Thành Công Tột Đỉnh

CHƯƠNG 9: Kiểm soát các mối quan hệ con người



Hình thức quan trọng nhất và giá trị nhất của trí tuệ ở Mỹ là khả năng hiểu biết xã hội, khả năng có thể hòa thuận với người khác. Có tới 85% thành công trong cuộc sống của bạn sẽ được quyết định bởi các kỹ năng xã hội, bởi khả năng tương tác một cách tích cực và hiệu quả với người khác và khiến họ hợp tác để giúp mình đạt được các mục tiêu.

Học cách phát triển và duy trì các mối quan hệ tình cảm có thể giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của bạn. Không thể hòa hợp với người khác là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại, chán nản và bất hạnh trong cuộc sống và công việc. Theo một nghiên cứu, có đến trên 95% những người bỏ mặc công việc trong mười năm đã bị sa thải bởi vì các kỹ năng xã hội kém chứ không phải là không có năng lực hay chuyên môn.

Theo nhà tâm lý học Sydney Jourard, phần lớn niềm vui trong cuộc sống xuất phát từ các mối quan hệ hạnh phúc với người khác, và đa số các vấn đề trong cuộc sống đến từ các mối quan hệ không vui với họ. Đa số các vấn đề trong cuộc sống của bạn là các vấn đề về con người.

Bạn có thể hòa hợp với những người khác, và trong chương này, bạn sẽ học được cách để làm điều đó. Bạn sẽ học được rất nhiều phương pháp đã qua kiểm chứng để có thể cải thiện ngay các mối quan hệ trong nhiều hoàn cảnh.

NHẬN ĐỊNH NHÂN CÁCH LÀNH MẠNH

Đa số chúng ta nghĩ mình có, hoặc cảm thấy có, hay muốn có một “nhân cách lành mạnh”. Có nhiều định nghĩa về nhân cách lành mạnh, và dưới đây là ba trong số những định nghĩa hữu ích.

Một là, nhân cách của bạn lành mạnh tới mức bạn chủ định tìm kiếm điểm tốt ở mỗi con người và mỗi hoàn cảnh. Nhân cách của bạn không lành mạnh tới độ bạn chỉ đi tìm điểm xấu ở mọi người hay mọi hoàn cảnh. Bạn có thường tìm điểm tốt ở người khác không, hay chỉ chỉ trích và than phiền về họ? Đó là thước đo đầu tiên.

Hai là, nhân cách của bạn lành mạnh tới mức bạn có thể tha thứ cho những người đã khiến bạn bị tổn thương theo một cách nào đó. Đa số những bất hạnh và bệnh căng thẳng thần kinh là do con người không có khả năng tha thứ. Chính hành động tha thứ sẽ giải phóng nhân cách của bạn. Những người lành mạnh thật sự không căm ghét hay không bị ám ảnh bởi sự giận dữ và oán giận về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Họ giũ bỏ vấn đề cũ ra khỏi đầu óc. Họ để chúng qua đi. Đó là thước đo thứ hai.

Ba là, nhân cách của bạn lành mạnh tới độ bạn có thể dễ dàng hòa hợp với nhiều loại người khác nhau. Bất cứ ai cũng có thể hòa hợp với một vài người. Bạn luôn có thể hòa hợp với những người giống bạn, cả tích cực và tiêu cực. Nhưng người lành mạnh thật sự dễ hòa hợp với rất nhiều người có tính khí, nhân cách, thái độ, giá trị và quan điểm khác nhau. Đó là thước đo thật sự, thử thách thật sự.

Có một mối quan hệ trực tiếp giữa mức độ tự trọng với sự lành mạnh trong nhân cách của bạn. Bạn càng yêu thích và tôn trọng bản thân bao nhiêu thì càng yêu thích và tôn trọng người khác bấy nhiêu. Bạn càng coi mình là người quan trọng và có ích bao nhiêu thì bạn càng coi người khác cũng quan trọng và có ích bấy nhiêu. Bạn càng chấp nhận con người bạn như vốn có thì bạn cũng sẽ chấp nhận người khác như họ vốn thế.

Khi lòng tự trọng được cải thiện, bạn sẽ hòa hợp hơn với nhiều loại người, trong thời gian dài hơn. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên hạnh phúc và trọn vẹn hơn. Những người có mức độ tự trọng cao có thể hòa hợp với hầu hết mọi người, ở bất cứ đâu và trong mọi hoàn cảnh.

Những người có mức độ tự trọng thấp chỉ có thể hòa hợp với một vài người và không được lâu. Sự tự trọng thấp của họ tự biểu hiện ở sự giận dữ, thiếu kiên nhẫn, chỉ trích hay phỉ báng và tranh luận với những người xung quanh. Họ không ưa chính bản thân mình nên cũng không thật sự ưa thích người khác. Kết quả là mọi người cũng không ưa họ.

LUẬT NỖ LỰC GIÁN TIẾP

Luật nỗ lực gián tiếp chỉ ra việc bạn đạt được mọi thứ trong các mối quan hệ với mọi người sẽ dễ dàng hơn bằng cách tiếp cận với họ một cách gián tiếp thay vì trực tiếp.

Ví dụ, nếu bạn muốn gây ấn tượng với mọi người, thì cách trực tiếp là cố thuyết phục họ bằng những phẩm chất và thành tích tuyệt vời của bạn. Nhưng cố gây ấn tượng với người khác bằng cách đó thường khiến bạn cảm thấy hơi ngốc nghếch và ngượng ngùng.

Cách gián tiếp để gây ấn tượng với người khác đơn giản chỉ là bị ấn tượng bởi người khác. Bạn càng bị ấn tượng bởi người khác, bởi họ là ai hay đạt được gì, thì càng có cơ hội gây ấn tượng với họ.

Nếu bạn muốn ai đó quan tâm đến mình, cách trực tiếp là nói với họ về bản thân mình. Nhưng cách gián tiếp lại có hiệu quả hơn. Hãy quan tâm đến người đó. Bạn càng quan tâm đến một người thì càng có khả năng họ cũng sẽ quan tâm đến bạn.

Nếu bạn muốn được hạnh phúc, cách trực tiếp là hãy làm những gì sẽ khiến bạn được hạnh phúc. Tuy vậy, hạnh phúc thú vị và lâu bền nhất lại đến từ việc làm cho người khác cảm thấy hạnh phúc. Thông qua luật nỗ lực gián tiếp, bất cứ khi nào bạn nói hay làm điều gì khiến người khác hạnh phúc, thì tự bản thân bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Bạn thúc đẩy tinh thần, đồng thời cũng làm tăng lòng tự trọng.

Bạn làm cách nào để cho người khác tôn trọng bạn? Cách tốt nhất là hãy tôn trọng người đó. Khi bạn thể hiện sự tôn trọng và ngưỡng mộ với một người, họ sẽ tôn trọng và ngưỡng mộ bạn. Trong các mối quan hệ của con người, chúng ta gọi hiện tượng này là nguyên tắc tương hỗ. Bất cứ khi nào bạn làm việc tốt cho ai đó thì người đó cũng muốn đáp lại bằng cách làm một điều gì đó tốt đẹp cho bạn. Phần lớn tình bạn đều dựa trên nguyên tắc này.

Bạn làm cách nào để khiến một người tin tưởng ở bạn, dựa trên luật nỗ lực gián tiếp? Câu trả lời là hãy tin tưởng vào người đó. Khi bạn thể hiện rằng mình tin tưởng một người thì họ cũng có xu hướng tin tưởng vào bạn. Bạn nhận lại được những gì đã cho đi. Những gì bạn gửi đi thì sẽ được nhận lại.

Những ứng dụng quan trọng nhất của luật nỗ lực gián tiếp có liên quan đến sự phát triển một nhân cách lành mạnh bên trong bạn. Mọi việc bạn làm để tăng lòng tự trọng ở người khác thì đồng thời sẽ làm tăng lòng tự trọng của chính mình. Bởi lòng tự trọng là dấu hiệu quan trọng của một nhân cách lành mạnh, nên bạn thật sự có thể cải thiện nhân cách bằng cách tận dụng mọi cơ hội để cải thiện nhân cách của những người khác. Những gì bạn gieo vào cuộc sống của người khác thì sẽ được gặt trong cuộc sống của chính mình.

Tất cả mọi người mà bạn gặp đều đang mang một gánh nặng. Điều này đúng nhất trong phạm vi lòng tự trọng và sự tự tin. Mọi người đều lớn lên với một cảm giác tự ti, và trong suốt cuộc đời, chúng ta cần được người khác khen ngợi và được thừa nhận. Cho dù con người có thành công hay cao sang đến đâu thì vẫn thích được khen ngợi. Họ vẫn cần mọi người nói về những điều làm tăng lòng tự trọng và khiến họ cảm thấy quan trọng và có ích hơn.

Có một câu nói rằng: “Tôi thích bạn bởi những gì tôi cảm nhận được về bản thân khi ở bên bạn”. Câu nói này ẩn chứa điểm mấu chốt cho các mối quan hệ của con người. Những người hạnh phúc và thành công nhất luôn khiến cho người khác cảm thấy mình cũng tốt đẹp khi ở bên họ. Khi bạn sống trên đời mà luôn làm tăng lòng tự trọng ở người khác thì cơ hội sẽ mở ra cho bạn, và mọi người cũng giúp lại bạn.

Hãy thực hiện luật nỗ lực gián tiếp. Hãy tận dụng mọi cơ hội để nói và làm những việc khiến người khác cảm thấy họ có ích hơn. Mỗi lần bạn thể hiện một sự tử tế với một người khác thì lòng tự trọng của bạn sẽ được hoàn thiện. Nhân cách của bạn trở nên tích cực và lành mạnh hơn.

KHIẾN NGƯỜI KHÁC CẢM THẤY HỌ QUAN TRỌNG

Điểm mấu chốt để làm tăng lòng tự trọng ở những người khác, sử dụng luật nỗ lực gián tiếp, đơn giản chỉ là khiến người khác cảm thấy họ quan trọng. Mọi việc bạn nói hay làm khiến một người cảm thấy họ quan trọng hơn sẽ làm tăng lòng tự trọng của người đó, đồng thời cũng làm tăng lòng tự trọng của bạn với cùng mức độ như vậy.

Khi bạn luôn tìm cách để khiến người khác cảm thấy họ quan trọng thì bạn sẽ trở nên nổi tiếng và được chào đón ở mọi nơi. Bạn sẽ khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn và đạt được nhiều sự thỏa mãn thật sự từ cuộc sống. Bạn sẽ giảm mức độ căng thẳng và làm tăng mức năng lượng. Trên hết, bạn sẽ thật sự ưa thích và tôn trọng bản thân hơn và cảm thấy sự thanh thản lớn hơn trong tâm hồn.

XÂY DỰNG LÒNG TỰ TRỌNG Ở NGƯỜI KHÁC

Điểm khởi đầu của việc làm tăng lòng tự trọng ở người khác là hãy chấm dứt việc phá bỏ nó. Hãy ngừng ngay hành động hay lời nói nào làm hạ thấp lòng tự trọng của người khác. Hãy trung lập. Hãy yên lặng. Đừng nói gì cả.

Các hình thức chỉ trích tiêu cực luôn làm hạ thấp lòng tự trọng. Nhiều mối quan hệ và nhân cách bị tổn hại hay bị hủy hoại bởi sự chỉ trích tiêu cực chứ không phải bởi những ảnh hưởng tiêu cực.

Sự chỉ trích tiêu cực tấn công vào cốt lõi nhân cách con người, gây ra các cảm giác tội lỗi, tự ti. Khi bị chỉ trích, thậm chí là “sự chỉ trích mang tính xây dựng”, thì người đó ngay lập tức cảm thấy giận dữ, muốn phòng ngự và tấn công lại. Theo luật tương hỗ, bất cứ khi nào bạn làm hay nói một điều gì đó khiến người khác tổn thương, đặc biệt là công kích lòng tự trọng thì bạn đã khiến họ muốn, hay thậm chí là cần, tấn công lại để giành lấy sự công bằng.

Từ nhỏ, chúng ta đã được hình thành thói quen nhạy cảm với sự phản đối hay chỉ trích của người khác. Khi bị chỉ trích, lòng tự trọng của chúng ta giảm đi. Cảm giác và thái độ của chúng ta đối với người chỉ trích sẽ chuyển ngay sang trạng thái tiêu cực.

Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là ngừng chỉ trích người khác. Hãy loại bỏ mọi hình thức chỉ trích tiêu cực khỏi vốn từ vựng và các cuộc đối thoại của bạn. Hãy trở thành một người tích cực bằng cách chỉ nói những điều giúp xây dựng con người chứ không phải là loại bỏ họ.

Hầu như mọi cảm xúc tiêu cực đều bắt đầu với việc chỉ trích và khiển trách người khác. Thói quen chỉ trích và chê trách rất dễ hình thành. Nhiều cuộc đối thoại chỉ xoay quanh việc bôi nhọ và chỉ trích. Tuy vậy, bạn phải phá bỏ thói quen này nếu thật sự quyết tâm phát triển nhân cách cần có để đạt đến đỉnh cao.

Một hành vi khác hủy hoại lòng tự trọng ở cả người nói và người nghe là sự than phiền. Nhiều người trượt vào sự than phiền: “Thật khủng khiếp!” Họ nói những điều như: “Giá cả cao thế này thì thật kinh khủng!” hay “Việc kinh doanh thế này thì tệ quá!” Sau đó họ cố chiếm ưu thế hơn người kia bằng cách nghĩ đến những việc tệ hại hơn.

Henry Ford nói rất đúng: “Không bao giờ than phiền, không bao giờ giải thích”. Thói quen tìm những việc để phàn nàn sẽ thu hút những người hay than phiền vào cuộc sống của bạn. Luật tập trung phát biểu rằng, bạn chăm chú vào thì nó sẽ phát triển thành sự thật, nên càng than phiền, bạn sẽ càng tìm thấy nhiều điều và nhiều người hơn để than phiền.

Những người thành công không bao giờ than phiền. Họ luôn khiến mình bận bịu. Nếu không thể làm gì để giải quyết vấn đề, họ chỉ nói đơn giản: “Những gì không giải quyết thì phải chịu đựng”. Sau đó họ bận bịu làm việc, nhưng không bao giờ than phiền.

Sự thật là, không ai thật sự thích thú với những than phiền của bạn. Mọi người đều có vấn đề của riêng mình, và thậm chí vấn đề của họ còn tồi tệ hơn của bạn rất nhiều. Khoảng 80% những người nghe bạn than phiền không

quan tâm và 20% còn lại là những người thấy vui vì bạn cần họ.

Hãy kiên quyết ngừng mọi sự chỉ trích, bôi nhọ và than phiền. Như lời của một bài hát: “Nếu bạn không nói được điều gì tốt đẹp thì đừng nói gì cả”. Nếu bạn có thể loại bỏ các hình thức tiêu cực ra khỏi những cuộc đối thoại thì điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ tới các mối quan hệ của bạn. Bản thân bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và người khác cũng có cảm nhận như vậy.

BẢY BÍ QUYẾT CẢI THIỆN CÁC MỐI QUAN HỆ

Có bảy hành vi mang tính tâm lý, tích cực và xây dựng mà bạn có thể luyện tập để cải thiện cách cư xử với người khác. Mỗi hành vi này chống lại những nhu cầu tiềm thức, nhu cầu cảm thấy quan trọng, được tôn trọng và được yêu quý của người khác. Những nhu cầu tiềm thức này được hình thành từ thời thơ ấu và nếu bạn có thể thỏa mãn chúng, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy có nhiều người yêu quý bạn hơn và ngược lại.

Hãy tán thành

Hành vi đầu tiên là tán thành. Mọi người thường thích ở gần những người tán thành, có khả năng thảo luận dễ dàng và thoải mái về rất nhiều chủ đề. Khi bạn gật đầu, cười và đồng tình với người đang nói, người đó sẽ cảm thấy mình quan trọng và được tôn trọng hơn.

Hành vi tán đồng giúp những người khác tăng lòng tự trọng. Sự bất đồng làm giảm lòng tự trọng. Bất cứ khi nào bạn bất đồng hay tranh luận với người khác là bạn đang không thừa nhận sự am hiểu và trí thông minh của họ. Bạn cho rằng họ sai, sự phán xét và kinh nghiệm của họ không có giá trị, suy ra là họ cũng không mấy quan trọng.

Bản tính của con người là ghét bị sai lầm và không bao giờ thừa nhận sai lầm. Sai lầm trong một vấn đề khiến chúng ta cảm thấy mình sai lầm. Lòng tự trọng của chúng ta bị tổn thương. Chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé, không xứng đáng và tự coi mình kém cỏi hay bất tài.

Khi bạn nói với một người rằng họ sai lầm, phản ứng tức thời của họ là phòng ngự, ẩn mình và thậm chí, cứng rắn hơn. Lòng tự trọng của chúng ta thường rất mong manh, và khi ai đó nói rằng chúng ta đã sai lầm thì chúng ta nhanh chóng phản ứng tự vệ bằng mọi giá.

Hãy luôn tán thành. Hãy trở thành người dễ dàng đồng ý với người khác. Nên nhớ những lời này: “Hãy nhanh chóng đồng ý với đối thủ của bạn”. Nếu bạn trở thành người dễ tán thành thì những người khác sẽ luôn giúp đỡ hay chung sống hòa thuận với bạn. Ngay cả nếu một người khác rõ ràng là sai, thì hãy dựa trên kiến thức thực tế và tự hỏi: “Việc này quan trọng đến đâu?” Nếu nó không quan trọng thì thay vì không đồng ý, bạn hãy cho qua.

Hãy ngừng tranh cãi

Khi lớn lên, tôi trở thành một “người tranh luận vĩ đại”. Tôi có thể tranh luận với bất kỳ ai về bất kỳ điều gì và tranh luận đến cùng. Thường thì tôi dành thời gian để thu thập đầy đủ thông tin về chủ đề tranh luận. Với thông tin đã chuẩn bị, tôi luôn thắng. Cho dù người đó nói gì thì tôi cũng có thể phản ứng lại.

Tuy nhiên, tôi sớm phát hiện ra rằng mọi người bắt đầu cố tránh mặt tôi. Mọi người không muốn mất thời gian với tôi trong công việc, cũng như không muốn kết bạn với tôi sau giờ làm việc. Tôi thắng trong tất cả các cuộc tranh luận, nhưng tôi đã mất đi tất cả bạn bè.

Ai đó nói rằng: “Một người bị thuyết phục chống lại ý chí của mình là người vẫn giữ được quan điểm”. Tôi đang thuyết phục, lấn át mọi người bằng kiến thức thực tế rất phong phú, nhưng cũng đang đánh mất họ. Tôi đã quên không tự hỏi: “Điều gì là quan trọng?”

Và điều quan trọng là tôi phải hòa hợp với mọi người. Các mối quan hệ rất quan trọng, chứ không phải là việc ai đúng và chiến thắng trong các cuộc tranh luận. Tự bạn cũng có thể sử dụng thước đo này. Hãy luôn tự hỏi: “Mình muốn đúng hay mình muốn được hạnh phúc?” Và hãy lựa chọn hạnh phúc!

Khi ai đó nói một điều gì đó không đúng thì tốt nhất là bạn hãy bỏ qua. Nhưng nếu vấn đề quan trọng đến nỗi không thể bỏ qua thì bạn vẫn có thể duy trì sự tán thành bằng cách sử dụng cái được gọi là “sự bất đồng của người thứ ba”.

Với phương pháp này, bạn đặt những lời nói trong cuộc tranh luận vào miệng của một người thứ ba tưởng tượng hay không có mặt ở đó. Bạn nói: “Đó là một điểm rất thú vị Bill ạ, nhưng nếu ai đó hỏi câu hỏi này, cậu sẽ trả lời ra sao?”

Bạn có thể hỏi: “Cậu nghĩ khách hàng của chúng ta sẽ nói gì nếu biết chúng ta đang làm thế này?” Hay: “Cậu nghĩ các giám đốc ngân hàng sẽ phản ứng thế nào trước hành động này?” Bạn có thể tiếp tục tán thành trong lúc đặt ra các câu hỏi.

Nếu người đó trả lời đúng thì bạn có thể thuận theo mà không phải bất đồng. Nếu không thể trả lời câu hỏi thì họ có thể thay đổi suy nghĩ mà không bị mất lòng tự trọng bởi vì “người đặt câu hỏi” không có mặt.

Việc bạn quyết định trở thành người tán thành và dễ tính sẽ làm giảm căng thẳng và tăng khả năng tác động lên người khác. Bạn sẽ làm tăng lòng tự trọng ở người khác và bản thân mình cũng cảm thấy tốt hơn.

Luyện tập sự chấp nhận

Hành vi xây dựng lòng tự trọng thứ hai là chấp nhận. Mỗi chúng ta đều luôn đi tìm sự chấp nhận ở những người khác. Đứa trẻ bắt đầu nhìn vào biểu hiện của cha mẹ để xem nó có được yêu thương, tôn trọng, được cần đến, được coi là quan trọng, hài hước, thông minh, v.v… Khi lớn lên, chúng ta nhìn vào biểu hiện của người khác để xem mình làm thế nào. Chúng ta luôn có nhu cầu sâu xa là được người khác chấp nhận, ngay cả những người không quen biết.

Ví dụ, khi hai người mới gặp nhau lần đầu hoặc những lần tiếp sau, điều đầu tiên được thiết lập giữa họ là một mức độ chấp nhận nhất định. Chúng ta nhìn vào ánh mắt, nụ cười, gương mặt và ngôn ngữ cơ thể của người kia để xem họ có chấp nhận và vui với sự hiện diện của chúng ta hay không. Chỉ khi cảm thấy được chấp nhận, chúng ta mới thấy dễ chịu.

Khi bạn tham gia vào vấn đề, thể hiện sự chấp nhận người khác vô điều kiện và thành thật là bạn đã làm tăng lòng tự trọng, cải thiện sự tự nhận thức về bản thân, khiến họ cảm thấy thư thái và an toàn khi kết bạn với bạn.

Chỉ cần mỉm cười!

Và bạn phải làm gì để thể hiện sự chấp nhận? Đơn giản thôi. Hãy mỉm cười. Khi cười, bạn chỉ sử dụng 13 loại cơ trong khi bạn phải sử dụng tới 112 loại cơ nếu nhăn mặt. Một nụ cười chân thật nói lên rất nhiều điều. Nó nói rằng: “Tôi chấp nhận con người bạn một cách vô điều kiện”. Khi bạn mỉm cười với một người, người đó sẽ cảm thấy mình quan trọng, có ích. Và bạn chỉ mất có một nụ cười, một sự thể hiện chân thật, ấm áp.

Một câu tục ngữ của Trung Quốc rất đúng đắn là: “Người không có nụ cười thì không nên mở cửa tiệm”. Những doanh nhân, người bán hàng hay bất kỳ ai có nghề nghiệp phụ thuộc vào sự giúp đỡ hay hỗ trợ của người khác thì đều phải học cách chấp nhận trong các mối quan hệ.

Luật nhân quả nói rằng, nếu bạn khiến người khác cảm thấy tốt bằng cách mỉm cười và chào hỏi họ thì họ cũng muốn đáp lại bằng cách đối xử với bạn cũng theo cách ấy. Trong cuốn sách Death of Salesman (Cái chết của một doanh nhân), Willy Loman đã viết: “Điều quan trọng nhất là được yêu thích”. Khi mọi người yêu thích bạn, họ sẽ sẵn sàng hợp tác với bạn. Điểm khởi đầu của việc được yêu thích là hãy yêu thích người khác. Và hãy thể hiện rằng bạn thích người khác bằng cách trao cho người ấy một nụ cười chân thành và ấm áp.

Ngay cả khi bạn không cảm thấy thoải mái, nếu bạn buộc mình phải mỉm cười với mọi người thì bạn sẽ lại cảm thấy tốt hơn. Các đám mây tiêu cực sẽ bị phá vỡ và xua tan. Dần dần, nụ cười của bạn sẽ ngày càng chân thật hơn. Bạn sẽ gia tăng được lòng tự trọng của mình bằng cách làm tăng lòng tự trọng của những người khác bằng nụ cười.

Một thái độ biết ơn

Bước thứ ba bạn có thể thực hiện để làm tăng lòng tự trọng ở những người khác là thể hiện sự cảm kích. Một trong những khao khát lớn nhất của con người là nhu cầu được đánh giá đúng. Bất cứ khi nào bạn thể hiện lòng biết ơn hay sự cảm kích với người khác về những việc họ đã làm là bạn đã khiến người đó cảm thấy mình quan trọng, tài giỏi và có ích.

Để thể hiện sự cảm kích, chỉ cần một lời nói đơn giản là “Cảm ơn”. Từ “cảm ơn” tác động mạnh nhất đến người khác. Tôi đã đi và làm việc tại 80 nước, và tôi học được rằng bạn có thể đi đến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới chỉ đơn giản bằng cách học và nói những từ “làm ơn” và “cảm ơn”.

Hãy nói “cảm ơn”

Từ “cảm ơn” có một sức mạnh kỳ diệu. Mỗi lần bạn nói từ này với một người, thì lòng tự trọng của họ sẽ tăng lên. Lời cảm ơn sẽ củng cố hành vi của người đó. Từ “cảm ơn” làm tăng khả năng người đó sẽ lặp lại hành vi đó. Nếu bạn nói “cảm ơn” vì những điều nhỏ nhặt thì mọi người sẽ sớm làm những điều lớn lao cho bạn.

Phát triển thói quen nói “cảm ơn” với mọi người vì những điều họ làm. Hãy nói “cảm ơn” với chồng/vợ vì mọi việc mà anh ấy/cô ấy đã làm cho bạn. Hãy nói “cảm ơn” với bọn trẻ vì những gì mà chúng đã làm quanh nhà. Bạn càng cảm ơn họ bao nhiêu thì họ sẽ càng cảm thấy hạnh phúc và tích cực hơn về bản thân. Họ sẽ càng thiết tha làm nhiều việc hơn để có được sự cảm kích của bạn.

Hãy luôn nói “cảm ơn” với những người giúp đỡ bạn. Hãy cảm ơn những người đã đến cuộc hẹn. Cảm ơn họ vì họ dành thời gian cho bạn. Cảm ơn họ vì những nhận xét, sự hào phóng và sự giúp đỡ của họ. Cảm ơn mọi người về mọi điều mà bạn có thể nghĩ ra.

“Thư cảm ơn” là một trong những phương tiện xây dựng các mối quan hệ và lòng tự trọng mạnh nhất. Khi bạn gửi một bức thư cảm ơn ngắn cho một ai đó, thậm chí chỉ có vài từ, thì người nhận sẽ luôn nhớ đến bạn trong hàng tháng, hàng năm.

Hãy phát triển một “thái độ biết ơn”. Người hạnh phúc nhất và được nhiều người ưa thích nhất là những người luôn thành thật biết ơn mọi việc và mọi người từng gặp. Thái độ biết ơn mở ra một con đường trước mắt bạn. Thái độ biết ơn đảm bảo một nhân cách lành mạnh và mức độ tự trọng cao.

Trẻ con đòi nó; người lớn chết vì nó

Cách thứ tư để làm tăng lòng tự trọng ở người khác là thể hiện sự chấp thuận họ trong mọi trường hợp có thể. Việc thể hiện chấp thuận hay ca ngợi là cách nhanh nhất khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Đưa ra những lời ca ngợi và thừa nhận với người khác là cách chắc chắn nhất để gia tăng lòng tự trọng, củng cố hành vi của họ và khiến họ muốn giúp đỡ, hợp tác với bạn.

Những đứa trẻ mệt mỏi nhưng được cha mẹ, thầy cô khen ngợi và ủng hộ dễ vươn lên và khôi phục lại năng lượng đã mất. Khi được khen ngợi chân thành bởi một người mà họ tôn trọng thì sự nhiệt thành sẽ tăng lên và họ cảm thấy tốt hơn nhiều về bản thân.

Ba bí quyết để khen ngợi tích cực

Khen ngợi là cả một nghệ thuật. Những nhà lãnh đạo vĩ đại, doanh nhân thành đạt và bậc cha mẹ xuất sắc đều giỏi khen ngợi. Đây là ba việc bạn có thể làm để những lời khen ngợi phát huy hiệu quả tối đa.

Một là, khen ngợi phải kịp thời. Bạn khen ngợi một việc làm hay hành vi càng sớm thì tác động của nó càng lớn. Một số công ty mắc sai lầm khi khen ngợi nhân viên ba hay sáu tháng hay thậm chí một năm một lần. Khen ngợi một người sau khi sự việc đã diễn ra rất lâu, thì nó có rất ít tác dụng. Vì vậy hãy khen ngợi ngay, hay càng gần với thời điểm diễn ra sự việc càng tốt.

Hai là, khen ngợi một cách cụ thể. Khi khen ngợi việc làm hay hành vi cụ thể, bạn đã bảo đảm rằng việc làm hay hành vi đó được lặp lại. Tuy vậy, nếu bạn khen ngợi chung chung, như một số người vẫn làm, thì điều đó tác động rất ít đến người được khen. Ví dụ, nếu bạn nói với thư ký: “Cô làm tốt lắm”, thì những lời nói của bạn sẽ chỉ có tác động vừa phải. Nhưng nếu bạn nói: “Cô làm rất tốt công việc đánh máy và báo cáo đều đặn vào thứ năm”, thì bạn sẽ có thể thấy các báo cáo trong tương lai luôn được hoàn thành và gửi đúng thời hạn.

Khi khen ngợi trẻ, bí quyết này cũng đúng. Thay vì nói “Con là một đứa trẻ ngoan” thì hãy nói: “Sáng nay con thật ngoan khi đã dọn giường và dọn phòng ngủ”. Khi bạn khen ngợi một thành tích cụ thể thì con bạn sẽ rất có khả năng lặp lại thành tích đó. Quy luật là: Hãy khen ngợi điều gì mà bạn muốn nó lặp lại, hãy khen ngợi ngay lập tức và cụ thể.

Ba là, bất cứ khi nào có thể, hãy khen ngợi trước mọi người. Nếu bạn phải trách mắng một người, hãy trách mắng riêng tư, nhưng hãy khen ngợi một người trước mặt những người khác. Bạn khen ngợi người đó trước càng nhiều người thì lòng tự trọng của họ càng được tăng lên. Phần thưởng và sự thừa nhận trước mặt đông đảo đồng nghiệp có tác động rất lớn đến lòng tự trọng và hành vi tiếp theo của người đó.

Mọi người có thể làm việc vất vả hơn để kiếm tiền, nhưng điều họ khao khát nhất là có được sự khen ngợi và công nhận. Tất cả những nhà lãnh đạo vĩ đại đều nhận thức được điều này và đưa ra những lời khen ngợi một cách hào phóng. Chính Napoleon đã nói: “Tôi đã phát hiện ra một điều đặc biệt: con người có thể chết vì những dải ruy-băng (tượng trưng cho thành tích mà một người đạt được)”. Sự khen ngợi trở thành động lực mạnh mẽ khi được vận dụng hợp lý.

Hai cách khen ngợi

Nếu muốn một người phát triển một hành vi, như dọn dẹp phòng ngủ hay đi làm đúng giờ, bạn nên khen ngợi mỗi khi người đó làm việc này. Hình thức khen ngợi này được gọi là “củng cố liên tục”. Nếu bạn liên tục khen ngợi một hành vi mới mà bạn muốn thấy nó lặp lại, thì cuối cùng người đó sẽ lặp lại nó thường xuyên đến nỗi trở thành thói quen. Sau khi người đó phát triển một thói quen mới, bạn có thể chuyển sang “củng cố không liên tục”. Củng cố không liên tục nghĩa là bạn chỉ khen ngợi hành vi đó khi nó xảy ra ba hay bốn lần.

Những thói quen đã được hình thành và bạn “củng cố liên tục” có thể tước bỏ động cơ thúc đẩy. Việc khen ngợi lặp đi lặp lại thậm chí có thể khiến người đó không tiếp tục thực hiện hành vi đó. Nhưng sự củng cố không liên tục khi thói quen đã được hình thành, có thể khiến cho hành vi đó được lặp lại vô hạn định. Nó giống như việc “giữ cho chiếc đĩa quay tròn”.

Ví dụ, để con bạn dọn dẹp phòng, hãy khen ngợi mỗi lần chúng dọn dẹp, ngay cả những việc nhỏ nhất. Hãy làm như đó là một việc gì lớn lao lắm. Hãy khen ngợi thường xuyên cho đến khi bọn trẻ bắt đầu tự nguyện dọn dẹp phòng. Khi chúng tạo được thói quen dọn phòng, bạn chỉ cần khen ngợi hay tán thành sau ba hay bốn lần chúng dọn phòng. Điều này đủ để giữ cho thói quen đó bị “trói lại”.

Sự ngưỡng mộ

Hành vi thứ năm để làm tăng lòng tự trọng ở những người khác và khiến họ cảm thấy mình quan trọng là sự ngưỡng mộ. Khi bạn ngưỡng mộ một người khác vì một điều họ đã đạt được hay vì nét tính cách của họ là bạn đã giúp họ tăng lòng tự trọng. Sự ngưỡng mộ là công cụ rất hữu hiệu trong các mối quan hệ của con người. Như Abraham Lincoln đã nói: “Mọi người đều thích lời ca tụng”. Bạn có thể sử dụng sự ngưỡng mộ ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Bạn có thể thán phục các nét tính cách hay phẩm chất. Khi bạn ca tụng một người vì họ đúng giờ, hào phóng, kiên trì hay kiên quyết, là bạn đã khiến cho người đó cảm thấy mình quan trọng và có ích. Chúng ta đều tự hào về những nét tích cực của mình. Chúng ta thường tự hào với những gì của mình. Khi người khác nhận ra và ngưỡng mộ chúng ta vì những phẩm chất đó, chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân mình.

Bạn có thể ngưỡng mộ những gì mà mọi người sở hữu. Mọi người thường đầu tư rất nhiều tình cảm vào những thứ mà họ đạt được. Ví dụ, hầu hết mọi người đều rất tâm đắc với các đồ đạc và bất động sản mà họ mua. Bạn luôn đúng khi khen ngợi căn nhà hay phòng ngủ của người đó trông thật hấp dẫn.

Tuy nhiên, chỉ nên thể hiện sự đánh giá cao, tán thành hay ngưỡng mộ khi bạn thật sự cảm nhận được điều đó. Đừng bao giờ giả dối để cố làm tăng lòng tự trọng của họ.

Chỉ có một sự ngoại lệ cho quy luật này: Một nụ cười giả dối vẫn tốt hơn một cái nhăn mặt. Nhưng trong tất cả các trường hợp khác, sự khen ngợi phải chân thành. Bạn phải nói một cách thành thật. Nếu không, mọi người sẽ cảm thấy bạn đang cố thao túng họ. Do đó, bạn sẽ nhận được phản ứng ngược lại với phản ứng mà bạn mong muốn. Lòng tự trọng của họ sẽ suy giảm và họ phản ứng với bạn bằng sự ngờ vực và phòng vệ.

Năm điều đầu tiên bạn có thể làm để khiến mọi người cảm thấy quan trọng hơn là tỏ ra dễ chịu; hãy thể hiện sự chấp nhận, mỉm cười với những người bạn gặp; thể hiện sự cảm kích, nói “cảm ơn” trong mọi trường hợp; thể hiện sự tán thành, khen ngợi và công nhận những điều tích cực mà người khác làm; thể hiện sự ngưỡng mộ, khen ngợi mọi người vì những thành tích, những nét tính cách hay những gì thuộc quyền sở hữu của họ. Về phía bạn, hành vi này là nền tảng của những mối quan hệ tốt đẹp với những người khác.

Biết lắng nghe

Bước thứ sáu để khiến người khác cảm thấy mình quan trọng là sự quan tâm. Hãy luôn hướng sự chú ý vào những gì bạn coi trọng, quan tâm và quan trọng đối với bản thân.

Trong các mối quan hệ của bạn với những người khác, sự tập trung thể hiện tầm quan trọng của chúng đối với bạn. Bạn luôn dành nhiều sự quan tâm chú ý đến những người và vật mà bạn coi trọng nhất. Đối lập với sự quan tâm chú ý là sự thờ ơ. Bạn lờ đi những người và sự việc không được coi trọng và đánh giá cao.

Khi tập trung chú ý vào một người, bạn nói: “Tôi coi trọng bạn”. Khi lờ đi một người, bạn nói: “Bạn không quan trọng và ít có giá trị”. Chính việc tập trung chú ý vào một người đã làm tăng lòng tự trọng của họ. Hành động lờ một người đi sẽ làm hạ thấp lòng tự trọng của họ. Sự thờ ơ thường khiến người đó cảm thấy giận dữ và thủ thế.

Một nguyên nhân chính gây ra những cảm xúc tiêu cực là cảm giác bị người khác lờ đi. Bị lờ đi, cho dù là bởi chồng/vợ, ông chủ hay thậm chí là một người phục vụ trong nhà hàng, khiến chúng ta cảm thấy bị giảm giá trị và xấu hổ. Đó là lý do tại sao những người có mối quan hệ tốt với mọi người thường rất nhạy cảm và có thể nhận thức được nhu cầu quan tâm thích đáng đến những người khác.

Làm cách nào để bạn quan tâm thích đáng đến người khác? Hãy luyện tập sự lắng nghe. Lắng nghe là một biện pháp đúng đắn để tập trung chú ý vào các mối quan hệ. Lắng nghe là cách bạn thể hiện mức độ coi trọng của mình với người khác và những gì họ đang nói. Chỉ khi bạn lắng nghe người khác và lắng nghe đầy đủ, là bạn đang chứng tỏ họ rất có ích và quan trọng. Những vị lãnh đạo, doanh nhân, giám đốc và những người bạn thành đạt nhất đều là những người biết lắng nghe tài tình và khôn khéo.

Có ba lợi ích chính khi trở thành người biết lắng nghe. Đầu tiên là lắng nghe tạo dựng niềm tin. Bất cứ khi nào ai đó lắng nghe chúng ta thì chúng ta tin tưởng họ hơn. Cách nhanh nhất để hai người xây dựng niềm tin với nhau là biết lắng nghe nhau một cách chăm chú và tán thưởng.

Lợi ích thứ hai là lắng nghe tạo dựng lòng tự trọng. Khi bạn chăm chú lắng nghe một người thì lòng tự trọng của họ sẽ tăng lên. Bất cứ khi nào ai đó chăm chú lắng nghe bạn thì lòng tự trọng của bạn cũng tăng lên. Bạn cảm thấy mình quan trọng và có ích hơn.

Lợi ích thứ ba là lắng nghe tạo dựng kỷ luật tự giác. Nó đòi hỏi sự làm chủ cá nhân rất lớn và việc tự kiểm soát để lắng nghe người khác một cách chăm chú. Trung bình, một người nói 150 từ/phút, trong khi đó bạn có thể lắng nghe 160 từ/phút. Việc lắng nghe tích cực đòi hỏi bạn phải kiểm soát sự tập trung chú ý và giữ cho bản thân tập trung vào người nói. Bạn càng rèn luyện bản thân để lắng nghe mà không bị sao lãng thì bạn sẽ càng hoạt động hiệu quả hơn ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Lắng nghe một cách tích cực

Bước đầu tiên của việc lắng nghe tích cực là lắng nghe một cách tập trung. Hãy đối diện trực tiếp với người nói. Hơi ngả người về phía trước, hướng về phía người nói. Nếu bạn đang đứng thì hãy dồn trọng lượng cơ thể lên các đầu ngón chân để cơ thể hướng về phía trước. Hãy quan sát kỹ miệng và mắt người nói. Điều này thể hiện bạn đang hoàn toàn tập trung vào những gì họ nói. Nó khiến họ hiểu rõ rằng bạn hoàn toàn thân mật khi đối thoại.

Bước thứ hai của việc lắng nghe tích cực là lắng nghe không ngắt quãng. Hầu hết mọi người không thật sự lắng nghe khi người khác nói. Họ đang mải nghĩ đến những gì mình sẽ nói khi người kia ngừng lại.

Bất cứ khi nào người nói cảm nhận rằng người nghe chỉ đợi có cơ hội để nhảy vào, hay những suy nghĩ của người kia đang ở đâu đó, thì họ sẽ cảm thấy bực mình, không thoải mái và bị sỉ nhục. Nhưng khi người nói cảm thấy người kia đang hướng về mình và những gì mình đang nói thì họ sẽ cảm thấy thoải mái. Vì thế, hãy lắng nghe một cách kiên nhẫn, bình tĩnh.

Bước thứ ba của việc lắng nghe tích cực là ngừng lại trước khi trả lời. Khi người nói không nói nữa, hãy ngừng lại từ 3-5 giây trước khi nói một điều gì đó. Trong lúc ngừng lại này, có ba việc sẽ xảy ra.

Một là, bạn thật sự lắng nghe người kia. Khi bạn để lời nhận xét của người kia chìm xuống trong một vài giây, bạn sẽ hiểu được họ một cách trọn vẹn.

Hai là, bạn không làm ngắt quãng người kia nếu họ chỉ dừng lại để tập hợp các suy nghĩ. Khi bạn ngừng lại 3-5 giây, bạn cho người kia một cơ hội để tiếp tục chứ không phải là cắt ngang giữa chừng. Đôi lúc, người ta không thoải mái khi bị ngắt quãng ở giữa một suy nghĩ hay một câu nói.

Ba là, sự im lặng của bạn đã thể hiện rằng bạn coi những gì vừa được nói ra là quan trọng. Bạn đang suy xét nó một cách cẩn thận. Đó đúng là một lời ca tụng có giá trị khi người nói có một người nghe ngồi yên lặng và nghĩ đến những nhận xét của họ trước khi trả lời, cho dù câu trả lời là gì.

Bước thứ tư của việc lắng nghe tích cực là hỏi để làm rõ. Hãy hỏi để chứng tỏ bạn hoàn toàn hiểu những gì người kia nói. Có một câu cổ ngữ nói rằng: “Những giả định sai lầm là nguồn gốc của mọi sự thất bại”. Khi bạn giả định là mình hiểu, mà không kiểm tra lại, thì thường là bạn không hiểu về những gì người kia nói. Điều này đặc biệt đúng trong các cuộc đối thoại giữa hai người khác giới.

Một trong những câu hỏi hay nhất và đơn giản để “kiểm tra sự nhận thức”, để đảm bảo rằng những gì bạn nghe được và những gì người kia nói giống nhau là: “Ý bạn là gì vậy?” hay “Chính xác thì ý bạn là gì?”

Kinh nghiệm của tôi trong nghề bán hàng, tiếp thị, tư vấn và đào tạo cho thấy, nếu bạn có bất cứ sự hồ nghi nào về những gì người kia thật sự muốn nói thì bạn chắc chắn là không hiểu họ đang nói gì. Đừng bao giờ hỏi câu “Ý bạn muốn nói gì?” mà không có ý định làm cho rõ ý hơn.

Cách tốt nhất để mở rộng nội dung đối thoại, làm tăng cơ hội lắng nghe và cải thiện hiểu biết của bạn là sử dụng các câu hỏi mở.

Hãy nhớ rằng, bạn không bao giờ học được gì khi nói. Khi bạn nói, tất cả những gì bạn nói là điều mà bạn đã biết. Nhưng khi lắng nghe, bạn sẽ học được nhiều điều mới.

Bước thứ năm của việc lắng nghe tích cực đó là phản hồi. Hãy dùng lời lẽ của mình để diễn giải lại những gì người kia đã nói. Việc diễn giải và phản hồi thể hiện bạn đang ca tụng họ thể hiện sự tập trung chú ý cẩn thận của bạn. Trên thực tế, chỉ khi nào bạn có thể phản hồi chính xác ý của người nói thì bạn mới thật sự hiểu họ.

Hãy thử làm việc này khi một người khác ngừng nói. Hãy ngừng lại trong 3-5 giây rồi nói “Để chắc là tôi hiểu bạn, điều bạn đang nói là thế này”. Và sau đó tiếp tục phản hồi bằng lời lẽ của mình.

Tất cả những việc đó đều giúp bạn tăng khả năng giao tiếp. Bạn tạo dựng được niềm tin giữa hai người, xây dựng được lòng tự trọng cao ở người kia và phát triển được ý thức kỷ luật tự giác cho mình.

Lắng nghe một cách cảm thông

Lắng nghe cảm thông có liên quan đến việc chăm sóc một cách chân thành và hành động như một người phát ngôn cho người kia, chứ không phải chỉ cố tự mình giải quyết các vấn đề của họ.

Các nhà trị liệu sử dụng kỹ năng lắng nghe cảm thông này bằng cách phản hồi những lời lẽ của người đó theo một hình thức khác. Nếu người đó nói: “Tôi thật sự thấy nản lòng với công việc”, bạn có thể nói: “Bạn nói như thể bạn đang cảm thấy công việc quá tải vậy”.

Khi bạn phản hồi những lời lẽ của một người, bạn giúp họ không chỉ hiểu vấn đề hơn mà còn tìm được giải pháp sáng suốt.

Có hai kiểu lắng nghe cảm thông là: phản ánh giản đơn và phản ánh diễn giải. Trong kiểu phản ánh giản đơn, bạn thể hiện lại những gì mà người nói đã nói mà không thêm bớt và không tìm hiểu sâu ý nghĩa ẩn giấu và thông điệp ngụ ý. Bạn chỉ đơn giản đặt những lời lẽ của mình vào những gì vừa nghe thấy và phản hồi. Nếu một người nói: “Tôi thật sự rất lo lắng”, bạn chỉ nói đơn giản: “Dường như bạn thật sự lo lắng”.

Trong kiểu phản ánh diễn giải bạn không chỉ đơn giản là nhắc lại những gì mà người đó vừa nói. Thay vào đó, bạn phản ánh lại những gì xuất hiện trước bạn thành một thông điệp cơ bản: “Có điều gì đó thật sự khiến bạn lo lắng về công việc; có phải là ông chủ đang đặt quá nhiều sức ép lên bạn không?”

Với kiểu phản ánh diễn giải, bạn có thể làm một trong hai việc. Một là, bạn có thể tóm tắt lại những gì mà người khác đang nói và sau đó nhận định được chủ đề trong những thông điệp này. Ví dụ, bạn có thể nhận định được chủ đề như sự giận dữ hay thất vọng. Bạn có thể nói: “Tôi cảm thấy bạn thật sự đang rất giận dữ”. Bạn không tự thêm vào một ý nghĩa sâu xa hơn.

Việc thứ hai là cố gắng diễn giải lại những suy nghĩ và cảm xúc mà người nói không đề cập đến nhưng bạn lại cho rằng đó chính là thông điệp thật sự. Bạn cố gắng xử lý vấn đề cốt lõi chứ không chỉ là hiện tượng.

Ví dụ, một hôm, con cả của tôi là Christina, gần 5 tuổi, chạy vào bếp, khóc và nói: “Con ghét em trai”.

Nếu không biết cách lắng nghe diễn giải, tôi có thể đã nói những câu đại loại như: “Ôi không, con không phải thế, con yêu quý em trai con và con biết điều đó”. Thay vào đó, phản ứng lại với thông điệp không được nói ra và hiểu được sự ganh đua giữa chị em ruột, nên tôi nói: “Con cảm thấy chúng ta chú ý quá nhiều tới em và không quan tâm đến con, đúng không?”

Lúc đó, Christina òa khóc và nói: “Vâng, đôi lúc con cảm thấy mẹ yêu em hơn yêu con”. Thật sự thì cô bé không ghét Michael; cô bé chỉ đơn giản là cần được cam đoan rằng chúng tôi vẫn rất yêu nó.

Hình thức phản ánh diễn giải hay kiểu lắng nghe cảm thông là rất hữu ích. Nó đòi hỏi bạn phải đi sâu vào những ngôn từ của người nói và tìm kiếm nguyên nhân thật sự khiến người nói cảm nhận theo cách đó.

Bằng cách luyện tập việc lắng nghe phản hồi, bạn có thể trở nên rất có ích, không chỉ với những thành viên trong gia đình, mà còn với cả bạn bè và đồng nghiệp. Đôi khi, tất cả những điều mà một người cần là sự thấu hiểu bên trong, được phản ánh lại bởi một người bạn chân thành, có thể hiểu được những gì mà họ cần để giải quyết vấn đề. Bạn có thể tạo ra sự thấu hiểu này bằng cách trở thành người nghe nhạy cảm và khéo léo.

Nguyên tắc bumơrang

Cách thứ bảy để làm tăng lòng tự trọng ở người khác là việc sử dụng nguyên tắc bumơrang. Theo nguyên tắc này, bất cứ cảm xúc thành thật nào mà bạn thể hiện với người khác thì sớm hay muộn sẽ quay trở lại với bạn.

Đại văn hào Shakespeare viết: “Mùi hương hoa hồng vẫn còn lại trên bàn tay đã ném nó đi”. Bất cứ khi nào bạn thể hiện một tình cảm tích cực với ai đó, thì cuối cùng nó sẽ quay lại với bạn, giống như chiếc bumơrang. Nếu bạn thể hiện suy nghĩ hay ý kiến tiêu cực, thì nguyên tắc trên vẫn đúng. Vì vậy, hãy bảo đảm là những gì bạn nói về người khác là những gì bạn muốn nó quay lại với mình.

Hãy kìm nén cám dỗ của sự chỉ trích, phỉ báng hay giải thích. Hãy luyện tập để trở nên dễ chịu và dễ chấp nhận. Hãy thể hiện sự cảm kích, tán thành và ngưỡng mộ. Hãy lắng nghe người khác một cách chăm chú khi họ nói và hãy nhớ đến chiếc bumơrang. Nếu bạn làm tất cả những điều này, bạn sẽ khiến người khác cảm thấy mình thật tuyệt vời và bạn sẽ được chào đón ở bất cứ đâu.

NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP

Như vậy, mọi điều mà chúng ta đã nói đến trong chương này chính là nghệ thuật giao tiếp. Nó ở trong quá trình trò chuyện với những người khác, trong sự dễ dàng của việc cho và nhận, trong việc trao đổi các ý tưởng, thông tin và quan điểm, rằng một người đã chứng tỏ được phẩm chất nhân cách của người đó. Đây là một số ý tưởng sẽ giúp bạn trở thành một người giao tiếp giỏi trong bất kỳ công việc hay hoàn cảnh xã hội nào.

Hãy tuân theo quy luật

Quy luật đầu tiên để có được cuộc chuyện trò thành công là hãy gợi ý chủ đề cho người nghe. Hãy nói chuyện với mọi người về chủ đề mà họ thấy hứng thú. Bất cứ chủ đề nào cũng được, kể cả các chủ đề đã từng được coi là điều cấm kỵ trong các cuộc trò chuyện, nếu như chúng khiến người nói chuyện quan tâm. Bạn có thể thảo luận về chính trị và tôn giáo nếu người đối diện muốn thế. Nhưng nếu bạn thấy mình không nhận được sự hưởng ứng về một chủ đề nào đó, thì hãy nhanh chóng chuyển sang một chủ đề khác.

Một trong những cách tốt nhất để mở ra một cuộc chuyện trò đơn giản chỉ là hỏi: “Bạn làm công việc gì vậy?” Nếu bạn biết vị trí và ngành nghề của người đó, hãy hỏi: “Chính xác là bạn làm gì ở đó?” hay “Công việc ở đó thế nào?”

Cho dù câu trả lời có liên quan thế nào đến nghề nghiệp cụ thể và các hoạt động của người đó, thì một trong những câu hỏi thú vị nhất mà bạn có thể khỏi người kia là: “Sao bạn lại làm công việc đó?”

Đa phần mọi người đều coi con đường sự nghiệp cá nhân là một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất. Bất cứ khi nào người nói ngừng lại, bạn có thể giữ cho cuộc chuyện trò được tiếp tục bằng cách hỏi: “Vậy thì bạn làm gì?”

Hãy hỏi mọi người: “Vì sao bạn lại làm công việc này?” và “Vậy thì bạn làm gì?” Những câu hỏi này sẽ giúp bạn duy trì cuộc chuyện trò. Nếu người đó trở nên sốt ruột, nhìn quanh hay nhìn ra xa, đó là dấu hiệu bạn nên chuyển sang chủ đề khác thú vị hơn.

Khi điều này diễn ra, đơn giản hãy ngừng lại trong giây lát, sau đó hỏi câu hỏi khác bắt đầu với một trong những từ Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Bằng cách nào? Tại sao? Ai? Hay “Bạn sống ở đây được bao lâu rồi?”, “Bạn đi học ở đâu?”, “Bạn bắt đầu làm việc ở công ty đó từ khi nào?”

Nguyên tắc thứ hai để có một cuộc chuyện trò hiệu quả là nắm lấy lượt của mình. Dĩ nhiên điều này có nghĩa rằng đó không phải là một cuộc độc thoại. Nếu bạn đã từng thấy rằng bạn phải nói chuyện liền một mạch trong ba phút, không có câu hỏi hay bình luận gì từ người nghe cả, thì chắc chắn bạn đang nói đến một chủ đề mà chỉ mình bạn quan tâm. Chúng ta đều mắc sai lầm. Hãy nhớ rằng, nếu người khác không hưởng ứng, thì những gì mà chúng ta đang làm chỉ là tạo ra những lời nói, chứ không phải đang chuyện trò.

Nắm lấy lượt của mình cũng có nghĩa là không ngắt lời người khác khi họ đang nói. Và khi bạn bị ngắt lời thì điều lịch sự nhất nhưng cũng khó khăn nhất là im lặng. Đừng quay lại và kết thúc câu chuyện trừ khi người ta yêu cầu bạn làm thế.

Quy luật thứ ba để có một cuộc chuyện trò hiệu quả là nghĩ trước khi nói. Tránh nói những gì khiến ai đó buồn phiền, ngượng ngập hay không thoải mái. Hãy tỏ ra lịch thiệp và nhận thức được các cảm giác của những người khác.

Ngược lại với sự tế nhị là sự thiếu suy nghĩ. Cách tốt để tránh việc thiếu tế nhị là không quá cứng rắn với bất cứ việc gì. Benjamin Franklin trong một cuốn tự truyện đã kể về quá trình thay đổi nhân cách và ấn tượng của mình với người khác, bằng cách bắt đầu thể hiện quan điểm với những từ như:

“Dường như với tôi” hay “Có ai đó nói rằng”, v.v… Nếu bạn thể hiện các quan điểm theo cách thăm dò, để tỏ ra mình cởi mở với khả năng là có thể bị sai, bạn sẽ thấy người khác dễ dàng lắng nghe và đánh giá đúng các ý kiến của bạn.

Để cuộc đối thoại thành công, hãy tôn trọng tự do của người khác và giành lấy một ít tự do cho mình. Một số người có thói quen phỏng vấn người khác và hỏi họ rất nhiều câu hỏi không liên quan. Hãy trả lời chung chung, không ám chỉ ai và cho người đó cơ hội quyết định có muốn cởi mở với bạn hay không.

Đừng đặt gánh nặng về các vấn đề của bạn lên những người quen tình cờ. Đừng bao giờ chỉ trích, chê trách hay than phiền. Hãy tích cực và tươi cười. Hãy giữ các vấn đề là của riêng bạn. Bạn nên nhớ, mọi điều mà bạn nói có thể được sử dụng để chống lại bạn. Luật của Burnham nói: “Mọi người đều biết mọi thứ”. Bất cứ điều gì bạn nói với ai dưới bất kỳ hình thức nào cuối cùng cũng sẽ được mọi người biết đến, và đặc biệt là với những người bạn không muốn cho họ biết. Hãy cẩn thận với những gì bạn nói; không có bí mật tuyệt đối nào trong cuộc sống. Một “bí mật” được coi là “một điều gì đó mà bạn chỉ kể với một người tại một thời điểm”. Những bí mật sẽ không có giá trị trừ khi chúng được chia sẻ.

Cuối cùng, để trở thành một người nói chuyện xuất sắc, hãy tự nhiên. Hãy là chính mình. Chỉ nói những gì mà bạn cảm thấy thoải mái. Hãy nói một cách dễ dàng và tự nhiên, đừng cố gây ấn tượng hay bị ấn tượng bởi người khác. Chỉ nói những gì tự nhiên đến trong đầu mình.

Những người nói chuyện giỏi nhất là những người thật sự thoải mái, tích cực và hoàn toàn tự nhiên.

Sân chơi là của bạn

Nghệ thuật giao tiếp và tương tác xã hội là sân chơi để bạn có thể phát triển nhân cách tới mức cao nhất. Bạn có thể luyện tập từng phẩm chất mà chúng ta đã bàn đến trong chương này. Bạn có thể tránh chỉ trích, chê trách hay than phiền khi trò chuyện với người khác. Bạn có thể luyện tập trở nên dễ chịu, thậm chí cả khi bạn bất đồng quan điểm với người khác.

Bạn có thể luyện tập sự chấp nhận bằng cách mỉm cười và nhìn vào mặt với những người bạn gặp. Bạn có thể luyện tập sự cảm kích bằng cách nói “cảm ơn” vì những điều mà mọi người làm cho bạn. Bạn có thể luyện tập sự tán thành và sự thừa nhận bằng cách khen ngợi người khác. Bạn có thể luyện tập sự ngưỡng mộ bằng cách hỏi mọi người về bản thân họ và sau đó thể hiện sự ngưỡng mộ những đặc điểm, phẩm chất và thành tích của họ.

Trên hết, bạn có thể luyện tập sự tập trung chú ý khi lắng nghe tích cực. Điều này, cũng như các thói quen khác, sẽ biến bạn trở thành người được mọi người yêu quý.

Có một câu chuyện nổi tiếng kể về Dale Carnegie. Một lần, ông được mời tới dự tiệc ở New York, bữa tiệc được tổ chức để vinh danh một phụ nữ giàu có vừa trở về sau một chuyến du lịch tới châu Phi.

Khi Dale Carnegie đến bữa tiệc, ông được giới thiệu với người phụ nữ này, và người phụ nữ nói ngay: “Ôi, ngài Carnegie, tôi đã nghe nói ngài là một trong những người có tài nói chuyện nhất ở New York. Điều đó có đúng không?”

Dale Carnegie trả lời: “Cảm ơn bà rất nhiều. Và tôi nghe nói rằng bà vừa từ châu Phi về. Vậy tại sao bà lại quyết định đi châu Phi?”

Khi bà ấy nói với ông lý do tại sao bà đi châu Phi, Carnegie lại hỏi: “Và bà đi châu Phi cùng với ai?”, “Bà đi châu Phi khi nào?”, “Bà quay trở về khi nào?”, “Khi ở châu Phi bà đã đi những đâu?”, “Bà đi đến đó bằng phương tiện gì?”, “Khi ở đó, bà đã làm những gì?”

Hai người đối thoại trong khoảng 20 phút. Trong thời gian này, bà đã sử dụng 95% thời gian để trả lời cho những câu hỏi của Carnegie. Ngày hôm sau, trên các trang xã hội của tờ báo New York, người ta trích dẫn câu nói của bà: “Ngài Dale Carnegie rõ ràng là một trong những người có tài nói chuyện nhất New York”.

Bạn cũng có thể trở thành một người nói chuyện xuất sắc bằng cách học cách nói và lắng nghe.

Việc sống hòa thuận với những người khác có lẽ là điều quan trọng nhất bạn nên học. Khi lớn lên, tôi được rất ít người ưa thích. Tôi có vài người bạn và họ đều không phù hợp với tôi về mặt xã hội. Việc tôi không có khả năng ứng xử để mọi người muốn ở quanh tôi đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Nó giữ tôi lại cho đến khi tôi học được bí mật lớn nhất của các mối quan hệ.

Bí mật đó là bạn có thể trở thành người được nhiều người ưa thích và đáng yêu bằng cách làm hai việc. Một là, thoát ra khỏi bản thân và bước vào cuộc sống và mối quan tâm của những người khác. Hãy quan tâm đến họ. Hãy hỏi và lắng nghe họ trả lời. Hãy nghĩ cách giúp họ. Hãy luyện tập luật nhân quả. Hãy làm với người khác như bạn muốn họ làm với bạn.

Hai là, hãy bận rộn với công việc và mục tiêu của mình. Hãy phát triển tài năng đơn nhất của bạn. Hãy làm tốt những gì bạn đang làm. Càng làm những việc quan trọng thì bạn sẽ càng yêu thích bản thân hơn. Và do đó, bạn sẽ càng thấy giao tiếp thoải mái và hiệu quả với những người khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.