Sao Chiếu Mệnh

Chương 3



Glace Bay, Nova Scotia 10 tháng Chín, 1952

James Cameron đang nằm trong một nhà thổ, say khướt, vào đúng cái đêm vợ ông sinh đôi, một trai một gái. Ông nằm trên giường, kẹp giữa hai ả gáỉ điếm cũng sinh đôi thì Kirstie, mụ chủ nhà chứa đập cửa thình lình.

– James! – Mụ hét lên, đẩy mạnh cửa, bước vào.

– Bà làm cái trò gì thế, – James giận dữ quát. – Tôi đã chui vào tận trong này mà vẫn không được yên ổn sao?

– Xin lỗi đã gián đoạn thú vui của ông, James. Nhưng bà vợ ông…

– Mặc xác mụ ta, – James Cameron gầm lên. Vợ ông đang đẻ…
– Vậy hả? Thì cho mụ đẻ. Đấy là chuyện đàn bà các người.

– Nhưng bác sĩ gọi điện đến. Ông ta tìm hỏi mãi mới biết ông ở đây. Vợ ông đang nguy kịch lắm. Ông nên đến với bà ấy xem sao.

James lồm cồm ngồi dậy, trườn ra khỏi giường, mắt đờ đẫn, cố tỉnh lại.

– Mụ khốn khiếp. Không để cho người ta được yên nữa – ông ngước nhìn mụ chủ chứa. – Thôi được rồi. Tôi đi. – Rồi đưa mắt nhìn hai ả gái điếm loã lồ trên giường. – Nhưng tôi không trả tiền hai cô này đâu. Tôi chưa làm được gì.

Được! ông hãy mau về nhà trọ đi đã, – mụ chủ quay sang hai ả điếm:

– Còn hai đứa, đi theo tao.

James Cameron là một gã đàn ông mặt mũi trông như đã có thời là người dòng dõi cao quý, nhưng bây giờ thì sa đoạ đến mức không còn gì là tư cách nữa.

Ông đã ngoài năm chục tuổi và làm quản lý một trong những nhà trọ của lão chủ ngân hàng Sean McAllister.

Trong năm năm qua, James Cameron cùng với vợ là Peggy chia nhau số công việc nặng nhọc tại đấy. Bà thì lau dọn nhà và nấu ăn cho hai tá khách trọ. James thì lo thức uống cho họ. Thứ Sáu nào ông cũng làm nhiệm vụ đi thu tiền thuê trọ của khách ở cả bốn nhà trọ khác nữa trong thị trấn Glace Bay về nộp cho chủ là lão McAllister. Ngoài ra còn một việc nữa là khi nào thấy cần giải sầu, ông lại uống rượu say khướt.

James Cameron hận đời. Dường như ông đã nếm đủ mọi nỗi uất hận của kẻ thất thế và không còn thấy cuộc đời có gì thú vị nữa. Năm ông mới một tuổi, gia đình ông bỏ quê hương ở Scotlanđ bên Anh, di cư sang đây với hai bàn tay trắng và cha mẹ ông phải vật lộn vất vả với cuộc sống.

Cha ông bắt con vào làm thợ trong mỏ than từ lúc James mới mười bốn tuổi. Năm mười sáu tuổi, ông bị tàn tật vì một tai nạn nhỏ và thôi việc. Năm sau, cha mẹ ông qua đời trong một tai nạn đường sắt. Vì vậy James thấy nỗi khổ cực của ông đâu phải do ông. Ông đổ cho số phận ông hẩm hiu. Nhưng ông có hai ưu thế lớn. Hình dáng ông đẹp trai và khi cần ông có thể làm người xung quanh mến mộ.

Trong một lần nghỉ cuối tuần ở Sydney, một thị trấn gần Glace Bay, ông gặp một cô gái Mỹ trẻ tuổi, dễ thương, tên là Peggy Maxwell. Cô đến đó nghỉ hè cùng với gia đình. Peggy không xinh đẹp gì lắm nhưng cha mẹ cô rất giầu, trong khi James đang nghèo xác, James bèn chài cô gái. Và bất chấp cha mẹ phản đối, Peggy đã lấy James.

– Tôi sẽ cho con Peggy một khoản hồi môn là năm ngàn đô la, – bố Peggy nói với chàng rể. Anh hãy dùng khoản tiền đó để làm vốn làm ăn. Anh có thể đầu tư vào bất động sản và chỉ sau năm năm số tiền sẽ tăng gấp đôi. Tôi sẽ giúp anh.

Nhưng James không đợi được đến 5 năm. Không hỏi ý kiến ai hết, ông bỏ số tiền bố vợ cho, chung vốn với một người bạn kinh doanh dầu lửa bất hợp pháp.

Sau mười ngày, công việc tan tành, mất sạch cả vốn lẫn lãi. Bố vợ ông nổi cáu, kiên quyết không chịu giúp con rể lần nữa.

– Anh là thằng ngu, James. Tôi không bỏ tiền ra cho thứ ngu như anh nữa?

James lấy vợ định để đào mỏ ai ngờ lại đâm thành cực nhọc thêm. Bởi từ nay ông có thêm một cái miệng nữa phải nuôi mà ông lại đang thất nghiệp.

Chính lão Sean McAlhster đã cứu ông. Lão chủ nhà băng này tuổi đã gần sáu mươi, dáng thấp tè và béo múp míp, có một đồng hồ quả quít vàng đeo trên sợi dây cũng bằng vàng. Lão đến sống ở thị trấn Glace Bay này cách đây hai chục năm và lập tức thấy ngay những thuận lợi ở vùng này. Thợ mỏ và dân nghèo từ khắp các nơi ùn ùn kéo đến thị trấn và không tìm ra nhà để ở.
McAllister có thể cho họ vay tiền để xây nhà nhưng lão không làm thế.

Lão thấy cách rẻ tiền hơn là xây những nhà trọ cho họ ở thuê. Hai năm sau lão đã có trong tay một khách sạn cùng năm nhà trọ, và tất cả đều chật ních.

Rất khó tìm người quản lý các nhà trọ đó, bởi công việc của quản lý hết sức vất vả. Phải trông nom ngần ấy căn phòng, nấu ăn cho khách trọ và làm sao thu được đủ tiền của khách. Trong khi đó lão không muốn trả công cao.

Vừa mới có một người quản lý đòi thôi việc, lão McAllister bèn phát hiện ra James Cameron có thể làm thay. Ông thường vẫn đến nhà băng của lão vay tiền và luôn trả chậm. Lão bèn sai người đến gọi James.

– Tôi có việc làm cho anh đây, – McAllister nói.

– Ông nói thật đấy chứ?

– Anh gặp may. Tôi đang có một công việc tuyệt vời, mở ra nhiều triển vọng.

– Làm ở nhà băng phải không? – James Cameron hỏi, trong lòng khấp khởi mừng. Nhà băng là nơi lắm tiền, làm ở đó thế nào chẳng kiếm được chút gì rơi vãi.

– Không – McAlhster nói. – Anh là người có cái mã đẹp lại biết cách ăn nói. Anh nên làm công việc tiếp xúc với nhiều loại người. Tôi muốn thuê anh làm quản lý cho nhà trọ của tôi ở phố Cablehead.

– Ông bảo làm quản lý nhà trọ ư? – James khó chịu hỏi.

– Chứ sao nữa, – lão chủ nhà băng nói. – Anh chị đang chưa có chỗ ở tử tế. Bây giờ trông nom nhà trọ cho tôi, trước hết anh chị có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, lại thêm một khoản tiền lương nhỏ nữa.

– Nhỏ là bao nhiêu?

– Tôi rộng tay với anh, James. Tôi trả anh hai mươi nhăm đô la một tuần.

– Hai mươi nhăm thôi à?

– Tuỳ anh thôi. Nhận hay không tuỳ anh. Còn khối người muốn làm chân này. Cuối cùng James không còn sự lựa chọn nào khác.
– Thôi, cũng được.

– Tốt. Nhân tiện anh thu cho tiền thuê trọ của bốn nhà trọ khác của tôi và cứ sáng thứ bảy anh nộp cho tôi.

Khi James kể lại với vợ, Peggy không bằng lòng:

– Mình có biết công việc quản lý nhà trọ ra sao đâu James?

– Thì ta học. Hai vợ chồng sẽ cùng làm. Peggy tin lời chồng.
– Cũng được, – bà nói.

Và họ quản lý nhà trọ đó theo cách của họ.

Những năm sau, nhiều dịp cho James kiếm việc làm tốt hơn, khiến ông có thể sống danh giá và nhiều tiền hơn, nhưng ông đã quá tin vào số mệnh và đâm nghi ngờ mọi thứ.

Ông thường nói:

– Xoay xở làm gì cho mệt. Số phận mình đã hẩm hiu, mình có làm gì thì cũng chẳng thể khá được.

° ° °

Vào đêm tháng Chín đó, ông thầm nghĩ. Vậy là con mụ vợ khốn kiếp? Mình đã vào nhà chứa mà rồi nó cũng không thể để mình giải khuây cho yên ốn.

Ở nhà mụ chủ Kirstie ra, gió lạnh tháng Chín tạt vào mặt ông. Lạnh quá, mình ghé vào làm chút men cho ấm đã, James nghĩ và ghé vào quán rượu Ancient Mariner.

Một giờ sau ông loạng choạng đi về nhà trọ của mình trong khu New Aberdeen, khu phố nghèo khổ nhất của thị trấn Glace Bay.

Lúc đến nơi, chừng gần một chục khách trọ đã đang lo lắng chờ ông.

– Bác sĩ đang ở trong đó với bà nhà đấy – một người khách nói, – ông vào nhanh lên.

James chệnh choạng bước vào gian phòng nhỏ của hai vợ chồng ở phía sau nhà. Ông nghe thấy ở gian bên cạnh tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh. Peggy, vợ ông, nằm bất động trên giường. Bác sĩ đang cúi xuống theo dõi bà. Thấy James bước vào, bác sĩ quay đầu ra.

– Thế nào rồi? – James hỏi.

Bác sĩ đứng thẳng lên, nhìn James vẻ căm giận.

– Lẽ ra anh phải đưa chị ấy đến cho tôi khám từ trước chứ?

– Để tốn tiền vô ích à? Chúng tôi đâu có giầu gì!

– Chị ấy đã tắt thở rồi. Tôi đã làm mọi cách nhưng không cứu được. Chị ấy đẻ sinh đôi. Nhưng chỉ đứa bé gái còn sống.

– Lạy Chúa? – James nức nở khóc: – Lại số mệnh rồi.

– Anh nói cái gì?

– Số mệnh! Số tôi bao giờ cũng đen đủi. Bây giờ nó lại chơi tôi một vố nữa.

Nữ hộ sinh bước vào, bế đứa trẻ quấn kín mít trong chiếc khăn trải giường trắng.

– Con anh đây, anh Cameron. Con gái anh đây.

– Con gái à? Con gái thì sau này làm được cái gì? – Giọng James líu lại.

– Tôi thấy anh thật đáng tởm, – bác sĩ Duncan nói. Chị hộ sinh quay sang James.
– Tôi sẽ ở lại đây cho đến ngày mai, hướng dẫn anh cách trông nom đứa bé.

James Cameron nhìn đứa trẻ đỏ hỏn, bé xíu, bọc gần như kín mít trong tấm vải trắng, thầm nghĩ:

– Khéo rồi nó cũng chết thôi.

Trong ba tuần lễ đầu tiên, không ai dám nghĩ rằng đứa bé sống nổi. Một người vú đến cho đứa trẻ bú. Và cuối cùng, một hôm, ông bác sĩ đã có thể nói:

– Vậy là con gái anh sống được rồi.

Xong, ông ta nhìn James Cameron rồi nói tiếp, rất khẽ:

– Chúa Trời đã động lòng thương con bé. Chị vú nói:
– Ông Cameron, ông phải đặt tên cho cháu chứ?

– Tôi chẳng biết đặt tên gì cho nó hết. Chị đặt đi.

– Đặt là Lara được không? Cái tên ấy nghe đẹp lắm…

– Tuỳ chị.

Thế là đứa trẻ có cái tên là Lara.

° ° °

Trong cuộc đời Lara, không có ai săn sóc hoặc chiều chuộc cô bé. Nhà trọ đầy chật những người khách đàn ông và họ đều bận tối mắt tối mũi vào việc kiếm sống. Người duy nhất chăm lo cho Lara là Bertha, một phụ nữ gốc Thuỵ Điển to lớn, được lão McAllister thuê để làm công việc lau dọn các phòng và cơm nước cho khách, thay thế Peggy.

James ôm chặt ý nghĩ rằng đứa trẻ chẳng quan hệ gì đến ông hết. Số phận đen đủi đã giáng xuống đầu ông thêm một đòn ác hiểm nữa, là đã không cho con bé chết đi. Buổi tối, ông ngồi trong phòng khách, bên chai rượu Whiskey, than vãn:

– Số phận cướp đi của ta cô vợ và thằng con trai!

– Anh đừng nói thế, James

Chứ còn gì nữa? Nếu thằng con trai tôi còn, lớn lên nó sẽ là đứa giỏi giang. Nó sẽ giầu có và nuôi bố nó lúc tuổi già.

Khách trọ bèn bỏ mặc ông lầu bầu, than thở.

James nhièu lần tìm cách liên hệ với bố vợ, hy vọng ông già Maxwell sẽ thương đứa cháu ngoại mà đem nó về nuôi. Nhưng ông già không đáp lời gì hết.

Và James thầm nghĩ, giá đứa con gái chết đi được thì may cho mình quá.

° ° °

Glace Bay là một thị trấn nghỉ chân và khách trọ liên tiếp đến rồi lại đi. Họ từ Pháp, Trung Hoa, Ucren… Họ là người Italia, người Ailen, người Hy Lạp… là thợ mộc, thợ may, thợ hàn, thợ giầy. Họ chen chúc đến nghỉ tại các phố Chính, phố Chuông, phố Bắc, phố Biển, ngay gần bờ biển. Họ đến đây để vào làm trong hầm mỏ, cưa xẻ gỗ và đánh cá.

Glace Bay là thị trấn biên phòng, hẻo lánh và tồi tàn. Khí hậu ở đây thật khủng khiếp. Mùa đông, tuyết rơi liên miên và phủ kín cho đến tận tháng Tư.

Do băng ngoài biển mãi không tan cho nên đến tháng Năm trời vẫn lạnh và nhiều gió. Sang tháng Bảy trời lại bắt đầu mưa không ngớt, cho đến tháng Mười.

Thị trấn có mười tám nhà trọ, một số chứa được tới bảy mươi hai khách. Nhà trọ James Cameron làm quản lý chứa được hai mươi tư khách, đại đa số là dân gốc Scotland.

Bé Lara đói tình cảm. Em không có đồ chơi, không có búp bê để ôm ấp và cũng không có bạn. Em chỉ có mỗi một người bên cạnh là bố. Em tự tạo ra những món quà nhỏ tặng bố bởi em rất muốn được chiều bố, nhưng James không thèm biết đến, thậm chí còn chế nhạo con gái.

Năm Lara lên năm, em nghe lỏm thấy bố nói với đám khách trọ:

– Đứa đáng sống thì lại chết. Đứa đáng chết thì lại sống? Giá như thằng con trai tôi sống thì hay biết mấy.

Tối hôm đó Lara khóc mãi cho đến lúc mệt quá ngủ thiếp đi. Em yêu bố bao nhiêu. Nhưng em cũng căm ghét bố không kém.

Năm Lara lên sáu tuổi, em giống như trong tác phẩm của danh hoạ Keane, mắt rất to và da mặt xanh xao, gầy. Năm đó có một khách trọ đến, tên là Mungo McSween. Vóc người ông ta to lớn như con gấu. Ông ta lập tức mến đứa trẻ.

– Tên bé là gì?

– Lara.

– Bé có cái tên đẹp lắm. Thế bé đi học chưa?

– Đi học ạ? Chưa.

– Sao lại chưa?

– Cháu không biết.

– Vậy hả? Thế thì ta sẽ hỏi xem. Ông già đến gặp James Cameron.
– Tôi hỏi cháu, thấy nó không đi học.

– Sao nó lại phải đi học? Nó chỉ là con gái. Không cần phải đi học.

– Ông nghĩ thế là sai rồi. Phải cho nó đi học. Sau này còn có cơ hội trong đời.

– Quên chuyện ấy đi? – James nói. – Phí công.

Nhưng McSween không chịu quên và cuối cùng ông làm cho James phải đồng ý. Thôi cũng được, càng đỡ phải thấy mặt con bé mỗi ngày được vài tiếng đồng hồ.

° ° °

Nghe nói phải đi học, Lara hốt hoảng. Từ khi ra đời em chỉ sống với toàn người lớn, chưa hề tiếp xúc với một đứa trẻ nào.

Thứ hai sau, cô Bertha to lớn đưa bé Lara đến Trường sơ đẳng Saint Anne và dẫn vào văn phòng bà hiệu trưởng.

– Đây là cháu Lara Cameron.

Bà hiệu trưởng tên là Cummings, trung niên, tóc hoa râm, goá chồng và nuôi ba đứa con. Bà chăm chú ngắm đứa trẻ ăn mặc luộm thuộm đứng trước mặt bà.

– Lara à? Cái tên đẹp đấy, – bà mỉm cười nói. – Em lên mấy rồi?

– Sáu ạ bé đang cố ghìm để nước mắt khỏi trào ra. Nó đang sợ, bà Cummings thầm nghĩ:
– Thôi được. Cô rất mừng thấy em đến đây, Lara. Ở đây em sẽ vui và biết thêm được nhiều thứ.

– Cháu không ở lại đây đâu! – Lara oà khóc.

– Tại sao?

– Bố cháu sẽ nhớ cháu lắm, – bé đã kiên quyết nín khóc.

– Thôi được. Cô chỉ giữ em ở đây mỗi ngày vài tiếng đồng hồ thôi.

Lara theo bà hiệu trưởng vào một lớp học đông chật trẻ con và được bà xếp ngồi tít tận cuối lớp.

Cô giáo Terkel đang mải viết chữ lên bảng đen.

– A là cái áo, – cô giảng. – B là con bò, em nào biết C là cái gì không? Một cánh tay xinh xắn giơ lên:
– Quả cam ạ.

– Tốt lắm. Còn chữ D

– Con dê ạ.

– Chữ E?

– Em bé.

– Giỏi lắm. Có em nào biết chữ nào bắt đầu bằng chữ Đ không? Lara giơ tay:
– Đéo!

° ° °

Lara ít tuổi nhất trong lớp nhưng cô giáo Terkel cảm thấy về nhiều phương diện em già dặn nhất.

Một sự già dặn đáng lo ngại.

– Nó là người lớn trong cái vóc nhỏ. Nó đang chờ để có cao lên thôi, – bà hiệu trưởng Cummings nói với cô giáo.

Buổi học đầu tiên, đến giờ nghỉ giải lao để ăn trưa, các trẻ khác đều lấy trong xắc ra những gói giấy đủ loại mầu sắc, lôi ra nào táo, bánh quy, bánh mì kẹp thức ăn bọc trong giấy bóng.

Không ai nghĩ đến chuyện chuẩn bị thức ăn cho bé Lara ăn trưa.

– Thức ăn của em đâu, Lara? – Cô giáo Terkel hỏi.

– Em không đói, – Lara bướng bỉnh đáp. – Sáng nay em ăn nhiều rồi.

Hầu hết trẻ gái trong trường đều mặc đẹp, váy áo sạch sẽ. Váy áo Lara thì vừa xấu vừa bẩn. Em đến gặp bố.

– Con cần quần áo để đi học, bố ạ, – Lara nói.

– Vậy hả? Tao không có tiền. Mày đến Đoàn Cứu trợ mà xin.

– Đấy là nơi từ thiện, bố ạ.

Thế là bé bị bố giáng một cái tát tai giữa mặt.

° ° °

Trẻ học trong trường chơi các trò chơi mà Lara chưa bao giờ được thấy. Chúng đều có búp bê, có đồ chơi và nhiều đứa cho Lara cùng chơi nhưng em đau lòng thấy không có thứ gì là của em cả. Không phải chỉ có vậy.

Trong vài năm tiếp đó, Lara phát hiện ra một thế giới khác, thế giới của những đưa trẻ có cha có mẹ và được cha mẹ tặng quà cho chúng vào những bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật. Những cha mẹ đó yêu chúng, luôn nhấc bổng chúng lên, và hôn chúng. Và lần đầu tiên Lara hiểu ra rằng cuộc đời của em thiếu rất nhiều thứ. Điều đó khiến em càng cảm thấy mình cô đơn.

Nhà trọ cũng là một kiểu trường học. Đây là một thứ thế giới thu nhỏ lại. Lara biết căn cứ vào tên người để biết được họ thuộc dân tộc nào trên thế giới.

Tên là Mac thì tức là gốc Scotland… Tên là Hodder và Pyke tức là dân vùng đảo của Canada… tên là Chiasson và Aucoin tức là gốc Pháp… Dudash và Kosick là gốc Ba Lan..

Khách đến trọ là dân vô nghề nghiệp, hoặc là đánh cá, thợ mỏ, lái buôn. Sáng sáng họ tụ tập trong phòng ăn để ăn điểm tâm và tối tối để ăn bữa tối.

Lara rất say sưa nghe họ bàn luận với nhau về đủ mọi thứ. Mỗi nhóm đều có một kiểu ngôn ngữ bí hiểm riêng của họ.

Trong vùng Nova Scotia có hàng ngàn dân vô nghề nghiệp rải rác khắp bán đảo. Họ đều ăn mặc luộm thuộm và mốc meo. Họ nói rất nhiều thứ Lara không hiểu gì hết.

Một lần một người thợ mộc tuyên bố trong phòng ăn:

– Năm nay bọn tôi phải làm được đến hai trăm triệu thanh?

– Thanh là gì hả bác? – Lara hỏi. Mọi người cười vang.
– Thanh là thanh gỗ ấy. Sau này cháu lấy chồng muốn làm ngôi nhà năm phòng thì cháu phải cần đến những thanh gỗ ấy! – Một bác thợ nói.

– Cháu sẽ không lấy chồng đâu, – Lara thề.

Đám dân đánh cá lại có kiểu nói khác. Mỗi lần đi biển về họ lại sôi nổi bàn tán về biển khơi. Người này tìm ra được một phương pháp nuôi sò huyết trên hồ Bras d Or, người kia có kinh nghiệm tìm nơi nào sẵn cá hồi hoặc cá trích để đánh bắt.

Nhưng đám khách trọ thu hút chú ý của Lara nhiều hơn cả là thợ mỏ. Trong Mũi Breton có tới 3.500 người làm trong các mỏ than Lingan, Prince và Phalen. Lara thích những cái tên mỏ. Có nhiều cái tên nghe rất hay: Ngày Vui, Cơ Hội Cuối Cùng, Kim Cương Đen, Phu Nhân, Hạnh Ngộ…

Em cũng say mê lắng nghe họ trao đổi về công việc.

– Mình nghe đồn về thằng cha Mike rồi. Có đúng thế không?
– Đúng đấy. Toa xo goòng đổ và đè vào chân nó, thế là bị nhiễm trùng nặng và phải cưa… Bao nhiêu điều em chỉ hiểu được lờ mờ và nhiều khi mãi sau mới hiểu ra.

° ° °

Năm Lara đủ mười lăm tuổi, em vào học trường Trung học St. Michael. Trông Lara ngộc nghệch, hai chân dài ngoẵng, mái tóc đen để xoã, cặp mắt mầu tro thông minh, quá to so với khuôn mặt gầy choắt.

Khó ai có thể đoán cuộc đời cô bé sau này sẽ ra sao.

Cô đang ở tuổi dậy thì. Lúc này cơ thể đang chuyển biến mạnh, cô bé có thể đẹp mà cũng có thể xấu.

Trong con mắt của James thì con gái ông hết sức xấu.

– Hễ có đứa ngu xuẩn nào muốn lấy mày thì vội mà nhận ngay đi kẻo rồi thành gái già đấy. Trông mày như thế kia thì có đứa nào con nhà hẳn hoi nó thèm lấy?

Nghe bố đay, Lara chỉ đứng im, không nói năng gì hết.

– Và hãy bảo nó biết là đừng hòng tao cho vợ chồng mày được một xu.

Ông Mungo McSween vừa vào phòng. Ông đã nghe thấy điều James vừa nói, ông rất cáu.

– Thôi, tao nói thế đủ rồi, – James Cameron quát. – Cút xuống bếp? Lara chạy biến đi.
– Sao anh lại nói với con gái anh câu ấy, James? – Mc Sween hỏi. James ngẩng đầu lên, cặp mắt lờ đờ:
– Không phải việc của ông!

– Anh lại say rồi đấy, James?

– Đúng thế. Ở đây còn có gì thú hơn là nốc rượu? Không có gái không có rượu thì còn sống làm cái gì

McSween xuống bếp, thấy Lara đang rửa bát đĩa. Mắt em đỏ ngầu vì khóc.

– Cháu đừng buồn. Bố cháu say thôi, có biết nói gì đâu.

– Bố cháu ghét cháu.

– Không phải thế đâu.
– Chưa bao giờ bố cháu nói một câu ngọt ngào với cháu. Chưa bao giờ. McSween không còn biết đáp sao nữa.

° ° °

Mùa hè, khách du lịch từ khắp nơi kéo đến Glace Bay. Họ đến trong những chiếc xe hơi đắt tiền, mặc những bộ áo quần đẹp, đi dạo mua bán dọc phố Castle và ăn trong các nhà hàng Cedar, Jasper, tham quan bãi biển Ingonish, Mũi Smoky, Đảo Chìm. Họ như là ông thần bà thánh từ một thế giới hoàn toàn khác.

Lara nhìn họ mà thèm và khi hết mùa hè, họ ra đi, cô bé chỉ muốn trốn theo họ. Nhưng không biết thực hiện bằng cách nào.

Lara đã được nghe những câu chuyện về ông ngoại Maxwell. Cha cô luôn phàn nàn với bất kỳ người khách trọ nào muốn nghe ông kể lể:

– Lão già bố vợ tôi đúng là táng tận lương tâm. Lão giầu nứt đố đổ vách vậy mà không chịu thí cho con gái lão một xu. Lão tưởng làm như thế Peggy sẽ bỏ tôi ngay, nhưng ngược lại tôi hết lòng chăm lo cho cô ây Thế là Lara mơ mộng tới một ngày kia ông ngoại sẽ đến tìm cháu và dẫn Lara đến những thành phố lộng lẫy mà cô đã nghe nói đến: London, Rome và Paris. Mình sẽ có quần áo đẹp. Hàng trăm bộ và rất nhiều giầy dép.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.