Sao Chiếu Mệnh

Chương 8



Howard Keller được trao đôi găng và bộ đồng phục cầu thủ bóng chày năm lên sáu tuổi. Howard mê bóng chày. Cậu có biệt tài nhớ tên các cầu thủ và bàn thắng thua của họ trong những trận đấu xảy ra từ trước khi cậu ra đời. Cậu được khá nhiều tiền do thắng những trận đánh đố giữa các bạn học.

Chẳng hạn câu đố:

– Trận chung kết bóng chày toàn nước Mỹ năm 1947?

– Dễ ợt, – Howard nói. – Cầu thủ: Newcombe, Roe, Hatten và Branca bên đội Dodgers. Reynolds, Raschi, Byrne và Lopat bên đội Yankees.

– Đúng, – một bạn đố thêm: – Ai đạt nhiều điểm nhất trong lịch sử bóng chày? – Cậu ta cầm cuốn Guinees trong tay, mở mục kỷ lục về bóng chày ra kiểm tra.

Howard không thèm suy nghĩ nói luôn:

– Lou Gehrig: 2.130 điểm.

Tiếng đồn lan truyền rất rộng về thành tích bóng chày của đội nhi đồng này, đặc biệt là của “thần đồng” Howard Keller. Danh tiếng vang dội đến tai những hướng đạo sinh chuyên nghiệp và họ tìm đến tận sân bóng nhi đồng ở Chicago để xem thực hư thế nào. Và họ đã thật sự kinh ngạc.

Năm Howard mười bảy tuổi thì anh đã thành một tiểu danh thủ đầy triển vọng với bao lời tiên đoán về vị trí ngôi sao trong làng bóng chày nước Mỹ. Cha anh rất tự hào về con trai.

– Nó giống tôi đấy. Hồi còn ở tuổi thiếu niên tôi cũng chơi bóng chày rất giỏi.

Trong năm học cuối cùng ở trường trung học, Howard chơi cho đội tuyển của thành phố và được tài trợ của Liên đoàn bóng chày Hoa Kỳ, suốt cả mùa hè. Anh còn được nhận làm chân thư ký cho nhà băng, chủ là một người hào hiệp và mê bóng chầy, chuyên tài trợ cho các đội bóng có triển vọng.

Hồi ấy Howard thân với cô bạn xinh đẹp cùng lớp tên là Betty Quinlan. Họ dự tính sau khi tốt nghiệp đại học sẽ làm lễ thành hôn. Betty cũng rất mê bóng chầy và Howard có thể nói chuyện với người yêu hết tiếng đồng hồ này sang tiếng đồng hồ khác về môn thể thao này.

Betty thích bóng chầy nhưng không đến nỗi có thể nghe Howard nói liên miên và say sưa như thế được. Nhưng vì yêu anh nên cô chịu lắng nghe. Tuy nhiên, câu chuyện của Howard còn kèm thêm nhiều giai thoại lý thú về bóng chầy và các cầu thủ của nó, cho nên đôi khi cũng thật hào hứng.

Một hôm Howard về nhà cùng với người bạn trai thân nhất cửa anh tên là Jessy, cũng là cầu thủ trong đội ở nhà đã sẵn hai lá thư đang chờ anh. Một lá của trường đại học Princeton và một của trường Harvard. Cả hai trường đều nhận cấp học bổng cho anh vào học và tham gia đội bóng chày của trường.

– Lạy Chúa! – Jessy reo lên, mừng cho bạn. – Chúc mừng cậu, Howard! Tuyệt quá rồi! – Jessy rất khâm phục và yêu mến bạn.

Cha Howard hỏi con trai:

– Con thích nhận lời của trường Đại học nào trong hai trường ấy?

– Con học đại học làm gì? Con có thể tham gia một trong những đội bóng chày xuất sắc nhất của Hoa Kỳ.

Mẹ anh nói:

– Con còn trẻ, còn nhiều thời gian để chơi bóng và trở thành danh thủ. Nhưng trước hết con phải tốt nghiệp đại học đã. Khi đó, nếu không thành đại danh thủ bóng chầy con cũng tha hồ tìm công việc khác để làm.

– Mẹ nói đúng, – Howard nói. – Vậy thì con chọn đại học Harvard. Betty học ở Wellesley và hai chúng con sẽ có điều kiện gặp nhau luôn.

Betty Quinlan rất mừng nghe Howard báo tin là anh đã quyết định chọn đại học Harvard.

– Nếu vậy thì kỳ nghỉ cuối tuần nào hai chúng mình cũng sẽ gặp nhau. Còn Jessy thì nhăn nhó:
– Vậy là mình phải xa cậu mất rồi, Howard.

Hôm sau, cái ngày lẽ ra Howard Keller lên trường đại học thì hôm trước cha anh bỏ nhà đi cùng với cô nữ thư ký của một trong những sếp của ông.

Howard rất đỗi kinh ngạc.

– Tại sao cha lại làm như thế? Mẹ anh choáng váng.
– Ông ấy. Ông ấy muốn thay đổi cuộc sống, – bà rên rỉ. – Cha vẫn yêu mẹ đến thế kia mà, tại sao có thể xảy ra chuyện này được? Mẹ tin cha chỉ đi ít ngày thôi, rồi sẽ lại trở về nhà với mẹ con mình. Rồi con sẽ thấy, Howard…

Hôm sau mẹ anh nhận được thư của một luật sư báo tin là khách hàng của ông, Howard Sr. Keller đã đệ đơn li hôn và vì ông không có khả năng chu cấp cho vợ con, ông đề nghị nhường quyền hoàn toàn sử dụng ngôi nhà nhỏ hiện bà đang ở cho bà và con trai.

Howard ôm và đỡ mẹ trong vòng tay anh, thương xót.

– Mẹ đừng khóc nữa. Mẹ yên tâm, con không đi học đâu. Con sẽ ở nhà chăm sóc mẹ.

– Không. Mẹ muốn con phải đi. Con phải tốt nghiệp đại học. Ngay khi sinh con, cả cha lẫn mẹ đều bàn nhau là bằng mọi giá con phải tốt nghiệp đại học… – rồi bà lấy giọng thanh thản, nói tiếp. – Thôi, chuyện này sáng mai ta sẽ bàn. Lúc này mẹ rất mệt, mẹ cần phải đi nghỉ.

Đêm hôm đó Howard thức trắng, suy nghĩ xem nên làm thế nào, chọn hướng nào trong hai hướng đi ấy ở nhà chăm sóc mẹ hay học đại học? Hay là nhận lời tham gia đội bóng chày lớn để trở thành danh thủ sau này? Tuy nhiên anh thấy bổn phận làm con không cho phép anh bỏ mẹ lại một mình ở đây không ai chăm sóc. Trời đã sáng mà Howard vẫn còn phân vân.

Không thấy mẹ xuống nhà ăn điểm tâm. Howard vội chạy lên tìm thì thấy bà ngồi tựa lưng vào thành giường, không cử động được và một bên mặt méo xệch. Bà vừa bị xuất huyết não. Không có tiền để trả bác sĩ và tiền phòng bệnh viện, Howard đành nhận vào làm chính thức ở nhà băng. Hàng ngày ở nhà băng về, việc đầu tiên của anh là chạy lên gác xem mẹ thế nào.

Xuất huyết não của mẹ anh không trầm trọng lắm bác sĩ bảo Howard rằng ít lâu nữa mẹ anh sẽ bình phục. Các đội bóng lớn vẫn liên tiếp gọi điện giục anh đến gặp họ và gia nhập đội của họ, nhưng Howard không thể bỏ mặc mẹ được. Anh tự nhủ: Để bao giờ mẹ hồi phục đuợc đã.

Hoá đơn thuốc vẫn cứ mỗi ngày một nhiều thêm.

Thời gian đầu mỗi tuần anh nói chuyện điện thoại một lần với Betty Quinlan, nhưng rồi những lần trò chuyện điện thoại như thế cứ thưa dần.

Mẹ Howard xem chừng không thấy khá hơn. Howard lo lắng hỏi bác sĩ:

– Bao giờ thì mẹ cháu hồi phục hoàn toàn?

– Trường hợp của bà rất khó đoán trước. Có thể hàng tháng mà cũng có thể hàng năm. tôi rất tiếc là không thể nói chính xác với cậu được.

Một năm trôi qua rồi lại năm nữa. Howard vẫn ở nhà với mẹ và làm thư ký cho nhà băng. Một hôm anh nhận được thư của Betty Quinlan báo tin cô đã yêu người khác và cô chúc mẹ anh chóng phục hồi sức khỏe. Những cú điện thoại của các nhà tài trợ môn bóng chầy cũng thưa dần.

Bây giờ Howard hoàn toàn chỉ tập trung vào việc chăm sóc mẹ. Anh đi chợ, nấu ăn, giặt giũ. Anh không còn bụng dạ nào nghĩ đến bóng chầy. Cuộc sống khó khăn và anh phải vất vả mới sống được qua ngày.

Đến khi mẹ anh mất, sau đấy bốn năm, Howard hoàn toàn không quan tâm gì đến bóng chầy nữa.

Bây giờ anh đã thành chuyên gia ngân hàng.

Bao cơ hội nổi danh của anh đều đã trôi qua và niềm mơ ước thuở nhỏ đã tan thành mây khói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.