Thành Công Tột Đỉnh
CHƯƠNG 11: Nghệ thuật làm cha mẹ
Mối quan hệ lâu dài và quan trọng nhất xuất hiện từ khi bạn sinh con. Thu nhập, công việc, tình bạn, sức khỏe và ngay cả hôn nhân cũng có thể đến và đi, nhưng vai trò làm cha mẹ thì kéo dài suốt cuộc đời của bạn. Quá trình nuôi nấng có thể ảnh hưởng tới đứa trẻ và nhiều thế hệ sau. Việc nuôi nấng con cái có thể là trách nhiệm to lớn nhất mà một người phải đảm nhiệm.
Không ai sinh ra đã có những kỹ năng nuôi dạy con cái thành công. Tất cả chúng ta đều là những người vụng về. May thay, bạn có thể trở thành một vị phụ huynh giỏi bằng cách đọc sách và tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè, họ hàng, bác sỹ và các chuyên gia trong lĩnh vực này.
VAI TRÒ THẬT SỰ CỦA VIỆC NUÔI DẠY CON CÁI?
Vai trò duy nhất và quan trọng nhất của việc nuôi dạy con cái là yêu thương, chăm sóc và xây dựng cho chúng đức tính tự trọng và tự tin. Nếu bạn giúp con cái tự tin, háo hức tìm hiểu và hòa nhập với thế giới thì bạn đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Ngược lại, nếu bạn cho con cái mọi thứ vật chất nhưng không trang bị sự tự tin và lòng tự trọng thì bạn đã thất bại trong vai trò đó.
Một người trưởng thành bình thường có thể mất 50 năm để vượt qua được 5 năm đầu. Abraham Maslow đã chỉ ra, có hai loại nhu cầu mà chúng ta luôn phấn đấu để đạt được, đó là nhu cầu tồn tại và nhu cầu bù đắp những thiếu hụt. Đứa trẻ được nuôi lớn mà không có đủ tình yêu thương có xu hướng tìm kiếm điều đó trong suốt cuộc đời, hơn là phấn đấu để thực hiện tiềm năng của mình. Có lẽ điều tốt đẹp nhất mà một người cha hay mẹ có thể làm là trao cho con cái tình yêu thương và ủng hộ về mặt tinh thần mà chúng cần để phát triển và lớn lên, tạo ra một môi trường trong đó đứa trẻ cảm thấy được yêu thương bởi những người quan trọng nhất với chúng.
Các bậc cha mẹ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái mình. Họ muốn con được hạnh phúc và khỏe mạnh. Vậy thì tại sao nhiều đứa trẻ lớn lên lại cảm thấy thiếu tình yêu thương? Tại sao các bậc cha mẹ bằng cách này hay cách khác lại tước đi tình yêu thương mà trẻ cần để phát triển khỏe mạnh?
TẠI SAO CHA MẸ KHÔNG DÀNH CHO CON CÁI ĐẦY ĐỦ TÌNH YÊU THƯƠNG?
Có hai nguyên nhân chính trong việc cha mẹ dành cho con cái đầy đủ tình yêu thương. Một là, các bậc cha mẹ không yêu bản thân mình. Họ có lòng tự trọng thấp nên rất khó trao tình yêu thương cho con cái nhiều hơn so với bản thân mình. Hai là, họ thường có quan niệm sai lầm rằng con cái phải hoàn thành những sự trông đợi của mình. Một nguyên nhân chính dẫn đến xích mích giữa cha mẹ và con cái là cha mẹ cảm giác rằng trẻ sẽ thất bại trong việc đạt được những gì mà họ mong đợi.
Nhiều bậc cha mẹ coi con cái như một loại tài sản, một vật sở hữu. Họ cảm thấy con cái chỉ cư xử đúng đắn khi chúng đang làm hay nói những gì mà họ muốn chúng làm. Nếu hành vi của đứa trẻ khác với mong đợi, người mẹ hay cha sẽ có phản ứng chỉ trích. Vô tình, họ đã lấy mất tình yêu thương và sự ủng hộ ra khỏi đứa trẻ. Đứa trẻ cảm thấy không được yêu thương và điều này ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách sau này của nó.
TRẺ EM KHÔNG PHẢI LÀ VẬT SỞ HỮU
Để nuôi dưỡng thành công những đứa trẻ xuất sắc, bạn phải nhận thức được trẻ không phải thuộc quyền sở hữu của bạn. Đứa trẻ thuộc về chính bản thân chúng. Chúng là món quà mà Chúa ban tặng cho bạn.
Tôi nói với con rằng chúng được Chúa gửi xuống cho tôi và nhiệm vụ của tôi là phải yêu thương, chăm sóc cho đến khi chúng lớn lên. Tôi đối xử với chúng như thể chúng là những món quà quý giá mà tôi chỉ được cho mượn trong một thời gian ngắn. Nhiệm vụ của tôi không phải là khiến chúng làm theo những mong muốn của mình, mà là khuyến khích chúng phát triển cá tính của mình.
Mỗi đứa trẻ đều khác nhau và bước vào thế giới theo cách riêng, với những sở thích và khả năng riêng. Con bạn có thể và sẽ trở thành thế nào, không ai có thể biết trước. Nhiệm vụ của đứa trẻ không phải là tuân theo mong muốn của cha mẹ, mà là lớn lên, phát triển rực rỡ và trở thành người thành công.
Tác giả Kahlil Gibran, trong cuốn The Prophet (Nhà tiên tri), đã nói: “Con bạn không phải là con bạn. Chúng là những đứa con của sự khao khát của cuộc sống cho chính nó. Chúng đi qua bạn nhưng không phải xuất phát từ bạn, và mặc dù chúng sống với bạn, nhưng không thuộc về bạn.
Bạn có thể cho chúng tình yêu nhưng không phải những suy nghĩ, vì chúng có những suy nghĩ của riêng mình. Bạn có thể giữ thân thể chứ không phải tâm hồn chúng, vì tâm hồn của chúng cư ngụ trong Ngôi nhà của ngày mai mà bạn không thể ghé thăm ngay cả trong mơ. Bạn có thể phấn đấu để giống chúng, nhưng không phải tìm cách để khiến chúng giống bạn. Vì cuộc sống không đi giật lùi hay trì hoãn với ngày hôm qua. Bạn là cây cung và con bạn giống như những mũi tên, lao lên phía trước”.
TRẺ EM LÀ MỘT MÓN QUÀ QUÝ GIÁ
Khi bạn coi con cái là những món quà quý giá mà mình chỉ có được trong khoảng thời gian ngắn ngủi, bạn sẽ thấy vai trò của mình khác đi. Khi bạn tán dương và khuyến khích bản tính, nhân cách đặc biệt ở con, nó sẽ phát triển giống như một bông hoa dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng nếu bạn cố khiến cho con trở thành một cái gì đó theo ý bạn thì tinh thần của đứa trẻ sẽ héo mòn, khả năng đạt đến hạnh phúc và niềm vui của chúng sẽ giống như chiếc lá mùa thu.
Luật tương thích nói rằng thế giới các mối quan hệ bên ngoài sẽ soi rọi thế giới nội tâm và soi rọi nhân cách đích thực của bạn. Việc con bạn là ai và trở thành như thế nào là sự phản ánh bạn là ai. Bất cứ khi nào bạn có vấn đề với con, hãy nhìn lại bản thân và hỏi: “Mình có lỗi gì không trong hoàn cảnh này?”
Đa số các bậc cha mẹ đều đổ lỗi và chỉ trích con khi chúng làm điều mà họ không thích. Tuy vậy, các bậc cha mẹ tốt thường tự nhìn lại bản thân và coi mình là nguyên nhân chính gây ra hành vi ở đứa trẻ.
Trong những năm tháng đầu đời, trẻ con hầu như hoàn toàn bắt chước. Hành vi của chúng, tốt hay xấu, giống như cách mà cha mẹ và những người xung quanh đối xử với chúng. Khi cha mẹ có trách nhiệm với hành vi của con trẻ, thì những khó khăn mà đứa trẻ đang gặp phải đều có thể được giải quyết.
TÌNH YÊU THƯƠNG TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT
Việc quan trọng nhất khi nuôi dưỡng những đứa trẻ xuất sắc là lượng tình yêu thương mà chúng nhận được. Trẻ con cần tình yêu thương giống như những bông hoa cần có nước. Nguyên nhân cuối cùng của phần lớn các vấn đề với trẻ nhỏ là chúng không được cha mẹ yêu thương đầy đủ và chấp nhận.
Việc thiếu tình yêu thương thật sự hay tưởng tượng đều gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nó có thể dẫn đến các bệnh về thể xác và tinh thần và cuối cùng là cái chết. Hậu quả của việc thiếu tình yêu thương có thể tác động lâu dài và tiêu cực lên nhân cách của đứa trẻ. Những người khi trưởng thành có các vấn đề về tình cảm đều là những người mà cha mẹ của họ dành cho họ không tình yêu thương đầy đủ.
Trước kia, có một giả định về việc nuôi dạy con cái là từ những tháng năm đầu đời, đứa trẻ càng ít tiếp xúc với cha mẹ thì càng khỏe mạnh. Theo giả định này, việc tiếp cận với trẻ sơ sinh bị cấm nghiêm ngặt. Các cuộc viếng thăm của cha mẹ bị hạn chế. Ngoài việc được thay tã và cho bú bình, những đứa trẻ bị bỏ lại một mình trong cũi càng lâu càng tốt. Nhưng điều tồi tệ bắt đầu xảy ra. Những đứa trẻ được chăm sóc trong những phòng chăm trẻ, nơi chúng nhận được rất ít sự tiếp xúc, đã phản ứng lại điều đó. Chúng trở nên thụ động, nhanh chóng còi cọc và một số đã tử vong. Chứng bệnh này gọi là hiện tượng “chướng khí” hay hội chứng “không phát triển”.
Những đứa trẻ này bị tước đi tình yêu thương và sự tiếp xúc ngay những tháng đầu đời, thực chất là đã mất đi tất cả khao khát được sống. Chúng bắt đầu chết với một tỷ lệ đáng báo động.
Trong một trại trẻ mồ côi ở bang New York, 48 trong số 50 đứa trẻ đã chết trong sáu tháng. Cuối cùng, các bác sỹ và y tá nhận ra trẻ cần được chăm sóc và tiếp xúc với người lớn. Khi những y tá bế bọn trẻ, chứng bệnh “chướng khí” bắt đầu tiêu tan và chúng bắt đầu phát triển bình thường.
Trong một vụ việc nổi tiếng được đăng trên một tạp chí, một cậu bé ba tuổi bị bỏ lại cho cô trông trẻ khi cha mẹ ra ngoài ăn tối. Thật đáng buồn là cha mẹ cậu bé đều bị chết vì tai nạn ô tô trên đường về nhà. Cậu bé bị phòng Dịch vụ xã hội đưa đến một trại nuôi dưỡng. Nó không bao giờ có thể nhìn thấy cha mẹ nữa và còn quá nhỏ để hiểu được chuyện gì đã diễn ra.
Nó bắt đầu gây phiền toái trong nhà nuôi dưỡng. Nó tè dầm ra giường, kêu khóc, đánh nhau với những đứa trẻ khác và gây ra nhiều hành vi nghiêm trọng. Kết quả là, nó bị chuyển từ nhà nuôi dưỡng này sang nhà nuôi dưỡng khác. Và một điều đáng tiếc là nó không còn phát triển được nữa. Khi lên bảy tuổi, nó vẫn chỉ nhỏ như lúc ba tuổi.
Sau đó, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Một cặp vợ chồng thấy đứa trẻ trong một nhà nuôi dưỡng và nhận nuôi nó. Họ đưa nó về nhà, cho nó sự ấm áp và tình yêu thương. Họ ôm ấp, nói chuyện, đưa đi dạo và cho nó tình yêu tuyệt đối. Họ ôm chặt, hôn và nắm tay nó.
Trong vòng vài tuần lễ, đứa trẻ bắt đầu phát triển trở lại. Chín tháng sau, nó có chiều cao và cân nặng của một đứa trẻ bốn tuổi và vào cuối năm đầu tiên ở cùng cha mẹ nuôi, nó đã đạt đến chiều cao và cân nặng trung bình ở độ tuổi của mình. Tác động mạnh mẽ của tình yêu thương lên đứa trẻ thật đáng kinh ngạc.
Những vấn đề về tình cảm và tinh thần này biểu hiện ở sự rối loạn hành vi, nhân cách, chứng loạn thần kinh chức năng, rối loạn tâm thần và các thiểu năng nghiêm trọng khi trưởng thành. Việc thiếu đi tình yêu thương chắc chắn là một vấn đề nghiêm trọng nhất mà một đứa trẻ có thể phải trải qua trong những năm tháng đầu đời.
TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ CHẤP NHẬN VÔ ĐIỀU KIỆN
Bí quyết để nuôi dạy những đứa trẻ xuất sắc là liên tục trao cho chúng tình yêu thương và sự chấp nhận vô điều kiện. Hãy nói với con là không điều gì có thể khiến bạn yêu nó ít đi. Món quà tuyệt diệu nhất mà bạn có thể trao cho con là niềm tin tuyệt đối rằng bạn hoàn toàn yêu thương nó, cho dù nó là ai và có chuyện gì xảy ra.
Mỗi khi tôi phải rèn luyện hay sửa sai cho con, tôi luôn bắt đầu bằng cách nói: “Cha yêu con rất nhiều, nhưng con không được làm thế này, con phải ngừng ngay việc cư xử như thế”. Tôi luôn thể hiện rằng mình không vui với các hành vi đó, chứ không phải với đứa trẻ. Tôi đã thể hiện rõ ràng để chúng hoàn toàn hiểu được điều này.
Tôi thường hỏi cô con gái nhỏ, Christina: “Cha yêu con nhiều đến mức nào?” Cô bé dang rộng tay và nói: “Cha yêu con nhiều đến từng này”. Sau đó tôi nói: “Vậy thì, nếu cha bảo con đi ngủ thì sao?” Cô bé sẽ đáp lại: “Cha vẫn yêu con từng này” với cánh tay mở rộng.
Tôi lại hỏi: “Thế còn khi cha phát vào tay con, cất đồ chơi của con đi và bắt con đi ngủ thì sao?” Lúc đó cô bé sẽ nói: “Cha à, cha vẫn yêu con từng này” vẫn với cánh tay mở rộng.
Tiếp theo tôi hỏi cô bé, với một chút ngạc nhiên giả vờ: “Sao lại có thể thế được?” Cô bé trả lời: “Cha à, cho dù con làm gì, thì cha luôn yêu thương con hoàn toàn”.
Ts. Ross Campbell, trong cuốn sách How to Really You’re your Child (Làm thế nào để thật sự yêu thương con cái bạn), cho rằng con cái bạn luôn hỏi bạn, theo cách này hay cách khác: “Cha/mẹ có yêu con không?” Điều duy nhất có thể thay đổi là cách bạn trả lời.
Đôi khi đứa trẻ cư xử không đúng đắn như một cách để thử xem bạn có yêu thương nó hay không. Đứa trẻ càng lớn và càng trưởng thành thì chúng sẽ càng nhạy cảm với cách chúng đặt câu hỏi: “Cha/mẹ có yêu con không?” Tuy nhiên, câu trả lời luôn giống nhau. Một người cha/mẹ tuyệt vời là người luôn trả lời câu hỏi này bằng cách nói với đứa trẻ, bằng mọi cách có thể, “Có, cha/mẹ thật sự rất yêu con”.
CÁCH THỂ HIỆN TÌNH YÊU VỚI TRẺ
Nếu bạn muốn nuôi dưỡng những đứa trẻ xuất sắc, hãy nói với chúng rằng bạn yêu chúng mỗi ngày. Bạn không nên nói câu “Cha/mẹ yêu con” quá thường xuyên với một đứa trẻ. Cho dù con bạn giả vờ không cần nghe, đừng tin vào điều đó. Mỗi lần đứa trẻ nghe được câu “Cha/mẹ yêu con”, đứa trẻ sẽ cảm thấy an tâm và tự tin hơn. Lòng tự trọng của nó sẽ tăng lên. Và càng biết bạn yêu thương chúng, chúng sẽ càng yêu bản thân hơn.
Có ba cách để bạn thường xuyên nói với con là mình yêu thương chúng. Một là, hãy nói bạn yêu chúng đồng thời có sự tiếp xúc bằng mắt. Trẻ nhỏ có “bể cảm xúc” và chúng đổ đầy “bể cảm xúc” đó bằng cách nhận lấy yêu thương từ cha mẹ thông qua đôi mắt. Mỗi khi nhìn con với đôi mắt trìu mến, bạn sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc. Ngay từ sáu tuần tuổi, trẻ đã bị quyến rũ bởi đôi mắt của một ai đó đang cười với sự ấm áp và tình yêu thương trìu mến.
Những đứa trẻ không nhận được ánh mắt yêu thương từ cha mẹ sẽ không cảm thấy thật sự được yêu thương. Chúng cảm thấy có điều gì không ổn với chúng và với quan hệ cha mẹ. Chúng cảm thấy không an toàn. Chúng cảm thấy đã làm gì khiến cha mẹ không vui nhưng không biết việc đó là gì.
Trong xã hội của chúng ta, việc tiếp xúc qua ánh mắt thường đi liền với một sự chỉ trích hay một lời phàn nàn. Chúng ta nhìn vào đứa trẻ khi giận dữ với chúng, nhưng rất ít khi nhìn chúng khi bộc lộ tình yêu thương. Nhiều đứa trẻ lớn lên và cảm thấy không thoải mái với bất kỳ kiểu tiếp xúc mắt trực tiếp nào. Chúng thấy đó là hành động gây hấn và nhìn ra chỗ khác để tránh ánh mắt đó.
Khi hai người yêu nhau, họ ngồi xuống và nhìn vào mắt nhau rất lâu. Đây là cách mà một người nói với người kia: “Anh yêu em”. Bạn có thể thử làm việc này với con. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi tác động mà ánh mắt đem lại khi bạn trao nó cho con, đặc biệt nếu chúng chưa từng trải qua điều này trước đây.
Hai là, bạn có thể nói với con cái là bạn yêu chúng với sự tiếp xúc thân thể. Việc ôm chặt và hôn con bạn là cách tuyệt vời nhất để truyền đạt tới chúng, rằng bạn thật sự yêu thương và quý mến chúng. Bác sỹ Virginia Satir nói rằng, trẻ con cần được ôm ấp bốn lần mỗi ngày để tồn tại, tám lần mỗi ngày để có sức khỏe và mười hai lần mỗi ngày để phát triển.
Những đứa trẻ không được cha mẹ ôm hôn sẽ cảm thấy mình không xứng đáng được ôm hôn. Chúng cảm thấy không an toàn. Lòng tự trọng bị tổn thương. Nhân cách bị ảnh hưởng. Chúng phản ứng lại bằng các hành vi tiêu cực.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các bé trai và bé gái được ôm ấp với cùng một lượng như nhau trong suốt những năm đầu đời. Sau đó, các bé gái tiếp tục được nhận một lượng như vậy. Nhưng lượng ôm ấp mà một bé trai nhận được lại giảm đi đáng kể so với một bé gái khi chúng năm tuổi.
Một số bậc cha mẹ tin rằng, cho con trai quá nhiều sự trìu mến sẽ biến nó trở thành một “người ẻo lả”. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại. Các bé trai nhận được nhiều sự ôm ấp và tiếp xúc thân thể từ cha mẹ sẽ lớn lên khỏe mạnh, nam tính và tự tin. Các bé nhận được ít hơn hay không nhận được sự tiếp xúc thân thể từ cha mẹ sẽ lớn lên với cảm giác thiếu an toàn, không được yêu thương và thiếu tự tin.
Thứ ba, và là cách tuyệt vời nhất để nói với đứa trẻ bạn thật sự yêu nó, là sự tập trung chú ý. Việc tập trung chú ý đòi hỏi bạn phải mất một khoảng thời gian dài với con. Trẻ cần được sống với cha mẹ. Chúng cần được nói chuyện, được gắn kết, được ở cùng cha mẹ khi lớn lên. Chúng cần khoảng thời gian này giống như cần thực phẩm để phát triển khỏe mạnh.
Nếu cha mẹ không dành thời gian ngồi lại và lắng nghe con, chúng sẽ dành thời gian đó cho các nhóm tương đồng. Chúng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ và chấp nhận từ những người này và được dẫn dắt bởi hành vi và ưu thế của họ.
Ảnh hưởng tích cực nhất mà bạn có thể làm là trở thành nguồn yêu thương, ủng hộ và tôn trọng chính cho con. Nếu đứa trẻ không nhận được tình yêu thương và sự ủng hộ từ bạn, khả năng ảnh hưởng của bạn lên hành vi của đứa trẻ sẽ giảm đi nhanh chóng. Một hố sâu ngăn cách sẽ hình thành giữa bạn và con. Trẻ sẽ chối bỏ lời khuyên, các giá trị và thế giới quan của bạn.
KHEN NGỢI VÀ KHUYẾN KHÍCH
Hãy liên tục khen ngợi và khuyến khích con bạn vì những điều tích cực mà chúng làm, ngay cả những điều nhỏ nhất. Hãy khen ngợi và ủng hộ những gì mà bạn muốn chúng lặp lại. Hãy khen ngợi chúng để hình thành ở chúng lòng tự trọng và sự tự tin.
Nếu con bạn đạt các điểm số cao, hãy khen ngợi chúng vì điều đó, và sau đấy, khuyến khích trẻ làm tốt hơn ở các lĩnh vực còn yếu. Sự khen ngợi giống như một loại thần dược đối với sức khỏe tâm lý của trẻ. Nhân cách của đứa trẻ được hình thành và phát triển bằng tình yêu và sự khen ngợi của bạn. Việc bạn khen ngợi và khuyến khích những thành công của con đã thúc đẩy nó đạt được những thành công lớn hơn, để có được nhiều khen ngợi và khuyến khích hơn.
Sự khen ngợi làm tăng lòng tự trọng ở trẻ. Sự khen ngợi cải thiện sự tự nhận thức về bản thân của trẻ. Sự khen ngợi khiến đứa trẻ tin vào bản thân và tạo cho trẻ niềm tin để đạt được những điều tốt hơn.
TRẺ RẤT DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
Đừng bao giờ chỉ trích tiêu cực với con. Chúng rất dễ bị tổn thương với bất kỳ sự chỉ trích nào từ phía bạn. Nó làm chúng bị xáo trộn tâm hồn. Chúng có thể không phản ứng một cách rõ ràng, nhưng tâm hồn lại bị tổn thương nghiêm trọng mỗi khi bị những người quan trọng trong cuộc đời chỉ trích vì bất cứ lý do gì.
Sự chỉ trích tiêu cực phá hủy nhân cách nhiều hơn tất cả các loại chiến tranh trong lịch sử. Đa phần các vấn đề về nhân cách ở tuổi trưởng thành đều bị gây ra bởi sự chỉ trích tiêu cực từ cha, mẹ hay cả hai. Khi bị chỉ trích, trẻ sẽ cảm thấy không được yêu thương, không xứng đáng và không an toàn. Chúng sẽ cảm thấy rất khó chịu, nản chí và thất vọng.
Thường thì các bậc cha mẹ chỉ trích con với hy vọng làm chúng trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, sự chỉ trích tiêu cực thực tế lại hạ thấp sự đánh giá của trẻ về khả năng của mình, về sự tự nhận thức bản thân. Khi sự tự nhận thức ở trẻ giảm đi, mức độ hoạt động hiệu quả cũng giảm đi tương ứng. Bất kỳ loại chỉ trích nào cũng khiến cho khả năng thể hiện của trẻ bị giảm tới mức thường né tránh các hoạt động nói chung. Sau đó, con bạn sẽ trở nên kém cỏi hơn, chứ không phải là tốt hơn.
HÃY TỰ HỎI ĐIỀU GÌ LÀ QUAN TRỌNG
Mỗi khi bạn phải đối mặt với một thách thức có liên quan đến con, hơn bao giờ hết, bạn cần đặt câu hỏi: “Điều gì là quan trọng ở đây?”. Và câu trả lời chính xác luôn là việc nuôi dưỡng con cái bạn với lòng tự trọng và sự tự tin cao, đó là mục đích đích thực và vai trò thật sự của bạn. Đó không phải là quyền. Không phải là bắt con cái mình làm theo những sự trông đợi của bạn, mà là nuôi dưỡng nó trở nên hạnh phúc, khỏe mạnh và tự tin.
Hãy lắng nghe trực giác của bạn. Sau khi bạn đã đọc tất cả các cuốn sách và áp dụng mọi lời khuyên, trực giác của một vị phụ huynh đầy thương yêu hầu như luôn tốt hơn bất kỳ cuốn sách hay lời khuyên nào. Bạn sẽ luôn biết được, từ sâu thẳm bên trong, điều gì là đúng với con cái mình. Và chừng nào mà mọi quyết định và hành vi của bạn được tình yêu dẫn dắt thì bạn sẽ luôn làm điều đúng đắn.
NHỮNG ĐIỀU KIỆN NÀO TẠO RA NHỮNG NGƯỜI THÀNH ĐẠT CAO?
Ts. David McClelland của trường Harvard, tác giả của cuốn The Achieving Society (Xã hội thành đạt), đã mất nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật nuôi dạy con cái và cách cha mẹ tác động đến động cơ thành đạt ở con cái. Ông phát hiện ra rằng có hai đặc điểm chính ở các gia đình có những người thành đạt cao − những người đạt được những việc quan trọng từ thuở thiếu thời và những năm đầu lứa tuổi 20.
MỘT MÔI TRƯỜNG DÂN CHỦ
Đặc điểm đầu tiên ở gia đình có những người thành đạt cao đó là dân chủ. Các ý kiến của con cái được lắng nghe và tôn trọng. Từ nhỏ trẻ được khuyến khích tham gia vào các quyết định của gia đình. Chúng được hỏi xem chúng nghĩ gì và chúng cảm thấy thế nào. Ý kiến của chúng được xem xét một cách cẩn thận. Các ý kiến của trẻ không nhất thiết là phải được thực hiện trong mọi trường hợp. Nhưng những suy nghĩ và ý kiến của trẻ nên được tôn trọng. Cả gia đình cần dành thời gian để thảo luận và cùng thống nhất các vấn đề với nhau.
Có một vài điều cha mẹ làm có thể khiến trẻ cảm thấy tốt hơn, đó là đối xử với chúng như với một người thông minh. Khi bạn đối xử với trẻ như thể chúng quan trọng và thông minh, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chúng thật sự nhanh trí và sáng suốt đến mức nào.
Thường tại bàn ăn tối, khi tôi đang phải vật lộn với một vấn đề về công việc, tôi sẽ giải thích điều này bằng những lời lẽ rất đơn giản cho Christina, lúc đó 12 tuổi, và hỏi ý kiến cô bé. Cô bé thường nêu ra các ý kiến sáng suốt khác thường. Người xưa thường nói câu “Từ miệng con trẻ” hóa ra lại đúng. Trẻ con đôi lúc có thể xem xét tình huống với một sự khách quan và sáng suốt mà cha mẹ không có được. Khi bạn hỏi ý kiến con bạn trong bất kỳ tình huống nào, bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên với câu trả lời mà bạn nhận được. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải hỏi. Điều này sẽ xây dựng ở trẻ lòng tự trọng và ý thức coi trọng bản thân. Hỏi xin ý kiến của con bạn là một dấu hiệu cho thấy bạn tôn trọng nó thế nào và nó giúp trẻ làm tăng lòng tự trọng.
NHỮNG MONG ĐỢI TÍCH CỰC
Đặc điểm thứ hai ở các bậc cha mẹ có thể nuôi dạy được những người thành đạt cao đó là những mong đợi tích cực. Những người trẻ tuổi thành đạt cao lớn lên trong những gia đình mà cha mẹ liên tục nói với chúng là họ tin tưởng ở chúng thế nào và họ tin rằng chúng làm tốt công việc và đạt được những điều lớn lao trong cuộc sống của chúng.
Khi bạn nói với con mình; “Con có thể làm được” hay “Cha/mẹ tin tưởng ở con”, là bạn đã khuyến khích nó tin tưởng vào bản thân mình. Con bạn sẽ cố gắng hơn là khi nó không nhận được những lời khuyến khích từ phía bạn. Trẻ con lớn lên mà nhận được những khích lệ tích cực luôn làm tốt hơn trong mọi việc mà chúng đang cố gắng làm.
Đây là một điểm quan trọng. Những mong đợi tích cực không giống như sự đòi hỏi. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng họ đang thể hiện những sự mong đợi tích cực trong khi thực ra là họ đang đòi hỏi con cái họ phải làm theo một tiêu chuẩn nhất định. Một sự đòi hỏi luôn đi kèm với tình yêu thương có điều kiện, với quan niệm là nếu đứa trẻ không làm theo những sự trông đợi đó, thì tình yêu thương và sự ủng hộ từ phía cha mẹ sẽ bị rút lại.
Điều quan trọng là truyền đạt cho con bạn rằng, cho dù chúng làm tốt hay không, thì bạn vẫn hoàn toàn yêu thương chúng một cách vô điều kiện. Nếu con bạn cảm thấy rằng tình yêu thương của bạn bị rút lại nếu nó làm không tốt thì nó sẽ trở nên sợ hãi và cảm thấy không an toàn. Ngay cả khi nó làm tốt, thì nó sẽ không có được sự vui thích và hài lòng thật sự với sự thành công của nó.
BÀI TẬP VỀ NHÀ VÀ SỰ GIÁO DỤC
Các bậc cha mẹ nuôi dưỡng những người thành đạt cao đều có những thái độ rõ ràng với bài tập ở nhà. Họ nắm rõ tầm quan trọng của bài tập về nhà và việc học tốt ở trường. Họ muốn con cái họ phải hoàn thành bài tập được giao đúng thời hạn. Trong mỗi môn học, nhân tố quan trọng nhất giải thích những thành tích học tập cao là thái độ của cha mẹ đối với việc học hành và việc để tâm đến sự giáo dục con cái.
Một yếu tố quyết định việc học tốt là bài tập về nhà được làm ở đâu và khi nào. Trong các gia đình có những người thành đạt cao, bài tập về nhà thường được làm tại bàn ăn tối của gia đình trước hay sau khi ăn bữa tối, ti vi được tắt đi và cha mẹ cùng ngồi đó. Cha mẹ tự nguyện giúp trẻ làm bài tập và giúp chúng làm quen với những bài tập được giao nếu cần.
Ngược lại, những người kém thành đạt lại xuất thân từ các gia đình mà cha mẹ đuổi chúng về phòng để làm bài tập. Khi đó, thông điệp mà chúng nhận được là bài tập về nhà và việc học cũng không có gì là quan trọng. Những đứa trẻ không học cách hoàn thành bài tập về nhà đến khi lên 10 tuổi thường có rất ít khả năng đạt được thành tích học tập tốt trong việc học hành của chúng sau này.
Nếu bạn muốn con bạn học tốt ở trường, bạn phải quan tâm đến mỗi giai đoạn giáo dục của trẻ. Như tôi vừa nói lúc trước, cuộc sống là việc học sự tập trung chú ý. Bạn luôn chú ý hơn đến những gì mà bạn đánh giá cao nhất. Khi bạn chú ý đến việc học và các hoạt động ở trường của con bạn, nó sẽ đánh giá những hoạt động này quan trọng và có giá trị cao hơn nhiều. Nếu bạn lờ đi việc học hành hay bài tập ở nhà, đứa trẻ sẽ cảm thấy là những việc đó không quan trọng và chúng có xu hướng cũng lờ những việc đó đi.
HÃY XÂY DỰNG LÒNG TỰ TRỌNG CỦA CHÚNG
Bạn có thể giúp xây dựng lòng tự trọng ở trẻ bằng cách dạy trẻ nói câu; “Mình ưa thích bản thân mình” ngay từ những năm tháng đầu đời. Bạn bắt chúng đứng trước gương và lặp đi lặp lại câu nói đó. Trẻ học được cách xây dựng và duy trì lòng tự trọng của riêng chúng, chúng sẽ tự nhận thức tốt hơn những đứa không làm được như vậy.
Trẻ con có sự tự nhận thức cao và tích cực thường học tốt ở trường. Chúng không tham gia vào các vụ phá hoại của công hay vướng vào các rắc rối. Chúng không tự hủy hoại bản thân. Chúng có khả năng chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ các nhóm bạn cùng trang lứa. Chúng có những tính cách mạnh mẽ hơn.
Trẻ con với những sự tự nhận thức cao, lòng tự trọng cao và độc lập trong suy nghĩ sẽ có khả năng suy nghĩ cho bản thân và định hướng bản thân đến sự thành đạt, hoàn thiện nhân cách. Chúng tập trung vào việc thực hiện khả năng của chúng hơn là bù đắp cho những thiếu hụt của chúng.
Khi con bạn cảm thấy bản thân nó thật tệ hại, nó sẽ hình thành sự nghi ngờ với những điều tốt đẹp xảy ra với nó trong tương lai xa. Nó sẽ phát triển khả năng trì hoãn sự hài lòng trong tương lai gần để nhằm có được những phần thưởng lớn hơn trong tương lai.
HÃY LÀ MỘT TẤM GƯƠNG TỐT
Nếu bạn thật sự muốn nuôi dưỡng con trẻ trở thành người tự tin, khỏe mạnh và hạnh phúc, trước hết bạn cần phải trở thành một tấm gương tốt cho chúng.
Trẻ con học chủ yếu thông qua việc bắt chước trong suốt những năm tháng đầu đời của chúng. Chúng học bằng cách quan sát, lắng nghe và bắt chước những lời nói và hành động của bạn.
Khi bạn trở thành một người cha/mẹ và đặt mình như một hình mẫu, bạn không còn được làm hay nói bất cứ điều gì bạn muốn. Bạn phải quan tâm nhiều hơn đến hành động của mình và sự tác động mà nó có thể gây ra với con bạn.
Nếu bạn muốn con lớn lên với những thói quen ăn uống tốt, bạn phải làm gương bằng cách ăn uống hợp lý. Nếu bạn muốn con tránh xa việc uống rượu, hút thuốc hay các thói quen gây nghiện khác, bạn cần phải tránh xa những hành vi đó. Nếu bạn muốn con dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách, thì thay vì xem ti vi, bạn nên đọc sách mỗi khi có cơ hội. Nếu bạn muốn con cái bạn phát triển lòng kiên nhẫn, sự điềm tĩnh, sự tự tin và tự chủ, bạn cần là hình mẫu của những phẩm chất này, ngay cả trong những trường hợp phải cố gắng.
Trẻ con thường nhìn cha mẹ để học cách cư xử, và việc bạn trở thành một hình mẫu tốt có thể có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời đứa trẻ hơn hầu hết mọi việc khác bạn có thể làm.
CHA MẸ HÃY YÊU THƯƠNG NHAU
Có lẽ điều tốt đẹp nhất mà một người đàn ông có thể làm cho con cái của mình đó là yêu thương mẹ của chúng. Và có lẽ điều tốt đẹp nhất mà một người mẹ có thể làm cho con cái của mình đó là yêu thương cha của chúng. Trẻ con học được về tình yêu thương khi lớn lên trong những gia đình mà tình yêu thương được bộc lộ và chia sẻ một cách tự do. Chúng học cách trở thành một người tình cảm thông qua việc quan sát tình yêu giữa cha mẹ chúng.
Bạn có thể đã được nuôi dạy bởi các bậc cha mẹ không nhận thức được về điều này. Họ có thể đã mắc nhiều sai lầm với bạn, đặc biệt là những chỉ trích tiêu cực. Họ có thể chưa bao giờ cho bạn tình yêu thương mà bạn cần.
Bạn là một con người của thói quen. Xu hướng tự nhiên khi trở thành cha/mẹ đó là đối xử với con cái mình bằng những việc giống như cha mẹ bạn đã làm với bạn. Bạn mắc cùng một sai lầm. Bạn làm những việc có hại tương tự và bạn cảm thấy nó thật tệ hại. Nhưng vẫn chưa quá muộn. Nếu bạn có thói quen dùng sự chỉ trích tiêu cực với con cái mình, bạn hãy điều chỉnh ngay để cứu vãn tình hình.
ĐƯA NÓ TRỞ LẠI
Hãy ngồi lại với con bạn. Sau đó, hít sâu và hãy xin lỗi chúng về tất cả những chỉ trích sai lầm hay những sự trừng phạt về thể xác mà bạn đã sử dụng với chúng. Hãy nói với chúng rằng bạn rất tiếc về mọi việc mà bạn từng nói hay làm khiến chúng bị tổn thương hay cảm thấy bản thân thật tồi tệ.
Một trong những lời phàn nàn lớn nhất của trẻ con ở mọi lứa tuổi đó là cha mẹ chúng chưa bao giờ nói câu “Cha/mẹ xin lỗi” về những lỗi lầm mà họ đã gây ra, hay về những điều tai hại mà họ từng nói, từng làm. Trẻ con cực kỳ nhạy cảm với sự công bằng và công lý. Chúng cảm thấy giận dữ và bị tổn thương khi chúng nhận thấy rằng chúng đã bị đối xử không công bằng hay bị buộc tội oan vì bất cứ lý do gì. Nếu không được giải quyết, sự tức giận này có thể kéo dài trong nhiều năm.
Mục đích của bạn khi xin lỗi con cái là bạn có thể nhận hoàn toàn trách nhiệm cho bất cứ sai lầm nào mà bạn đã nói hay làm. Khi bạn xin lỗi, bạn thể hiện với con cái rằng bạn là một con người. Bạn không hoàn hảo. Bạn thể hiện với chúng rằng bạn có cá tính và sự can đảm để chấp nhận rằng bạn đã sai.
Nhiều bậc cha mẹ khước từ việc xin lỗi con cái bởi vì họ sợ rằng con cái sẽ không tôn trọng họ. Họ cảm thấy rằng họ phải tỏ ra là không thể sai lầm nếu không con cái họ sẽ khinh thường họ. Họ sợ rằng việc xin lỗi là một dấu hiệu của sự yếu đuối.
Tuy vậy, thực tế lại ngược lại. Khi bạn xin lỗi con cái, bạn đã làm tăng tình yêu thương và sự tôn trọng của chúng với bạn. Bạn làm tăng khả năng con bạn sẽ hợp tác với bạn trong tương lai. Nếu bạn không xin lỗi khi làm sai, bạn sẽ khiến đứa trẻ trở nên giận dữ và oán giận. Bạn đã hạ thấp giá trị của chính bạn trong mắt chúng.
Khi bạn xin lỗi con cái, bạn sẽ tháo bỏ được cảm giác có lỗi, sự tiêu cực và sự thiếu tư cách gây ra bởi sự chỉ trích tiêu cực trong quá khứ. Bằng cách xin lỗi và chấp nhận rằng bạn có lỗi với hành vi của mình là bạn đã tạo ra sự công bằng cho con cái. Kết quả của hành động xin lỗi chỉ bằng cách nói câu “Cha/mẹ xin lỗi về những gì mà cha/mẹ đã làm hay đã nói” có thể xuất hiện ngay và rất đáng ngạc nhiên.
Nhiều bậc cha mẹ chứng kiến con cái họ thay đổi chỉ qua một đêm bằng một cách đơn giản là ngồi lại với chúng và nói “Cha/mẹ xin lỗi về tất cả những gì mà cha/mẹ đã làm hay nói khiến con bị tổn thương”.
Một khi bạn đã xin lỗi, hãy hứa là không bao giờ mắc lại sai lầm đó nữa. Hãy cho phép con bạn được nhắc nhở bạn khi thỉnh thoảng bạn mắc vào. Từ lúc đó, cứ khi nào bạn quên lời hứa, cứ khi nào bạn nói một điều gì đó trong giận dữ thì hãy rút lại nó ngay và nói “Cha/mẹ xin lỗi”.
Trẻ con rất dễ bỏ qua. Chúng rất cần và muốn có được sự yêu thương và tôn trọng của cha mẹ đến mức chúng sẽ sẵn sàng tha thứ và quên tất cả. Một khi bạn từng xin lỗi con và đứa trẻ đã tha thứ cho bạn thì vệt đen đã được lau sạch. Đứa trẻ cảm thấy được giải phóng, giống như một tù nhân được phóng thích. Và bạn cũng được tự do.
Khi bạn nói xin lỗi với con cái là bạn đã cho phép chúng chấp nhận rằng chúng cũng có thể mắc sai lầm. Chúng không phải tốn công sức để tìm cách che đậy và bảo vệ chúng như đa số người lớn vẫn làm. Khi bạn thể hiện rằng bạn có lòng can đảm và dám chấp nhận sai lầm của mình, bạn đã làm gương để xây dựng lòng can đảm ở con cái. Chúng nhận ra rằng chúng không phải trở nên hoàn hảo để được chấp nhận. Chúng rất quan trọng và có giá trị như chính bản thân chúng.
Mối quan hệ lâu dài nhất mà bạn có được là với con cái bạn. Nó sẽ kéo dài suốt cuộc đời bạn. Nếu bạn đối xử với con cái bằng tình yêu thương, sự kiên nhẫn và sự thông cảm, bạn sẽ thu được những phần thưởng xứng đáng trong cuộc đời.
TÓM TẮT NGẮN GỌN
Một là, vai trò chính của việc nuôi dạy con cái là nuôi dạy những đứa con với sự tự tin và lòng tự trọng cao. Điều này tạo cho chúng sự hạnh phúc và thành đạt khi trưởng thành.
Hai là, trẻ con liên tục cần tình yêu thương, sự ủng hộ và chấp nhận vô điều kiện từ cha mẹ chúng. Đây là yêu cầu then chốt cho sự phát triển khỏe mạnh của chúng. Nếu chúng không có nó, chúng sẽ tìm kiếm nó suốt cuộc đời.
Ba là, hãy nói với con bạn mỗi ngày là bạn yêu thương chúng, bằng cả lời nói và hành động. Hãy trao cho chúng những ánh mắt yêu thương, sự tiếp xúc cơ thể ấm áp và sự tập trung chú ý. Hãy dành nhiều thời gian với chúng, đưa chúng đi dạo, đi xem phim, đi du lịch và hẹn đi ăn trưa hay ăn tối. Không gì có thể truyền đạt rằng bạn yêu con mình rõ ràng hơn việc bạn đầu tư nhiều thời gian cho chúng.
Bốn là, tạo một môi trường học tập nghiêm túc cho con cái bằng cách tham gia vào việc giáo dục và làm bài tập ở nhà của chúng. Có những trông đợi tích cực rằng chúng sẽ cố gắng hết sức. Hãy nói với chúng là bạn tin tưởng ở chúng. Hãy tôn trọng ý kiến của chúng và khuyến khích chúng đóng góp suy nghĩ và cảm giác của chúng về cuộc sống của gia đình bạn. Hãy tôn trọng chúng và chúng sẽ tự tôn trọng bản thân.
Năm là, hãy nhớ rằng bạn là hình mẫu chính cho con cái. Con bạn, một cách có ý thức và vô thức, sẽ phấn đấu để trở thành một người như bạn và sẽ đối xử với người khác theo cách mà bạn đối xử với nó. Nếu bạn đối xử với con bạn bằng sự ân cần, kiên nhẫn, tình yêu thương, sự tôn trọng và sự ủng hộ, thì con bạn sẽ lớn lên và trở thành một con người thể hiện được đầy đủ tiềm năng của mình. Bạn không thể đòi hỏi gì hơn thế, và bạn cũng không nên hài lòng với điều gì ít hơn thế.
LUYỆN TẬP HÀNH ĐỘNG
Hãy tự hỏi sẽ thế nào nếu bạn là con trẻ. Hãy đặt mình vào vị trí của con bạn và sau đó tự đánh giá bản thân với tư cách là một người cha, người mẹ. Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của bạn? Bạn làm tốt điều gì và chưa tốt điều gì? Đâu là một số việc bạn làm có thể ảnh hưởng xấu đến con cái bạn? Bạn có thể làm gì, bắt đầu ngay từ hôm nay để trở thành một người cha/người mẹ tốt hơn và yêu thương con cái hơn?
Hãy đến bên con bạn và hỏi nó xem bạn cần làm gì để trở thành một vị phụ huynh tốt hơn. Và xem có điều gì bạn làm mà khiến nó không thích hay không. Hãy chăm chú lắng nghe những câu trả lời và những quan sát của nó.
Đừng ngắt lời, giải thích hay phòng ngự. Hãy ngừng lại trước khi trả lời. Hãy đặt câu hỏi để làm rõ, bằng cách nói “Ý con là gì?”, “Ví dụ là gì?”
Hãy diễn giải và phản hồi bằng lời lẽ của riêng bạn. Cuối cùng, hãy tự hứa là sẽ làm việc gì đó, thực hiện theo những gì mà con bạn đã nói với bạn. Nói mà không làm thì không đáng tin.
Bạn có thể trở thành một vị phụ huynh xuất sắc bằng cách phấn đấu trở thành một người như thế, và bằng cách luyện tập những gì mà bạn đã đọc trong chương này và trong cuốn sách này. Đây có lẽ là quyết định quan trọng nhất mà bạn từng làm, và là quyết định mang lại phần thưởng tuyệt vời nhất.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.