Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt

Khác biệt 9



KINH DOANH KHÔNG PHẢI LÀ CHIỀU THEO Ý KHÁCH HÀNG
Trong khi mọi người mải mê chạy theo đủ mọi thứ thị hiếu hiện tại và tìm cách thỏa mãn khách hàng bằng những nghiên cứu thị trường, Steve lại phủ nhận tất cả lý thuyết đó bằng cách làm những sản phẩm tưởng như “điên rồ” nhưng cuối cùng tất cả đều phải thừa nhận những điên rồ ấy chính là tương lai của toàn bộ ngành công nghiệp điện tử.

GÃ ĐỘC TÀI NHÌN XA TRÔNG RỘNG CEO CHÍNH THỨC CỦA APPLE

Bài diễn văn khai mạc của Steve Jobs tại Macworld vào tháng 1/2000 là một mốc son vì hai lý do.

Đầu tiên, sau hơn ba năm quản lý Apple, ông tuyên bố sẽ chấp nhận vị trí hiện tại và trở thành CEO chính thức của công ty. Hãy nhớ ông chỉ là CEO tạm quyền cho tới thời điểm này, vì không muốn gây phiền lòng cho các cổ đông của Pixar hay Apple khi đồng thời làm CEO của cả hai công ty đại chúng. Nhưng thời gian đã chứng tỏ đây không phải là vấn đề: Pixar được quản lý tốt bởi Ed Catmull và John Lasseter, và đã cho ra hai bộ phim thành công kể từ sau Câu chuyện đồ chơi, là Cuộc Đời Bầy Kiến và Câu chuyện đồ chơi 2. Vai trò chính của ông tại Pixar là đàm phán với Disney, điều cho phép ông có tương đối nhiều thời gian để điều hành Apple. Ông đã biến công ty ở Cupertino thành người đi đầu về cải tiến máy tính, liên tục làm mới dòng sản phẩm và tiên phong trong các công nghệ mới.

Khi công chúng phía dưới nghe tin này, mọi người đều bật dậy và chúc mừng cho nhà lãnh đạo yêu quý của mình. Rõ ràng, cộng đồng Apple phải biết ơn Steve vì đã cứu sống công ty yêu thích của họ.

HỆ ĐIỀU HÀNH MỚI MAC OS X

Nhưng tin tức lớn nhất có lẽ là thông tin công bố về hệ điều hành mới của Apple, Mac OS X.

Mac OS X là kết quả ba năm làm việc cật lực của tất cả các kỹ sư phần mềm Apple để đưa NeXTSTEP vào nền tảng Mac. Hệ điều hành mới này giống như một phiên bản tiến hóa của Mac OS, nhưng những người quen thuộc với NeXTSTEP cũng vẫn không cảm thấy xa lạ.

Hãy cùng xem qua về cấu trúc của hệ điều hành này để xem chúng tôi định nói gì.

Nhân UNIX của hệ điều hành được đặt tên Darwin, và dựa trên Mach, một công nghệ nhân hiện đại do Avie Tevanian tại Carnegie Mellon phát triển và là nền tảng của NeXTSTEP.

Darwin giải thích tại sao Mac OS X lại bảo vệ bộ nhớ và đa nhiệm ưu tiên, cho phép nhiều ứng dụng chạy cùng một lúc mà không làm đơ hệ thống. Nó còn cung cấp khả năng kết nối mạng rất hiện đại, không giống như Mac OS cũ.

Đồ họa 2D dựa trên PostScript, cũng giống như NeXTSTEP, cho phép chống răng cưa phông chữ đẹp và kết xuất PDF trực tiếp. Tuy nhiên, đồ họa 3D, không giống NeXTSTEP, dựa trên chuẩn mực phổ biến nhất, OpenGL, chứ không phải trên phần mềm kết xuất đồ họa RenderMan của Pixar. Và nền tảng đa phương tiện là QuickTime của Apple, một công nghệ Mac cũ được đưa vào hệ điều hành mới.

Phát triển ứng dụng hướng đối tượng, lý do tồn tại của NeXTSTEP và cũng chính là lợi thế cạnh tranh của nó, dĩ nhiên cũng có thể thực hiện trên OS X, nhưng đòi hỏi phải viết lại toàn bộ ứng dụng. Vì thế, Apple đã cung cấp một môi trường có tên Carbon để các ứng dụng Mac cũ có thể dễ dàng sao chép vào – OS X thậm chí còn hỗ trợ các ứng dụng này chạy mượt trong môi trường thứ ba với tên gọi Classic. Mặc dù Classic không hỗ trợ bất kỳ lợi ích nào của OS X, nhưng nó cần thiết để chuyển hoàn toàn từ Mac OS sang OS X hoàn toàn mới.

Tất cả những công nghệ hiện đại này (đa số đã sẵn có trên NeXTSTEP từ hơn một thập niên) điều cần thiết, nhưng những gì người dùng quan tâm nhất là giao diện người dùng hoàn toàn mới của OS X, giao diện Aqua. Thực tế, đó chính là giao diện Aqua mà Steve Jobs giới thiệu tại Macworld 2000, kể từ sau hơn hai năm các công nghệ OS X này được biết đến trong giới các nhà phát triển, và hệ điều hành thực tế phải mất hơn một năm nữa mới ra mắt.

Aqua là giao diện người dùng mới và cách mạng, đưa Mac OS và thậm chí NeXTSTEP lên một cấp độ hoàn toàn mới. Giao diện sử dụng màu đục thay vì màu xám đậm, các vòng tròn thay cho các góc cạnh, bóng và nửa trong suốt. Thực tế, lý do nó được gọi là Aqua vì đó là thứ “bạn muốn liếm thử”.

Mac OS X “xuất xưởng” ngày 24/3/2001, và trở thành động lực chính trong sự hồi sinh và thành công hiện nay của Apple. Thời thế thay đổi không ngờ: Apple cuối cùng lại được NeXT cứu sống, một công ty được tạo ra để đánh bại nó bởi một Steve Jobs đang trong cơn giận dữ.

CHIẾN LƯỢC TÍCH HỢP KỸ THUẬT SỐ

Cái gọi là chiến lược Trung tâm số của Apple cũng xuất hiện năm 2000, mặc dù chỉ được công bố một năm sau đó, tại Macworld San Francisco năm 2001.

Chiến lược Digital Hub đặt cược vào tương lai của máy tính cá nhân, đi ngược lại với niềm tin chung đã phát triển tới cuối những năm 1990. Nhiều nhà phân tích hào hứng với thành công của Internet tới mức họ đã tin rằng máy tính cá nhân sẽ sớm biến mất. Nó sẽ tiến hóa thành một thiết bị đầu cuối mà mục đích duy nhất sẽ là tiếp cận toàn bộ các dạng nội dung trên web. Mọi người đều đồng thuận, tình trạng hiện nay của PC là những chiếc máy ngớ ngẩn và nhàm chán, và mọi cải tiến ở ngành này đã dừng lại ở đây.

Steve Jobs và Apple lại nghĩ khác. Họ là một trong số rất ít người tuyên bố hoàn toàn ngược lại: PC có một tương lai rất sáng sủa. Như cách nói của họ, PC đã tiến hóa qua nhiều năm từ thời kỳ năng suất, những năm 1980, khi người ta sử dụng nó để làm bảng tính và cơ sở dữ liệu tới thời mạng máy tính, những năm 1990, khi nó được nối với Internet; và bây giờ, đầu những năm 2000, đang bước vào thời kỳ thứ ba: thời kỳ cuộc sống số.

Người tiêu dùng bắt đầu sử dụng nhiều hơn tất cả các dạng thiết bị số: máy quay số, máy ghi âm, máy chơi nhạc số, thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân (PDA)… Nhưng những thiết bị này sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu không có máy tính. Máy tính cá nhân sẽ trở thành trung tâm hay tụ điểm số của cuộc sống số mới này, giúp cho tất cả các sản phẩm – âm nhạc, tranh ảnh, phim, liên lạc, dữ liệu – có thể liên kết lại với nhau.

Có lẽ nên ngừng lại và nhìn lại điều này một chút. Hãy xem, chính những quyết định như vậy đã chứng minh cho tầm nhìn xa trông rộng về công nghệ cao của Steve Jobs. Dĩ nhiên, không phải lúc nào ông cũng đúng: ông chưa bao giờ tin vào thành công của Pixar trong việc sản xuất phim hoạt hình cho tới tận những tháng cuối cùng trước khi Câu chuyện đồ chơi khởi chiếu. Ông cho rằng NeXT sẽ trở thành một chuẩn mực mới trong máy tính cá nhân và RenderMan của Pixar sẽ cho phép những người dùng bình thường vẽ các đồ vật 3D dễ dàng như trình bày và in một bản tin thư. Ông cũng sản xuất những chiếc máy tính đã thất bại thảm hại, từ NeXT Cube cho tới G4 Cube, ra mắt tháng 7/2000, và phải ngừng lại chỉ một năm sau đó. Nhưng có những thời điểm trong sự nghiệp ông lại thấy rất rõ về tương lai: dĩ nhiên, trước hết là tương lai với máy tính cá nhân, điều đã đưa ông tới thành lập Apple. Sau đó là với giao diện đồ họa người dùng, và sau nữa là xuất bản màn hình, trên máy Macintosh nguyên bản. Đến giờ, chúng ta có thể nói chắc chắn chiến lược trung tâm số lại một lần nữa thể hiện tầm nhìn tuyệt vời, tầm nhìn đã biến Apple từ một công ty máy tính chỉ chuyên phục vụ thị trường ngách thành công xưởng máy tính/âm nhạc/điện tử dân dụng như ngày nay.

Nhìn lại thành công này, Steve đã tổng kết tất cả lại trong những câu nói đặc biệt ấn tượng:

Điều tuyệt vời là DNA của Apple vẫn không thay đổi. Nơi Apple đang đứng trong hai thập niên qua cũng chính là nơi công nghệ máy tính và thị trường điện tử dân dụng gặp gỡ. Vì thế nó không giống như chúng ta phải vượt qua con sông để đi tới nơi khác; mà bờ bên kia con sông đang tự đến với chúng ta.

Steve Jobs trong How Big Can Apple Get?, tạp chí Fortune, tháng 2/2005

Thực tế, nếu bạn nhìn lại những gì khơi nguồn cảm hứng cho Steve Jobs, sẽ thấy đó là tính đơn giản, dễ sử dụng, dùng máy tính để làm những công việc sáng tạo, và giúp cho cuộc sống của bạn thuận tiện hơn. Ông luôn ngưỡng mộ

Sony, mà ông phải biết ơn vì hãng này đã tạo ra ngành điện tử dân dụng… theo cái cách mà ông luôn mường tượng chính là những gì Apple đang làm hôm nay, và trang bị sẵn sàng cho công ty với thực tế đó, thậm chí một cách vô thức.

Bắt đầu với iMovie, một ứng dụng biên tập phim kỹ thuật số mà Apple giới thiệu năm 1999. Đối lập với chiến lược trung tâm số, ai đó có thể nghĩ rằng iMovie là một trong những tầm nhìn sai lầm của Steve. Ông nghĩ “phim màn hình”, khả năng quay phim với thiết bị quay phim kỹ thuật số và biên tập lại trên máy tính, sẽ là điều quan tâm tiếp theo trong máy tính cá nhân, giống như “cuộc cách mạng in màn hình tiếp theo”. Đó là một trong những điểm chính của ông khi giới thiệu chiếc iMac DV vào cuối năm 1999.

Nhưng cũng rất nhanh chóng ông đã nhận ra sai lầm của mình. Người dùng không đổ xô mua màn hình phim như ông kỳ vọng, và dĩ nhiên người dùng PC sẽ không chuyển sang Mac chỉ để dùng iMovie. Tuy nhiên, họ thường lên mạng để tải nhạc về trên Napster, khi vấn đề bản quyền kỹ thuật số thực sự bắt đầu nổi lên giữa lúc chuyển giao giữa hai thế kỷ.

Đây là điểm khởi đầu của chiến lược trung tâm số. Các nhà phát triển phần mềm của Apple bắt đầu xây dựng một số ứng dụng cuộc sống số mới, như iDVD, để ghi phim ra đĩa DVD, và đặc biệt là iTunes, trình quản lý và chơi các tập tin đa phương tiện kỹ thuật số. Ứng dụng iTunes thực ra được viết xong trong chưa đầy năm tháng, chứng tỏ Steve sốt ruột như thế nào khi ông nhận thấy Apple đã quá chậm trong cuộc cách mạng nhạc số. Trên thực tế, công ty không bắt đầu lại từ đầu, mà mời về một nhà phát triển bên ngoài cũng đang phát triển một dạng phần mềm tương tự để tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, Cupertino không dự định phát triển mọi ứng dụng cuộc sống số một mình. Dù sao, họ vẫn còn khối việc phải làm để đưa hệ điều hành mới của mình ra thị trường. Đó là lý do tại sao họ tìm đến một trong những đối tác phần mềm chính, Adobe, nhà sản xuất phần mềm Photoshop, và đề nghị họ phát triển một phiên bản phổ thông phần mềm biên tập ảnh của họ cho Mac.

Trước sự ngạc nhiên của Apple, Adobe đã từ chối bởi công ty này không tin tưởng vào chiến lược trung tâm số và cũng đang gặp khó khăn trong việc đưa các ứng dụng hiện có của họ vào nền tảng OS X mới. Vì thế, Apple bắt đầu liên tục tung ra hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cái gọi là iApps.

iApps là bộ ứng dụng số sau này được phát triển thành iLife, thứ mà Apple quảng cáo là “Thoải mái dùng Microsoft Office cả đời”. Các ứng dụng có chung mục đích là biến cuộc sống thời kỹ thuật số của chúng ta trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh iMovie, iDVD và iTunes, iPhoto cũng xuất hiện năm 2002, sau đó một năm là iCal, GarageBand (để ghi âm và biên tập nhạc) năm 2004, và iWeb (để thiết kế trang web) năm 2006. Lý do Apple có thể phát triển những phần mềm đột phá nhanh như vậy chủ yếu là nhờ Mac OS X, với môi trường hướng đối tượng, thừa kế từ NeXTSTEP.

Mặc dù iApps thực sự là nền tảng cho vị thế đi đầu của Apple trong ngành điện tử dân dụng tương lai, nhưng đó vẫn không phải là những gì họ đang hướng tới. Chúng được định hướng là những ứng dụng “độc”, ví dụ như những ứng dụng sẽ thuyết phục khách hàng phải mua Mac mới có thể sử dụng. Chính xác hơn, chúng sẽ phục vụ mục đích lôi kéo người dùng Windows chuyển sang dùng Mac, bởi không có giải pháp cuộc sống số toàn diện tương tự như trên nền tảng của họ.

APPLE STORE – MỘT MÌNH MỘT CHỢ

Bản thân chiến lược trung tâm số cũng chỉ là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Steve nhằm mục đích cuối cùng là giành lấy thị phần trong thị trường máy tính cá nhân. Khi ông trở lại Apple, công ty ở Cupertino này vẫn chỉ chiếm quanh quẩn ở mức 5% thị trường PC, cho dù hầu hết các nhà phân tích ngành đều thừa nhận tính nổi trội của hệ điều hành, và những cải tiến trong phần cứng của Apple.

Một kế hoạch khác là chiến dịch quảng cáo truyền hình táo bạo có tên “Switchers”. Đoạn quảng cáo ghi lại cảnh một số người trước dùng PC sau chuyển sang Mac miêu tả sản phẩm đã giúp cuộc sống của họ giản tiện đi nhường nào. Mục tiêu của chiến dịch là khuyến khích những người đang cân nhắc chuyển sang dùng Mac nhưng lại do dự chưa dám mua, bằng cách chỉ cho họ hình ảnh thật của những người đã thay đổi và cảm thấy hài lòng.

Tuy nhiên, động thái chiến lược mạo hiểm nhất mà Apple tiến hành để lôi kéo người dùng Windows là để bước chân vào thị trường bán lẻ sản phẩm.

Có lẽ đây khó có thể coi là một lựa chọn sáng suốt. Một lần nữa, mọi người trong ngành đều có chung ý kiến rằng việc bán lẻ qua các cửa hàng thực đã hết thời. Mô hình mới thuộc về Dell, công ty duy nhất giao máy tính trực tiếp tới người tiêu dùng sau khi họ vào mua trực tiếp trên trang web của công ty. Một công ty tự đứng ra mở các cửa hàng máy tính, Gateway, thực tế đã phải đóng cửa vì chúng tốn quá nhiều chi phí ngầm.

Nhưng nhìn nhận của Steve lại khác. Ông hiểu người dùng Windows sẽ không cả thèm đếm xỉa đến Apple trừ khi họ tận mắt thấy Mac hoạt động và giúp họ quản lý cuộc sống số dễ dàng như thế nào. Ông hình dung ra những “cửa hàng phong cách sống” để trưng bày các sản phẩm của Apple đi kèm với các thiết bị số, mà khách hàng được cầm nắm và dùng thử ngay tại chỗ. Các cửa hàng này sẽ ở những vị trí thật đắt, trong những siêu thị nổi tiếng hay trung tâm của các khu mua sắm.

Để giúp tham gia ngành bán lẻ, Steve đã mời cựu giám đốc của Gap tham gia ban giám đốc Apple đầu năm 1999, sau đó tuyển thêm Ron Johnson từ Target cuối năm 2000. Sau vài tháng thử nghiệm, Apple đã khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên vào tháng 5/2001, thời điểm hậu khủng hoảng hậu bong bóng Interntet. Gần như mọi chuyên gia đều nhận định, đây sẽ là một sai lầm phải trả giá đắt…

CUỘC CÁCH MẠNG IPOD 1.000 BÀI HÁT TRONG TÚI BẠN

Mặc dù Mac OS X, chiến lược trung tâm số, phần cứng đột phá và các cửa hàng bán lẻ đều đóng vai trò góp phần vào sự phục hưng của Apple, nhưng chúng không phải là điều kiện đủ để mang đến thành công. Có thể bạn cũng biết, chiếc chìa khóa là một thiết bị nhỏ nhắn màu trắng sáng có kích thước bằng bao thuốc lá, iPod.

iPod dĩ nhiên là một phần thống nhất trong tầm nhìn của Apple về phong cách sống số. Khi họ nhìn vào bức tranh lớn này, họ nhận ra rằng, không giống như thị trường máy quay phim và máy ảnh số, thị trường máy chơi nhạc số vẫn chưa xuất hiện những sản phẩm thuyết phục đi đôi với Mac.

Từ đó ý tưởng sản xuất thiết bị “cây nhà lá vườn” như thế xuất hiện, vào đầu năm 2001, sau khi iTunes được giới thiệu và công ty bắt đầu tập trung vào cuộc cách mạng nhạc số.

Cũng giống như iTunes, Steve Jobs muốn nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường để bắt kịp với các hãng khác. Đó là lý do tại sao ông tìm đến một kỹ sư bên ngoài, nhà sáng lập PortalPlayer Tony Fadell, người trở nên nổi tiếng từ khi chào bán một nguyên mẫu chiếc máy chơi nhạc MP3 cho một số công ty điện tử dân dụng. Fadell gia nhập Apple tháng 2/2001, và chín tháng sau iPod mới bắt đầu được giao hàng, tức cuối tháng 10/2001, đúng thời điểm mùa nghỉ lễ.

Chiếc iPod đầu tiên khác với các đối thủ cạnh tranh ở một số điểm. Bên cạnh vẻ ngoài bóng bẩy, chiếc bánh trượt và giao diện người dùng giúp việc xem danh sách các bản nhạc trong bộ sưu tập trở nên rất dễ và nhanh; nó có một ổ cứng có thể lưu trữ tới 5GB, hay “một nghìn bài hát trong túi bạn”, dòng quảng cáo của Apple cho sản phẩm này; nó kết nối với Mac qua FireWire, nhanh gấp 30 lần so với một máy MP3 kết nối USB thông thường; và đồng bộ hoàn toàn với iTunes: bạn cần cắm vào và phần mềm sẽ tự làm phần còn lại.

Đơn giản không có một chiếc máy MP3 nào sánh được với bất kỳ điểm nào trong số các tính năng đột phá này. iPod nhanh chóng trở thành sản phẩm rất, rất hot trong giới yêu nhạc… và những kẻ ăn cắp bản quyền số. Nó cũng lập tức được thừa nhận là “máy chơi nhạc thời kỹ thuật số”, và ngay cả người dùng Windows cũng muốn bẻ khóa hay chuyển sang Mac chỉ để có thể sử dụng iPod.

Chính Apple cũng bối rối khi không biết phản ứng thể nào với thành công ngoài mong đợi này. Họ có thể quyết định tiếp tục hạn chế chỉ cho phép iPod kết nối với Mac, để nó lôi kéo người dùng PC chuyển sang; hay biến nó thành sản phẩm tương thích với Windows, để mở rộng đối tượng và chứng minh với những ai còn xa lạ với Apple rằng chất lượng của sản phẩm này tốt thế nào. Tại Macworld New York tháng 7/2002, Steve tuyên bố họ lựa chọn giải pháp thứ hai.

KHO ÂM NHẠC ITUNES

Khi Apple bước chân vào ngành âm nhạc với iPod, họ cũng bắt đầu quan tâm tới nội dung. Ở thời điểm đó, hầu hết mọi người đều hoặc là chép nhạc từ CD trên máy Mac hay tải nhạc một cách phi pháp qua mạng đồng đẳng (peer-to-peer). Nhận ra mình có thể đang ở vị thế độc nhất có thể làm việc này, Apple quyết định thử và đi đến cách xử lý phù hợp với luật pháp là xây dựng một kho âm nhạc trực tuyến. Họ đã có đủ kinh nghiệm làm như vậy nhờ chính cửa hàng trực tuyến nổi tiếng của mình trên trang apple.com, cũng như các đoạn quảng cáo phim mới trên QuickTime, tất cả dạy cho họ cách giải quyết việc tải hàng hoạt từ máy chủ của mình.

Hơn nữa, họ có thể đàm phán với các công ty âm nhạc bởi họ vẫn là một nhân tố thích hợp. Các công ty âm nhạc lớn đang cố chống lại Napster, nhưng họ miễn cưỡng phải mở các kho âm nhạc trực tuyến, do lo sợ Napster sẽ phá hủy mô hình kinh doanh hiện nay của họ. Nhưng iTune chỉ có thể chạy trên Mac, sản phẩm mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong thị trường PC – vì thế họ coi đề nghị của Apple là một cơ hội để thử nghiệm mô hình mới với ít rủi ro hơn.

Steve Jobs sử dụng các kỹ năng đàm phán của mình để các hãng đồng ý với một mức giá duy nhất: 0,99 đôla cho mỗi bài hát, và 9,99 đôla cho cả album. Mặc dù Apple sẽ không thu lợi gì nhiều từ iTunes Store, nhưng họ kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh thu từ iPod lên cao hơn, vì nhạc được mua sẽ chỉ mở được trên máy nghe nhạc của họ.

Ngày 28/4/2003, Steve công bố iTunes Music Store tại một sự kiện âm nhạc đặc biệt. Kết quả nhanh chóng vượt qua cả kỳ vọng cao nhất của công ty. Năm triệu bài hát được bán chỉ trong vòng tám tuần, và tiếp tục bán được tám triệu bài nữa trong 15 tuần sau đó, đưa thị phần của iTunes trong tải nhạc hợp pháp lên 70% – dù đó vẫn chỉ là nhạc tương thích với Mac!

THÀNH CÔNG NGOÀI MONG ĐỢI

Đây là mô hình khả thi nhất cho kinh doanh âm nhạc trực tuyến. Ai nấy đều hài lòng: các nhãn hiệu âm nhạc, người cuối cùng cũng tìm ra cách đánh bại Napster; Apple, với doanh thu iPod được thúc đẩy; và dĩ nhiên cả các khách hàng, bởi họ được cung cấp một cách hợp pháp và dễ dàng để sở hữu một bản nhạc. Kết quả là, các nhãn hiệu đồng ý để Apple mở rộng kinh doanh, và vào ngày 16/10/2003, Steve Jobs giới thiệu ứng dụng thứ hai của công ty dành cho Windows (đầu tiên là QuickTime Player): iTunes, “ứng dụng Windows tốt nhất từng được viết ra”. Người dùng iPod Windows cuối cùng cũng có thể đồng bộ thiết bị của mình với phần mềm của Apple, và quan trọng hơn, mọi người dùng máy tính cá nhân đều có thể mua nhạc từ iTunes Store.

Đây là khởi đầu của cuộc cách mạng iPod vốn đã là một thành công, nhưng nó cũng đang trở thành một đối tượng được sùng bái, một máy nghe nhạc thành công đến mức có thể đại diện cho cả kỷ nguyên âm nhạc số – cũng giống như cách Sony’s Walkman trở thành biểu tượng của kỷ nguyên âm nhạc di động chừng 20 năm trước đó. Steve cũng thấy rất xúc động: sản phẩm của ông cuối cùng cũng được công nhận giá trị, chúng cuối cùng cũng được đại đa số đón nhận. Không giống như thị phần ít ỏi 5% của Mac, tính đến tháng 1/2004, iPod chiếm tới 30% thị phần (tính theo đơn vị bán ra), biến nó trở thành người đi đầu trong thị trường máy nghe nhạc cầm tay.

Như Steve thường nêu rõ, chỉ có Apple mới có thể làm ra chiếc iPod. Lý do là, đơn giản không có công ty nào khác biết cách sản xuất cả phần cứng tuyệt hảo và phần mềm tuyệt hảo. Trong kinh doanh máy tính, thường có sự tách bạch giữa một bên là các nhà sản xuất PC, và một bên là các nhà phát triển phần mềm. Với kinh doanh điện tử dân dụng, họ không bao giờ có thể có phần mềm hiện đại như iTunes, thứ cho trải nghiệm iPod không thể dễ dàng hơn. Thứ tưởng chừng là sai sót lớn nhất của Apple lại trở thành điểm mạnh lớn nhất của họ trong thị trường điện tử dân dụng số không ngừng mở rộng. Steve nhìn thấy cơ hội quý giá đó – và ông đã chớp lấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.