Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy

Chương 17. TỐNG TIỀN QUA MẠNG



ĐỐI MẶT VỚI THỦ ĐOẠN CHIẾM ĐOẠT QUA MẠNG

“Các công ty nên lường trước một cuộc tấn công quy mô lớn, được dự trù trước từ phía các nhà phê bình. Một cuộc tấn công sẽ diễn ra dồn dập trên các bình luận (comment) ở các trang blog, trên những fanpage của Facebook và một cuộc công kích của các blog, gây sự chú ý cho phía báo giới chính thống. Hãy bắt đầu bằng việc phát triển một kế hoạch ứng phó cuộc khủng hoảng truyền thông trên mạng và phát triển hệ thống dập lửa nội bộ để đón đầu những việc sẽ xảy ra.”

– Jeremiah Owyang, Tập đoàn Altimeter, WEB-STRATEGIST.COM

Trước đây, một công ty có thể thuê một người làm công tác PR để đảm bảo mọi người sẽ nói về công ty của họ. Ngày nay, thậm chí một công ty không mấy quan tâm đến hoạt động tự quảng bá cũng phải làm điều này, đơn giản là để bảo đảm rằng mọi người không nói những điều sai sự thật về mình. Nếu như ngày xưa công ty đó lo việc loan truyền thông điệp thì ngày nay nó lại tìm cách ngăn chặn việc phát tán những thông tin sai sự thật và gây tổn hại cho công ty.
Khi toàn bộ hệ thống được thiết kế nhằm lặp lại và phóng đại một cách nhanh chóng bất cứ thông tin ngẫu nhiên nào nó tìm được, chúng ta cũng thấy dễ hiểu khi các công ty sẽ cần người trực điện thoại 24/7 để dập tắt tin đồn trước khi nó bắt đầu. Người đó thường là một người giống như tôi vậy.

Một trong những hợp đồng lớn đầu tiên tôi có được là hợp đồng trị giá 10 nghìn đô -la cho việc xử lý một nhóm kẻ phá bĩnh đã tấn công trang Wikipedia của một khách hàng và đưa lên đó đầy những lời dối trá và tin đồn thất thiệt.

Những “dữ kiện” này sau đó xuất hiện trên các tờ báo lớn và trên các blog thích theo đuổi bất cứ vụ bàn tán nào mà họ tìm thấy về công ty này. Một vị lãnh đạo công ty đã kêu than rằng: “Chúng tôi phải làm sao để dừng việc này lại đây? Chúng tôi chỉ muốn được yên[1].

Google cũng gặp khó khăn tương tự khi Facebook thuê một đơn vị PR nổi tiếng thực hiện chiến dịch rỉ tai ẩn danh những lời cảnh báo về tính bảo mật nhằm chống lại họ. Các blogger thuộc đủ mọi thành phần đã bị mua chuộc để thực hiện mưu đồ tạo ra đủ lời đồn đại nhằm tác động lên phần chung cuộc trong vở kịch này là các bài xã luận trên tờ Washington Post, Politico, USA Today và The Huffington Post. Cũng như khách hàng của tôi, Google đã chết điếng bởi mưu kế này. Hãy tưởng tượng cảnh một công ty có giá trị 200 triệu đô – la đang mếu máo: “Hãy khiến việc này dừng lại đi! Chúng tôi chỉ muốn được yên.” Tuy nhiên, tình hình được cải thiện hiệu quả một cách không ngờ. Đại diện Google đã chia sẻ với các phóng viên giữa cơn bão lửa những lời tranh cãi rằng: “Chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm. Trọng tâm của chúng tôi là đem lại niềm vui cho mọi người bằng những sản phẩm tuyệt vời.”

Chắc rồi, hãy tiếp tục tập trung vào việc đó Google ạ. Nhưng điều đó không quan trọng. Một khi cuộc chạy đua vũ trang này bắt đầu, mọi thứ sẽ không thể trở lại bình thường được nữa. Nó sẽ leo thang theo chiều hướng như sau: Một công ty nhận ra việc gieo rắc những câu chuyện trên mạng rất dễ dàng và thuê một công ty khác tấn công đối thủ của mình. Khi đang bị bao vây giữa luồng dư luận xấu, công ty đối thủ lại thuê một công ty khác để bảo vệ chính nó – và sau đó phản công. Thế là bắt đầu một vòng luẩn quẩn của sự thao túng trên mạng và có thể tiêu tốn đến hàng trăm nghìn đô -la. Và đó là trận chiến dễ xảy ra nhất trên mặt trận PR mà mỗi công ty có thể phải đối mặt.

Hãy xem xét điều gì đã xảy ra với Công ty sữa chua khổng lồ Danone của Pháp khi bị công kích bằng hai đoạn băng giả mạo của Fernando Motolese, một nhà sản xuất băng hình ở Brazil.

Fernando Motolese nói rằng đoạn băng thứ nhất là một đoạn phim vui vẻ nói về sản phẩm sữa chua của Danone, được chế biến ra nhằm cải thiện chức năng tiêu hóa và các chức năng khác của cơ thể. Còn đoạn băng thứ hai là một phiên bản đáng kinh tởm của đoạn băng đầu tiên: một đoạn phim với những hình ảnh tục tĩu đến ám ảnh. Ông ta cho biết, có thể ông ta sẽ cho đăng phiên bản đầu tiên nếu công ty đồng ý trả phí cho ông ta dựa theo lượt xem.

“Hành động này giống như một vụ tống tiền đối với công ty chúng tôi” – đại diện của Danone là Renato Fischer, người phản đối yêu sách này, đã nói như vậy với tờ Technology Review của MIT[2]. Đây thật sự là một vụ tống tiền – hình thức tống tiền bằng việc phát tán băng hình.
CHIẾM ÐOẠT TRONG THẦM LẶNG

Thủ đoạn của Motolese là một trong nhiều kiểu chiếm đoạt đã và đang xảy ra trên mạng với tần suất không hề nhỏ mỗi ngày. Đặc điểm nổi bật duy nhất của nó là sự trơ tráo và thường được che đậy bằng những thuật ngữ có phần mơ hồ hơn.

Hãy xem xét mẩu tin của Michael Arrington đăng trên TechCrunch với tiêu đề: “Lý do chúng tôi thường tung hỏa mù đối với các công ty”. Bài báo được mở đầu với dáng vẻ một cuộc thảo luận về chính sách thông tin của trang này được tôi xem như một lời đe dọa ngầm dành cho giới công nghệ ở Thung lũng Silicon. Sau khi một doanh nhân mới khởi nghiệp công bố tin tức, “lần thứ hai”, về đời sống riêng của bà ấy trước khi trang web của Arrington có cơ hội để viết về điều đó (TechCrunch đã cho bà ấy biết rằng họ đang viết một câu chuyện về bà. Thế là, bà đã tự mình hành động trước), Arrington quyết định dùng bà ấy làm gương. Trước tiên, ông ta nói với các độc giả của mình rằng, ông ta có thông tin cá nhân không mấy tốt đẹp về vị doanh nhân này và ông ta đang cân nhắc về việc đăng tải nó. Đây là một lời ám chỉ không mấy lễ độ rằng ông ta nắm thóp của mọi người và ông ta toàn quyền quyết định có nên cho đăng tải tin tức về họ hay không. Rồi Arrington đáp trả bằng việc phát biểu rằng vị doanh nhân này sẽ không còn “nhận được bất cứ cuộc gọi nào (từ ông ta) trong tương lai để cảnh báo bà ấy về việc (TechCrunch) sẽ tung tin tức về hoạt động khởi nghiệp của bà ấy”. Làm như thể việc phóng viên nói chuyện với những nguồn tin mà họ đang khai thác là một sự chiếu cố vậy. Ông ta kết luận trong một tin nhắn thân thiện hơn: “Hãy đối xử tôn trọng với chúng tôi rồi các vị sẽ được tôn trọng lại. Đó là tất cả những gì chúng tôi mong đợi”[3]. Có thể ông ta kết lại tin nhắn này một cách lịch thiệp đấy, nhưng theo tôi thông điệp của ông ta cũng sặc mùi tống tiền không kém cạnh thông điệp của Molotese[4].

Nhiều trang blog khác cũng làm điều giống như vậy bằng cách kết hợp giữa tư tưởng họ có quyền và tính lười nhác của họ. Một nhóm các chuỗi khách sạn hiện đang xúc tiến một vụ kiện chống lại TripAdvisor và nhiều trang web du lịch khác về việc những trang web này không chịu gỡ bỏ những ý kiến mang tính xúc phạm đối với họ. Năm 2010, một bài báo khá tích cực trên tờ Financial Times có nói về sức ảnh hưởng ngày càng tăng của các blog hoạt động trong lĩnh vực đồng hồ hạng sang và đăng kèm lời than phiền từ một nhà sản xuất đồng hồ về việc một blogger thường đăng tin sai lệch về các chi tiết cũng như thông số kỹ thuật quan trọng của sản phẩm, bên cạnh việc dùng từ sai chính tả và ngữ pháp cũng sai be bét. Để đáp trả, biên tập viên của một trang blog khác cũng về ngành công nghiệp đồng hồ, trang TheWatchLounge, nhảy vào bênh vực trang đó bằng thái độ hoạnh họe: “Ngành công nghiệp đồng hồ hạng sang đã làm được gì để giúp anh ấy trở thành người viết giỏi hơn? Và cũng trên phương diện đó thì ngành công nghiệp (của mấy người) đã làm được gì để giúp cho bất cứ ai trong số các blogger đó trở thành những người viết giỏi hơn?”[5]

Nếu có dịp, tôi cũng sẽ hỏi ông ta câu hỏi mà tôi đã từng đặt ra cho một blogger cứ liên tục đăng tin sai về vụ American Apparel. Blogger đó nói rằng: “Khi nào các vị phát hiện một lỗi sai, hãy gửi thư điện tử cho tôi và chỉ ra lỗi sai đó.” Tôi hỏi lại: “Này ông, tại sao tôi lại phải làm cái việc của ông cơ chứ?”

Dạo trước, một chiếc máy bay của một hãng hàng không lớn đã phải nếm trải một trục trặc suýt trở thành thảm họa giữa không trung. Dù động cơ bị cháy và gặp rủi ro, viên phi công vẫn cố gắng cho máy bay hạ cánh một cách an toàn, cứu được mạng sống của hơn 400 hành khách. Nhưng khi vụ việc lộ ra, nhiều người dùng Twitter trở nên điên cuồng và tung tin rằng chiếc máy bay đã gặp tai nạn thương tâm. Sự thật là, máy bay này không chỉ hạ cánh an toàn, mà viên phi công còn hành xử một cách nghĩa hiệp tuyệt vời: ông cho hành khách số điện thoại riêng của mình phòng khi họ có gì thắc mắc hoặc muốn tìm người để nói chuyện cùng. Phong thái anh hùng khiêm tốn và thầm lặng của ông ấy lẽ ra nên được ngợi ca.

Nhưng không ai biết về điều đó cả vì câu chuyện được kể trên mạng hoàn toàn khác. Tờ Harvard Business Review đã phê bình hãng hàng không đó phản ứng không đủ nhanh trong lĩnh vực marketing và không đủ sức ngăn chặn những lời xuyên tạc tràn lan trên mạng. Họ viết rằng: “Thật tiếc khi những người dùng mạng xã hội, nổi tiếng với sự nhiệt tình trong việc muốn làm người đầu tiên tung tin đó cho những người theo dõi của họ và đã vô tình a dua với nhau để làm lu mờ câu chuyện vĩ đại về hành động đáp máy bay an toàn, cứu sống nhiều sinh mạng của viên phi công” (tôi nhấn mạnh) .

Vâng, rất đáng tiếc. Đó là từ mà gã côn đồ hàng xóm có thể nói một cách đạo đức giả với một chủ cửa hiệu: “Sẽ rất đáng tiếc nếu có chuyện xảy ra với cửa hiệu nhỏ xinh của các vị” và sau đó hắn tìm cách thu tiền bảo kê hằng tháng. Đây chính là phương thức của bọn tống tiền. Lời đe dọa không rõ ràng theo kiểu “nộp tiền không thì mày chết” nhưng thật ra nó là một mệnh lệnh. Bạn phải cung cấp thêm nhiên liệu cho câu chuyện và nhanh tay thoát khỏi nó (kể cả khi có những chuyện khác quan trọng hơn đang diễn ra, bạn biết đấy, như việc cố gắng không để máy bay rơi chẳng hạn), nếu không danh tiếng của bạn sẽ bị hủy hoại và bạn sẽ có nguy cơ mang tiếng xấu oan uổng mà không thể được gột rửa bởi sự thật hay bởi bất cứ điều gì.

MỘT NỀN VĂN HÓA ÐẦY SỢ HÃI

Hầu hết các chuyên gia mạng xã hội đều chấp nhận phương thức này và truyền đạt cho khách hàng của họ mà không hề thắc mắc: Hãy đối xử đặc biệt với các trang blog nếu không họ sẽ tấn công các bạn. Bất cứ lúc nào, các trang blog cũng tìm được chuyện để đào bới. Ngay cả Twitter, YouTube và rất nhiều công ty đều phải chi tiền cho chúng. Và tùy thuộc vào ý đồ của mình, những kẻ đó có thể sẽ đòi bạn trả tiền để đổi lại sự yên ổn.

Việc đưa tin đúng có ý nghĩa quan trọng với đối tượng của bản tin hơn là với người viết tin. Vậy bạn nghĩ ai sẽ là người quy hàng trước? Ai sẽ phải chi hàng nghìn đô -la cho các quảng cáo trên mạng nhằm ứng phó với đám phóng viên tha hóa không đáng một xu kia? Ai rốt cuộc sẽ phải thuê một người chuyên viết bình luận thuê như tôi để lấp vào các cuộc thảo luận bằng những tin tốt đẹp nhằm lấn át những tin dối trá xấu xa ấy?

Ngày nay, có hàng tá công ty cung cấp dịch vụ quản lý danh tiếng cho doanh nghiệp và cá nhân. Dù họ đánh bóng lời chào mời của mình bằng những mỹ từ về hiệu suất hoạt động và phản hồi của khách hàng, nhưng dịch vụ của họ thực chất là xử lý những vụ giao kèo mang tính phá bĩnh, độc hại và bẩn thỉu mà tôi nói đến trong cuốn sách này. Vì vậy, các bạn không phải nhúng tay vào việc đó. Ở một mặt nào đó, nó cũng là công việc tôi đang làm. Tôi tìm cách tận dụng càng nhiều càng tốt những sơ hở trong định nghĩa của Arrington.

Định hướng này đã trở thành một phần quan trọng của hoạt động quản lý thương hiệu. Mối đe dọa thường trực của việc bị tấn công bất ngờ bởi một lời tranh luận sai; hoặc bị đối xử không công bằng từ một nhận định thiếu chính xác đang treo lơ lửng trên đầu mọi người trong cả cộng đồng. Các nhân viên, dù tốt, xấu hay bất mãn và thèm khát đồng tiền, biết rằng mình đang có trong tay những công cụ có thể làm xấu mặt những người chủ của họ một cách ê chề bằng các lời cáo buộc khôn khéo về chế độ đãi ngộ không tốt hoặc bị quấy rối… Người ta biết rằng sử dụng những trang blog như trang Consumerist chính là cách nhanh nhất để trả thù bất cứ dịch vụ chăm sóc khách hàng nào mà họ cho là làm mất lòng họ.

Việc hàng triệu con mắt dõi theo và từng chủ nhân của những con mắt đó chỉ biết đến đồng tiền đã đủ sức thao túng các cuộc thảo luận trong các phòng họp công ty, các phòng ban thiết kế và những phiên họp về chiến lược. Nó có tác động gì? Bên cạnh việc làm người ta trở nên vị kỷ, nó bắt họ hành xử theo hai cách: cố tình khiêu khích hoặc giả tạo một cách bảo thủ. Nói cách khác là không trung thực.

Các blog chỉ trích các công ty, các chính trị gia và các cá nhân khi họ giả tạo nhưng lại chế nhạo họ một cách không thương tiếc khi họ quảng bá sứ mệnh của mình và thậm chí đổ lỗi cho họ vì những lỗi lầm nhỏ nhất. Các sắc thái mang nhiều tầng nghĩa bị khai thác như một điểm yếu. Kết quả là, các chính trị gia phải bám sát hơn nữa vào những nhận xét được chuẩn bị trước cho họ. Các công ty phải che đậy động cơ thật bằng những bài diễn văn đậm màu thương mại. Các nhân vật của công chúng không thể trả lời một câu hỏi nào ngoại trừ cách nói: “Miễn bình luận.” Mọi người đều phải giới hạn việc thể hiện bản thân để tránh nguy cơ mắc lỗi[6].

Ngày nay, việc các nhóm nhạc tự do tìm cách né tránh hoặc từ chối tiếp xúc báo mạng là việc khá phổ biến. Một số nhóm thậm chí còn che đậy sự vui mừng của mình và từ chối nêu tên. Tại sao vậy? Họ e sợ những phản ứng dữ dội vốn đã nhấn chìm nhiều ban nhạc có tiềm năng từng xuất hiện trước họ. Đi kèm với tiếng tăm sẽ là nguy cơ bị ghét và tôi nghĩ điều này không chỉ dừng lại ở các blog âm nhạc.

Gần đây, trang Overstock.com bị buộc phải giải trình về văn hóa web khó lường và đầy hung hăng này trong một mẫu đơn 10-K (báo cáo tài chính hàng năm) với Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). Đây là một biện pháp phòng ngừa mà nhiều công ty sẽ phải dùng đến trong tương lai – để cho các nhà đầu tư biết rằng các blog có thể tác động ra sao đến tình hình tài chính của họ mà không cần báo trước và không cần nhờ vả. Nói về nó như một trong ba yếu tố có khả năng gây nguy cơ lớn đối với công ty, trang Overstock.com đã viết: “Việc sử dụng báo mạng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng chúng ta.”

Đang có một sự gia tăng đáng lưu ý trong việc sử dụng các ứng dụng báo mạng và các công cụ tương tự, bao gồm nhật ký mạng (blog), các trang báo mạng và các hình thức giao tiếp khác trên Internet, cho phép cá nhân tiếp cận một lượng lớn khán giả và những người quan tâm khác. Khán giả có thể đánh giá những thông tin xuất hiện tức thì liên quan đến các nhà bán lẻ, nhà sản xuất, hàng hóa cũng như dịch vụ của họ và thường hành xử dựa theo những thông tin đó mà không có sự đào sâu tìm hiểu, đối chiếu và không quan tâm đến độ chính xác. Sự hiện diện của thông tin trên các ứng dụng và công cụ mạng xã hội trong thế giới ảo cũng tức thì như tác động của nó. Các ứng dụng và công cụ mạng xã hội có thể nhanh chóng cho đăng những nội dung mà người theo dõi và các thành viên muốn cho đăng, thường là không cần bộ lọc hay sự kiểm tra độ chính xác của thông tin được đăng. Khả năng thông tin được phát tán, bao gồm những thông tin không chính xác, dường như là vô hạn và có thể ở khắp mọi nơi. Những thông tin liên quan đến công ty có thể được đăng trên những ứng dụng và những công cụ như vậy vào bất cứ lúc nào. Thông tin được đăng có thể gây bất lợi cho chúng ta. Nó có thể không chính xác, có thể gây tổn hại cho hoạt động, triển vọng hoặc tình hình kinh doanh của chúng ta. Thiệt hại có thể là tức thời và không cho chúng ta cơ hội đính chính hoặc chỉnh sửa gì cả. Những ứng dụng như vậy cũng có thể được sử dụng để phát tán bí mật kinh doanh, làm giảm giá trị tài sản công ty và tất cả những điều này có thể gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh, triển vọng, tình hình tài chính và hiệu quả vận hành của chúng ta.

Họ đang dọa chúng ta ư? Có thể. Nhưng tôi từng nhìn thấy hàng trăm triệu đô-la bốc hơi trên thị trường chỉ vì những mẩu tin giả mạo trên blog. Khi trang blog Engadget cho đăng một e-mail giả thông báo hoãn việc tung ra hệ điều hành mới của iPhone và Apple, nó đã khiến tổng giá trị cổ phiếu của Apple giảm 4 triệu đô -la. Chiến dịch bầu cử năm 2008 cũng suýt đi chệch hướng khi một “nhà báo nhân dân” nọ đã lừa cả ứng viên Barack Obama và bà Hilary Clinton trong lúc vận động tranh cử để hai người này phải nói gì đó bộc lộ điểm yếu thật sự của họ bằng cách cố ý làm họ hiểu sai ý mình. Người phụ nữ 61 tuổi này sau đó thú nhận rằng cả hai người này đều “không biết bà ấy là một nhà báo”, cũng như không biết rằng bà ấy đang thu âm họ bằng một thiết bị bí mật. Sau đó, tức giận vì trang The Huffington Post không ăn chia đầy đủ cho “mẩu tin đi trước đón đầu” của mình, bà ta xin nghỉ việc sau khi cho đăng những email cá nhân giữa bà ta và Ariana Huffington – chỉ để giành giật sự chú ý một lần cuối cùng, bất chấp việc có làm ai tổn thương đi nữa.

Bản thân tôi cũng từng làm như vậy khi khuyên một người bạn đang muốn trả đũa một nhà báo tài năng rất nổi tiếng (đã trở thành huyền thoại về tính nóng nảy và có tiếng trong việc hủy hoại người khác) bằng cách nhờ luật sư thảo một lá thư tuyên bố rằng anh ấy có ý đâm đơn kiện làm xấu mặt nhà báo này, sau đó anh ta có thể tiết lộ điều này cho các trang blog thích tán gẫu. Xin bạn lưu ý là anh ấy không có ý kiện thật, chỉ là lời hăm dọa trong một lá thư. Lời đe dọa này sau đó xuất hiện trên trang TMZ, ESPN và nhiều blog khác.

Gần đây, tôi tình cờ gặp lại anh ấy và được biết về kết cục của vụ việc đó như sau: Họ đã trả anh ấy 500 nghìn đô -la để anh ấy rút lui. Tôi thường suy nghĩ về điều này. Có lẽ họ đã ăn cắp của bạn tôi, nhưng việc tôi làm cũng là chiếm đoạt của ai đó. Điều làm tôi phiền lòng là nó không phải một mánh khóe được dàn dựng kỹ lưỡng – tôi không cho là mình có bản chất của một tên tội phạm – mà là những công cụ này quá dễ tiếp cận và quá dễ sử dụng, đến nỗi khó mà không sử dụng chúng. Trên thực tế, việc đó xảy ra dễ dàng đến nỗi tôi thậm chí không nhớ mình đã làm việc đó cho đến khi anh ấy nhắc tôi về nó.

Cách mà một người nào đó có thể bị lợi dụng thông qua hệ thống pháp lý (bất cứ ai cũng có thể bị thưa kiện vì bất cứ chuyện gì) và giới truyền thông, khi mà họ che đậy nó (cáo buộc dành cho các nhân vật của công chúng thường bắt nguồn từ sự ác ý hoặc việc bóp méo sự thật một cách trắng trợn), làm tôi nhớ về vụ tai nạn thảm khốc trong phim Meet Joe Black (tựa tiếng Việt: Hẹn gặp tử thần), trong đó nhân vật do Brad Pitt thủ vai bị một chiếc xe hơi tông phải và văng ra giữa không trung, rồi lại bị tông bởi một chiếc xe hơi khác chạy từ hướng còn lại.

Việc không cảm thấy kinh sợ trước một vụ tống tiền, một lời nói dối hiểm ác hay trước một đối thủ vô đạo đức tung tin thất thiệt sẽ không còn quan trọng nữa. Bạn không có gì để sợ khi bạn là kẻ vô danh tiểu tốt. Thậm chí khi ấy, cũng không ai dám chắc điều đó.

[1]. Tôi thậm chí còn nghe được những tiếng khóc đau thương hơn đến từ gia đình của một người nổi tiếng khi họ liên hệ với tôi sau cái chết của người con trai. Họ muốn được giúp đỡ khi người dùng Wikipedia đưa những lời phỏng đoán và thông tin sai sự thật về tai nạn thảm khốc của con trai họ – TG.

[2]. Antonio Regalado, “Cuộc chiến tranh du kích của truyền thông mạng”, Technology Review, năm 2010. http://www.technologyreview.com/business/26281 – TG.

[3]. Trước khi tham gia tranh cử tổng thống, Thượng Nghị sĩ Barack Obama đã khuyên các chính trị gia bằng hữu của mình về hoạt động vốn đang trở nên thịnh hành là sử dụng blog trong chính trị: “Nếu các vị tôn trọng các trang blog, họ sẽ tôn trọng các vị.” Giá mà tất cả chúng ta đều có thể thừa nhận rằng chúng ta phải vỗ về cái tôi của các blogger để được họ đối xử một cách công bằng… – TG.

[4]. Michael Arrington, “Tại sao chúng ta thường tấn công các công ty”, chỉnh sửa lần cuối ngày 20 tháng Sáu năm 2011. http://techcrunch.com/2011/06/20/why-we-often-blindside-companies – TG.

[5]. Tom Mulraney, “Thư ngỏ gửi ngành công nghiệp đồng hồ cao cấp – Hãy giúp chúng tôi, hãy giúp chính mình”, chỉnh sửa lần cuối ngày 13 tháng Mười một năm 2010. http://thewatchlounge.com/an-open-letter-to-the-luxury-watch-industry-%E2%80%93-help-us-help-you – TG.

[6]. Trong cuốn The Psychopath Test của mình, nhà báo Jon Ronson đề xuất một cách rất thực tế để thoát khỏi “thế lực hung bạo và có thật” này là tạo cho mình một phong cách tẻ nhạt. Tại sao vậy? Các nhà báo thích viết về những thứ khác thường và ghét viết về những người nhàm chán hoặc tẻ nhạt – vì như vậy bài viết của họ sẽ nhạt nhẽo – TG.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.