Thành Công Tột Đỉnh
CHƯƠNG 10: Kiểm soát các mối quan hệ cá nhân
Một trong những nét tính cách của một người trưởng thành hoàn toàn, thể hiện được đầy đủ tiềm năng là có khả năng bước vào các mối quan hệ lâu dài, thân tình và duy trì chúng trong thời gian dài. Những người có nhân cách lành mạnh là những người có năng lực lớn nhất cho các mối quan hệ tình cảm này.
Việc lựa chọn bạn đời và chất lượng cuộc sống gia đình quyết định sự thành công của bạn rất nhiều. Các mối quan hệ biểu hiện trực tiếp của con người thật sự của bạn. Luật tương ứng chỉ ra rằng, thế giới bên ngoài các quan hệ của bạn sẽ tương ứng chính xác với thế giới nội tâm. Nếu thế giới nội tâm của bạn là tích cực và đầy yêu thương thì thế giới bên ngoài các mối quan hệ cũng sẽ hạnh phúc và thỏa mãn.
Benjamin Disraeli, Thủ tướng Anh thế kỷ XIX, từng nói: “Không có thành công nào trong cuộc đời hoạt động cho xã hội có thể đền bù cho sự thất bại trong gia đình”. Các mối quan hệ cá nhân của bạn nên được ưu tiên nhất. Khi bạn lớn lên và trở thành một người tốt hơn, các mối quan hệ của bạn cũng nên lớn lên và trở nên tốt hơn theo tỷ lệ như thế.
Với luật hấp dẫn, bạn sẽ thu hút vào trong cuộc sống những người rất giống bạn, những người có suy nghĩ và cư xử phù hợp với suy nghĩ và cảm giác của bạn. Khi bạn trở nên tích cực, lạc quan và yêu thương, tự nhiên bạn sẽ thu hút vào cuộc sống những người tích cực, lạc quan và đầy yêu thương.
Với luật nhân quả, bạn sẽ gặt đúng những gì mình đã gieo, nhất là trong các mối quan hệ. Bạn chứng kiến điều đó ở xung quanh mình, trong sự tương tác của bạn với những người khác.
Bạn bước ra khỏi cuộc hôn nhân hay sự lãng mạn đúng như những gì mà bạn đặt vào nó. Bạn càng đặt mình vào một mối quan hệ thì bạn càng nhận được nhiều tình yêu thương, sự thỏa mãn và niềm vui từ đó. Con người sinh ra không được hoàn thiện và cần có người khác để giúp họ trở nên toàn vẹn. Họ được sinh ra với các phẩm chất và tính cách bù trừ. Mỗi người cần có một người khác để hoàn thiện số phận của mình. Các mối quan hệ hạnh phúc có liên quan chặt chẽ đến sự thanh thản trong tâm hồn, cuộc sống dài lâu, sức khỏe, hạnh phúc và tình cảm. Người có các mối quan hệ nghèo nàn hay không có mối quan hệ nào thì sức khỏe ốm yếu và chết sớm hơn những người luôn sống hạnh phúc.
Thực tế là, theo Ronald Adler và Neil Towne trong cuốn sách của họ với tựa đề Looking Out, Looking In (Nhìn ra, nhìn vào), những người sống tách biệt với xã hội có khả năng muốn tự tử sớm hơn từ 2-3 lần so với những người có ràng buộc xã hội mạnh mẽ. Những người đàn ông ly dị vợ thường tử vong vì các bệnh tim, ung thư và đột quỵ với tỷ lệ gấp đôi so với những người không ly dị. Tỷ lệ mắc các loại ung thư cao gấp năm lần ở những người đã ly dị so với những người còn độc thân. Nếu bạn mong muốn được sống lâu và hạnh phúc thì bạn nên suy nghĩ cẩn thận về việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với những người quan trọng nhất trong cuộc đời.
NƠI NÓ BẮT ĐẦU
Lòng tự trọng, mức độ bạn ưa thích và tôn trọng bản thân quyết định nhân cách và mức độ hạnh phúc của bạn. Lòng tự trọng cao dẫn đến thành tích cao và sự thành công trong mọi lĩnh vực cuộc sống, ngược lại lòng tự trọng thấp dẫn đến và đồng hành với hầu hết các thất bại và sự nản chí.
Phần đầu tiên của lòng tự trọng đơn thuần là một thành phần cảm xúc, cách mà bạn cảm nhận về bản thân, tách biệt khỏi bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Phần thứ hai của lòng tự trọng là mức độ năng lực của bạn trong những việc bạn làm. Đó là bạn cảm thấy tốt đến mức nào khi hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống. Điều này được gọi là lòng tự trọng dựa trên thành tích và nó là yếu tố cần thiết cho nhân cách của bạn.
Khi bạn thực hiện tốt công việc, bạn có được lòng tự trọng cao trong lĩnh vực đó. Cảm giác này củng cố thêm cho một yếu tố khác của lòng tự trọng, cảm giác giá trị cá nhân. Nếu bạn thực hiện tốt, bạn cảm thấy tốt; nếu bạn cảm thấy tốt, bạn sẽ làm tốt. Mỗi người là một cá thể độc lập với những người khác.
Cảm giác tự ti hay bất tài trong các mối quan hệ quyết định lòng tự trọng và sự tự tin của bạn. Mọi thứ bạn làm khiến bạn sống tốt hơn với những người quan trọng trong cuộc đời sẽ làm tăng lòng tự trọng của bạn. Ấn tượng sâu sắc với những người khác khiến bạn cảm thấy thoải mái, hoàn thiện để bạn sẵn sàng hoạt động hiệu quả hơn ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Có một mối liên hệ trực tiếp giữa chất lượng các mối quan hệ với mức độ tự trọng và tự tin của bạn. Bạn chỉ có thể hài lòng về bản thân khi hoàn toàn chấp nhận bản thân và việc bạn ưa thích bản thân bao nhiêu phần lớn được quyết định bởi mức độ người khác chấp nhận bạn.
Đa số chúng ta lớn lên với một hình thức chấp nhận có điều kiện, sự từ chối và không tán thành thường xuyên từ cha mẹ. Khi là lớn lên, chúng ta tìm kiếm tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện từ những người khác, để đền bù cho những gì chúng ta cảm thấy thiếu khi còn nhỏ. Sức khỏe tinh thần của chúng ta phụ thuộc vào điều này.
TỰ TIN
Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy tự do để ưa thích bản thân cho đến khi hoàn toàn chấp nhận bản thân, chấp nhận cả các điểm mạnh và điểm yếu. Và bí quyết để chấp nhận bản thân là được chấp nhận một cách vô điều kiện bởi ít nhất một người khác, người mà bạn tôn trọng ngưỡng mộ và tuyệt vời hơn, đó là người bạn yêu. Chỉ khi một người khác chấp nhận bạn và những điểm xấu của bạn, bạn mới có thể cảm thấy dễ chịu và chấp nhận bản thân như một người quan trọng và có ích.
TỰ NHẬN THỨC
Để có được sự tự tin, đầu tiên bạn phải phát triển sự tự nhận thức. Bạn cần hiểu tại sao mình suy nghĩ, cảm nhận và hành động như vậy. Bạn cần nhận thức về tác động của những trải nghiệm trong cuộc sống. Bạn cần hiểu được lý do tại sao và bằng cách nào mà mình trở thành con người như hiện tại.
Chỉ khi đạt được đến mức độ tự nhận thức cao thì bạn mới có thể chuyển sang mức độ tự tin cao hơn. Bạn phải nhận thức nhiều hơn về mình trước khi có thể chấp nhận nó. Và chỉ với mức độ tự nhận thức cao thì bạn mới có được lòng tự trọng – bí quyết để có một nhân cách lành mạnh và hạnh phúc.
TỰ BỘC LỘ
Sự tự nhận thức, ngược lại, dựa trên sự tự bộc lộ. Bạn chỉ có thể thật sự hiểu bản thân tới mức độ có thể bộc lộ hay chia sẻ bản thân với ít nhất một người khác. Tự bộc lộ nghĩa là bạn có thể nói với một người mà bạn hoàn toàn tin tưởng những suy nghĩ và cảm nhận của bạn, mà không sợ bị phản đối hay bác bỏ.
Tâm lý liệu pháp dựa trên sự tự bộc lộ. Các nhà tâm lý liệu pháp thành công tới mức họ có thể khiến các bệnh nhân cởi mở và kể cho họ về những điều khiến mình không vui hay trở nên vô tích sự.
Một nhà tâm lý học đã nói: “Nếu một người học được cách thật sự lắng nghe người khác thì có đến 75% các nhà tâm lý liệu pháp ở Mỹ sẽ thất nghiệp”. Để thành thực bộc lộ bản thân với người khác, bạn cần phải tin họ. Bạn cần phải biết rằng người kia quan tâm đến bạn và không phán xét hay chỉ trích bạn vì những gì bạn đã nói hay làm trong quá khứ.
Vấn đề tình cảm lớn là tội lỗi. Tội lỗi xuất phát từ cảm giác vô dụng, là kết quả của sự chỉ trích tiêu cực và các sai lầm của bạn trong quá khứ. Đa số chúng ta đều đã từng nói và làm những việc mà chúng ta thấy hối tiếc. Chúng ta làm tổn thương người khác và cảm thấy hối tiếc về điều đó. Chúng ta có thể bắt đầu giải phóng bản thân khỏi những cảm giác tiêu cực này bằng cách kể cho người khác nghe những gì mình đã nói hay làm. Hình thức tẩy rửa, hay làm sạch, giải phóng và cho phép chúng ta sống nốt phần đời còn lại. Sự ăn năn không chỉ tốt mà còn rất cần thiết cho tâm hồn, cho hạnh phúc bền lâu.
Bộc lộ thành thật đôi khi là điều rất khó làm. Nhưng đó là điều kiện tiên quyết cơ bản cho một sức khỏe tinh thần. Khi bạn bộc lộ những suy nghĩ và cảm giác một cách cởi mở và thành thật với người khác, bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn. Bạn nhận thức rõ hơn về con người thật sự của mình. Bạn thấy được triển vọng về bản thân và cuộc sống.
Khi hiểu mình hơn, bạn cũng trở nên tự tin hơn. Khi bạn chấp nhận bản thân một cách vô điều kiện, bạn sẽ có được mức độ tự trọng cao hơn. Bạn giải phóng bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực. Với việc tự bộc lộ, bạn có thể bộc bạch hết suy nghĩ và tiếp tục sống hạnh phúc.
SỰ THÂN THIẾT VÀ SỰ PHÁT TRIỂN LIÊN QUAN CHẶT CHẼ VỚI NHAU
Một trong những mục đích của hôn nhân và các mối quan hệ mật thiết đó là nó tạo cho bạn cơ hội phát triển khả năng. Trong một mối quan hệ hoàn toàn tin cậy, bạn thấy thoải mái kể cho người kia về những việc mà bạn đã làm trong quá khứ và suy nghĩ, cảm nhận ở hiện tại. Bằng cách thành thật chia sẻ bản thân, bạn hiểu rõ hơn về nhân cách của mình. Bạn trở nên bao dung và dễ chấp nhận với nhược điểm của người khác. Bạn phát triển được những phần trong nhân cách ngủ quên khi thiếu một mối quan hệ yêu thương.
Phần lớn những việc chúng ta làm trong cuộc sống đều để có được tình yêu thương hay để bù đắp cho sự thiếu hụt tình yêu thương. Tình yêu thương giống như tiền bạc: Nếu bạn có nhiều thì bạn không nghĩ nhiều về nó, nhưng nếu nó bị cắt một thời gian thì bạn sẽ không còn nghĩ về điều gì khác ngoài nó.
Hình phạt tàn nhẫn nhất mà tù nhân phải chịu là không được tiếp xúc với người khác − sự giam cầm cô độc. Tước đi của cá nhân sự liên hệ với con người, sự tương tác với con người là điều độc ác nhất.
Khát vọng lớn nhất của bạn là phát triển thành kiểu người thu hút một mối quan hệ yêu thương lý tưởng vào cuộc sống của mình. Mối quan hệ này khiến bạn có thể hưởng niềm hạnh phúc và sự thích thú.
Những điều được đề cập ở chương trước về việc kiểm soát các mối quan hệ con người có thể áp dụng với các mối quan hệ yêu thương của bạn. Ngoài ra, có nhiều thứ khác mà bạn có thể làm, hay không làm, để cải thiện mối quan hệ với những người quan trọng trong cuộc sống. Hãy bắt đầu với sáu nguyên tắc xây dựng thành công các mối quan hệ.
SÁU NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG THÀNH CÔNG CÁC MỐI QUAN HỆ
Nguyên tắc đầu tiên là hấp dẫn tương đồng. Bạn sẽ luôn hạnh phúc và tương thích nhất với người có sở thích, thị hiếu và các giá trị tương tự như bạn. Luật hấp dẫn chỉ ra rằng, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi một người có thái độ và niềm tin hòa hợp với bạn.
Trong hôn nhân và trong các mối quan hệ, lĩnh vực đầu tiên cần có những sự tương đồng là thái độ đối với tiền bạc – làm cách nào để kiếm ra, tiết kiệm và tiêu nó. Lĩnh vực thứ hai là thái độ đối với trẻ nhỏ − có nên sinh con hay không bao nhiêu đứa và làm cách nào để nuôi dạy chúng. Thứ ba là thái độ đối với tình dục, thứ tư là tôn giáo và thứ năm là thái độ đối với các vấn đề xã hội − chính trị. Thái độ đối với mọi người, các hoạt động xã hội và cách sử dụng thời gian rảnh rỗi cũng là những thước đo rất quan trọng của sự tương đồng. Sự tương đồng cũng hấp dẫn các lĩnh vực tâm hồn, đôi khi còn quan trọng hơn bất cứ lĩnh vực nào khác.
Trong mỗi trường hợp, bạn sẽ hạnh phúc và tương hợp nhất với một người có đức tin và giá trị cơ bản trong những lĩnh vực này tương tự như bạn. Phần lớn những bất hạnh và bất đồng trong các cuộc hôn nhân và các mối quan hệ chuyển xuống thành bất đồng cơ bản về các vấn đề cơ bản này của cuộc sống.
Nguyên tắc thứ hai để có được sự thành công trong các mối quan hệ là hấp dẫn trái ngược, nhưng chỉ trong khí chất. Tự nhiên luôn đòi hỏi sự cân bằng và hài hòa. Và sự cân bằng cần thiết nhất trong khí chất của hai người đã hòa làm một.
Có một phép thử đơn giản của sự tương hợp bạn có thể áp dụng cho các mối quan hệ thân mật, nó được gọi là “thử nghiệm đối thoại”. Trong mối quan hệ, bạn không thường hòa hợp với một người khác, sẽ có sự tăng giảm các cuộc đối thoại.
Sự cân bằng này rất quan trọng. Mỗi người có một lượng nhất định lời nói cần nói thỏa mãn nhu cầu. Nếu con người không có cơ hội để giao tiếp với người có liên quan, thì họ sẽ tìm kiếm ở nơi khác. Mọi vấn đề trong các cuộc hôn nhân đều bắt đầu từ nhu cầu giao tiếp đầy đủ hơn với một người khác.
Thử nghiệm đối thoại có thể được áp dụng với các mối quan hệ của bạn với bất kỳ người bạn nào, trên bất cứ mức độ nào và thuộc bất kỳ giới tính nào. Những người bạn tốt nhất của bạn là những người mà bạn có những cuộc đối thoại dễ dàng và những khoảng yên lặng dễ chịu. Đây là những người mà bạn thấy tương hợp nhất. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn tương hợp trong đối thoại với người bạn đời nếu bạn muốn được hạnh phúc.
Nguyên tắc thứ ba để có được các mối quan hệ thành công là cam kết hoàn toàn của cả hai người. Cam kết hoàn toàn đòi hỏi sự quyết định chân thành để mối quan hệ thành công. Nếu hai người tương hợp về những giá trị cơ bản, các thái độ và cân bằng, thì họ dễ dàng tạo ra một cam kết suốt đời. Sự cam kết hoàn toàn có nghĩa là cả hai bên đều không xem xét hay thảo luận khả năng tách rời, chia rẽ hay ly dị. Tạo ra một sự cam kết hoàn toàn đòi hỏi bạn phải xây dựng mối quan hệ và từ chối bất kỳ lựa chọn nào khác ngoại trừ việc tạo cho mối quan hệ này thành công.
Nhiều người tránh tạo ra sự cam kết hoàn toàn trong một mối quan hệ, ngay cả với cuộc hôn nhân, bởi vì họ đã từng bị tổn thương trong các mối quan hệ trước đây. Họ thấy rằng, nếu lựa chọn mở, họ sẽ luôn có lối thoát về tình cảm. Tuy nhiên, sự thiếu cam kết này luôn dẫn đến những kết quả không mong muốn. Mối quan hệ dần dần bị giảm giá trị khi một hay cả hai phía bị kìm nén và nghĩ đến sự chia cắt như là giải pháp cho các vấn đề chắc chắn sẽ nảy sinh giữa họ.
Con người chỉ tự do về mặt tình cảm khi đã từ bỏ tất cả sự lựa chọn khác và toàn tâm toàn ý tự cam kết với một người khác. Chỉ sau đó, chúng ta mới có thể phát triển mối quan hệ cao hơn để hoàn thiện sự phát triển với tư cách là con người.
Nguyên tắc thứ tư để có được các mối quan hệ thành công là ưa thích. Điều này quan trọng và thỏa mãn hơn cả tình yêu để có thể thành thực ưa thích người bạn đời. Trong một mối quan hệ lâu dài, mọi người có thể yêu và không yêu. Loại hình và cường độ của tình cảm với người khác sẽ khác nhau khi thời gian trôi qua. Nhưng nếu hai người thích và tôn trọng lẫn nhau, mối quan hệ này có thể vô hạn định.
Khi một người ngừng thích hay tôn trọng người khác, vì bất cứ lý do gì, mối quan hệ sẽ kết thúc. Nhiều đôi yêu nhau, sau đó bỏ nhau và không bao giờ nói chuyện lại với nhau bởi vì họ không bao giờ dành thời gian để ưa thích, học cách thành thật ưa thích và tôn trọng người kia.
Các cuộc hôn nhân và các mối quan hệ có thể không đi đến đâu nhưng nếu ngay từ đầu họ đã dựa trên sự ưa thích và tôn trọng, thì cả hai phía vẫn có thể liên lạc và tương tác với nhau mà không có những cảm giác tiêu cực.
CUỘC THỬ NGHIỆM NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT
Một cách hay để xác định liệu bạn có đang ở trong một mối quan hệ đúng đắn là “thử nghiệm người bạn tốt nhất”. Trong mối quan hệ lý tưởng, người bạn đời sẽ là người bạn tốt nhất của bạn. Không có ai trên thế giới mà bạn lại muốn ở cùng, chia sẻ, nói chuyện hay dành thời gian hơn là với người bạn đời của bạn.
Nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thấy người bạn đời là người bạn tốt nhất, không muốn ở cùng người đó hơn bất kỳ người nào khác, đó là dấu hiệu cho thấy có điều không hay đang xảy ra trong mối quan hệ của bạn.
Trong các cuộc phỏng vấn với các cặp vợ chồng đã sống với nhau rất lâu, cả hai người đều mô tả người kia như người bạn tốt nhất trên thế giới.
Điểm khởi đầu của một mối quan hệ lãng mạn lâu dài là bạn cảm thấy mình đã gặp người bạn tốt nhất. Một trong những dấu hiệu của việc này là việc các bạn cười với nhau. Lượng tiếng cười là thước đo cho sự lành mạnh của một mối quan hệ. Khi hai người hòa hợp một cách lý tưởng, họ cười với nhau rất nhiều và cùng nói những điều giống nhau. Khi hai người không hòa hợp vì một lý do nào đó, họ không tìm thấy nhiều điểm chung để cùng cười. Các cảm giác hài hước của họ cũng khác nhau.
Nguyên tắc thứ năm để có các mối quan hệ thành công là hấp dẫn tự nhận thức tương đồng. Bạn sẽ luôn bị hấp dẫn và hòa hợp nhất với một người cũng hạnh phúc và tích cực như bạn vậy.
Nhịp điệu chung của mối quan hệ, mức độ chung của chủ nghĩa tích cực đối với chủ nghĩa tiêu cực, là thước đo sự tương hợp của tự nhận thức. Điều thú vị là, những người có sự tự nhận thức tiêu cực sẽ bị hấp dẫn bởi những người có sự tự nhận thức tiêu cực và tương tự như vậy với những người có sự tự nhận thức tích cực. Họ sẽ lập gia đình, ổn định và khá hài lòng với nhau trong nhiều năm, nếu không nói là cả đời. Mối quan hệ của họ dựa trên thực tế là họ đều có những nhân cách tiêu cực ở mức độ lớn.
Hãy chấm điểm người bạn đời của bạn theo thang điểm từ 1-100. Đánh giá phần trăm thời gian mà người đó tích cực và lạc quan so với phần trăm thời gian tiêu cực và bi quan. Sau đó hãy làm cuộc thử nghiệm đó với chính mình.
Bạn sẽ phát hiện ra rằng, bạn cảm thấy thoải mái nhất với người hạnh phúc hay bất hạnh như bạn vậy. Đó là lý do tại sao người ta lại nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Nếu hai người bước vào một mối quan hệ và một trong hai người hạnh phúc hơn người kia, thì sẽ nảy sinh các loại mâu thuẫn và buồn khổ. Hầu hết các mối quan hệ và các cuộc hôn nhân tan vỡ đều là kết quả của việc tự nhận thức không cân bằng.
Trong một cuộc nghiên cứu, 4/5 vụ ly dị ở Mỹ đều xuất phát từ phụ nữ. Thật kinh ngạc khi chứng kiến biết bao nhiêu người chồng và người vợ cảm thấy mình bị kéo lại bởi sự tiêu cực của bạn đời. Hiện nay, đây là vấn đề nghiêm trọng trong các mối quan hệ ở Mỹ và không có một giải pháp giản đơn cho nó.
Nguyên tắc thứ sáu cho các mối quan hệ thành công là phải có những cuộc đối thoại tốt. Nguyên nhân chính cho sự thành công trong các cuộc hôn nhân là hai người phải giao tiếp tốt với nhau. Họ phải ở cùng một bước sóng. Mỗi người có thể cảm nhận được những gì người kia suy nghĩ. Họ cùng có kết luận như nhau một cách độc lập.
Nguyên nhân chính của sự thất bại trong các mối quan hệ là giao tiếp kém.
Các đôi vợ chồng hiểu nhầm nhau và liên tục cãi vã về các vấn đề lớn nhỏ.
Mỗi người đều tin chắc rằng mình đúng và người kia sai.
Để xây dựng và duy trì mức độ giao tiếp chất lượng cao trong một mối quan hệ, bạn cần phải có cả lượng và chất thời gian liên tục gần nhau. Các đôi cần ở một mình với nhau. Họ cần phải trải qua những quãng thời gian dài để nói chuyện và lắng nghe. Bất cứ khi nào hai người bận đến nỗi không có thời gian nói chuyện, bạn có thể chắc họ “sắp có vấn đề”.
Những cuộc đối thoại tốt đòi hỏi cả kỹ năng nghe và nói, những kỹ năng này có thể học được. Nhưng những cuộc đối thoại tuyệt vời giữa một người đàn ông và một người phụ nữ còn cần phải có sự hiểu biết về những điểm khác nhau cơ bản giữa họ.
SỰ KHÁC BIỆT MUÔN NĂM
Đàn ông và phụ nữ có các phong cách giao tiếp khác nhau rõ rệt. Nói chung, đàn ông thẳng thắn và phụ nữ kín đáo. Đàn ông tập trung hơn vào kết quả và sự hoàn thành hay sự kết thúc hơn phụ nữ. Phụ nữ lại quan tâm đến các mối quan hệ và quá trình giao tiếp hơn đàn ông. Điều này thường dẫn đến những hiểu lầm cơ bản.
Lấy ví dụ một người đàn ông và một người phụ nữ đang lái xe trong hai hay ba giờ đồng hồ. Khi họ đi qua cửa hàng McDonald, người phụ nữ nói: “Anh yêu, anh có khát nước không?”
Không nhìn sang, người đàn ông chỉ trả lời đơn giản: “Không” và tiếp tục lái xe. Cô cắn môi và cảm thấy bị tổn thương bởi sự kém nhạy cảm của anh ta. Anh ta vô tình không nhận thức được những gì mà cô thật sự nói và không có ý kiến về việc cô đang không vui.
Theo một cách gián tiếp, cô đang nói: “Em khát nước. Sao chúng ta không dừng lại và kiếm thứ gì đó để uống?” Tuy vậy, anh đã không hiểu được ý cô.
Một ví dụ khác của sự khác biệt trong phong cách giao tiếp là đi mua sắm. Với đàn ông, đi mua sắm chỉ đơn giản là một quá trình với một kết quả mong đợi. Anh ta đi vào, mua sắm những gì cần thiết, rồi đi ra. Nhìn chung, đàn ông không thích mua sắm; họ cảm thấy không thoải mái khi làm việc này và muốn làm xong nó càng nhanh càng tốt. Một chuyến mua sắm lý tưởng với đàn ông là lao vào và lao ra, vẫn để xe nổ máy trong bãi đỗ xe.
Tuy nhiên với phụ nữ, mua sắm là một quá trình, thậm chí là một hoạt động giải trí. Phụ nữ đi mua sắm nhiều khi còn không cần phải mua thứ gì.
Mua sắm là một kinh nghiệm cảm giác đối với phụ nữ, và việc đi mua sắm với người khác cũng trở thành một kinh nghiệm xã hội. Cuộc đối thoại diễn ra cũng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, những gì mà cô mua được. Đây là điều mà đàn ông rất khó để hiểu được.
Đây là một ví dụ khác của sự khác biệt trong các kiểu giao tiếp. Đàn ông hướng tới sự kết thúc và sự hoàn thành. Khi một người phụ nữ bắt đầu thảo luận một vấn đề, anh ta sẽ ngay lập tức phản ứng lại với cái gọi là một giải pháp logíc.
Anh ta sẽ nói: “Tại sao em không làm thế này hay thử làm thế kia?” Sau đó anh ta sẽ quay lại với việc đọc báo hay tập trung sự chú ý vào một việc gì khác. Anh ta thật sự sẽ cảm thấy có ích và đã chú tâm thích đáng vào vấn đề của cô.
Điều mà anh ta không nhận ra là người phụ nữ thường không yêu cầu một giải pháp hay lời khuyên, gợi ý của anh ta. Điều cô muốn là cơ hội thảo luận về tình huống, để xử lý vấn đề thông qua một cuộc đối thoại với anh. Cô có thể đã biết mình nên làm hay không nên làm gì. Điều cô tìm kiếm là một cơ hội để giao tiếp, sử dụng một tình huống hay một vấn đề là cơ sở cho cuộc đối thoại.
Một trong những điều mà người đàn ông có thể làm để cải thiện quá trình giao tiếp với người phụ nữ trong cuộc đời mình đơn giản là không đưa ra lời khuyên, trừ khi rõ ràng đây là điều cô muốn. Thay vào đó, hãy lắng nghe một cách chăm chú, ngừng lại, đặt câu hỏi, phản hồi và diễn giải lại những gì mà cô đang nói để đảm bảo là anh ta hiểu.
HÃY HỎI VỀ MỘT NGÀY CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Một trong những điều tốt nhất mà người đàn ông có thể làm khi về nhà vào buổi tối, hay khi họ ở cùng nhau vào buổi tối, là hãy hỏi người phụ nữ về một ngày của cô.
Phần lớn những người đàn ông thường coi ngày làm việc của mình là sự trải nghiệm hấp dẫn nhất từ bình minh của nền văn minh. Tuy nhiên, khi một người đàn ông hỏi bạn đời về ngày của cô trước khi tự kể về ngày của mình, anh thường ngạc nhiên phát hiện ra rằng ngày của cô thường thú vị hơn ngày của anh ta rất nhiều.
Lần đầu tiên một người đàn ông đề nghị người phụ nữ mà anh ta quan tâm kể về ngày của cô, có thể cô sẽ bị bất ngờ và chỉ đưa ra một câu trả lời ngắn gọn, qua loa. Cô sẽ không thật sự tin rằng anh ta có hứng thú. Cô sẽ nghĩ anh ta không thành thật. Vì vậy, anh ta phải nài nỉ. Khi cô nói: “Em đi làm và ăn trưa như mọi ngày và sau đó về nhà”, thì anh ta phải hỏi lại, giống như một thám tử: “Sáng nay em làm gì? Em đi ăn trưa ở đâu? Sau đó em làm gì? Buổi chiều em làm gì? Mọi việc với đồng nghiệp của em thế nào?” v.v… Nếu anh ta dò hỏi ngày của cô, anh ta sẽ thấy nó cũng thú vị như những gì mình đã làm.
Một lợi thế của sự tiếp cận này là anh ta mất ít thời gian hơn để nói về công việc sau khi cô đã có cơ hội được nói về ngày của cô. Hãy nhớ rằng, đó không phải là nội dung của cuộc đối thoại rất quan trọng. Nó là quá trình. Bộc lộ sự hứng thú thành thật với người bạn đời của mình và sau đó lắng nghe cẩn thận người kia khi họ nói, làm tăng thêm sự hiểu biết và cải thiện cuộc đối thoại. Chỉ cần theo cách này, bạn có thể giữ cho mối quan hệ vẫn tiếp diễn và phát triển.
CÂU HỎI THEN CHỐT
Câu hỏi quan trọng nhất để bạn hỏi và trả lời nhằm duy trì một mối quan hệ thành công là: “Điều gì quan trọng nhất?”
Điều quan trọng không phải là giành chiến thắng trong cuộc tranh luận mà là duy trì chất lượng của mối quan hệ. Điều quan trọng là bạn tiếp tục yêu, tôn trọng lẫn nhau và sống với nhau trong hòa thuận.
Khi liên tục hỏi: “Điều gì quan trọng nhất?”, bạn sẽ thấy mọi việc rõ ràng hơn và sẽ biết cách làm và nói điều gì thích hợp hơn.
Hãy luyện tập nguyên tắc vàng của các mối quan hệ. Hãy thường xuyên tự hỏi: “Lập gia đình thì sẽ như thế nào nhỉ?” hay “Nếu người bạn đời đối xử với mình như mình đã đối xử với cô ấy/anh ấy thì sẽ thế nào nhỉ?”
Nếu bạn làm việc gì đó với người bạn đời theo cách mà bạn muốn họ làm hay nói với mình và ngược lại, thì bạn sẽ hiểu hơn về tác động của những lời nói và hành vi của mình.
Sự nhận thức thật sự là giải pháp. Cuộc sống là việc học cách tập trung. Nếu bạn tập trung chú ý vào những việc nhỏ trong mối quan hệ, thì điều lớn nhất sẽ tự được giải quyết.
SÁU VẤN ĐỀ TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT CHÚNG
Có hàng nghìn nguyên nhân tại sao các mối quan hệ không hiệu quả, nhưng có thể tóm tắt lại thành sáu vấn đề chính. Sáu vấn đề này nằm ở căn nguyên của đa số các cuộc tranh luận, những mối bất hòa và những vụ ly dị. Tất cả đều liên quan đến lòng tự trọng và sự tự nhận thức về bản thân của một hay cả hai phía trong mối quan hệ.
Vấn đề chính đầu tiên trong các mối quan hệ là thiếu cam kết. Điều này là hiển nhiên trong mối quan hệ hay cuộc hôn nhân “dở chừng” rất phổ biến ngày nay. Thay vì cam kết hoàn toàn, người ta chỉ cam kết một phần hay một nửa. Họ nói: “Anh một nửa và tôi một nửa”. Tuy nhiên, ngay khi một bên quyết định chỉ đi 49% quãng đường, thì đã xuất hiện sự rạn vỡ trong mối quan hệ. Và loại rạn vỡ này có chiều hướng phát triển rộng hơn chứ không hẹp đi. Các bên dấn sâu vào. Sau đó, người này hay người kia chỉ đi 48% con đường, sau đó là 40%, rồi 30% và cứ thế cho đến khi ngừng cố gắng hoàn toàn.
Ví dụ, một cặp lấy nhau nhưng mỗi người giữ một tài khoản ngân hàng riêng. Các chi phí trong gia đình được chia đều. Mỗi đô-la được tính như vật sở hữu của người này hay người kia. Họ thậm chí còn vay tiền nhau và ghi chính xác ai nợ ai cái gì.
Hai người bạn của tôi, Mary và Joe, đã từng sống cùng nhau trong 11 năm. Họ luôn nói về việc lập gia đình, nhưng chưa bao giờ đưa ra được quyết định. Tuy nhiên, từ thời điểm họ chuyển về sống cùng nhau, mỗi người mua sắm và trả tiền cho đồ đạc và căn hộ của họ. Ở phía sau mỗi đồ vật trong căn hộ có một nhãn dính nhỏ chỉ ra người sở hữu nó. Họ không bao giờ trộn lẫn tài chính hay tài sản. Khi quyết định chia tay nhau, họ có thể chia toàn bộ tài sản trong chưa đến hai giờ. Họ đã lên kế hoạch một cách vô thức là sẽ đi con đường riêng trong 11 năm bằng hành động chưa bao giờ cam kết hoàn toàn với mối quan hệ.
Một ví dụ khác của sự cam kết một phần là hợp đồng hôn nhân hay thỏa thuận tiền hôn nhân. Những thỏa thuận này tạo ra những tình huống thú vị. Đoạn đầu tiên của một trong những hợp đồng này chỉ ra rằng: “Hai bên, rất yêu nhau và có kế hoạch sống hạnh phúc cùng nhau suốt đời và do đó, họ bước vào cuộc thỏa thuận này.” Phần còn lại của thỏa thuận tiền hôn nhân nêu chi tiết cách thức chia tài sản khi họ chia tay. Thực tế là họ đang lên kế hoạch cho các chi tiết khi chia tay ngay cả trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Khi một bên không sẵn sàng cam kết hoàn toàn với mối quan hệ, sự kìm nén này gây ra các cảm giác hắt hủi và không có giá trị ở người kia. Nó khiến một người cảm thấy mình không tốt và cho rằng đây là nguyên nhân khiến người kia không sẵn sàng cam kết hoàn toàn và dứt khoát với mình.
Khi Barbara và tôi lấy nhau, mục sư đưa cho chúng tôi những lời thề nguyện trong hôn nhân mà chúng tôi phải nói. Chúng tôi có thể chọn lựa những lời lẽ riêng của mình trong nghi lễ. Khi chúng tôi tuyên bố những lời thề nguyện khác nhau, tôi hỏi ông: “Những từ ‘Cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta’ biến đâu cả rồi?”
Vị mục sư, một người đàn ông rất tốt, giải thích rằng những chữ này đã được xóa bỏ trong hầu hết các nghi lễ đám cưới ngày nay. Phần lớn thanh niên không muốn có một điều gì rõ ràng và chắc chắn đặt trong những lời thề nguyện. Họ muốn một điều gì đó linh hoạt và có nhiều lựa chọn hơn.
Tôi hỏi ông liệu chúng tôi có thể đưa những từ này vào không. Ông nói rằng chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì. Vì vậy, tôi quyết định thêm những từ ‘Cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta” vào lời thề nguyện của chúng tôi. Tôi cảm thấy một lời thề nguyện đám cưới nhạt nhẽo như “Lâu như chúng tôi sẽ yêu” là một kiểu thề nguyện ám chỉ họ có thể không thật sự nghiêm túc về sự tồn tại lâu dài của cuộc hôn nhân.
Cách để vượt qua sự thiếu cam kết là tự bản thân hãy cam kết hoàn toàn với mối quan hệ. Hãy hoàn toàn bước vào nó. Đừng bao giờ xem xét khả năng thất bại của mối quan hệ. Nếu không phải vì lỗi của bạn, mối quan hệ vẫn không đến đâu, thì ít nhất cũng không phải là vì bạn không thật lòng với nó.
Vấn đề chính thứ hai trong các mối quan hệ là cố thay đổi người kia hay hy vọng người kia thay đổi. Đây là một hình thức hắt hủi khéo léo. Đó là một cách nói: “Bạn không tốt với tôi”.
Bất cứ khi nào bạn cố thay đổi một người khác, bạn ám chỉ rằng người đó không xứng đáng và kích động các cảm giác giận dữ, oán giận.
Thực tế là con người không thay đổi nhiều. Khi diễn viên hài Flip Wilson nói: “Cái bạn nhìn thấy là cái mà bạn có được”. Nếu người bạn đang định cưới không xuất phát từ mong muốn của bạn thì đã đến lúc phải làm gì đó trước khi bạn kết hôn, chứ không phải sau đó.
Giải pháp cho vấn đề cố thay đổi người khác, cố khiến người khác giảm cân, bỏ hút thuốc, luyện tập thể thao, trở nên tích cực hơn hay bất cứ gì khác là chấp nhận con người họ. Sự chấp nhận phần lớn được quyết định bởi sự tương hợp. Sự chấp nhận là một dấu hiệu tốt cho dù đây có phải là một mối quan hệ tốt cho bạn hay không. Sự không chấp nhận trước đám cưới tốt hơn nhiều so với việc giải quyết với nó sau này.
Đôi lúc, khi bạn ngừng cố gắng để thay đổi người kia và chỉ chấp nhận một cách vô điều kiện, người đó sẽ bắt đầu thay đổi như là kết quả lựa chọn của chính họ. Con người có thể ngoan cố. Thường thì họ sẽ cố chấp giữ lại hành vi khiến bạn tức giận chỉ vì bạn liên tục cố khiến họ thay đổi. Khi bạn ngừng việc đó, họ sẽ tự nguyện thay đổi hành vi của mình.
Vấn đề chính thứ ba trong các mối quan hệ là sự ghen tuông. Sự ghen tuông luôn được cảm nhận trong tâm trí và trái tim của người có cảm xúc. Shakespeare đã gọi sự ghen tuôn là “con quỷ mắt xanh”. Đó là một cảm xúc tiêu cực khủng khiếp nảy sinh từ các cảm giác tự trọng thấp và sự không tương xứng cá nhân.
Người ghen tuông luôn nghi ngờ về giá trị của mình. Người đó cảm thấy “không ai thật sự yêu mình, hiểu người như mình”.
Cảm giác đó xuất phát từ những chỉ trích tiêu cực thời niên thiếu và các trải nghiệm tiêu cực với người khác giới khi trưởng thành. Nếu một người không bao giờ nhận được tình yêu thương vô điều kiện của người bạn đời hay từ cha mẹ thì họ sẽ rất dễ bị tổn thương vì không được người khác yêu thương và chấp nhận hoàn toàn.
Khi lòng tự trọng của bạn cao, khi bạn thật sự ưa thích và tôn trọng bản thân mình, thì không điều gì có thể khiến bạn nghi ngờ giá trị cá nhân của mình. Bạn sẽ độc lập về mặt tình cảm, độc lập với hành vi của người khác, với cách bạn cảm nhận về bản thân.
Sự ghen tuông là một cảm xúc tiêu cực, đau đớn. Mỗi người trong chúng ta cần cảm thấy an toàn và yên tâm trong mối quan hệ và việc khiêu khích sự ghen tuông có chủ ý làm ảnh hưởng đến sự bình yên của chúng ta. Sự ghen tuông khiến chúng ta cảm thấy khốn khổ và bất hạnh.
Vấn đề chính thứ tư trong các mối quan hệ là sự tự thương hại. Điều này diễn ra khi bạn cảm thấy hối tiếc về một điều gì đó mà người bạn đời làm hoặc không làm với bạn hay cho bạn.
Thường thì mọi người cho phép mình được tự thương hại mình khi người bạn đời quá bận rộn hay toàn tâm với công việc đến nỗi họ cảm thấy mình bị ra rìa. Giải pháp cho sự tự thương hại mình là không bắt người bạn đời làm hay không làm gì. Liệu pháp là hãy bận rộn với các mục tiêu của riêng bạn để không có thời gian cảm thấy mình đáng thương.
Bạn có trách nhiệm với các cảm xúc của mình. Bạn là nguyên nhân của hạnh phúc hay bất hạnh của mình. Nếu bạn cảm thấy thương hại, đó là vì bạn lựa chọn cảm giác đó. Và bạn có thể lựa chọn một phản ứng khác nếu muốn.
Sự tự thương hại là một điểm yếu ngăn bạn trở thành con người hoàn thiện. Nếu bạn ở trong mối quan hệ mà người kia cảm thấy tự thương hại cho mình, hãy thông cảm, thương xót và sau đó, động viên người đó làm điều mà họ thích.
Vấn đề chính thứ năm trong các mối quan hệ là sự trông đợi tiêu cực. Điều này diễn ra khi bạn luôn trông chờ người kia làm điều gì đó khiến bạn thất vọng. Thực tế là, sự trông đợi của bạn có xu hướng được thực hiện. Nếu bạn trông đợi những điều tốt đẹp xảy ra, thì bạn sẽ ít khi bị thất vọng. Nếu bạn trông đợi người bạn đời khiến bạn thất vọng, thì bạn cũng sẽ có khả năng bị thất vọng.
Nguyên tắc là luôn trông đợi sự tốt đẹp nhất ở người bạn đời. Có lẽ những điều tuyệt vời nhất mà một người có thể nói với người khác là “Anh yêu em và anh tin tưởng ở em” và ngược lại. Hãy luôn nói với người bạn đời là bạn hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của họ khi làm bất cứ thứ gì.
Bạn sẽ thấy thật tuyệt vời nếu mỗi buổi sáng đi làm biết rằng người quan trọng nhất trong cuộc đời của bạn lại tin tưởng hoàn toàn ở mình. Và thật tuyệt vời khi mỗi buổi tối trở về nhà với một người tin tưởng hoàn toàn vào khả năng thành công của bạn, cho dù có chướng ngại gì đi nữa. Nhiều người thành công nhất đã từng sống nhờ sự thành công của họ gắn với những sự trông đợi tích cực không hề lay chuyển của người bạn đời.
Vấn đề chính thứ sáu trong các mối quan hệ là sự không tương hợp. Sự không tương hợp là một chủ đề rất nhạy cảm mà nhiều người không thích bàn đến. Tuy nhiên, nó là một trong những vấn đề phổ biến nhất nảy sinh từ các mối quan hệ và là nguyên nhân phổ biến nhất giải thích tại sao mọi người lại không hạnh phúc trong các cuộc hôn nhân.
Thường thì khi hai người gặp và yêu nhau, họ bị hấp dẫn bởi những điểm chung. Tuy vậy, khi năm tháng qua đi và họ thay đổi, họ thường phát triển theo các hướng khác nhau. Họ phát triển những thú vui, sở thích và quan điểm mới. Những điều quan trọng khi họ gặp nhau lần đầu tiên không còn nhiều ý nghĩa, và nó mất đi khả năng gắn kết hai người lại với nhau.
Thời điểm phổ biến diễn ra sự không tương hợp trong các cuộc hôn nhân là từ 28-32 tuổi. Khi bước vào tuổi 20, mọi người trưởng thành và thay đổi với tốc độ rất nhanh. Nếu hai người kết hôn ở đầu tuổi 20, thì vào cuối tuổi 20 họ sẽ phát hiện ra mình có rất ít điểm chung và trở nên không tương hợp.
CÁC DẤU HIỆU CẢNH BÁO
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy cặp đôi không còn tương hợp là nụ cười không còn xuất hiện trong mối quan hệ của họ. Họ không còn trêu đùa với nhau hay tìm thấy nhiều điểm chung.
Dấu hiệu thứ hai là những cuộc đối thoại ít dần. Họ có rất ít điều để nói. Gia đình trở thành nơi chỉ sống chứ không phải là nơi chia sẻ sự ấm áp và hòa thuận.
Mỗi người bận tâm với công việc, con cái hay một điều gì khác. Mỗi người đều có ít cảm xúc. Mỗi người đều cố vui vẻ với hàng xóm và bạn bè của họ.
Nhiều người không hạnh phúc trong hôn nhân đều là do họ lao vào công việc, làm việc 12-14 giờ một ngày, để không phải về nhà. Và họ càng dành ít thời gian cho người khác, thì mối quan hệ sẽ càng trở nên xa cách hơn. Họ sẽ ngày càng có ít điểm chung.
Nếu bạn thấy rằng nụ cười và cuộc đối thoại đang ra khỏi mối quan hệ của mình, đó là lúc hành động. Nếu bạn cảm thấy mình và người kia còn lại rất ít điểm chung, hãy cố gắng để xây dựng lại mối quan hệ. Bạn phải nhận ra vấn đề nghiêm trọng làm cản trở cuộc sống và cùng ngồi lại để thảo luận về nó. Bạn phải nỗ lực để tái tạo những gì đã có.
Có lẽ bạn cần nghỉ ngơi và đi du lịch một thời gian. Có lẽ bạn cần bắt đầu tìm kiếm sự hứng thú trong các hoạt động của người kia, hay phát triển những sự quan tâm chung mới. Nếu bạn đã đầu tư nhiều năm và một lượng lớn tình cảm trong việc xây dựng mối quan hệ, và đặc biệt nếu có con cái, bạn phải làm mọi việc có thể để cứu vãn tình hình.
LÀM SAO ĐỂ ĐƯA TÌNH YÊU TRỞ LẠI?
Một trong những cách mạnh mẽ nhất để đưa tình yêu trở lại là nhận ra tình yêu là một động từ: Tình yêu là một từ hành động. “Yêu” đòi hỏi bạn phải làm những việc mà một người đang yêu phải làm nếu muốn cảm nhận cảm xúc của một người đang yêu. Bạn có thể làm theo cách của mình để lại yêu thương người mà bạn từng yêu.
Bạn yêu người khác bằng cách làm những việc thể hiện yêu thương với người đó. Sự chăm sóc nhỏ, một chút quý mến, một món quà và những thứ khác khiến người kia hạnh phúc thật sự sẽ khiến bạn yêu người đó hơn. Khi không làm những việc nhỏ nhặt này nữa, bạn có thể không còn yêu. Những mối ràng buộc tình cảm bắt đầu được tháo ra. Ngọn lửa bắt đầu tàn dần.
Người Hy Lạp gọi quá trình nhen lại tình yêu bằng hành động là Prexis. Nguyên tắc Prexis nói rằng, bạn tạo ra cảm xúc trong mình bằng cách liên tục làm những việc phù hợp với những cảm xúc đó cho đến khi chúng nhen lên ngọn lửa.
Bạn có thể làm sống lại tình yêu bằng cách làm những việc đã làm trong thời gian tìm hiểu nhau. Bạn có thể trở nên chu đáo hơn, ân cần hơn, thông cảm hơn và đáng mến hơn. Khi đóng vai trò như người bạn đời âu yếm, bạn có thể thấy những cảm giác của mình với người kia bắt đầu thay đổi theo hướng tích cực. Bạn có thể hành động theo cách của mình để quay trở lại với tình yêu.
Bằng cách nghĩ đến người kia và nói với họ một cách âu yếm và nhã nhặn, bạn có thể nhen lại những cảm giác từng mang các bạn đến với nhau. Hãy nhìn vào những phẩm chất tốt đẹp của người mà bạn từng cảm phục. Hãy tha thứ và quên đi các lỗi lầm mà người kia đã gây ra. Hơn bất cứ điều gì, việc hành động theo cách của bạn để quay về với tình yêu đòi hỏi bạn phải thật sự muốn ở cùng người đó, thật sự muốn xây dựng lại và duy trì mối quan hệ này.
BẠN SẼ LÀM GÌ NẾU KHÔNG CỨU VÃN ĐƯỢC?
Việc ngọn lửa đã tắt hoàn toàn trong mối quan hệ của bạn là điều có thể xảy ra. Không còn sự mong muốn hy sinh tình cảm, điều cần thiết để cứu vãn mối quan hệ. Thực tế là, hai bên đã trở nên không tương hợp.
Sự không tương hợp là nguyên nhân phổ biến nhất cho sự tan vỡ của bất kỳ mối quan hệ nào. Một người bình thường hẹn hò với nhiều người khác giới để tìm một người tương hợp với mình nhất.
Thường thì bạn thấy các đôi ngồi yên lặng trong nhà hàng ăn uống và không nói chuyện gì với nhau. Hay bạn sẽ thấy người ta cùng ngồi trên xe với nhau nhưng lại nhìn chăm chú vào đường sá mà không chuyện trò. Đây là những dấu hiệu cho thấy cặp đôi đó không tương hợp.
BẮT ĐẦU BẰNG SỰ CHẤP NHẬN
Điều tốt nhất để làm khi hai người trở nên không tương hợp là chấp nhận điều đó. William James của trường Harvard từng nói: “Bước đầu tiên để giải quyết với bất kỳ khó khăn nào là sẵn sàng chấp nhận nó như thế”.
Sự phủ nhận hay sự chịu đựng bên trong gây ra đa số những sự bất hạnh và những căn bệnh về thần kinh. Việc không sẵn sàng đối phó với một điều gì đó, như một mối quan hệ thất bại, là nguyên nhân chính gây ra các bệnh mất ngủ, đau đầu và các biểu hiện của cảm xúc tiêu cực như dễ nổi cáu, giận dữ và suy nhược. Đây là tất cả những triệu chứng của sự không tương hợp trong mối quan hệ.
Một trong những cách hữu hiệu nhất để giải quyết bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống là hãy tự hỏi: “Đây là thực tế hay là một vấn đề?” Nếu nó là một vấn đề thì phải có giải pháp. Bạn có thể làm điều gì với nó và áp dụng trí thông minh của mình để tìm ra cách giải quyết.
Tuy nhiên, nếu đó là thực tế thì tốt nhất là hãy chấp nhận nó. Nhiều người tự gây ra cho mình nhiều điều bất hạnh không cần thiết bởi nhầm lẫn giữa thực tế và vấn đề của sự không tương hợp. Khi ngọn lửa đã tắt trong một mối quan hệ, khi tàn tro nguội lạnh và không còn tương thích, đó là lúc một hay cả hai người phải đối mặt với thực tế một cách thẳng thắn, thành thật và làm gì đó để giải quyết nó.
Lý do bạn bước vào mối quan hệ với một người khác là bạn có thể trở nên hạnh phúc trong mối quan hệ đó. Nhiều người bước vào các mối quan hệ để hạnh phúc và mãn nguyện hơn, nhưng thay vào đó họ lại cảm thấy buồn rầu và ít mãn nguyện. Sau đó, họ bám lấy mối quan hệ một cách sai lầm, quên đi lý do bước vào nó lúc đầu.
Lý do bạn chọn ở với một người khác chứ không phải ở một mình là điều đó khiến cuộc sống của bạn tốt hơn, giàu có hơn và thú vị hơn, chứ không phải để chịu đựng và đau khổ. Một mối quan hệ bất hạnh đánh cắp đi hạnh phúc và chắc chắn làm suy yếu tiềm năng của bạn hơn bất kỳ một nhân tố nào khác.
Nhiều người sống trong những mối quan hệ lỏng lẻo vì họ sợ điều người khác có thể nói. Họ sợ mất mặt với cha mẹ, bạn bè và đồng nghiệp. Họ buộc mình phải tươi cười xuất hiện trước mọi người nhưng đằng sau những cánh cửa đóng kín họ lại cảm thấy khổ sở, cay đắng.
Thực tế là, không ai thật sự quan tâm đến mối quan hệ của bạn nhiều như chính bạn. Bạn sẽ thấy rằng, những người bạn nghĩ là sẽ đau buồn nhất khi biết về cuộc hôn nhân thất bại của bạn thì lại không thật sự quan tâm đến nó. Đa số mọi người có quá nhiều vấn đề của riêng mình nên có rất ít thời gian hay sức lực để nghĩ về bạn và các vấn đề của bạn. Trên thực tế, đa số mọi người đều dành phần lớn thời gian để suy nghĩ về bản thân. Ngay cả nếu bạn rất gần gũi với người khác – con trai, con gái hay bạn thân nhất – thì người đó cũng thật sự dành rất ít thời gian trong một ngày để suy nghĩ về bạn.
Toàn bộ cuộc sống của bạn có thể chia tách, nhưng với hầu hết mọi người thì việc họ sẽ ăn gì vào bữa trưa lại quan trọng hơn các vấn đề của bạn. Nhiều người thấy rằng, quyết định rời bỏ một mối quan hệ bất hạnh của họ hầu như không có tác động nào đối với những người xung quanh. Những người khác chỉ đơn giản là không quan tâm. Họ có thể thể hiện chút cảm thông và hỏi một vài câu, đa phần là vì tò mò, nhưng sau đó họ phải về nhà ăn tối và để bạn lại một mình.
HÃY ĐỂ NÓ QUA ĐI
Điểm mấu chốt, dựa trên các buổi hội nghị chuyên đề và hội thảo của tôi với hàng nghìn cá nhân và cặp đôi rằng điều ngu ngốc nhất mà bạn có thể làm là cố gắng duy trì một mối quan hệ nhạt nhẽo, vì bạn nghĩ bằng cách này hay cách khác, nó sẽ làm tổn thương ai đó nếu bạn rời bỏ nó.
Điều thông minh nhất bạn có thể làm là hãy trở nên ích kỷ về mặt tình cảm. Nếu bạn không hạnh phúc và không thể cứu vãn tình hình, thì ít nhất là hãy làm hài lòng bản thân. Hãy làm những gì khiến bạn hạnh phúc. Bạn không bao giờ có thể khiến người khác hạnh phúc mà bản thân lại khổ sở. Chỉ những người hạnh phúc mới có thể khiến người khác hạnh phúc. Đừng bao giờ hy sinh bản thân vì hạnh phúc của người khác. Bạn sẽ không có được hạnh phúc của riêng mình và cũng không có được hạnh phúc của người khác.
TÌNH YÊU LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là tình yêu. Sự an tâm và hứng thú của một mối quan hệ yêu đương có lẽ là điều tuyệt vời nhất mà một người đàn ông và một người phụ nữ có thể cảm nhận.
Bạn nên làm mọi việc có thể để xây dựng và duy trì quan hệ yêu đương với một người khác, trong đó có việc lắng nghe, biểu lộ lòng biết ơn và sự cảm kích, đối xử với người kia bằng sự tử tế, nhã nhặn, dịu dàng, kiên nhẫn và thương mến đặc biệt. Bạn nên cố gắng xây dựng một mối quan hệ yêu đương mà mình có hạnh phúc.
Nhưng nếu nó không hiệu quả, hãy dũng cảm để chấp nhận rằng không có gì trong cuộc sống là hoàn hảo hay vĩnh cửu. Hãy thành thật chấp nhận rằng điều tốt đẹp nhất mà bạn có thể làm cho ai khác là mình đạt được hạnh phúc. Nếu bạn đối mặt với cuộc sống như nó vốn thế và không phải như bạn muốn nó thế, thì bạn sẽ thành thực với bản thân và thành thực với người quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn.
LUYỆN TẬP HÀNH ĐỘNG
Vì các mối quan hệ hạnh phúc là trung tâm của lòng tự trọng và hạnh phúc, hãy quyết định sắp xếp mối quan hệ chính của bạn. Bạn hãy ngồi xuống với người kia và hỏi họ: “Có điều gì khác mà chúng ta có thể làm để khiến cho mối quan hệ này trở nên tuyệt vời hay không?”
Hãy thay đổi trật tự ưu tiên, thay đổi các giá trị nếu cần và khiến cho mối quan hệ của bạn trở nên quan trọng hơn bất kỳ thứ gì khác. Hãy sẵn sàng hy sinh, thay đổi nếu cần để đảm bảo chất lượng và sự ổn định của gia đình bạn cũng như sức khỏe và tinh thần của người mà bạn quan tâm hơn bất kỳ người nào khác.
Một mối quan hệ vững chắc, cảm thông và tràn đầy yêu thương là nền tảng để bạn có thể xây dựng một cuộc sống tuyệt vời. Nó là biểu hiện đích thực của việc bạn đang trở thành một người xuất sắc. Nó là bí quyết cho sức khỏe và sự hạnh phúc của bạn. Mối quan hệ phản ánh con người thật sự của bạn và sự đảm bảo cho bạn một tương lai rực rỡ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.