Nợ Tình

Chương 8: CHƯƠNG V



Bà Oliver ngập ngừng một lúc trước ba bậc cầu thang bằng đá của một ngôi nhà cũ kỹ trong một khu phố nhỏ. Vẻ tàn tạ của ngôi nhà lúc này được giảm đi do những bông hoa tuy-líp dưới cửa sổ.

Bà nhà văn ngừng bước, xem lại cuốn sổ ghi địa chỉ xem mình có nhầm lẫn không và bấm chuông. Không mấy tin tưởng vào nút chuông ấy, bà tìm đến chiếc búa nhỏ treo trước cửa. Không thấy ai trả lời, bà đập búa mạnh hơn. Lần này bà nghe thấy tiếng chân bước lệt xệt và tiếng thở của người mắc bệnh hen. Người ta đang cố gắng mở cửa, sau đó là một vài câu càu nhàu qua khe hộp thư.

– Chết tiệt cái then cửa này.

Cuối cùng thì cánh cửa cũng được mở ra, một bà già má nhăn nheo, lưng gù xuất hiện. Bà lão khoảng bảy tám mươi tuổi.

– Tôi không biết bà muốn gì – Bà ta nói – Nhưng…

Bất chợt bà ngừng lời, chăm chú nhìn thẳng vào người tới thăm.

– Trời! Đây là Ariane. Thế đấy!

– Bà có mạnh khoẻ không, bà Matcham?

– Cô Ariane? – Bà lão cảm động nhắc lại.

Bà Oliver tự nhủ đã từ lâu lắm không ai gọi mình như vậy.

– Cô vào nhà đi – Bà Matcham nói tiếp – Trời. Đã mười lăm năm nay tôi không được gặp cô.

Thực ra còn lâu hơn nữa nhưng bà Oliver thấy không cần thiết nói lại. Bà nắm lấy bàn tay run rẩy của bà già và đi vào nhà. Bà Matcham đóng cửa lại và mời khách vào một phòng nhỏ treo rất nhiều bức ảnh cũ. Một trong những bức ảnh đó được lồng vào chiếc khung bằng bạc, giới thiệu một thiếu phụ vận phẩm phục. Một chiếc ảnh khác chụp hai lính thuỷ, những chiếc khác là ảnh trẻ con nằm sấp trên đệm. Bà Oliver ngồi xuống ghế nhường tràng kỷ cho bà lão đang tìm chiếc gối để kê lưng.

– Thật là kỳ diệu cuộc gặp gỡ bất ngờ này, Ariane thân mến. Cô vẫn viết những câu chuyện hay đấy phải không?

– Vâng – Bà Oliver trả lời trong khi tự hỏi khái niệm “những câu chuyện hay” có đồng nghĩa với những câu chuyện về những cuộc phiêu lưu khả ố cũng như những chuyện về những tội ác ghê tởm không.

– Tôi sống một mình – Bà Matcham nói tiếp – Chắc là cô nhớ người em gái Garcia của tôi? Cô ta mất mùa thu năm ngoái. Bị ung thư. Người ta đã giải phẫu, nhưng cô ấy đã chết ngay sau đó.

– Ôi! Tôi lấy làm tiếc…

Câu chuyện về người em gái bà Matcham và những người thân thuộc của bà kéo dài vài chục phút.

– Còn cô thì thế nào – Bà già hỏi – Mọi sự tốt lành chứ? Cô có chồng rồi chứ?

Rồi bất chợt bà nhớ lại:

– Trời, tha lỗi cho tôi, Ariane thân mến của tôi. Tôi nhớ là chồng cô đã qua đời từ lâu. Có việc gì mà cô tới vùng ngoại ô này?

– Tôi tới một nơi không xa đây là mấy – Bà Oliver nói dối – Và có cuốn sổ địa chỉ trong túi, thế là tôi tới hỏi thăm bà.

– Phải. Và để nói chuyện ngày xưa nữa. Thật là dễ chịu khi nhắc lại những kỷ niệm quá khứ.

– Đúng thế – Bà Oliver nói một cách hồ hởi vì người nói chuyện với mình đi vào hướng ấy – Bà có rất nhiều ảnh trên tường.

– Phải. Cô đã biết tôi từng sống một năm ở Sunset House. Đó là khu nhà dành cho những người cao tuổi. Khá thuận tiện, nhưng người ta không cho mang đồ đạc cá nhân đến. Thế là tôi không ở đấy nữa. Tôi muốn xung quanh tôi có đồ đạc riêng của mình. Đồ gỗ, tranh ảnh. Cô nhìn chiếc bàn bằng đồng kia xem. Đó là một trong những “đứa con” của tôi, đại uý Wilson gửi từ Singapore về tặng. Và cây đèn cổ Ai-cập do một nhà địa chất đã phát hiện ra gửi về.

– Tôi hiểu là bà thích nhớ lại các kỷ niệm.

– Phải. Những đứa con trai, con gái của tôi. Một số đứa tôi chăm sóc từ hồi chúng còn ẵm ngửa. Một số thì lớn hơn. Trên ảnh kia là cô Moya trong bộ triều phục. A! Đó là một cô gái xinh đẹp. Đáng phàn nàn là cô ấy đã hai lần ly hôn. Trước tiên cô ấy lấy một nhà quý phái, nhưng sau không hợp nhau. Sau đó là một danh ca nhạc pop. Vô ích khi phải nói lần ấy cũng không thành. Cuối cùng lần thứ ba cô tái hôn ở Caliornie. Họ có một chiếc du thuyền và đi du lịch khắp nơi. Cô ta đã qua đời cách đây hai hoặc ba năm vào tuổi sáu mươi hai. Chết trẻ như vậy thật là một điều thiệt thòi.

– Cả bà nữa, bà cũng đã đi nhiều nơi đúng không? Ấn Độ, Hồng Công, Ai Cập và cả Nam Mỹ nữa, tôi nhớ như vậy.

– Phải. Tôi đã đi một phần lớn của thế giới .

– Tôi nhớ, khi ở Ấn Độ, bà giúp việc cho gia đình ông tướng Ravenscroft, đúng không?

– Không, không. Cô nhầm rồi. Lúc ấy là ở nhà Barnaby. Cô đã tới thăm họ một vài ngày ở đấy.

– Đúng! Bà nói có lý.

– Họ có hai người con xinh đẹp. Đứa con trai theo học ở Harrow, còn con gái ở Roedean. Sau đó tôi giúp việc cho nhà khác. A? Tình hình luôn thay đổi! Bây giờ không giống ngày xưa. Những cô gái Anh-du đã làm việc không có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên tôi đã làm việc tốt ở nhà Barnaby. Chính trong thời kỳ ấy câu chuyện đáng buồn xảy ra. Không phải ở nhà Barnaby mà là Ở nhà Ravenscroft. Tôi nhớ rõ. Tuy cái đó không liên quan gì đến cá nhân tôi nhưng tôi vẫn thấy nó rất thương tâm. Ông bà Ravenscroft là những người đáng mến, nhưng họ đã không may.

– Tôi thú nhận là mình đã quên mất sự việc ấy

– Phải. Người ta không thể nhớ mọi chuyện. Người ta nói bà ta có vẻ khác thường. Từ thời còn trẻ kia. Đã có một chuyện xảy ra trước đó. Bà ta đã bế một đứa trẻ trong nôi lên xem và ném nó xuống sông. Vì ghen tuông, hình như thế. Những người khác thì nói bà ta muốn đứa trẻ được lên Thiên đàng một cách nhanh chóng.

– Bà đang nói về gia đình Ravenscroft đấy phải không?

– Trời ơi! Không phải! Tôi nói rằng cô không nhớ lâu bằng tôi. Đấy là người chị bà ta đấy.

– Người chị của Molly ư?

– Tôi không nhớ rõ đây là người chị của bà ấy hay là chị của ông ấy. Người ta nói rằng bà ấy đã ở trong nhà điều dưỡng. Từ lúc mười một hay mười hai tuổi. Sau đó người ta tuyên bố rằng bà đã khỏi bệnh và cho về nhà. Bà ta đã lấy một ông sĩ quan và rồi bệnh cũ lại tái phát. Người ta lại đưa bà vào một nhà điều dưỡng khác. Ông tướng và bà vợ thường xuyên tới thăm bà. Cuối cùng bà ta lại khỏi bệnh và về sống với chồng. Nhưng ông này đã qua đời một thời gian sau đó vì bệnh tim. Thế là bà trở về sống với vợ chồng Ravenscroft. Bà ta có vẻ sung sướng và rất thích trẻ con. Rồi một ngày nọ… Đó là một buổi chiều. Đứa con trai đi học. Em gái nó đang chơi với bạn bè gần biệt thự thì bà ta tới. Tôi thú nhận rằng tôi đã quên rất nhiều chi tiết sau chừng ấy năm. Bà ta muốn dẫn đứa trẻ đi xa biệt thự, nói rằng chơi ở đây là không tốt. Đứa bé đã chết. Còn nhiều chuyện bịa đặt khác nữa. Một số người nói đây là do quỷ ám vào bà, nhưng những người khác thì không tin. Còn tôi, tôi cho chính bà ta là thủ phạm.

– Bà ấy sau này ra sao?

– Sau đó người ta mang bà ta về nước Anh. Trở về nhà điều dưỡng cũ hay ở một nơi khác thì tôi không nhớ. Cuối cùng bà ta có khỏi bệnh hay không tôi cũng không nhớ. Nhiều năm nay tôi không nghĩ đến chuyện ấy nữa và khi cô nhắc chuyện gia đình ông bộ đội Ravenscroft thì tôi mới hồi tưởng lại. Tôi tự hỏi ông bà ấy nay ra sao rồi.

– Bà không đọc báo ư?

– Đọc cái gì?

– Họ đã tậu một toà biệt thự ở Kent, và…

– A? Tôi nhớ ra rồi. Có phải là họ đã ngã từ một mỏm núi xuống không hoặc một cái gì như thế?

– Vâng, một cái gì như thế – Bà Oliver chậm rãi trả lời.

– Bây giờ cô thân mến, để tôi mời cô một tách trà.

– Ồ thôi, bà Matcham! Tôi không muốn làm bà bận rộn. Tôi không uống trà đâu.

– Nhầm rồi, cô gái. Bao giờ người ta cũng cần một tách trà. Cô không lo tôi phải xuống bếp. Bây giờ bếp là nơi tôi ở gần như suốt ngày. Tất nhiên tôi mời người tới thăm lên phòng khách. Vì tôi hài lòng với những kỷ niệm tích luỹ trong nhiều năm. Hài lòng về những đứa trẻ của tôi, đúng như thế.

– Bà có một cuộc sống khác thường với những đứa trẻ mà bà đã nuôi dưỡng chúng.

– Phải, đúng thế. Tôi cảm động nhớ lại, khi còn là đứa trẻ, cô thích thú nghe tôi kể chuyện. Có câu chuyện nói về một con hổ và một chuyện khác nói về những con khỉ đang leo lên cây…

– Tôi còn nhớ. Nhưng tất cả những cái đó đã lâu lắm rồi.

Tâm hồn của bà Oliver bay về quá khứ. Lúc đó bà mới năm hoặc sáu tuổi, nhặt lấy từng lời của bà vú già, những chuyện cổ tích kỳ diệu mà bà vú kể lại. Và bá vú ấy chính là bà Matcham.

Trước khi theo chủ nhà xuống bếp, bà liếc nhìn gian phòng đầy ắp những vật kỷ niệm. Bà ngậm ngùi ngắm những cô gái, những cậu bé mặc quần áo đẹp trên những bức ảnh đã phai màu và khẽ lau những giọt nước mắt lăn trên má.

Tới nhà bếp, bà biếu bà già một gói mang theo.

– Trời! Một hộp trà mà tôi rất thích – Bà Matcham kêu lên, tay run run mở giấy gói – Phải nói rằng cô biết ý thích của tôi. Tôi không có tiền để mua loại trà này. Lại cả bánh bích quy nữa. Có thể nói là cô không quên gì cả. Cô có nhớ khi cô còn trẻ, có hai đứa trẻ thường tới chơi với cô không? Cô đặt tên cho đứa này là Ngỗng và đứa kia là Voi. Cô trèo lên lưng “voi” và bắt nó đi quanh phòng, vươn tay ra để nhặt những đồ chơi như một cái vòi.

– Bà cũng không quên gì cả. U già ạ.

– A! Cô bé, cô đã nhớ câu châm ngôn: “Con voi thì không bao giờ quên cả”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.