như vậy. Nhưng tôi tin chắc là bà ấy cho tôi biết ngay khi bà nắm được một tin tức.

Nhà thám tử ngừng lời một vài giây đồng hồ rồi nói tiếp:

– Bà ấy có nhiều bạn bè, nói chung có nhiều tin tức.

– Bà ta có ý kiến gì về vấn đề chúng ta đang thảo luận không?

– Đây là do bà nhà văn ấy nhờ ông, đúng không? – ông Garroway hỏi.

– Đúng là bà ấy.

– Bà ta có biết nhiều về khoa tội phạm học không? Tôi biết bà ấy viết tiểu thuyết trinh thám, nhưng tôi không biết là bà lấy những sự việc và những ý kiến ấy ở đâu.

– Những ý kiến ấy – Poirot trả lời – ở trong óc bà ta. Còn sự việc mới là cái khó hơn.

Nhà thám tử lại ngừng lời.

– Ông đang nghĩ gì, ông Poirot? – Spence hỏi – Có gì đặc biệt không?

– Tôi nhớ một lần tôi đã bác bỏ ý kiến của bà ấy, ý kiến mà bà ấy đã khẳng định. Ý kiến về một chiếc áo len đan dài tay. Tôi gọi điện nói để hỏi ý kiến của bà, nhưng sau đó tôi đã bỏ qua. Gặp tôi lúc này, lúc khác bà vẫn trách móc tôi về chuyện ấy.

– Nhân đây tôi nhớ đến câu chuyện ngọn rau mùi bị vùi vào bờ trong một ngày nóng bức. Ông nhớ rằng Sherlock Holmes và con chó không bao giờ sủa về đêm.

– Gia đình nhà Ravenscroft có nuôi chó không?

– Tôi nghe không rõ.

– Ông tướng và bà Ravenscroft có một con chó không? Nếu có thì họ có mang theo khi đi dạo vào cái ngày họ qua đời không?

– Họ có một con chó, đúng – Garroway trả lời – Tôi biết nhiều lần đi dạo họ có mang chó đi theo. Nhưng tôi không biết gì hơn nữa.

– Trong một cuốn sách của bà Oliver có nói đến một con chó khốn khổ đang khóc bên xác những người chủ của nó. Nhưng trong thực tế sự việc thường diễn ra một cách khác hẳn. Nhưng ở đây không có chuyên tương tự chứ?

Ông Garroway gật đầu:

– Tôi tự hỏi con chó ấy bây giờ ở đâu? – Poirot nói.

– Chôn ở một góc vườn, tôi hình dung ra là như thế. Câu chuyện xảy ra cách đây mười bốn năm rồi, xin ông nhớ cho.

– Chúng ta không thể thẩm vấn nó được nữa – Nhà thám tử trầm ngâm nói – Thật đáng tiếc. Thật ngạc nhiên mà thừa nhận rằng những giống vật ấy biết rất nhiều chuyện. Có những ai sống trong nhà ấy khi xảy ra vụ thảm kịch đó?

– Trong trường hợp ông muốn hiểu kỹ, tôi sẽ đưa ông bản danh sách – Thanh tra Garroway trả lời – Tôi nhớ rõ lúc ấy có một bà hầu kiêm nấu bếp tên là Whittaker. Điếc và mắt kém, bà ta không giúp được gì. Bà hầu chỉ biết bà Ravenscroft có đi nằm ở bệnh viện một thời gian. Chúng ta còn có người làm vườn và cuối cùng là một cô gái ngoại quốc, người trông nom bọn trẻ con.

– Có thể có một người lạ mặt đột nhập vào nhà. Ông có nghĩ đến khả năng này không, ông thanh tra?

– Đó là một ý kiến chứ không phải một giả thiết.

Poirot không trả lời. Ông nhớ lại những vụ án mà ông đã điều tra ngày xưa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.