Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy

Chương 19. GIAI THOẠI VỀ ĐÍNH CHÍNH



Những người bạn trên web sẽ hỏi chúng tôi: “Chúng ta không thể cho đăng tin và nói rằng chúng ta đang kiểm chứng tin đó hay sao?” Tâm lý ngày nay là: “Chúng ta không phạm sai lầm, chúng ta chỉ đăng cập nhật.”

– Roxanne Roberts, WASHINGTON POST, Phóng viên mục Reliable Sources (tạm dịch: Những nguồn đáng tin cậy)

“Bạn đuổi theo các tin Twitter trong khi chúng lan nhanh hơn trước khi bạn bắt kịp. Chuyện này giống như việc nhét lại kem đánh răng vào tuýp kem vậy, trừ khi kem đánh răng là sinh vật sống, không thể sống trong ống kem và nó mơ đến Broadway.”

– Tom Phillips, Biên tập viên quốc tế của MSN, người sáng lập trang IS TWITTER WRONG? (tạm dịch: Liệu Twitter có sai?)

Người ta không thấy rằng xã hội không thể tiếp tục thu thập tin tức một cách vô hạn định bằng phương thức đầy lãng phí này hay sao? Một số người tìm cách rêu rao lời dối trá và một số khác tìm cách tẩy chay lời dối trá! Việc đó giống như đưa một triệu người ra sa mạc để đào hố, rồi lại đưa một triệu người khác ra để lấp hố.

– Upton Sinclair, trong cuốn The Brass Check

BÁO CHÍ LẶP LẠI TỒN TẠI ĐƯỢC LÀ VÌ người ta tin vào khả năng đưa ra những chỉnh sửa và cập nhật của trang web đối với các mẩu tin. Người hâm mộ báo chí lặp lại thừa nhận rằng, mặc dù tốc độ nhanh chóng có thể dẫn đến sai lầm nhưng việc đó cũng không hề gì vì lỗi lầm có thể được sửa một cách dễ dàng. Họ nói rằng, báo chí lặp lại yếu khi xét về mặt cá nhân riêng lẻ nhưng lại mạnh khi được xét như một tập thể, do các blogger và độc giả làm việc cùng nhau để cải thiện từng câu chuyện – bằng cách lặp lại.
Là một người đang bị “mổ xẻ” bởi báo chí lặp lại cũng như được làm việc với những người là đối tượng của phong cách báo chí này từ trước đến giờ, tôi có thể bảo đảm với bạn rằng triết lý này rất vớ vẩn. Chỉnh sửa trực tuyến là một trò hề. Tất cả những lời bao biện cho báo chí lặp lại không chỉ sai mà còn thực sự hoàn toàn đi ngược lại tinh thần nghề báo.

Các blogger không còn hăng hái tìm kiếm phản hồi giúp họ nhận ra những lỗi lầm nữa. Và cũng dễ hiểu khi thấy họ miễn cưỡng thừa nhận lỗi lầm trước công chúng, mặc dù đó là trách nhiệm của họ. Sai lầm càng nghiêm trọng, càng ít người muốn đối mặt. Điều đó được gọi là “mâu thuẫn nhận thức” và chúng ta đã từng nghe nói về nó một thời gian dài.

Nhìn thấy thứ bạn biết là không đúng nhưng được trình bày trong bản tin như thể nó là điều đúng là một trải nghiệm gây phẫn nộ. Tôi không hiểu cảm giác của một nhân vật công chúng là gì (tôi nhận thấy thật khó hiểu được cảm giác của họ) nhưng bản thân tôi cũng là nạn nhân của một vài mẩu tin sai được lan truyền trên mạng và tôi biết cảm giác đó rất khó chịu. Tôi biết rằng với tư cách một nhân viên báo chí và chứng kiến những lỗi sai mà lẽ ra các blogger có thể tránh được một cách dễ dàng đã khiến tôi rất tức giận. Vậy mà họ không hề cảm thấy áy náy về những lỗi lầm họ phạm phải.

Nếu bạn muốn một blogger chỉnh sửa một cái gì đó – vốn là việc các đối tượng nhạy cảm chịu tác động của tin tức hay yêu cầu – bạn hãy chuẩn bị tinh thần để khúm núm trước họ. Bạn phải o bế các blogger sao cho họ nghĩ rằng dù gì chỗ sai đó cũng không phải lỗi của họ. Hoặc bạn phải chuẩn bị tinh thần làm một tên du côn. Đôi khi họ kháng cự rất mạnh và lạm quyền đến mức bạn phải đánh liều với những mối quan hệ thân ái ấy bằng cách khiếu nại lên cấp trên của họ.

Đôi khi tình hình còn nghiêm trọng hơn thế. Một trong những câu chuyện sửa sai trên blog mà tôi thích nhất là câu chuyện liên quan đến Matt Drudge, blogger chính trị nổi tiếng nhờ vụ tung tin về Monica Lewinsky. Nhưng ít người nhớ đến vụ bê bối chính trị trước đó mà Drudge theo đuổi. Theo một nguồn tin ẩn danh, Drudge cáo buộc vị phóng viên nổi tiếng kiêm cố vấn cho Clinton là Sidney Blumenthal về tội hành hung vợ của ông ta và Nhà Trắng đã bưng bít vụ này.

Nhưng không có chi tiết nào trong câu chuyện này là thật cả. Không có bằng chứng nào về việc Blumenthal từng đánh vợ hay về việc Nhà Trắng bưng bít. Câu chuyện nhanh chóng chìm xuồng sau khi người ta biết rằng có một nguồn tin nặc danh của Đảng Cộng hòa đã thì thầm vào tai Drudge để âm mưu phá hoại danh tiếng của Blumenthal. Sau cùng, Drudge đã thú nhận với trang Washington Post rằng: “Có người lợi dụng tôi để hãm hại ông ấy… Tôi nghĩ mình đã bị lừa.”

Thế nhưng Drudge chỉ đính chính mẩu tin của mình như sau: “Tôi xin đính chính thông tin về Sidney Blumenthal xuất hiện trên trang Drudge Report vào ngày 11 tháng Tám năm 1997.” Ông ta không chịu xin lỗi vì nỗi đau gây ra bởi sự hấp tấp của mình, kể cả khi phải đối mặt với án phạt 30 triệu đô-la. Và bốn năm sau đó, khi vụ việc đã chấm dứt, Drudge vẫn bảo vệ cho báo chí lặp lại: “Điều tuyệt vời ở thể loại báo chí mà tôi đang hành nghề đó là bạn có thể chỉnh sửa mọi thứ nhanh chóng[1].”

Chỉ có một từ dành cho một kẻ như vậy: ngu xuẩn.

Tôi ứng phó với những người như ông ta hằng ngày. Tại sao họ lại trở thành như vậy? Họ là những người làm sai – trong khi bổn phận của họ là làm đúng, phải vậy không? Không. Triết lý của họ không cho là vậy. Hãy nhớ rằng, bất cứ ai cũng đều có trách nhiệm chỉ ra những sai lầm, ngoại trừ những người được trả tiền để đăng tin kiếm sống.

SỬA SAI CHO NHỮNG NGƯỜI KIẾM SỐNG BẰNG CÁCH LÀM SAI

Có lần, tôi tặng cho chương trình “Hãy chọn giá đúng” một thẻ quà tặng giá 500 đô-la của American Apparel để làm giải thưởng. Chúng tôi nghĩ như vậy sẽ rất vui vì đó là chương trình giải trí tôi yêu thích từ nhiều năm qua. (Thực tình là, lúc đó tôi chỉ là một khán giả hâm mộ một cách vô tư) . Tập đó được ghi hình vào tháng Chín và nhanh chóng được một nhân viên của tôi đăng tải lên tài khoản YouTube của công ty. Mọi người rất thích chương trình này và cảm nhận được điều hài hước tôi muốn ám chỉ: một thương hiệu nổi tiếng chiếu cố đến một chương trình truyền hình mà chỉ có người già xem. Vâng, mọi người đều hiểu điều đó trừ trang blog quảng cáo nổi danh Brand Channel – trang này cho đăng một dòng tít không hề hóm hỉnh chút nào: “American Apparel bợ đỡ Drew Carey hòng xây dựng hình ảnh”[2]. Họ thản nhiên một cách tàn nhẫn khi tiếp tục nói về công trạng từ “sự lựa chọn gây ngạc nhiên” của tôi trong việc quay “một chương trình quảng cáo, phiên bản nhại lại của chương trình trò chơi trên truyền hình nổi tiếng của Mỹ ‘Hãy chọn giá đúng’ được dẫn bởi một nhân vật nổi tiếng của làng truyền hình Mỹ là Drew Carey.”

Chúng ta đính chính điều đó như thế nào? Chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Chúng ta không đối mặt với cùng một thực tiễn. Nếu như trước đó tôi biết cách liên lạc trước với tên ngốc Drew Carey, trên thực tế là người dẫn chương trình của “Hãy chọn giá đúng” và đoạn phim mà tay blogger kia xem được, vốn là một trích đoạn trong chương trình đó và hoàn toàn không phải một đoạn phim quảng cáo, thì tôi vẫn sẽ phải thuyết phục người viết đính chính lại toàn bộ vì một tin cập nhật là không đủ để sửa chữa hết mức độ sai sót. Bởi tôi đã không còn ngây thơ và trông chờ vào những phép màu nữa, tôi thậm chí không cố đính chính nó, kể cả khi các trang blog khác nhắc lại lời cáo buộc. Tôi chỉ ngồi đó và nhìn người ta tin sái cổ vào một điều ngu xuẩn; tác giả bài viết đã sai tới mức lỗi sai đó mang lại lợi thế cho họ.

Dù cho tôi có tìm cách đính chính nhưng tình hình cũng không khá hơn là bao. Cần có thời gian để đăng một tin đính chính, thường là mất nhiều giờ hoặc nhiều ngày, có khi là nhiều tuần, vì các blogger sẽ cố tình làm việc một cách lề mề. Tin tức lan đi rất nhanh sau khi được cho đăng và được cài đường dẫn. Tuy nhiên, khi bạn chỉnh sửa hoặc cập nhật, hầu như không có nhiều người đọc nó. Tôi nhớ đã vài lần gửi email cho Gawker và Jezebel để góp ý cho những lỗi sai về dữ kiện nhưng không nhận được hồi âm. Chỉ sau khi tôi gửi email đi một lần nữa (từ cùng một thiết bị), tôi mới nhận được tin nhắn: “Ồ, tôi không nhận được thư anh.” Dĩ nhiên rồi, họ muốn nói gì chẳng được! Có vẻ như những lời khuyên ẩn danh của tôi đã đến được hộp thư của họ – đó là lúc việc sửa lỗi được chính thức đăng tải.

Trường hợp của tôi không phải là hiếm. Bạn tôi, một blogger về xe hơi với niềm đam mê chân thành dành cho công việc, có lần gửi thư điện tử cho phóng viên của một trang tin cũng về xe hơi nhưng ít tiếng tăm hơn, đề cập đến việc trang này cho đăng một tin đồn sai.

Anh ấy: Tại sao cứ để dòng tít trên mạng mãi như vậy, trong khi giờ đây chúng ta đều biết là nó không đúng?

Blogger: Mấy người thật buồn cười.

Các blogger thường cho đăng tin cập nhật của họ ở tận dòng cuối cùng. Vì họ rất ma lanh, cũng như chúng ta – họ không muốn lớn tiếng thừa nhận mình đã sai hoặc để nó là thứ đầu tiên độc giả nhìn thấy. Trong những trường hợp khác, các trang blog thường đính kèm thư điện tử của bạn vào cuối bản tin, như thể muốn nói “theo ý kiến của bạn” thì họ đã sai. Dĩ nhiên đó không chỉ là một ý kiến đơn lẻ, nếu không họ chẳng phải đăng nó lên. Nhưng họ phải duy trì mẩu tin và làm ra vẻ như đó là mẩu tin có sự tương tác hai chiều. Điều cuối cùng họ muốn là viết lại mẩu tin hoặc gỡ bỏ mẩu tin của mình chỉ vì tiếc vài phút họ bỏ ra cho mẩu tin đó.

LÀM SAI

Sai về dữ kiện chỉ là một kiểu lỗi sai – nó có lẽ là kiểu ít quan trọng nhất. Một câu chuyện được hình thành từ nhiều dữ kiện và tổng hợp các dữ kiện tạo nên một bản tin. Công tác đính chính loại bỏ những dữ kiện đó khỏi câu chuyện – nhưng bản thân câu chuyện và cốt lõi của nó vẫn tồn tại. Thậm chí nhà báo từ chối thừa nhận mình sai, trong những trường hợp hy hữu cũng phải tuân theo quan điểm: Dữ kiện gây hoài nghi thì câu chuyện được viết dựa trên nó phải cần được xem xét lại. Nói cách khác: Chúng ta không cần một tin cập nhật, mà cái chúng ta cần là một bản tin được viết lại.

Cũng như khi biên tập Henry Blodget của trang Business Insider đưa tin về “những lời đồn không được kiểm chứng” liên quan đến việc ba nhà báo danh tiếng được thuê để làm blogger với mức lương gần 500 nghìn đô-la/năm. Ông ta đăng tin này bất chấp sự thật, như ông ta thừa nhận và trích dẫn trong một bài báo, một nguồn tin nói với ông rằng các con số rất “đáng buồn cười”. Ngày hôm sau, trong một bài đăng có dòng tít “DAILY BEAST: Chúng tôi không trả cho Howard Kurtz 600 nghìn đô -la/một năm!”, ông ta cho biết để đáp trả lại một nguồn tin khác đã phủ nhận thông tin của ông và gọi đó là “những con số được thổi phồng quá đáng bởi những trí tưởng tượng siêu tích cực”. Không nao núng, Blodget cho đăng tin cập nhật với một vài “thông tin mới”: một loạt tin đồn khác về thù lao mà các phóng viên khác được trả. Dẫu vậy, bất chấp việc các kết luận của mình bị bác bỏ, ông vẫn nhận định “đây có vẻ là thời đại vàng cho những người làm trong ngành tin tức”.

Thời đại vàng thật sự của các phóng viên chính là khi một kẻ như Blodget không chỉ được lợi từ việc đăng những tin đồn gây sốt mà còn được lợi vào ngày kế tiếp khi tự dẹp bỏ tin đồn do chính mình tạo ra. Và thế là ông ta nắm toàn quyền vận hành bánh xe thông tin hết lần này đến lần khác miễn là ngày đó ông ta còn sống. Vậy mà khi ông ta làm sai nhưng cũng không thèm sửa sai: Một kẻ bóp méo sự thật mà không hề cảm thấy hối hận chút nào về điều đó.

Blodget không phải trường hợp duy nhất. Có lần tôi nghe Megan McCarthy (Gawker, TechMeme, CNET) nói chuyện về phương thức lan truyền của những tin thất thiệt trên mạng, như tin vịt về cái chết của người nổi tiếng. Trong quá trình chất vấn, tôi đứng dậy và hỏi: “Thông tin bà cung cấp rất hữu ích, vậy còn những lỗi sai của một mẩu tin không được làm rõ trắng đen rõ ràng như thế thì sao? Bà biết đấy, có những chuyện phức tạp hơn chuyện một người nào đó đã chết hay chưa. Bà nghĩ sao về những lời dối trá khéo léo hay những quy chụp khôn khéo không được đính chính?” Bà ấy cười: “Tôi thích ý tưởng của ông khi ông cho rằng có thể có nhiều tầng nghĩa trên Internet.”

TÂM THỨC CỦA VIỆC LÀM SAI

Nếu vấn đề chỉ đơn giản là phá bỏ thói kiêu căng cố hữu của các blogger và các nhà xuất bản, thì ta có thể sửa đổi được báo chí lặp lại. Nhưng sự thật là việc học hỏi mang phong cách lặp lại cũng không phát huy tác dụng với người đọc – không một chút nào cả.
Lấy ví dụ như Wikipedia, một hình mẫu điển hình của quá trình lặp lại. Tính đến năm 2010, bài báo về chiến tranh Iraq đã nhận được 12 nghìn chỉnh sửa – đủ để làm ra 12 sách tập và 7 nghìn trang giấy in (có người đã bỏ công làm phép tính này để phục vụ một dự án sách nghệ thuật). Rất ấn tượng, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng con số đó đã che mờ sự thật rằng: tuy 12 nghìn chỉnh sửa đó giúp bức tranh miêu tả thêm phần rõ nét và chính xác, nhưng nó không phải là thứ mà hầu hết người dùng Wikipedia nhìn thấy trong suốt nửa thập niên qua. Hầu hết bọn họ không được sử dụng nó như một sản phẩm sau cùng. Không, nó đã được đọc, được tham khảo, một cách manh mún – trong lúc còn đang được xây dựng. Hàng nghìn trang Wikipedia khác liên kết với nó; rồi thêm hàng nghìn trang blog nữa dùng nó như tài liệu tham khảo; hàng trăm nghìn người đọc những đường dẫn đó và định hình quan điểm nhờ vào nó. Mỗi lỗi sai được chỉnh sửa, mỗi sự thay đổi hay bổ sung, hóa ra không phải là một thắng lợi mà là một thất bại. Bởi trong một thời gian dài, nó đã bị hiểu lầm rằng đang trong tình trạng đúng hoặc hoàn thiện – kể cả khi nó là một dạng văn bản liên tục.

Sự thật là trong lúc Internet cho phép người ta viết lách theo kiểu lặp lại, độc giả lại không đọc hay tiêu thụ những nội dung đó theo kiểu lặp lại. Mỗi thành viên thường thấy những gì họ thấy một cách chóng vánh – một phần của tiến trình – và đưa ra kết luận dựa vào đó.
Phương pháp lặp lại thất bại là vì: Với tư cách là một dạng kiến thức, tin tức tồn tại trong một giai đoạn mà các nhà tâm lý gọi là “thì hiện tại hình thức”. Như nhà xã hội học Robert E. Park đã viết: “Tin tức sẽ mãi là tin tức cho tới khi nó đến được với người có ‘mối quan tâm dành cho tin tức’. Một khi được xuất bản và tầm quan trọng của nó được công nhận, tin tức sẽ trở thành lịch sử.” Hoạt động báo chí không bao giờ có thể thật sự được lặp lại bởi vì một khi tin tức được đọc, nó liền trở thành dữ kiện và trong trường hợp này, là dữ kiện kém chất lượng và thường thiếu chính xác.

Những người ủng hộ báo chí lặp lại cố gắng kéo dài thì hiện tại hình thức của mẩu tin bằng cách yêu cầu độc giả đừng vội nhận xét mà theo dõi các cập nhật và chịu trách nhiệm cho hoạt động xác thực dữ kiện của mình[3]. Các blogger yêu cầu trì hoãn sự nghi ngờ từ phía độc giả khi tin tức được mổ xẻ ngay trước mũi họ. Nhưng cũng như một sinh viên đang làm bài kiểm tra và cố gắng kéo dài thời gian để có thể kịp thời trả lời những câu hỏi cuối, điều đó là không thể.

Kiềm chế bản năng giải thích và phỏng đoán cho tới khi có được tất cả các bằng chứng là một kỹ năng mà các thám tử và bác sĩ phải rèn luyện trong nhiều năm mới nắm vững được. Đây không phải là sở trường của những con người thường tình; mà thật ra, chúng ta được sinh ra để làm điều ngược lại. Tâm lý chung của con người là “tin trước, đánh giá sau”, như nhận định của một nhà tâm lý học. Tôi xin bổ sung thêm: “Miễn là chúng ta không quên nó.” Làm sao chúng ta có thể mong con người đi ngược lại bản chất của mình trong khi họ đọc chuyện phiếm về người nổi tiếng và tin tức thể thao?

Khoa học đã chứng minh rằng chúng ta không chỉ dở trong việc giữ thái độ hoài nghi mà chúng ta còn không giỏi trong việc thay đổi niềm tin một khi chúng được chứng minh là sai. Trong một công trình nghiên cứu có tên “Khi việc chỉnh sửa thất bại” của Đại học Michigan, các học giả chính trị là Brendan Nyhan và Jason Reifler đã phát minh ra một thuật ngữ có tên “hiệu ứng ngược[4]”. Sau khi cho các đối tượng xem một bài báo giả mạo, một nửa lượng người tham gia được cung cấp tin đính chính ở hàng cuối trong đó phủ nhận ý chính của bài báo – cũng giống như bạn có thể thấy ở cuối một bài blog. Sau đó, tất cả các đối tượng được yêu cầu định mức niềm tin của họ đối với các nhận định trong bài báo.

Những người được xem phần đính chính lại dễ tin vào nhận định ban đầu hơn những người không xem đính chính. Và họ giữ niềm tin đó một cách quả quyết hơn những người còn lại. Nói cách khác, việc chỉnh sửa không những không giúp sửa sai mà còn gây hiệu ứng ngược và khiến nhận thức sai lầm trở nên nghiêm trọng hơn.

Điều xảy ra đó là phần đính chính đã giới thiệu lại lời nhận định, đưa nó vào trí óc của người đọc và buộc họ xử lý lại thông tin qua quá trình tâm lý. Thay vì thúc đẩy họ loại bỏ suy nghĩ cũ, như mong đợi, các phần đính chính dường như củng cố thêm ấn tượng của họ đối với dữ kiện bị phản đối.

Theo cách này, tôi cũng thấy thật mỉa mai khi Wall Street Journal đặt tên phần đính chính của họ là “Đính chính & Nhấn mạnh[5]”. Phải chi họ biết rằng các tin đính chính thực chất lại nhấn mạnh thêm vấn đề. Nhưng nói thật là, làm gì có nhiều những vụ việc mà một tờ báo muốn “nhấn mạnh” thêm các nhận định ban đầu của nó đến thế, đúng không? Họ định làm gì đây? Cho đăng một tin cập nhật nói rằng trong bài báo đầu tiên họ đã không giở đủ giọng điệu hống hách và vờ vịt chăng?

Các blogger ca ngợi việc đính chính như thể nó là một loại thần dược có thể chữa lành mọi vết thương. Đây là sự thật: Đưa ra quan điểm là việc làm thú vị, nhưng chỉnh sửa nó thì không. Một lời cáo buộc có khuynh hướng lan truyền nhanh hơn lời thừa nhận sai lầm một cách khiêm nhường nhiều ngày hay nhiều tháng sau đó. Upton Sinclair đã sử dụng hình ảnh “nước” làm ẩn dụ để nói về điều này: Mẩu tin giật gân chảy thật nhanh qua một con kênh thông thoáng, trong khi các chi tiết hành chính như những tin đính chính thì bị chặn bởi một bức tường bê-tông của một con đập đã đóng.

Một khi trí não tiếp nhận một thông tin nó cho là hợp lý, thông tin đó trở thành khung sườn cho tất cả các thông tin được tiếp nhận sau đó. Một cách vô thức, chúng ta bị quyến rũ bởi việc điều chỉnh và nhào nặn lượng kiến thức chúng ta tiếp nhận sau đó cho vừa với khung sườn của chúng ta, dù nó phù hợp hay không. Các nhà tâm lý học gọi đây là tính cứng nhắc của nhận thức. Những dữ kiện giúp tạo nên thành lũy ban đầu không còn nữa nhưng kết luận vẫn tồn tại – đó là cảm nhận chung về ý kiến của chúng ta, trôi nổi trên nền tảng đã sụp đổ của chính nó.

Thông tin quá tải, sự “bận rộn”, tốc độ và cảm xúc, tất cả làm hiện tượng này trở nên trầm trọng hơn. Chúng khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc cập nhật niềm tin mới hoặc giữ cho đầu óc cởi mở. Khi các độc giả lặp lại, bình luận, phản ứng lại và nghe những tin đồn – các trang blog được thiết kế chỉ để khuyến khích những hành vi đó – họ gặp khó khăn hơn trong việc nhìn ra sự thật khi nó đã được trình bày hoặc chỉnh sửa.

Trong một công trình nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu tìm hiểu tác động của việc tiếp cận thường xuyên với những tựa báo bịa đặt, khó tin. Thay vì nuôi dưỡng thái độ hoài nghi riêng lẻ như những người khởi xướng báo chí lặp lại mong muốn, hóa ra là những dòng tít và bài báo các độc giả đọc có nội dung càng khó tin bao nhiêu, nó càng khiến hệ tham chiếu của họ bị bẻ cong bấy nhiêu – làm cho sự thật giống như cái giả tạo và cái giả tạo giống như sự thật. Dòng tít càng có vẻ thái quá, người đọc càng dành nhiều thời gian để xử lý nó và họ càng có khuynh hướng tin vào nó. Một nhận định khó tin càng được xem nhiều lần, người ta càng dễ tin vào nó[6].

Việc mô thức lặp lại có thể truyền đạt đúng một câu chuyện là việc có thật, cũng như trên lý thuyết Wikipedia sẽ vĩnh viễn tiến đến các trang có chất lượng cao hơn. Nỗ lực cộng gộp của hàng trăm hay hàng nghìn trang blog có thể làm tăng giá trị sản phẩm cuối cùng, thậm chí nhiều hơn so với việc một tòa soạn báo đơn lẻ có thể làm dù họ rất tận tâm. Khi họ làm được điều đó, tôi sẽ vui mừng chúc mừng họ – họ có ném mình vào những cuộc diễu hành ăn mừng thì tôi cũng chẳng bận tâm – nhưng tôi phải nhắc họ rằng, khi mọi việc kết thúc, nó vẫn không mang đến điều gì khác biệt. Vẫn có nhiều người bị lạc lối hơn là được giúp đỡ.

Thế giới vận động tốc hành của báo chí lặp lại hoạt động trái ngược với cách vận động của não bộ con người. Các nghiên cứu đã cho thấy, não bộ xử lý việc đọc và nghe theo những cách rất khác nhau, chúng kích hoạt các vùng não bộ khác nhau đối với cùng một nội dung. Chúng ta đặt quá nhiều lòng tin vào những thứ được viết ra. Từ nhiều thế kỷ qua chúng ta biết rằng viết lách là một công việc tốn kém – và cũng biết rằng để an toàn, người viết hiếm khi hy sinh nguồn tin của mình chỉ để thừa nhận là mình sai bằng giấy trắng mực đen. Chữ nghĩa và cách dùng từ ngữ khiến chúng ta tin rằng chúng đi liền với quyền lực và lòng tin từ hơn nghìn năm trước.

Báo chí lặp lại làm cho nhiều công ty và nhiều người rơi vào thế không thể: Lên tiếng chỉ để xác nhận mẩu tin gốc – dù nó sai be bét ra sao – trong khi phải im lặng và thả nổi câu chuyện với tình trạng như ban đầu, đồng nghĩa rằng mẩu tin không hoàn toàn là lặp lại. Nhưng việc nhận ra nghịch lý sẽ làm suy yếu thành lũy của phương thức béo bở và nhiều lợi nhuận này. Tôi không biết nên cười mai mỉa hay nên buồn khi nghĩ lời biện minh cho báo chí lặp lại cũng cần được đính chính. Phải chi Jeff Jarvis đăng lên blog của ông ấy rằng: “Ô, có vẻ như lỗi lầm khó sửa hơn chúng ta nghĩ… và cố sửa chữa chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Tôi cho rằng lẽ ra chúng ta không nên áp dụng cả nền công nghiệp ngớ ngẩn này lên mọi người một cách hà khắc như thế.”

Ngày đó chắc sẽ vui lắm.

Thay vào đó, triết lý đằng sau báo chí lặp lại cũng giống như rất nhiều ví dụ tồi tệ tôi đã đề cập. Các dữ kiện củng cố cho kết luận và những dữ kiện này sẽ sụp đổ nếu được xem xét kỹ lưỡng và sau cùng chỉ còn lại sự kiêu ngạo của kết luận sai lầm.

[1]. Howard Kurtz, “Cố vấn của Tổng thống Clinton kiện Matt Drudge tội phỉ báng – sự trả giá”, Washington Post, ngày 2 tháng Năm năm 2001. http://www.washingtonpost.com/ac2/wp-dyn/A30046-2001May1 – TG.

[2]. Shirley Brady, “American Apparel bợ đỡ Drew Carey hòng xây dựng hình ảnh”, chỉnh sửa lần cuối ngày 6 tháng Chín năm 2010. http://www.brandchannel.com/home/post/2010/09/06/American-Apparel-Drew-Carey.aspx – TG.

[3]. Tiện lợi thay, đây là một kiểu đọc giúp tạo ra nhiều lượt xem nhất cho trang blog – TG.

[4]. Brendan Nyhan và Jason Reifler, “Khi sự chỉnh sửa thất bại: sự cố chấp của những nhận thức sai lệch về chính trị”, Political Behavior số 32: 303–30 – TG.

[5]. Một cách tương đối, báo Reuters cho đăng các cập nhật và dữ kiện mới ở đầu các bài báo của họ và thường cho đăng lại chúng trên trang báo để thay thế những tin cũ – TG.

[6]. Jeffrey A. Gibbons, Angela F. Lukowski và W. Richard Walker, “Sự thẳng thắn làm tăng độ tin tưởng của những tiêu đề bài báo không đáng tin thông qua việc trau chuốt quá trình nhận thức”, Media Psychology số 7 (năm 2005): 273–300 – TG.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.